thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chia tay thôi, Columbus [kỳ 5/8]
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Philip Roth (sinh năm 1933) Nhà văn có những tác phẩm đặc trưng với đối thoại sắc bén, mối quan tâm đến đời sống của người Do Thái trung lưu, và những quan hệ bi đát giữa tình yêu trai gái và tình yêu gia đình.
       Roth tốt nghiệp Đại học Chicago và bắt đầu nổi tiếng với Goodbye Columbus ('Chia tay thôi, Columbus', 1959; giải National Book Award 1960). Tiểu thuyết đầu tiên của ông, Letting Go ('Buông thả, 1962), và cuốn kế, When She Was Good ('Khi nàng còn tốt', 1967) đều không thành công lắm cho đến khi ông viết Portnoy’s Complaint ('Lời khiếu nại của Portnoy, 1969). Cuốn này được xếp vào loại kinh điển của văn học Mỹ gốc Do Thái, mô tả những đau khổ và thiệt hại mà bối cảnh văn hóa đã gây ra cho nhân vật Portnoy. Mấy tác phẩm đáng kể khác của ông là The Ghost Writer ('Kẻ viết thuê', 1979), Zuckerman Unbound ('Zuckerman vô hạn định', 1981), Anatomy Lesson ('Bài học giải phẫu', 1983), The Counterlife ('Phản sinh', 1986) và American Pastoral ('Điền dã Hoa-kỳ', 1997; giải Pulitzer 1998).
      Goodbye Columbus gồm tám chương, kể về một mối tình ngắn ngủi – chỉ một mùa hè – giữa một chàng trai Do Thái nghèo sống tự lập và con gái một gia đình thị dân Do Thái trung lưu. Chàng trai luôn cảm thấy một tương lai tan vỡ cho mối tình của họ, nhưng thực ra trở ngại với anh chính là lối sống thực dụng và các thành kiến của gia đình cô gái.

 

5

“Ron sắp lấy vợ!” Julie gào lên với tôi khi tôi bước qua cửa. “Ron sắp lấy vợ!”

“Bây giờ hả?” tôi hỏi.

“Lễ Lao động! Anh ấy cưới Harriet, anh ấy sắp cưới Harriet.” Nó bắt đầu ê a câu đó như một bài ca lúc nhảy dây, với giọng mũi và nhiều tiết điệu. “Mình sẽ là em chồng!”

“Chào,” Brenda nói, “Mình sẽ là em chồng.”

“Anh cũng nghe thế. Chừng nào vậy?”

“Anh ấy mới nói chiều nay. Họ nói chuyện đường dài với nhau cả bốn mươi phút tối qua. Tuần tới chị ấy sẽ bay qua đây, và sẽ có một đám cưới to đùng. Bố mẹ em đang chạy cuống cuồng. Họ phải thu xếp mọi chuyện trong vòng một hai ngày. Mà bố em muốn cho Ron đi làm với ông – nhưng anh ấy phải bắt đầu với hai trăm một tuần rồi leo lên từ từ. Mà chuyện đó tháng Mười mới bắt đầu.”

“Anh nghĩ anh ta sẽ làm giáo viên thể dục.”

“Trước đây thì vậy. Nhưng bây giờ anh ấy có nhiều trách nhiệm…”

Và trong bữa tối Ron cứ lan man với chủ đề trách nhiệm và tương lai.

“Tụi con sẽ có con trai,” cậu ta nói, khiến bà mẹ hài lòng, “rồi khi nó chừng sáu tháng, con sẽ cho nó ngồi trước một trái bóng rổ, một trái banh bầu dục với một trái bóng chày, nó chụp cái nào thì tụi con sẽ tập trung vào môn đó.”

“Nếu như nó không chọn cái nào cả,” Brenda nói.

“Đừng nói ngốc, qúi nương,” bà Patimkin nói.

“Con sẽ là bà cô,” Julie ê a, rồi nó lè lưỡi ra với Brenda.

“Chừng nào Harriet tới?” ông Patimkin nhồm nhoàm với một miệng đầy khoai tây.

“Một tuần nữa tính từ hôm qua.”

“Chị ấy ngủ ở phòng con được không?” Julie kêu. “Được không?”

