thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhìn về hai phía Berlin
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên – 1965
 
     Đôi dòng về tác giả:
     Michel Butor là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế hệ ông. Sinh ngày14 tháng 9 năm 1926 tại Mons-en-Barœul, phía Bắc, ngoại ô Lille, Pháp, Butor từng theo học Louis-le-Grand rồi Sorbonne, dạy học nhiều nơi ngoài nước Pháp, như Anh, Ai cập, Hi lạp, Thụy sĩ, và một số nước Bắc Mỹ, đặc biệt từng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Hoa kỳ. Từ 1958, ông được mời làm cố vấn biên tập cho Nhà xuất bản Gallimard, và năm 1975 là “giáo sư đặc mệnh” tại Đại học Genève.
     Như những nhà văn khác trong nhóm Tiểu thuyết mới, tiểu thuyết của ông không đi theo những quan niệm truyền thống về nhân vật và tình tiết: thay vì mô tả thực tại, nhà văn phải là người đặt ra những câu hỏi đối với chính cách nhìn thực tại xưa nay vẫn tồn tại một cách độc đoán. Các tiểu luận của ông cũng được xây dựng trên một nền tảng cách tân: thám hiểm vào những quan hệ “liên bản” giữa những phương thức nghệ thuật như âm nhạc, hội họa và lời văn. 
     Tác phẩm đa dạng của ông chủ yếu có tính phê bình, hiểu theo nghĩa những gì ông viết đều có mục đích phát hiện những liên hệ, những tương quan giữa hành động viết (trong những qui luật tâm linh và vật chất của nó) và sự sinh sôi nẩy nở và sự phân tán (về mặt không gian và thời gian) của đời sống. Nhìn vào bản chất, những sáng tác tiểu thuyết của ông (Passage de Milan, 1954; L’Emploi du temps, 1956; La Modification, 1957; Degrés, 1960), cũng như những suy nghĩ phê bình của ông (Répertoire I-IV, 1960-1982) hay những thử nghiệm của ông để vẽ ra một không gian mới cho truyện kể (Mobile, 1962; Six Millions Huit Cent Dix Mille Litres d’eau par seconde, 1965; Dialogue avec 33 variations de Ludwig van Beethoven sur une valse de Diabelli, 1971; Matières de rêves, 1975-1981) đều để lộ hai mối đam mê song đôi: phân tích phối hợp những liên hệ và phép họa đồ. Sự hiếu kỳ không mệt mỏi của ông trong lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc đã làm nổi rõ và phong phú một mạng lưói (có thế nào không liên tưởng đến một chân dung thời trẻ tuổi của ông, thời người đọc bắt đầu lên chuyến xe lửa của ông trong La Modification, chụp ông ngồi trước một cái nền là một mạng lưới?) những quan hệ giữa các hình thức sáng tạo khác nhau đã làm nên cả một chiều dày của văn hóa.
     Như thế, nếu những ngành ở đại học của ông lúc ban đầu đã hướng ông về triết học, và nếu sau đó tên tuổi ông được gắn liền với nhóm các nhà văn trong trào lưu Tiểu thuyết mới ở Pháp, những họat động văn chương của ông trải rộng nhiều lĩnh vực, kể cả thơ, sân khấu, tiểu luận, và tính đa dạng ấy luôn gắn liền với một sự tìm tòi nghiên cứu hình thức không ngưng nghỉ.
 
 
MICHEL BUTOR
(1926~)
 
 
NHÌN VỀ HAI PHÍA BERLIN*
 
 
     Các anh không ở Berlin, các anh hãy đến Berlin, vì Berlin đáng một cuộc hành trình;
 
     và ở đó các anh sẽ có thể gặp những người đến Berlin, thu hút bởi đền đài của những thời đại xưa, những đền đài đã bị tàn phá bởi thời đại chúng ta,
những người đi từ Berlin nầy qua Berlin khác
(vì ít ra cả Berlin cũng chỉ là
một thành phố thôi)
 
