thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nước mắt

 

 

NƯỚC MẮT

 

Cha khóc. Chẳng vì một lý do nào cả, nước mắt ông chảy ra và ông khóc. Thế thôi. Mùi thịt cháy trong nước mắt khiến ông thèm thuồng rồi khóc như một đứa trẻ.

Và mùi thịt cháy có cả trong khói nhang. Trên đường về, cha nói cha sẽ tìm cách lưu lại cái dư hương ấy. Mùi thịt cháy từ khói nhang khiến cha cứ lưu luyến mãi cái khung cảnh đó. Nhang được đốt lên và mùi thịt cháy quyến rũ chúng tôi. Tôi còn biết cha tôi đã giấu không biết bao nhiêu là khói có mùi thịt cháy trong túi áo của mình.

Ông nội không khóc. Nước mắt ông đã cạn rồi. Ông ngồi trên chiếc chõng tre và nhìn về phía chuồng gia súc qua khung cửa hẹp rồi nói: “Đi đi. Đi mà dệt huyền thoại đi. Đi dọc theo đại lộ giải phóng ấy. Trong số lũ ăn mày đang hút thuốc lá vấn, hãy túm lấy một tên. Kéo hắn về phía ngôi nhà màu đỏ. Đừng nói gì với hắn về những bí mật bởi rồi đây hắn chính là một ẩn số. Cho hắn giày đinh, súng, bi-đông, lương khô và một số thuốc sát trùng, cồn nữa. Tất nhiên những sợi chỉ đỏ thì đã được chuẩn bị từ trước. Và cái khung cảnh tràn ngập những sợi chỉ đỏ đan chéo vào nhau cũng đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Đạp vào lưng hắn để hắn chạy đâm bổ ra phía ánh sáng. Trên cái sân khấu ấy là bãi chiến trường. Cần lau lách, sỏi đá, xác người và máu. Hắn cần chiến trường và những tiếng nổ. Ném thịt tươi vào lửa. Ném lửa vào trong mắt đám đông đang gào rú phía dưới. Làm ngay đi. Kẻo muộn...”

Bây giờ thì bão đã nổi lên. Đó là cơn bão số mười một trong năm. Tôi nằm trong chăn và ngửi cái mùi thịt cháy còn vương lại trên cổ áo từ mấy hôm trước. Tôi nghe mưa và gió táp vào cửa sổ. Cha tôi nói trong bão có mùi thịt cháy và mùi của khói súng. Tôi không tin có mùi thuốc súng, nhưng mùi thịt cháy là có thật. Mẹ tôi nói rằng, ngày còn nhỏ, trên đường đi học mẹ cũng đã biết cách giấu mùi thịt cháy trong mũ rơm. “Chúng tao cứ tiếc nuối mãi cái ngày tiếng súng im bặt.” Mẹ tôi nói rồi bà lại dùng đũa bếp khơi trong mùn để tìm kiếm một thứ gì đấy. “Chả thấy gì cả. Không khéo thì muộn mất.” Bà nói.

Khi nhà hết nhang thì cha lại cố khóc. Bằng cách nghĩ tới những vết thương trên đỉnh đầu là cha có thể khóc như một đứa trẻ. Ông hứng nước mắt trong một cái đĩa sứ lớn. Chỉ qua một đêm nước mắt của cha tôi đã biến thành những con giòi có màu trắng sữa. Bây giờ những con giòi bò la liệt khắp nhà. Những con giòi có mùi thịt cháy. Cha tôi nói rằng ông sợ ngày ông cạn nước mắt. Ngày nước mắt cạn cả nhà sẽ phải chịu sự hành hạ của những cơn đói.

Chúng trườn ra khi bão đi qua. Chúng trườn ra từ tóc của tôi. Ôi, những con giòi nhỏ bé và tinh ranh ấy, chúng nấp sau vành tai tôi. Chúng bám đầy hai hàng lông mi và không ngớt đùn ra từ hai lỗ mũi của tôi. “Chúng mày thấy chưa? Không khéo thì muộn mất.” Mẹ tôi lại nói một mình trong xó bếp. Cha tôi bắt đầu để chúng trong những chiếc bát bằng nhôm. Ông so sánh kích thước của những con giòi sinh ra từ nước mắt của ông và những con giòi của tôi. Khi những chiếc bát đã đầy, chúng tôi để những con giòi vào trong chiếc cối đá. “Chúng trơn nhưng thơm mùi thịt cháy.” Cha tôi nói rồi đưa chúng vào miệng nhai ngấu nghiến. “Chúng mày thấy chưa? Muộn mất” Mẹ tôi lại nói trong xó bếp và bà vẫn không ngớt dùng những ngón tay đào bới trong mùn.

