thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nằm tròn trong đáy mắt

 

Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây
 
Huy Cận

 

Chiều buồn len lén tâm tư. Mơ hồ nghe lá thu mưa, dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa...

Nàng nằm thừ người trên giường nệm mênh mông, mắt không rời trần nhà trắng toát trên cao. Tiếng hát vẳng nhỏ, tự tình. Đêm đã muộn màng trên thành phố Sài Gòn, tiếng động rì rầm của xe cộ không lọt được vào ngôi biệt thự đường Đoàn Thị Điểm. Nàng cảm thấy rất một mình, nhịp tim đập chậm rãi. Quạnh hiu về thấm không gian, âm thầm như lấn vào hồn. Buổi chiều chợt nhớ cố nhân. Sương buồn lắng qua hoàng hôn... Đà Lạt. Một thuở dấu yêu nào nàng dạy Anh Văn trường Bùi Thị Xuân, tuổi vừa hơn đôi mươi. Cố nhân đồi thông, cố nhân thác đổ, cố nhân suối rào. Tất cả đã qua rồi, chỉ mới hai năm mà kỷ niệm dường như mù xa biệt vụt. Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ êm vui? Nhớ thương biết bao giờ nguôi... Vạt nắng buồn, chiều tưởng nhớ, hoàng hôn chập choạng, thanh củi nổ lách tách trong lò sưởi. Đà Lạt tối mau, sương xuống lạnh.

Khói thuốc thơm quấn quít. Sao không nói yêu em? Gã con trai cúi xuống, vòng tay ôm, má kề. Only you... Hơi thở phà ấm trên vành tai trong ánh nến lù mù. Only you can make the darkness bright...

Giờ này là mấy giờ ở Paris? Gã đang ngồi trong một hiệu cà phê ở Xóm Học? Gã đang vùi đầu vào những quyển sách tâm lý? Gã đang dạo chơi bên bờ sông Seine văng vẳng tiếng phong cầm trong sáng? Sous les ponts de Paris, lorsque descend la nuit... Sông Seine đổ ra biển, sông Đồng Nai cũng đổ ra biển, vậy mà rồi hai đứa mình cách xa nhau. Gã có đang nhớ tới nàng? Gã có thực sự yêu nàng? Ví dầu tình chẳng yêu đang, Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về. Về với một người đàn ông đã đeo đuổi nàng từ năm năm qua. Một người đàn ông mưu mô, quỷ quyệt, kiên nhẫn, tự tin, kiêu ngạo, biết mình muốn gì và làm cách nào để chiếm đoạt. Áp lực rất mạnh từ phía gia đình nàng. Hoặc nàng ưng lấy hắn, hoặc nàng phải từ bỏ dạy học. Cộng thêm nỗi ê chề trong lòng. Trước khi lên đường sang Paris, gã con trai đã cưới một cô gái khác — người con gái đã đính hôn với gã trước khi gặp nàng. Nàng còn cách chọn lựa nào khác hơn không? Nàng thở dài. Lời ca đuổi riết. Nàng cầm tạp chí Sáng Tạo dằn trên ngực giở ra. Những câu thơ gợi nhớ dưới mắt. Nhan sắc ơi trong thế giới ba ngàn, Thời khuyết sử có về đây không nhỉ. Nàng đã đọc cho gã nghe những câu thơ đó, trời Đà Lạt vào thu, những câu thơ còn vang động trong đầu. Tôi gọi lại từ trong lòng thế kỷ. Tiếng chiều xưa mất hút với âm thanh. Hàng ô vuông ủ kín cặp môi lành... Môi gã chụp phủ môi nàng, ánh lửa lò sưởi chập chờn, ánh lửa hang động cổ tích.

Ngày gã lên đường sang Paris, trên phi cảng nàng đứng xa xa mà nhìn, âm thầm tiễn biệt. Tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng động cơ ầm ĩ. Từ chỗ khuất nàng theo dõi chiếc phi cơ cất cánh cho tới lúc mất dạng trong mây mù. Đôi mắt chết đứng, giọt nước mắt lăn tròn trên má. Hết rồi! Nàng thở dài xếp quyển tạp chí dằn trên ngực. Trần nhà cao bồng bềnh. Một mùa thu xa vắng như mơ hồ về trong đêm tối. Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa. Chờ nhau hoài cố nhân ơi! Sương buồn...

Cộp cộp cộp!

Nàng giật bắn người nhỏm dậy, quyển tạp chí rớt xuống mặt nệm.

Trên buồng cửa xuất hiện một người đàn ông mặc áo ngủ xanh thẫm, tay ôm lỉnh kỉnh mấy hộp giấy, nụ cười nở rộng gượng ép:

- À mợ... mợ... À em... em hãy còn thức đấy à?

Nàng để ý sự thay đổi trong cách xưng hô của chồng mình, từ mợ sang em.

- Hôm nay em biết là ngày gì không?

Nàng ngơ ngác, cố moi trí nhớ. Hắn tiếp, hơi thở nực nồng mùi whisky:

- Hôm nay là ngày sinh nhật của em, bộ em quên rồi sao?

Nàng buột miệng kêu khẽ:

- À... à... Anh có nhắc tôi... tôi... em mới nhớ ra.

- Đêm nay anh muốn làm lành với em để cho chúng ta thân mật với nhau hơn.

Trên thân thể nàng còn nhiều vết bầm, mới có, cũ có. Nàng không mấy tin tưởng đề nghị của chồng, tuy nhiên cũng không dám phản đối.

Trước hết anh xin mời em ly rượu mừng em thêm một tuổi.

- Hắn ực hết ly rượu của mình. Nàng nhấm nháp. Rượu có vị đắng, lăn tăn ở đầu lưỡi. Hắn giục, cười gằn:

- Em uống đi chứ, để anh còn rót thêm.

Nàng tợp một ngụm rồi hai ngụm. Gò má nàng bừng nóng. Hắn ép nàng uống hai ly, còn bao nhiêu là phần hắn. Nàng trở nên dạn dĩ hơn (...) Nàng run run đưa tay tháo dây buộc trước ngực, chiếc áo lụa tím nhạt rủ xuống dưới chân nàng. Nàng vội vàng đưa tay đặt lên nhũ hoa, tay kia che đậy gò tình. Nàng cúi mặt nhìn xuống sàn nhà, đôi vai gầy run run như một tội đồ sắp bị hành quyết. Giọt nước mắt bật ra lăn tròn trên má.

Hắn nắm lấy tay nàng kéo đến trước chiếc gương lớn trong buồng. Nàng cúi gầm đầu. Hắn đứng phía sau nàng nắm tóc bật kéo cho mặt nàng ngửng lên:

- Kìa! Em hãy ngắm nhìn hình ảnh em trong gương đi. Đẹp đẽ thay! Em hấp dẫn như một cô gái giang hồ.

Nước mắt nàng tuôn ràn rụa trên má. Hắn càng đắc thắng:

- Hà... hà... như một cô gái giang hồ mới vào nghề! Như ả Kiều khi mới lọt vào lầu xanh. Hà... hà...

Hắn lôi nàng tới bên giường, xô nàng ngã lật tênh hênh trên mặt nệm. Hắn ra lệnh:

- Mợ hãy nằm lại cho ngay ngắn. Tôi còn món quà cuối cùng cho mợ.

Hắn muốn làm gì nàng nữa đây? Nàng thu người co ro ở đầu giường trong tư thế phòng ngự. Lạnh ngắt giữa hai đùi.

Hắn lúi húi tháo dây, mở một gói hộp vuông dài. Hắn quăng nắp hộp xuống sàn gỗ, từ từ lôi ra khỏi hộp một vật trắng dài hình thù bất định. Hắn dí vật đó tới sát mặt nàng, rít lên dữ tợn:

- Món quà này nhất định sẽ làm cho mợ vui thích lên tận chín tầng mây!

