thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI CHĂN GIỮ ĐÀN THÚ và những bài thơ khác [kỳ 2: từ bài XXII đến bài XLIX]
(Diễm Châu dịch)
 

NGƯỜI CHĂN GIỮ ĐÀN THÚ

(từ bài XXII đến bài XLIX)
 
XXII
 
Như một người mở cửa nhà mình vào một ngày mùa hạ
và bằng tất cả khuôn mặt mình rình rập hơi nóng ngoài đồng,
chuyện xẩy tới là bỗng dưng tôi bị Thiên nhiên quất mạnh ngọn roi
vào khuôn mặt các giác quan tôi,
và tôi, tôi lấy làm bối rối và lẫn lộn,
ra sức tìm hiểu
không biết chuyện chi cũng chẳng biết ra sao...
 
Thế nhưng ai kia chứ đã muốn tôi tìm hiểu?
Ai kia chứ đã bảo tôi là có chuyện gì để hiểu?
 
Khi mùa hạ lùa qua trên khuôn mặt tôi
bàn tay nhẹ và nóng của cơn gió hiu hiu,
tôi chỉ việc cảm nhận cái khoan khoái đó là một cơn gió
hoặc cảm thấy bực bội vì nó nồng nực,
và, dù cho tôi có cảm nhận nó cách nào chăng nữa,
như thế đấy, bởi tôi cảm thấy thế, bổn phận tôi là phải cảm nhận nó.
 
 
XXIII
 
Xanh như trời xanh, cái nhìn tôi
cũng bình lặng như nước trôi ngoài nắng.
Nó như thế đấy, vừa xanh vừa bình lặng
và chẳng hỏi han cũng không sợ hãi...
 
Giả như tôi có tự tra vấn và hãi sợ,
đồng xanh cũng chẳng nảy sinh những bông hoa mới
và mặt trời cũng chẳng có sự biến đổi làm đẹp thêm...
(Mà ngay như đồng xanh có nảy sinh những bông hoa mới
và mặt trời có đẹp ra,
tôi cũng vẫn cảm thấy đồng cỏ ít hoa hơn
và vẫn thấy mặt trời xấu đi...
Bởi mọi sự có sao ra vậy, như thế đó,
và tôi, tôi chấp nhận, chẳng buồn cảm ơn
để khỏi tỏ ra là mình nghĩ tới...)
 
 
XXIV
 
Những gì ta nhìn thấy về mọi vật chính là mọi vật.
Tại sao ta lại nhìn thấy một vật nếu như ở đó có một vật khác?
Tại sao chuyện nhìn và nghe thấy lại là ảo tưởng,
nếu nhìn và nghe thấy là thực sự nhìn và nghe?
 
Điều thiết yếu là phải biết nhìn,
phải biết nhìn mà không lao đầu vào suy tưởng,
phải biết nhìn khi ta nhìn,
mà chẳng nghĩ suy khi ta nhìn
cũng chẳng nhìn khi ta suy nghĩ.
 
Nhưng điều đó (tội nghiệp chúng ta những kẻ vướng víu với hồn thiêng!)
điều đó đòi hỏi một cuộc nghiên cứu sâu xa,
bao học tập khoa học cần gỡ bỏ
và tự giam mình vào tự do của cái tu viện
mà các tu sĩ mô tả các vì sao như những nữ tu vĩnh cửu
và những bông hoa như những kẻ sám hối phù du không kém gì sùng tín,
nhưng là nơi cuối cùng các vì sao chỉ là các vì sao
và những bông hoa chỉ là những bông hoa,
và bởi thế mà ta kêu chúng bằng các vì sao và những bông hoa.
 
 
XXV
 
Những bong bóng xà-phòng mà đứa trẻ này
vui đùa thổi ra từ một cọng rơm
là cả một triết lý trong cái trong trẻo của chúng.
Trong trẻo, vô dụng và thoáng qua như Thiên nhiên,
thân thiết với mắt ta như mọi vật,
chúng chỉ là chúng,
với một nét chính xác bầu bĩnh và thoáng nhẹ
và không một ai, cả đến đứa trẻ đang bỏ mặc chúng,
lại cho rằng chúng còn gì khác hơn là dáng vẻ phô bày.
 
