thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI CHÂU PHI [Thân thể]

 

Bản dịch Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên

 

J.-M. G. LE CLÉZIO

(1940~)

 

 

NGƯỜI CHÂU PHI

 

Con người ai cũng là kết quả của một người cha và một người mẹ. Ta có thể không nhìn nhận họ, không thương yêu họ, ta có thể nghi ngờ họ. Nhưng họ vẫn hiện hữu ở kia, với khuôn mặt họ, những thái độ của họ, những cung cách và những tật lớn của họ, những ảo tưởng, những hi vọng của họ, hình dáng bàn tay và những ngón chân của họ, màu mắt và màu tóc của họ, cách họ nói, những ý nghĩ của họ, có lẽ cả tuổi họ qua đời, tất cả những thứ ấy đều đi qua chúng ta.

Từ lâu tôi vẫn mơ mẹ tôi là người da đen. Tôi đã bịa ra một câu chuyện, một quá khứ, để trốn khỏi thực tại khi từ châu Phi trở về, trong đất nước này, trong thành phố mà tôi không quen biết ai, thành phố mà tôi đã trở thành một người xa lạ. Thế rồi, khi cha tôi đến tuổi về hưu, đã trở về sống với chúng tôi ở Pháp, tôi khám phá ra cha chính là người châu Phi. Điều này thật khó nhìn nhận. Tôi đã phải ngoái nhìn lại phía sau, bắt đầu trở lại, cố tìm hiểu. Để ghi lại kỷ niệm ấy, tôi đã viết cuốn sách nhỏ này.

 

 

Thân thể

 

Về cái gương mặt tôi nhận kể từ khi ra đời, tôi có đôi điều muốn nói. Trước tiên, tôi đã phải chấp nhận nó. Khẳng định rằng tôi không ưa nó tức là cho nó một sự quan trọng mà nó không hề có khi tôi còn nhỏ. Tôi không ghét nó, tôi làm như không biết nó, tôi tránh nó. Tôi không nhìn nó trong gương soi. Trong nhiều năm, tôi nghĩ là tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Trước những tấm ảnh, tôi quay mặt đi, tựa như có ai khác thế vào chỗ của mình.

Khoảng gần tám tuổi, tôi đã sống bên Tây Phi, ở Nigeria, trong một vùng khá cách biệt, là nơi trừ cha tôi và mẹ tôi, không có người châu Âu nào, và là nơi nhân loại, đối với thằng bé là tôi thời ấy, chỉ gồm có những người Ibos và Yoroubas.[1] Trong túp lều mà chúng tôi sống (từ «lều» có một cái gì mang tính thuộc địa ngày nay có thể gây sốc, nhưng lại mô tả đúng chỗ ở thuộc chức năng mà chính phủ Anh dự kiến cho những y sĩ quân đội: một tấm đá lát bằng xi măng thay cho nền, bốn bức tường xây bằng gạch nén không trát vữa, một mái tôn lượn sóng có phủ lá cây, không trang trí, những chiếc võng móc trên tường dùng làm giường và, nhượng bộ xa xỉ duy nhất, là một cái vòi tắm nối liền với một bồn chứa nước được mặt trời đun nóng đặt trên mái nhà qua những đường ống bằng sắt), vậy thì trong túp lều ấy, không có gương soi, không tranh ảnh, chẳng có gì có thể nhắc chúng tôi nhớ đến cái thế giới chúng tôi từng sống cho đến lúc bấy giờ. Một cái thập giá cha tôi treo trên tường, nhưng không có người. Chính đó là chỗ tôi đã học được cách quên. Với tôi, dường như đánh dấu cái ngày gương mặt tôi bị xoá mất, và cả gương mặt của những người chung quanh tôi trước đó nữa, ấy chính là khi tôi bước vào túp lều kia, ở Ogoja.[2]

