thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuộc báo thù của Hannah Kemhuff
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Alice Walker (1944~) Nhà văn viết truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết về văn hóa Mỹ da đen. Các tiểu thuyết của bà đặc biệt tập trung vào phụ nữ da đen, nổi bật nhất là cuốn The Color Purple ('Màu đỏ tía', 1982) đoạt giải Pulitzer 1983, mô tả cuộc đấu tranh của một phụ nữ da đen đòi bình đẳng chủng tộc và giới tính.
       Tiểu thuyết đầu tiên của bà, The Third Life of Grange Copeland ('Cuộc đời thứ ba của Grange Copeland', 1970) kể về nỗ lực của một gia đình nhằm chinh phục sự ràng buộc tình cảm đã tồn tại ba thế hệ. Năm 1973; bà xuất bản tập truyện In Love & Trouble: Stories of Black Women ('Trong tình yêu & rắc rối: Truyện về những phụ nữ da đen'), trong đó có truyện ngắn dưới đây vốn cũng được Martha Foley tuyển và in trong The Best American Short Stories 1974. Cùng năm ấy, bà cũng cho ra tập thơ Revolutionary Petunias & Other Poems ('Petunias cách mạng & những bài thơ khác'). Mấy tiểu thuyết sau này của bà là The Temple of My Familiar ('Ngôi đền của những người thân thuộc của tôi', 1989) và Possessing the Secret of Joy ('Sở hữu bí quyết hoan lạc', 1992). Bà còn viết tiểu luận phê bình và truyện thiếu nhi, và tham gia các phong trào dân quyền và nữ quyền.

 

Hai tuần sau khi tôi nhận chân học việc cho Bà Cô Rosie, chúng tôi có khách hàng là một bà già cuộn mình, gần như kín mít, trong khoảng nửa tá váy và khăn quàng. Bà Cô Rosie (phát âm là Ro’zee) bảo với bà già rằng bà có thể thấy tên bà ta, Hannah Kemhuff, hiện lên trong không khí. Bà nói thêm với bà khách rằng bà ta thuộc dòng Ngôi sao phương đông.

Bà khách ngạc nhiên. (Và tôi cũng vậy! Tuy nhiên sau này tôi biết ra Bà Cô Rosie lưu những hồ sơ sưu tầm riêng về mọi người trong quận này, cất trong những thùng giấy dài để dưới gầm giường.) Bà Kemhuff lẹ làng hỏi Bà Cô Rosie còn có thể nói thêm gì nữa không.

Bà Cô Rosie có một bồn nước to tướng trên bàn ngay trước mặt, giống như bồn nuôi cá, có điều chẳng có con cá nào trong đó cả. Chẳng có gì cả ngoài nước, nhưng tôi chẳng bao giờ nhìn thấy gì trong đó. Dĩ nhiên, Bà Cô Rosie thì nhìn thấy. Trong khi bà khách chờ đợi, Bà Cô Rosie nhìn sâu vào trong bồn nước. Rồi bà ta bảo nước đã nói chuyện với bà và bảo bà rằng tuy bà khách kia trông già nua, nhưng thực ra không già. Bà Kemhuff nói điều đó đúng, và hỏi thêm Bà Cô Rosie có biết lý do khiến bà ta trông già như thế không. Bà Cô Rosie bảo là không biết và hỏi liệu bà khách có phiền khi kể cho chúng tôi nghe về chuyện đó không. (Ban đầu, bà Kemhuff có vẻ không muốn tôi có mặt ở đó, nhưng Bà Cô Rosie bảo rằng tôi đang học nghề làm bùa, và bà khách gật đầu cho thấy bà ấy hiểu và không phiền chuyện đó. Tôi thu người lại nhỏ đến hết mức trong góc bàn của Bà Cô Rosie, mỉm cười với bà khách để bà không cảm thấy bối rối hay lo ngại.)

“Đó là hồi Khủng hoảng kinh tế,” bà khách bắt đầu, nhúc nhích trên ghế và sửa lại các khăn quàng. Bà ta quấn nhiều khăn đến nỗi trông cái lưng bà ta như bị gù!

“Dĩ nhiên,” Bà Cô Rosie nói, “và bà còn trẻ và đẹp.”

“Sao bà biết thế?” bà Kemhuff kêu lên. “Qủa là vậy. Lúc đó tôi có chồng được năm năm và đã có bốn con còn nhỏ với một ông chồng mắt lúc nào cũng láo liên. Nhưng vì tôi lấy chồng sớm…”

“Ồ, bà lúc đó mới lớn hơn một đứa bé,” Bà Cô Rosie nói.

“Phải,” bà Kemhuff nói. “Lúc đó tôi chưa đầy hai mươi. Và ở đâu cũng khó sống cả, cả nước này và, tôi e rằng, cả thế giới luôn. Dĩ nhiên hồi đó chẳng ai có ti vi, nên chúng tôi không biết. Thậm chí tôi không biết người ta đã phát minh ra món đó chưa. Trước khủng hoảng tụi tôi có một cái radio, chồng tôi chơi phé thắng được, nhưng tụi tôi bán nó mất từ hồi nào rồi để mua một bữa ăn.

“Nhưng tụi tôi vẫn sống được nhờ tôi làm đầu bếp trong một xưởng cưa. Tôi nấu bắp cải với bánh bột ngô cho hai mươi người ăn để kiếm hai đô một tuần. Nhưng rồi xưởng cưa cũng đóng cửa, và chồng tôi lúc đó đã thất nghiệp một thời gian rồi. Tụi tôi sắp chết đói. Chúng tôi đói quá, và bọn trẻ yếu lắm rồi, đến độ sau khi tôi ngắt sạch những lá bắp cải cuối cùng chỉ còn trơ lại cuống tôi cũng không chờ cho nó mọc lại được nữa. Tôi đào nó lên, cả rễ lẫn các thứ. Sau khi ăn hết, thì chẳng còn gì nữa.