Có những chiếc bong bóng lúc này không còn thấy rõ trong không khí sáng chói.
Chúng tựa như cơn gió nhẹ đi qua và động hờ những đóa hoa
và ta biết là gió đã đi qua, chỉ
vì có điều gì đó trong ta nhẹ bớt
và chấp nhận tất cả dứt khoát hơn.
 
 
XXVI
 
Đôi khi, vào những ngày có ánh sáng hoàn hảo và chính xác,
vào những ngày mà sự vật có tất cả cái hiện thực có thể có,
tôi khe khẽ tự hỏi chính mình
tại sao tôi, tôi cũng yếu đuối khi gán ghép
cái đẹp cho sự vật.
 
Cái đẹp, một bông hoa tình cờ có thể có?
Một trái cây cũng tình cờ có cái đẹp?
Không, chúng có sắc màu, hình dạng
và hiện hữu thế thôi.
Đẹp là tên của một cái gì không có
mà tôi đem gán cho sự vật để đổi lấy cái thú vị chúng cho tôi.
Điều ấy không có nghĩa gì.
Vậy thời tại sao tôi lại nói về sự vật là chúng đẹp?
 
Phải, ngay cả tôi, kẻ chỉ sống bằng sống,
thật vô hình, những dối trá của con người cũng tìm tới với tôi
trước những sự vật,
trước những sự vật chỉ hiện hữu thế thôi.
 
Thật khó là mình và chỉ thấy những gì thấy được.
 
 
XXVII
 
Chỉ có thiên nhiên là thần thánh, và thiên nhiên không phải thần thánh...
 
Nếu tôi nói về thiên nhiên như nói về một người,
thì chính bởi muốn nói về thiên nhiên, tôi cần phải dùng tới ngôn ngữ loài người,
thứ ngôn ngữ cho sự vật một nhân cách
và ép buộc mọi vật phải có tên.
 
Nhưng mọi vật không có tên và nhân cách:
chúng hiện hữu, và trời thì cao và đất thì rộng,
và trái tim ta vừa bằng một nắm đấm...
 
Phước cho tôi vì tất cả những gì tôi biết.
Tôi vui sướng vì hết thảy điều đó như một người biết mặt trời hiện hữu.
 
 
XXVIII
 
Hôm nay tôi đọc được gần hai trang sách
của một thi sĩ thần bí,
và tôi đã cười như một kẻ từng khóc nhiều.
 
Các thi sĩ thần bí là những triết gia đau yếu,
và các triết gia là những người điên.
 
Bởi các thi sĩ ấy bảo hoa có cảm giác,
đá có linh hồn
và những dòng sông lịm ngất dưới trăng.
 
Nhưng hoa, nếu có cảm giác, đã chẳng phải là hoa,
mà chính là người ta;
và nếu đá có linh hồn, thì hẳn đã là những vật sống động, chứ không phải đá;
và nếu những dòng sông ngất lịm dưới trăng,
thì chúng hẳn là những người đau yếu.
 
Phải cố tình không biết tới những gì là hoa, là đá và sông,
mới nói tới những tình cảm của chúng.
Nói tới hồn của đá, của hoa, của sông,
là nói tới chính bản thân và những ý nghĩ sai lầm của mình.
Nhờ Trời đá vẫn chỉ là đá
và sông vẫn chỉ là sông
và hoa cũng vẫn chỉ là hoa.
 
Phần tôi, tôi viết văn xuôi của thơ tôi
và hết sức hài lòng vì thế,
bởi tôi biết rằng tôi hiểu Thiên nhiên từ bên ngoài;
chứ tôi không hiểu Thiên nhiên từ bên trong
là vì Thiên nhiên không có cái bên trong—
nếu không, nó đã chẳng phải là Thiên nhiên.
 
 
XXIX
 
Tôi không phải bao giờ cũng là một trong những gì tôi nói và tôi viết
tôi thay đổi, nhưng chẳng hề thay đổi.
Màu sắc của hoa dưới ánh sáng mặt trời chẳng phải là một
như khi có mây qua
hay khi đêm xuống
và hoa mang màu bóng tối.
 
