thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người ở đồn Kim Thạch
Thương nhớ bạn tri âm Nguyễn Cao Sơn

 

Những năm đầu 1960... Tôi sống ở đó hết vui. Ngày hai bữa cơm gạo trắng thôi đã đen buồn suốt những canh thâu...

Chẳng còn tâm trạng ủ ê, tôi đã từ biệt căn nhà miệt Khánh Hội, quận Tư - Sài Gòn, lên Đà Lạt, cùng bạn dựng căn nhà đơn sơ ở Nam Thiên. Đây cũng là nơi chốn lần đầu tôi gặp bạn, trước khi bạn trở thành một nghĩa quân, đóng đồn ở Kim Thạch.

Nam Thiên như một vùng ngoại ô Đà Lạt, trái đồi trọc bao la, thấp xoải, rải rác nhà cửa. Một khu xóm lao động. Căn nhà của chúng tôi không khác cái lều người giữ vườn trú ngụ, người ta gọi là nhà cấp 4. Từ căn nhà ngó ra phía trước: thung lũng, nhà cửa ruộng vườn cũng rải rác dưới đó. Con đường tráng nhựa cao hẳn lên ở phía bên kia thung lũng, chạy dài theo cánh rừng thông, thấp thoáng ngôi trường Couvent des Oiseaux, thấp thoáng những soeurs trong đó. Có một ngả đường dẫn tới thác Cam Ly, thác nước gần cạn kiệt từ đời thuở nào.

Chiếc bàn gỗ thông đặt chính giữa căn nhà. Một khoảnh nhỏ ở góc nhà có ngăn che làm phòng tối để bạn rửa ảnh. Phía ngoài treo bị cát, bạn tập dượt quyền Anh. Tôi loanh quanh nơi cái bàn ở chính giữa căn nhà, lúc thì viết lách lăng nhăng, lúc đọc sách này báo nọ. Toàn bộ số sách ở đây chừng mươi cuốn, tôi đọc đi đọc lại, và một mớ báo chí tập san văn nghệ. Chỗ ngủ tự do: bất cứ nơi nào trên sàn nhà còn trống vừa đủ trải tấm drap hai người nằm. Lúc không nằm thì gấp tấm drap dựng vách.

Lần đầu gặp bạn ở Nam Thiên, bạn đang tìm chỗ đứng, góc nhìn để chụp ảnh. Tôi ngồi tựa lưng một thân cây thông, hút thuốc, ngắm khung cảnh trường Couvent des Oiseaux đẹp như một nơi chốn phương Tây. Bạn nói xin-phép-cho-chụp-một-pô-ảnh tôi trong tư thế ấy. Rồi rủ nhau uống cà-phê quán cóc vùng Nam Thiên, chuyện trò đủ thứ trong buổi gặp gỡ.

Nguyễn Cao Sơn hơn tôi vài ba tuổi, cao lớn, với một vẻ đẹp phong trần. Phục sức bụi bặm, cái áo khoác nhà binh rất hợp với Sơn. Sơn di cư năm 1954 theo trường Thiếu Sinh Quân ngoài Miền Bắc, trường tiếp tục mở lại tại Đà Lạt. Sơn côi cút, người cô của Sơn ở Pháp về Sài Gòn cư ngụ tại Building Richaud. Tôi quen thuộc building này, ở Sài Gòn tôi vẫn tới thăm một bạn học cư ngụ tại đây. Hai cô cháu liên lạc được với nhau, một thời gian dài Sơn về Sài Gòn ở với cô. Một võ sư nổi tiếng tại Sài Gòn nhận dạy Sơn quyền Anh; người cô dạy Sơn tiếng Pháp.

“Mình thương bà cô lắm, nhưng phải trở lại Đà Lạt, quê hương thứ hai của mình...”, Sơn nói vậy. Tôi cũng vậy, Đà Lạt là “miền cố quận” của tôi, nói theo chữ của thi sĩ Bùi Giáng. Không thể nào tôi quên cậu bé là tôi thuở nhỏ, cầm cây đèn bão mỗi khi chuyến tàu đêm qua ga xép Đa Thọ; không quên ngôi trường tiểu học xã Xuân Trường, gần ga xép Đa Thọ; không quên điếu thuốc lá đầu tiên trong quán cà-phê Tùng... Đà Lạt chốn trở về, Sài Gòn nơi trở lại. Tôi trở lại Sài Gòn mỗi kỳ thi cử chốn học đường, thăm gia đình và bằng hữu thâm giao, báo chí tập san văn nghệ thân thuộc...

 

*

 

Căn nhà ở Nam Thiên hình thành bằng tình yêu Đà Lạt, tình bạn giữa Sơn và tôi. Sơn ít nói, thỉnh thoảng kể chuyện vui, có cả chuyện buồn, nhưng đều cười ào lên sau mỗi câu chuyện. Trước khi có căn nhà ở Nam Thiên, Sơn trú ngụ nhiều nơi, nhà của những người bạn khắp chốn cao nguyên: Dran - Tutr’a - Fimnom - Tùng Nghĩa..., cùng chiếc máy ảnh kiếm sống. Có lúc Sơn nhận dạy tiếng Pháp tại tư gia; rủng rỉnh tiền, Sơn rủ bạn bè đi quán xá uống rượu. Sơn bảo uống bia là giải khát thôi, Sơn ưa uống rượu. Nhiều tiền thì uống rượu Tây, ít tiền thì uống rượu đế, rượu thuốc. Tửu lượng cao, nhưng Sơn không hề nghiện rượu. Nếu nghiện cái gì thì cái đấy là quyền Anh, Sơn nguyện sẽ trở thành tay đấm chuyên nghiệp, “Đấu quyền Anh là cuộc đối thoại bằng tay,” Sơn đọc ở đâu đó câu này của nhà văn Mỹ Norman Mailer.

