thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một ảnh tượng cắt rời: một vùng làng quê – một thời

 

Gửi Hoàng Thạch Thiết — có chung một làng quê...

 

Con sông trong trí nhớ của tôi không rộng. Ít ra là khi lớn lên, đi khỏi làng, đi khỏi tỉnh, rồi đi đây đi đó, sơn thủy thì không hẳn, nhưng đã gần như vĩnh viễn không còn quay trở lại, nó không còn rộng như nó từng mênh mông trải dài từ bờ bên này qua đến bờ bên kia đối với một cậu bé mười tuổi nay là người viết những dòng này. Không rộng, và khi chảy lên đến gần quốc lộ, nó nhỏ dần, nhỏ dần, để rốt cuộc chỉ còn là một chút long lanh mây trời dưới chân chiếc cầu đúc nằm sát một đồn Tây, giữa sỏi đá gồ ghề và cỏ dại vàng khô kéo dài e có đến cả ngày đường về phía đông. Một phần tuổi trẻ tôi trải qua trên cái chỗ đất xa xôi này, quanh quẩn một lối đi tre trúc bên hông nhà ngày đêm lao xao tiếng lá khô và tiếng gió, dẫn ra những ruộng đồng xanh ngắt và chân trời, rồi ngược lại, là con sông trước mặt nhà, bãi sắn khô cằn nằm giữa bến sông và, bên phải, con đường mòn nhỏ đi về phía đầu làng, một cánh rừng thưa đêm đêm nhấp nhô một vài ánh lửa, năm ba nóc nhà ngói thâm nâu phủ kín một thế giới rêu phong trên nền xanh của cây lá, rất nhiều túp lều tranh, một cánh rừng thưa nữa, cánh rừng lớn hơn, trước khi đến một khu chợ nhỏ xơ xác năm ba bữa họp một lần, tùy ngày mưa ngày nắng, trước khi nhìn thấy quốc lộ. Chỉ có thế, và cái phần tuổi trẻ làng quê ấy kéo dài không dưới một phần ba thời gian cha tôi đi kháng chiến.

Mẹ con chúng tôi theo gia đình bên nội đã đi qua nhiều khúc sông, nhiều thôn xóm làng mạc, nhiều bến bãi, quanh co tới tận những vùng núi đồi xa lắc, cả những nơi không có một tên gọi nhất định, trước khi quyết định yên phận ở đây — tưởng là chỉ để chờ cha tôi trở về. Quyết định? Ai quyết định? Có quyết định chăng cho chúng tôi là những trận càn quét kinh hoàng của lính Tây, có nghĩa, từ làng này qua làng khác, Tây đánh đến đâu, chúng tôi bỏ chạy đến đấy, toàn bộ y như theo một... chiến thuật, trong đó những di chuyển của gia đình tôi, không kể cha tôi bấy giờ đi kháng chiến, có thể đang lội qua một quãng sông nào đó ở các vùng Thanh Nghệ Tĩnh, hay đạp xe giữa một rừng cây nào đó ở Việt Bắc, những di chuyển của gia đình tôi không sắp xếp mà vẫn cứ y như là theo một sắp xếp của quân đội Viễn chinh. Trước làng là sông, sau làng là những cánh đồng bạt ngàn, mà đứng trên những đường đê chỗ cao chỗ thấp, lần đầu tiên tôi nghe nói và thấy tận mắt cái chân trời ửng hồng mãi về sau khi ngồi trên ghế nhà trường ở tỉnh tôi mới đem ra sử dụng hình ảnh trong các bài văn...

Ngày ấy — cái ngày tôi bắt đầu biết thích thú khi cùng hát với năm ba trẻ em trong xóm những câu hát vu vơ không nhạc làng Vịnh ăn sim cả tai, đến khi đi ẻ làng Lai ra hò, làng Đại cầm mũ cầm mo... — tôi bắt đầu nhận ra cảnh ngộ của một gia đình không có đàn ông trong thời chiến. Và trong ký ức đã mờ nhạt về một quãng đời đã qua, tôi đâu còn giữ lại gì đáng kể ngoài chút chi tiết có thể không còn nằm trên bất cứ một bản đồ nào, mà tôi e cũng chẳng nói lên gì cả: làng Vịnh là làng Vĩnh Phước; làng Lai là làng Lai Phước, cách làng Vịnh một con đường, tính theo đường cái thì là cách một đồn Tây nằm trên quốc lộ; làng Đại là làng Đại Áng, trong thế giới thu nhỏ của tôi nó như một dải dài mênh mông những khu vườn nối tiếp ẩn mình dưới những tán lá phủ kín một màu xanh đen, cách làng Vịnh một con sông, chính là con sông trên đó tôi từng trần truồng vẫy vùng, hai tay ôm chặt các thân chuối tươi...

Và như thế, ngày nay qua ngày khác, cha tôi ở xa, mãi trên những vùng rừng núi Việt Bắc, có thể đang một thân một mình thập tử nhất sinh trong những cơn sốt rét bất ngờ, cũng có thể đang cùng với những bạn bè kháng chiến của mình ngồi hút thuốc bên một bếp lửa để làm ấm những giấc mơ, còn mẹ con chúng tôi thì may lắm mới có được bữa rau bữa sắn, riêng mẹ tôi lúc nào cũng để sẵn một gói lọ nghẹ trong cái túi áo rách tươm không rõ màu của mình, phòng khi nghe báo Tây về trên độn, lập tức dùng những ngón tay thành thị ngày càng thuần thục bôi lên mặt lên cổ làm cho mình luộm thuộm xấu xí — để cha tôi yên tâm tiếp tục nuôi đẹp những giấc mơ ấy.

 

12. 2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021