thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Địa danh Huế xuất xứ từ tiếng Chăm?

 

Mở đầu bài “Thử xét lại từ nguyên địa danh HUẾ” đăng trên Tiền Vệ nhà thơ kiêm biên khảo Phanxipăng khẳng định: “Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: địa danh Huế xuất xứ từ tiếng Chăm.

Một ý tưởng rất mới mẻ gây gợi tò mò. Nhưng khác với khi thưởng thức những dòng thơ đầy cảm xúc của Phanxipăng, người đọc mong được nhận những chứng cứ ngôn ngữ và sử học vững chắc để minh tỏ phán quyết độc đáo ấy. Rất tiếc!

Trong phần “Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chăm” của bài này, Phanxipăng viết:

“Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 — lúc triều Trần chính thức tiếp quản hai châu Ô và Ry (Lý) — thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên Hoé. ... Nhiều gia đình người Chiêm, tức Chăm, mang họ Bá, Bạch, Cái, Chế, Hàm, Hứa, Ma, Ông / Ôn, v.v., lưu lại xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé giống trước kia và giống cách phát âm của bà con họ ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận ngày nay. Địa danh cổ xưa đó về sau được Dictionnaire Căm - Vietnamien - Français (Từ điển Chăm - Việt - Pháp) của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe.
 
Hwe tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh và được ký âm Hán – Nôm là 化. Điều đó khiến hậu thế ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra.”

Người ta không thấy tác giả đưa ra một dẫn chứng xác thực nào nào về việc người Chăm đã gọi lưu vực sông Hương là Hoé từ trước năm 1307. Phanxipăng chỉ dựa trên cách đọc tiếng Chăm trên một cuốn từ điển khá hiện đại. Cũng xin được nêu ra là kinh đô Đàng Trong thay đổi nhiều lần, không phải lúc nào cũng ở bên dòng sông Hương.

Tôi hoàn toàn không có kiến thức về tiếng Chăm, nhưng thử tra trong cuốn Dictionnaire Č am-Français soạn bởi Étienne François Aymonier, cựu giám đốc Trường Thuộc Địa, và Antoine Cabaton, cựu hội viên Trường Viễn Đông Bác Cổ, xuất bản năm 1906 thì thấy trên trang 531 có 4 cách viết và phát âm tiếng Chăm cho thành phố Huế. Không rõ chữ nào xuất hiện trước chữ nào, và cũng không thể xác định chữ Huế có gốc từ các chữ này hay các chữ này chỉ là những cách gọi tên Huế của người Chăm sau này. Cũng trên trang 531 này có các cách viết và đọc tiếng Chăm khác nhau cho fumée, buée, vapeur mà tạm dịch là khói “hương”. Các chữ này đều được phát âm khác với các cách đọc của Huế trong tiếng Chăm. Ngoài ra, các tác giả này nghiên cứu về tiếng Chăm ở Việt Nam và Căm Bốt trong cuối thế kỷ 19, nên có thể ghi âm khác với cuốn từ điển Moussay in năm 1971 sau này mà Phanxipăng đề cập chăng? Xin đăng lại trang 531 từ cuốn từ điển Aymonier-Cabaton ở đây và kính mong sự chỉ giáo của những vị am hiểu về ngôn ngữ và lịch sử Chăm.

 
 
Hình 1: Trang 531 trong cuốn Dictionnaire Čam-Français (Publications de l’École Française d’Extrême-Orient, Volume VII, Paris, 1906) của Aymonier và Cabaton.

Trong phần “Oa chuyển thành uê?” đầu bài viết, Phanxipăng đã không tra cứu tài liệu cẩn thận nên đưa ra những nhận định không chính xác. Đơn cử là đoạn viết sau đây:

“Thực tế lịch sử cho thấy hoa buộc phải đọc thành huê hoặc thành ba do kiêng huý tên riêng của bà Hồ Thị Hoa (1719 [sic] –1807; chính phi của vua Minh Mạng) theo lệnh triều đình ban bố từ niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, tức năm Tân Sửu 1841. Do đó, tỉnh Thanh Hoa đổi ra tỉnh Thanh Hoá, cửa Đông Hoa đổi ra cửa Đông Ba, cầu Hoa đổi ra cầu Bông. Còn hoà đọc trại thành huề là từ năm Quý Mùi 1883, lúc hoàng tử Hồng Dật lên làm vua Hiệp Hoà.”