Từ máy hát, tiếng kèn đồng rít lên rát màng nhĩ. Hắn ngửa cổ rú cười man dại. Nàng ngó trân trân vật trắng, chợt hiểu, khắp châu thân vụt bật run lên lẩy bẩy.

Nàng chết điếng...

 

Only you!... When you hold my hand, I understand the magic touch you do, you’re my dream comes true, my one and only you... Thạch siết chặt hơn, bàn tay mân mê bờ hông nàng. Thùy muốn nới ra, nhưng rồi vẫn để yên. Bên góc kia gác trọ. Hoàng ôm Lan Anh rù rì trò chuyện. Mọi người gần như nhúc nhích tại chỗ, như mọi bận. Mỗi cuối tuần Hoàng có lệ mang mấy đĩa nhạc cổ điển Tây phương đến gác trọ của hai nàng để cả bọn cùng nhấm nháp trà, thưởng thức nhạc cổ điển, tán chuyện gẫu. Lan Anh và Thạch dần dà làm quen với loại nhạc này. Sau phần nghe nhạc, điệu Slow được vặn lên để mọi người nhảy với nhau rỉ rả. Trong bốn người, Hoàng nói nhiều nhất. Gã rất mê phong trào nouveau roman của Pháp với Alain Robbe-Grillet, Michel Butor. Có lần Hoàng đã phủ kín hết cả mười trang giấy để mô tả một cái bìa sách và viết cả một thiên truyện ngắn để theo dõi một vệt nắng di động trong lớp học. Thạch đọc xong ngửa cổ lên trời than thở “Mày làm tao sốt ruột quá trời!” Ngược lại Hoàng chê Thạch và cả bọn triết gia là một lũ phù thủy ngôn ngữ, chuyên vật lộn với các ý niệm và lý thuyết không tưởng. Ném các triết gia vào lỗ cống, Hoàng tôn thờ các mẫu anh hùng cách mạng ngoại lai đương thời như Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Che Guevara — không có Hồ Chí Minh, không có Staline. Hoàng đội mũ bê-rê xanh đen, phía trước có gắn mề đai tròn chạm hình Che. Hoàng theo dõi sách báo Pháp tường thuật các cuộc xuống đường của sinh viên trong đó mọi buồng phổi đều hô to “Mao! Mao! Mao! Mao Tsé Tung!... Che! Che! Che! Guévara!... Hô! Hô! Hô! Hồ Chí Minh...” Gã không ngừng mơ ước một cuộc đổi đời, một cuộc thay đổi chế độ, một cuộc cách mạng vô sản cho đất nước.

Thùy mở đầu câu chuyện:

- Trước mắt đây, năm học sắp hết rồi, hai anh có dự tính gì chăng?

Hoàng đáp:

- Gần như bị bắt buộc chứ không phải dự tính. Tôi phải về Sài Gòn thi mấy cái chứng chỉ Pháp văn lẩm cẩm. Còn mày thì sao hở Thạch?

Thạch đưa mắt về phía Thùy:

- Còn tôi thì phải ở lại Đà Lạt để thi chứng chỉ Triết, và viết một tiểu luận về “Kinh nghiệm hư vô”. Ngoài ra tôi vừa được chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Paris tu nghiệp niên khóa tới.

- Ồ! Sao anh may mắn thế! Anh tu nghiệp về môn gì vậy? Trường nào?

- Trường Sorbonne. Môn tâm lý học, chuyên về các chứng bệnh tâm lý. Có lẽ tôi sẽ có dịp đi quan sát bệnh nhân tại các bệnh viện tâm lý bên đó.

Lan Anh che miệng ngáp kín đáo. Thạch vén tay áo xem đồng hồ:

- Thôi, đã quá nửa đêm rồi, mình về đi.

Hoàng phản đối:

- Thư thả đã nào. Để tao vặn nghe thêm vài bản sonates nữa rồi hẵng về. Ngày mai chúa nhật, mày làm gì mà vội thế?

- Chúa nhật thì chúa nhật, buồn ngủ thì vẫn cứ buồn ngủ. Mày cũng phải để cho các cô đi ngủ sớm để còn giữ gìn sắc đẹp chớ.

Thạch vừa nói vừa đứng dậy. Cực chẳng đã Hoàng cũng phải đứng lên theo:

- Thôi chúng tôi về. Chúc hai nàng ngủ ngon nhé.

- Xin tạm biệt hai anh. Hẹn gặp nhau tuần sau.

Rời gác trọ hai nàng, Thạch nhảy phóc lên chiếc vespa đèo Hoàng sau lưng phóng xuống dốc đồi. Đà Lạt, gió đêm lạnh cắt. Sương xuống lù mù. Hoàng cằn nhằn:

- Cái thằng này mày làm gì như thể bị cháy nhà. Giờ này về nhà trọ lạnh teo. Ở lại ôm các nàng không sướng hơn sao?

- Bộ mày trồng cây si Lan Anh rồi hả?

- Đừng có nói nhảm. Giữa tao và Lan Anh chỉ có tình thầy trò.

- Thầy trò cái khỉ mốc gì! Mày kèm trẻ tư gia hơi kỹ đó nghe. Coi chừng có ngày vác chiếu ra tòa.

- Mày nói mày thì có. Lan Anh không chiếu cố gì đến tao chứ Thùy thì coi bộ đã có cảm tình đặc biệt với mày rồi đó, mày có đui mới không thấy. Hay mày là ông phỗng đá?

Thạch rút cổ vào hai vai:

- Tao đã có hôn thê rồi, mày biết chớ?

Hoàng vịn cái bê-rê sợ bay mất:

- Ôi chao! Sao cái thằng này mới cù lần thế! Người ta cưới nhau rồi vẫn còn ngoại tình, mày mới đính hôn mà nhằm nhò gì. Bộ mày tính giữ tiết trinh của mày cho ngày hợp hôn hả?

- Mày chỉ nói cho phần tao. Có bao giờ mày nghĩ tới chuyện tác hại tao có thể gây ra cho Thùy hay không chớ?

Hoàng lặng thinh. Leo dốc đồi, chiếc xe hai bánh chạy chậm lại. Thạch vặn thêm ga. Tiếng động cơ rú vang dội trong sương mù buốt giá...

 

Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa? Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò... Thạch cầm ly rượu dâu đỏ nốc cạn. Chai rượu dâu bà chủ nhà biếu đã vơi đi hơn một nửa. Ly nữa rồi ly nữa. Chai rượu cạn dần và Thạch cũng dần dần gục xuống bàn. Tiếng ca nửa đêm cố gắng lấp đầy gian nhà trọ... Người ơi! còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao. Còn đó tiếng khung quay tơ, còn đó con diều vật vờ, còn đó...

“Thạch, dậy đi Thạch!... Thạch, dậy đi!”. Tiếng gọi lặp lại nhiều lần, bàn tay lắc lắc vai Thạch “Dậy đi... dậy đi...” Thạch ậm ừ trong cổ họng, đầu óc còn choáng váng, nghiêng mặt ngó lên. Một tà áo trắng! Một tà áo trắng cố hữu, một tà áo trắng rất quen thuộc. Ngửng lên chút nữa. Một gương mặt liêu trai, chiếc mũi thanh tú, gương mặt rất quen thuộc. “Thùy!... Kìa Thùy, làm sao Thùy lại ở đây? Thùy!...”. Thạch buông tiếng kêu nhỏ rồi đứng phắt dậy như lò xo. Thạch lảo đảo ngã nhoài tới trước ôm chầm lấy Thùy, vòng tay ghì siết, môi đặt lên môi nàng hút chặt, bất cưỡng, đắm đuối. Nụ hôn đầu giữa hai người bất chợt, như đã dồn nén từ lâu. Và cũng là lời tỏ tình từ lâu không nói ra. Môi Thùy vụng về, thụ động. Buông nàng ra, Thạch nắm hai vai nàng đẩy lui, ngắm nghía nàng hồi lâu để chắc chắn mình không nằm mơ, mình không thấy lầm. Thạch lại kéo Thùy sát tới mình, định ghé môi hôn Thùy nhưng Thùy đẩy nhẹ:

- Anh để cho Thùy lau rửa mặt mũi và thay áo cái đã. Đi đường xa bẩn hết cả người.

