thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XVI: "Giấc mộng của François Rabelais, nhà văn và thày tu xuất"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào tháng Hai năm 1532, tại bệnh viện Lyon, trong lúc ông đang ngủ trong căn buồng nhỏ khắc khổ của người y sĩ, sau bảy ngày chay tịnh theo đúng những quy tắc của cuộc sống tu viện mà ông tiếp tục tuân giữ mặc dù đã rời bỏ nhà dòng, François Rabelais, nhà văn và thày tu xuất, nằm mộng. Ông mộng thấy mình đang ở dưới dàn cây xanh của một quán trọ ở miền Périgord, và lúc ấy là vào tháng Chín. Người ta đã dựng một chiếc bàn dài, hẹp, phủ khăn bàn trắng toát, chất đầy những bình pha-lê đựng rượu nho, và ông đang ngồi ở một đầu bàn. Phía đối diện được chuẩn bị cho một người khác, nhưng ông không biết người khác đây là ai, ông chỉ biết rằng mình phải chờ đợi. Trong lúc ông chờ đợi, chủ quán đã mang lại cho ông một đĩa ô-liu ướp muối và một cốc rượu tần để lạnh, và ông bắt đầu nhâm nhi, trong lúc nhấm nháp thứ rượu tần tuyệt diệu có màu hổ phách tuyệt đẹp này. Tới một lúc nào đó, ông nghe có tiếng móng ngựa lốp cốp và thấy một đám bụi mù tiến gần lại trên con đường chính. Ấy là một cỗ xe song mã bốn bánh vẻ vương giả, với một người đánh xe mặc hàng đỏ và hai người hầu đứng trên các bực xe. Cỗ xe dừng lại trên đồng cỏ của quán trọ, những người hầu thổi hai tiếng kèn vang rồi vội vã bước xuống để trải một tấm thảm đỏ trước cửa cỗ xe ngựa. Họ đứng nghiêm và loan báo: Đức chúa Pantagruel, vua thực phẩm và rượu vang! François Rabelais đứng dậy, là vì ông hiểu rằng thực khách của ông đã tới, đang oai vệ tiến tới trên tấm thảm đỏ mà quân hầu trải ra dưới bước chân ngài. Đó là một người có tầm vóc khổng lồ, ngài vừa bước vừa đưa hai tay đỡ lấy bụng, một cái bụng bự tựa như một cái bị da đựng nước, lắc qua bên phải và qua bên trái. Một bộ râu đen rậm viền quanh khuôn mặt, và trên đầu ngài mang một chiếc mũ lớn rộng vành. Đức chúa Pantagruel mím miệng lại lộ một nụ cười thân ái, xắn hai ống tay bộ áo vương giả của ngài và ngồi vào đầu bàn kia. Viên chủ quán tới, theo sau có hai người hầu bàn mang một liễn súp bốc khói, và ông ta bắt đầu dọn ăn. Súp lúa mạch, lúa mì và đậu, ông ta vừa dọn ra vừa loan báo, một chút gì nhẹ để cho dạ dày bắt đầu chạy. Đức chúa Pantagruel cột quanh cổ một chiếc khăn ăn lớn như một tấm « ra » (vải trải giường) và ra hiệu cho François Rabelais là họ có thể khởi sự. Ấy là một thứ súp mễ-cốc trong đó lập lờ những lá nguyệt quế và những nhánh tỏi, một chút gì thật rất tế nhị. François Rabelais ăn một đĩa đầy rất khoái trá, trong lúc ngài chúa tể Pantagruel, sau khi lịch sự xin phép, đã đưa lại gần mình liễn súp và bắt đầu húp thẳng từ đấy. Trong lúc ấy những người hầu bàn đã tới với những món ăn khác, và viên chủ quán, rất ân cần, lại trút đầy các đĩa ăn. Lần này là món ngỗng nhồi. François Rabelais lặp lại hai lần, còn đức ngài chúa thượng Pantagruel tới mười chín lần. Này chủ quán, vị thực khách oai vệ bảo, nhà ngươi phải chỉ dẫn cho ta cái cách làm mấy con ngỗng này, để ta còn có thể chỉ lại cho tên đầu bếp của ta. Viên chủ quán chùi chùi bộ râu mép thật lớn, ông ta hắng giọng mà nói: trước hết, phải lấy bắp cải muối (choucroute) thứ thật ngon, đun sôi khoảng bốn hay năm phút. Kế đó nấu chả chất béo của ngỗng trút vào bắp cải muối cùng với thịt mỡ, trái đỗ-tùng mọng (genièvre), nụ đinh-hương, muối, tiêu, hành xắt nhỏ, và đem ninh tất cả trong ba tiếng đồng hồ. Rồi thêm thịt muối (jambon), gan ngỗng cắt lát mỏng, và lấy ruột bánh mì bó chỗ thịt đã nhừ lại. Lấy cái nhân này mà nhồi ngỗng, sau đó bỏ vô lò chừng bốn chục phút. Nấu nướng được nửa chừng thì phải nhớ hứng lấy mỡ đang xèo xèo mà trút lên thịt nhồi, thế là món ăn đã được. Trong lúc họ lắng nghe viên chủ quán mô tả, François Rabelais bỗng lại thấy thèm ăn, cũng như người ngồi cùng bàn với ông, ít ra là cứ theo dáng vẻ bên ngoài, là vì ngài chúa thượng đã đưa chiếc lưỡi khổng lồ liếm qua liếm lại bộ râu mép thật lâu, trước khi rốt cuộc hỏi: và giờ đây, nhà chủ, nhà chủ định thết chúng ta món gì đây? Viên chủ quán vỗ tay và những người hầu bàn tới với những món ăn mới nóng hổi. Gà thiến nấu rượu mạnh trái mơ và gà sao với phô-mai Roquefort, viên chủ quán thật hài lòng nói, và ông ta bắt đầu dọn ăn. François Rabelais, thật hăng hái, khởi sự ăn một con gà thiến và một con gà sao, trong lúc ngài chúa thượng Pantagruel ngốn ngấu một chục con. Ta không biết tại sao, ngài chúa thượng Pantagruel nói, nhưng ta thấy dường như một thứ nước sốt làm bằng óc heo sẽ rất hợp với những chú gà thiến này, ngài bảo sao, thưa vị đồng bàn thân mến của ta? François Rabelais tán thành, và viên chủ quán, như chỉ chờ có thế, vỗ tay. Những người hầu đã đem lại hai đĩa đầy tới sát mí thứ nước sốt óc heo. Đức chúa thượng Pantagruel phết trọn một đĩa sốt lên một ổ bánh dài một mét và, giữa hai miếng gà thiến, ngài ngoạm vào đấy cách nào đó khiến trong hai phút ngài đã xơi xong ổ bánh. Khi họ đã chấm dứt, viên chủ quán xin phép lấy đĩa dơ đi và hỏi: một chút heo rừng săn bắn, các vị bào sao, nếu không phải là các vị ưa những miếng phi-lê thỏ nhồi và chiên? Để cho được rộng rãi, François Rabelais đề nghị đem tới cả hai món. Ngài chúa tể Pantagruel hả miệng để chỉ rằng ngài còn thèm ăn. Ông chủ quán trọ vỗ tay và bọn gia nhân đã tới với những món ăn mới. A, François Rabelais vừa ăn vừa lẩm bẩm được, cái món heo rửng săn bắn này mới thật là ngon tột điểm! Một thứ nước sốt hơi chua-ngọt, cùng với những trái ô-liu xanh và chút ớt cay chỉ rõ mùi con thịt này. Và những miếng phi-lê thỏ nhồi và chiên này, ngài chúa thượng Pantagruel đáp lại giữa hai miếng ăn, lại chẳng nên cho là tuyệt diệu, thần thánh đấy sao?