Đánh dấu ngày xuất hiện của những thân người chính là từ thời đó, có nghĩa là liên tiếp từ đó. Thân thể tôi, thân thể mẹ tôi, thân thể anh tôi, thân thể những thằng bé hàng xóm chơi đùa với tôi, thân thể những phụ nữ châu Phi ở ngoài đường, chung quanh nhà, hoặc là ở chợ, gần sông. Vóc người họ, đôi vú nặng trĩu, làn dá bóng loáng trên lưng họ. Cu của bọn con trai, những cái qui đầu màu hồng đã cắt. Chắc chắn đó là những gương mặt, nhưng giống như những mặt nạ bằng da, chai cứng, đầy những sẹo, những vết cắt các dịp nghi lễ. Những cái bụng nhô ra, cái núm rốn giống như một viên cuội may dưới da. Mùi của thân thể cũng thế, khi sờ tay vào, có cảm giác da không xù xì mà nóng và nhẹ, lởm chởm hàng ngàn sợi lông. Tôi có cảm tưởng hầu như chính xác, về con số những thân hình chung quanh tôi, một cái gì trước đây tôi chưa hề biết tới, một cái gì mới lạ và cùng lúc lại quen thuộc, nó loại ra ngoài sự sợ hãi.

? châu Phi, để lộ thân thể là một điều tuyệt diệu. Nó cho khoảng nhìn, chiều sâu, nó nhân lên cảm giác, nó căng ra một mạng lưới con người chung quanh tôi. Nó hoà điệu với miền đất ibo,[1] với đường nét sông Aiya,[3] với những túp lều trong làng, những mái nhà màu vàng hung, những vách tường màu đất. Nó sáng rỡ trong những tên gọi đã đi vào tôi và mang nhiều ý nghĩa hơn những tên chỉ nơi chốn: Ogoja, Abakaliki, Enugu, Obudu, Baterik, Ogrude, Obubra.[4] Nó thấm đẫm thành bìa cánh rừng đầy mưa siết chặt chúng tôi từ mọi phía.

 

 

Khi ta còn bé, ta không dùng chữ (và chữ thì không bao giờ dùng hết). Thời ấy tôi rất xa những tính từ, những thể từ. Tôi không thể nói và cũng không thể nghĩ: tuyệt vời, mênh mông, sức mạnh. Nhưng tôi có thể cảm nhận được. Đến mức độ nào những thân cây thẳng hàng vươn mình lên cái vòm đêm khép kín phía trên đầu tôi, như trong một đường hầm nó chứa cái lỗ nứt đầy máu của đoạn đường đất sét đi từ Ogoja hướng về phía Obudu, đến mức độ nào trong những cánh rừng thưa trong các làng mạc tôi cảm nhận những thân thể trần truồng, mồ hôi bóng loáng, những hình dáng to cao của các phụ nữ, những đứa con đeo bên hông, tất cả làm thành một toàn bộ kết hợp chặt chẽ, không chút gì dối trá.