“Không, ở phòng cho khách chứ…” bà Patimkin cất tiếng, nhưng rồi chợt nhớ ra tôi – với một cái liếc nhìn gây khó chịu từ đôi mắt tím ấy, và nói tiếp, “Dĩ nhiên.”

Được, tôi quả là ăn như chim. Sau bữa tối, túi của tôi được mang lên – do chính tôi – phòng dành cho khách đối diện với phòng Ron và cách phòng Brenda cả một hành lang. Brenda đi theo để chỉ đường cho tôi.

“Cho anh coi giường ngủ của em, Bren.”

“Để sau đi,” nàng nói.

“Vậy được không? Ngay trên đây à?”

“Chắc được,” nàng nói. “Ron ngủ say như khúc gỗ.”

“Anh ở lại suốt đêm được không?”

“Em đâu biết.”

“Anh sẽ dậy sớm trở lại phòng anh. Mình sẽ để đồng hồ báo thức.”

“Vậy là làm cả nhà thức dậy. Không được đâu.”

“Anh sẽ nhớ thức dậy. Anh làm được mà.”

“Em không nên ở trên đây quá lâu với anh,” nàng nói. “Mẹ dễ nổi cơn lắm. Em chắc mẹ bồn chồn chuyện anh ở đây.”

“Anh cũng vậy. Anh chưa biết gì nhiều về nhà em. Em nghĩ anh nên ở đây cả tuần à?”

“Cả tuần? Khi Harriet tới đây thì mọi thứ sẽ lung tung beng lên và anh có thể ở luôn hai tháng.”

“Vậy sao?”

“Ừ.”

“Em muốn anh ở lại không?”

“Muốn,” nàng nói, và xuống nhà để mẹ nàng an tâm.

Tôi lấy đồ ra và bỏ quần áo vào một ngăn tủ trống rỗng ngoại trừ một gói những tấm vải lót nách và một cuốn kỷ yếu trung học. Đang lúc tôi soạn đồ ra, Ron lộp cộp lên cầu thang.

“Chào,” anh ta gọi vọng vào phòng tôi.

“Xin chúc mừng,” tôi đáp lại. Lẽ ra tôi phải hiểu bất cứ câu lễ nghi nào cũng dẫn tới màn bắt tay với Ron; anh ta ngưng ngay bất cứ gì đang định làm trong phòng mình để bước vào phòng tôi.

“Cám ơn.” Anh ta bơm tôi. “Cám ơn.”

Rồi anh ta ngồi xuống giường và quan sát trong khi tôi kết thúc tiết mục soạn đồ. Tôi có một cái sơ mi mang nhãn Brooks Brothers và tôi lần khân để nó trên giường lâu một tí; mấy cái áo Arrows thì tôi xếp đống trong ngăn kéo. Ron ngồi đó chà sát cánh tay và nhe răng cười. Một lát sau sự im lặng làm tôi bối rối thiệt tình.

“Rồi,” tôi nói, “vậy đó.”

Anh ta đồng ý, nhưng đồng ý với cái gì thì tôi không biết.

“Thấy nó ra sao?” tôi hỏi, sau một lúc lâu im lặng.

“Khá hơn. Ferrari quất trúng banh ngay dưới bảng chắn.”

“Ô, trời,” tôi nói. “Thấy chuyện lấy vợ ra sao kìa?”

“À, ổn thôi, chắc vậy.”

Tôi dựa vào bàn và đếm những mũi đan móc trên tấm thảm.

Sau cùng Ron cũng liều một cuộc phiêu lưu đối thoại. “Anh có biết gì về âm nhạc không?” anh ta hỏi.

“Có, một chút gì đó.”

“Nếu muốn thì anh nghe bằng máy của tôi cũng được.”

“Cám ơn, Ron. Tôi không ngờ là anh thích nhạc.”

“Thật mà. Tôi có mọi đĩa từng phát hành của Andre Kostelanetz. Anh thích Mantovani không? Tôi cũng có toàn bộ tác phẩm luôn. Tôi thích dòng bán cổ điển. Anh có thể nghe đĩa Columbus của tôi nếu thích…” anh ta nhạt chuyện dần. Sau cùng anh ta bắt tay tôi và đi ra.

