thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tội ác ở nhà ga Chamartín

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JUAN GOYTISOLO

(1931~)

 

“Suốt nhiều thập niên, tên tôi được quần chúng biết đến ở các đồn công an hơn là ở các
tiệm sách, và tôi không có ý ca ngợi ý thức văn học của những ông công an Tây-ban-nha.”
JUAN GOYTISOLO

 

 
Juan Goytisolo là một nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà phê bình văn học tài hoa nổi tiếng hàng đầu của Tây-ban-nha.* Ông sống lưu vong từ 1956, công khai đồng tính, khước từ quê hương Tây-ban-nha của mình, nơi ông nhìn thấy nhiều điều mà ông không dung thứ được. Ông sinh ngày 5 tháng Giêng năm 1931 ở Barcelona. Những năm thơ ấu thời nội chiến, ông cùng gia đình sống tại một ngôi làng trên núi ở Catalonia; cha từng bị cầm tù thời chính phủ Cộng hoà, và mẹ — người Catalonia — bị tử thương ngay đợt oanh tạc Barcelona đầu tiên năm 1938, lúc ông mới bảy tuổi. Cuộc nội chiến tàn khốc đã làm gia đình ông tan nát.** Thuở nhỏ ông học với các thầy dòng Jésuites, lớn lên ông học luật ở Đại học Barcelona rồi Đại học Madrid, sau đó cho xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, Juegos de manos (1954). Hai năm sau, vì triệt để chống chế độ độc tài phát xít Franco, ông qua sống ở Paris [1956] và làm biên tập cho nhà xuất bản Gallimard [1958] – là công việc từng tạo dịp cho ông tiếp xúc không chỉ với những nhà văn viết tiếng Tây-ban-nha như Carlos Fuentes, Guillermo Cabrera Infante, và Manuel Puig, mà qua Monique Lange ông còn gặp Albert Camus, Ernest Hemingway, và đặc biệt kết thân với Jean Genet. Thời gian này ông cũng viết cho các tạp chí L’Express, L’Observateur, và El Pais. Giữa những năm 60, sau khi đã nổi tiếng với các tiểu thuyết hiện thực đầu tay như Duel en el paraíso (1955), Fiestas (1958), La isla (1961), Para vivir (1962), Fin de fiesta (1963)... ông cho ra đời một loạt những cuốn: Senas de identidad (1966), Reivindicación del conde Don Julián (1970), rồi Juan sin Tierra (1975) với một bút pháp thể nghiệm – phần lớn về cuộc sống lưu đày, và tất cả đều có ý hướng dấn thân chính trị rõ rệt và phê phán không nương tay những chế độ cảnh sát, kỳ thị chủng tộc, gần hơn cả là ở châu Âu — và tất cả đều bị cấm ấn hành tại Tây-ban-nha, cho đến khi Franco mất. Văn chương Goytisolo bởi thế thường được coi là văn chương đa văn hoá và mang những gốc gác quốc tế hơn là quốc gia. Bên cạnh những tiểu thuyết thể nghiệm, Goytisolo còn viết một bộ hai cuốn tự thuật Coto vedado [1885] kể lại 25 năm đầu của đời ông, những khó khăn và mất mát của ông và gia đình dưới thời Franco, và En los reinos de taifa [1986] kể lại cuộc sống lưu đày của ông ở Paris rồi ở Marrakesh.
 
Sau khi vợ ông là nhà văn Monique Lange mất năm 1996 — mặc dù hai người có một mối liên hệ vợ chồng khác thường,*** người này chấp nhận những quan hệ nam nữ riêng tư của người kia — ông cảm thấy “căn hộ hai người một thời chung sống ở Paris như một ngôi mộ”, và từ 1997 đến nay ông đã chuyển qua sống ở Marrakesh, Maroc.
 
Một trong những tiểu thuyết đánh dấu sự thay đổi tuyệt vời của Goytisolo có lẽ là La cuarentena (1994) trong đó ông kết hợp ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba để kể chuyện một người mới từ giã cõi đời và lang thang trên trái đất, dựa trên lòng tin của những người đạo Hồi cho rằng con người sau khi mất sẽ lang thang trên trái đất bốn mươi ngày trong thời chuyển tiếp giữa sống và chết... Không kém thú vị là cuốn La saga de los Marx, trong đó ông liên kết tưởng tượng và tư liệu để viết ra một cuốn tiểu thuyết vui xáo trộn thời gian — người thuật chuyện vừa viết cuốn sách của mình cùng lúc cuốn sách ấy được đọc, trong khi đi vào những chuyện chiến tranh và số phận con người, chuyển qua lại từ thế giới có thật và thế giới tưởng tượng: Karl Marx, bà vợ và ba người con gái còn sống sót ở thế kỷ XX, đang ngồi xem TV và nhận ra sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản.
 