Lối vào Obudu, tôi còn nhớ rõ: con đường ra khỏi bóng râm của khu rừng và đi vào thẳng trong làng, giữa nắng. Cha tôi dừng xe lại, cùng với mẹ tôi, cha cần phải nói chuyện với những nhân viên chức trách. Tôi một mình giữa đám đông, tôi không thấy sợ. Mấy bàn tay sờ lên người tôi, lướt tới hai cánh tay tôi, tới tóc tôi chung quanh vành nón. Trong số đám người đổ xô lại quanh tôi, có một bà già, nói cho cùng tôi cũng không biết là bà đã già. Tôi cho rằng thoạt tiên tôi để ý đến tuổi của bà, bởi vì bà khác hẳn những đứa trẻ trần truồng và cả những người đàn ông và đàn bà mặc áo quần ít nhiều theo kiểu tây phương mà tôi nhìn thấy ở Ogoja. Khi mẹ tôi trở lại (có thể mẹ lo lắng mơ hồ trước cảnh người ta bu quanh tôi), tôi chỉ bà ấy cho mẹ: “Bà ấy bị sao vậy? Có phải bà bị bệnh không?” Tôi còn nhớ câu tôi hỏi mẹ. Thân hình trần truồng của bà, đầy những nếp xếp, những vết nhăn, da bà giống như một cái túi da bị xẹp, hai vú xệ dài và nhão nhẹt, lủng lẳng trên bụng, da nứt nẻ, mờ xỉn, màu hơi xám, mọi thứ đối với tôi đều lạ lùng, và cùng lúc lại là có thực. Làm sao tôi có thể tưởng tượng người đàn bà ấy từng là bà của tôi? Và tôi cảm thấy không phải kinh dị cũng không phải là thương hại, mà trái lại là tình thương và sự tha thiết, là những thứ gây ra nơi ta khi ta nhìn thấy sự thật, nhìn thấy cái sống thật trước mắt. Tôi chỉ còn nhớ câu hỏi này: “Có phải bà bị bệnh không?” Ngày nay câu hỏi vẫn còn nung nấu trong tôi một cách kỳ lạ, tựa như thời gian đã không hề trôi qua. Chứ không phải là câu trả lời – chắc chắn là trấn an, có lẽ hơi lúng túng – của mẹ tôi: “Không, bà không bệnh đâu, bà đã già, có thế thôi.” Đối với một đứa bé, thì tuổi già trên thân thể một người đàn bà chắc hẳn còn chướng mắt hơn nữa, bởi vì lúc nào cũng thế, ở Pháp, ở châu Âu, những xứ người ta mang nịt bụng và váy mặc trong, nịt vú và quần áo dính liền, phụ nữ thường không bị bệnh già. Cái vết bỏng trên má mà tôi vẫn còn cảm nhận, nó đi theo với câu hỏi ngây ngô của tôi và câu trả lời tàn nhẫn của mẹ tôi, như một cái tát. Nó vẫn nằm trong tôi không có lời giải đáp. Câu hỏi chắc chắn không phải là: Tại sao người đàn bà ấy lại ra nông nỗi thế, tàn tạ và biến dạng vì tuổi già?, mà là: Tại sao người ta nói dối với tôi? Tại sao người ta đã giấu tôi sự thật?

 

Châu Phi, chính đó là thân thể đúng hơn là gương mặt. Chính là sự hung bạo của những cảm xúc, sự hung bạo của những thèm muốn, sự hung bạo của những mùa. Kỷ niệm đầu tiên của tôi về lục địa này, ấy chính là thân thể tôi phủ đầy những vết bong nhỏ chảy nước do sức nóng quá mức, một chứng nhiễm lành tính mà những người da Trắng thường bị khi vào vùng nhiệt đới, dưới tên gọi khôi hài là “bourbouille”[5] – tiếng Anh gọi là prickly heat.[5] Tôi ở trong ca bin tàu trôi dọc theo bờ biển, ngoài khơi Conakry, Freetown, Monrovia,[6] trần truồng trên ghế nằm, ô cửa sổ trên tàu mở ra khí trời ẩm thấp, người rắc đầy phấn talc, với cảm tưởng mình đang nằm trong một cái quách[7] vô hình, hay đang bị tóm trong cái lờ như một con cá, được tẩm bột trước khi người ta đem chiên. Châu Phi đã tước mất của tôi gương mặt nhưng trả lại cho tôi một thân thể, thân thể đau đớn, lên cơn sốt, cái thân thể mà nước Pháp đã giấu tôi trong sự êm dịu làm cho tôi bạc nhược trong gia đình ấm áp của bà tôi, mất bản năng, mất cả tự do.

 

 

Những gì tôi nhận được trong chuyến tàu kéo tôi về phía cái thế giới kia còn là trí nhớ nữa. Cái châu Phi hiện tại xoá đi tất cả những gì xảy ra trước đó. Chiến tranh, giam mình trong căn hộ ở Nice (nơi chúng tôi sống năm người trong hai phòng sát mái nghiêng, và còn có thể kể là sáu người nếu tính luôn chị ở Maria mà bà tôi chưa quyết định được là không cần nữa), những khẩu phần, hoặc chạy lên núi trốn vì mẹ tôi phải ẩn mình, sợ Gestapo bố ráp – tất cả những thứ ấy xoá mờ, biến mất, trở thành không có thực. Thế là với tôi, từ nay đã có trước và sau châu Phi.