Dưới nhà tôi nghe Julie hát. “Em sẽ là bà c-c-cô,” còn bà Patimkin nói, “Đừng, út cưng, con sẽ là em chồng. Hát vậy đó, đi,” nhưng Julie tiếp tục hát, “Em sẽ là bà c-c-cô,” rồi tôi nghe giọng Brenda hòa theo nó, hát rằng “Mình sẽ là bà c-c-cô,” và Julie hát theo, và sau cùng bà Patimkin phải gọi ông Patimkin, “Ông bảo nó đừng có xúi con bé…” và màn song ca bế mạc.

Rồi tôi lại nghe tiếng bà Patimkin. Tôi không nghe rõ từng lời nhưng có Brenda trả lời bà. Giọng họ dần to lên, sau cùng tôi nghe rõ mồn một. “Tao cần một nhà đầy bạn bè vào lúc như thế này chắc?” Đó là bà Patimkin. “Con hỏi mẹ rồi mà, mẹ.” “Mày hỏi bố mày thì có. Lẽ ra mày phải hỏi tao trước. Ông ấy đâu có biết tao phải làm thêm bao nhiêu việc…” “Chúa ơi, mẹ, mẹ nghĩ mình không có Carlota với Jenny chắc.” “Carlota với Jenny đâu thể làm hết mọi việc. Đây không phải Đội Cứu tế!” “Ý mẹ muốn nói quái gì thế?” “Coi chừng mồm miệng đó, qúi nương. Vậy chắc là hay với bạn bè trong trường lắm.” “Ôi, thôi đi, mẹ!” “Đừng có lên giọng với tao. Có bao giờ mày động đậy một ngón tay để tiếp việc nhà không?” “Con đâu phải đầy tớ… Con là con gái bố mẹ mà.” “Mày phải biết một ngày công nghĩa là gì.” “Tại sao?” Brenda nói. “Tại sao?” “Bởi vì mày làm biếng,” bà Patimkin đáp, “và mày nghĩ mọi người phải nuôi mày sống.” “Ai nói thế?” “Mày phải kiếm ít tiền mà tự sắm lấy quần áo.” “Tại sao? Chúa ơi, mẹ, chỉ cần mớ cổ phiếu là bố sống ngon lành rồi. Mẹ còn ca cẩm gì nữa?” “Lần cuối cùng mày rửa chén là khi nào!” “Chúa ơi!” Brenda gân cổ lên, “Carlota rửa chén chứ!” “Đừng có Chúa ơi với tao!” “Ôi, mẹ!” và Brenda bật khóc. “Sao mẹ lại hóa ra thế này chứ!” “Vậy đó,” bà Patimkin nói “cứ khóc trước mặt bạn mày đi…” “Bạn con…” Brenda nức nở, “Sao mẹ không tới quát vào mặt anh ấy luôn đi… tại sao ai cũng khó chịu với con như vậy…”

Từ bên kia hành lang, tôi có thể nghe Andre Kostelanetz cho vài ngàn cây vĩ cầm tuôn ra bài “Night and Day.” Cửa phòng Ron mở ngỏ và tôi thấy anh ta nằm dài ra, bề thế, trên giường mình; anh ta đang hát theo đĩa. Lời là của bài “Night and Day,” nhưng tôi không nhận ra giọng của Ron. Ngay sau đó anh ta nhấc điện thoại lên và xin một số ở Milwaukee. Trong khi tổng đài nối máy, anh ta lăn người qua và tăng âm lượng đĩa hát, nên nó có thể vọng xa tới chín trăm dặm về phía tây.

Tôi nghe tiếng Julie dưới nhà. “Hơ hơ, Brenda khóc, hơ hơ, Brenda khóc.”

Và rồi Brenda chạy lên cầu thang. “Rồi sẽ tới lượt mày đó, đồ tiểu qủi!” nàng kêu lên.

“Brenda!” bà Patimkin gọi.

“Mẹ-ẹ!” Julie gào. “Chị Brenda chửi con kìa.”

“Bà kêu tôi hả, bà P.?” Carlota kêu.

Còn Ron, bên phòng kia, nói, “Chào Har, anh đã nói với cả nhà…”

Tôi ngồi lên cái áo Brooks Brothers và gọi tên tôi thành lời.

* * *

“Mẹ quái đản quá!” Brenda nói với tôi khi nàng đi tới đi lui trong phòng tôi.

