thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngẫu ký (XXV-XXVII)

 

XXV

Trong ánh sáng, một cái lọ sứ cũ nói với tôi: “Có lúc tôi gọi ký ức con người là phường kẻ cắp. Nơi đó như một cái kho khổng lồ chứa quá nhiều cái đẹp. Không chỉ là gương mặt người bị nhốt, trong bóng tối ký ức có núi, biển, nhiều làng quê, đô thị, một chiếc lá, khoảng bụi mờ, và tôi nữa, tất cả cùng chung số phận của cái đẹp bị lấy cắp. Ký ức con người làm gì với ngần ấy cái đẹp? Họ lấy cắp cho cảm xúc sống của họ. Nhưng rõ ràng cảm xúc chỉ là một đứa bé bị lý trí già cỗi của họ thường xuyên bỏ rơi. Tôi thường nghe tiếng khóc âm thầm của đứa bé đó. Đôi mắt cảm xúc của nó bị cái đẹp không phải của nó lấp đầy đến mức mù loà, cảm xúc là một đứa bé mù, thật sự mù.”

Tôi cầm cái lọ và trả nó vào bóng tối. Tôi biết cái lọ cũ, qua một cánh cửa khác, cũng sẽ vào kho ký ức của tôi.

Trong hành trình mù, hình ảnh, âm thanh của cái đẹp mà tôi đánh cắp là cây gậy dẫn đường. Tôi không biết có được dẫn đường vào ký ức những cái đẹp mà tôi bỏ rơi không. Tôi cũng không biết là tôi có gì đáng để ký ức của cái lọ này đánh cắp không.

 

 

XXVI

Tôi đi vào một lối đi hẹp giữa hai khoảng màu tím hồng và trắng gạo, trên lối đi đó mọi người đàn ông đều trở nên thô kệch. Và một bé gái nói với tôi: “Ông mặc màu hoa này trông dễ thương quá!” Lần cuối tôi mặc cái quần vải in hoa bằng lăng cách nay đã bốn mươi năm, tôi đã khóc vì xấu hổ và má tôi rất buồn, bà nói: “May khúc vải thừa của mấy chị cho con mặc ở nhà chớ có bắt con ra đường đâu!”

Bây giờ xúng xính trong không gian màu hoa bằng lăng, tôi lớn hơn chăng! Tôi không bao giờ ra khỏi khúc vải thừa cùng màu hoa ngày đó. Lối gió tháng mười một có lúc hẹp lại ép tôi sát vào vách nắng. Tôi đi, vì cảm xúc là nơi chốn không bao giờ già, tôi đi, đi cho kịp cậu bé mặc cái quần đùi vải hoa mới tinh đang cắm cổ chạy về nhà.

 

 

XXVII

— Nó nằm phơi nắng hả ông?

— Một con bọ hung không cần phơi nắng, nắng của con bọ hung là bóng tối. Con bọ hung ở đó để chấm một dấu chấm đen cho lúc này vậy thôi.

— Vậy thôi không được đâu ông. Phải có lý do. Có thể nó không bay được nữa mà bóng tối của nó còn ở xa. Có cần giúp nó không ông?

— Cách giúp tốt nhất cho nó là nhìn nó như một nỗ lực hoàn thành một dấu hiệu giữa không gian. Đời sống của nó là hoàn thành sự kết nối cho những mối quan hệ của từng thời khắc, giữa hạt nắng giọt mưa, giữa một điểm sáng bất ngờ chạy khỏi mắt chúng ta, buộc chúng ta phải nhắm mắt lại để tin rằng trong vùng tối mênh mông của cái nhìn luôn luôn có ngọn lửa của sự đánh thức.

Ngôn ngữ thân xác của con bọ hung nói với tôi rằng mỗi cái chết của một loài côn trung là cách làm đầy không gian chờ đợi, chờ đợi được gặp tôi trên chuyến hành trình đi sâu vào đất. Chuyến đi đó, tôi, vài kẻ khác, những người theo sau có thể tìm thấy lại đôi cánh nhỏ bé. Nhưng đôi cánh ấy là một dấu hiệu mới trong bầu trời đang đùn lên từ lòng đất.

 

11&12-2007

 

---------
Mời bạn đọc ghé thăm trang blog của nhà thơ Trần Tiến Dũng:

 

-----------

Đã đăng:

Ngẫu ký (I-III)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
Tôi bắt gặp một hình thù bất thường hù doạ đè bẹp cái đẹp. Tôi không biết hình thù đó là cái gì và nó cũng quá đẹp. Tôi biết chắc rồi sẽ có cái đè chết tôi, nhưng tôi không biết chắc là thứ quái quỷ ấy có đẹp không! Chuyện đó cũng đủ làm cho tôi phải cầu nguyện mỗi ngày... (...)
 
Ngẫu ký (IV-VI)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
... Tôi thấy sợ hãi khi đang ngồi trong ngôi nhà của mình. Sợ không biết đường về trong chính ngôi nhà của mình, đó là nỗi sợ kinh khủng nhất... (...)
 
Ngẫu ký (VII-IX)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Gương mặt tôi lau hôm trước đã trở lại. Thời gian và nước rửa mặt đã đưa gương mặt cũ của tôi tới một nơi có ánh sáng trộn với gió thành một thứ bột mịn... (...)
 
Ngẫu ký (X-XII)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Rác! có lẽ là tất cả cái mà tôi sẽ để lại. Tôi tin rằng rác đã cho tôi nhận thức về sự chuyển dịch thời gian sống của tôi. Mỗi thứ rác cụ thể mà tôi xả ra hàng ngày gởi đến cho tôi một thông điệp: Khi mọi chuyện kết thúc, không phải là mất tất cả... (...)
 
Ngẫu ký (XIII-XV)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
... Chùa, nhà thờ, đình sắc phong, lăng xác ướp, trường học, trại, nhà, chuồng... là nhà tù nhốt trắng. Tôi gọi xứ sở tôi là trắng. Tôi gọi thế giới này là trắng. Tôi gọi tự do là trắng! ... (...)
 
Ngẫu ký (XVI-XVIII)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
Lúc gió gào khắp mọi nơi để đón những cụm mây hơi nước, qua trung gian một tấm vách, tôi nghe cái chuông giấy hát. Vậy rồi những chuyện trong quá khứ không có đoạn kết của tôi cao hứng hát theo. Tiếng hát của cái chuông giấy lúc bấy giờ rộng lòng như một chiếc thuyền... (...)
 
Ngẫu ký (XIX-XXI)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Những hôm mưa lớn, bàn tay nước thò ra khỏi cái máng xối, gội đầu cho tôi. Lúc mưa sắp tạnh, cũng bàn tay nước ấy kỳ cọ nhè nhẹ trên lưng tôi. Tôi có cả một ký ức tuổi thơ tắm mưa để tin rằng chưa có bàn tay phụ nữ nào lại nghiêm khắc và dịu dàng với tôi bằng bàn tay mưa... (...)
 
Ngẫu ký (XXII-XXIV)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
... Có một con bướm, gió không quăng con bướm tới treo xác của nó trong cái nhìn tôi, mà chỉ là sự dại dột của một con bướm uỷ mỵ trước cám dỗ của sắc màu đóng giả mùa trái chín. Bây giờ hình vóc và ý thức của tôi không phải là một quả chín nguyên sơ mà một con kiến, con sâu có thể cắn được... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021