Hương thơm mái tóc quen thuộc lòa xòa trên mặt, hương lavande, không phải, hương hoa sứ, không phải, hương hoàng lan, không phải, hương dạ lý, phải rồi hương dạ lý. Thạch mở mắt bắt gặp đôi mắt sâu kín nội tâm đang cúi nhìn mình. Chàng vòng tay ghì xuống, môi áp môi, người con gái nằm song song bên chàng, luồn tay vào tóc chàng, mời đón. Em đẹp bàn tay ngón ngón thon. Em duyên đôi má nắng hoe tròn. Em lùa gió biếc vào trong tóc. Thổi lại phòng anh cả núi non...

Thạch tằn mằn nút áo, bàn tay mê hoảng sờ soạng. “Đừng anh... đừng...”. Một nút áo bật ra, bàn tay mềm chận các ngón tay hoang dại, một nút áo nữa bật ra “Đừng anh... đừng... Anh hãy tắt đèn đi...”. Bóng tối trùm phủ căn phòng, bóng tối xóa nhòa, bóng tối dạn dĩ, tay chân mò mẫm tìm kiếm, thân thể lăn trở, hơi thở thúc bách “Đừng anh... đừng anh... anh nhớ giữ gìn dùm cho Thùy... Tội nghiệp Thùy...” Xiêm y bóc dở xào xạt. Vật vả, lăn lộn. Thở. Thở. “Đừng... đừng” dẫy dụa, trườn rướn. “Ái!” Tiếng kêu thảng thốt bật lên trong bóng tối. Mọi cử động thoắt nhiên dừng lại hết, đông cứng, hoảng hốt, tần ngần. Rồi tiếng khóc thút thít... Thạch với tay bật ngọn đèn ở đầu giường. Điều chàng cố dặn mình đừng phạm, giờ chàng đã phạm. Cánh mỏng trinh nguyên đã vù bay, bay vào bất tận, không bao giờ trở lại nữa. Giỡn với lửa, chàng đã bị lửa táp... Hay Thùy đã tự gieo mình vào trong lòng núi lửa? Thạch rời thân thể nàng, cơn sốt điên cứng còn đó. Tiếng kêu thương đã khiến chàng chùn bước, ăn năn. Thùy úp mặt xuống nệm, đôi vai gầy run run, mái tóc dài run run, cả thân mình nàng run rẩy. Thạch vuốt ve lưng nàng, xuôi theo dòng suối mềm giữa hai bờ vai nhỏ. Chàng chưa biết mở lời sao, Thùy đã nhỏm dậy, chăn quấn ngang ngực, cúi mặt nhìn chàng, lời chừng muốn ngỏ. Đôi mắt đó bỗng chập chùng cúi xuống. Những u buồn lời thú tội đam mê. Ta đã nghe trong bóng nắng xuân về. Bờ vai ấy một lần khơi nỗi nhớ...

- Anh xin lỗi em.

- Không, anh không có lỗi gì hết.

Thùy với tắt ngọn đèn thân mật ở đầu giường. Bóng đêm sụp đổ.

 

Kể từ lúc trao thân cho Thạch, thời gian dường như không còn ý nghĩa gì với Thùy nữa. Một năm đã qua, một thế kỷ đã qua, một thoáng chớp đã qua, một mùa xuân đã qua, cây cối đã bao nhiêu lần thay lá? Kỷ niệm muôn màu, xanh đỏ tím hồng hay lục non trắng muốt. Đôi lứa thần tiên suốt một ngày. Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.Dịu dàng áo trắng trong như suối. Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay...

Nàng quấn quýt bên Thạch, nàng cảm thấy đời mình từ nay tùy thuộc vào hơi thở của Thạch. Thạch còn thở, nàng sống. Thạch hết thở, nàng chết. Nàng đã từng sợ hãi trong bóng tối bao la, giờ đây không gian đã thu nhỏ lại vừa kích thước cho nàng — cho cả nàng và Thạch. Xưa nàng nhút nhát bao nhiêu thì nay nàng dạn dĩ bấy nhiêu. Nàng bước từng bước chân tin tưởng vào đời. Nàng sánh bước cùng Thạch trên các lối mòn đồi thông, trên các tảng đá lớn tròn trong dòng suối nhỏ Đà Lạt. Nàng ngất ngây nhục cảm, nàng khám phá thân thể mình, nàng xét lại quan niệm của mình về tình dục, nàng đổi mới định nghĩa của mình về tình yêu. Nàng quên sự cân nhắc, nàng quên trường sở, nàng quên bài vở, nàng quên lớp học, nàng quên mẹ mình, nàng quên vị hôn thê của Thạch. Nàng quên tương lai, nàng quên dĩ vãng, nàng chỉ còn hiện tại. Nàng nâng niu từng khoảnh khắc, nàng cắn lấy thời gian, nàng nuốt lấy mật ngọt, nàng háu ăn, nàng thèm sống, nàng thèm chết, nàng bất tỉnh. Nàng siết chặt Đà Lạt giữa đôi vú thanh tân của mình, nàng khơi nguồn suối Cam Ly ngọt ngào trên đôi môi mình, nàng trồng rừng thông xanh um trên gò Vệ Nữ mình, nàng mở khép hồ Xuân Hương rù quến trên lối ngõ thầm kín của mình...

Thùy đứng dậy trước, nắm tay Thạch kéo lên. Hoàng hôn Đà Lạt xuống rất mau. Trời se lạnh, sương mù rưng rưng từ trên cao buông rèm.

Về tới nhà, Thùy mở nhạc rồi loay hoay nhóm lửa lò sưởi. Ngọn lửa chớm lên e dè, củi nổ lách tách, ánh sáng dọi lên mặt nàng chập chờn, đầm ấm. Thạch bật ngọn đèn thân mật, nằm dài trên giường, hai tay đan gối sau đầu, mắt ngó lên trần nhà, cố xua đuổi các ý nghĩ lan man ra khỏi đầu óc mình. Nhóm lửa xong Thùy đến ngồi ở mép giường, tay vuốt trán Thạch, mắt nhìn vào mắt. Thạch đưa hai tay ôm cổ Thùy kéo xuống sát mặt mình, môi chụp phủ môi đắm đuối. Nụ hôn kéo dài bất tận. Thạch lật nàng xuống giường đè lên người, nhũ hoa ấm hỉnh áp trên ngực chàng. Thạch đặt hai bàn tay lên mông nàng. Thùy thì thầm “Tắt đèn đi anh”. Bóng tối tỏa ra khắp căn nhà trọ, đồng lõa, bao dung. Trong ánh sáng lung linh phát ra từ lò sưởi, tiếp tục tiếng ca thiết tha của ai đó đã bỏ quên lại từ một thời đại Hoàng Kim xa lắc. Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm dường trong ca dao. Còn đó tiếng khung quay tơ, còn đó con diều vật vờ, còn đó... Nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa...

 

Tôi đã chết.