“Bren, em có nghĩ rằng anh nên đi…”

“Shhh…” nàng bước tới cửa và lắng nghe. “Họ đi thăm người ta rồi, cám ơn Chúa.”

“Brenda…”

“Shhh… Họ đi rồi.”

“Cả Julie hả?”

“Ừ,” nàng nói. “Ron trong phòng anh ấy hả? Cửa phòng anh ấy đóng.”

“Anh ta ra ngoài rồi.”

“Ở đây anh đâu nghe được ai đi ra đi vô. Ai cũng dùng giày đế mềm hết. Ôi, Neil.”

“Bren, anh hỏi này, có lẽ anh chỉ nên ở tới mai rồi về.”

“Ồ, mẹ đâu có bực anh.”

“Anh đâu biết làm sao.”

“Đó là tại Ron, thật đó. Chuyện anh ấy lấy vợ làm mẹ quay lơ. Em cũng vậy. Bây giờ có bà chị Harriet dễ thương ở đây thì mẹ sẽ quên ngay là có em trên đời.”

“Vậy không ổn cho em sao?”

Nàng bước tới cửa sổ và nhìn ra ngoài. Trời tối và mát; đám cây lao xao và giao động cứ như những tấm vải được treo phơi cho khô. Mọi thứ bên ngoài gợi nhớ tới tháng Chín và lần đầu tiên tôi nhận ra chúng tôi đã gần kề thế nào với ngày Brenda rời nhà để đi học.

“Phải không, Bren?” nhưng nàng không nghe tôi.

Nàng bước tới một cánh cửa cuối phòng. Nàng mở nó ra.

“Anh cứ nghĩ đó là phòng xép,” tôi nói.

“Lại đây.”

Nàng giữ cửa mở và chúng tôi nhìn vào bóng tối và nghe được tiếng gió lạ lùng rít dưới mái hiên.

“Cái gì trong đó vậy?” tôi hỏi.

“Tiền.”

Brenda bước vào. Khi cái bóng đèn 60 watt tờ mờ được bật sáng, tôi thấy chỗ này đầy những đồ đạc cũ – hai cái ghế bành lưng cao có đường viền, một trường kỷ ở giữa nệm gồ u lên, một cái bàn chơi bài kèm hai chiếc ghế lòi cả lớp độn bên trong ra, một cái gương tróc lớp tráng thủy, những cái đèn không có chụp đèn, những chụp đèn không có đèn, một bàn cà phê với mặt kiếng rạn nứt, và một đống những tấm rèm cuộn lại.

“Cái gì vậy?” tôi hỏi.

“Phòng kho. Đồ đạc cũ trong nhà.”

“Cũ chừng bao lâu?”

“Từ hồi ở Newark,” nàng nói. “Lại đây.” Nàng bò trên đầu gối trước trường kỷ và lật lớp nệm lên để nhìn xuống bên dưới.

“Brenda, mình làm quái gì trong đây đây? Bẩn người em hết.”

“Không có ở đây.”

“Cái gì?”

“Tiền. Em nói anh rồi.”

Tôi ngồi xuống cái ghế lưng cao, làm bốc lên chút bụi. Ngoài kia trời bắt đầu mưa, và chúng tôi có thể ngửi thấy cái ẩm ướt của mùa thu lan vào qua lỗ thông hơi ở cuối phòng kho. Brenda đứng dậy rồi ngồi xuống trường kỷ. Đầu gối và nguyên cái quần Bermuda dính bẩn và khi nàng vuốt tóc ra sau nàng làm bẩn luôn cái trán. Ở đó giữa sự bừa bộn và bụi bặm tôi chợt có cảm giác kỳ lạ của việc nhìn thấy chúng tôi, cả hai đứa, bị đặt giữa chốn bừa bộn và bụi bặm này: chúng tôi trông giống một cặp vợ chồng trẻ vừa mới dọn vào một căn hộ mới; chúng tôi đã đột nhiên kiểm kê lại các đồ đạc, các khoản tiền bạc, và tương lai, và điều duy nhất chúng tôi có thể cảm thấy dễ chịu là cái mùi sạch sẽ ngoài kia, nó nhắc chúng tôi nhớ rằng chúng tôi đang sống, nhưng khi cần, nó không nuôi được chúng tôi.

