thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư Lộ Trấn [II]

 

Nguyễn Đăng Thường sưu tập

 

Lời toà soạn:
Dưới đây là một trong những bức thư Diễm Châu gửi Nguyễn Ðăng Thường từ Strasbourg, Pháp, năm 1983, sau khi ông rời Việt Nam. Trong bức thư này, độc giả sẽ tìm thấy một số điều buồn vui liên quan đến người và việc trong sinh hoạt văn chương lúc ấy.
 
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã gửi cho Tiền Vệ tư liệu này.

 

 

DIỄM CHÂU

(1937-2006)

 

Strasbourg 24.11.83

Ông Thường thân mến,

Nhân dịp Thanksgiving, tôi xin gửi lời cảm tạ ông về những sự ân cần đầu tiên mà ông đã dành cho tôi trong những ngày mới tới đất Pháp. Tôi và gia đình sẽ không bao giờ quên ơn ông. Tôi biết là ông đang đỏ mặt (!) nhưng xin ông vui lòng nhận cho những lời thành thật ấy vì tôi hết sức xúc động và không biết dùng lời lẽ gì khác trong lúc này.

Đã lâu tôi không viết cho ông được nhưng vẫn nhớ ông. Tôi có dịp nói chuyện với Nguyễn Đồng về ông. Sau một đêm và hơn nửa ngày gần nhau, lúc này không biết Đồng trôi giạt về đâu: Paris, New York hay vẫn còn ở Bad Elms... Tính nó vẫn thế. Gặp nó tôi mủi lòng quá độ nhưng không lẽ khóc. Tôi trông sẽ có ngày cũng được gặp ông.

Nguyễn Quỳnh vẫn chưa thấy tin mặc dầu tôi đã viết cho hai vợ chồng một lá thư nhỏ theo địa chỉ mà ông đã cho. Tôi mong tin hắn quá. Lúc này tôi sợ bạn bè cũ giận mình. Và tôi cũng sợ cô đơn không kém hồi còn ở nhà. Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Khắc Ngữ, mỗi người đã viết cho tôi một lá thư nhỏ. Tôi đang trông tin của bạn bè về phía ấy (!) nhưng xem ra họ ít liên lạc với nhau. Thí dụ Nguyên Sa ở đâu, Du Tử Lê... không ai nói gì cả. Tôi rất mong tin của mọi người nhưng từ khi qua đây, sau một thời viết ồ ạt, tôi lại cảm thấy mình đâm ra lười. Tôi ngại viết vì sợ bị hiểu lầm. Nhưng chắc rồi cũng phải viết nữa vì không lẽ chịu ngồi chết dí ở một xó? Ông có biết tin gì về Quỳnh thêm, cho tôi biết với. Tôi nhớ nó lắm.

Tôi cũng đã đọc Trại súc vật,[1] đã ngồi vẽ một con heo đội nón cối, đeo “sắc-cốt”,[2] đạp xe đạp (Ø thắng?) xuống dốc..., để rồi ngồi thừ ra nhớ ông và các bạn bè còn ở VN. Ôi, chắc ông cũng đã qua những giây phút tương tự khi ngồi nhớ đến chúng tôi cách đây không lâu? Tôi đã đọc thư ông rất cẩn thận và thấy những ý kiến của ông rất xác đáng, không thể ngồi than thở mãi được... Nhưng cười lúc này sợ ra nước mắt mất. Mong ông thông cảm. Tôi ôm đầy một bụng những chuyện lố bịch nhất trên đời. Và bây giờ tôi đang loay hoay không kém khi còn ở nhà.

Gửi qua cho ông cuốn sách nhỏ[3] của một ông tây viết truyện... tầu (mà tôi mới đọc). Hy vọng làm ông vui được đôi phút. F[référick] Tristan mới được Goncourt 83 nhưng tôi chưa đọc Les égarés. Mới rồi ở nhà có thư cho tôi hay ở VN thiên hạ cũng sính văn chương thế giới và người ta đã loan tin W. Golding được Nobel và kể một loạt tựa sách, trong đó có cuốn... “Mùa thu tự do”![4] Chao ôi, cái lối thông tin này khiến tôi nhớ tới “‘Toán’ cuối cùng”[5] của S. Beckett ngày nào! Khiếp quá.

Mong tin ông lắm. Có chút thì giờ rảnh, viết cho tôi mấy chữ. Đừng ngại gì hết. Có tin ông là tôi mừng rồi. Sẽ viết thư dài dài cho ông.

Thân,

Diễm Châu

 

_________________________

Chú thích của Nguyễn Đăng Thường:

[1]The Animal Farm của George Orwell.

[2]sacoche: túi vải nhỏ đeo vai.

[3]Cuốn Les égarés của Frédérick Tristan.

[4]Nhan đề cuốn Free Fall của William Golding bị dịch thành “Mùa thu tự do”, vì có lẽ “dịch giả” nào đó ở Việt Nam đã tưởng rằng chữ “fall” chỉ có nghĩa là “mùa thu”!

[5]La dernière bande / Krapp’s Last Tape: Một vở kịch độc thoại diễn tả một nhân vật tên Krapp, nhân sinh nhật thứ 69, lắng nghe cuốn băng ghi âm mà ông ta đã thu âm trước đó 30 năm. Tuy nhiên, hồi đó, ở Việt Nam người ta dịch tên vở kịch này thành “Toán cuối cùng”, có lẽ vì họ tưởng rằng “bande” là một toán quân!

 

 

------------

Đã đăng:

Thư Lộ Trấn  (tư liệu) 
... Ngày giỗ một năm đã trôi qua, và cũng vì không muốn để cho thời gian lặng lẽ trôi qua thêm nữa, nên tôi thiển nghĩ rằng, thay vì do tôi, sao lại không để cho nhà thơ Diễm Châu nói về chính mình? Bởi vậy mà tôi đã chọn ba lá thư đầu tiên anh gửi cho tôi khi anh vừa đặt chân lên đất khách... [Nguyễn Ðăng Thường biên tập và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021