--------------
* Juan Goytisolo từng là giáo sư thỉnh giảng tại các trường Đại học California, San Diego [1969],Boston University [1970], McGill [1972] và New York Univesity [1973-1974, và từng nhận các Giải Europalia [1985], Giải thưởng Nelly Sachs [1993], Giải thưởng Văn học Octavio Paz [2002, Giải Juan Rulfo [2004]...
** Tuy nhiên ông vẫn còn người anh là nhà thơ José Agustín Goytisolo (1928-1999) và người em là nhà văn Luis Goytisolo (1935~). Cả hai đều có tiếng tăm trong nền văn học dấn thân ở Tây-ban-nha
*** Sau kinh nghiệm quan hệ đồng tính với một thanh niên người Ả-rập ở Barbès, ông bị rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài bốn năm, và đến năm 1965 phải viết cho Monique Lange biết ông “là người đồng tính hoàn toàn, dứt khoát và không gì đảo ngược được”. M. Lange đã viết trả lời rằng cô vẫn yêu ông.
 

____________

 
Người dịch truyện và viết những dòng giới thiệu trên đây tự cho mình vẫn luôn thích cái mới. Hắn đã nhận ra và cảm thấy bị hấp dẫn bởi những kỹ thuật tân kỳ, những liên văn bản và những thể nghiệm sáng tạo trong cái viết của Goytisolo, nhà văn Tây-ban-nha một thời từng ủng hộ Lực lượng Giải phóng Dân tộc Algérie, từng hết lòng với cuộc Cách mạng xã hội ở Cuba của Fidel Castro, nổi tiếng với cái nhìn phê phán quyết liệt “văn minh châu Âu”, bắt nguồn từ quan điểm Ả rập và Thế giới thứ ba, và là tác giả của bộ ba Señas de identidad (1966), Álvaro Mendiola, Reivindicación del conde don Julián (1970), và Álvaro Mendiola, Juan sin Tierra (1975) từng gây chấn động toàn bộ Giáo hội Tây-ban-nha... Có điều trong năm ba hoài niệm văn chương đẹp đẽ của mình, hắn không quên Goytisolo của giai đoạn hiện thực “truyền thống”: thời hắn còn đi học, từng cùng người bạn là Nguyễn Đăng Thường chúi mũi trên bản dịch Deuil au Paradis nóng hổi của Maurice-Edgar Coindreau. Thời ấy là thời tiếp sau Truman Capote, Carson McCullers, William Goyen...

 

____________

 

TỘI ÁC Ở NHÀ GA CHAMARTÍN

 

I

 

Có những tác phẩm di sản quốc gia mà sự phòng giữ trước mọi hiểm hoạ hoặc mọi hư hại đòi hỏi một lối hành xử dũng cảm và một quyết định không lay chuyển và dứt khoát. Ai có thể dửng dưng và thụ động chứng kiến một toan tính tấn công phá hỏng tác phẩm Những thị nữ của Velasquez, Những cuộc hành quyết Hai tháng Năm của Goya hay bất cứ kiệt tác nào của nền hội hoạ chúng ta? Ai có thể dung thứ một tên dốt đặc, một tên thô lỗ, một tên mất thăng bằng xâm phạm biểu tượng Guernica mà chuyến trở về đất mẹ đã tốn mất của chúng ta không biết bao nhiêu là nước mắt và nỗ lực? Mọi thiếu sót hoặc chậm trễ trong việc hoàn thành nghĩa vụ, mọi do dự trước những trách nhiệm bảo đảm an toàn cho những tác phẩm bị đe doạ, không nghi ngờ chút nào, sẽ phải bị toàn công luận trừng phạt. Có những thứ tài sản mà các anh hùng bảo vệ trật tự phải sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình và, nếu cần, cả mạng sống của người khác. Một quyết tâm mãnh liệt và đáng ca ngợi như thế nhằm bảo vệ di sản nghệ thuật nổi tiếng của chúng ta xứng đáng được áp dụng cho những kho báu khác, tuy chỗ đứng trong đầu óc chúng ta ít đáng kể, nhưng vẫn là đối tượng của một công tác canh chừng chặt chẽ và kín đáo: như dãy ghế dựa trong nhà ga Chamartín ở Madrid.