“Tiền gì?” tôi hỏi.

“Mấy tờ trăm đô. Từ hồi em còn nhỏ…” nàng hít thở thật sâu. “Hồi em còn nhỏ và nhà em mới dọn khỏi Newark, một bữa ba em dẫn em lên đây. Ông đưa em vào phòng này rồi nói nếu có gì xảy ra cho ông, thì ông muốn em biết chỗ nào có một ít tiền bạc để em dùng. Ông bảo số tiền đó chẳng dành cho ai khác ngoài em, và bảo em không được nói cho ai biết, kể cả Ron. Hay mẹ em cũng vậy.”

“Có chừng bao nhiêu?”

“Ba tờ một trăm đô. Trước đó em chưa từng thấy. Lúc đó em mới chín tuổi, cỡ Julie bây giờ. Em tưởng nhà em chỉ sống ở đây chừng một tháng. Em nhớ mình thường lên đây khoảng mỗi tuần một lần, khi không có ai ở nhà ngoài Carlota, rồi chui xuống gầm trường kỷ để kiểm tra chắc là nó còn đó. Và lúc nào nó cũng còn đó. Bố không hề nhắc tới nó lần nào nữa. Không hề.”

“Nó ở đâu? Có thể ai đã ăn cắp rồi.”

“Em không biết, Neil à. Em nghĩ chắc bố đã lấy lại.”

“Khi nó mất,” tôi nói, “Chúa ơi, em không cho bố biết sao? Có thể Carlota…”

“Em không hề biết nó mất, cho đến lúc này. Em nghĩ em đã thôi không kiểm tra nó một đôi lần… Rồi em quên nó luôn. Hay chỉ đơn giản không nghĩ về nó nữa. Ý em là em lúc nào cũng đủ tiền xài, em không cần đến khoản này. Chắc bố một lúc nào đó đã cho rằng em không cần đến nó nữa.”

Brenda bước tới khung cửa sổ hẹp đầy bụi và vẽ tên tắt của nàng lên đó.

“Thế sao bây giờ em cần nó?” tôi hỏi.

“Em không biết…” nàng nói rồi bước tới tắt đèn.

Tôi không rời khỏi ghế và Brenda, trong chiếc áo thun và quần soóc bó sát, cứ như đang trần truồng đứng cách tôi vài bước. Rồi tôi thấy đôi vai nàng run run. “Em muốn tìm được mớ tiền đó rồi xé nát ra bỏ cái mớ chết tiệt đó vào ví của mẹ! Nếu nó còn đó, em thề là em sẽ làm thế.”

“Anh không để em làm đâu, Bren.”

“Anh không chịu sao?”

“Không.”

“Yêu em đi, Neil. Ngay bây giờ.”

“Ở đâu?”

“Làm đi! Ngay đây. Trên cái trường kỷ thối tha thối tha thối tha này.”

Và tôi nghe lời nàng.

* * *

Sáng hôm sau Brenda làm bữa sáng cho hai đứa tụi tôi. Ron đã đi làm ngày đầu tiên – tôi có nghe anh ta hát ê a trong phòng tắm độ một giờ sau khi tôi trở lại phòng mình; thực sự, tôi đã thức khi chiếc Chrysler ra khỏi nhà xe, mang theo ông chủ và anh con trai xuống cơ xưởng Patimkin ở Newark. Bà Patimkin cũng không có nhà, bà đã lấy xe và đi tới đền thờ để nói chuyện với giáo sĩ Kranitz về vụ đám cưới. Julie đang ở sân sau chơi trò giúp Carlota phơi quần áo.

“Anh biết sáng nay em muốn làm gì không?” Brenda nói. Chúng tôi đang ăn bưởi chùm, chia nhau một cách hơi bầy hầy, vì Brenda không tìm ra con dao xẻ, nên chúng tôi quyết định cứ lột nó ra như cam rồi ăn từng múi một.

“Cái gì?” tôi hỏi.

“Chạy,” nàng nói. “Anh có bao giờ chạy không?”

“Em muốn nói trên đường đua hả? Ồ, có chứ. Hồi học trung học mỗi tháng tụi anh phải chạy một dặm. Nên tụi anh hết còn bám váy mẹ. Anh nghĩ buồng phổi mình càng lớn thì chắc mình càng ghét mẹ mình.”

