thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Karl

 

Cho đến bây giờ tất cả những gì tôi biết về Karl có thể tóm tắt như sau:

- 54 tuổi

- Ly hôn. (Nghe Ursula nói là Karl còn có một đứa con trai)

- Hành nghề luật sư.

- Trước khi nước Đức thống nhất, sinh sống ở Leipzig.

Tôi gặp Karl trong một cuộc hội thảo về giáo dục tổ chức hồi tháng Sáu năm ngoái tại Thái Lan. Khách mời đến từ các trường đại học của Đức, Trung quốc, Mỹ và Việt Nam, tổng cộng 15 người. Trường đại học, nơi diễn ra hội thảo, nằm ở một thành phố nhỏ ven biển, cách Bangkok khoảng hơn một tiếng đồng hồ xe chạy. Trừ hai ngày cuối tuần bãi biển đông nghẹt người cùng với những chiếc pick-up đủ các màu sắc từ Bangkok và các nơi lân cận đổ về đậu kín một bên đường, những ngày khác thành phố mang dáng dấp của một tỉnh lẻ đìu hiu. Dọc con đường chạy ôm lấy biển rợp bóng dừa dài khoảng năm, sáu cây số với những chiếc xe bán thức ăn dạo, vài hiệu ăn nhỏ phô bày một tình trạng vệ sinh khả nghi, một cái spa, một máy ATM, một cửa hàng 7-Eleven, tiệm giặt quần áo và cửa hàng dịch vụ internet, ngoài ra chẳng có gì nữa đáng để xem.

Có những buổi tối tôi đi hết con đường ấy, ra đến một cái bến nhỏ, nơi cặp ghe thuyền đánh cá của dân địa phương. Ở đó có một cái nhà hàng bán thức ăn hải sản với những người phục vụ có cách phục sức, trang điểm giống như những vũ công Tiffany. Đứng trước nhà hàng vắng vẻ sáng rực nhìn ra biển, chỉ thấy loáng thoáng trước mặt những điểm sáng nhấp nháy từ một cái thuyền câu hay một con tàu nào đó neo đậu ngoài xa. Nghe nói ở đây có một ngọn hải đăng, bây giờ đã bị bỏ phế.

Đi qua khỏi nhà hàng một quãng nữa sẽ đến một quán giải khát và bán thức ăn nhanh. Lúc đó đang vào đúng tuần lễ Festival bia Singha. Những bích chương, quảng cáo dán khắp trước cửa và chung quanh những thân cây. Ở bên hông quán người ta đặt một cái bục gỗ làm sân khấu cho một ban nhạc gồm một tay trống và một nam ca sĩ vừa hát vừa tự đệm đàn guitare. Tiếng nhạc lan ra xa từ một thùng loa to. Hai cô gái phục vụ mặc jupe trắng ôm sát lấy người đứng trước cửa tươi cười mời mọc. Tôi chọn một cái bàn ngoài cùng, gần lối ra vào.

Uống chưa được nửa ly, tôi bỗng nghe tiếng tằng hắng và cảm thấy ngột ngạt bởi một cái bóng to lớn nào đó sau lưng mình sắp sửa đổ ập xuống. Tôi ngoái cổ lại, nhìn thấy Karl.

“Chào cô. Rất vui được gặp cô ở đây.”

Trên tay Karl cầm một cái vại bia to đã uống quá nửa, miệng nở nụ cười hết cỡ bên dưới bộ ria ẩm ướt. Y ngỏ ý muốn ngồi cùng bàn. Tôi liếc nhanh cái ghế trống trước mặt, không kịp nói phản đối hay tán thành, đã thấy một bàn tay to bè của Karl, bàn tay không cầm bia, đặt lên lưng ghế kéo ra. Tôi biết trước là y chỉ hỏi cho có lệ.

“Thời tiết gì mà tồi tệ quá. Phải không cô?” Y nói bâng quơ để mở đầu câu chuyện. Hai cánh tay của y đầm đìa mồ hôi, mỗi khi nhấc lên kêu nhem nhép để lại trên mặt bàn những hình thù thẫm đen.

Quả thật, trời nóng đến ngạt thở, như thể nó đang trong thời kỳ thai nghén những cơn mưa. Chiều hôm qua có một trận mưa rào hiếm hoi. Mưa khá lớn. Quyển sách tôi đọc dở bỏ quên ngoài ban công bị ướt mèm.