Mùi thịt cháy vây lấy ngôi nhà của chúng tôi. “Đừng để họ biết.” Mẹ tôi nói. Những con giòi nhỏ bé thơm mùi thịt cháy khóc như trẻ con khi chúng tôi để chúng vào chiếc chảo đầy dầu đang sôi sùng sục. Mười nghìn đồng một bát. Chúng tôi bắt đầu với giá khởi điểm đó. Rồi chúng tôi buộc phải hạ giá khi khách hàng mỗi ngày một ít. Những đứa trẻ cũng không còn chầu chực ở trước cửa nhà tôi như trước. Bây giờ chúng vừa đi vừa bắt những con giòi trên tóc chúng cho vào miệng. Miệng chúng đầy mùi thịt cháy và mỡ.

Tất cả mọi người, ai cũng có cái món khoái khẩu ấy cho riêng mình. Ai cũng có thể chế biến chúng theo cách của mình, phù hợp với khẩu vị của mỗi gia đình. Có người còn bỏ chúng vào trong máu và ruốc. Họ nói rằng làm như thế chúng ta có thể vừa ăn chúng vừa nhìn thấy sự sinh sôi của chúng. Chúng sinh sôi như giòi ngoài chuồng gia súc ấy.

Trên chiếc chõng tre ông nội lại rít lên: “Cứ để nó bắn. Cứ để huyền thoại bắn đi. Để cho nó chiến đấu với bóng tôi và ánh sáng. Nó ngã rồi. Dựng nó lên. Dạng hai chân ra. Đứng vững. Hạ vai xuống. Nào, bắn đi. Mẹ kiếp. Nhìn thẳng. Nheo mắt lại. Đừng chạy. Mìn đấy. Đã bảo rồi mà...”

Bây giờ thì chúng trở nên bình thường. Những con giòi sinh ra trong nước mắt và đùn ra từ tóc chúng tôi trở nên bình thường như những hũ gạo của mỗi gia đình. Chúng tôi không còn phải cần đến những hũ gạo nữa. Chúng tôi ước gì những hạt gạo trắng toát ấy có thể biến thành những con giòi và cứ thế mà sinh sôi. Đàn gà cũng không ăn gạo như trước. Chúng tôi và đàn gà khoái cái món giòi thơm mùi thịt cháy hơn bất cứ một món ăn hảo hạng nào khác.

Rồi tóc của chúng tôi rụng hết. Với những cái đầu trọc lóc chúng tôi khoái chí nhìn ổ giòi rạo rực di chuyển trong hộp sọ của chúng tôi. Chúng được sinh ra từ mùi nhang và chúng hoàn thiện thân hình của chúng trong não chúng tôi. Cứ thế, chúng lớn lên và chui ra cùng với nước mắt khi chúng tôi khóc. Chúng tôi hò hét và ăn chúng cho đến khi hộp sọ của chúng tôi trống rỗng.

“Tao thấy rồi.” Mẹ tôi ré lên trong bếp.

“Chúng mày đang ăn não của chúng mày đấy. Nhìn mà xem. Đây này. Nước mắt của chúng mày chính là não của chúng mày. Não của chúng mày sinh ra nước mắt và nước mắt biến thành những con giòi tinh khôn ấy. Thơm đấy, cháy sém hết rồi. Nào, ăn đi. Kẻo lại muộn.” Mẹ tôi lại nói.

Rồi một ngày nước mắt cạn. Hộp sọ của chúng tôi trống trơn. Chúng tôi đốt nhang khấn vái, nhưng không có một con giòi nào xuất hiện. Nhang cháy, khói cuộn thành từng vòng vô hương sắc bay lên rồi biến mất trên không trung. Tất cả mọi ngời đều đói lả. Ai cũng muốn tìm ra một cái cớ gì đấy để khóc nhưng không thể nào khóc được. Nước mắt đã cạn và những ngày đói khổ đã bắt đầu.

Ánh đèn trên sân khấu cũng vụt tắt. Đêm như những tấm lưới vô hình.

“Nó gục xuống rồi kìa. Dựng nó dậy. Dựng huyền thoại của lũ mày dậy đi. Mưa rồi. Máu và bùn. Hoa và súng. Đừng bắn vào hoa. Sao chúng mày để nó bắn vào hoa. Đừng có chạy. Mình đấy. Trời ơi. Đã bảo rồi mà...” Ông nội nói rồi lao về phía chuồng gia súc.

Muộn quá rồi.

 

Minh họa: Trên đường, tranh sơn dầu của Lê Minh Phong

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021