“Em muốn chạy,” nàng nói, “và muốn anh chạy nữa. Được không?”

“Ồ, Brenda…”

Nhưng một giờ sau, sau bữa điểm tâm gồm một trái bưởi nữa, coi bộ đó là tất cả những gì mà một tay chạy bộ nên ăn trong buổi sáng, chúng tôi lái chiếc Volkswagen lại trường trung học, phía sau đó có đường chạy một phần tư dặm. Mấy đứa trẻ đang chơi với một con chó ở bãi cỏ bên trong đường chạy, và ở tuốt đàng kia, gần bìa rừng, một bóng người mặc quần soóc trắng có đường xẻ bên đùi, không mặc áo, đang quay, quay, rồi đẩy một quả tạ đi bằng hết sức mình. Đẩy tạ khỏi tay, anh ta làm một màn loạng choạng trong khi nhìn theo nó bay vòng rồi rơi xuống đàng xa.

“Anh biết không,” Brenda nói, “anh trông giống em. Có điều bự hơn.”

Chúng tôi mặc đồ giống nhau, giày đế mềm, vớ dày, quần kaki Bermuda, áo thun dài tay, nhưng tôi có cảm giác Brenda không nói chuyện tình cờ ăn mặc giống nhau – nếu đó là tình cờ. Tôi chắc nàng muốn nói rằng ít nhiều tôi đã bắt đầu nhìn sự việc theo kiểu nàng muốn. Giống như nàng.

“Để xem ai nhanh hơn,” nàng nói, rồi chúng tôi khởi hành theo đường chạy. Trong phần tám dặm đầu tiên ba đứa bé với con chó của chúng chạy theo bọn tôi. Khi qua chỗ có anh chàng ném tạ, anh ta vẫy tay chào; Brenda kêu lên “Chào!” và tôi mỉm cười, chuyện đó, bạn có thể biết hoặc không, khiến những ai muốn chạy một cách nghiêm túc cảm thấy quá sức ngốc nghếch. Được một phần tư dặm thì mấy đứa trẻ bỏ cuộc và trở vô bãi cỏ, con chó quay đầu chạy theo hướng ngược lại, và tôi thấy nhoi nhói bên hông. Tôi vẫn chạy ngang với Brenda, ở vòng thứ hai nàng lại kêu “Chào!” với anh chàng ném tạ may mắn, anh này đã nằm xuống cỏ, nhìn theo chúng tôi, và xoa quả tạ cứ như một trái cầu pha lê. A, tôi nghĩ, thể thao là thế.

“Mình thử ném tạ chơi không?” tôi thở hổn hển.

“Để sau đã,” nàng nói, và tôi thấy những giọt mồ hôi bám ở những đuôi tóc phất phơ sau tai nàng. Khi chúng tôi được nửa dặm Brenda đột nhiên rời đường đua tạt vào bãi cỏ và ngồi phịch xuống; việc nàng bỏ ngang khiến tôi ngạc nhiên và tôi vẫn chạy tiếp.

“Ê, Bob Mathias,” nàng gọi, “nằm phơi nắng đi…”[1]

Nhưng tôi làm như không nghe nàng gọi và tuy tim tôi đập muốn văng lên tới cổ họng và miệng khô như bị hạn hán, tôi vẫn bắt chân tôi chạy, và thề không dừng lại cho đến khi chạy xong một vòng nữa. Khi qua chỗ anh chàng ném tạ lần thứ ba, tôi kêu “Chào!”

Nàng rất hào hứng khi sau cùng tôi dừng lại bên nàng. “Anh hay quá,” nàng nói. Hai tay tôi chống nạnh và tôi nhìn xuống đất và cố hớp lấy không khí – hay đúng hơn, không khí hớp lấy tôi, tôi chẳng có gì nhiều để nói.

“Ừ hứ,” tôi thở ra.