Tự do ở Ogoja, ấy là sự ngự trị của thân thể. Tầm nhìn là vô giới hạn, từ trên cao cái mặt bằng xi măng trên đó ngôi nhà được xây, giống như phòng ngăn có mái che của một cái bè trôi trên biển cỏ. Nếu tôi cố gắng nhớ, tôi có thể tái lập những đường ranh mơ hồ của cái cơ ngơi này. Nếu có ai còn giữ được ký ức nhiếp ảnh về nơi chốn hẳn người ấy sẽ ngạc nhiên khi một đứa bé tám tuổi có thể thấy ra ở đây. Chắc chắn là có một khu vườn. Không phải một vườn cây cảnh – trong xứ sở này làm sao có một cái gì là thú vui? Đúng hơn là một khoảng đất sinh lợi, nơi cha tôi trồng cây ăn trái, những cây xoài, cây ổi, đu đủ, và để làm hàng rào trước hiên nhà, cha trồng những cây cam và chanh mà lũ kiến đã đem phần lớn lá cây khâu lại với nhau để làm tổ trên không, lan ra ngoài một thứ lông tơ bằng vải sợi che chở cho trứng kiến. Đâu đó phía sau nhà, giữa những bụi rậm, có một cái chuồng gà sống chung nào gà mái nào gà Nhật, tôi được báo hiệu chúng có ở đó chỉ là do sự hiện diện của mấy con diều hâu bay lên bay xuống trên trời, mà đôi khi cha tôi đem súng cac-bin ra bắn. Một khu vườn, gọi như thế, là bởi một trong những người làm công cho nhà tôi mang danh là “garden boy”.[8] Ở cuối khu đất, hẳn là có những túp lều cho người làm: thằng “boy”, thằng “small boy”,[8] và nhất là người đầu bếp, mà mẹ tôi rất thương, và cùng với ông, mẹ từng nấu những món ăn, không phải theo kiểu Pháp, mà là món xúp đậu phộng, khoai lang nướng, hay “foufou”, món bột nhào củ mài vẫn là món ăn thường ngày của chúng tôi. Thỉnh thoảng, mẹ tôi cùng với ông lăn vào làm thử món mứt ổi hay món đu đủ ngâm, hoặc cả kem nước quả mà mẹ quay tay. Nhất là trong sân, có một đám trẻ, rất đông, mỗi buổi sáng thường đến chơi đùa và chuyện trò với nhau và chúng tôi chỉ rời sân khi đêm xuống.

Tất cả những thứ ấy có thể cho ta cảm giác một cuộc sống thuộc địa tổ chức rất đàng hoàng, cuộc sống gần như ở thành thị – hay ít ra là nông thôn theo kiểu ở Anh hay ở Normandie trước thời đại công nghiệp. Tuy nhiên đây chính là sự tự do hoàn toàn của thân xác và tinh thần. Trước nhà, về hướng ngược lại với bệnh viện nơi cha tôi làm việc, bắt đầu có một khoảng mênh mông không thấy chân trời, với một đoạn hơi lượn sóng có thể vuột mất tầm mắt của ta. Phía nam, con dốc dẫn đến thung lũng sương mù sông Aiya, một nhánh của sông Cross, và dẫn đến các làng, Ogoja, Ijama, Bawop. Về phía bắc và phía đông, tôi có thể nhìn thấy cánh đồng rộng màu vàng hung lấm chấm những tổ mối khổng lồ, có nhiều sông suối và đầm lầy cắt ngang, và chỗ bắt đầu vào rừng, những lùm cây khổng lồ, cây irokos,[9] gỗ trám hồng,[10] tất cả được bao phủ bởi một bầu trời bao la, một cái vòm xanh tuyền sống sượng là nơi mặt trời cháy rực, và mỗi buổi chiều tràn ngập những đám mây kéo theo dông bão.