“Có thể sẽ có thêm vài cơn mưa nữa trong mấy ngày tới,” Cái bàn nhỏ và khoảng cách giữa hai chúng tôi thì quá gần, tôi không biết mình nên làm gì, tôi đặt mắt lên cái logo trên chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt của Karl có hình dáng một cái đầu sư tử, nói, “Trời sẽ dịu hơn. Hôm nay tôi nghe trên bản tin thời tiết như thế.”

Ban đầu, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, không đầu không đuôi, và đều không có ý định đá động gì đến cuộc hội thảo đang diễn ra. Trong câu chuyện, Karl than thở cái thang máy của khách sạn hay bị giật cục mỗi lần khởi động; nước hồ bơi không sạch làm cho da mẩn ngứa và cô thư ký lo việc tiếp tân của trường đại học hay nhìn trộm y. “Cô có bị dòm ngó như tôi không, hả?” y hỏi, cánh mũi phập phồng và lỗ mũi nở to vì bia. Karl muốn nói đến cô Pat . Mỗi sáng đi bên ngoài hành lang đến hội trường, nhìn vào văn phòng tôi đã thấy cô ngồi ở bàn làm việc. Đôi khi tình cờ ngẩng lên trông thấy tôi, cô gật đầu mỉm cười chào. Cô có mái tóc ngắn khoe nguyên cái cần cổ, khuôn mặt bầu bĩnh với nụ cười thường xuyên nở trên môi. Có lần định đi Bangkok, tôi hỏi cô đường đi và giá thuê xe. Cô lấy đưa cho tôi một cái bản đồ và một tập sách mỏng giới thiệu những thắng cảnh ở Bangkok. Khi ấy tôi mới để ý thấy cô có đôi mắt hơi bị hiếng, thường nghiêng đầu sang một bên mỗi lần ngước lên nhìn. Không biết có phải chính điều này đã làm cho Karl có ấn tượng không tốt về cô gái hay không?

“Cô ấy hình như có tật ở mắt,” tôi nói.

Tiếng nhạc quá to làm cho Karl phải hơi chồm người về phía trước và nghiêng một bên tai để nghe cho rõ hơn. Tôi ngửi thấy hơi thở và mùi da thịt của y.

“Ý cô muốn nói là... Ồ không, tôi không hung dữ thế đâu. Nhưng mà...” y bỏ dở câu nói ở đấy như để gom góp lại ý tưởng còn tản mác đâu đó trong sóng biển, “Cô biết không, mấy lần cô gái đó hỏi tên tôi và lần nào cũng đều đọc sai, viết sai hết. Tên đầy đủ của tôi là Karl Schwarz.”

Khi đọc tên mình, không biết có phải vì Karl cố ý nhấn mạnh hay vì do những ồn ào chung quanh át cả tiếng nói nên y phải gằn từng chữ. Ria mép của y vểnh cong lên khi phát âm đến chữ cuối cùng.

“Xin lỗi, Schwarz trong tiếng Đức hình như có ý nghĩa gì liên quan đến máy móc hay cơ khí gì đó, phải không?” tôi hỏi.

Tôi đọc thấy sự khó chịu qua ánh mắt và giọng nói của Karl: “Không. Tuyệt đối không. Tôi là luật sư. Tôi ghét tất cả kim loại hay máy móc các thứ.” Giọng của Karl bình thường trầm, đục, bây giờ nghe càng bi phẫn.

“Có một người mang họ Schwarz. Rất nổi tiếng. Có lẽ ông cũng biết.” Tôi muốn lái cuộc trò chuyện này sang một chiều hướng khác dễ chịu hay tốt nhất là kết thúc nó một cách chóng vánh. Nhưng tôi không hy vọng nhiều lắm. Điều đó thật chẳng dễ dàng một chút nào, nhất là với Karl và cách nói chuyện sấn sổ, dai như đỉa của y.

“Cô muốn nói ai vậy?”

“Gerard Schwarz.”

Gương mặt Karl đầy vẻ nghi hoặc, “Chưa bao giờ nghe đến tên.”

“Ông ta chỉ huy dàn nhạc Seattle và đài phát thanh Berlin. Người Mỹ.”

Karl nhún vai, hoàn toàn dửng dưng với cái thông tin đó. Rồi như bất chợt nhớ ra điều gì, y hỏi “À! Cô có hay tin gì chưa?”

Tôi nhìn Karl và thử đoán mò trong đầu. Hai hôm trước khi đi tham quan một ngôi chùa ở Ayutthaya, Karl đã kiên quyết từ chối thay đổi trang phục theo yêu cầu của ban quản lý và vì vậy, y đã không được cho vào thăm chánh điện. Ngoài chuyện này ra, không biết còn thứ gì khác nữa.