Tôi không còn tương lai, tôi không còn dĩ vãng. Tôi sẽ chết. Tôi phải chết. Vịn thanh cầu nhoài mình ra ngoài sông ngó xuống. Xe cộ qua lại thưa thớt. Người qua lại vắng vẻ. Có ai biết tôi sắp nhảy xuống dòng sông phù sa đăng vặn xoáy ồ ạt dưới chân cầu? Đâu còn gì níu kéo tôi lại cõi đời này nữa. Tương lai tôi bế tắc. Dĩ vãng tôi rùng rợn. Mười hai năm địa ngục, mười hai năm máu me, mười hai năm ngộp thở, mười hai năm tôi khiếp sợ chờ đêm đến. Những trận bạo dâm của hắn đã phá vỡ tử cung tôi. Tôi không thể nào có con được nữa. Tôi không còn gì ước vọng ở tương lai. Đêm tân hôn khi khám phá tôi không còn trinh nguyên hắn đã đánh mắng tôi thậm tệ. Tiếp theo đó là những cuộc trả thù kéo dài mười hai năm đằng đẵng. Hắn muốn giết tôi nhưng không muốn cho tôi chết liền. Hắn muốn tôi quỳ gối van xin hắn tha mạng đêm đêm. Hắn hút máu tôi mười hai năm ròng rã. Tới khi tôi không còn giọt máu nào nữa hắn mới chịu buông tha. Hắn chấp thuận cho tôi ly dị. Giờ đây đời tôi tan nát. Trắng tay. Tôi đã bỏ dạy học từ lâu. Tôi đã mất mẹ, mất nghề nghiệp, mất nơi nương tựa. Tôi không còn dính líu gì tới cuộc đời này nữa. Tôi nghiêng mình chới với ngoài thành cầu... “Thùy! Thùy!”. Kìa, hình như có ai gọi tên tôi. Tôi quay lại nhìn quanh quất, “Thùy! Thùy!” dòng nước mắt bật ra, cổ họng rạn nứt. Tôi cố gắng cất tiếng gọi thì thầm “Thạch! Thạch!”... Gọi tên người nghe cả nắng vàng phai. Cành mai kia sao đã chất sầu đây. Mùa lá rụng vẫn buồn như kỷ niệm...

Mười hai năm qua tôi đã sống hoàn toàn bưng bít. Căn biệt thự tôi ở là một nhà tù. Không một người bạn, không một người thân thích, không một lời hỏi han, không một lời tâm sự, âm thầm chiếc bóng, một mình thơ thẩn vào ra. Nỗi buồn riêng bao giờ ta dám ngỏ. Dù tàn phai những đóa mộng ban đầu. Vẫn còn đây ngọt ngào yêu dấu cũ. Ta vào đời cùng nỗi nhớ mang theo... Thỉnh thoảng lắm mới được biết một vài chi tiết về đời sống của chàng — qua Hoàng. Sau tết Mậu Thân chàng tái ngũ. Giờ đơn vị chàng đóng ở Xuân Lộc — gia đình vẫn còn cư ngụ Hàng Xanh, Gia Định. Nhiều lần muốn tìm lên nơi đồn quân gặp mặt chàng — để làm gì? Chàng sẽ vui mừng, chàng sẽ bối rối, chàng sẽ thất vọng? Tôi có còn là tôi nữa không? Mười hai năm qua tôi đã biến dạng, tôi đã lột xác bao nhiêu lần? Còn lại một chút gì quen thuộc chăng dưới cái tên Thùy? Chàng sẽ nhận ra tôi? Tôi đã tả tơi, tan nát, cũng như quê hương. Cuộc chiến đã kéo dài gần ba mươi năm nay, và có triển vọng sẽ còn tiếp tục lâu hơn nữa. Nhiều đêm nghe hỏa tiễn rớt xuống thành phố mà những lo sợ cho chàng.

Tôi xuôi tay cúi nhìn dòng nước bạc. Nước vẫn chảy siết vặn xoáy ồ ạt dưới chân cầu. Tôi gọi nhỏ “Thạch! Thạch!...” Tôi chồm người ra khỏi thành cầu... Mềm ấm, ẩm ướt! Tôi giật mình ngó xuống. Một con chó đen đến từ lúc nào không biết thè lưỡi liếm tay tôi. Tôi khựng lại. Con chó thụt lui ngước nhìn tôi, đuôi ve vẩy như nhận được người quen, rên ư ử. Tôi ngồi thụp xuống đưa tay vuốt ve đầu con Mực. Nó tiếp tục liếm tay tôi, rồi tiến tới một bước liếm mặt tôi. Tôi để yên, nước mắt bật ra ràn rụa trên má, tôi khóc ngất nghẹn ngào. Con chó rên ư ử, tín hiệu bất ổn, đầu ngoẻo sang một bên, đuôi cụp giữa hai cẳng sau. Tôi ôm lấy đầu con chó hôn như mưa bấc. Đuôi con Mực ve vẩy trở lại, lưỡi mềm ấm liếm những giọt nước mắt lã chã của tôi. Chúng tôi tiếp tục âu yếm vuốt ve nhau như vậy hồi lâu. Tôi càng tủi thân khóc ngất, cổ họng thắt nghẻn buông tiếng kêu ấm ức “Mực!... Mực!... Em Mực!...” Vầng trăng chênh xế, giờ giới nghiêm sắp điểm, còi giới nghiêm sắp hụ. Tôi buông con Mực ra đứng dậy, lòng quyến luyến, hối hận, ăn năn. Gió đưa trăng thì trăng đưa gió. Khi trăng lặn rồi gió biết đưa ai?

Tôi bước xuống dốc cầu trở về thành phố, thỉnh thoảng ngó ngoáy trông chừng. Con Mực lẽo đẽo theo sau, cách một khoảng xa, cúi đầu đánh hơi rồi ngửng lên ngó chừng. Tôi tiếp tục bước đi, nó tiếp tục dõi bước. Gần tới nhà, con Mực đánh dấu ở gốc cây rồi dừng lại luôn, mắt ngó theo, miệng rên ư ử. Ú u u u ... Ú u u u... Còi giới nghiêm hụ lên inh ỏi. Tôi quẹo góc đường Ngô Tùng Châu. Trong một ngõ hẻm chợt ré lên tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh phát ra từ một thùng giấy nằm ở đầu hẻm. Tôi dừng bước lại, tiến vào hẻm, cúi xuống nhìn vào lòng thùng giấy. Oe... oe... oe... Tôi ngồi xuống ôm bọc vải vào lòng cất tiếng dỗ: “Nín, nín, nín đi cưng... Nín, nín đi cưng...”.

Tôi lại bật khóc nghẹn ngào, mùi mẫn.

 

Thành phố, Hồ Chí Minh.

Sài Gòn đã đổi tên từ năm năm nay. Ngó đâu cũng thấy cờ đỏ, màu xanh ô liu, bộ đội, dép râu, nón cối. Người đàn ông ngước khuôn mặt hốc hác nhìn lên mỗi góc đường. Toàn tên lạ hoắc. Xe cộ không còn ồn ào như trước nữa. Cây cối hai bên đường bị lột vỏ trơ thân, xơ xác, tiêu điều. Nhà cửa lụp xụp, cổng sắt rỉ sét, cống rãnh ngập rác. Ở mỗi góc đường, một sạp cà phê chồm hổm. Nhiều khi hai ba sạp sát khít nhau trên một đoạn đường ngắn. Bọn đàn ông mặc quần xà lỏn ngồi xúm xít, uống cà phê nói chuyện bù khú, ít thấy ai cười. Bóng dáng đàn bà hiếm hoi, không điểm trang, áo quần đen xám buồn thảm. Tạt ngang thăm một nơi thường họp bạn nhậu nhẹt ban đêm khi trước. Chợ Đũi không còn là Chợ Đũi, rạp hát không còn là rạp hát, tiệm quán không còn là tiệm quán, trường học không còn là trường học, hoang tàn một mảnh chợ chiều. Tiêu điều nhân sự đã xong. Sơn hà cũng hoãn côn trùng cũng hư.