Viên chủ quán, sung sướng, nhìn họ ăn. Ấy là vào tháng Chín, và mặt trời vẽ những vệt trong trẻo dưới bóng mát của dàn cây xanh. Đôi mắt của ngài chúa thượng Pantagruel nhỏ thật nhỏ, và thỉnh thoảng ngài lại khép đôi mí mắt như thể ngài sắp thiếp đi. Rồi ngài đưa lòng bàn tay vỗ lên bụng một vài cái, lịch sự xin phép, và buông một tiếng ợ kinh khủng, một tiếng ầm tựa như tiếng sấm, vang động khắp đồng quê. Trước tiếng sấm động vang lừng ấy, Rabelais choàng dậy, ông hiểu rằng ấy là một đêm bão tố, mò mẫm thắp cây đèn cầy và chộp được trên cái tủ ngăn một mẩu bánh mì khô mà ông thường nhượng bộ với mình đêm đêm để đình chỉ cuộc nhịn ăn.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* François Rabelais. 1494-1553. Ông từng là thày dòng Đa-minh. Đã cởi bỏ áo dòng và trở thành một y sĩ nổi tiếng của bệnh viện Lyon. Nhưng ông không bao giờ từ bỏ những thói quen của đời sống tu viện. Ấy là một người thông thạo tiếng la-tinh, có học thức, và bị các giới chức quyền của thời ông coi rẻ vì ông có những ý tưởng tiến bộ. Có lẽ để «thăng hoa» những cuộc ăn chay mà luật tắc tu viện bắt buộc ông, ông đã viết một cuốn sách cho đến nay vẫn thời danh, trong đó ông bịa ra hai người khổng lồ, Gargantua và Pantagruel, là những kẻ phàm ăn và đam mê hưởng lạc lớn nhất của tất cả nền văn chương Tây phương. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]

Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]

Mộng của mộng [kỳ XV: "Giấc mộng của Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh"]

 

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021