thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chân dung nhà thơ như một chàng du đãng

 

Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ và giới thiệu

 

Arthur Rimbaud và Jean Genet có thể là hai tâm hồn song sinh đồng điệu ở hai thế kỷ khác nhau. Tuổi đời và tác phẩm của Rimbaud ngắn hơn Genet, nhưng cả hai đều đã sống mãnh liệt, cô đơn và hạnh phúc trong sáng tạo, phiêu bạt và khổ lụy trên đường đời, mặc dù Genet đã có những chuỗi ngày vinh quang rạng rỡ. Rimbaud ở tỉnh lẻ và cô đơn trong gia đình vì có một người cha — một đại úy bộ binh — luôn luôn vắng nhà, và một bà mẹ trẻ đầy nghị lực, u buồn, khắc khổ. Genet cô độc trong thân phận lạc loài của một đứa con vô thừa nhận. Cả hai đều mang tâm hồn nổi loạn, trong đời sống và trong văn chương. Nhưng Rimbaud, vì sinh ra ở thể kỷ 19 và còn cận kề chủ nghĩa lãng mạn, nên đã ôm hoài bão chế tạo một con người mới, một ngôn ngữ mới, những tình yêu mới. Genet thì, ngược lại, chỉ muốn thể hiện đến tận cùng cái tôi xấu xa nhất của mình qua nhãn quan của tha nhân: trộm cắp, ăn xin, đồng tính luyến άi, mại dâm, phản bội. Nhưng trên các quãng đường khiêng thập giά — qua lăng kính diễn dịch hiện sinh của Sartre — Genet đã đạt tới sự thánh thiện.
 
Mặc dầu đã có một thời thơ ấu gần như lý tưởng với cha mẹ nuôi hết mực thương yêu cho đến năm lên 13, Genet bắt đầu nổi loạn khi bị đưa đến các trung tâm huấn nghiệp cho trẻ mồ côi. Genet ý thức rất sớm thực chất giá trị của mình nên không muốn chấp nhận cái tương lai hẩm hiu của những đứa trẻ được nhà nước nuôi nấng, cho dù ở thời điểm đó trợ tá xã hội của Pháp đã có những cải tiến vượt bực. Từ năm lên 13, mỗi khi trốn đi, Genet sống lang thang (ăn mày, ăn cắp vặt, mãi dâm) và chỉ với mảnh bằng tiểu học hạng ưu (rất hiếm hoi trong giới trẻ lạc loài) Genet viết các thi phẩm và tiểu thuyết của mình trong tù, và chỉ trong khoảnh khắc đã trở thành một tác giả tên tuổi hàng đầu của Pháp ở thế kỷ 20, nhờ sự bênh vực và giúp đỡ tận tình trước tiên của nhà thơ Jean Cocteau. Vinh danh cái Ác, chống Do-thái, ca ngợi Hitler và các anh lính quốc xã đẹp trai — dù chỉ trong văn chương huyễn tưởng — Jean Genet là một tác giả tài năng và tai tiếng, đối với cả những người bênh vực ông (như Cocteau, Sartre) và những kẻ chống đối ông (như Mauriac, Aragon, Éluard, Camus). Toàn bộ tác phẩm của ông (thơ, truyện, kịch, phim, tiểu luận) đã gây tranh luận sôi nổi, có cả đám đông biểu tình trước cửa rạp hát chống lại vở kịch Les Paravents của ông trong thời chiến tranh An-giê-ri.
 
Nguyễn Đăng Thường

 

 

JEAN GENET

(1910-1986)

 

CHÂN DUNG NHÀ THƠ NHƯ MỘT CHÀNG DU ĐÃNG

 

[Trên tấm ảnh thứ nhất], tôi lên mười sáu hay mười bảy. Dưới cái áo vét do trợ tá xã hội cung cấp, tôi mặc chiếc áo len rách. Khuôn mặt trái xoan, rất trong sạch, mũi bẹp vì một cú đấm trong một cuộc đập lộn nào đó tôi không còn nhớ nữa. Ánh mắt buồn bã, chán chường và đầy nhiệt tình... Nếu như đã có những lo âu thì chúng chưa hiển hiện. Nhưng vào lúc hoàng hôn, khi đã mỏi mệt, cái đầu của tôi nghiêng qua một bên và tôi cảm thấy cái nhìn của mình như trĩu nặng và hoà tan vào thế giới hoặc trở lộn vào trong tôi để tan biến. Tôi nghĩ rằng nó đã cảm giác sự cô đơn tột đỉnh của tôi.

Trên tấm ảnh thứ hai, tôi đã ba mươi. Nét mặt đã rắn rỏi. Cái miệng đầy đắng cay, hung tợn. Tôi có nét mặt của một tên du đãng dù đôi mắt vẫn dịu hiền. Qua hai tấm ảnh này tôi tìm lại được sự bạo tàn náo nhiệt trong tôi thuở ấy: từ năm lên mười sáu đến năm ba mươi, trong trại giam thiếu nhi phạm pháp, trong ngục tù, trong quán rượu, tôi truy lùng không phải những cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà sự tìm tòi để đồng hoá với những tay anh chị bự điển trai và kém may mắn nhất.

 

 

-------
Nguồn:
Arnaud Malgorn, Jean Genet, portrait d'un marginal exemplaire (Paris: Gallimard, 2002).
 
Nhan đề “Chân dung nhà thơ như một chàng du đãng” là do người dịch đặt ra.

 

 

Đã đăng:

Un chant d’amour  (tư liệu) 
[TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH của Jean Genet] Un chant d’amour là một “tình khúc” đồng tính vừa hiện thực vừa huyễn hoặc, câm lặng nhưng uyên bác, bưng bít mà bao la, trữ tình và kích dục, hưng phấn dù tuyệt vọng, thi vị, chan chứa, thiết tha, âu yếm, bạo tàn, ấn tượng, ngoạn mục, rất khó quên: một cuộc gặp gỡ và va chạm trong nghịch cảnh và trong trí tưởng giữa những làn da và những màu da... [Nguyễn Đăng Thường sưu tầm và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021