Người đàn ông đưa tay che mắt, ngó lên trời nheo nheo. Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Câu thơ bốc cháy. Nắng thành Hồ anh đi mà chợt nóng. Hai bên đường phố, một vài chỗ chồm hổm vá lốp xe đạp. Lũ trẻ cởi trần phơi bụng ỏng hứng mát, không đùa giỡn. Một vài chiếc xe Honda rú ga chạy vùn vụt. Người đàn ông đổ những hòn sỏi trong lon Guigoz ra đếm, mỗi hòn sỏi là một ngày trải qua trong trại cải tạo. Một, hai, ba, bốn... chín mươi tám, chín mươi chín, một trăm, trăm lẻ một... Bóng người đàn ông ngả sau lưng, ngắn ngủn. Từ hừng sáng đến giờ tính ra đã đi bộ hơn mười cây số. Hai chục không chừng. Ủa! Chỗ này lúc trước có một vườn sứ cùi mọc sau bức tường chắn, sao bây giờ là tiệm phở? Xương vứt vãi trên mặt đất, những con chó ốm nhom chực hờ. Những khối xanh ô liu ngồi chồm hổm trên ghế, khạc nhổ bừa bãi xuống mặt đất, chan húp xì xụp. “Này! Cho thêm tí nước lèo nữa đi cô bé ơi!”. Mặt trời đã lặn mất sau lưng. Thêm một hòn sỏi nữa bỏ vào lon nhôm. Tám trăm chín ba. Hay chín trăm năm chục? Đếm sao nổi. Đã hết lon. Chờ thăm nuôi. Thèm những tép mỡ khô. Cào cào, gián, trùng đất đã bị nuốt trộng.

Người đàn ông đổi lề đường cho khuất nắng. Nắng không khuất, mình vã mồ hôi, môi mặn đắng. Đứng lại dưới bóng mát của tàn me thở dốc. Sao mau mệt dữ vậy? Khi xưa hành quân đi bộ ngày ba bốn chục cây số là sự thường. Ngày này qua ngày khác. Lội ruộng nước ngập tới gối, lội đầm nước lên tới ngực. Chát! Chát! Bắn sẻ. Hụp xuống. Sợi dây nylon đã đủ dài. Khiêu khích cho thằng trên chòi gác bắn vãi xuống. Đứt dây té vô chảo nước sôi bên dưới. Mọi việc đã xếp đặt chu toàn, chỉ còn chờ chuông nhà thờ đổ buổi sáng... Gió sông, từ bến Bạch Đằng thổi lên mắt mẻ. Đoàn xe Molotova từ quân cảng chạy lên bóp còi inh ỏi. Những thùng đạn, những thùng đạn, hỏa tiễn, đại bác, quân nhu, quân cụ, bộ đội, những người trai trẻ cầm súng AK lắc lư trên xe. Cuộc chiến có bao giờ ngừng lại trên đất nước này, dù chỉ một phút? Pathet Lào, Căm-Bu-Chia, Khờ Me Đỏ. Mặt trận nằm trong ranh giới nào? Mấy triệu người chết, chưa đủ sao. Tiền đồn cách mạng, phải nêu gương cho toàn thế giới bắt chước. Bong... bong... bong... bong.... Người đàn ông đút đầu vào vòng thắt cổ. Bong ... bong... bong... bong... Một người đàn ông đi xe đạp ngược chiều với Thạch, ngước nhìn, mất hút. Bỗng có tiếng xe đạp ngã trên bờ lề, rồi một bàn tay vỗ lên vai Thạch. Giựt mình quay lại. Ria mép mắt nâu. Khựng nhìn đôi ba giây:

- Ơ kìa! Hoàng! Mày đó hả Hoàng?

- Phải, tao đây. Tao đây Thạch?

Hai người đàn ông ôm cứng lấy nhau nghẹn ngào.

- Trời ơi! Trời ơi! Tao tưởng mày chết rồi! Mày còn sống phải không Thạch! Hãy la vào tai tao mày còn sống. Trời ơi! Mày còn sống! Thạch ơi Thạch!

Qua phút giây xúc động, Hoàng hỏi:

- Mày về hồi nào?

- Mới ba ngày nay thôi.

- Sao mày không cho tao hay?

- Biết mày ở đâu mà cho hay. Còn mày, sao không đi đi, còn ở lại thành phố này làm gì?

Hoàng lặng thinh. Thạch quan sát bạn mình hồi lâu:

- Kìa! Còn cái bê-rê “Che Guevara” của mày đâu?

- Mày đừng hỏi nữa, khổ lắm!

- Mày có phải đi cải tạo không?

- Tao không phải là quân nhân nên chỉ học tập một tuần lễ thôi rồi được trả về.

- Mày còn đi dạy học không ?

- Không. Tao nghỉ dạy từ lâu rồi.

- Vậy lấy gì mà sống?

- Thì cũng quơ quào mánh mung như mọi người vậy thôi. Gặp thời thế, thế thời phải thế.

Nói xong, Hoàng cúi đầu nghĩ ngợi:

- À! Để tao chở mày đến một sạp cà phê quen ngồi nhâm nhi nói chuyện chơi. Tao và mày còn thiếu gì chuyện phải nói với nhau.

Hoàng dựng lại chiếc xe đạp, lên yên. Thạch ngồi chàng hảng phía sau.

- Tao nhớ cái thời tao đèo mày bằng vespa ở Đà Lạt. Thời đó vui quá hả mày?

- Ờ, thời đó vui thật.

Hoàng đạp ì ạch:

- May mà mày gầy nhom, nếu không chắc tao phải đạp tóe khói...

Hồi lâu Thạch hỏi:

- À! Mà này có tin tức gì của Lan Anh và Thùy không?

- Không mày à.

Xe chạy loanh quanh một hồi, Hoàng tấp vào bờ lề:

- Tới rồi.

Hoàng chỉ một sạp cà phê sinh tố cách đó chừng hai chục thước:

- Mày tới đó ngồi chờ tao. Để tao quanh lại kiếm mua cho mày vài điếu thuốc thơm. Chắc mày thèm lắm rồi phải không?

Hoàng vòng xe lại. Thạch tiến về phía quán sinh tố. Quán trống trơn, ngoại trừ hai người khách ngồi sát lề đường. Con đường tương đối yên tĩnh. Thạch bước sâu vào trong, tìm chỗ mát dưới tàng cây trứng cá. Thạch vừa ngồi xuống, một đứa nhỏ trai độ chừng sáu bảy tuổi, ăn mặc tươm tất lễ phép hỏi:

- Dạ, thưa bác dùng chi?

Thạch khoát tay:

- Bác còn chờ một người bạn. Để chút nữa bác gọi luôn.

Đứa nhỏ dạ một tiếng nhỏ, lui bước. Thạch nhìn quanh quẩn rồi ngó lên tàng cây trứng cá, tay rờ cằm. Lởm chởm. Râu mọc mau. Phiền muộn? Thạch gõ mười đầu ngón tay lách cách trên mặt bàn. Nắng chiếu xuyên qua tàng cây trứng cá, mặt đất trong quán in những vết vàng lỗ chỗ. Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ. Quán thu phong đứng rũ tà huy... Phong trần đến cả sơn khê. Tang thương đến cả hoa kia cỏ này! Thạch nói thầm “Cái thằng này đi đâu lâu quá! Nãy giờ có hơn mười lăm phút. Không biết nó...”