Nhưng kẻ nhìn kỹ ắt thấy rõ hoa vẫn là một hoa ấy.
Bởi thế nên khi tôi có vẻ không hòa hợp với chính mình,
xin hãy quan sát tôi thật kỹ:
nếu lúc nãy tôi quay về bên phải
thì lúc này tôi quay về bên trái,
nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn đứng thẳng trên một đôi chân—
vẫn là một tôi, nhờ trời và nhờ đất,
nhờ đôi mắt và đôi tai chăm chú
và nhờ sự giản đơn trong sáng của tâm hồn...
 
 
XXX
 
Nếu người ta muốn rằng tôi phải có một chủ trương thần bí, thì được lắm, tôi có đấy.
Tôi là kẻ chủ trương thần bí, nhưng chỉ với xác thân.
Tâm hồn tôi thật giản đơn và không suy nghĩ.
 
Chủ trương thần bí của tôi nằm trong sự không tìm biết.
Nó gồm có sống và không nghĩ tới.
 
Tôi không biết Thiên nhiên là gì: tôi ngợi ca Thiên nhiên.
Tôi sống trên một đỉnh đồi
trong một ngôi nhà quét vôi trắng và vắng vẻ,
và ấy là điều xác định tôi.
 
 
XXXI
 
Nếu đôi khi tôi nói những bông hoa mỉm cười
và nếu có khi tôi lại nói những dòng sông ca hát,
thì không phải là tôi tin rằng trong những bông hoa có những nụ cười
và trên những dòng sông có những khúc ca...
Mà chính vì làm như thế tôi khiến cho những người giả trá cảm thấy rõ thêm
sự hiện hữu đích thực là thật của những dòng sông và những bông hoa...
 
Bởi tôi viết cho họ đọc nên đôi khi tôi hy sinh
cho những phản ứng thô kệch của họ...
Tôi không đồng ý với chính mình, nhưng tôi xá tội cho tôi
là vì tôi là điều nghiêm trọng này: một kẻ thông dịch Thiên nhiên,
là vì có những người không hiểu ngôn ngữ của Thiên nhiên,
xét rằng Thiên nhiên không hề có ngôn ngữ.
 
 
XXXII
 
Tối hôm qua có một người ở thành thị
tới nói trước cửa lữ quán.
Anh cũng nói với tôi nữa.
Anh nói về lẽ công bằng và về cuộc đấu tranh đang tiếp diễn để công bằng ngự trị
anh nói về các công nhân đang đau khổ
và nói về lao động triền miên, về những người đói khát,
và những người giàu có, những kẻ duy nhất có số đỏ...
 
Và lúc ấy, nhìn tôi, anh thấy mắt tôi rướm lệ
anh mỉm cười khoan khoái, nghĩ rằng tôi cảm thấy
nỗi buồn phiền mà chính anh, anh cảm thấy, và sự xót thương
anh nói là mình cảm thấy.
 
(Nhưng tôi, tôi nào có nghe anh nói.
Quan hệ gì với tôi, thiên hạ
và những gì họ khổ đau hoặc tin là mình đau khổ?
Họ hãy như tôi—và sẽ không còn khổ nữa.
Tất cả sự xấu của thế giới này là do chính chúng ta tự khuấy nhiễu lẫn nhau
hoặc để làm điều tốt hoặc để làm chuyện xấu,
tâm hồn ta và trời và đất đã đủ.
Muốn hơn nữa là để mất tất cả, và lao đầu vào khốn nạn.)
 
Điều mà tôi, tôi nghĩ tới
trong lúc người bạn của nhân loại kia nói
(và chuyện đó đã khiến tôi xúc động tới ứa nước mắt),
cũng tựa như tiếng thì thầm ở xa xăm của đá cuội
vào lúc cuối ngày này
chẳng hề giống những tiếng chuông của một ngôi nhà nguyện
nơi dự lễ mi-sa của những bông hoa và những dòng suối
và những tâm hồn đơn giản như tâm hồn tôi.
 
(Ngợi khen Thượng đế vì tôi không phải là người tốt
và tôi có sự ích kỷ tự nhiên của những bông hoa
và những dòng sông đang theo đuổi con đường của chúng
bận bịu mà không hay
với một chuyện duy nhất là nở hoa và trôi đi.
Ấy đó, sứ mạng duy nhất của Thế giới,
sứ mạng hiện hữu thật trong sáng
và biết thực hiện điều đó mà không nghĩ tới.)
 
