thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhớ Lê Thành Nhơn
“Mai ta về! Hề cái Bẹn đã khép nơi đầu truông…”
(trích bài mạn bút cuối cùng của Lê Thành Nhơn)

Lê Trung Hưng, con trai đầu lòng của anh Lê Thành Nhơn, từ trên bục nói của nhà quàng John Allison/Monkhouse, nhìn xuống hàng người lớp lớp lặng lẽ ngồi. Từ tốn Hưng mở giọng thưa thốt, tưởng như là với quan khách đang dự lễ tưởng niệm, mà nghe ra là những lời riêng, lời cuối cùng của đứa con đang thưa chuyện với ba mình – người đang nằm kia, nắp quan chưa khép, sau lưng là những hàng thiết trúc đang lao xao trong buổi chiều trở lạnh của thành phố Melbourne.

Chiều thứ Sáu, Ba đau quá, con lái xe đưa Ba vào bệnh viện. Trên đường đi, Ba nói: “Ba chỉ còn có ba tiếng đồng hồ để sống, ba tiếng đồng hồ thôi. Con giúp Ba, gọi gia đình, gọi các em con, và gọi bạn bè của Ba, để họ đến thăm, để Ba thấy"… Vậy mà… ba gồng, ba gồng… từ chiều thứ Sáu cho mãi đến chiều thứ Hai mới chịu đi…

Hai chữ “ba gồng, ba gồng…” Hưng không nói. Nó gầm giọng. Ánh mắt vốn dĩ lộ quang lại càng lộ lớn, trừng trừng, ai oán, toát ra cái đau đớn của con vật mang thương tích, cùng đường.

Tôi ngồi nghe, nghe ra tiếng trách cứ của đứa con thương ba mình chỉ vì muốn nhìn thấy và lắng nghe từ người thân mà ông đã ráng níu, ráng trì kéo, từ chỉ ba tiếng đồng hồ, thành ba ngày dằng dặc cam go, cho đến lúc hôn mê... Tôi nghe ra đám chúng tôi, những người bạn nhỏ của anh, có lỗi vì chịu ơn anh lớn quá: lúc còn khoẻ anh đã luôn mong ngóng bạn bè, và cho đến giây phút cuối, lúc đang chơi vơi giữa sống và chết, anh lại "gồng" thêm nhiều giờ đồng hồ để nhìn thấy mặt từng người.

Thứ Bảy, một ngày sau khi anh Lê Thành Nhơn được con trai đưa vào bệnh viện, anh em chúng tôi ở Sydney gọi nhau liên tục. Cứ từng chập, chúng tôi nhận tin tức từ anh Nguyễn Hưng Quốc ở Melbourne, người để hầu hết thì giờ túc trực bên anh Nhơn. Anh Quốc nói anh Nhơn bị á khẩu, nhưng tỏ ý rất thích lắng nghe từ bạn bè. Những bạn bè ở xa không đến kịp, anh lắng nghe tiếng nói qua cái mobile phone của anh Quốc. Anh Hoàng Ngọc-Tuấn, sau khi nói với anh Nhơn qua mobile phone, giục tôi gọi ngay để nói cho anh Nhơn nghe. Anh Quốc kể anh Nhơn tỏ ý hiểu, khi nghe giọng anh Tuấn từ đầu dây bên kia, anh Nhơn có cười, mắt có rạng hơn, và có gật gù cái đầu.

Sau đó, qua anh Nguyễn Hưng Quốc, tôi bùi ngùi nói được với anh Lê Thành Nhơn dăm lời, không biết anh còn nghe được không, chỉ nghe giọng anh Quốc bên kia nhắc: "Linh nói nhỏ quá. Nói to lên, lớn lên, anh Nhơn mới nghe được."

Tôi nói cái gì đó, mang máng là nhắc về pho tượng Phật cao 2 mét của anh mà mấy tháng trước anh muốn nó sẽ được an vị tại khu vườn này, dưới gốc bạch đàn cổ thụ này, đối diện với dòng sông mênh mông trước mặt này... Tôi nhắc lại với anh những ước mơ của anh – mà những ước mơ làm đẹp cõi đời, cõi người này, trong anh vô lượng... tôi làm sao nói xiết!

Giọng Hưng chợt đổi. Nó kể lể như tiếng reo của trẻ được quà:

Cái mà con thích nhất ở Ba là được ngồi nghe Ba nói chuyện với mấy bác mấy chú bạn của Ba. Ba nói chuyện hay lắm. Ba là funniest man. Bạn của Ba ai cũng khoái Ba hết. Hồi đó con còn nhỏ, mỗi lần bạn Ba tới chơi, Ba biểu con qua bên nhà ngoại ở hai ngày sau rồi về. Hai ngày sau, con về, bạn Ba nằm dài xếp lớp gần như ngủ hết, chỉ có mình Ba còn ngồi ngay tại chỗ đó, còn awake. Còn tiếp tục nói, còn nói, nói...

