thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những biến cố rực rỡ

 

Dậy. Tôi có thể vùng dậy thật nhanh, nhúng đầu vô lu nước. Chỉ cần mở mắt. Những con lăng quăng sẽ lặn nhanh xuống đáy lu theo chiều dọc. Những con trùng chỉ đỏ sẽ lượn lờ theo chiều ngang. Nếu tôi không vùng dậy thật nhanh, tôi sẽ không bao giờ dậy nữa. Nắng sẽ xế mãi thế này. Chợ chiều sẽ nhóm mãi, không tan. Và tôi sẽ không làm bữa ăn chiều.

Nội nói thức mà như ngủ, không dậy được là bị mặt trời đè. Cha nói đó là ma đè. Nội hỏi: Ai biểu mày? Cha nói: Vú già.

Tôi đang nằm trong căn nhà không người. Trước hàng ba có hai cây bàng và một cây ngọc lan. Tối mưa, rắn rớt xuống hàng ba đồm độp. Nhà có ba giàn cửa sơn xanh. Ba gian trước ba gian sau với mười vuông cửa sổ. Trên gác chứa cái nôi cũ bằng mây sơn trắng, một bàn gỗ chạm với mặt đá mài, và mớ ghế lưng cao. Tất cả đều bị mối ăn từng đường ngoằn ngoèo thông vào nhau. Từ hồi hiệu thuốc tây đóng cửa, Nội mang số tồn kho về chất trên gác. Nhiều loại pommade mát lạnh với cách dùng: thoa ngày hai lần tối sáng vào vết xước trên da.

Trước khi ngủ trưa, tôi đã đi tắm trong nhà tắm có ba mươi tám ô cửa sổ hình chữ thập chạy quanh đầu tường. Tôi không nhớ chắc mình có trở gối chưa trước khi đi nằm. Trưa nắng rắn hay khoanh dưới gối.

Tôi có thể liệt kê các giống rắn trong vùng: rắn lục, mái gầm, hổ hành, tàm quạp, vân vân. Nhưng bây giờ thì tôi đang xách giỏ ra chợ.

Lê Tâm đang đứng trên đống dưa cao. Tôi đang ra chợ. Nó chờ tôi. Nó sẽ lăn xuống cho tôi một trái. Tôi sẽ chụp và sẽ không để như hôm đầu. Hôm đầu gặp Lê Tâm tôi không chụp. Trái dưa bể đôi, ruột đổ ra trộn vào đất, đỏ đen nhèm nhẹp. Nhưng hôm nay thì tôi sẽ chụp, cho vào giỏ, rồi đi thẳng. đến góc tường, tôi sẽ đập quả dưa, bẻ đôi, đưa phân nửa cho Lê Tâm. Và tôi sẽ ụp mặt vào phân nửa còn lại.

Chỉ cần mở mắt, tôi sẽ thấy ruột dưa màu đỏ.

Gốc tường này là chỗ hôm đầu chúng tôi ụp mặt vào nhau. Lê Tâm đẩy tôi vào tường. Tôi đẩy nó vào tường. Và bây giờ thì chúng tôi phải gặp ngày một. Có khi còn chưa đủ. Mấy ngày đầu, chúng tôi không nói gì nhiều. Sau chúng tôi kể chuyện ông bà cha mẹ. Cũng không nhiều. Tôi nói mẹ tôi đi mất, không nhớ gì. Cha tôi đi trại cải tạo. Và Nội tôi thì ngồi yên trên ghế được một ngàn tám chục ngày, khô đi thành xương mà không chết. Tối xương Nội sáng lên màu lân tinh, nhàn nhạt.

Lê Tâm kể: Một Tháng Năm năm 1975, mẹ nó ra vuông sân sau nhà râm ran cảm ơn trời phật đã khiến đất nước hoà bình: Nhờ trời, thằng Tâm không phải vào Nam. Lê Tâm còn nhớ mẹ thắp nén hương. Khói cuộn nhẹ, bạt đi.