Phanxipăng đã sử dụng cuốn Tự Vị Annam Latinh (1999) để tra lục chữ Huế. Có lẽ chỉ chú tâm tra tìm riêng một chữ Huế mà thôi nên điều đáng buồn là tác giả lại không đọc thấy những chữ Huê (Hoa) và Huề (Hòa) cùng hiện diện với chữ Huế ngay trên trang 207. Bản in năm 1999 này là bản dịch quốc ngữ (không in phần chữ Nôm và tiếng La tinh) từ cuốn tự điển viết tay do giám mục Pigneaux soạn trong những năm 1772-1773, trước khi bà Hồ Thị Hoa (1791-1807) và vua Hiệp Hòa (1847-1883) ra đời.

 
 
Hình 2: Trang tự vị viết tay Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pigneaux liệt kê rõ Huê, Huế, Huề.

Về phần biến đổi ngữ âm và ký tự”, Phanxipăng chủ yếu dựa theo công trình nghiên cứu của linh mục Cadière để cho rằng nguyên thủy người ta gọi Huế là Hoé. Phanxipăng đưa ra sự phân tích của vị học giả uyên bác này - mà theo cách viết của Phanxipăng hàm ý – nguyên được đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, 1915). Thực ra đoạn văn ấy không phải được trích từ tạp chí BAVH. Phanxipăng có thể so sánh đoạn viết của mình với bản dịch của Đặng Như Tùng (1997) mà Phanxipăng có đề cập; bản dịch của Đặng Như Tùng tuy in sai những chữ quốc ngữ từ nguyên bản, nhưng sát nghĩa với bản tiếng Pháp trong BAVH. Bản của Phanxipăng dùng dường như chỉ là một phóng dịch được xen thêm vài câu khá lạ, lại có những chữ khác với các chữ quốc ngữ từ nguyên bản của bài khảo cứu “Les Résidences des Rois de Cochinchine (Annam) avant Gia-Long” cũng của Cadière đăng trong tạp chí Bulletin de la Commision Archéologique de l’Indochine (BCAI), ấn hành năm 1916 tại Paris.

Ngay cả câu cuối trong đoạn văn Phanxipăng viết là lời nhận định của Cadière [với các chữ in đậm của Phanxipăng]: “Trong khi chờ đợi thêm thông tin mới, tôi nghĩ có thể kết luận rằng tên thủ phủ của chúa Nguyễn thời Alexandre de Rhodes có dạng là  Hoá  hay  Hué , chứ dạng  Huế  bấy giờ chưa xuất hiện, còn dạng  Hoé  thì mất hẳn tự đời nào” cũng không chính xác. Và mập mờ. Nó dễ dàng đưa người đọc đến chỗ hiểu sai là Cadière đã kết luận thời kỳ linh mục de Rhodes đến Việt Nam, Huế có tên gọi là Hoá và Hué (?!) còn dạng Hoé (mà Phanxipăng cho là xuất phát từ tiếng Chăm) đã mất từ trước.

Thực ra Cadière viết:

“Il est donc permis de conclure, jusqu’à plus ample informé, que du temps du P. de Rhodes, le nom de la capitale de Nguyễn était Hoá, ou Hoé, mais que la forme Huế n’existait pas encore.” (BCAI, 1916, trang 138)

Còn trong bài “Les Européens Qui Ont Vu le Vieux-Hué: Le P. de Rhodes”, đăng trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué, năm thứ 2, số 3, tháng 7-9, 1915, Cadière viết:

“Je crois pouvoir conclure de toutes ces raisons que le nom de Huê, au temps du P. de Rhodes, était Hoá, avec une forme Hoé, aujourd’hui perdue, mais que la forme actuelle Huê n’était pas usitée.” (trang 243)

Rõ ràng là học giả Cadière đã kết luận khi de Rhodes đến Đàng Trong, Hóa và Hoé là hai tên gọi của thủ phủ Đàng Trong. Với danh tiếng là một nhà biên khảo quảng bác, linh mục Cadière thuyết phục được nhiều người trong giới nghiên cứu Huế về tiếng gọi Hóe này.