Mọi người ngồi nghe không kềm được, bật tiếng cười ồ. Tôi cũng cười, vì trong một sát na, tưởng như Lê Thành Nhơn đang ngồi đây, thẳng lưng, nói, nói say mê, mà mọi người đang nằm dài xếp lớp lắng nghe, đang nhìn ngắm cái vóc người to lớn của anh, cái khuôn mặt hừng hực "rần rần" khi kể chuyện, tương phản với nụ cười bẽn lẽn cố hữu của anh.

Trong cái choạng vạng của buổi chiều, của khói hương nghi ngút trong nhà quàng, tôi lướt mắt đọc tên những người bạn anh trên những cườm hoa từ mọi nơi gửi về. Có những người bạn ở Tây, ở Mỹ, có người tôi quen tên, quen tác phẩm, có người tôi may mắn được biết nhiều hơn. Đọc hàng chữ "Thành Kính Phân Ưu", đọc đến những tên người Trương Hồng Sơn và Nguyễn Thị Hoàng Bắc, tự dưng tôi chạnh lòng nhớ đến cô giáo cũ dạy tôi bài học ngoại ngữ vỡ lòng năm đệ Thất. Hơn 30 năm rồi... Tự dưng tôi nhớ lại những tấm hình chụp anh Nhơn khoảng cuối những năm 70 ở Melbourne. Lúc đó anh Nhơn còn rất trẻ, lúc nào cũng cười, và cười rất tươi. Mà thật ra, với chúng tôi, anh Nhơn chưa bao giờ là người có tuổi (hiểu theo nghĩa già nua, mệt nhọc), chưa bao giờ là người cạn kiệt sức sống, sức sáng tạo. Anh trẻ hơn bất cứ ai trẻ nhất ở đây, không những về phương diện sáng tạo nghệ thuật, mà còn về cung cách ứng xử, về nhiệt tình chia sẻ với chung quanh. Niềm đam mê của anh, sức sống của anh lúc nào cũng "rần rần, rần rần", như kiểu anh thường nói.

Trong không gian sững lặng của nhà quàng, giọng Lê Trung Hưng lúc nấc nghẹn, lúc sụt sùi, nhắc lại những kỷ niệm về ba nó:

Cách đây hai mươi bảy năm, con còn nhớ. Ba cõng con trên lưng, Ba cõng anh Tâm [con nuôi của anh Nhơn] nhảy xuống xà lan. Rồi từ xa lan Ba cõng tụi con nhảy lên tàu lớn, rời bỏ Việt Nam... đưa tụi con đến xứ người...

Áo quan chưa khép. Ở hàng ghế đầu, tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt anh Lê Thành Nhơn. Anh không còn những lọn tóc xoăn lớn, dợn sóng về sau ót nữa. Chỉ còn lại vầng trán to, gồ như đá núi. Mắt khép. Mũi kỳ lân. Đôi môi hé mở. Anh chị Nguyễn Hưng Quốc nói với tôi bây giờ trông anh Nhơn yên ả như đang nằm ngủ, khác lúc còn ở trong bệnh viện. Tôi nghe, và ráng nhủ lòng tin như vậy. Lúc đó tôi nghĩ (trong lúc tai văng vẳng tiếng nói Lê Trung Hưng) rằng cái cách anh cõng con, dắt vợ, bỏ nước lên tàu năm 1975, Hưng kể lại làm nhiều người rớt nước mắt, nhưng anh đã làm xong bổn phận của người chồng, người cha đối với gia đình. Có ai nhìn thấy con người đang nằm kia, áo quan chưa khép, bao năm rồi, vẫn còn cõng trên lưng những công trình vô cùng đồ sộ cho văn hoá Phật giáo, cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, thì phải khóc như thế nào đây?

Khóc như thế nào đây? Thực tâm tôi không biết. Ngồi trong nhà quàng này, nghe Hưng nói, nghe tiếng thổn thức từ hàng ghế đầu, từ hàng ghế cuối, từ bên cạnh, từ chung quanh, quyện lại lao xao như tiếng sóng biển. Không phải vậy. Như tiếng rên trong lòng biển động. Cũng không phải vậy.

Người như anh Nguyễn Hưng Quốc, tôi quen biết đã hơn 10 năm, con người mà cách ăn mặc, cách hành xử, cách chuyện trò giống hệt cái cách anh cầm bút: lúc nào cũng như đá tảng dựng ngược, sừng sững..., vậy mà ở đoạn cuối bài nói mở đầu buổi lễ tưởng niệm Lê Thành Nhơn, đột ngột cả thân hình anh muốn đổ ập xuống cùng lúc với tiếng nấc quằn quại như núi chuyển. Hay cái khóc như cái khóc của anh Hoàng Ngọc-Tuấn, cái khóc muộn màng trước giờ di quan. Khóc như trẻ con không dưng lạc bố mẹ giữa đường đêm. Khóc như người cô đơn vỡ xuồng trên biển dữ. Anh khóc giữa lúc mọi người đang trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Tiếng khóc nổ ra, xé ngang lời kinh như con mãnh thú chịu mũi dao cắm phập. Khóc như thế nào đây? Thật tình tôi ngơ ngác.

