thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chuyện đã qua

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 

 

Lời người dịch:
Peter Gruson là một nhà ngoại giao của Đại sứ quán Anh ở Sài Gòn trong thập niên 60, một nhân viên cao cấp của cơ quan tình báo MI6. Gruson là một nhân vật “nhiều màu sắc”, cao ngạo đầy tự tin, hoạt bác và thuyết phục, với giọng cựu sinh viên Oxford-Cambridge (“Oxbridge”) và những cử chỉ bắt mắt; rất điển hình của một loại người Anh, thường thuộc giai cấp quí phái hay thượng lưu, chắc hẳn vẫn còn mang trong mình vài giọt máu — chinh phục, thám hiểm, phiêu lưu — của các bậc tiền bối của đế quốc Anh trong những thế kỷ trước.
 
Roger Byrne là một phóng viên người Anh, không ưa cộng sản, có cái nhìn thực tế đôi khi đến phũ phàng, nhưng đáng thương hơn đáng ghét.
 
Michael Bishop là một kẻ trung gian đang vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay.
 
Và, cuối cùng, theo thứ tự liệt kê ở đây chứ không do tầm quan trọng, là Thái, chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt — một lá bài tốt dưới mắt Gruson và vài người khác, chí ít là lúc đầu, có thể trở thành một lãnh tụ gương mẫu, nhưng chung cuộc đã chóng biến thành một con chốt của chính trị quốc tế Đông Tây, trên bàn cờ lịch sử và định mệnh. Một đấng Chúa nhỏ, đã bị thời cuộc, mà cũng đã tự mình, đóng đinh mình trên cây thập giá phần lớn do chính mình tạo ra.
NĐT

 

____________

 

MỘT CHUYỆN ĐÃ QUA

 

Cuộc gặp gỡ trong thánh cung của cha Quân đã có tác dụng của một viên thuốc an thần đối với tôi. Tôi tiếp tục mường tượng lại cảnh tôi đã được chứng kiến trong căn buồng che đậy bời một manh chiếu. Vị linh mục và Ba, Thái và vợ hắn dường như đã được hợp chung lại như các nhân vật ở màn cuối hậu hĩ của một tuồng hát rút từ Thánh Kinh. Sự ngay thẳng và đức tính đã thắng. Cái ác — hay chỉ là tội lỗi, sa ngã — trong hình dáng của Đính và Gruson và “các đấng ở bên kia” không thể nào lọt vào cái chỗ đã được Chúa ban phước lành.

Đó là một cảm giác lạ lùng và chóng qua. Một buổi chiều tôi tới cái tiệm đóng sách nơi tôi đã thuê đóng bìa da xanh đậm cho cuốn Dragon Book of English Vers e , một cuốn sách lãnh thưởng cuối một năm tiểu học. Tôi mang theo vài cuốn truyện của Somerset Maugham bìa mềm mua ở Luân Đôn — ai đó đã mách với tôi chúng là những cuốn sách chỉ dẫn tốt về Á Đông — và tôi nghĩ nếu được đóng thêm cái bìa xinh xắn thì chúng sẽ là một món quà hấp dẫn cho mẹ tôi. Người chủ tiệm đảm nhiệm luôn việc đóng sách là một ông già má hóp đã bày biện các vật liệu — những mẩu giấy có vân cẩm thạch, những kiểu chữ mạ vàng đủ cỡ lớn nhỏ dành cho các chữ đầu của tên — bày biện chúng với sự thờ ơ như thể lão không cần có khách hàng.

Cửa tiệm này thường xuyên vắng vẻ. Chủ nhân thường từ sau một tấm rèm bước ra tiếp khách, mắt kính cầm trên tay như thể đã bị gián đoạn trong việc đọc sách. Nhưng trong buổi chiều hôm đó tiệm đã có một khách hàng khi tôi bước vô. Khách hàng đang cúi nghiêng mình trên quầy để quan sát các mẩu giấy vân đủ loại. Chủ tiệm thì chỉ lơ đãng nhìn vị khách quý.