“Sáng nào cũng chạy vầy đi,” nàng nói. “Mình sẽ dậy rồi ăn hai trái bưởi, và anh sẽ ra đây chạy. Em sẽ tính giờ cho. Trong hai tuần anh sẽ vượt mức bốn phút, được không, cưng? Em sẽ mượn đồng hồ bấm giờ của Ron.” Nàng đang hào hứng như vậy – nàng chuồi người trên cỏ và kéo mép vớ qua mắt cá và bắp chân ướt đẫm của tôi. Nàng cắn vào xương bánh chè của tôi.

“Được thôi,” tôi nói.

“Rồi mình sẽ về và ăn một bữa sáng đàng hoàng.”

“Được.”

“Anh lái xe về nghe,” nàng nói, và đột nhiên nàng bật dậy chạy trước tôi, và rồi chúng tôi hướng ra chỗ đậu xe.

Sáng hôm sau, miệng tôi vẫn còn tê tê vì mấy múi bưởi thì chúng tôi đã tới đường chạy. Tụi tôi mang theo đồng hồ bấm giờ và một cái khăn lớn, để dùng khi tôi chạy xong.

“Chân anh hơi nhức,” tôi nói.

“Làm vài động tác thể dục đi,” Brenda nói. “Để em tập với anh.” Nàng xếp khăn để trên cỏ và chúng tôi cùng làm động tác gập người, đứng lên ngồi xuống và hít đất, và đưa cao đầu gối tại chỗ. Tôi cảm thấy cực kỳ sung sướng.

“Hôm nay anh chỉ chạy nửa dặm thôi, Bren. Để xem anh làm được gì…” và tôi nghe Brenda bấm đồng hồ, và rồi khi tôi chạy vòng tới bên kia, mây trôi theo tôi trên cao cứ như cái đuôi trắng mềm mại của tôi, tôi thấy Brenda ngồi dưới đất, ôm đầu gối, hết nhìn theo tôi lại xem đồng hồ. Chỉ có hai chúng tôi ở đó, và tất cả gợi tôi nhớ lại một trong những cảnh của các phim về đua ngựa, trong đó một tay luyện ngựa già như Walter Brennan với một thanh niên đẹp trai tính giờ cho con ngựa của một cô gái xinh đẹp vào buổi sáng sớm ở Kentucky, để xem nó có thật là con ngựa hai tuổi nhanh nhất trên đời này không. Dĩ nhiên cũng có những khác biệt – một trong số đó đơn giản là ở mức phần tư dặm Brenda la lên với tôi, “một phút mười bốn giây,” nhưng nó thật dễ chịu và sôi động và sạch sẽ và khi tôi chạy xong Brenda đã đứng dậy chờ tôi. Thay vì chạm đứt một sợi băng ở mức đến thì tôi có da thịt ngọt ngào của Brenda để chạm vào, và tôi đã làm như thế, và đó là lần đầu tiên nàng nói nàng yêu tôi.

Chúng tôi chạy – tôi chạy – mỗi sáng, và đến cuối tuần đó tôi chạy một dặm hết bảy phút lẻ hai giây, và lúc nào ở mức đến cũng có tiếng bấm click ở đồng hồ và vòng tay của Brenda.

Ban đêm, tôi thường mặc đồ ngủ đọc sách, trong khi Brenda, bên phòng nàng, cũng đọc, và chúng tôi chờ cho Ron đi ngủ. Có đêm chúng tôi phải chờ lâu hơn mọi khi, và tôi nghe được tiếng lá reo bên ngoài, vì cuối tháng Tám trời đã mát hơn, và ban đêm máy điều hòa được tắt đi và chúng tôi được phép mở cửa sổ. Sau cùng Ron cũng chuẩn bị ngủ. Anh ta sẽ đi thình thịch trong phòng và ra cửa chỉ với quần soóc với áo thun và vào phòng tắm đứng trong đó đái um sùm và đánh răng. Sau khi anh ta đánh răng tôi cũng vào đánh răng. Chúng tôi sẽ chạm mặt nhau ở hành lang và tôi dành cho anh ta một câu “Chúc ngủ ngon” thành thật và chân tình. Khi đã vào phòng tắm, tôi sẽ dành một lát để ngắm làn da rám nắng của mình trong gương; ở phía sau tôi có thể thấy khố bảo vệ hạ bộ của Ron phơi trên những núm nước nóng và lạnh của vòi hoa sen. Chẳng ai thắc mắc tính thẩm mỹ của nó trong vai trò vật trang trí, và sau vài đêm thì tôi cũng chẳng buồn để ý tới nó luôn.