Tôi còn nhớ sự hung bạo. Không phải một sự hung bạo kín đáo, giả dối, khủng bố như cái hung bạo mà đám trẻ con sinh ra giữa thời chiến tranh từng biết – trốn để thoát ra ngoài, rình rập đám lính Đức mặc áo choàng dài màu xám đang ăn cắp mấy cái bánh xe chiếc De Dion-Bouton của bà tôi, nghe nhai đi nhai lại trong giấc mơ những câu chuyện buôn lậu, chuyện gián điệp, những từ không rõ ý, những tin nhắn của cha tôi qua đường dây Ông Ogilvy, lãnh sự Hoa kỳ, và nhất là nạn đói, thiếu thốn mọi thứ, tin đồn mấy chị em họ của bà tôi phải sống bằng rau nhặt bỏ. Cái hung bạo ấy không thực sự là thuộc vật chất. Nó ngấm ngầm và che giấu như một căn bệnh. Vì nó mà cơ thể tôi bị hao mòn, những cơn ho không kìm nổi, những chứng nhức đầu đau đớn đến độ tôi phải trốn dưới tấm váy dài của cái bàn một chân, hai nắm tay ấn sâu vào hốc mắt.

Ogoja cho tôi một thứ hung bạo khác, lộ ra ngoài, có thực, làm toàn thân tôi rúng động. Điều này thấy rõ trong từng chi tiết của đời sống và của thiên nhiên bao quanh. Những cơn dông từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ từng thấy hay từng mơ tới, bầu trời đen như mực với những đường vằn chớp sáng, gió gập cong những cây lớn chung quanh vườn, bứng mất cả những cành cọ trên mái nhà, quay cuồng tận trong phòng ăn khi luồn qua dưới các khe cửa và thổi tắt những ngọn đèn dầu. Có nhiều buổi tối, một ngọn gió đỏ từ phía bắc thổi đến, làm những tường nhà sáng lên. Một thứ điện lực mà tôi buộc phải chấp nhận, phải tập quen, và do đó mà mẹ tôi phát minh ra một trò chơi, là đếm những giây đồng hồ chia cách chúng tôi với tiếng sét đánh, nghe tiếng nó đến gần từng kilômet một, và bỏ đi về hướng núi. Một buổi chiều, cha tôi đang mổ trong bệnh viện, thì sét theo cánh cửa lớn ập vào và lan ra trên nền đất không một tiếng động, làm chảy những chân bàn mổ bằng kim loại và đốt cháy cả những gót cao su đôi giày của cha, rồi sau đó sấm chớp tụ lại và chuồn mất qua lối nó đã đi vào, như một ngoại chất, để trở về với bầu trời sâu hút. Thực tại đúng là nằm trong những truyền thuyết.

 

 

