thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trong gia đình

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

María Elena Llano sinh năm 1936 tại Cuba. Bà làm việc như một ký giả cho hãng thông tấn "Latin Press" ở La Habana, và những bài viết cho các đài phát thanh và truyền hình của bà đã đoạt nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, bên cạnh công việc báo chí, bà còn sáng tác nhiều kịch bản, truyện ngắn, thơ, và tiểu luận văn học. Năm 1966, Llano xuất bản tập truyện ngắn đầu tay, La reja [Cánh cổng], và sau đó bà đã xuất bản một tập thơ, rồi một tập truyện ngắn khác. Tác phẩm của bà đã được chọn vào nhiều tuyển tập và được dịch ra một số ngôn ngữ.
 
Truyện "En la familia" ["Trong gia đình"] dưới đây là một trong những truyện đặc sắc qua bút pháp hiện thực thần kỳ.

 

_________

 

TRONG GIA ĐÌNH

 

Khi mẹ tôi phát hiện có người cư ngụ trong tấm gương lớn trong phòng khách, chúng tôi dần dần đi từ nghi ngờ đến kinh ngạc, rồi đến một trạng thái trầm ngâm, và cuối cùng thì chấp nhận nó như một điều bình thường hàng ngày.

Sự kiện tấm gương soi cũ kỹ lốm đốm ấy phản chiếu hình ảnh những người thân yêu đã quá cố trong gia đình cũng chưa đủ để làm cuộc sống chúng tôi đảo lộn. Tuân theo câu ngạn ngữ "cứ để nhà cháy nếu chưa có ai thấy khói", chúng tôi giữ riêng cái bí mật ấy trong vòng gia đình bởi vì, nói cho cùng, nó cũng chẳng dính dự gì đến những người khác.

Dù gì thì cũng mất một khoảng thời gian trước khi mỗi người trong chúng tôi có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi ngồi trên cái ghế yêu thích của mình và thấy, trong tấm gương, chính cái ghế ấy lại có một người khác đang ngồi. Chẳng hạn, người đó có thể là Aurelia, chị của bà ngoại tôi (mất năm 1939), và thậm chí nếu cô em họ Natalie đang ngồi gần tôi ở phía này của căn phòng, thì phía kia lại có hình ảnh của Cậu Nicolas (mất năm 1927), người mà lâu nay hầu như đã bị quên lãng. Chắc ai cũng đoán được, những người quá cố phản chiếu trên tấm gương là thành viên của một gia đình quây quần bên nhau và hầu như trùng khớp với gia đình chúng tôi, bởi vì chẳng vật gì, tuyệt đối chẳng vật gì trong phòng khách — từ các thiết bị nội thất và cách sắp xếp chúng, cho đến những ngọn đèn, vân vân — có sự thay đổi. Điều khác biệt duy nhất là trong tấm gương có hình ảnh của họ, thay vì hình ảnh của chúng tôi.

Tôi không biết những người khác nghĩ thế nào, nhưng đôi khi tôi cảm nhận rằng không phải tôi chỉ đang trông thấy một hình ảnh trong tấm gương ấy, mà thật ra tôi đang xem một cuốn phim rất cũ, đã có những khoảng mờ. Những người quá cố ấy bắt chước các cử chỉ của chúng tôi nhưng lúc nào cũng hơi trễ hơn, lừng khừng hơn, như thể tấm gương không thật sự phản chiếu một hình ảnh trực tiếp, mà phản chiếu lại một sự phản chiếu khác.

Ngay từ đầu, tôi đã biết rằng khi cô chị họ Clara của tôi trở về nhà sau chuyến đi nghỉ mát thì mọi sự sẽ trở nên phức tạp hơn. Thái độ bạo dạn và cả quyết của Clara lâu nay đã cho tôi cái ấn tượng rằng chị sinh nhầm vào gia đình chúng tôi. Nỗi hoài nghi này đã được hỗ trợ bằng sự kiện Clara là một trong những nữ nha sĩ đầu tiên của đất nước tôi. Tuy nhiên, cái ý tưởng rằng chị sinh nhầm vào giữa chúng tôi đã tan biến đi ngay khi chị vất cái văn bằng nha sĩ và bắt đầu ngồi thêu thùa những tấm chăn bên cạnh bà ngoại, các dì và những cô chị em họ, chờ đợi một anh chàng nào đó đến đeo đuổi, và quả là có một anh chàng đến nhưng lại bị chị phát hiện khuyết điểm ở mặt này mặt kia — chẳng ai hiểu nổi tại sao.