Và người kia lúc này đã im tiếng, đôi mắt hướng về phía mặt trời lặn.
Nhưng giữa phía mặt trời lặn với kẻ ghét và yêu có gì liên hệ?
 
 
XXXIII
 
Tội nghiệp những bông hoa trong những bồn hoa của những khu vườn ngang bằng đều đặn.
Chúng có vẻ sợ cảnh sát...
Nhưng chúng đẹp đến nỗi chúng vẫn nở cùng một cách
và vẫn có cùng một nụ cười xưa
như nụ cười đã có trước cái nhìn đầu tiên của con người đầu tiên hết
đã thấy chúng xuất hiện và khẽ chạm tới chúng
để xem chúng có biết nói...
 
 
XXXIV
 
Tôi thấy chuyện người ta không suy nghĩ là quá tự nhiên
đến nỗi đôi khi tôi bỗng dưng cười một mình,
tôi không rõ là mình cười gì, nhưng đúng là về một điều gì đó
có liên hệ ít nhiều tới câu chuyện có những người nghĩ suy...
 
Bức vách nhà tôi kia, nó có thể nghĩ gì về chiếc bóng của tôi?
Đôi khi tôi tự hỏi như thế, cho tới khi chợt thấy
là mình đang tự đặt những câu hỏi...
Tôi đâm bất mãn với chính mình và cảm thấy ngượng ngập
như nhận ra là mình hiện hữu với một chân lạnh cóng...
 
Cái này có thể nghĩ gì về cái kia nhỉ?
Không có cái gì nghĩ gì hết.
Trái đất có ý thức hay chăng về những tảng đá và những cội cây mang trên mình?
Nếu quả có thế thì được lắm!
Quan hệ gì tới tôi?
Giả như tôi có nghĩ về những chuyện ấy,
thì hẳn là tôi không còn thấy được mọi thứ cây lớn, nhỏ
và tôi thôi không còn thấy Trái đất,
để chỉ thấy những ý nghĩ của riêng tôi...
Tôi sẽ buồn và ở lại trong u sầu.
Nhưng như thế, không nghĩ suy, tôi có cả Trời lẫn Đất.
 
 
XXXV
 
Ánh trăng chiếu xuyên qua những cành cao,
toàn bộ các thi sĩ nói, còn có nhiều điều hơn
là ánh trăng chiếu xuyên qua những cành cao.
 
Nhưng với tôi, kẻ chẳng biết mình nghĩ gì,
điều mà ánh trăng chiếu xuyên qua những cành cao
còn có thêm với chuyện nó là
ánh trăng chiếu xuyên qua những cành cao,
chính là không là gì khác hơn
là ánh trăng chiếu xuyên qua những cành cao.
 
 
XXXVI
 
Cứ nghĩ tới có những thi sĩ cũng là những nghệ sĩ
mà vất vả với những vần thơ
như một người thợ mộc trên tấm ván!...
 
Thật là buồn khi không biết nở hoa!
Khi phải đặt từng vần thơ này đến vần thơ khác, như kẻ xây bức tường,
rồi xem có đứng vững hay không, và loại bỏ nếu không đứng vững!...
trong lúc ngôi nhà nghệ thuật duy nhất là toàn Trái đất
trái đất đổi thay, vẫn mạnh giỏi và vẫn là một trái đất.
 
Tôi nghĩ tới điều đó, không phải như người ta nghĩ, mà như người ta hít thở,
và tôi nhìn những bông hoa, tôi mỉm cười...
Tôi không biết hoa có hiểu tôi
cũng chẳng hay tôi, tôi có hiểu chúng,
nhưng tôi biết rằng sự thật ở trong hoa và trong tôi
và trong đặc ân của Thượng đế đã ban chung cho chúng ta
là để chúng ta đi sống trên khắp cùng Trái đất
và để chúng ta được ôm trên tay của những Mùa hạnh phúc
và để gió cất tiếng ru chúng ta
và hủy đi trong giấc ngủ chúng ta mọi mộng mơ.
 