Châu Phi mạnh lắm. Đối với một đứa trẻ con như tôi, sự hung bạo là cái tổng quát, không gì bàn cãi. Nó cho ta sự hứng khởi. Sau bao nhiêu tai hoạ và ruồng bỏ, ngày nay nói về nó là chuyện khó. Ít người châu Âu hiểu được thứ cảm giác này. Công việc cha tôi làm ở Cameroun trước, sau đó đến Nigeria, đã tạo ra một tình huống đặc biệt. Phần lớn những người Anh tại chức trên đất thuộc địa đều làm những công việc hành chính. Họ là nhà binh, quan toà, district officers[11] (những người D.O, mà mấy chữ cái, phát âm theo cách Anh, Đi-Ô, làm tôi nghĩ tới một cái tên tôn giáo, như một biến thể trên chữ “Deo gratias” trong lễ misa mà mẹ tôi cử hành trước hiên nhà mỗi sáng chủ nhật). Cha tôi là y sĩ duy nhất trong một phạm vi sáu mươi kilômet. Nhưng cái kích thước tôi đưa ra ấy không có một ý nghĩa nào: thành phố hành chính đầu tiên là Abakaliki, cách bốn giờ đường bộ, và muốn đến đó phải đi qua sông Aiya bằng phà, rồi qua một khu rừng rậm. Khu nhà ở kia của một viên chức D.O. nằm ở ranh giới Cameroun thuộc Pháp, ở Obudu, dưới chân những ngọn đồi hiện những con khỉ đột vẫn còn sống. Ở Ogoja, cha tôi phụ trách phòng chữa bệnh (một bệnh viện cũ của nhà thờ do mấy bà xơ để lại), và là y sĩ duy nhất ở phía bắc tỉnh Cross River. Ở đấy, cha làm hết mọi việc, như sau này cha đã kể lại, từ việc đỡ đẻ cho đến việc mổ xác người. Hai anh em chúng tôi là những đứa trẻ da trắng duy nhất trong khắp vùng này, Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về cái đã bịa ra bản sắc hơi biếm hoạ của những đứa trẻ lớn lên ở các “thuộc địa”. Nếu tôi đọc những cuốn tiểu thuyết “thuộc địa” do những người Anh vào thời kỳ ấy viết, hay thời kỳ trước khi chúng tôi đến Nigeria – Joyce Cary, chẳng hạn, tác giả cuốn Missíe Johnson –, tôi chẳng nhận ra bất cứ gì. Nếu tôi đọc William Boyd, là người cũng từng sống một phần tuổi thơ ở Tây Phi thuộc Anh, tôi cũng không nhận ra gì cả: bố của ông ấy từng là D.O. (ở Accra xứ Ghana, tôi nhớ hình như thế). Tôi chẳng biết tí nào về những gì ông viết, cái nặng nề trên đất thuộc địa, những cái lố lăng trong xã hội da trắng sống lưu vong trên bờ biển, tất cả những việc ti tiện mà đám trẻ con đặc biệt chú ý, thái độ khinh bỉ đối với dân bản xứ, mà họ chỉ biết có một phần nơi những người làm phải cúi mình trước những cái thất thường của đám con cái chủ nhà, và nhất là kiểu bè đảng mà bọn trẻ cùng chung huyết thống vừa họp lại với nhau vừa chia rẽ, trong đó chúng thấy có một cái gì mỉa mai phản ánh những tật xấu và những trò lừa lọc của chúng, và cái làm thành một thứ trường học về ý thức chủng tộc đối với chúng là cái bổ sung cho việc rèn luyện ý thức con người – tôi có thể nói là, cám ơn Chúa, tất cả những thứ ấy với tôi là xa lạ.

Chúng tôi không đi học ở trường. Chúng tôi không có câu lạc bộ, không hoạt động thể thao, không có điều lệ, không có bạn bè hiểu theo nghĩa người ta gán cho từ này ở Pháp hay ở Anh. Cái kỷ niệm tôi còn giữ về thời này có thể là cái kỷ niệm trải qua trên chuyến tàu, giữa hai thế giới khác nhau. Nếu ngày nay tôi nhìn tấm ảnh duy nhất mà tôi còn giữ lại của ngôi nhà ở Ogoja (một tấm hình nhỏ xíu, in cỡ 6x6 thông thường sau chiến tranh), tôi khó mà tin được đây vẫn cùng là chỗ tôi nói tới: một khu vườn rộng trống trải, nơi mọc lan tràn những cây cọ, những cây phượng vĩ, cắt ngang khu vườn là một lối đi thẳng hàng, đậu trên lối đi là một chiếc xe Ford V 8 to tướng của cha tôi. Một ngôi nhà bình thường, với một mái tôn lượn sóng và, cuối vườn, là những hàng cây lớn đầu tiên của khu rừng. Trong tấm ảnh duy nhất ấy có một cái gì lạnh lẽo, gần như khắc khổ, gợi ra quyền uy, trộn lộn hình ảnh trại lính, bãi cỏ ở Anh quốc và cái sức mạnh thiên nhiên mà sau đó rất lâu, tôi chỉ tìm thấy lại được trong vùng kênh Panama.