Lê Tâm nói: Đù, rồi Tâm cũng vào Nam. Họ nhà nó là dân mới. Họ trưng dụng đất nhà tôi. Nội nói đất nhà tôi đã ba đời, từ hồi Nội mở hiệu thuốc Catinat ở phố Chợ Cũ. Mẹ nói đất nhà tôi mênh mông. Đất nhà tôi là đất cát. Họ tổ chức hợp tác xã trồng dưa. Năm nay được mùa, nắng to, dưa ngọt, vượt chỉ tiêu, cho Lê Tâm mang ra chợ bán.

Bây giờ thì Lê tâm đang đứng đây, dựa tường, ăn dưa hấu với tôi. Nhưng năm sau thì nó sẽ bị bắt lính đi Campuchia.

Công việc của toán quân Lê Tâm chỉ là đào xương, sọ người, chất đống. Người chết thời Pol Pot, người chết vì bom Mỹ trong chiến dịch Arclight, vòng sáng. Tôi nghe ai kể và tưởng tượng hàng triệu quả đèn bóng, thả chồng chất dọc đường cong, đụng đất vỡ nát thành vòng sáng. Nhìn từ trên máy bay, ánh sáng nở như bông, lung linh trong đêm tối.

Hoặc giả phi công thả bom vào giữa ngọ? Thế biết vòng sáng họ có vẫn rực rỡ không?

Lê Tâm đào, chất, đào, chất. Sọ người chồng lên sọ người. Bọn nó chất hết đống này thì sang đống khác. Nó sẽ viết thư về cho tôi:

"Ban ngày bọn Tâm đào tối mắt. Chỉ còn thấy sọ người. Thằng Linh gánh từng gánh xuống trạch kỳ cọ. Ban đêm xương người sáng lên thành vòng sáng giữa ruộng đồng bỏ khô.

"Mìn nổ hằng ngày. Máu thịt văng tung toé. Xương nát, mảnh trắng hơn xương cũ đào từ đất. Nhưng xương cũ lại sáng hơn. Cả cánh đồng lân tinh. Có khi trời mưa mấy ngày mấy đêm không dứt. Bùn vùi lấp xương mới quật. Mưa lòi ra xương thịt mới chôn.

"Đù, thằng Linh tối ngủ hay nằm xán vào Tâm. Tâm ôm lưng nó. Hai thằng ngủ cong như tôm."

Chỉ cần mở mắt ra tôi sẽ thấy nắng xế xuyên qua ba giàn cửa hình chữ nhật, mười vuông cửa sổ, và ba mươi tám ô chữ thập. Tôi sẽ thấy mình nằm ngửa, dạng tay dạng chân trên bộ ván có trải chiếu. Tôi nghe hơi nóng mặt trời chạy từ đầu ngón tay, cuộn trên người, xuống đầu ngón chân và trở lại. Tôi nghĩ mình nên bỏ thói nằm gối là hơn. Mẹ nói rắn hổ hành đi rồi vẫn để lại mùi hành ta.

Căn nhà không còn đồ đạc gì ngoài bộ ván của tôi và cái ghế lưng cao của Nội. Tôi đã bán đi từng món một, lấy tiền đi chợ chiều mua cá mỗi ngày về làm một bữa ăn. Lê Tâm và tôi vẫn ăn với nhau bữa chiều trên bộ ván. Xong chúng tôi trải chiếu lên nằm.

Cả đêm, chúng tôi nằm ngủ như thế, cong như tôm, tôi ôm lưng nó. Thân thể chúng tôi cùng kích thước khi đè lên nhau, giữa mùi cá khắn sâu xuống thớ gỗ, tanh tanh, như mùi kim loại.