 

II

 

Abdellah Arrouch, sinh ngày 16 tháng Mười hai năm 1955 ở Fès, công nhân và là cư dân trong thành phố quê hương anh, xuống tàu ở Ceuta để đi Algésiras. Do phối hợp giờ giấc loạc choạc suốt một ngày trời, anh bị buộc phải đợi chuyến xe lửa đêm đi Madrid. Vì không có được cái cẩn thận sơ đẳng dành cho mình một chỗ ngồi, anh đã phải đứng suốt cả đoạn đường đi, từ cửa sổ hành lang nhìn ngắm những cái bóng lồng đèn Trung Hoa của những toa tàu chạy qua trong một cảnh vật vô hình. Anh đã để lại sau lưng gia đình và đất nước mình để lên đường đi tìm một cõi thần tiên giả định: như hàng triệu người Tây-ban-nha cách nay vài năm, tài sản của anh thu lại còn mỗi cái va-li và chút tiền cần thiết để đi đường. Hút thuốc, ngủ gà gật, dã dượi, rốt cuộc bước xuống sân ga một thành phố xa lạ mà anh không biết ngôn ngữ và là nơi anh không có bạn bè. Đi từ ga Atocha đến ga Chamartín, xem bảng ghi giờ khởi hành của các chuyến xe lửa đi Barcelona, mua một cái vé, ngái ngủ bước những bước lạc lõng loanh quanh căn phòng và nhẹ nhõm khi khám phá ra một dãy ghế có thể đặt lưng xuống. Cô đơn, vô định, buồn bã, mệt, ngủ, rồi ngủ say. Abdellah Arrouch không biết, hay giả vờ không biết, là khi nằm dài trên ghế ngồi mà không bỏ giày ra, anh đã gây hiểm hoạ, bằng động tác khinh xuất ấy của mình, cho một thứ động sản tất nhiên không biết thuộc niên đại nào, nhưng là mẫu vật quí hiếm, được các nhà bảo quản Viện Mỹ Thuật xếp hạng là di sản quốc gia có giá trị và bất khả xâm phạm.

 

III

 

Tất cả các chuyên gia và các nhà thông thạo về những động sản thời đại sẽ cho chúng ta biết: những chiếc ghế dựa ở nhà ga Chamartín là những thứ quí giá thuộc truyền thống thủ công Tây-ban-nha tuyệt vời bắt nguồn từ thời Trung cổ. Được sắp xếp chu đáo dọc theo đại sảnh nhằm gợi sự ngưỡng mộ của những khách nước ngoài, những chiếc ghế ấy là một nguồn tự hào hợp pháp của những con em thành phố chúng ta. Nét hoạ tuyệt diệu của hình thể, sự thanh lịch trong đường nét, sự tinh tế và cao nhã của vải dệt ở đây chứng tỏ đã còn sống sót nơi những người sáng tạo một số những giá trị từng biến mất nơi khác và nay vẫn làm cho mọi người thèm muốn. Những chi tiết nổi bật ấy có thể không lọt vào cặp mắt lờ đờ, đăm đăm, của một dân di cư thuộc thế giới thứ ba, nhưng không thoát được cái nhìn sắc bén, cái thoáng mắt thành thạo của những kẻ có nhiệm vụ cao quí và dũng cảm canh chừng những của cải của chúng ta và cuộc sống yên tĩnh của chúng ta.

 

IV

 

Nhưng chúng ta hãy trở lại lời chứng về những biến cố kia, được ghi nhận ở sở cảnh sát vài giờ sau khi xảy ra sự vụ, và hãy nhường lời cho các viên cảnh sát tận tụy của chúng ta: “Vào khoảng 4 giờ 40 chiều ngày hôm đó, họ làm nhiệm vụ giám sát bên trong phòng bán vé của nhà ga ấy, quan sát thấy rằng có một hành khách chân hãy còn mang nguyên giày nằm trên một chiếc ghế dài; họ đã dùng lời lẽ đàng hoàng nhất mời anh ngồi lên đàng hoàng, rút hai bàn chân ra khỏi mặt ghế dựa mà theo lý lẽ sẽ có thể bị vấy bẩn. Rằng trước yêu cầu đó, thực hiện miễn cưỡng, anh ta ngồi lên đàng hoàng và các viên chức cảnh sát quốc gia tiếp tục đi tuần tra trong phòng nói trên. Khi họ trở lại, họ lại thấy người hành khách nói trên trong tư thế như tư thế khi anh ta được mời ngồi lên đàng hoàng và họ lại mời như thế lần nữa; phản ứng anh không như trước đây, anh ta vừa vụt đứng lên một cách hung hăng vừa thốt ra những lời lẽ với thứ ngôn ngữ mà các viên chức cảnh sát không hiểu và bằng thái độ như thế của mình anh cho thấy rõ cơn giận và dự định tấn công của mình, cái dự định sau đó đã được minh chứng và không xảy ra nhờ một động tác tránh né của cảnh sát viên X. Đứng trước một thái độ như thế, vừa không sao hiểu được vừa bất ngờ, hai cảnh sát viên quốc gia là những người tường trình những sự việc trên tiến hành bắt giữ anh và đưa anh về sở cảnh sát với mục đích kiểm tra lý lịch anh và làm sáng tỏ những lý do có thể dẫn anh tới chỗ hành động lạ lùng đến như thế.”