“Như tôi kể đó, tụi tôi chẳng có cách nào biết được thời buổi khó khăn là chuyện khắp cả thế giới vì hồi đó đâu ai có ti vi. Mà tụi tôi thì bán cái radio rồi. Tuy nhiên, mọi người chúng tôi quen biết ở hạt Cherokee ai cũng đều gặp khó khăn cả. Và vì thế chính phủ mới phát tem phiếu thực phẩm xuống, mình có thể xin được tem phiếu nếu chứng minh được là mình đang chết đói. Với mấy cái tem phiếu ấy, mình có thể vào thành phố tới chỗ người ta có và xin được cả mớ cả mớ mỡ lưng sấy khô, cả mớ cả mớ cháo yến mạch, rồi cả mớ cả mớ (thứ tôi nghĩ là) đậu đỏ. Như tôi nói, lúc đó tụi tôi tuyệt vọng ghê lắm. Và chồng tôi thuyết phục tôi dẫn cả nhà đi. Tôi chẳng bao giờ muốn thế, vì xưa nay tôi vốn đầy tự hào. Ba tôi, bà biết đó, vốn là người da màu trồng đậu phộng nhiều nhất hạt Cherokee, và chúng tôi chưa từng phải hỏi xin ai cái gì.

“Rồi, trong lúc đó thì có chuyện này xảy ra: em gái tôi, Carrie Mae…”

“Một cô nàng cứng cỏi, nếu tôi nhớ không sai,” Bà Cô Rosie nói.

“Phải,” bà Kemhuff nói, “thông minh, gan góc. À, lúc đó nó sống trên miền bắc. Ở Chiacgo. Và nó làm việc cho mấy người da trắng tốt bụng nào đó người ta cho nó quần áo cũ để gửi về quê dưới này. Và nói thiệt thì đồ đó còn tốt lắm. Và nhận được thứ đó tôi rất sung sướng. Vì lúc đó trời lạnh dữ dội, tôi với chồng con mặc hết mấy thứ đó trên người luôn. Bởi vì, coi đó, đồ đó được làm cho dân miền bắc mặc mà ở đó tuyết rơi đầy, và chúng tôi ấm như bánh mì nướng vậy.”

“Không phải Carrie Mae sau này bị một tay giang hồ giết chết sao?” Bà Cô Rosie hỏi. “Phải, đúng đó,” bà khách đáp, nóng ruột muốn kể tiếp câu chuyện. “Thằng đó là chồng nó.”

“Ồ,” Bà Cô Rosie khẽ thốt lên.

“Thế là có bao nhiêu đồ đẹp tụi tôi mặc hết vào, và với bao tử sôi réo vì đói, chúng tôi lên đường để đòi thứ mà chính phủ nói là dành cho bọn tôi với tất cả lòng tự hào mà tụi tôi vẫn có xưa nay. Ngay cả thằng chồng tôi, khi có quần áo ngon lành, cũng lộ ra chút đỉnh tự hào, còn tôi, mỗi khi nhớ lại những vụ mùa đậu phộng của cha tôi đã đem lại cho tụi tôi cái gì, thì không ai có được cái lưng thẳng như tôi.”

“Tôi thấy một bóng đen lờ mờ và quái ác ám phía trước bà trong chuyến đi đó,” Bà Cô Rosie nói khi nhìn vào bồn nước cứ như bà ta đã mất một xu khi chúng tôi không để ý.

“Cái bóng ma đó chắc chắn là lờ mờ và quái ác rồi,” bà Kemhuff nói. “Khi tới được chỗ đó thì người ta đã xếp hàng dài thậm thượt, và chúng tôi thấy tất cả người quen đã đứng trong hàng. Mé bên này một đống lớn thức ăn là hàng người da trắng – có mấy thằng giàu có cũng xếp hàng luôn – còn mé bên kia là hàng người da đen. Sau đó từ từ tôi nghe ra, bọn da trắng bên dãy da trắng lãnh được thịt muối với yến mạch, cả bữa ăn luôn, nhưng chuyện không phải là hàng bên này hay bên kia. Chuyện là thế này. Ngay khi mấy người bạn thấy tụi tôi mặc đồ ấm ngon lành quá, tuy cũng là đồ cũ bị thải ra thôi, họ bèn nói tụi tôi khùng hay sao mà ăn mặc như thế. Tới lúc đó tôi mới nhận ra mọi người trong hàng da đen mặc toàn đồ rách rưới không. Ngay cả những người ở nhà cũng có quần áo tử tế, mà tôi biết một số người có đủ quần áo thực. Vậy nghĩa là sao? Tôi hỏi chồng tôi. Nhưng y cũng không biết. Y lo đứng nghênh ngang ở đó chẳng thèm để ý gì cả. Tôi bắt đầu thấy sợ ghê lắm. Đứa nhỏ bắt đầu khóc, rồi mấy đứa kia nữa, biết tôi đang lo, cũng rên rỉ nức nở. Tôi thật khổ với chúng.

“Rồi, ngay lúc đó thằng chồng tôi đã đăm đăm ngắm một con nhỏ nọ, và tôi sợ điếng hồn khi nghĩ mình sắp mất y. Y lúc nào cũng chế giễu tôi và bảo tôi kiêu căng phách lối. Tôi bảo cái cách sống là phải thế và y cũng nên tập theo cách đó. Tôi không hề muốn y thấy tôi bối rối và trở nên hèn mọn trước mặt bao nhiêu người khác, vì tôi biết nếu xảy ra chuyện đó là y bỏ tôi liền.