Tôi nhận ra ngay tức khắc người đàn ông đó. Chiếc quần nâu nhạt trên bộ mông to và chiếc sơ mi xanh da trời cài nút ống tay dài nơi cườm tay cho biết đó là Gruson. Tôi có thể lặng lẽ rút lui nhưng hắn đã nghe tôi bước vô tiệm, và vẫn cúi nghiêng trên quầy, ngoái cổ để nhìn kẻ mới đột nhập.

“Michael! Tôi không biết anh cũng năng lui tới những chỗ này. Chủ ngân hàng cũng mê sách vở à?”

Tôi để các cuốn sách của tôi trên quầy và nhìn mớ sách của Gruson. Nhiều cuốn thơ tiếng Đức và tiểu thuyết của Dostoyevsky. Hắn chọn da đỏ cho bìa và dặn dò ông lão Việt Nam về độ sáng của các trang giấy vân bên trong. Nói xong hắn để tay trên mép hông và nhìn tôi.

“Dạo này thiên hạ ít được thấy mặt anh, đúng chứ? Anh đang âm mưu chuyện gì đấy?”

Tôi không đáp. Hắn nhíu mày rồi hắn nhìn đồng hồ.

“Anh đi uống với tôi một ly nhé. Tôi vừa gặp Byrne ở đầu đường. Tôi biết anh không ưa hắn nhưng hắn không đến đỗi tệ như vậy đâu. Chỉ hơi chậm hiểu một tí thôi.”

Tôi muốn từ chối, thế nhưng với sự bực tức, tôi khám phá ra rằng nói không với Gruson vẫn chưa thật dễ dàng lắm. Tôi thầm nhủ rằng lúc ấy tôi đã ở ngoài tầm tay của hắn. Có thể rằng tôi đã là tay trên vì tôi biết rõ những điều hắn rất muốn biết.

Bởi thế cho nên chúng tôi đã cùng nhau bước ra khỏi tiệm và tôi đi theo Gruson tới đại lộ Nguyễn Huệ có những cái kiốt bán hoa xây ở giữa lòng đường rộng. Đó là lúc của buổi chiều mà đám người Việt Nam đứng đắn cuối cùng trở về nhà sau giờ dạo mát và các công dân Mỹ túa ra đường như đàn thú lạ quyến rũ bởi hương rừng thành phố. Gruson len lỏi qua các đám đông trên vỉa hè như thể họ vô hình. Bạn hàng rong và các tay buôn bán dạo trên lề đường không ai dám chận hắn lại để mời mọc. Thậm chí các tên ma cô cũng nhận thấy hắn không dễ gì bị ảnh hưởng của chúng nên chúng không động tới Gruson.

Chúng tôi rẽ vào một con đường phụ và bước vô một cái chỗ trông tựa như một khách sạn nhỏ. Có một cái quầy gỗ và đằng sau quầy là những hộc tủ để đựng thư. Một tấm bích chương đóng khung treo trên tường hoạ hình một người kỳ lạ có đeo hoa tai nhưng hai ống chân thì không mặc quần, đang ngồi hút một cành trúc đút vào một cái vại lớn. Một hàng chữ uốn éo lời mời mọc;

Visitez Ban Me Thuot and ses tribus pittroresques. [1]

Gruson đứng lại nhìn.

“Anh đã thấy bọn mọi trên cao nguyên rồi chứ? Tụi Mít đối xử với chúng chẳng khác gì tụi Mẽo đối với bọn đen ở Miền Nam trước nội chiến. Xấu hổ quá. Chúng rất dễ thương. Chúng ngay thẳng bao nhiêu thì tụi Mít lươn lẹo bấy nhiêu. Chúng hệt như đám Gurkha của chúng ta.”