Cả ngày, chúng tôi mang theo mình cùng mùi kim loại. Lê Tâm đi gánh dưa, chất dưa thành đống, hết đống này sang đống khác. Và tôi lui cui trên gác chắc mót những lọ thuốc viên, những ống thuốc nước, những túp pommade vừa quá hạn không lâu. Buổi sáng người ta đến tìm thuốc nhức đầu, rắn cắn, sốt rét, vết đứt vết trầy. Có người mua có người xin. Tôi không biết gì nhiều, đọc lõm bõm toa thuốc đi kèm. Nội vẫn ngồi yên trên ghế, ngày thứ bảy trăm bảy mươi bảy, bảy trăm bảy mươi tám, vân vân, khô đi thành xương mà không chết. Những tên thuốc, liều lượng, cách bào chế trị liệu, khô đi thành xương mà không chết.

Nếu tôi không dậy, nắng sẽ xế mãi, tôi sẽ không làm bữa ăn chiều, và Lê Tâm sẽ không đến. Tại sao Lê Tâm lại không đến? Chúng tôi phải gặp nhau ngày bữa kia mà. Lê Tâm không đến vì nó bị bắt lính sang Campuchia. Nó sẽ viết thư về cho tôi như thế này:

"Đù, thằng Linh tối ngủ cứ nằm xán vào Tâm."

Tôi nói nhỏ vào tai Nội là tôi sắp bán nhà của Nội và tất cả những gì trong nhà: cái nôi sơn trắng, bàn ghế mối đùn, bộ ván mùi kim loại, cái ghế và bộ xương khô của Nội sáng màu lân tinh. Đợi trời tối, tôi sẽ lẻn ngõ sau, trút hết mớ thuốc quá hạn xuống ao. Chúng sẽ nổi lềnh bềnh, sáng lên màu lân tinh.

Tiền bán nhà tôi sẽ mua một chiếc ghe, đủ để vòng biển sang Campuchia. Tôi sẽ tìm Lê Tâm. Thân thể chúng tôi cùng tầm kích và chúng tôi phải gặp nhau ngày bữa.

Tôi đặt tên ghe là Catinat. Những người thường ngày đến mua thuốc gạ theo tôi vượt biên. Họ trả tôi mỗi đầu hai cây vàng.

Tôi lót tám mươi cây vàng dưới đáy ghe. Chúng lấp lánh, tanh tanh mùi kim loại. Tôi lắp gỗ lên trên, ngồi nghe tiếng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Mẹ nói đi biển phải biết phương hướng. Mẹ dạy tôi lái ghe, mẹ dạy tôi chống thúng. Mẹ bảo đừng sợ, người ta không chết trên biển mà chết trên đất liền, trói thúc khuỷu, máu thấm xuống cát. Chúng tôi chạy ghe sang cù lao hàng tuần. Không làm gì. Chỉ đến rồi quay về. Chỉ tôi với mẹ. Mẹ biểu đừng nói ai. Mẹ treo ngọn đèn măng-xông ở mũi ghe. Đêm chòng chành, mênh mang tối.

Nhưng Nội biết. Hôm tôi với mẹ về nửa khuya, Nội ngồi trên ghế ngoài hàng ba nói trong bóng tối: Muốn thoát phải đi cho tới. Nội nói ngày xưa Nội vượt biển trên tàu Catinat đi học thuốc. Mẹ nói ngày xưa chiến thuyền ngoài cửa biển Đà Nẵng cũng tên Catinat. Nội nói mọi tàu chiến đều tên Catinat và mọi tàu vượt biển đều tên Catinat. Mẹ hỏi Nội đi tới chưa. Tôi nhích vào mẹ. Rắn buông mình xuống hàng ba đồm độp.

Chúng tôi hơn bốn mươi người trên chiếc Catinat đi dọc bờ biển, vòng sang Campuchia. Sang ngày thứ hai, thằng con trai tuổi nghĩa vụ nắm tóc tôi. Nó hỏi: Mày đi đâu? Tôi nói đi vượt biên. Nó hỏi: Mày để vàng đâu? Tôi nói: Mày vô làm tài công, muốn lái tới đâu thì lái.