“Nên tôi đứng đó hi vọng mấy người da trắng phát thực phẩm sẽ không nhận ra tôi ăn mặc đẹp và nếu họ có thấy thì cũng nhận ra bọn trẻ đói khát thế nào và bọn tôi khốn khổ làm sao. Tôi vẫn thấy thằng chồng tôi đàng kia nói chuyện với con nhỏ mà y sẽ lén rủ đi. Con nhỏ ăn mặc như một cây đập ruồi! Nó không chỉ rách rưới, mà còn bẩn thỉu nữa kìa! Bẩn thỉu kinh hồn, cái váy lót của nó lòi cả ra. Trông nó gớm guốc, nó làm tôi phát tởm. Thế mà thằng chồng tôi cứ phất phơ bên cạnh nó trong khi tôi đứng xếp hàng kè theo cả bốn đứa con. Tôi đoán y cũng như tôi đều biết con nhỏ đó có cả đống quần áo ở nhà. Nó luôn ăn mặc ngon lành hơn tôi, còn ngon lành hơn khối đứa da trắng nữa. Người ta nói nó như thế là do nó làm điếm và kiếm cả đống tiền. Coi bộ người ta cũng còn cần chuyện đó và sẵn sàng chi tiền cho nó ngay cả trong thời khủng hoảng kinh tế!”

* * *

Chuyện ngưng lại một lát khi bà Kemhuff hít một hơi dài. Rồi bà kể tiếp.

“Vậy là, lát sau tôi là người kế tiếp nhận các thứ từ tay một cô gái đứng sau quầy. Chung quanh cô ta tôi ngửi được mùi đậu đỏ, và tôi chảy nước miếng vì thèm được nếm bánh bột ngô mới làm. Tôi tự hào, nhưng tôi không lố bịch. Tôi chỉ muốn cái gì cho tôi với mấy đứa nhỏ. Thế là tôi đứng đó, với mấy đứa con bám vào đuôi váy, và tôi cố hết sức đứng thẳng người và bảo thằng con lớn nhất thẳng người theo, vì tôi tới đây để nhận phần dành cho mình chứ không phải đi xin. Nên tôi sẽ không có tác phong ăn mày. Phải, tôi muốn bà hiểu rằng cái đứa con gái đó, cũng mắt xanh tóc vàng các thứ, con bé đó, cầm lấy tem phiếu của tôi rồi nhìn tôi với đám con một hồi lâu rồi nhìn ra chỗ thằng chồng tôi – tôi độ chừng cô ta nghĩ bọn tôi ăn mặc quá bảnh, và nó cầm tem phiếu của tôi xăm xoi cứ như chúng dơ bẩn lắm, rồi nó chìa cho một lão già bài bạc đứng kế sau lưng tôi! ‘Coi kiểu ăn mặc thì biết chị chẳng thiếu cái ăn gì cả, Hannah Lou ạ,’ cô ta nói với tôi như thế. ‘Nhưng cô Sadler,’ tôi nói, ‘con tôi đang đói.’ ‘Coi mặt thì chúng không đói,’ cô ta nói tiếp. ‘Đi ra ngoài đi, nhiều người ở đây đang thực sự cần chúng tôi giúp!’ Cả hàng người sau lưng tôi phá lên cười, và con nhỏ da trắng đó như cũng nhếch miệng cười khi đưa tay lên che. Nó cho lão già bài bạc nọ gấp đôi khẩu phần bình thường của lão. Trong khi tôi với mấy đứa con sắp té gục vì đói.

“Khi thằng chồng tôi với con đĩ kia trông thấy và nghe được chuyện đã xảy ra, chúng cũng phá lên cười luôn, rồi y cúi xuống cầm mớ đồ của con nhỏ đó lên, hết mớ này tới mớ khác, lúc đó tôi thấy như thế, và giúp nó chất lên cái xe của ai đó, và chúng cùng lên xe bỏ đi mất. Và đó là lần cuối tôi nhìn thấy y. Cả con đĩ kia luôn.”

“Không phải họ bị cuốn văng khỏi một cây cầu trong một trận lụt ở Tunica City sao?” Bà Cô Rosie hỏi.

“Đúng thế,” bà Kemhuff đáp. “Một ai đó như bà chắc là đã giúp đỡ tôi rồi, tuy trông có vẻ tôi không cần giúp đỡ lắm.”

“Thế là…”

“Thế là sau đó, làm như tinh thần tôi suy sụp. Tôi với mấy đứa nhỏ quá giang về nhà bằng xe ai đó, và tôi đi lảo đảo như một con mẹ say và đưa chúng lên giường. Tụi nó là những đứa nhỏ dễ thương và không quấy rầy gì, tuy rằng chúng sắp phát điên lên vì đói.”

Bây giờ một nỗi buồn sâu xa lan trên khuôn mặt bà khách vốn từ nãy đến giờ vẫn vô cảm và bất động.

“Đứa thứ nhất, rồi đứa nữa bệnh rồi chết. Lão già bài bạc ghé qua nhà tôi ba hay bốn ngày sau và chia cho chúng tôi phần lão lãnh được và ăn chưa hết. Lão đang trên đường đem thứ đó đi đánh bạc. Chúa bảo lão hãy thương lấy tụi tôi, và vì lão ấy biết chúng tôi và biết chồng tôi đã bỏ tôi, lão nói lão rất sung sướng được giúp chúng tôi. Nhưng lúc lão nghĩ đến chuyện giúp đỡ thì đã quá muộn, và bọn trẻ đã chết rồi. Chẳng có ai ngoài Chúa cứu được chúng nó, mà coi bộ Người còn phải lo những việc khác, chẳng hạn như đám cưới của con ranh ấy vào mùa xuân kế đó.”

Bà Kemhuff lúc này rít qua kẽ răng.

“Tinh thần tôi chẳng bao giờ hồi phục được sau lần bị xúc phạm đó, giống như tim tôi chẳng bao giờ hồi phục sau chuyện thằng chồng bỏ tôi đi, giống như cơ thể tôi chẳng bao giờ hồi phục vì trận suýt chết đói đó. Tôi bắt đầu tàn tạ đi trong mùa đông đó và mỗi năm lại càng ho hen và suy sụp hơn. Vào lúc nào đó trong những năm ấy lòng tự hào của tôi đã biến mất hết, và có thời tôi làm việc trong một nhà chứa chỉ để kiếm chút tiền, giống như con nhỏ mà chồng tôi chạy theo vậy. Rồi tôi bắt đầu uống rượu để quên đi chuyện mình đang làm, và chẳng mấy chốc tôi hoàn toàn suy sụp và già đi rất mau, như bây giờ bà thấy tôi đó. Cách đây chừng năm năm tôi bắt đầu đi nhà thờ. Tôi lại cải đạo nữa, vì tôi cảm thấy cái gì xảy ra lần đầu thì đã tan biến đi. Nhưng tôi vẫn không bình yên được, tôi mơ và vẫn gặp những ác mộng về con nhỏ phát chẩn đó, và lúc nào tôi cũng thấy cái giây phút tinh thần tôi bị chà đạp trong tôi, trong khi bọn chúng đứng đó cười, và con nhỏ đó nhếch miệng sau bàn tay che.”