Ở đây, xin phép được thưa là cách đây cũng khá lâu, tôi có viết trên tạp chí Làng Văn (Canada) bài “Về Thời Điểm Xuất Hiện Chữ Huế” để trao đổi quan điểm cùng cụ Thái Văn Kiểm, một học giả uyên thâm có nhiều công trình biên khảo đặc sắc về đất Thần Kinh. Tôi hiện không còn số tạp chí đó, chỉ tìm được 1 bản copy rất cũ dùng để gửi về Việt Nam. Vì dòng chữ viết tay đã mờ, tôi chỉ đọc được đó là tờ Làng Văn phát hành tháng 3 năm 1989 - không đọc được số báo. Và phần đầu bản chụp có 1 đoạn “tự ý đục bỏ” muốn tránh phiền toái cho người nhận thư ở Việt Nam lúc đó.

Tôi xin dò đọc và đánh chữ lại toàn trang cuối trong bài báo cũ của mình để độc giả tiện theo dõi một số cách ghi tên thủ phủ Đàng Trong của Tây phương trong thế kỷ 17, và ý kiến của tôi về nhận xét quan trọng của Cadière về chữ “Hoé”. Tiếp theo xin được nói thêm về một sơ ý cực kỳ đáng tiếc của học giả Cadière và của chính mình trong việc tra cứu cuốn tự điển của de Rhodes mà sau này tôi mới nhận ra.

 

***

 
[Trang 15] (Ngay cả linh mục Jean Koffler, người sống tại Đàng Trong những năm) 1740-1755 và là thầy thuốc riêng cho Võ Vương, cũng dùng chữ Sinoe trong hồi ký của ông (bản dịch Pháp ngữ đăng trong tạp chí Revue Indochinoise năm 1911, bộ số 15 và 16).
 
Nguồn tài liệu quan trọng trong thế kỷ 17 là những hồi ký của các giáo sĩ Tây phương đã đến nước ta. Học giả Thái văn Kiểm đã đề cập việc một số giáo sĩ Dòng Tên dùng các chữ Sinoa, SinuuàSinua trong những năm 1621-1631. Các chữ này (và cả Sennoa, Singoa, Sīn-hoa, Sinoe) do những người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đầu tiên dùng từ cuối thế kỷ 16 để chỉ Thuận Hóa hay Xứ Hóa; và thực ra chính các thương nhân Bồ đem các vị Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong (1615) và Đàng Ngoài (1626). Về sau các giáo sĩ không hay dùng những chữ này nữa và sự phiên âm trở nên chính xác hơn.
 
Độc đáo nhất là trường hợp của de Rhodes vì ông đã đến Việt Nam nhiều lần trong khoảng 1624-1645 và để lại nhiều tác phẩm hữu ích về phương diện ngôn ngữ học. Trong cuốn sách được xuất bản đầu tiên của ông viết về xứ Đàng Ngoài Relazione De’feleci successi della Santa Fede Predicata da Padri della Compagnia di Giesv nel Regno di Tvnchino (1650) có một bản đồ Việt Nam trên đó có ghi thành phố Ke Hoa. Chữ này không thể nào khác hơn là Kẻ Hóa. Trong cuốn hồi ký của ông, tựa là Divers Voyages et Missions du Père Alexandre de Rhodes en la Chine et Autres Royaumes de l’Orient avec Son Retour en Europe par la Perse et l’Arménie (1653) ở phần 2 chương 1 có dùng chữ Kehue (La ville où le roi fait son séjour s’appelle Kehue). Rồi ở chương 4 có chữ Hoâ (Province de Hoâ). Sau đó ở các chương 14, 17 và 23 ông lại dùng chữ Sinoa. Hai chữ Kehue Hoâ này phải chăng là Kẻ HuếHoá hay chỉ là do lỗi ấn loát? Đỗ Quang Chính (1972) đã đưa ra một số thí dụ về cuốn sách về xứ Đàng Ngoài của de Rhodes là cùng ghi âm một chữ tiếng Việt mà bản thảo viết tay bằng tiếng La-tinh (1636), bản in tiếng Ý (1650), bản in tiếng Pháp (1651) và bản in tiếng La-tinh (1652) lại khác hẳn nhau. Linh mục họ Đỗ cũng ghi lại một số chữ quốc ngữ trong bản thảo cuốn Divers Voyages et Missions nhưng không đề cập đến hai chữ Kehue Hoâ nên chúng ta chưa có một giải đáp rõ ràng về câu hỏi trên. Tuy nhiên, với cuốn tự điển Việt-Bồ-La khi được in chắc chắn phải do de Rhodes duyệt qua vì lúc đó ở Rome chỉ có ông biết chữ quốc ngữ.
 