Bài diễn thuyết đọc xong, Gruson trực chỉ quán rượu. Byrne là khách hàng độc nhất đang ngồi ở đó. Hắn ngồi một mình tại một cái bàn nhỏ ở cuối phòng. Cái phòng thì trông như đã từ rất lâu chưa được cách tân. Cái quầy gỗ và đèn đuốc ở phía sau vẫn ngay hàng thẳng lối như còn ở thập niên 30. Tôi có cảm tưởng như đang đứng trên một con tàu xuyên đại dương chờ ngày nhập khu phế thải. Các cánh quạt máy đen đúa đang quay vù vù trên trần nhà. Một góc của quán rượu đi thông qua phòng ăn đã có vài thực khách ồn ào.

Gruson nhìn quanh quất.

“Barman đâu rồi? Bồi! Bồi!”

Một cái đầu nhô lên từ dưới quầy rượu, xấu xí, ranh mãnh như một cái đầu học trò nghịch ngợm chỉ có khác là nó thuộc về một người đã trung niên. Anh hầu bàn nâng cánh cửa quầy lên và bước lê tới bàn chúng tôi. Áo và quần đồng phục của anh ta giả thiết là trắng nhưng chúng đã trở thành xám qua nhiều năm giặt giũ miễn cưỡng. Anh ta vòng tay lại và liếc nhìn chúng tôi.

“Bong shoir.” [2]

Các từ phát âm trật giọng nặng nề đến đỗi tôi nghĩ rằng anh ta đã muốn bông đùa. Nhưng khi nhìn kỹ khuôn mặt anh ta tôi thấy cái vảy cá trong một con mắt, nó giúp anh ta che đậy những cái nhìn có thể soi mói. Anh ta có vẻ khoái trá với ấn tượng đã gây ra và sau khi chúng tôi gọi Pernod anh ta khúc khích cười quay về chỗ cũ.

“Xem nào,” Gruson nói. “Anh đang âm mưu chuyện gì thế, Michael? Tôi có nghe kể lại nhiều chuyện về những hoạt động không ngừng tay của anh.”

Tôi hỏi hắn có nghe nói về cái chết của lão Đỗ hay không.

“Có. Tôi có nghe nói lão Đỗ đã bị tai nạn. Tôi hy vọng nó không do lỗi của anh chứ? Tôi ghét nghĩ rằng anh đã có thể chịu trách nhiệm về một chuyện rất đáng tiếc như vậy.”

Lời mai mỉa quá lộ liễu đó khiến tôi sững sờ. Phong cách của Gruson đã từng nhẹ nhàng hơn.

“Tôi cũng có nghe nói anh đã bị lôi thôi với cô bạn gái của anh.”

Byrne đang đeo tâm lắc vàng nặng trĩu của hắn. Nó rộng và chạm vào ly gây tiếng động lắc cắc khi Byrne nâng ly.

“Nếu anh cần thêm ý kiến thì tôi sẽ nói rằng các cô gái như nàng không xứng đáng để ta nhọc công. Rất đẹp. Rất hấp dẫn. Đúng. Nhưng tựu trung chỉ là rắc rối lôi thôi. Nhân tiện, tôi cũng xin thông báo ngay rằng tôi chưa động tới cô ấy.”

Hắn ném cho tôi một nụ cười mà chắc hắn nghĩ là thân thiện và trìu mến, nhưng đối với tôi thì nó chỉ là biểu hiện của một con ác thú đang phân vân chờ cắn.

Tôi tỏ vẻ quá tự tin. Gruson đâm hốt hoảng. Byrne, dù không dễ thương, nhưng cũng đã cố hết sức để gây thiện cảm. Tôi muốn gây ấn tượng mạnh nên tiết lộ chuyện Jeannette làm cò mồi cho đại tá Đính. Nhưng cái tin đó không gây được chút ấn tượng nhỏ nhặt nào. Byrne day sang phía Gruson.

“Tôi đã nói với anh rồi, phải không? Anh còn nhớ cái hôm tôi để cô ấy một mình trong phòng ngủ và khi trở vô tôi bắt quả tang cô ấy đang xem lén các tên họ địa chỉ ghi trong cuốn sổ của tôi?”