“Được rồi,” Bà Cô Rosie nói. “Có nhiều cách để phục hồi tinh thần lắm, cũng như có rất nhiều cách khiến tinh thần suy sụp. Nhưng người như tôi thì chẳng làm được cả hai chuyện một lúc. Nếu tôi muốn cất đi gánh nặng tủi nhục đang đè lên bà, thì tôi phải tìm cách trút nó sang một người khác.”

“Tôi không cần bà cứu chữa cho tôi,” bà Kemhuff nói. “Tôi chịu đựng tủi nhục suốt bao nhiêu đó năm là đủ rồi và tôi bị mất chồng mất con vì một đứa chẳng biết gì về tụi tôi cả. Tôi có thể sống mãi nếu cần với nỗi đắng cay ngày nào cũng đè nặng trong hồn tôi. Nhưng tôi có thể chết an lòng hơn nếu biết được một điều gì đó, sau bằng ấy năm, đã được thu xếp để xảy đến cho con nhỏ phát chẩn đó. Chúa không thể cho nó sung sướng và bắt tôi chịu khổ suốt bao nhiêu đó năm. Thế là công bằng cái kiểu gì? Như thế là ác độc!”

“Đừng ưu tư về chuyện đó, bà chị,” Bà Cô Rosie nói với giọng dịu dàng. “Nhờ ơn Thần Nhân mà tôi sử dụng được nhiều quyền năng. Những quyền năng do Thiên Mẫu Vĩ Đại ban cho tôi. Nếu bà không chịu nổi ánh mắt của kẻ thù mà bà gặp trong các giấc mơ, thì Thần Nhân, người truyền đạt giữa tôi với Mẫu Thân Nhân Loại, sẽ thu xếp để những con mắt ấy phải biến đi. Nếu tay của kẻ thù đã đánh bà, thì chúng sẽ bị biến thành vô dụng.” Bà Cô Rosie giơ lên một mẩu của món mà xưa từng làm bằng thiếc sáng giới. Giờ thì nó rỗ lỗ chỗ và thâm đen và sắp mục.

“Bà thấy mẩu kim loại này không?” bà ta hỏi.

“Có, tôi thấy,” bà Kemhuff chăm chú đáp. Bà cầm lấy nó và chà xát.

“Bộ phận của con nhỏ phát chẩn mà bà muốn hủy hoại cũng sẽ mục nát y như món này.”

Bà Kemhuff trả mẩu kim loại cho Bà Cô Rosie.

“Bà đúng là một chị em đích thực,” bà khách nói.

“Vậy đủ chưa?” Bà Cô Rosie hỏi.

“Tôi sẵn sàng chịu mất bất cứ gì để nó không nhếch miệng cười sau bàn tay che được nữa,” bà khách nói, móc ra một mớ giấy bạc tả tơi.

“Làm cái tay hay cái miệng?” Bà Cô Rosie hỏi.

“Cái miệng nhếch cười với bàn tay che lại luôn,” bà Kemhuff nói.

“Mười đô một món, hai món là hai chục,” Bà Cô Rosie nói.

“Vậy thì chỉ cái miệng thôi,” bà Kemhuff nói. “Đó là cái tôi thấy rõ nhất trong các giấc mơ.” Bà khách đặt một tờ mười đô xuống đùi Bà Cô Rosie.

“Để tôi nói rõ tụi tôi sẽ làm gì,” Bà Cô Rosie nói, đến gần bà khách và nói dịu dàng, như một bác sĩ nói với bệnh nhân. “Đầu tiên chúng tôi sẽ làm một liều thuốc đã được dân trong nghề chúng tôi sử dụng từ rất lâu. Nó là hỗn hợp gồm tóc và vụn cắt móng tay của người mà ta muốn đối phó, một ít phân và nước tiểu của người đó, một mẩu quần hay áo mang đậm mùi của người đó, và tôi nghĩ trong trường hợp này chúng tôi cần thêm vào một nhúm bụi qủi, tức là, bụi đất ở nghĩa địa. Kẻ thù này sẽ không sống lâu hơn bà sáu tháng.”

Tôi nghĩ hai bà đã quên hẳn sự có mặt của tôi, nhưng bây giờ Bà Cô Rosie lại quay sang tôi và bảo, “Cháu phải tới nhà bà Kemhuff đây. Bà ấy cần được chỉ dẫn cách đọc thần chú. Cháu sẽ chỉ cho bà ấy cách xử lý đèn cầy đen và cúng tạ Thần Chết vì đã can thiệp giúp bà.”

Rồi bà ta tới cái kệ chứa đủ thứ đồ nghề: các loại dầu xui và dầu hên, dược thảo khô, kem, bột và nến. Bà ta lấy hai cây nến đen lớn và đặt vào tay bà Kemhuff. Bà ta cũng cho thêm một túi bột và dặn bà khách đốt trên bàn (coi như bàn thờ) trong khi đọc bài thần chú nguyền rủa. Phần tôi thì sẽ chỉ cho bà Kemhuff cách xử lý nến bằng rượu nho để thanh tẩy chúng cho mục đích của bà.