Từ khi tốt nghiệp, Clara đã trở thành một nhà tiên tri của gia đình, mặc dù chị không bao giờ hành nghề của mình. Chị cho mọi người uống thuốc giảm đau, và chị đóng vai phán quan về việc ăn mặc; chị chọn những vở kịch cho gia đình đi xem và chị quyết định rằng món nước trái cây ướp phải pha với bao nhiêu rượu mùi thì mới đúng cách cho mỗi lần có đám tiệc. Vì những công việc này, mọi người đồng ý rằng mỗi năm chị đi nghỉ mát một tháng ở bờ biển là điều thích nghi.

Mùa hè năm ấy, Clara trở về sau chuyến đi nghỉ mát, và khi biết được cái bí mật của mẹ tôi, chị giữ vẻ trầm ngâm một khoảng thời gian, như thể đang cân nhắc về các triệu chứng trước khi đưa ra một bản mô tả bệnh trạng. Sau đó, không một chút do dự, chị nghiêng người soi vào tấm gương để kiểm chứng rằng điều ấy là có thật, rồi hất đầu lên, dường như chấp nhận cái tình trạng ấy. Rồi chị lập tức ngồi xuống bên cạnh cái giá sách và nghểnh cổ để xem ai đang ngồi trên chiếc ghế trong tấm gương. "Ôi, xem thằng Gus kìa," chị chỉ thốt lên chừng ấy. Trên cùng chiếc ghế ấy trong gương, chúng tôi thấy Gus, người được xem như là con đỡ đầu của bố tôi — sau một trận lụt ở quê của anh, anh đã đến sống với chúng tôi và ở lại với gia đình chúng tôi như một người bà con xa tìm nơi nương tựa. Clara vẫy tay chào anh với vẻ thân tình, nhưng dường như anh đang bận bịu một lúc với cái máy nghe đài và không lưu ý đến chị. Rõ ràng là những người trong gương không muốn làm ra vẻ thân thiện. Điều này làm tổn thương tự ái của Clara, mặc dù chị không biểu lộ.

Tất nhiên, ý tưởng dời tấm gương vào phòng ăn là của Clara. Và từ đó sinh ra hệ quả: tấm gương được mang đến gần cái bàn lớn, để mọi người của cả hai thế giới có thể cùng ngồi ăn uống với nhau.

Mẹ tôi sợ rằng những người trong tấm gương sẽ lánh mặt hay bị làm phiền vì sự đường đột quá trớn này, thế nhưng mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp. Tôi phải thú nhận tôi cảm thấy thoải mái ngồi tại bàn ăn mỗi ngày và nhìn ngắm rất nhiều khuôn mặt thân thuộc, mặc dù một vài người ở bên kia là họ hàng xa, và vài người khác, vì sự vắng mặt lâu dài — dù không cố ý — của họ, đã hầu như trở thành những người khách lạ. Mỗi ngày có khoảng hai mươi người ngồi chung bàn với nhau, và ngay cả dù cho những cử chỉ và chuyển động của họ dường như trễ hơn chúng tôi, và những thức ăn của họ hơi cũ một chút, nhìn chung, chúng tôi đã tạo nên ấn tượng về một đại gia đình sum vầy thân thiết.

Ngay tại điểm tiếp giáp giữa cái bàn thật và cái bàn phản ảnh, bên này có Clara và anh của cô là Julius, bên kia có Eulaila (mất năm 1949) — người vợ thứ hai của Bác Daniel, hờ hững và biếng nhác hồi còn sống, và bây giờ là người lạnh nhạt nhất so với bất cứ ai ở trong tấm gương. Trước mặt bà ấy là ông Sylvester (mất năm 1952), cha đỡ đầu của tôi; dù chẳng có liên hệ huyết thống, ông vẫn luôn luôn có liên hệ tâm linh với chúng tôi. Tôi buồn khi thấy ông Sylvester không còn sắc diện hồng hào; bây giờ ông trông giống như một hình nhân mannequin nhợt nhạt, dù khuôn mặt tròn trịa của ông dường như biểu lộ một sức khoẻ hoàn hảo. Nước da xanh xao này không thích hợp với người đàn ông cường tráng xứ Asturias, và chắc hẳn ông đã cảm thấy hơi buồn cười về điều này.