 
XXXVII
 
Như một bức tranh lem luốc khổng lồ bằng lửa
mặt trời tà lần lữa giữa những áng mây sững lại.
Một tiếng còi mơ hồ vẳng tới trong buổi chiều lặng lẽ.
Hẳn là tiếng còi tàu từ xa.
 
Giây phút này tôi bỗng thấy một nỗi buồn man mác
và mơ hồ một niềm ao ước êm đềm
xuất hiện và tan biến.
 
Đôi khi, trôi theo những dòng suối
cũng có những chiếc bọt tụ lại trên mặt nước
những chiếc bọt sinh ra và tan đi—
và không có một ý nghĩa nào khác
hơn là những bọt nước
sinh ra và tan đi.
 
 
XXXVIII
 
Cảm tạ cùng một vầng mặt trời của những miền xa xăm khác
đã khiến tôi trở thành anh em của hết thảy mọi người,
bởi hết thảy mọi người, vào một lúc nào đó trong ngày, cũng đã nhìn mặt trời như tôi
và trong cái lúc tinh khiết ấy
hoàn toàn thanh thản và thân ái ấy,
họ trở lại với nỗi đớn đau
và một tiếng thở dài khó lòng nhận thấy
đối với Con Người đích thực và nguyên thủy
kẻ đã nhìn thấy Mặt trời sinh ra và chưa tôn thờ Mặt trời.
Bởi vì điều đó thật tự nhiên—tự nhiên hơn
là tôn thờ vàng và Thượng đế
và nghệ thuật và đạo đức...
 
 
XXXIX
 
Lẽ huyền bí của mọi vật, vậy thời nó ở đâu?
Vậy thời nó ở đâu mà chẳng hề xuất hiện
để ít ra cũng cho ta thấy nó là lẽ huyền bí?
Dòng sông biết gì về lẽ huyền bí ấy và cội cây biết gì?
Và tôi, kẻ không hơn gì chúng, tôi biết gì?
Mỗi khi nhìn mọi vật và nghĩ tới những gì mọi người nghĩ về chúng,
tôi lại cười như một con suối róc rách thật tươi mát trên một tảng đá.
 
Bởi ý nghĩa bí ẩn duy nhất của mọi vật,
chính là chúng chẳng hề có một ý nghĩa bí ẩn nào hết.
Điều lạ lùng hơn hết thảy mọi sự lạ lùng,
hơn những giấc mộng của hết mọi thi sĩ
và hơn những tư tưởng của hết mọi triết gia,
là mọi vật thực sự là những gì chúng phô bày
và ở đó không có gì để hiểu.
 
Phải, đây là những gì các giác quan tôi tự chúng đã học biết: —
mọi vật không hàm nghĩa: chúng hiện hữu.
Mọi vật là ý nghĩa bí ẩn duy nhất của mọi vật.
 
 
XL
 
Trước mặt tôi lướt qua một con bướm
và lần đầu tiên trong Vũ trụ tôi nhận ra
loài bướm không có màu sắc cũng chẳng có chuyển động
cũng như bông hoa không có mùi hương cũng chẳng có sắc màu.
Chính màu sắc tô màu trên đôi cánh bướm,
trong chuyển động của bướm chính chuyển động chuyển động,
chính mùi hương tỏa hương trong mùi hương của hoa.
Con bướm chỉ là con bướm
và bông hoa chỉ là bông hoa.
 
 
XLI
 
Đôi khi, vào lúc ngày tàn, mùa hạ
khi chưa có lấy một cơn gió, thì dường như
chỉ trong khoảnh khắc thoảng qua một làn hơi rất nhẹ...
Nhưng hàng cây vẫn đứng im
với tất cả những chiếc lá của chúng
và các giác quan ta cảm thấy một ảo tưởng
cái ảo tưởng về một sự vật hẳn đã phải làm chúng say mê...
 
A, các giác quan, những người bệnh nhìn thấy và nghe thấy!
Giá chúng ta có thể thực sự hiện hữu như lẽ ra chúng ta phải thế,
thì hẳn chúng ta đã chẳng cần tới ảo tưởng...
Ta chỉ việc cảm thấy với một nhận định thật rõ rệt
mà chẳng cần quan tâm tới việc sử dụng các giác quan...
 