Bà ta nói với bà Kemhuff rằng mỗi sáng và mỗi tối trong chín ngày liền, bà khách phải thắp nến, đốt thứ bột kia, qùi gối đọc thần chú nguyền rủa, và tập trung tất cả sức mạnh để đưa ước nguyện của mình tới tai Thần Chết và Thần Nhân. Còn Thiên Mẫu Tối Thượng thì chỉ nghe lời thỉnh cầu của Thần Nhân mà thôi. Bà Cô Rosie cũng sẽ đọc thần chú nguyền rủa cùng lúc với bà Kemhuff, và bà ta bảo rằng hai người cùng đọc với lòng thành kính thì không cách chi mà không lay chuyển được Thần Nhân, thần này sẽ lệnh cho thần Chết xuống trần tìm bắt con nhỏ phát chẩn kia. Nhưng cái chết đó sẽ không đến liền bởi vì trước hết Thần Nhân phải nghe trọn những lời cầu nguyện đã.

“Chúng tôi sẽ lấy những món của cô ta mà chúng tôi thu nhặt được, phân, nước tiểu, vụn móng tay, vân vân, và đem cấy ở chỗ sẽ đem lại kết quả tốt nhất cho bà chị. Trong vòng một năm kẻ đó sẽ không còn trên mặt đất này nữa, và gần như bà chị sẽ thoát khỏi cái nhếch miệng cười của nó ngay tức thì. Bà chị có cần một món khác, chỉ hai đô thôi, để làm bà chị thấy sung sướng ngay từ hôm nay không?” Rosie hỏi.

Nhưng bà Kemhuff lắc đầu. “Bây giờ tôi đã thấy thoải mái rồi, khi biết chưa đầy một năm nữa con nhỏ đó sẽ hết đời. Còn về sung sướng, thì đó là thứ đã rời bỏ mình từ khi mình biết rằng nó có thể mua bán được. Tôi sẽ không sống tới lúc nhìn thấy kết quả công việc của bà đâu, Bà Cô Rosie à, nhưng nấm mộ của tôi sẽ đẹp hơn vì có được một người biết tự trọng uốn nắn giùm một điều sai trái và, nhờ thế, có thể nằm thẳng thắn và tự hào đến vĩnh cửu.”

Rồi bà Kemhuff quay lưng ra về, đường bệ rời khỏi phòng. Trông cứ như bà ta đã lấy lại được tuổi xuân; những tấm khăn quàng của bà cứ như áo choàng của nhà qúi tộc La Mã, mái tóc bạc của bà như tỏa sáng.

* * *

Tấu lạy đấng Thần Nhân: Đấng cao cả, tôi đã bị kẻ thù thử thách một cách đau đớn và đã bị nguyền rủa và vu vạ. Những ý nghĩ tử tế và hành vi lương thiện của tôi đã bị biến thành những hành vi xấu xa và những ý nghĩ bất lương. Gia đình tôi bị khinh bỉ, con cái tôi bị rủa xả và ngược đãi. Những người thân yêu của tôi đã bị xúc xiểm và đức hạnh của họ bị nghi ngờ. Ôi Thần Nhân, tôi cầu xin rằng điều tôi đòi ở kẻ thù sẽ xảy ra:

Rằng gió nam sẽ hong khô thân xác của chúng và khiến chúng tàn tạ và sẽ không dịu đi cho chúng. Rằng gió bắc sẽ làm đông máu chúng lại và làm tê các bắp thịt của chúng và nó sẽ không dịu đi cho chúng. Rằng gió tây sẽ thổi bay sinh khí của chúng và sẽ không cho tóc chúng nó mọc, và móng tay của chúng sẽ rụng ra và xương cốt vỡ vụn. Rằng gió đông sẽ làm đầu óc chúng đen tối, nhìn không thấy đường và sinh lực khô kiệt để không sinh sôi được.

Tôi muốn rằng các cha các mẹ chúng từ thế hệ xa nhất sẽ không cầu xin cho chúng trước ngai cao, và bụng dạ vợ con chúng sẽ không kết quả trừ khi mang hòn máu người lạ, rằng dòng dõi chúng sẽ tuyệt diệt. Tôi cầu xin rằng con cái chúng sau này sẽ suy nhược đầu óc và bại liệt chân tay và chính chúng sẽ nguyền rủa cha ông chúng nó vì đã sinh chúng nó ra đời. Tôi cầu xin bệnh tật và chết chóc sẽ ở mãi với chúng và của cải trần gian của chúng sẽ không sinh sôi và mùa màng của chúng sẽ không bội thu, và bò của chúng, cừu của chúng và heo của chúng và tất cả thú nuôi của chúng sẽ chết đói chết khát. Tôi cầu xin nhà cửa của chúng sẽ bị tróc nóc và mưa, sấm và sét sẽ đánh vào nơi sâu kín nhất trong nhà chúng, và nền nhà chúng sẽ sụp đổ và bão lụt sẽ cuốn nó tan tác. Tôi cầu xin mặt trời sẽ không sưởi ấm chúng mà sẽ đổ trên đầu chúng và thiêu đốt chúng và hủy diệt chúng. Tôi cầu xin mặt trăng sẽ không đem lại bình yên cho chúng mà sẽ chế giễu chúng và kết tội chúng và khiến đầu óc chúng lú lẫn. Tôi cầu xin bạn bè chúng sẽ phản bội chúng và khiến chúng mất quyền lực, vàng bạc, và kẻ thù của chúng sẽ hạ gục chúng cho đến khi chúng van xin thương xót mà không bao giờ được. Tôi cầu xin miệng lưỡi chúng sẽ quên những lời lẽ ngọt ngào và nó sẽ bị tê liệt, và mọi điều ở quanh chúng sẽ chỉ là trơ trọi, bệnh dịch và chết chóc. Ôi Thần Nhân, tôi xin ngài tất cả những điều đó vì chúng đã đẩy tôi xuống bùn và hủy hoại thanh danh tôi; làm tim tôi tan nát và khiến tôi nguyền rủa ngày tôi ra đời. Hãy cho như thế.