Gruson không để ý. Hắn xua tay.

“Tất nhiên rồi. Anh mong chờ cái gì? Tính cô ấy hay thích nọ này. Đã rõ ràng như vậy ngay từ lúc đầu.”

Rồi cả hai để câu chuyện đó qua một bên.

Họ không còn quan tâm đến Jeannette, hay đến tôi, hay đến Thái, hay đến bất cứ cái gì đã ám ảnh tôi suốt trong mấy tuần lễ vừa qua. Gruson đã mời tôi tới quán rượu không để với hy vọng chuẩn bị đưa tôi vào một âm mưu mới mà chỉ vì mối liên hệ cũ, một huấn luyện viên vì áy náy nên muốn dành một tí thì giờ cho một đội viên vụng về mà hắn không còn cần tới nữa. Tôi không hiểu sao hắn đã mất tín nhiệm đối với tôi. Vì hắn chưa mất hẳn tò mò khi suy đoán ý nghĩ trong đầu tôi.

“Nghe đây, hỡi anh bạn đồng chí cũ của tôi ơi, tôi muốn cám ơn anh về sự hỗ trợ của anh và tất thảy mọi việc khác. Kết quả tất nhiên đã không được như mong muốn, nhưng anh đã tận dụng hết sức lực của mình. Hay chí ít là lúc đầu. Nhưng chúng tôi phải loại bỏ lá bài Thái. Mất quá nhiều thì giờ cho một chuyện như vậy không ích lợi gì cả. Nếu mọi việc đã tốt đẹp như theo dự tính thì sẽ khác hẳn. Thái có thể là một đối tượng sáng giá cho ta trong tương lai. Nhưng ta cũng phải biết cắt giảm phí tổn trong các chuyện này. Mọi việc đã rối beng. Đính và chính quyền đã bối rối, Wynant anh bạn Mỹ của tôi cũng vậy. Do vậy mà chúng tôi đã coi đó như là một chuyện đã qua. Chí ít thì mấy cái thằng đỏ chó má cũng đã bị quậy cho hư bột hư đường rồi. Chúng sẽ đã mất tin tưởng ở Thái. Đó cũng là một điểm son cho phía chúng ta, và như vậy thì cũng đã không quá uổng công. Nhân thể, tôi chắc anh cũng không biết Thái có còn ở Sài Gòn hay không?”

Tôi không nghĩ đó là một trò lươn lẹo của Gruson. Hắn không có chút thất vọng nào khi tôi trả lời không. Chí ít là tôi vẫn sáng suốt về điều đó. Nhưng tôi không còn sáng suốt khi tỏ thái độ bất bình. Tôi nghĩ tới lão Đỗ nằm co quắp trên đường trước cửa nhà tôi và tới đứa con nhỏ của Ba.[3] Tôi nghĩ đến Thái và vợ Thái trong cái chỗ núp tại ngôi làng của cha Quân, Thái đang đứng trên bờ vực của thảm bại và vợ Thái, với tất cả tình yêu của cô, cũng không thể giúp chồng. Thậm chí tôi cũng nghĩ đến Jeannette, với niềm hy vọng độc nhất của nàng là cái nhan sắc chóng tàn, và cha Lam không mảy may gây thương cảm dù với nỗi lo âu nung nấu. Thảy đều đã bị thương tổn ít hay nhiều. Và giờ đây Gruson gạt họ qua một bên như một đứa bé vất đám lính chì vào cái hộp đựng đồ chơi chật chội.

Tôi không biết tôi đã bộc lộ được bao nhiêu vì tôi bắt đầu nói lắp. Gruson tỏ vẻ không nghe những gì tôi đã nói ra, ngoài việc tôi cương quyết tiếp tục mặc dù sự lắp bắp đã không gây ấn tượng gì nơi hắn. Đó là lần đầu tiên trước mặt hắn tôi đã không để cho hắn bịt miệng. Khi tôi nói xong, hắn rút trong tay áo ra một chiếc mù xoa vàng và to tiếng hỉ mũi rồi gọi thêm một chầu rượu. Tôi nghĩ hắn đã khoái trá lúc nhìn tôi lên cơn.