Nhưng nhờ Trời mới có sự bất toàn trên Thế giới,
bởi bất toàn là một sự vật,
và chuyện có những kẻ lầm lạc là độc đáo,
và chuyện có những người đau yếu khiến cõi đời này thật dễ chịu.
Nếu không có sự bất toàn thì sẽ thiếu một sự vật
và phải có khá nhiều sự vật thay thế
để chúng ta có nhiều thứ để nhìn thấy và nghe.
 
 
XLII
 
Cỗ xe ngựa chạy qua trên đường, rồi đi khỏi;
con đường cũng chẳng vì thế mà đẹp thêm hoặc xấu đi.
Mọi hành động con người trên cõi đời rộng lớn này cũng thế.
Chúng ta chẳng rút ra được gì, cũng chẳng thêm được gì; chúng ta qua và chúng ta quên;
và mặt trời vẫn đúng hẹn hết mọi ngày.
 
 
XLIII
 
Thà như cánh chim bay qua không để lại dấu tích,
còn hơn con thú đi qua mà dấu chân trên nền đất còn in.
Cánh chim qua và quên, đúng như điều phải thế.
Con thú, ở nơi nó bỏ đi và không còn nữa, hoàn toàn vô ích,
chứng tỏ là mình mới vừa ở đó, cũng chẳng ích lợi gì.
 
Tưởng niệm là một bội phản đối với Thiên nhiên,
vì Thiên nhiên hôm qua không phải là Thiên nhiên.
Những gì đã qua không là gì hết, và tưởng nhớ là không nhìn thấy.
 
Qua đi, hỡi chim, qua đi, và dạy ta qua!
 
 
XLIV
 
Đột nhiên tôi thức dậy ban đêm
và chiếc đồng hồ của tôi choán mất trọn đêm.
Tôi không còn cảm thấy Thiên nhiên ở bên ngoài.
Căn buồng của tôi là một vật tối tăm với những bức vách mơ hồ trắng.
Bên ngoài là một sự bình yên như không có gì hiện hữu.
Duy chiếc đồng hồ vẫn tích tắc tích tắc
và cái vật nho nhỏ có những guồng máy mắc míu nhau nằm trên bàn tôi đây
bóp ngạt mọi hiện hữu của trời và đất...
Tôi gần như lạc mất khi nghĩ tới ý nghĩa của sự việc,
nhưng tôi dừng lại ngay, và trong đêm cảm thấy mình nhếch mép cười,
là vì điều duy nhất mà chiếc đồng hồ của tôi là tượng trưng hay hàm nghĩa
khi dùng cái nhỏ nhoi của mình làm đầy đêm to lớn
chính là cái cảm giác kỳ quặc làm đầy đêm to lớn
bằng cái nhỏ nhoi của mình...
 
 
XLV
 
Một rặng cây ở xa xa dưới kia, dưới kia về phía ngọn đồi nhỏ.
Nhưng một rặng cây là gì? Là những cây, thế thôi.
Rặng và số nhiều những cây không phải là sự vật, ấy là những cái tên.
 
Thảm hại thay con người đâu đâu cũng sắp đặt thứ tự,
vẽ vạch những đường nét từ vật này tới vật khác,
 
đặt những tấm bảng ghi tên trên những cội cây hoàn toàn có thật,
và vẽ vạch những đường song song của vĩ và kinh độ
cả trên trái đất, trái đất thật vô tội và xanh hơn hết thảy!
 
 
XLVI
 
Bằng cách này hay cách khác,
tùy như chuyện xẩy ra có nhằm lúc hay không,
đôi khi có khả năng nói những gì tôi suy tưởng,
và khi khác lại nói ra thật dở và không được tinh khiết,
tôi viết những vần thơ tôi một cách không cố ý,
như thể hành động viết không phải là một việc làm bằng những cử động,
như thể là chuyện viết là một điều xẩy tới với tôi
như tắm nắng.
 
Tôi tìm cách nói những gì tôi cảm thấy
mà không nghĩ tới những gì tôi cảm thấy.
Tôi tìm cách tán trợ ngôn từ chống với ý niệm
và không cần tới cái hành lang
của suy tưởng để dẫn đưa tới lời nói.
 