- Dạ thưa ông dùng chi?

Thạch giựt mình ngó lên. Người đàn bà, có lẽ là chủ quán, ra đứng cạnh bên Thạch hồi nào không hay. Người đàn bà mở to mắt, thối lui mấy bước. Thạch cũng vụt đứng dậy chết sững:

- Kìa, Thùy!... Thùy!...

Người đàn bà cũng lắp bắp:

- Thạch!... Thạch!... Anh Thạch!...

Hai giọt nước mắt lớn bật ra lăn tròn trên đôi má hóp của nàng rớt xuống mặt đất.

 

Người ơi, một chiều nắng hiền hòa hồn có mơ xa? Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru, còn đò bóng đa hẹn hò...

Thùy vòng tay ôm cổ Thạch:

- Anh thấy không, cái băng nhạc hồi ở Đà Lạt Thùy còn giữ cho tới bây giờ. Anh còn nhớ không?

Thạch ghì nàng vào lòng:

- Hồi ở trong trại anh mất ngủ liên miên. Anh vẫn thường ru anh bằng những bản Hương Xưa, Hoài Cảm, Only YouSmoke gets in your eyes trong đầu. Anh chợp mắt được chừng một, hai tiếng đồng hồ. Đỡ lắm, Thùy biết không?

Cơn mưa hậm hực tích lũy trong những khối mây đen từ ban chiều vụt trút xuống ồn ào trên mái ngói. Cơn mưa tiễn hoàng hôn nóng sốt, đi vào đêm tối mát mẻ. Thùy hỏi:

- Anh làm sao biết mà đến đây được?

- Hồi chập choạng tối Hoàng ghé rủ anh đi chơi. Còn Thùy?

- Hôm nay Thùy gởi thằng Quý ở nhà người bạn và đóng cửa quán từ ban chiều.

- Thằng Quý là con em?

Thùy hôn phớt lên má Thạch:

- Chuyện này dài dòng lắm. Anh thay quần áo lên giường nằm đi, rồi Thùy sẽ kể cho anh nghe.

Thạch trút bỏ quần áo. Thùy cũng làm theo. Thạch bước tới ôm Thùy và cởi nốt những xiêm y thân mật trên người nàng. Thạch tìm lại được thân thể người con gái chập chờn bên ánh lửa thần thoại thời nào, Đà Lạt, mùa ân ái thuở ban đầu. Chàng đẩy Thùy lùi ra sau một bước, đê mê ngắm nghía. Nàng hỏi:

- Thùy có gầy lắm không anh?

- Không, Thùy đầy đặn hơn thời con gái. Ngực và mông Thùy tròn trịa hơn lúc trước.

- Thôi mình lên giường nằm đi anh. Mưa xuống Thùy lạnh.

Hai thân thể ban sơ nằm song song bên nhau. Thạch vuốt tóc nàng, môi hôn sưởi ấm má nàng rồi lần mò tìm đến đôi môi hút nhụy. Sau giây phút đầu bỡ ngỡ làm quen lại, Thùy luồn tay vào tóc chàng ghì siết. Bàn tay chàng chờn vờn ở cổ, từ từ di động xuống úp chụp lên nhũ hoa nàng mân mê. Thùy rùng mình. Ôi! Những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi, buồn sớm đưa chân cuộc đời. Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa, dù có bao giờ lắng men đợi chờ... Cơn mưa tối rào rào trên mái ngói càng lúc càng dữ dội. Lằn chớp xé trời, cơn sét thịnh nộ giáng xuống thành phố, ánh chớp loang loáng trên khe cửa sổ. Tay Thạch ôm ấp bờ hông nàng, đôi môi chuyển dần xuống cổ... “Anh...! Anh...” Bàn tay âu yếm trên làn da mịn màng, sờ soạng tìm xuống gò tình... “Đừng anh! Thùy sợ!...” Thạch thắc mắc, nhưng bàn tay không trở xuống nữa. Môi chàng từ từ dời xuống tham lam mật ngọt... “Ô... ô... ô..” Làn điện xẹt xé không gian, giọng gầm gừ vẳng nhỏ “Ô... ô...ô... Anh... anh...” Đời lập từ những đêm hoang sơ. Thanh bình như bóng trưa đơn sơ. Nay đời tan biến trong hư vô, chết đầy từng mồ oán thù, máu xương tơi bời nhiều mùa thu... Người ơi!... Môi chàng trượt xuống thung lũng. Leo lên ngọn đồi bên kia đánh thức nhục cảm “Anh... Anh... Ô...” Thân thể trườn lướt trên thịt da nàng, dò dẫm, tìm lối... “Anh... Anh... Anh... đừng ở trên mình Thùy lâu... Thùy sợ...” Nhung mềm, trơn mượt, ấm áp...

Cơn mưa trút xuống thành phố từ từ dịu xuống, những hạt nước lớn nhỏ dần thành những giọt thưa lắc rắc.

Thạch nhả khói thuốc lên đỉnh mùng:

- Sao bỗng nhiên Thùy sợ như vậy? Thùy khác xa thời Đà Lạt.

Thạch vuốt ve bờ vai nàng. Thùy nghẹn tiếng:

- Anh biết, sau những lần bạo dâm của chồng em, Thùy còn bụng dạ nào nữa. Anh đã học tâm lý chắc anh hiểu chứ? Với anh, Thùy đã cố gắng hết sức, nhưng có những điều vượt quá sức mình... Anh hiểu chứ?

Thạch ghì siết nàng, lòng vô cùng thương xót. Thùy thút thít:

- Anh biết không, đâu phải hắn chỉ bạo dâm Thùy mà thôi. Hắn còn bắt Thùy khỏa thân cho hắn chụp hình Thùy ở mọi tư thế. Chính những tấm hình này đã giết chết me Thùy... Anh biết không? Hắn còn tống tiền Thùy, hắn tống tiền me Thùy. Hắn lấy tiền đánh bạc và bao các cô vũ nữ. Hắn làm cho sự nghiệp Thùy tan nát, hắn làm cho tài sản Thùy tiêu tan... Anh hiểu không? Me Thùy đã chết rồi!...

Thùy bật khóc ngất ngất. Lòng Thạch quặn thắt, chàng cúi xuống hôn lên mái tóc bất hạnh:

- Anh hiểu. Anh hiểu lắm. Anh hiểu hơn ai hết... Thùy đừng khóc nữa.. Nín... nín mất!

Thùy giở gối nằm lấy chiếc khăn tay trắng sịt mũi. Nàng tức tưởi:

- Anh biết không, hắn đã phá hoại đời sống đàn bà của Thùy, hắn làm cho Thùy không thể có con được nữa... Anh biết không.... Thùy muốn chết cho rồi... Anh biết không?

Thạch nhỏm dậy gỡ chiếc khăn tay chậm những giọt nước mắt đau thương:

- Nín... nín mất! Anh biết... Anh biết lắm. Thùy đừng có khóc nữa. Thùy càng khóc anh càng mang nặng thêm mặc cảm tội lỗi. Chính anh là nguyên do đã làm tan nát đời Thùy. Chính anh đã cướp mất đời con gái của Thùy. Chính anh...

- Không! Không! Anh không có lỗi gì hết. Những gì đã xảy ra ở Đà Lạt là do Thùy ưng thuận. Anh đã cho Thùy hai tuần lễ hạnh phúc trọn vẹn. Thùy không hối tiếc gì hết. Anh đừng buộc tội anh. Anh phải hạnh phúc như Thùy khi nhớ lại hai tuần lễ đằm thắm đó.