 

V

 

Một sự ngẫu hợp tình huống không sao tin được, không sao hiểu nổibất ngờ sẽ không tránh khỏi gây ra bi kịch: chắn hẳn do xúc động bởi bao nhiêu chuyện phải điều chỉnh cho đúng, anh chàng hành khách chạy trốn và lẫn vào đám đông! Mấy phút sau bị phát hiện đang ở trong khu vực chứa những gói hàng gửi khẩn, anh ta lại lao người bỏ chạy điên cuồng — “chắc hẳn, với dự định bỏ trốn” — về phía cửa ra vào. Mặc dù những bị can đã khai trước uỷ viên và toà dự thẩm là mình đã hô: “Đứng lại, đứng lại, cảnh sát đây!” và đã dùng vũ khí công vụ của mình bắn chỉ thiên, con người thô lỗ làm tiêu tùng vải thảm đệm bọc ghế dựa kia vẫn coi thường những lệnh hô thông thường ấy và vẫn cứ tiếp tục cuộc chạy trốn khả nghi của hắn. Khi đột nhiên hắn ngã ngửa xuống đất, mình bê bết máu, người ta đã đưa hắn về bệnh viện La Paz, ở đây, mặc dù được tận tình chăm sóc cấp thời, ít lâu sau hắn đã chết vì những vết thương trên mình.

Quan tâm đến những tình huống chung quanh vụ việc này: cách xử sự bất bình thường của kẻ đào tẩu và thái độ đúng đắn của những cảnh sát viên bị buộc tội một cách cách bất công, hai năm sau toà án bác bỏ đơn khiếu tố của bố mẹ nạn nhân và tuyên bố các cảnh sát viên đã không vượt quá qui tắc tuân thủ chặt chẽ nhiệm vụ của mình là buộc mọi người tôn trọng trật tự công cộng và chăm lo sự bình an và yên tĩnh cho các công dân.

 

VI

 

Trên thi thể người di dân mà giấc mơ được đến cõi thần tiên giờ đây đã tiêu tan, người ta tìm thấy những vật dụng cá nhân sau: bằng lái xe của Maroc; thẻ căn cước quốc gia; hộ chiếu cấp ở Fès hai tháng trước; 1800 giấy bạc Tây-ban-nha của Ngân hàng Tây-ban-nha; 10 đồng bạc Maroc; một vé tàu Renfe (hoả xa Tây-ban-nha) tuyến đường Madrid-Barcelona hạng nhì; những giấy tờ tuỳ thân khác không giá trị rõ ràng.

 

VII

 

Kể từ khi xảy ra vụ việc này, những dãy ghế mảnh dẻ của nhà ga Chamartín tiếp đón những cái mông đáng kính của các vị khách rất lịch sự của chúng ta từ châu Âu và Bắc Mỹ: không một công nhân di dân da ngăm đen và thô lỗ nào thuộc thế giới thứ ba còn dám để nguyên giày nằm lên đó một cách bất kính hay còn do trình độ thiếu văn minh đáng tiếc của mình mà dám làm rối loạn sự vận hành, sự hài hoà và yên tĩnh của một trong những nơi đẹp nhất và được nhiều người thăm viếng nhất của thủ đô cực kỳ hiếu khách của chúng ta.

 
1984

 

------------------
“Tội ác ở nhà ga Chamartín” dịch từ bản tiếng Pháp “Le crime de la gare de Chamartín” trong Juan Goytisolo, La forêt de l’écriture (Paris: Fayard, 1997).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021