Trong khi Ron đánh răng còn tôi nằm trên giường chờ đến lượt mình, tôi có thể nghe máy quay đĩa chơi trong phòng anh ta. Thường thường, sau khi đi chơi bóng rổ về, anh ta sẽ gọi cho Harriet – người chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới đây- và rồi cắm cúi vào tờ Sports Illustrated và nhạc Mantovani; tuy nhiên, khi ra khỏi phòng để làm vệ sinh buổi tối, tôi thường không nghe thấy nhạc Mantovani, mà là một cái gì khác, rõ ràng đó là món anh ta có lần gọi là đĩa Columbus. Tôi tưởng tượng đó là đĩa tôi đang được nghe, vì tôi không thể xác định gì nhiều qua những đoạn nhạc cuối. Tôi chỉ nghe được những tiếng chuông rền rĩ đều đều và nền nhạc ái quốc nhè nhẹ, và lướt trên tất cả là một giọng hát u uẩn trầm đục theo kiểu của Edward R. Murrow: “Và thế là chia tay thôi, Columbus,” giọng hát cứ rầu rầu, “… chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi…” rồi sau đó là im lặng và Ron sẽ trở lại phòng; đèn sẽ tắt và chỉ trong vòng vài phút tôi có thể nghe tiếng anh ta rơi vào giấc ngủ sung sướng, đầy sinh tố, đầy sức phục hồi mà tôi nghĩ vận động viên nào cũng hưởng được.

Một sáng kia gần đến giờ chuồn về phòng tôi có một giấc mơ và khi tỉnh lại được thì ánh bình minh đã rọi vào phòng đủ cho tôi nhìn rõ màu tóc Brenda. Tôi chạm vào nàng lúc còn ngủ đó, vì giấc mơ đã khiến tôi bất an: nó diễn ra trên một con tàu, một tàu buồm cũ như thứ thường thấy trong những phim cướp biển. Cùng với tôi trên con tàu đó là chú bé da đen ở thư viện – tôi là thuyền trưởng còn cậu là thuyền phó, và cả thủy thủ đoàn chỉ có hai chúng tôi. Đó là giấc mơ dễ chịu được một lúc; chúng tôi buông neo trong một cảng của một hòn đảo Thái Bình Dương và trời nhiều nắng. Trên bờ biển có nhiều thiếu nữ da màu xinh đẹp, và không ai trong bọn họ cử động; nhưng đột nhiên chúng tôi, tức là con tàu của tôi, di chuyển, rời khỏi cảng, và những cô gái da đen chậm chạp đi xuống bãi và bắt đầu ném những vòng hoa về phía chúng tôi rồi nói “Chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi, Columbus… chia tay thôi…” và tuy chúng tôi không muốn đi, cả cậu bé và tôi, nhưng con tàu vẫn trôi dần và chúng tôi không làm gì được, và cậu ta quát tháo rằng đó là do lỗi của tôi còn tôi quát đó là lỗi của cậu vì đã không có thẻ thư viện, nhưng chúng tôi chỉ phí hơi, vì chúng tôi ngày càng xa dần hòn đảo, và rồi chẳng còn người dân đảo nào nữa. Không gian hoàn toàn mất cân đối trong giấc mơ, và các sự vật có kích cỡ và vuông cạnh không theo bất cứ kiểu nào tôi từng thấy, và tôi nghĩ chính điều đó chứ không phải cái gì khác đã đẩy tôi tỉnh dậy. Tôi không muốn rời chỗ nằm cạnh Brenda sáng hôm đó, và tôi rờ rẫm một điểm nhỏ trên gáy nàng, chỗ tóc bị cắt ngắn đi. Tôi đã ở lại lâu hơn mức cho phép, và sau cùng khi trở về phòng tôi gần như đâm sầm vào Ron khi anh ta đang chuẩn bị cho một ngày làm việc ở xưởng Bồn rửa và Bồn tắm Patimkin.

 

[còn tiếp]

 

----------

Đã đăng:

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 1/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 2/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 3/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 4/8]

_________________________

[1]Bob Mathias: vận động viên 10 môn phối hợp, huy chương vàng năm 1948 và 1952


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021