Thùy từ từ dịu cơn khóc, nhưng còn hít nhẹ tủi thân. Thạch châm cho mình điếu thuốc khác:

- Thùy nói Thùy không thể có con, chớ thằng Quý là con ai?

- Là con Thùy. Anh ngạc nhiên lắm hở?

- Dĩ nhiên!

Thùy sịt mũi, lấy lại bình tĩnh:

- Quý là đứa con nuôi của Thùy, nhưng Thùy giấu nó. Nó vẫn tin Thùy là mẹ ruột của nó, còn bố nó thì đã chết ở trận đánh An Lộc. Chính Quý là sợi dây ràng buộc Thùy vào cuộc sống này. Còn người đã cứu Thùy thoát chết là một con chó mực.

- Một con chó mực?

- Phải! Một đêm Thùy vô cùng tuyệt vọng định nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử, chợt có tiếng anh gọi tên Thùy, rồi kế đó là con Mực đến liếm tay và liếm mặt mũi Thùy.

Thạch sửng sốt:

- Anh gọi tên Thùy?

- Phải. Anh gọi tên Thùy từ trong tiềm thức, từ trong trí tưởng của Thùy. Còn con Mực là một sinh vật có thiệt, nó níu tay Thùy giữ lại, lưỡi nó mềm ấm. Đến giờ ban đêm thỉnh thoảng Thùy vẫn trở lại đứng chờ ở cầu Khánh Hội, nhưng con Mực không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ!... Có lẽ nó là hiện thân của một vị Bồ Tát nào đó không biết chừng, chỉ giáng thế cứu Thùy một lần rồi thôi. Thôi đối với Thùy, dĩ nhiên. Trên đường tự tử hụt trở về nhà Thùy nhặt được Quý, ai đó đã bỏ rơi ở đầu hẻm, và nó trở thành nguồn sống của Thùy từ đấy.

Thùy đã nín khóc, hít một hơi thở dài vào lồng ngực:

- Thế còn anh? Cái Kinh Nghiệm Hư Vô của anh đến đâu rồi? Anh còn cảm thấy cô đơn, hốt hoảng và muốn tự hủy diệt mình nữa hết?

Thạch nhả một vòng thuốc lá khoanh tròn bay lên nóc mùng:

- Trong trại cải tạo đã có lần anh toan tính cái chết của mình rất kỹ. Nhưng khi đút cổ vào vòng dây và nghe chuông nhà thờ đổ, anh chợt nghĩ tội nghiệp cho Loan biết chừng nào! Loan là đứa con gái út của anh. Chỉ giản dị như vậy thôi, mà mầu nhiệm biết mấy! Sau lần đó anh liệng bỏ vòng dây oan nghiệt và tất cả những lon Guigoz đựng sỏi của mình. Anh tập cho mình chấp nhận hiện tại y như Thùy hồi thời ở Đà Lạt.

- Anh thấy không, mình đi vòng vo Tam Quốc rồi cũng trở lại khởi điểm. Anh có thấy mình khôn hơn được chút nào chăng?

- Nữa, Thùy lại hỏi anh một câu dễ ợt nữa! Bộ không có chuyện gì vui để làm khác hơn sao? Thùy mỉm cười:

- Có chứ anh.

Thùy nhỏm dậy cúi xuống hạ môi mình lên môi Thạch, lưỡi ướm thử đầu lưỡi. Nàng thì thào bên tai Thạch:

- Anh làm tình với Thùy đi! Thùy đã hết sợ rồi...

Thùy vói tay tắt ngọn đèn ở đầu giường, như thuở nào nàng và Thạch sắp sáp nhập thân thể nhau làm một bên ánh lửa chập chờn hồng hoang của lò sưởi. Người ơi chiều nao có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi... Tình có ghi lên đôi môi, sầu có phai nhòa cuộc đời. Người có thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui...

 

Tôi kiểm lại hành lý của con tôi. Này áo ấm, này khăn lông, này thực phẩm khô, này cá chà bông, này bánh mặn nhà binh, này những viên đường cục, này bi đông nước ngọt, này những viên thuốc trị ói. Tôi có quên thứ gì không? À còn dầu cù là và thuốc trị tiêu chảy nữa. Như vậy đủ chưa? Tôi nhét vào túi đeo lưng thêm đòn bánh tét vừa hâm nóng. Xem nào, còn thiếu gì nữa? Đôi vớ, à đôi vớ. Đèn bấm, phải rồi đèn bấm nhỏ.

Cuối cùng chàng đã nhận lời. Chàng nhận lời dắt con tôi theo. Trước đó chàng nhất quyết từ chối. Con đường vượt biên vô cùng nguy hiểm, chính chàng cũng không dám dắt vợ và đứa con nào theo. Chàng nói nếu may mắn tới bờ và định cư, chàng sẽ xin đoàn tụ gia đình sau. Tôi hết sức năn nỉ chàng mang đứa con tôi theo. Nó là nguồn sống duy nhất của tôi, nhưng ở lại đây nó không có một tương lai nào hết. Vượt biên, may ra. Bên kia vách có ai ho húng hắng. Trẻ con ré khóc, tiếng quát nạt. Bước trở ra cửa hé nhìn. Một chiếc xe hai bánh vụt qua, mất hút. Mùi xăng khét nghẹt.

Thành phố dường như đã chịu phép luật pháp của những người chủ mới. Nín lặng. Còn tôi, tôi không chấp nhận. Nhưng liệu tôi có thể làm gì được để cứu vãn? Và còn biết bao người lính nữa cũng đã không chấp nhận. Họ đã tự sát. Cái chết không phải là một giải pháp, không bao giờ là một giải pháp. Nhưng còn cái sống? Cái sống cận kề, cái sống nóng hổi, cái sống mỗi ngày. Tôi biết sống chăng? Những câu hỏi vô ích trong khoảnh khắc này. Tôi sống. Tôi ráng sống cho hết ngày hôm nay. Dĩ vãng tôi đã từng có chàng, tương lai tôi sẽ chỉ còn kỷ niệm? Không! Không! Tôi phải tiếp tục sống, sống và chấp nhận những gì đời sống đưa tới, vùi dập, nâng niu. Tôi phải... có tiếng ai đập nhẹ ở cửa. Tôi vội vàng hé mở. Chàng! Cuối cùng chàng đã đến. Chàng ôm chầm lấy tôi. “Xong chưa? Sẵn sàng hết chưa?”. Chàng hỏi qua hai cơn thở sốt. Tôi xô chàng ra “Sẵn sàng hết rồi. Chờ anh ngất ngư luôn!”. Tôi đẩy đứa nhỏ vào lòng chàng, tay kia trao túi đeo lưng. “Anh chăm sóc nó. Nó là niềm hy vọng cuối cùng của Thùy”. Tôi hôn vội vã lên má chàng “Anh đi bình an. Nhớ viết cho Thùy mấy chữ..” Người đàn ông kéo đứa nhỏ ra đường đẩy vào băng sau chiếc xe traction đen đầy cứng. Chàng sấn vô, chen chỗ ngồi. Cánh cửa đen đóng sập, bàn tay vẫy. Xe rú lên, vọt mất ở cuối đường.