Không phải bao giờ tôi cũng cảm thấy được những gì tôi biết là mình phải cảm thấy.
Suy tưởng tôi lội qua sông thật chậm rãi
là vì trên mình nó đè nặng những áo quần mà người ta ép buộc nó phải mang.
Tôi tìm cách tước bỏ những gì tôi đã học,
tôi tìm cách quên đi lối suy tưởng mà người ta đã nhồi nhét,
cạo bỏ vết mực người ta đã dùng để bôi bẩn các giác quan tôi,
rút ra những cảm giác thực sự của tôi,
tháo gỡ tôi ra và trở lại với bản thân—không phải là Alberto Caeiro
mà là một động vật có nhân tính do Thiên nhiên sản sinh.
 
Và thế là tôi viết, ao ước mình cảm thấy Thiên nhiên, dẫu không phải như một con người cảm thấy,
mà như kẻ cảm thấy Thiên nhiên, thế thôi.
Tôi viết như thế đó, khi hay khi dở,
khi thì động tới mà không đập mạnh vào những gì tôi muốn diễn tả và khi thì lầm lạc,
té xuống ở đây, và chỗi dậy ở kia,
nhưng vẫn tiếp tục con đường của tôi như một người mù bướng bỉnh.
 
Có hề gì... Và dẫu sao thì tôi cũng là một ai đó.
Tôi là người Khám phá Thiên nhiên.
Tôi là kẻ Chinh phục những cảm giác thật.
Với Vũ trụ, tôi đem lại một Vũ trụ mới
là vì tôi đem lại cho Vũ trụ chính Vũ trụ.
Điều đó tôi cảm thấy và tôi viết ra,
hoàn toàn rõ mà không cần nhìn tới,
là đã năm giờ sáng
và mặt trời chưa ló đầu lên
trên bức tường chân trời,
dẫu như thế người ta vẫn phân biệt được mấy đầu ngón tay của nó
đang bấu lấy mảnh tường cao
của chân trời đầy những ngọn núi thấp.
 
 
XLVII
 
Vào một ngày quá rõ rệt,
một ngày mà người ta chỉ muốn mình đã làm việc thật nhiều
để có thể không làm gì vào ngày ấy,
tôi chợt thấy, tựa như một lối đi giữa những hàng cây,
điều có lẽ là niềm Bí ẩn lớn,
sự Huyền bí vĩ đại mà các ngụy thi sĩ thường nói tới.
 
Tôi thấy rằng không có Thiên nhiên,
rằng Thiên nhiên không hiện hữu,
rằng có những núi, những thung, những đồng bằng,
rằng có những cây, những hoa, những cỏ,
rằng có những dòng sông và những tảng đá,
nhưng không có một toàn thể mà những thứ kia là thành phần,
rằng một toàn bộ có thật và thực sự
chỉ là một căn bệnh của suy tưởng chúng ta
 
Thiên nhiên làm bằng những phần không hợp thành một toàn thể.
Có lẽ đây là sự huyền bí tiếng tăm mà người ta nói tới.
Ấy là điều mà không suy nghĩ cũng không chậm trễ
tôi nhận ra, điều hẳn là sự thật
mà mọi người đang kiếm tìm, và không thấy,
điều mà mình tôi, chẳng hề tìm kiếm, tôi đã thấy.
 
 
XLVIII
 
Từ khung cửa sổ cao nhất trong nhà
vẫy chiếc khăn tay trắng tôi nói lời từ giã
những vần thơ tôi, những vần thơ đi về với nhân loại.
 
Và tôi không vui cũng không buồn.
Ấy là định mệnh của những vần thơ.
Tôi đã viết chúng ra và tôi phải cho mọi người thấy
là vì tôi không thể sử dụng chúng cách nào khác,
hệt như bông hoa không thể che giấu sắc màu,
như dòng sông không thể che giấu mình trôi,
như cội cây không thể che giấu mình sinh ra trái.
 
Kìa những vần thơ ấy đã rời xa như lên cỗ xe
và tôi bất đắc dĩ cảm thấy buồn phiền
như một nỗi đớn đau trong cơ thể.
 