“Anh bạn Michael quý mến của tôi ơi,” hắn khởi sự nói. “Anh còn quá non trẻ mặc dù Chúa cũng dư biết rằng đã tới lúc anh cần phải trưởng thành. Anh có thể đổ lỗi cho tôi về cái nồi cám heo nhưng xin anh hãy cho tôi biết tôi đã gây ra sự hổ lốn nào trong cái chỗ đốn mạt này mà chính dân địa phương có thể gây tệ hại gấp mười? Nếu chính họ đã không gây ra cái đống rác khổng lồ này thì những kẻ như tôi không cần phải tới đây.

“Và còn thêm một điều này nữa. Anh đừng phí thì giờ quý báu để tự thương thân quá lố như vậy. Nó dễ trở thành một thói quen lắm đó, một thói quen rất thảm hại. Hãy cho phép tôi mách với anh về một quy lệ hay. Khi tình thế đã trầm trọng thì ta phải tức khắc chọn ngay một phía và bám theo nó. Anh có thể không đồng ý với tất cả những thứ mà nó đại diện, nhưng tại sao anh lại được cái quyền đó chứ? Nếu anh muốn có một việc gì được thực thi đúng mức thì anh phải chọn lựa một phe. Thành thực mà nói thì tôi có thể sẽ trân trọng cái anh bạn Thái của anh hơn nếu anh ta đã ở lại với bọn Việt Cộng. Tôi đã nói với anh rằng hắn rất kiêu căng, có phải không ạ? Hừm, đó là sự kiêu căng tệ hại nhất, khi nghĩ rằng cá nhân ta quan trọng đến đỗi ta có quyền được giữ toàn vẹn sự trong trắng thanh liêm. Không ai được có cái quyền đó.”

Hắn ngó tôi rồi nâng ly nháy nhó, cái cử chỉ của một ông cậu hay một ông chú trần tục và thực tế đã bắt quả tang một đứa cháu phạm một việc ngu dại nhỏ. Tôi chắc tôi có thể đã đứng phắt dậy và bỏ đi ngay nếu Gruson không để cái ly hắn đã đưa lên gần tới miệng xuống bàn và thốt “Chúa ơi.”

Hắn nhìn qua vai tôi về hướng cửa vào phòng ăn. Tôi xoay lại. Một ông già đang chậm rãi bước lại phía chúng tôi, thật ra phải nói lướt thay vì bước thì mới đúng. Chân lão gần như không đụng đất. Toàn thân lão nhẹ nhàng tiến về phía trước như có những bàn tay đang nâng lão lên và đẩy lão tới phía trước. Lão mặc quần đen, sơ mi trắng dài tay và một chiếc cà vạt với cái nút thắt nhỏ và chặt. Cái cà vạt khiến tôi nhớ lại. Ông lão này chính là Franchini đây mà, ông Tây già ở trong cái fumerie [4] mà Thái đã chạy vào đó để lẩn trốn. Lão patron [4] có cho tôi biết lão làm chủ một khách sạn.

Trong ánh sáng tỏ hơn của quán rượu, mặt lão Franchini hiện ra trắng toát và nhăn nheo như một tấm giấy bị vò nát. Mắt lão bé nhỏ và đen nhánh. Miệng lão thụt vô thụt ra. Mái tóc xám cắt ngắn và rối, thân hình cứng nhắc gợi một quá khứ trong quân đội đã xa xôi. Lão dừng lại ở bàn chúng tôi. Hai tay lão xoè ra như để chào xã giao, cất tiếng chào và hỏi chúng tôi có định ở lại dùng bữa hay không. Lão không nhận ra tôi. Thực ra tôi nghĩ rằng lão không trông thấy rõ mặt ai trong đám chúng tôi. Lão tiếp tục đi thẳng tới quầy rượu nơi anh hầu rượu đang ngoáy mũi. Franchini đi lướt qua anh hầu rượu với phẩm cách đường bệ của một chiếc tàu lớn chạy ngang qua một cái xuồng nhỏ và lão khuất dạng trong hành lang.