Cuối tháng 9 năm nay, trước khi Lê Thành Nhơn mất hơn một tháng, anh viết một bức thư dài gửi tôi. Đúng ra là một thư thăm hỏi các anh em ở Sydney, kèm theo là một bài mạn bút. Tôi đọc mà bâng khuâng, xúc động, vì từ tháng 2, khi nghe tin anh lâm bạo bệnh, chúng tôi cả chục đứa kéo nhau từ Sydney xuống thăm anh. Anh lúc đó đã khó nhọc lắm mới cầm bút viết một hai chữ. Vậy mà giờ đây anh viết đầy ba trang giấy khổ lớn, với nét chữ mạnh mẽ, cứng cáp, và đẹp, đẹp đậm đà.

Suốt thời gian bị cơn bệnh hành hạ, anh trăn trở, dằn vặt vì không thể tiếp tục cầm cọ, cầm ống màu, nói gì đến cái búa, cái đục cho việc điêu khắc. Rằm Trung Thu vừa rồi, sau khi được "anh Nguyễn Hưng Quốc và anh Tôn Thất Quỳnh Du đưa đi ra ngoài. Nhìn trăng tròn vành treo giữa thung lũng, mình chạnh nhớ tới phong cảnh trăng tròn treo trên cành cây khuynh diệp trước nhà cụ. Dưới kia là dòng sông vàng mênh mông"...[1] Vậy là, tức cảnh sinh tình, khi về nhà anh viết một bức thư và một bài mạn bút gửi anh em bằng hữu đọc cho vui. Nguyên văn bài mạn bút như sau:

Mềm môi tâm tửu, khách giả tản mạn chuyện.

Ngắm mùa trổi nhịp qua gân lá.

Hai mươi bức tranh màu nước ướt át hảo hạng được hoạ sĩ Lê Thành Nhơn vẽ qua nhiều mùa khác nhau, nhiều nơi khác nhau. Có khi từ tâm tưởng ướt sũng sương mù và nắng quái. Có khi từ những vũng trời tuyết trắng cẩn cây cành như gân máu ửng hồng gò má người con gái chăn cừu quì bên hang đá. Có khi đong đưa thưa nắng tàu cau quê mẹ ngày mùa, khăn rằn phập phồng theo nhịp vỗ cánh cò nhấp nhô đồng lúa chín. Có khi giữa hai ghềnh đá dựng kình thiên, một loài hoa trắng nở. Có một loài cây đơn độc oằn thân chống bão táp mưa sa, hình in lên mây như bóng linh thần, như hảo hớn...

Trăng tròn tới. Vào một đêm trăng dãi se lạnh những ngày đầu Xuân, người sẽ xông trầm thiền cốc và thỉnh mời bằng hữu khắp ngả về dự đêm thơ, ngắm tranh, chuyện trò quanh lửa và nhấm rượu nho.

Hành giả nện nhẹ gót giày lên thềm đá tảng. Phía thượng là am của nhà thơ. Khách bước quá lưng mù sương, miệt hạ là lãng bạc kỳ thủy mênh mang. Thênh thang ngàn thân rồng lung linh vảy bạc uốn khúc tranh châu.

Tam, tứ, ngũ từng rượu rót, tửu đã nhập tâm. Khách thả hồn theo tiếng thơ người thiền sĩ. Ai đứng, ai đi, ai trèo, ai lội, ai chờ, ai đợi. Ta cốt hát cho người mang chí lớn. Chí mén say men đẩy mái chèo trẩy ngược Hoàng Hà chi thủy!

Ngoài cươi tiếng vạc tan trong trăng. Người vũ nữ Apsara múa nơi đền Champa thiên cổ hay là bóng cây bạch đàn thị hiện vào thuở thiên địa thơm.

Lê Thành Nhơn không có cái may mắn như anh Võ Đình – vừa là hoạ sĩ lớn, vừa là nhà văn lớn – chứ tôi trộm nghĩ, phải chi anh khắng khít với cây bút như anh Võ Đình, thì suốt thời gian bạo bệnh, với cây bút, chắc chắn anh đã để lại ngồn ngộn bao nhiêu điều khác. Và chắc là anh không bị cái đau khác dày vò cùng một lúc với căn bệnh ung thư hành hạ. Cái đau khác đó là cái đau của Lê Thành Nhơn. Cái đau của người nghệ sĩ dẫu biết giây phút cuối cùng đã cận kề, vẫn đặt sẵn một khung bố trắng bên cạnh giường, với ngọn lửa sáng tạo bừng bừng, nhưng đôi tay và thân xác lại bải hoải, rã rời. Đó là cái đau riêng của Lê Thành Nhơn, một mình, trong phòng vắng, giữa đêm khuya, nhìn sững vào mặt bố căng rộng trước mắt. Từng đêm, từng đêm. Chỉ một mình như thế, từ tháng 2 đến tháng 11.

Võ Quốc Linh

Sydney, 13/11/2002

_________________________

[1]Trích thư anh Lê Thành Nhơn ngày 21 tháng 9 năm 2002.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021