     đến bằng xe đò dành cho du khách, bằng xe hơi nhà binh hay xe thường dân, chạy giữa những con đường xi măng cắm nọc, gióng theo những vũng nước biếng lười nằm phản chiếu những trụ đường, những bức tường, những hàng rào cọc, những xe cộ và bầu trời trắng sữa, với những bánh xe làm bắn bùn vào những khách bộ hành tiến lại gần, hai tay thọc túi quần hay mang nặng những hành lý, những hành lý sẽ được lục soát rất lâu,
 
     với nỗi lo ngại về cánh cửa rào giới tuyến này vừa mới mở lên cho một người khác đi qua thì đã đóng lại, và sẽ mở lên lại cho họ, rồi sau khi họ đi qua, lại sẽ buông xuống với một tiếng kim khí tối mù;
 
     và những người không thể qua được, những người tiến lại gần biên giới này, ở đầu phố, gần bờ dốc một đêm nọ đột nhiên bị đẩy ra giữa phố họ ở, những người đã từ nhiều năm nay không tin vào đôi mắt của mình, đã từ từ đi chậm lại, đã ngừng hẳn;
 
     và những người đã quen thuộc, đã chưa bao giờ biết Berlin của ngày xưa, của những năm điên cuồng, cũng chưa bao giờ biết Berlin của những năm bệnh hoạn, Berlin của những năm khủng khiếp, ngay cả Berlin của những năm đói kém, những người đối với họ con đường này thật ra chưa bao giờ được kéo dài hơn, những người chưa bao giờ thấy được bất cứ cái gì ở phía bên kia, những người dĩ nhiên đang mơ về cái phía bên kia đó, nhưng mà chỉ như mơ về một thế giới khác, những người đối với họ thế giới ngừng lại ở bức tường này, những người biết rất rõ đến chỗ nào nên quay tay lái mình trong những cuộc chơi của họ, trong những lúc mơ tưởng đến tốc lực, đến những cuộc hành trình, những cuộc vuợt rào, khi họ tiến đến gần chỗ tận cùng này của thế giới, những người đối với họ khoảng không gian của phía bên kia đột ngột hiện ra hình như cũng khó qua đến được, cũng như cái mầu trời xanh sữa này và những đỉnh nhà sơn thoáng thấy kia, tất cả đều chỉ là nước sơn trên sắt;
 
     và những người dân Berlin của ngày xưa, từ bao năm chưa hề trở lại thành phố của họ, từ hồi chiến tranh, những người đang tìm cách nhận ra những nơi vui đùa đã qua, hồi còn là một em bé, còn là gã nhân tình, qua những lỗ hổng của bức tường đang dò tìm những ngôi vườn um tùm cây lá, những sân thượng bị tàn phá, những bể nước vành tròn bị nứt nẻ, những hồ nước ứ đọng bùn lá, những bao lơn bị gãy khúc hướng về những đường phố vắng ngắt nơi đây có một chiếc xe đen hiếm hoi im lặng chạy, tìm những chậu xe trồng hoa cảnh ngày xưa, ngắm nhìn cảnh tiêu điều bằng những cặp mắt đá đã bị rạn nứt của ho;
 
     những đám đông của ngày hôm nay rải rác đây đó, lang thang, những đám người từ xa đến bỗng nhiên tụ lại trước những bảng yết thị, những cuộc lễ, những bức họa tượng trưng;
 
     và những danh nhân ngày trước, ngày nay, những người đang tới và những người trở lại, các nhà đạo diễn với những chiếc quần có sọc dài, các nhà văn với những bộ râu mép, các giáo sư với những bàn tay rung rung, những cặp da và những điếu thuốc của họ;
 
     và những người từ rất xa xôi được gửi tới với nhiệm vụ đi nhìn những đám đông ấy, những danh nhân ấy, những đền đài ấy, những trống rỗng ấy, và những cố gắng kia để lấp những chỗ trống rỗng đó;
 
.  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .
 