Bài thần chú nguyền rủa này được các pháp sư truyền dạy và sử dụng thường xuyên, nhưng vì tôi không thuộc lòng được như Bà Cô Rosie, nên tôi phải đọc theo cuốn Mules and Men của Zora Neale Hurston, và bà Kemhuff với tôi cùng qùi gốc học nó. Rồi chúng tôi xử lý đèn cầy đen bằng rượu nho, thắp chúng lên, qùi gối và đọc lời nguyện – ngân nga từng lời theo nhịp điệu – cứ như chúng tôi đã làm chuyện này bao năm rồi vậy. Tôi xúc động trước kiểu cầu nguyện sốt sắng của bà Kemhuff. Thông thường, bà ta sẽ nắm tay lại, nhắm chặt mắt và cắn vào phía trong cổ tay như phụ nữ ở Hy Lạp vẫn làm.

Theo hồ sơ ở tòa hành chánh thì Sarah Marie Sadler, “con nhỏ phát chẩn,” sinh năm 1910. Hồi khủng hoảng kinh tế thì cô ta ngoài hai mươi. Năm 1932 cô ta cưới Ben Jonathan Holley, người sau này thừa kế một chuỗi các cửa hàng tạp phẩm và sở hữu một đồn điền và một miếng rừng để khai thác gỗ. Đến mùa xuân 1963, bà Holley đã năm mươi ba tuổi. Bà ta đã có ba con, một trai và hai gái: cậu trai là một tay chào hàng quần áo; hai cô con gái đã có chồng và cũng đã làm mẹ.

Vợ chồng già Holley sống ngoài thị trấn sáu dặm, nhà của họ lớn; và các thú giải trí của bà Holley là mua sắm đồ cổ, ngồi lê đôi mách với phụ nữ da đen, bàn bạc về sức khoẻ của ông chồng và mấy đứa cháu ngoại cháu nội, và làm bánh ngọt. Tôi có thể thu nhặt đủ chuyện như vậy qua những lời không đầu không đũa trong lúc say rượu của bà đầu bếp nhà Holley, một bà già bị chứng thống phong, người mà trong lúc còn khoẻ mạnh đã nuôi nấng ít nhất một người trong nhà Holley, một nhà thuyết giáo mà gia đình Holley đã gửi tới Morehouse.

“Cháu tin chắc có thể khiến bà già đầu bếp này cho mình mọi thông tin và một ít vụn móng tay cho mình xài,” tôi nói với Bà Cô Rosie. Vì bà già cáu kỉnh này uống rượu muscat như hũ chìm và rõ ràng là không ưa gì bà Holley. Tuy nhiên, cũng khó mà làm cho bà già đủ say để có thể tiết lộ điều gì đó và chúng tôi đang cạn dần ngân sách.

“Cách đó không xong rồi,” Bà Cô Rosie phát biểu một tối nọ khi ngồi trong xe và nhìn tôi đưa bà già đầu bếp ra khỏi quán Six Fork Bar trông thấy gớm nhưng gợi tới nhiều bí mật. Chúng tôi đã tốn hết sáu đô cho khoản rượu muscat.

“Cháu không thể tin cậy chuyện ngồi lê đôi mách hay những người say,” Rosie nói. “Cháu cứ để con mụ đối tượng của mình cho cháu những thứ cháu cần, và chính từ miệng bà ta.”

“Nhưng đó là cách điên khùng nhất mà cháu từng nghe nói tới,” tôi nói. “Làm sao cháu nói thẳng với bà ta chuyện mình đang tính yểm bùa bà ta mà không làm bà ta phát hoảng lên, hay thậm chí có thể sợ muốn chết luôn.”

Bà Cô Rosie chỉ ậm ừ.

“Qui tắc thứ nhất: Quan sát đối tượng. Ghi nó lại trong mớ ghi chép lộn xộn của cháu đi.”

“Tức là…”

“Hãy đi trực tiếp, nhưng đừng lờ đờ.”

Trên đường tới đồn điền Holley, tôi nảy sinh một ý là mình giả bộ đi tìm một nhân vật tưởng tượng nào đó. Rồi tôi lại có một ý hay hơn. Tôi đậu cái xe Bonneville của Bà Cô Rosie ở góc một khoảng sân rộng rãi, có trồng rải rác mấy khóm hoa trà và mimosa. Rosie cứ nhất định là tôi phải mặc một cái váy màu cam sáng chói, và khi tôi bước đi, nó bay lất phát dán vào chân tôi. Bà Holley đang ở hàng hiên sau nhà, trò chuyện với một cô gái da đen trẻ đẹp. Họ tròn mắt nhìn ngạc nhiên trước độ dài và sắc chói của cái váy tôi mặc.

“Bà Holley, chắc đến lúc cháu phải đi rồi,” cô gái nói.

“Đừng ngốc thế,” bà Holley gạt đi ngay. “Chắc chỉ là một cô gốc Phi da sáng đang đi đâu đó và bị lạc đường thôi.” Bà cù vào hông cô gái và cả hai đều cười rinh rích.

“Xin chào. Bà khoẻ không?” Tôi nói.

“Khoẻ. Cô ra sao?” bà Holley nói, trong khi cô bé da đen kia nhìn tôi e dè. Họ đang chụm đầu nói chuyện với nhau và cùng đứng lên khi tôi lên tiếng.

“Tôi đang tìm một người tên Josiah Henson,” (người nô lệ bỏ trốn và là nguyên mẫu của Chú Tom trong tác phẩm của Harriet Beecher Stowe, có thể nói rõ là thế). “Không biết ông ta có sống ở vùng này không?”

“Cái tên nghe quen dễ sợ,” cô gái da đen nói.

“Bà có phải là bà Holley không?” tôi hỏi bâng quơ, trong khi bà Holley đang mải nghĩ. Rõ ràng bà chưa từng nghe cái tên đó.

“Dĩ nhiên,” bà ta nói, và mỉm cười, vuốt hông váy. Mái tóc vàng của bà đã bạc và khuôn mặt bà nhợt nhạt không ăn nắng, và năm ngón tay của bà cắt móng ngắn và được chăm sóc kỹ. “Và đây là… à… bạn tôi. Caroline Williams.”