“Chưa!” Tôi đinh ninh sắp sửa được nghe một chuyện giật gân.

“Vừa mới xảy ra một vụ nổ súng. Biểu tình ở thủ đô. Mẹ kiếp! Có thể ban tổ chức sẽ phải hủy bỏ chuyến đi lên Bangkok ngày kia. Nói thật lòng nhé, tôi thích đi Chiang Mai hơn.”

Chiang Mai. Cái tên không nói lên với tôi một điều gì.

Ban nhạc nghỉ giải lao. Ca sĩ và người đánh trống đều đi vào bên trong quán. Tôi nghĩ là vừa mới có một ngọn gió từ mé biển thổi lướt qua mang đến chỗ chúng tôi ngồi một chút xíu ẩm ướt và nhiều tiếng động của biển. Những ngày này tôi thường phải để máy lạnh chạy liên tục trong phòng, chỉ thỉnh thoảng vào lúc sáng sớm hay về đêm, trời mát dịu, mới ra bên ngoài ban công hóng gió. Cách phòng tôi không xa là một cặp vợ chồng già, có lẽ khách du lịch. Người chồng với mớ tóc bạc lơ thơ đã rụng gần hết thường ngồi ở chiếc ghế mây kê trước cửa trong lúc người vợ mặc bộ váy ngủ rộng thùng thình đi đi lại lại trong phòng như một bệnh nhân tâm thần. Qua đám cây xanh ngăn cách, người đàn ông và tôi chào nhau.

Tôi thấy đã có thể kết thúc cuộc trò chuyện. Tôi cáo từ Karl. Nhưng vừa mới bước đi vài bước, đã nghe y nói với theo sau lưng:

“À! Nhân tiện...”

Tôi đứng lại để nghe nốt.

“Nếu gặp Ursula, cô nói giúp là tôi đã mang trả cây dù cho quầy tiếp tân rồi nhé. Cảm ơn.”

 

*

 

Ursula và Jürgen ở sát ngay bên cạnh phòng của Karl. Nhưng rất ít khi họ đi chung hoặc ngồi chung với y. Tôi nhận ra điều đó ngay từ buổi tiếp đón các đại biểu.

Buổi tiếp tân hôm ấy được tổ chức ở một khách sạn, có lẽ vì phòng khánh tiết của nhà trường không đủ rộng. Ngoài ban giám hiệu và hội đồng quản trị, khách mời còn có một vài vị quan chức của thành phố. Sau một vài lời giới thiệu và diễn văn chào mừng ngắn gọn, mọi người nhập tiệc. Ursula, Jürgen, Raymond và tôi ngồi chung một bàn. Bàn đối diện bên kia, nơi có các vị quan chức, tôi nhìn thấy Karl với những đồng nghiệp Châu Á. Giữa chừng buổi tiệc, tôi nghe Karl bỗng nhiên nói to tiếng khác thường. Có vẻ như y đang tranh luận với mấy người ngồi bên cạnh. Ursula và tôi chẳng hẹn mà cùng đưa mắt nhìn nhau, tự hỏi nhau, “Nè! Không biết chuyện gì đang xảy ra với Karl vậy hả?” Ursula khẽ nhún vai, như ngầm bảo, “Làm sao mà tôi biết được?!”

Sau hôm đó, Ursula và tôi trở nên thân nhau. Cũng có thể một phần vì hội thảo chỉ có hai phụ nữ.

Ursula cao chừng 1m65, tóc màu hạt dẻ, mặt lốm đốm những vết tàn nhang. Với một bề ngoài bụi bặm, cô có vẻ như là một sinh viên hơn là một nhà tâm lý giáo dục. Tôi thích ngắm cổ tay của Ursula, tròn trịa, gợi cảm, đeo những chiếc vòng lạ mắt cô tự kết lấy bằng những sợi chỉ nhiều màu sắc. “Theo kiểu Brazil đó,” cô nói với tôi. Mỗi ngày tôi khám phá thêm trên người của cô nhiều món trang sức khác ngộ nghĩnh không kém. Tôi tặng cho Ursula một con búp bê mặc áo dài với chiếc nón lá che nghiêng một bên đầu.

Một lần ngồi chung bàn ăn sáng với nhau, Ursula nói về công việc của mình. Cô nói về những con phố bẩn thỉu với những căn nhà đổ nát bị bỏ hoang không có kinh phí sửa chữa, những người già bị bỏ rơi, những phụ nữ bị chồng đánh đập, nạn thất nghiệp, buôn lậu, những đứa trẻ lang thang sớm nghiện ngập ma túy, những người đàn ông nghiện rượu và băng đảng phát xít mới.