     ôi! Berlin thật đáng một cuộc hành trình, vì các anh thử nói cho tôi biết xem ngày nay còn tìm thấy ở đâu được những người lính ngồi trên một chiếc ghế dựng bằng ba tấm đá dài chồng lên nhau bọc mình bằng da thú, chân mang giày ống, đầu đội cát kết, võ trang bằng súng liên thanh, đang ngước nhìn qua bên kia bức tường bằng những ống nhòm dùng ở miền quê,
 
     và những phu nhân đã có tuổi kia, tay đeo nhẫn và mang găng dệt bằng chỉ, đang điều chỉnh chiếc ống nhòm dùng xem kịch của họ để ngước nhìn qua bên kia bức tường,
 
     những mái nhà chật hẹp, chằng chịt, như vừa bị những ngọn lửa bén đến, những mặt nhà mà tường vôi đã ngả đen rơi từng tảng xuống từ bao năm nay, với những cửa sổ chật hẹp, giăng tơ, và những khuôn mặt ló ra từ những kẽ hở, cổ đưa về phía trước, giống như miệng những máng xối của một ngôi giáo đường, để ngước nhìn qua bên kia bức tường,
 
     qua những phiến đá dày đúc bằng bê tông của bức tường, những khung giăng kẽm gai, những thông hào kẽm gai, những trụ chống, những hàng rào cọc, những người lính canh đang nghỉ ngơi,
 
những người lính canh đội mũ cát kết xiên,
những người lính canh đang khoanh tay,
những người lính canh có cặp kính mát,
những người lính canh đang chống cùi tay,
những người lính canh đang lo ngại,
những người lính canh đang mỉm cười,
những người lính canh dưới cơn mưa
trong những nghĩa trang
 
     những người lính canh đứng chênh vênh trên cao đang nhìn hàng giờ về phía sau một tòa nhà, đang đếm những viên gạch của bức tường đầu tiên bị tàn phá này đứng trước mặt một bức tường bằng gạch khác còn đứng vững, đồ sộ, hàng ngàn viên gạch cũ không đều nhau, và quên mất, họ bắt đầu đếm lại, giật mình mỗi khi có một tiếng động thật nhỏ, bàn tay bất chợt nắm chặt vũ khí, ném một tia nhìn vừa sợ hãi vừa đe dọa, bên phải, bên trái, rồi yên tĩnh như mọi vật đang còn yên tĩnh, lại đứng trước rất nhiều viên gạch, chọn một đường thẳng, rồi nhìn: một viên, khá đen, một viên đỏ hơn, viên này hơi tím, một viên đen hơn, còn đen hơn nữa, đỏ hơn một tí, nâu hơn một tí, còn nâu hơn nữa, tối hơn một tí, hoàn toàn đen,
 
những người lính canh đang đùa giỡn,
những người lính canh đang bàn cãi,
 
     những người lính canh đang lấy những ngón tay dài gầy guộc vuốt ve cánh cửa giới tuyến mà nước sơn đã bị tróc từng mảnh,
 
những người lính canh đứng dựa mình,
những người lính canh trên những bức
tường cũ có nhiều lỗ hổng được xây lên để có vẻ xưa, và ngày nay cũng đã xưa rồi, đang lẫn vào bừc tường kia, những mái ngói lởm chởm giống như những vũ khí sẵn sàng nhả đạn, đùa với những ngọn đèn thám chiếu giống như những con mắt to lớn,
 
những con mắt,
     những khuôn mặt xếp nhăn lại chung quanh mắt để họ nhìn được xa hơn, nhìn được xa hơn một tí nữa qua bên kia bức tường,
 