Sang đêm thứ ba tôi neo thuyền ngoài xa, lội vào đất liền đi tìm Lê Tâm. Chúng tôi sẽ vượt biển trên chiếc Catinat đáy lót bằng vàng. Thân thể chúng tôi giống nhau khi đè lên nhau, đè lên tám mươi cây vàng, tanh mùi kim loại.

Tôi đội mưa, lội bùn qua những cánh đồng tối thui. Tôi không thấy bóng đèn vỡ ra thành vòng sáng. Tôi không thấy những bãi đào sáng lên màu lân tinh. Tôi mất phương hướng.

Tôi thấy Lê Tâm ngồi quạt lửa nấu cơm. Tôi gọi Lê Tâm, Lê Tâm.

Nó đứng dậy nhìn tôi. Tôi nghĩ đó là Lê Tâm. Nó cao lớn, bắp thịt rắn lại vì đào đất. Thân thể chúng tôi không cùng tầm kích. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau ngày bữa, không ăn cá trên bộ ván. Hơi thở Lê Tâm mùi xương mục.

Tôi nằm ngủ giữa cánh đồng nắng xế. Rồi tôi sẽ phải dậy, lội ra chiếc Catinat và chúng tôi sẽ vượt biển.

Nếu tôi không dậy, nắng sẽ xế mãi thế này. Nắng xế trong nhà Nội, rọi qua ba giàn cửa sơn xanh, mười vuông cửa sổ, ba mươi tám ổ chữ thập trên đầu tường. Nắng xế trên đồng không Campuchia, có hay không có Lê Tâm với thân thể cùng kích thước, cùng mùi kim loại. Nắng xế trên biển, quanh chiếc Catinat. Và tôi sẽ không làm bữa cơm chiều.

Thằng tuổi nghĩa vụ kéo tôi lên ghe. Nó hỏi: Có tìm thấy không?

Tôi nói: Không, nhổ neo bây giờ.

Sang ngày thứ năm, người trên ghe nhốn nháo la: Cướp, kia kìa.

Tôi xả máy. Không ai bắt kịp mẹ trên biển. Mẹ chạy ra xa, vòng sau cù lao, mất dấu. Mẹ không nhớ gì. Không ai giữ được mẹ. Kể cả cha. Cha nói mẹ đừng ra cù lao nữa, để con Tâm ở nhà đi học. Cha mua cho mẹ rổ cà-na, trái nhọn hai đầu, màu vàng nhạt. Mẹ ngâm muối cà-na, đổ ra phơi trên bể nước sau hè. Nắng vàng choá. Tôi với mẹ lên ghe chạy ra xa, vòng sau cù lao, mất dấu.

Người trên ghe vui vẻ cho tôi ăn với họ. Cơm sấy cá khô. Mùi mặn. Thằng tuổi nghĩa vụ nói: Mày giỏi đó, nhưng bây giờ phải kiếm tàu lớn. Không thì bỏ mẹ.

Chúng tôi thả trôi trên biển. Ghe chòng chành. Mênh mông nước.

Chúng tôi hết dầu. Chúng tôi sẽ hết nước hết đồ ăn. Chúng tôi sẽ trôi mãi trên chiếc Catinat. Chúng tôi sẽ choá mắt, môi khô đi dính vào nhau, da mỏng lại, trong suốt. Chúng tôi sẽ chết khô đi mà không rữa. Tôi thấy tôi nằm ngủ trưa trên chiếc ghe chòng chành đầy xác chết, đầy vàng, tanh mùi kim loại. Tôi sẽ không dậy. Nắng sẽ nung, sẽ đốt, sẽ xế mãi trên biển.