“Chúa ơi, ông già đó là ai vậy?” Gruson ngạc nhiên hỏi.

“Lão chủ. Nghiện hút. Luôn luôn như vậy, chỉ còn tỉnh táo phân nửa thôi.”

Byrne uể oải nói, nhưng sự xuất hiện đột ngột và ngắn ngủi của lão Franchini đã gây ấn tượng mạnh đối với Gruson. Hắn day qua phía tôi.

“Có nhiều cách để sống trên cái xứ sở này. Đó là một cách.” Hắn hất đầu vế hướng cửa nơi lão Tây già đã lướt qua mất dạng. “Nhưng nó cũng không quá khác biệt với cách thức của nhiều kẻ khác ở đây. Có nhiều cách để vùi đầu dưới cát, mà Thái anh bạn trẻ của chúng ta sẽ chóng phát hiện.”

Hắn đứng dậy và người hầu bàn chạy tới để nhận tiền. Anh ta mỉm cười.

“Patron très fatigué ce soir”.[5] Anh ta nhìn số tiền Gruson đưa ra và nói thêm một lần nữa, “très fatigué”.[5] Ý nghĩ ngộ nghĩnh đó khiến anh ta cười khúc khích.

Gruson muốn lái xe đưa tôi về nhà nhưng tôi từ chối. Hắn nghiêng ra cửa xe trước khi lái đi.

“Tôi hy vọng rằng anh đã học hỏi được vài bài học, Michael. Chẳng có điều gì tệ hại hơn là không học hỏi từ một bài học quá hiển nhiên.”

Hắn ném vài đồng kẽm xuống đường cho thằng bé tình nguyện tới giữ xe. Gruson lái nhanh, chạy len lỏi qua những chiếc xích lô và những chiếc tắc xi bé nhỏ. Đó là lần cuối cùng tôi gặp hắn.

Tôi thấy một lá thư đút dưới cửa khi về tới nhà. Thư của Maurice, rất ngắn.

“Con bồ câu của chúng ta đã an toàn xa bay. M.”

Tôi rót cho mình một ly whisky để uống mừng. Bất kể những bài diễn thuyết của Gruson, chúng tôi đã thành công ở chỗ hắn đã thất bại.

 

 

-------------
Nguồn: Mark Frankland, The Mother-of-Pearl Men, chương 26, tiểu đề do người dịch đặt (London: John Murray Publishers Ltd, 1985).
 
 

 

_________________________

[1]“Hãy viếng Ban Mê Thuột và các bộ lạc ngoạn mục.”

[2]“Bong shoir” là lối phát âm sai của “Bon soir” (chào buổi tối).

[3]Đứa con nhỏ của Ba đã chết vi một quả lựu đạn ném váo nhà, có thể do bọn tay sai của đại tá Đính.

[4]fumerie: tiệm hút; patron: chủ nhân.

[5]“Tối nay ông chủ bị mệt”, “mệt lắm.”

 

 

Đã đăng:

Tử đạo và thánh nhân  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
[Một chương trong tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men] Buổi trưa hôm sau trời đổ mưa, trận mưa đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến thành phố này. Nhưng nó không to hơn một trận mưa vòi sen mà đường phố nóng bỏng đã hút cạn ngay, chẳng khác gì một kẻ đang khát được đưa cho vài giọt nước để bông đùa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Cha Lam  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
... Ông thấy đó, những người theo đạo Chúa đã mang ánh sáng chân lý đến cho chúng tôi, nhưng đồng thời họ cũng sử dụng nó để đặt chúng tôi dưới ách thống trị của người Pháp. Do vậy mà nó đã trở thành một chân lý bị ô nhiễm, và chất độc đã xâm nhập chúng tôi, những tín đồ Công Giáo, cho tới hôm nay... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021