Ai biết được người nào sẽ đọc chúng?
Ai biết được chúng sẽ rơi vào những bàn tay nào?
Là hoa, định mệnh tôi đã hái tôi cho những con mắt.
Là cây, người ta đã giựt đứt những trái của tôi cho những miệng.
Là sông, định mệnh những dòng nước của tôi là không ở lại trong tôi.
Tôi tuân phục và tôi cảm thấy mình gần như vui sướng,
gần như vui sướng như một người đã chán cả buồn.
 
Đi đi, các ngươi hãy tách rời ta!
Cây qua đi và tản mát trong Thiên nhiên.
Hoa tàn tạ và chút bụi hoa còn mãi.
Sông trôi qua rồi lao mình vào biển cả và những dòng nước của nó vẫn mãi mãi là của nó.
 
Tôi qua đi và tôi còn đó, như Vũ trụ.
 
 
XLIX
 
Tôi trở về nhà, tôi khép cánh cửa sổ.
Người ta mang đèn lại, người ta chúc tôi ngủ ngon,
và bằng một giọng hài lòng tôi đáp ngủ ngon.
Cầu Trời cho đời tôi mãi mãi được như điều này:
ngày nắng sáng, hay mưa ngọt ngào
hay bão tố như gần Tận thế,
buổi chiều dịu êm với những nhóm người bước qua,
được chăm chú rõi theo từ cánh cửa,
cái nhìn thân thiết cuối cùng phóng lên những hàng cây bình yên,
rồi cánh cửa khép lại và ngọn đèn thắp lên,
không đọc sách, không nghĩ gì, không ngủ,
cảm thấy sự sống chảy trong mình như một dòng sông trong lòng sông
và bên ngoài, một niềm im lặng lớn tựa như một vị thần đang ngủ.
 
(xin xem tiếp kỳ 3: "Người mục tử si tình" & "Những bài thơ rời")
 
Đã đăng:
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
ALBERTO CAEIRO (1889-1915), «nhà thơ duy nhất của Thiên nhiên» như ông đã tự nhận, sinh tại Lisboa, Bồ-đào-nha ngày 16 tháng Tư năm 1889 và mất vì lao phổi năm 1915, tác giả tập thơ Người chăn giữ đàn thú. Ông là một «dị danh» của Fernando Pessoa, và được tôn kính như «bậc thày» của chính Pessoa, Álvaro de Campos và Ricardo Reis,... (Xin xem thêm : "Fernando Pessoa và người thày của ông" đã đăng trên Tiền Vệ).
 
Người chăn giữ đàn thú của Alberto Caeiro có 3 phần, phần đầu mang tiểu đề «Người chăn giữ đàn thú» gồm 49 bài ghi số La-mã; phần nhì có tiểu đề «Người mục tử si tình» gồm 6 bài; và phần còn lại gồm 53 bài được xếp dưới tiểu đề «Những bài thơ rời». Các bài ở hai phần sau chỉ phân cách nhau bằng dấu hoa thị (*). Một dịch giả tiên khởi người Pháp đã cắt bớt một số bài ở phần 3 của tác phẩm vì không đồng ý với... tác giả! Các bài này đã được lập lại trọn vẹn ở đây, căn cứ vào nguyên tác và theo một số dịch giả kế tiếp cũng người Pháp.
 
Con số tác phẩm của Fernando Pessoa khui thêm trong chiếc rương ông để lại xuất hiện ngày càng nhiều; số dịch giả mới cũng thêm đông đảo. Tôi rất tiếc không còn ngày giờ để coi những «khám phá mới» để nếu cần, sửa lại... Bản dịch bạn hiện có trước mắt (đã được một nhật báo Bồ-đào-nha «đọc và nói tới» với thiện cảm) sao lại nguyên văn bản dịch 1992 của tôi. Các bạn cần tra cứu thêm có thể đọc các sách của Fernando Pessoa do nhà Christian Bourgois hoặc nhà La Différence ở Pháp ấn hành. Gần đây lại có một pho Fernando Pessoa thật đồ sộ in trong tủ sách «La Pléiade» của nhà Gallimard, Pháp. Nguyên tác (loại bỏ túi) khá phổ biến ở Bồ-đào-nha.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021