Caroline gật đầu nhanh.

“Có người bảo tôi ông Josiah có thể ở miệt ngoài này…”

“Ồ, chúng tôi chưa từng gặp ông ta,” bà Holley nói. “Chúng tôi chỉ ngồi đây bóc ít đậu, hưởng ánh nắng đẹp bữa nay.”

“Cô lai Phi hả?” Caroline hỏi.

“Không,” tôi nói. “Tôi làm cho Bà Cô Rosie, thày bùa. Tôi đang học nghề này.”

“Để làm chi vậy?” bà Holley hỏi. “Tôi cứ nghĩ một cô gái dễ coi như cô thì có thể dùng thời giờ vào việc khác chứ. Tôi đã nghe nói về Bà Cô Rosie từ hồi còn bé xíu, nhưng ai cũng nói trò làm bùa hoàn toàn chỉ là một chuyện…, ý tôi là, ngớ ngẩn, của dân da màu. Dĩ nhiên mình không tin vào thứ đó, phải không Caroline?”

“Không.”

Cô gái đặt một bàn tay lên cánh tay bà già, với vẻ sở hữu, như muốn nói, “Cô biến đi giùm với cái trò nhét đầy lỗ tai bà cụ da trắng của tôi bằng cái mớ điên khùng của cô đi!” Ở cửa sổ nhà bếp một khuôn mặt đen, đầy hối tiếc ló ra nháy nhó đủ kiểu với hàm ý “Đi đi!” Đó là bà đầu bếp nghiện rượu.

“Tôi tự hỏi bà có muốn chứng tỏ mình không tin vào trò làm bùa không?”

“Chứng tỏ?” bà da trắng nói với vẻ mích lòng.

“Chính thế,” tôi đáp.

“Ô, không phải tôi sợ bất kỳ trò ma thuật da đen nào đâu…!” bà Holley nói chắc nịch, đặt một bàn tay trấn an lên vai Caroline. Tôi là dân da đen đây, chứ không phải cô ấy.

“Nếu vậy thì bà sẽ cho chúng tôi thấy bà không hề sợ nó đến mức nào chứ?” Khi nói ‘chúng tôi’, tôi đã đặt Caroline vào cùng lớp da đen như tôi. Cứ cho cô ta sôi máu lên! Thế là bà Holley còn lại một mình, nhà cách tân da trắng vĩ đại và kẻ trừng phạt nhân danh khoa học, bị buộc phải đứng trong pháo đài Ki tô giáo chống lại phe dị giáo da đen ít học.

“Dĩ nhiên, nếu cô muốn,” bà ta nói ngay, với một kiểu cách Ăng- lê bảnh nhất. Môi trên mím lại, sao?, và các thứ. Suốt đời bà ta cứ nhếch miệng cười. Bây giờ thì bà ta giấu hàm răng sau đôi môi mím và khuôn mặt bà trở nên lạnh lùng và cương quyết. Giống như bao phụ nữ da trắng khác ở nhiều nơi trên đất nước này nơi chủng tộc vẫn còn “nguyên tuyền,” cái miệng của bà hẳn đã được tạo hình bằng nhát chém tinh tế của một thanh gươm lá liễu.

“Bà có biết một bà tên là Hannah Lou Kemhuff không?” tôi hỏi.

“Không, tôi không biết.”

“Bà ấy không phải da trắng, bà Holley ạ, bà ấy đen.”

“Hannah Lou, Hannah Lou. Mình biết ai tên Hannah Lou không nhỉ?” bà ta quay sang Caroline hỏi.

“Không, thưa bà, không hề biết!” Caroline đáp.

“Nhưng bà ấy biết bà. Bà ấy kể đã gặp bà khi xếp hàng nhận đồ cứu tế hồi Khủng hoảng kinh tế và bởi vì bà ta ăn mặc tử tế nên bà đã không phát cho bà ta một miếng bột ngô nào. Hay chút đậu đỏ nào. Hay bất cứ món gì đại loại như thế.”

“Nhận cứu tế, Khủng hoảng kinh tế, ăn mặc tử tế, bột ngô…? Tôi chẳng hiểu cô đang nói chuyện gì!” Không một tia hồi ức nào trồi lên từ mớ chồng chất những điều bà ta đã gây ra cho người da đen hơn ba mươi năm về trước.

“Chuyện cũng không thành vấn đề, vì bà không tin… nhưng bà ấy nói bà đã sai trái với bà ấy, và vì là tín đồ Ki tô thuần thành, bà ấy tin rằng mọi sai trái sau cùng phải được uốn nắn khi đến thời điểm của Chúa. Bà ấy chỉ đến nhờ chúng tôi giúp đỡ khi bắt đầu cảm thấy rằng thời điểm của Chúa có lẽ còn quá xa. Vì chúng tôi không làm chuyện phá hoại không xứng đáng., nên Bà Cô Rosie với tôi thấy không có lý do nào để nhận giúp cho trường hợp này…” Tôi nói một cách nhún mình, với giọng ra vẻ tử tế đến hết mức tôi có thể huy động được.

“Thế thì tôi rất mừng,” bà Holley nói, nãy giờ bà đã điểm lại những năm xưa trên các ngón tay mình.

“Nhưng,” tôi nói, “chúng tôi đã nói cho bà ấy biết những gì có thể làm để tìm lại được bình yên trong tâm hồn, cái mà bà ta tuyên bố là đã bị bà cướp mất trong một giây phút mà, bây giờ chúng ta đã rõ, bà hoàn toàn vô tâm. Bà chuẩn bị lấy chồng mùa xuân kế đó mà.”

“Đó là năm băm hai,” bà Holley nói. “Hannah Lou à?”

“Đúng thế.”

“Bà ấy hồi đó đen cỡ nào? Đôi khi tôi nhớ lại được những khuôn mặt da đen bằng cách đó.”

“Chuyện đó chẳng liên quan,” tôi nói, “vì bà không tin…”

“Phải, dĩ nhiên là tôi không tin!” bà Holley nói.