Tôi nghe chuyện của cậu bé Hans, tám tuổi. Bố là thợ cơ khí nhà máy ô tô. Nhà máy đóng cửa, mất việc làm và bị vợ bỏ rơi, ông sinh ra nghiện ngập. Hans bị bố bán cho một nhà thổ nam để có tiền mua rượu. Khi cảnh sát phá đường dây buôn bán trẻ con làm nô lệ tình dục, bố của Hans bị bắt và cậu bé được đưa vào bệnh viện để chăm sóc. Ở đấy, ngưòi ta phát hiện ra Hans bỗng dưng bị mất tiếng nói và có một thói quen kỳ lạ là chỉ đứng có một chân. Cậu đứng cả ngày với tư thế đó trong toilet nhìn trừng trừng vào cánh cửa.

“Bốn mươi năm phân ly và đầy dẫy nghi kỵ, bồ không dễ gì xóa bỏ trong một sớm một chiều. Thanh niên ở phía bên này và cũng như bên kia, họ không biết nhau,” Ursula gõ gõ ngón tay trỏ lên đầu, “Biên giới vẫn còn hiện diện ở trong những cái này này..., bồ biết không?”

Chúng tôi ngồi bên dưới một tán cây rộng, gần với hồ bơi. Một nhân viên khách sạn trong bộ đồng phục màu xanh đang đi quanh để vớt những chiếc lá rụng trên mặt hồ bằng một cây vợt cán dài. Trên một chiếc ghế, một chiếc khăn tắm của ai bỏ quên từ đêm qua. Gần đó, những con chim sẻ dạn dĩ đi tìm những mảnh vụn bánh mì rơi rớt trên mặt đất. Tôi nghe tiếng nước chảy róc rách từ một cái thác nhân tạo. Nhà hàng bây giờ đã bắt đầu ồn ào tiếng người. Những thực khách từ các phòng lục tục kéo đến. Tiếng muỗng nĩa và ly đĩa chạm vào nhau kêu lanh canh không ngớt. Chếch về bên trái trước cửa ra vào, một đầu bếp đứng tráng trứng ở một cái bàn dài cho hai người khách, một nam một nữ, đang kiên nhẫn chờ đợi.

Ursula xoay người lại phía sau đưa một ngón tay lên nhịp nhịp ra dấu cho cô phục vụ bàn đứng gần đấy, nhưng cô gái không nhìn thấy. Phải đến lần thứ hai cô mới nhận ra. Ursula ngỏ ý muốn uống thêm cà phê. Sau đó cô phục vụ nhìn sang tôi, hỏi:

“Bà có dùng thêm cà phê không ạ?”

“Không, cảm ơn.” Tôi nói.

Khi cô gái rời khỏi bàn, bất chợt tôi nhìn thấy Karl. Y đang lững thững từ phòng tập thể hình đi ra, chiếc khăn lông vắt một bên vai. Y đi đến chỗ thang máy lên các phòng, bấm nút đợi. So với chúng tôi, y vẫn thường là người đến nhà hàng ăn sáng muộn hơn hết.

 

*

 

Đầu tháng Tư năm nay, tôi bất ngờ nhận được e-mail của Ursula. Cô báo tin Karl tử nạn trong một vụ tai nạn ô tô mà cô mô tả là hết sức hy hữu.

Toàn bộ sự việc diễn biến như sau:

Cách lễ Phục Sinh khoảng hai tuần, Karl mang xe đi bảo trì định kỳ. Ngày nhận lại xe, Karl chạy thử loanh quanh trong các đường phố. Sau đó y lái ra xa lộ. Khi xe đang chạy ngon trớn trên đường, bất thình lình Karl kéo hết thắng tay. Chiếc xe bất thần bị chổng ngược, quay vòng vòng rồi lật ngửa.

Ursula scan gửi kèm theo mail một bài báo đưa tin về vụ tai nạn. Tôi không đọc được tiếng Đức, chỉ có thể xem hình. Tôi đếm được tổng cộng 255 chữ trong bản tin đó. Rồi tôi nhìn tấm ảnh chụp chiếc ô tô trong bài báo. Coi nó lúc đó chẳng khác gì một con dán bị lật ngửa.

Ursula nói trong mail, “Cho tới bây giờ mình vẫn không hiểu nổi tại sao Karl lại có hành động khùng điên đến như vậy được.”

Ursula không hiểu tại sao. Nhưng tôi, tôi nghĩ là mình có thể hiểu.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021