Tôi có việc phải lưu lại Sài Gòn một thời gian, khi trở lại căn nhà ở Nam Thiên thì Sơn đã là người lính nghĩa quân, phụ trách một đồn binh ở Kim Thạch, vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt. Căn nhà ở Nam Thiên lúc này thường kín cửa, thỉnh thoảng tôi về để biết mình có nơi cư trú hẳn hòi tại Đà Lạt đầy kỷ niệm thương yêu. Thỉnh thoảng Sơn trở về căn nhà, đặt ba-lô xuống rồi tới chỗ treo bị cát, đấm tới tấp vào đó như để nguôi bớt nỗi nhớ võ đài. Một lần Sơn về, mở ngay ba-lô, đưa lại tôi cuốn Le Grand Meaulnes của Alain Fournier, Sơn nói đã đọc xong. Tôi hỏi đọc cuốn gì nữa không, Sơn lắc đầu: “Hồi này tình hình quá bất ổn, không có thì giờ nằm đọc sách đâu.” Không phải từ Sơn, mà từ những đồng đội của Sơn, tôi được biết Sơn là một trưởng đồn đã khiến các anh ba (tức Việt cộng) ngán sợ nhất. Chỉ huy trưởng Tiểu khu Tuyên Đức (tỉnh Tuyên Đức, tên hành chính cũ của vùng Đà Lạt), trung tá Phan Văn Tốn, rất yêu quý Sơn. Vị chỉ huy trưởng tiểu khu xem trưởng đồn Kim Thạch không khác người em ruột thịt.

Một ngày trong thời gian những năm đầu 1970, trung tá Tốn dẫn đoàn cấp trên đi thanh tra một đồn nghĩa quân của tiểu khu Tuyên Đức, ông chọn đồn Kim Thạch. Trung tá Tốn không báo trước cho trưởng đồn biết, để cuộc thanh tra về phòng thủ đồn binh được trung thực. Lúc đó Sơn và đồng đội đang tuần tiễu quanh vùng, hàng rào phòng thủ của đồn Kim Thạch đã được gài mìn. Trung tá Tốn tự tay gỡ hàng rào phòng thủ để vào đồn, mìn nổ và ông bị tử vong. Trước lúc mất, trung tá Tốn còn đủ sức nói lớn cho mọi người có mặt bên ông nghe rõ, trong đó có người vợ của ông, bà Thanh Sâm: “Đây là sự bất cẩn của tôi, Sơn không có lỗi gì hết.”

Sau vụ việc, Sơn đã mấy lần tới nhà trung tá Tốn để gặp bà Thanh Sâm. Bà đóng sập cửa, không tiếp. Sơn chỉ nghe được lời nhắn gửi xa xôi của bà: sẽ phải trả giá về cái chết của trung tá Tốn. Biết câu chuyện, tôi hình dung một phụ nữ sắt đá, một khuôn diện lạnh lùng, một cõi lòng không màng chút cảm thông, để không bao giờ nghe lời giãi bày của bất cứ ai.

Từ lâu tôi đã nghe một cuốn sách ra đời, Cõi Đá Vàng của bà Thanh Sâm, sau cái chết của trung tá Tốn. Tôi để ý tìm đọc, liên tưởng tới Le temps des soupirs của người vợ đại kịch sĩ - diễn viên điện ảnh Gérard Philipe, viết sau khi ông mất. Mãi tới hôm nay tôi mới thấy cuốn Cõi Đá Vàng, do Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ, năm 2012; bạn thơ Chu Ngạn Thư sao ra, tặng tôi một cuốn. Hóa ra Cõi Đá Vàng không phải cuốn sách tôi hình dung tựa như Le temps des soupirs. Đây là một truyện dài, nhân vật truyện là những thanh niên trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp những năm 1950. Cuốn truyện chỉ có nhan đề liên quan tới trung tá Tốn: Cõi Đá Vàng, từ đồn Kim Thạch, vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt, nơi trung tá Tốn tử thương.

Nỗi xúc động của tôi hoàn toàn không phải từ cuốn sách, cuốn sách chỉ làm tôi nhớ lại “cái giá phải trả” của bạn tôi, Nguyễn Cao Sơn. Sau cái chết do sự bất cẩn của trung tá Tốn, với sự xác nhận của chính nạn nhân, Sơn vẫn bị thuyên chuyển ra một đơn vị nghĩa quân vùng Ban Mê Thuột, nơi chiến tranh đang diễn ra khốc liệt. Sơn bị thương, phải cắt đi một cánh tay, khúc cắt sát bờ vai, cắt đứt giấc mơ võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp của Sơn. Rất có thể chính cánh tay cụt hết ấy đã sớm đưa Sơn tới cái chết thảm hại vào năm 2012 tại Đinh Văn - Lâm Hà, gần Đà Lạt, vốn là vùng kinh-tế-mới nhà nước cộng sản lập nên. Sơn mất vào năm Cõi Đá Vàng tái bản tại Hoa Kỳ, bà Thanh Sâm định cư ở đó từ năm 1975.

Tôi thật buồn khi đọc trong những dòng chiêu niệm trung tá Tốn ở trang đầu cuốn sách, tác giả oán than Cuộc đời này không dung những kẻ thương yêu nhau. Tôi thật buồn vì bạn tôi không mong gì hơn là được giãi bày để nguôi nỗi niềm, nhưng bà Thanh Sâm nhất quyết không nghe lấy nửa lời. Không nghe lấy nửa lời giãi bày của một người như Sơn, có khác gì sự không-dung-những-kẻ-thương-yêu-nhau? Tác giả Cõi Đá Vàng có nên oán than cuộc đời như vậy?

 

Sài Gòn, IX.2016

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021