Chính nơi đây, trong khung cảnh này, tôi đã sống những quãng đời man dại của tôi, cuộc sống tự do, gần như nguy hiểm. Một sự tự do trong cử động, trong tư tưởng và trong cảm xúc mà sau đó tôi không bao giờ còn có được. Kỷ niệm thường lừa gạt, hẳn là thế. Cuộc sống tự do toàn diện ấy, chắc là tôi đã mơ tới, đúng hơn là đã sống. Giữa cái buồn của miền nam nước Pháp trong thời chiến tranh và cái buồn cuối thời thơ ấu của tôi ở thành phố Nice những năm năm mươi, bị bạn bè cùng lớp ruồng bỏ do tính lạ thường của tôi, bị ám ảnh bởi uy quyền quá đáng của cha tôi, phải đương đầu với sự tầm thường quá lớn của những năm trung học, những năm đi hướng đạo, rồi thì trong thời thanh niên là mối đe doạ phải ra chiến trường để duy trì những đặc quyền đặc lợi cho cái xã hội thực dân cuối cùng này.

 

 

Thế là những tháng ngày sống ở Ogoja trở thành kho báu của tôi, là cái quá khứ xán lạn mà tôi không thể để mất. Tôi còn nhớ thứ ánh sáng chói chang trên chỗ đất đỏ, mặt trời vẽ những đường nứt trên đường, cuốc chạy chân không băng qua trảng cỏ đến tận những pháo đài của các tổ mối, trận dông nổi lên vào buổi tối, những đêm náo nhiệt, ầm ĩ, con mèo cái của chúng tôi làm tình với những con mèo rừng[12] trên mái tôn, sự đờ đẫn tiếp theo cơn sốt, trong buổi rạng đông, trong cái lạnh luồn vào dưới màn ngủ. Nguyên cả hơi nóng, sự rát bỏng, rùng mình ngày ấy.

 

_________________________

[1]Ibos và Yoroubas: Hai trong ba nhóm tộc ở Nigeria, châu Phi. Nhóm còn lại là Hausas.

[2]Ogojas: ở biên giới phía bắc sông Cross, Nigeria.

[3]Aiya: một nhánh của sông Cross

[4]Abakaliki ở đông nam Nigeria; Enugu: đông nam Nigeria, dân phần lớn thuộc nhóm tộc Ibo; Obudu: một vùng đồng bằng, địa danh du lịch nổi tiếng ở Nigeria, gần sông Cross và gần ranh giới Cameroun thuộc Pháp; Baterik: hay Bateriko, một vùng rừng núi làng mạc, có thành phố mang cùng tên, gần sông Cross và Ogoja; Ogrude Obubra: đều là những địa danh gần sông Cross.

[5]da bị nổi rôm ở các vùng nhiệt đới.

[6]Conakry: ở Guinée, Tây Phi; Freetown: ở Sierra Leone; Monrovia: ở Liberia.

[7]sarcophage: quan tài bằng đá, có chạm khắc.

[8]tiếng Anh trong nguyên tác, garden boy: thằng nhỏ làm vườn; small boy: thằng nhỏ ở.

[9]irokos: một loại cây nhiệt đới ở tây Phi thường dùng thay cho các loại gỗ tếch cứng.

[10]okoumés: loại gỗ cứng ở châu Phi dùng làm ván ghép, đóng thuyền

[11]tiếng Anh trong nguyên tác, có nghĩa là những viên chức hành chính trong quận, huyện…

[12]Chữ Le Clézio dùng: tigrillos.

 

--------------
Nguồn:
Chương đầu tiên trong Jean-Marie Gustave Le Clézio L’Africain (Paris: Mercure de France, 2004). Ngoài một trang mở đầu, sách gồm cả thảy 8 chương không đánh số: "Le corps" – "Termites, fourmis, etc." – "L’Africain" – "De Georgetown à Victoria" – "Banso" – "Ogoja de rage" – "L’oubli" – và một chương có thể coi như chương kết.
 