“Tôi chẳng là gì trong chuyện thù hận này giữa hai bà,” tôi nói. “Bà Cô Rosie cũng vậy. Cả hai chúng tôi chẳng biết bà là ai cho đến khi nghe hết câu chuyện của bà Kemhuff. Chúng tôi không lạ gì mối quan tâm chân thành và sâu xa của bà đối với trẻ em da đen nghèo khổ vào dịp Giáng sinh mỗi năm. Chúng tôi biết bà đã cố ý thuê những người túng bấn về làm việc trong nông trại của bà. Chúng tôi biết bà là điển hình cho lòng từ thiện Ki tô giáo và là người hô hào tình huynh đệ. Và ngay trước mắt đây tôi thấy quả là bà có những bạn bè da đen.”

“Thế thì cô muốn gì?” bà Holley hỏi.

“Điều mà ba Kemhuff muốn là một ít vụn móng tay, không nhiều, chỉ một ít thôi; ít sợi tóc (cứ lấy lược chải là có); một ít phân và nước tiểu… Và nếu bà không muốn làm điều thứ nhất hay điều thứ nhì, thì tôi sẽ chờ; và một ít áo quần, thứ mà bà đã mặc cũ năm rồi. Một món có mùi mồ hôi của bà trong đó.”

“Trời đất!” bà Holley ré lên.

“Người ta bảo phối hợp mấy thứ này, với một bài thần chú thích hợp, có thể làm hao mòn một con người giống như một chứng bệnh có thể hủy hoại một món đồ cổ bằng hợp kim thiếc.”

Bà Holley tái mặt. Với hai tay quơ rối rít một cách ân cần, Caroline đỡ bà ta ngồi xuống cái ghế dựa.

“Lấy thuốc cho tôi,” bà Holley nói, và Caroline phóng đi như một con sơn dương.

“Cút đi! Ra khỏi chỗ bà ấy!”

Tôi xoay mình vừa kịp lúc để tránh một cú đánh bằng cái cây lau nhà to tướng. Đó chính là bà già đầu bếp, nhưng không say rượu chút nào, vừa phóng ra để bảo vệ bà chủ.

“Nó chỉ là thứ cù bơ cù bất láo khoét thôi!” bà già trấn an bà Holley, bà này lúc đó đã xỉu thật sự.

* * *

Không lâu sau lần tôi tới chỗ bà Holley, bà Hannah Kemhuff được chôn cất. Bà Cô Rosie và tôi đi sau áo quan tới nghĩa trang. Bà Cô Rosie trông trang trọng nhất khi mặc đồ đen. Rồi chúng tôi rẽ lùm cây bụi cỏ đi ra xa lộ. Bà Kemhuff an nghỉ trong một khoảng rừng thưa, tách biệt một mình, tuy cũng tương đối gần ông chồng và các con. Chỉ vài người đưa đám tang, nên ai cũng thấy rõ mặt bà già đầu bếp và ông chồng của bà Holley. Họ đến để xác định cho chắc rằng người quá cố chính là nhân vật Hannah Lou Kemhuff mà bà Holley đã khởi sự tìm hiểu, huy động toàn bộ nhân lực trong hạt mà bà ta có được.

Vài tháng sau, chúng tôi đọc được tin trên báo cho biết Sarah Marie Sadler Holley cũng đã qua đời. Bài báo nói tới nhan sắc và sức sống của bà khi còn trẻ, về sự quan tâm của bà đối với những người kém may mắn hơn bà, trong vai trò một phụ nữ có gia đình và là trụ cột của cộng đồng cũng như giáo hội của mình. Nó cũng đề cập qua cơn bệnh kéo dài và ngặt nghèo của bà. Nó cũng nói mọi người quen biết bà đều chắc rằng linh hồn bà sẽ tìm được bình an trên thượng giới, vì thân xác còm cõi của bà đã chịu quá nhiều đau khổ và thương tâm ở cõi trần này.

Caroline đã cập nhật cho chúng tôi về bước suy sụp của bà Holley. Sau lần tôi đến thăm, quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng, và bà Holley sau cùng trở nên quá sợ màu da đen của Caroline đến độ không cho cô ta tới gần. Một tuần sau khi tôi nói chuyện với họ, bà Holley bắt đầu dùng bữa trong phòng ngủ của bà ta trên lầu. Rồi bà ta bắt đầu làm mọi việc khác ở đó luôn. Bà thu nhặt tóc rụng của mình và chải đầu cực kỳ cẩn thận và nhất quán, nếu không muốn nói là một cách tuyệt vọng. Bà ta ăn sạch vụn móng tay. Nhưng kỳ quái nhất là phản ứng của bà ta trước thỉnh cầu của bà Kemhuff vốn muốn có mẫu phân và nước tiểu của bà ta. Không còn tin vào sự kín đáo tầm thường của hệ thống thoát nước, bà ta không chịu giật nước bồn cầu nữa. Cùng với bà đầu bếp, bà Holley quyết định giữ lại những thứ ăn thừa (mà hầu như không thừa gì mấy và rồi tuyệt đối chẳng còn gì thừa lại cả, bà đầu bếp nói với Caroline thế), và họ giữ thứ đó trong các thùng và bao nhựa dẻo trong mấy phòng xép trên lầu. Trong vòng vài tuần thì không ai còn chịu nổi cái mùi trong nhà nữa – ngay cả chồng bà Holley, người rất yêu bà nhưng trong những tuần trước khi bà ta mất ông đành phải ngủ trong một phòng phụ trong nhà bà đầu bếp.

Cái miệng từng nhếch cười sau bàn tay che giờ không còn cười được nữa. Nỗi lo lắng thường trực e rằng một sợi tóc rụng sẽ bị mất và cái mùi kinh tởm trong nhà đã mau chóng khiến đôi tay cứ liên tục làm động tác mò tìm, đôi mắt có cái nhìn trống rỗng và vô hồn, và cái miệng luôn cau chặt lại, và chỉ có cái chết mới làm nó dãn ra được.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021