Tôi đứng lại một mình lặng lẽ trong sân. Chết cứng. Đi hết rồi! Trong thành phố này tôi còn lại ai? Bụm mặt. Không, tôi không còn đủ sức để khóc. Thối lui ngồi phịch xuống chiếc ghế thấp kê dưới lùm trứng cá. Thần kinh, tay chưn mỏi nhừ... Chiều buồn len lén tâm tư. Mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa thiết tha ngân lên lời xưa... Tôi cầu mong cho chàng và con tôi tấp được vào một hòn đảo nào đó bình yên. Tôi chỉ mong có vậy. Trước mặt tôi chỉ có vậy. Chàng và con tôi tới bến bình yên. Thuở nào xa nhau. Tưởng mất. Rồi mới hôm nào đây gặp lại. Giờ lại xa nhau. Chàng đã dìu dắt tôi qua một đoạn đời ấm cúng, âu yếm, thân mật. Xin cảm ơn chàng. Gặp lại chàng tôi vẫn thiết tha như thuở ban đầu. Chàng nói: “Thùy đã cho anh quá mức của Thùy”. Trong tôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều yêu thương. Tôi muốn cho hết, và cho nhiều hơn nữa.

Gió thổi mạnh, tàng trứng cá gieo rắt xuống mặt đất những giọt mưa đêm còn đọng lại trên cành lá. Ngày chàng trở lại tôi chưng hửng, chàng chưng hửng. Tôi những tưởng mình đã chết héo khô, hết nhựa sống từ kiếp nào. Chàng đã đánh thức lại trong tôi những cảm giác ban đầu. Tôi hồi sinh. Tôi vỗ cánh. Chắc chàng không thể nào tưởng tượng nổi cảm giác đó, cho dù chàng có đọc hết bao nhiêu sách tâm lý đi nữa. Tôi đã gọt bút chì, bình phẩm, nhắc nhở, gợi ý cho chàng. Chàng đã rời tôi đi Paris thời còn là sinh viên. Và bây giờ, một lần nữa chàng lại xa tôi. Vĩnh viễn? Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa?...

Hết rồi! Tôi có cảm tưởng tất cả đều đã hết rồi. Nhưng tôi còn sống sờ sờ đây mà, làm sao hết được? Mực! Mực! Em yêu dấu! Em đâu mất rồi? Hai tay ôm lấy mặt, tôi cố gắng tưởng tượng. Lông nhung mượt, miệng rên ư ử, đuôi vẫy mừng, mắt nhìn thiết tha, lưỡi mềm ấm. Bao nhiêu năm qua tôi đã trở lại dốc cầu đó để mong gặp lại em, như tình nhân ngóng đợi một tình nhân. Tôi trở lại với cảm giác xa lạ không còn nữa. Tôi trở lại với cảm giác hư vô không còn nữa. Tôi đã biết thương, tôi đã biết yêu, tôi đã biết thiết tha với đời sống. Tôi nghe chàng gọi tên tôi “Thùy! Thùy!”, tôi giật mình bật khóc. Rồi em chợt tới liếm những giọt nước mắt nóng hổi của tôi. Và tôi đã tỉnh ngộ từ đó. Giờ đây chàng đã ra đi, chỉ còn lại mình tôi, với không gian trống rỗng trước mắt, với tháng năm dài bất tận. Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ êm vui? Nhớ thương biết bao giờ nguôi...

Trời lại sa mưa lắt rắt. Tôi tưởng tượng cảnh biển đông. “Ave Maria. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Con thành khẩn nguyện cầu, xin tế độ cho đoàn người vượt biển. Cho dù xác thân con tội lỗi, linh hồn con vẫn còn trinh nguyên. A Di Đà Phật. Ave Maria”... Cơn gió đìu hiu hắt lên tàng trứng cá, nước rơi lộp độp. Tôi mân mê cổ tay mình. Làm gì đây để giải khuây? Ngắm tay mới biết mình gầy hơn xưa... Một chiếc xe hai bánh vụt qua, mùi khói khét nghẹt. Ánh sáng chạy mất, đêm tối bít bùng. Giờ này con tôi đã tới đâu? Và chàng đã tới đâu rồi? Cuộc vượt biên sẽ yên lành? Tôi thở dài đứng dậy, hé cửa bước vào nhà, xác thân mệt mỏi, lòng trĩu nặng ê chề.

Tôi trở về cửa cài then gác xép

Giường chiếu mênh mông sầu khép đôi tay

Đếm tuổi thời gian dưới bóng đèn gầy

Soi cô độc nằm tròn trong đáy mắt...

 

 

------------------
Trong truyện này, lời hát mượn từ những ca khúc của Cung Tiến; thơ mượn từ ca dao, Cung Oán Ngâm Khúc, Huy Cận, tạ Tỵ, Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên và Thụy Khanh.

 

 

-------------------------------------------------------------------
Tác phẩm mới nhất của Kiệt Tấn vừa xuất bản là tập truyện
EM ĐIÊN XOÃ TÓC (nxb Văn hóa Sài gòn, 2009).
 

 

 

Đã đăng:

Sáng dậy nghe em khóc  (truyện / tuỳ bút) 
“Em xấu lắm phải không anh?” Thấy tôi nằm im không trả lời, nàng nắm vai tôi lắc: “Em xấu lắm phải không anh?” Tôi không ừ hử. Nàng bật khóc. Khóc thút thít. Rồi tiếng khóc lớn dần. Nàng lại lắc vai tôi: “Em xấu...” Câu hỏi bỏ ngang. Tiếng khóc vắng xa. Hình như nàng day mặt qua bên kia và tiếp tục khóc... (...)
 
Người em xóm học  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nằm phủ lên người Diane, gối tì giữa hai đùi tươi chắc, hai tay luồn dưới nách vòng lên kìm giữ đôi vai thon nhỏ, môi áp lên gáy nàng, động tác tự nhiên của con thú đực cắn giữa da cổ thú cái khi làm tình. Nàng ưỡn đồi lên, bông hoa dưới lũng kín đón nhận trận mưa tình. “Thôi anh... chết em... đừng... đừng...” lời xô đẩy trở thành tiếng réo gọi mời mọc cuốn hút không thể kham hãm dừng lại gọi về. “Nữa... nữa đi... chết em...” đắm đuối mê ngất... (...)
 
chiếc áo đen ngủ trên lưng ghế / chiếc quần jeans ngủ dưới chân / chiếc xú chiên ngủ trên mặt gối / đôi giầy gót cao ngủ trên sàn nhà... | ngủ yên bằng mắt trong phổi / thở nắng bằng phổi trong tim / yêu đương bằng tim trong bàn tay / ái ân bằng bàn tay trong ngực... | khi uống nước là cá / khi ăn quả là chim / khi nằm xuống là cây...
 
Em về  (thơ) 
... chiều phẳng chiều phẳng lặng / ngày xanh ngày xanh xao / chuông chùa chuông chùa vẳng / mưa rạt mưa rạt rào // trúc thưa trúc thưa vắng / gió thổi gió thổi ào / đường không đường không nắng / em về em về mau...
 
LỤC BÁT ĐIÊN  (thơ) 
Lục Bát Điên là một nỗ lực nhằm đưa lục bát trở về với đời thường, nơi nó xuất phát. Đồng thời, cũng là một nỗ lực khai phóng. Lâu nay, ngoài Bùi Giáng và một ít bài lục bát hiếm hoi của những người làm thơ khác, lục bát đang rơi vào ngõ cụt, dẫm chưn tại chỗ với những đề tài cũ, những rung động cũ, những hình ảnh cũ, những ngôn từ cũ. Thơ đọc nghe được được, mà không có hồn. Đọc xong đó, quên liền đó. Nói tóm, nước đọng ao tù...
 
Biết bao giờ  (thơ) 
Khi hơi thở vàng về đậu lên màu đỏ / màu đỏ về đậu lên cây diệp / cây diệp về đậu lên ký ức / khi đó dù đang đi trên đường ra bến tàu / dù trên đường đến công sở / dù trên đường ra pháp trường / dù đang đặt chân lên bực đầu tiên của cầu thang ngoại tình / dù đang cử động trong bốn bề thời gian đặc cứng / cũng sẽ dừng lại / một bước...
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021