Đến ngày thứ bao nhiêu đó thì thằng tuổi nghĩa vụ sẽ reo lên: Tàu chở hàng treo cờ Đan Mạch, bà con. Tôi nghĩ không biết thế giới có bao nhiêu màu cờ. Làm sao nhận ra cho đúng. Lỡ đó không phải tàu Đan Mạch? Tôi nhớ chú Thức hôm đầu giữa ngọ đi treo cờ Giải Phóng. Năm đó chú hay đến tìm cha giải thích chánh sách mới. Cha vào trại (trại hè? trại lính? trại tập trung?), chú đến tìm mẹ. Mẹ đem cà-na muối ra mời chú. Chú vừa uống nước vừa nói chiếc ghe của mẹ nên đóng góp cho hợp tác xã Xóm Lưới để biểu lộ tinh thần yêu nước của gia đình ta. Một năm sau người ta treo cờ đỏ. Chú đến tìm Nội. Nội chỉ ngồi im trên ghế. Tôi bảo: Nội cho chú tiền và gạo. Chú không lấy. Tôi bảo: Nội nói không ai cần chú nữa.

Chú tần ngần trước hàng ba vài phút rồi quay đi.

Chúng tôi sẽ leo thang dây lên tàu Đan Mạch. Chiếc ghe đáy lót vàng sẽ trôi đi. Chúng tôi sẽ nhìn theo xác mình khô đi mà không rữa. Chúng tôi sẽ đi chân trần trên boong tàu cao vọi. Nắng xế thốc vào mí mắt. Họ sẽ phát cho chúng tôi bánh mì và sữa. Chúng tôi không đói không khát. Hơi thở của chúng tôi mùi xương mục. Hơi thở họ mùi bạc hà. Chúng tôi sẽ không nói được gì vì da môi chúng tôi khô dính vào nhau và chân chúng tôi không mang giày dép.

Chỉ cần mở mắt ra đi là tôi sẽ nói được. Môi tôi sẽ hết khô dính vào nhau. Tôi sẽ phát âm nhiều tiếng nghe rực rỡ. "Lê Tâm" chẳng hạn. Hay "hiện đại," và "cách mạng." Hoặc giả "Arclight" và con số phi vụ thả 257.465 tấn bom xuống Campuchia từ tháng Hai đến tháng Bảy năm 1973.

Tôi sẽ kêu "Lê Tâm," và sẽ bắt đầu quên.

Nếu mở mắt, tôi sẽ thấy nắng xế xuyên qua hai cửa trước sau có lưới chắn ruồi và năm cửa sổ lắp kiếng. Ba đứa con tôi sẽ chạy xuyên từ cửa sau ra cửa trước mỗi bốn phút. Chồng tôi sẽ tóm bọn chúng lại và nói để yên mẹ ngủ. Tôi sẽ cười với chồng và nói em phải dậy đi chợ mua cá về làm bữa ăn chiều. Tôi đi dọc đường xe lửa. Bụi dậy lên giữa trưa. Ba đứa con tôi chạy theo sau, thêm ba đám bụi. Ở supermarket, cô tính tiền phát âm chậm rãi từng con số: số trọng lượng, số hộp, số chai, số đô la, số xu.

Tôi đã bỏ lại chiếc ghe dát vàng, nhưng tôi vẫn là thuyền nhân.

Không có gì bảo đảm tôi sẽ hiểu điều cô nói trên đất liền.

Nhưng ba đứa con tôi hiểu hết những điều cô nói. Chúng sẽ hiểu hết thế kỷ hai mươi, hết lục địa, hết đại dương, hết sự liên đới giữa độ sáng của bom và độ sáng của lân tinh. Chúng sẽ kẻ đường tên trên bản đồ thế giới để chỉ hướng di dân, từ vùng này sang vùng khác, từ lục địa này sang lục địa khác, từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Chúng sẽ chú thích bằng màu những ngôn ngữ không ai quên nổi.

Hoặc giả cũng không cần. Con tôi chẳng cần hiểu gì cả. Chúng chạy đằng trước, khệ nệ bưng mỗi đứa một bao đồ chợ. Tiếng chúng cười vẳng lại. Dọc đường xe lửa.