Trong cuốn Dictionarivm Annamiticvm, Lvsitanvm, et Latinvm (1651), ở cột 329 ghi: hŏá, kẻ hŏá, thŏận hŏá: corte de Cochinchina que os Portugueses chamão Sinuà: regia Cocincinensis à lusitanis dicta Sinuà. kẻ hŏé, idem.
 
Chúng ta thấy có hai chữ hŏáhŏé ở đây. Linh mục Cadière (1915 và 1916) là người đầu tiên chú ý đến vấn đề này. Theo Cadière, hai chữ đó chính là hoáhoé ngày nay; còn chữ huế chưa thực sự có vào thời de Rhodes. Cadière căn cứ là ở một số chữ hŏa như trong hŏa quả, con hŏa, thinh hŏa (tỉnh Thanh Hoa hay Thanh Hóa) de Rhodes có ghi thêm một cách đọc khác là hŏê trong khi ông không dùng âm ê này cho chữ hŏá mà dùng âm e thành ra chữ hŏé. Từ đó Cadière kết luận là hai chữ Kehue Hoâ trong cuốn Divers Voyages et Missions tương ứng với kẻ hŏéhŏá của cuốn tự điển tức kẻ hoéhoá mà thôi. Cadière cũng đề cập đến cuốn Relation des Missions des Evesques français aux Royaumes de Siam, de la Cochinchine, etc... (1674) trong đó hồi ký của ông Hainques thuộc Hội Ngoại Quốc Truyền Đạo đã đến Đàng Trong cuối năm 1665 có ghi “... se trouve à la Capitale du Royaume qu’on appelle en langage du pays: Diuh-hac...”“...les Habitants de la Province d’Hüe...” Hai chữ Diuh-hacHüe này theo Cadière cũng đã in sai từ Dinh HoéHoé.
 
Thực ra Cadière đã thiếu sót khi tra cứu cuốn tự điển của de Rhodes. Ông chỉ chú ý hai cột 328 và 329 trong khi bỏ qua cột 333. Ở cột 333 này de Rhodes ghi rõ các chữ tương đương: hŏê hŏa, hŏế hŏá, hŏềhŏà. Dù có cẩn thận đến đâu, trong công trình soạn in cuốn tự điển này, de Rhodes phải vướng mắc một số lỗi chính tả. Điều không may là ông đã thiếu bỏ dấu nên chữ kẻ hŏế thành ra chữ kẻ hŏé ở cột 329 mà thôi.
 
Một giáo sĩ của Hội Ngoại Quốc Truyền Đạo tên là Bénigne Vachet sống tại Đàng Trong trong khoảng 1671-1685 cũng để lại một hồi ký tại văn khố hội này và sau được đăng trong Bulletin de la Commission Archéologique de l’Indochine (1913) trong đó ông viết: “... il se rendit maître des trios provinces de Dingcat (Dinh Cát), Cambin (Quảng Bình) et Hoée...” Âm ée của chữ Hoée trong Pháp ngữ tương đương với âm ê trong quốc ngữ nước ta. Còn một người Ý, tiến sĩ John Francis Gemelli Careri sau khi du lịch vòng quanh thế giới đã viết lại hồi ký mà bản dịch sang tiếng Anh được đăng trong cuốn 4 tuyển tập của Churchill tựa A Collection of Voyages and Travels (1732). Careri đi ngang Đông Nam Á năm 1695, tuy không thực sự ghé Việt Nam nhưng có tiếp xúc với một giáo sĩ, hai người dân Đàng Ngoài và một giáo sĩ đã đến Đàng Trong. Trong đoạn viết về Đàng Trong ta thấy: “... The king resides in the city of Chapelo (cù lao Chàm), one day journey from the sea, in the province of Kegue or Kehoe, which in that language signifies a flower”. Tuy có những lỗi lầm trong đoạn này, nhưng cũng có thể suy đoán ở đây Careri muốn nói là Kẻ Huê.
 