vì ít ra cả Berlin cũng chỉ là
một thành phố thôi,
 
     để vào ngày 1 tháng 5 họ nhìn được những ngọn cờ đứng thẳng trong gió, đám người phiêu bạt này, những đoàn chèo thuyền kia mang những mái chèo như mang vũ khí, những toán lính thủy nọ, và hết cả những người đang tìm nhau trên đường phố, đổ xô vào những con đường yên tĩnh, những con đường hầu như không một tiếng động cơ, những bó hoa nhỏ cài lên áo, mang những cờ lệnh, những bảng yết thị, những hình ảnh và những biểu ngữ, có người cười ngặt nghẽo, có người hơi bực bội vì sức nặng, có người thổi ống tiêu, có người đánh trống, ca hát, nhún nhẩy thân mình, những thường dân mặc đồng phục, những quân nhân mặc y phục thể thao, đám người này đội cát kết, đám người kia hút xì gà, đám người nọ đội nón, đám mặc áo săng đai, cả đám cờ xí kia, cả khối cờ xí kia, cả lâu đài cờ xí kia, những cờ xí đứng sừng sững, trong cuộc diễn hành, trong tiếng gió, tiếng la hét, tiếng ca hát, vang qua sông Spree trên một chiếc cầu sắt, rồi vang trở lại qua sông Spree
 
(khắp miền sông Spree, sông
Havel, và những ao hồ), làm dội lại trên sông Spree, trước hồn ma tơi tả của một ngôi giáo đường
đồ sộ ghê tởm;
 
và ngày hôm sau,
vì ít ra đó cũng chỉ là một thành phố, một thành phố thôi,
 
     đời sống hàng ngày lại tiếp diễn, với những chiếc taxi vẫn đen, những chiếc xe bus một hay hai tầng vẫn màu kem, những chiếc tàu điện, những xe đò, những xe lửa, xe điện trời, xe điện hầm, những xe vận tải, những thuyền buồm,
 
     những dự định kiến thiết, những đống cát trên các đường phố, những đống gạch cũ hay mới, những đống đá, đống sắt vụn, những chiếc máy cổ hạc chở đá, những bụi cỏ trong các lò sưởi, trên các vỉa hè, trong những thành phố bỏ hoang, những vết loang lở của những tòa nhà chen chúc quá nhiều người,
 
     những khu phố mới nhưng đã cũ, những khu phố cũ mà người ta đang tái thiết tối tân, với những
ngôi nhà thờ xưa, bị tàn phá,
đóng cửa, hay những
ngôi nhà thờ mới, cất chưa xong,
những ngôi nhà thờ bị tàn phá, đóng cửa,
những ngôi nhà thờ yếu ớt, khô khan,
nặng nề, lạnh ngắt,
những ngôi nhà thờ tao nhã, kiểu cách, tinh túy,
những ngôi nhà thờ thô bạo,
mảnh mai, cầu kỳ, đơn sơ,
những ngôi nhà thờ ở làng, ở
thị trấn, ở kinh đô,
 
.  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .
 
nếu các anh không ở Berlin – vì điều đó
ngày nay trở nên cần thiết để thấy được
Berlin – ít ra cũng như thấy
cả một thành phố,
các anh sẽ có thể quan sát những hình
khỏa thân đông phương và tây phương, những hình khỏa thân bằng da bằng thịt trên những bãi biển và những tượng khỏa thân bằng đá và đồng trên các công trường,
 
     và nhiều lớp phủ ngoài khác nhau mà những hình khỏa thân này khoác lên hay giấu mình để tránh hơi lạnh hay sức nóng, tránh con mắt nhìn hay lỗ tai nghe, tránh ngay cả cái nhìn của chúng, tiếng động của chúng, tránh những viên đạn,
 
     những bộ áo tắm, những bộ áo lót, những bộ áo bằng vải hay bằng đồng, những áo bằng lông thú, áo ngoài lót bông, những mặt nạ, những áo phủ dạ hay các màn trướng bằng nỉ, những áo quần bằng giấy nhan nhản những bài viết và những hình ảnh mà người ta phủ lên các hè phố dùng để che bộ mặt của mình, để lấp kín sự trần truồng của các đường phố, của kẻ khác, của những vấn đề, những mảnh vải mà người ta quấn các cây gậy dùng để tô diểm cho thành phố, tô điểm cho các cuộc lễ, tô điểm cho cả cơn gió, những mái tóc trong gió, rũ xuống,
vén lên, vấn lại, xõa ra,
những chiếc nón thường và
ngộ nghĩnh, những mũ cát kết,
cuộc đời chỉ đội cát kết,
thành phố của những mũ cát kết,
những mũ cát kết dân sự và quân sự, đông
phương, tây phương, của người Mỹ,
của người Anh, người Pháp, và người Nga,
những chiếc nón sắt, những áo giáp
rùa, áo chiến bào,
những vọng gác bằng gỗ mây trên bãi biển,
những vọng gác bằng kim khí đang
chạy rong trên đường phố,
những vọng gác bằng gỗ nằm cạnh các trại lính,
những vọng gác bằng bê tông,
những vọng gác bằng kiếng và máy
điện thoại ở đó,
những lớp tường đá phủ ngoài với những
vết loang
lở; những lớp đất phủ quanh những
thây người;
 