Và tôi thật ra cũng không cần ngủ trưa, dù chỉ trưa chủ nhật. Cứ dậy đi, tôi sẽ thấy nắng xế trên ba giàn cửa sơn xanh. Cứ dậy đi, tôi sẽ thấy nắng xế trên cánh đồng của Lê Tâm. Cứ dậy đi, tôi sẽ, vẫn, là thuyền nhân. Nắng sẽ xế mãi trên biển, quanh chiếc Catinat.

Tôi có thể làm thuyền nhân mãi vì tôi không cần đi tới cái supermarket dọc đường xe lửa. Có thể tôi sẽ nằm đè lên thằng quá-tuổi-nghĩa-vụ và sanh con đẻ cái trên chiếc Catinat. Đầu con tôi ướt nhèm nhẹp, từng đứa, sẽ bật ra sau những đợt nở xương thắt bụng. Tôi và bầy con sẽ đi qua Kinh đào Panama, Kinh đào Suez.

Chúng tôi không cần tới. Chúng tôi làm thuyền nhân mãi, hơn bốn mươi người trên chiếc Catinat.

Chúng tôi cứ trôi, trong dư quang của những biến cố rực rỡ. Chúng tôi sẽ sinh sản, chúng tôi sẽ chết đi. Năm này sang năm khác, số con nít và số xác chết trên ghe càng đông. Số người già càng ít.

Mỗi ngày chúng tôi cãi nhau đỏ mặt về màu sắc, làm thế nào để phân định màu cờ. Tôi mong mọi người không nhầm lẫn như chú Thức. Cờ của chú chỉ thừa một màu xanh chánh ngọ. Mỗi ngày, hai nhà lãnh tụ ngồi hục hặc chia nhau số ghế trong nội các lưu vong. Mỗi ngày, một nhà thi sĩ ngồi chép tay bài thơ Xanh. Bao nhiêu thi sĩ, bấy nhiêu bản sao. Xanh màu nhớ. Xanh màu căm hờn. Xanh màu hy vọng. Vân vân. Nắng cứ xế thế này.

Tôi và bầy con sẽ ngồi giữa số xác người càng lúc càng nhiều, khô đi mà không rữa.

Chúng tôi đi qua Kinh đào Panama, Kinh đào Suez. Chúng tôi đi ngang vịnh Cochin và khí hậu bắt đầu quen thuộc. Tôi chỉ cho bầy con tôi thấy ông cố nội của chúng đang đứng trên bờ vẫy khăn mùi-xoa trắng. Paul-Michel Bernard với năm trăm năm hải lý kiếm tìm thuộc địa. Nội thì khăng khăng Phan Thị Phụng Hảo đã không đợi Paul-Michel từ năm trăm năm và mối tình của bà năm mười chín tuổi là một cuộc phục kích không sòng phẳng. Vậy mà Nội vẫn ngâm nga: Tàu Catinat / thuốc Catinat / Paul-Michel / Paul-Michel Bernard.

Tôi biết vì tôi áp tai lên môi Nội, lâu sau khi Nội thấy những tia mỏng màu vàng cam dưới đáy mắt Paul-Michel xanh lơ trong suốt, lúc Nội đang khô đi thành xương mà không chết.

Paul-Michel vẫy vẫy khăn mùi-xoa trắng trước khi bầy con tôi trôi hút vào thế kỷ của chúng. Chừng đó xác chết trên ghe sẽ rữa hết còn xương. Tôi sẽ gọi: Lê Tâm. Nắng sẽ không xế mãi. Vào đêm, tám mươi cây vàng và hơn bốn mươi bộ xương sẽ sáng lên màu lân tinh, tanh mùi kim loại.

 

 

 

Một truyện khác có những chi tiết liên quan với truyện này

Tôi ở đất nhà cô Phan Chánh Tâm Lisa. Cô hay ra thăm tôi lúc người ta ngủ trưa. Tôi hay đòi: Cô kể chuyện nghe, cô Phan Chánh Tâm Lisa. Tôi ở Bãi Hoang. Tôi ở đồng không mông quạnh... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021