Về trường hợp bán nguyên âm ŏ, ngày nay chúng ta dùng mẫu tự u để thay thế trong một số chữ. Chữ thŏận (trong thŏận hŏá) bây giờ được viết là thuận. Và chính de Rhodes cũng đã làm điều đó: ông dùng mẫu tự ü; những chữ thŏêthüê; thŏếthüế; thŏởthüở được xem như nhau trong cuốn tự điển của ông. Như vậy bên cạnh những chữ hŏa, hŏáhŏà, những chữ hŏê, hŏếhŏề đã hiện diện trong tự điển của de Rhodes, và ngày nay chúng ta chỉ ghi dưới dạng khác thành huê, huếhuề mà thôi. Chốn cố đô đã có hai cách phát âm là hoá huế từ xưa, ít ra cũng trong tiền bán thế kỷ 17, nhưng tại sao chữ hoá không phổ biến từ lâu rồi là điều chúng tôi không thể xác định được.
 
Một điểm xin bàn thêm với học giả Thái văn Kiểm: Chúng tôi thấy cụ cũng như Đỗ Quang Chính (1972) viết là trong tác phẩm của Christoforo Borri, một số tiếng Việt đã được phiên âm năm 1621; theo vị linh mục họ Đỗ, đó là năm Borri rời Việt Nam. Điều đó không hoàn toàn chính xác. Thực ra Borri cho in cuốn sách đầu tiên này của Tây phương riêng về Đàng Trong tựa Relation della nvova missione delle pp. della compagnia di Giesv al regno della Cocincina tại Rome năm 1631, trong đó ông ghi rõ ở trang 219 là ông rời Đàng Trong năm 1622, và ông viết cuốn này khá trễ vì có nhắc đến hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài của Baldinotti (đến đây năm 1626) và của de Rhodes (đến năm 1627). [hết trang 15]
 

***

 

Tôi viết bài báo trên và gửi đến Làng Văn khá vội vã vì lúc đó đang bận rộn công việc nghiên cứu khoa học. Ít lâu sau có thì giờ tra lại cuốn tự điển của de Rhodes, đọc ở phần phụ lục Appendix (trước phần từ mục Index Latini Sermonis) tôi gặp một ghi chú sửa lỗi chính tả tiếng Việt sau:

329. 13. hŏé : hoế.

Nghĩa là: Ở cột 329 hàng thứ 13 sửa chữ hŏé thành chữ hoế.

[Đúng ra nên ghi là hŏế theo chính tả trong cuốn tự điển.]

Ôi, chỉ vì bỏ qua cái đính chính nhỏ bé này mà học giả Cadière đã nhận định rằng những người xưa đã gọi tên thành phố Huế này là Hoé! Và nhiều người thời nay – kể cả Phanxipăng -- tin theo cái kết luận của linh mục Cadière.

Cũng vì thiếu sót trong khi tra cứu, tôi đã kết lỗi linh mục de Rhodes sơ ý quên bỏ dấu mũ khi ấn hành. Xin được tạ lỗi với linh hồn cụ de Rhodes!

Nhân đây, tôi cũng xin ghi lại một lỗi lầm khác khi dựa trên trí nhớ chép lại vài câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Bính trong bài báo Làng Văn xa xưa ấy. Hai câu thơ cuối trong bài Nhạc Xuân đúng ra phải là “Giờ đây chín vạn bông trời nở / Riêng có tình ta khép lại thôi!” Và xin được tạ lỗi với linh hồn cụ Nguyễn Bính.

 

 

-------------

PHỤ LỤC:

Ảnh chụp bài “Về Thời Điểm Xuất Hiện Chữ Huế” trên tạp chí Làng Văn (Canada) tháng 3 năm 1989.

 

 

 

 

 

-----------------

Bài liên quan:

03.01.2011
Hầu hết sách báo bấy lâu nay đều cho rằng Huế là do đọc trại chữ Hoá tiếng Hán trong tên gọi Thuận Hoá. Đúng thế chăng? Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: địa danh Huế xuất xứ từ tiếng Chăm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021