 

Những tác phẩm của Le Clézio đã đăng trên Tiền Vệ:

NGƯỜI CHÂU PHI [3]  (truyện / tuỳ bút) 
Chương thứ ba trong tác phẩm L’Africain của Jean-Marie G. Le Clézio — một tên tuổi nổi bật trong văn chương hậu hiện đại Pháp — lần đầu đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch và lời giới thiệu của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)
 
Adam Pollo  (truyện / tuỳ bút) 
... Adam hoá thành chuột bạch, nhưng bằng một sự hoá thân kỳ lạ; hắn vẫn giữ thân thể của hắn, tay chân hắn không ngả qua màu hồng, và những chiếc răng cửa không dài ra; không, những ngón tay hắn vẫn còn hôi mùi thuốc lá, nách hắn vẫn còn mùi mồ hôi, và cái lưng hắn vẫn khom tới trước, trong tư thế ngồi chồm hổm, sát gần sàn nhà, theo hai hình vòng cung của cột xương sống... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Người thổi sáo ở Angkor  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái nhìn bén nhọn của tiếng sáo đã nhìn thấy tất cả. Nó đã du hành không phải vất vả qua trí tuệ, nhanh hơn hàng triệu hàng triệu chữ, và nó tiếp tục, tiếp tục nữa, tiếp tục mãi, đi xa hơn cả thời gian, xa hơn cả tri thức, xa hơn cả đường xoắn ốc chóng mặt đang tự vặn chặt vào sọ của một kẻ điên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Gió Nam  (truyện / tuỳ bút) 
... Thời gian trôi qua. Ta nói ra những chuyện này chuyện nọ, ta đau khổ và ta tưởng vì thế ta có thể chết được, thế rồi vài năm sau mọi chuyện đều chỉ còn là kỷ niệm... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Người của trời  (truyện / tuỳ bút) 
... Đó chính là lúc mà cái im lặng lớn đến độ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Petite Croix nhớ tới cái câu nó đã hỏi, từ bao nhiêu năm nay, câu hỏi mà nó rất muốn biết, về chuyện bầu trời, về màu sắc của nó. Nhưng con bé không còn cất gịọng lớn nữa: “Xanh là gì vậy?” Bởi vì không ai biết được câu trả lời đúng. Con bé vẫn ngồi bất động, thật thẳng góc, ở cuối vách đá, trước bầu trời... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Ba cô gái phiêu lưu  (truyện / tuỳ bút) 
... Sự cô đơn cùng tận là sức mạnh của cô. Chính cô giữ cho thân hình mình đứng thẳng và mạnh, chống chọi với năm tháng, chính cô lúc nào cũng đem lại cho đôi mắt mình sự rạng rỡ của cuộc sống... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Trái tim cháy  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Khách sạn Cô Đơn  (truyện / tuỳ bút) 
Đối với Eva, đấy là kỷ niệm của một đời sống khác, một thời gian không hạn định. Nàng đã ở khách sạn suốt đời nàng, du lịch trên những con tàu chở khách lao vào cuộc phiêu lưu trên biển, từ bến này đến bến kia, giữa Venise và Alexandrie, hay trên lãnh hải Cortés, từ Topolobampo đến La Paz... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Kalima  (truyện / tuỳ bút) 
Em đã đi khỏi nơi này, và em đã để lại cả thế giới này trong trật tự của nó, trong mưu đồ của nó, cái thế giới mà những quảng trường cứ tiếp tục ồn ào, với những máy nước và những cô gái, và những tiếng gà trống gáy và tiếng chó sủa, và bụi bặm không ngớt tung lên rồi rải xuống, tung lên rồi nằm yên nghỉ. Thế nhưng em, em không còn ở đấy nữa... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

 

Le Clézio trả lời phỏng vấn:

... Nếu người ta cho rằng ông là một nhà văn không thể xếp loại được, thì có lẽ vì nước Pháp chưa bao giờ là nguồn cảm hứng duy nhất của ông. Những cuốn tiểu thuyết của ông là một phần của cái thế giới tưởng tượng mang tính toàn cầu hoá... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
1. Nét chính của tính cách ông là gì? Bướng bỉnh. | 2. Ông tìm nguồn vui bằng cách nào? Bằng cách sống như chính mình, không giả vờ. | 3. Cái tên nào làm tim ông đập mạnh? ... [Hoàng Ngọc-Tuấn giới thiệu và dịch] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021