và chính anh, không phải người ở Berlin, mà chỉ là
du khách, xa cuộc sống hàng ngày, chính các anh trong bộ y phục du khách, dù các anh có nghi ngờ hay không, các anh cũng sẽ dự vào trăm ngàn sự rạn nứt của cuộc sống đó;
 
.  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .
 
     là người được đặc ân, vì các anh không phải ở Berlin, là người được đặc ân, vì các anh chỉ đến Berlin, trong cái thành phố mà mọi người, ngay cả những người trắng tay nhất, không có gì hết, cũng được đặc ân bằng cách nào đó, vì ở đây tuyệt đối không ai không có quyền đi đến một nơi nào mà người khác không đến được,
 
một cuộc đại hội những đặc ân,
và các anh sẽ bị bắt buộc đến hay trở lại Berlin,
một ngày nào đó,
chính anh hay có ai cho mượn tên,
một ngày nào đó, anh phải đương đầu
với ánh sáng của dãy đèn sân khấu này,
 
     vì đó không còn chỉ là một thành phố giữa những thành phố khác, với những sân vận động, những hí viện, những tòa án, những bảo tàng viện, những cửa kính hàng, những phòng thí nghiệm và những thao diễn trường nhộn nhịp,
 
những diễn viên, những ca sĩ,
những ngôi sao điện ảnh, những nhà vô địch,
những nhà chuyên môn, những nhà thao lược,
nhưng là một chỗ nghe ngóng
cho tất cả các thành phố khác,
cả thành phố là thao diễn trường,
 
sân vận động, võ đài, võ trường,
cả thành phố là hí viện, rạp xiếc, đại hí viện
với những hành lang và những dàn hòa tấu,
 
     vành móng ngựa, tủ kính, phòng thí nghiệm ở đó người ta đến để trưng bày, để phô trương, để thí nghiệm những âm thanh, những hình ảnh, những chữ viết, những ý nghĩ và những chữ khắc trên đài kỷ niệm.
 
--------------------------
* Regard double sur Berlin của Michel Butor là một đoản văn, một bài thơ, ban đầu được xuất bản ở Đức, và bằng tiếng Đức, cùng với một số hình ảnh. Nguyên bản tiếng Pháp sau đó được phổ biến trên tuần báo Express, số 707, ra ngày 4 tháng 10 năm 1965, trước khi được Nhà xuất bản Gallimard ở Pháp ấn hành, cùng với những hình ảnh từng được in trong ấn bản tiếng Đức.
    Trong mùa Giáng sinh 1964, bức tường Berlin được hé mở sau ba năm im lìm khép kín. Những thị dân của hai thành phố, hay đúng hơn, là hai phía thành phố, đã được nhìn thấy nhau, và nhìn rõ phần Berlin bên kia. Nhưng từ ngày Chủ nhật của tuần lễ thứ nhì, tất cả đều đã trở lại như cũ: cánh cửa được mở ra bấy giờ đã đóng lại. “... Đâu đây giữa thành phố lạ lùng này vang dội một giọng gào thét, và có một thi sĩ đã nghe được tiếng thét não nùng đó.”
    Nhìn về hai phía Berlin được đăng lần đầu tiên ở Saigon năm 1965 trên tạp chí Văn học, và sau đó đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021