Chúng tôi ăn chung bàn trong một thời gian, và không có sự kiện hay vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, đừng quên rằng có sự hiện diện của Clara, người mà chúng tôi đã để cho ngồi ngay tại điểm tiếp giáp giữa hai cái bàn. Chúng tôi không lưu tâm đến điều đó, nhưng lẽ ra chúng tôi nên đề phòng. Điều sơ suất đáng tiếc là chúng tôi đã quên để ý đến sự kiện rằng bà Eulaila chán chường ấy lại ngồi đối diện với Clara và, do đó, một đêm kia, với cùng một vẻ thân ái mà chị đã đối xử với Gus, Clara nhờ Eulalia chuyển cho bát xà-lách. Eulalia biểu lộ vẻ khinh miệt của một người đóng vai kẻ cả bị xúc phạm trong lúc bà đưa cho Clara bát xà-lách ma quái đựng đầy thứ rau cải úa và những miếng cà chua hơi trong mờ và nhuốm màu xam xám. Clara ăn ngấu nghiến, cười ranh mãnh với sự kiện hoàn toàn mới lạ này. Chị nhìn chúng tôi với ánh mắt thách thức cũng giống như ngày chị ghi danh học cái ngành của giới nam nhi. Chẳng kịp can ngăn, chúng tôi chỉ ngồi đó xem sắc diện của chị dần dần tái nhợt, rồi nụ cười của chị tắt đi và cuối cùng chị ngã vào tấm gương.

Khi việc tang lễ đã xong và chúng tôi trở lại ngồi nơi bàn ăn, chúng tôi thấy Clara đã ở trong tấm gương. Chị đang ngồi giữa ông anh họ Baltazar (mất năm 1940) và một cụ bác nội mà chúng tôi chỉ gọi là cụ "Ito".

Biến cố đáng tiếc ấy đã làm giảm phần nào niềm vui chung của chúng tôi. Ở một phương diện nào đó, chúng tôi cảm thấy bị phản bội; chúng tôi cảm thấy họ đã lạm dụng quá trớn sự đối đãi tử tế của chúng tôi. Thế nhưng, chúng tôi rốt cuộc lại phân vân trước câu hỏi rằng ai mới thật sự là khách của ai. Và hiển nhiên là sự chểnh mảng của chúng tôi và thói tò mò không cưỡng nỗi của Clara đã góp phần vào biến cố rủi ro ấy. Thật ra, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi nhận thấy rằng chẳng có gì khác nhau giữa những gì Clara đã làm trước kia và những gì chị đang làm bây giờ, và do đó chúng tôi quyết định bỏ qua cái biến cố ấy và tiếp tục mọi việc như cũ. Tuy nhiên, mỗi ngày chúng tôi lại càng thêm lưỡng lự, không còn biết chắc rằng bên nào là cuộc sống và bên nào là sự phản chiếu của nó, và hết người này lỡ bước đến người kia lỡ bước sang bên kia, rốt cuộc tôi ngồi vào chiếc ghế bỏ trống của Clara.

Giờ đây tôi gần gũi với họ hơn trước rất nhiều. Tôi có thể nghe những chiếc khăn ăn mở ra và xếp lại sột soạt khe khẽ, tiếng leng keng nho nhỏ của ly tách và muỗng nĩa, tiếng những chiếc ghế xê dịch. Thật tình tôi không thể phân biệt được những tiếng động ấy đến từ phía họ hay từ phía chúng tôi. Hiển nhiên là tôi chẳng cần quan tâm để biết rõ thực hư. Tuy thế, điều làm tôi lo lắng là cử chỉ của Clara dường như không được bình thường, có lẽ do vẻ nghiêm trọng hay do cái hình ảnh hơi mờ vì chị đã đổi vị trí ngồi; tôi không biết diễn tả điều này thế nào. Tệ hơn nữa, vấn đề chính là tôi — hơn bất cứ ai khác trong gia đình — hình như tôi đang trở thành mục tiêu cho những âm mưu của Clara, vì giữa chị và tôi luôn luôn có một sự quý mến đặc biệt, có lẽ bởi chúng tôi cùng lứa tuổi và đã cùng chia sẻ những trò chơi thời thơ ấu và những mối băn khoăn hồi còn ở tuổi dậy thì...

Mọi sự cứ thế diễn ra. Clara cố gắng hết mức để gây chú ý nơi tôi, và từ hôm thứ Hai tuần trước đến nay, chị vẫn luôn luôn đợi tôi sơ ý để chị có thể đưa cho tôi ăn một miếng trái thơm lớn chừng này. Phải thú nhận rằng nó hơi úa một chút, nhưng vẫn còn tốt đủ để làm nước ép, và nó cũng hơi chua, đúng với sở thích của tôi mà chị đã biết.

 

 

------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, "En la familia", trong Cuentos contemporáneos, editado por Mariana Hidalgo (Isla Negra: Editorial de la Universidad de Puerto Rico, 1967), 157-161.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021