thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trở về Paris với Pissaro | Giấc mơ ấn tượng đến muộn
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
LAWRENCE FERLINGHETTI
(1919~)
 
 

Trở về Paris với Pissaro

 
Tôi đang ở trong một bức tranh Camille Pissaro
Quảng trường Théâtre Français
Paris trong Mưa 1898[1]
có điều bấy giờ không phải năm 1898
Bấy giờ là năm 1948
đại để là các con số tung hứng
và không có những chiếc xe ngựa
nhưng vẫn cái cảm giác muôn thuở kia
buồn và phấn chấn
bước đi giữa Paris trong mưa
tôi có thể cảm nhận nó qua
bức tranh Pháp trên vải bố
mưa nhẹ rơi
từ bầu trời ngọc trai
nhà hát Ca kịch viên ngọc kín
nằm xa tít mãi
Đại lộ Opéra
Và những vòm mái Théâtre Français
những hàng cây xơ xác mùa đông
mùi thuốc Gaulois ở lối vào xe Điện hầm
(hồi ấy chưa có trong tranh)
bể nước trước mặt Nhà hát
hãy còn phun mạnh trong mưa
Và những ống khói sậm màu
trên những dốc mái ướt sũng
trên những bao lơn chạy dài ở tầng năm
và những tấm bạt màu xám dọc theo Đại lộ
những gương mặt tối sẫm dưới dù
đi từng cặp
hoặc tụm lại ở các góc phố
Ánh sáng xám của Paris
in lên những tòa nhà cao
như cái màn vải thưa mỏng
ánh sáng tươi
chập chờn trên mặt đường ướt
trên lề đường dưới cây
Bạn hầu như nghe được
tiếng lọc cọc của ngựa
kéo những cỗ xe cho thuê
Mưa đã dịu đi
Nó có vẻ sắp xua tan
cái màn phải xé toạc
ngọc trai sắp mở ra
trên bầu trời 1948 –
Tôi hai mươi tám tuổi
với đôi mắt mới sáng ngời
trở về Paris với Pissaro
từ Tân Thế giới
 
 
[1] Quảng trường Théâtre Français, Paris: Mưa (1898). Tranh sơn dầu — Camille Pissaro.
 
 

Giấc mơ ấn tượng đến muộn

 
Trong một giấc mơ ấn tượng đến muộn tôi thấy mình đang ngồi trên một chiếc xe tham quan lòng vòng với một nhóm phụ nữ Pháp áo quần mùa hè và nón hoa rộng vành ngồi với những ông chú ông bác mặc vét da hươu màu xám và sơ mi sọc có băng tay và mọi người cười nói chuyện trò bằng tiếng Pháp như thể không có ngôn ngữ nào khác được chấp nhận trong xã hội Và chúng tôi đến một tiệm café ngoài trời cạnh sông Seine vùng ngoại ô Paris giống như trong một bức tranh của Manet[2] dưới bóng râm trên bờ sông uống rượu vang và ăn bữa ăn tưng bừng ngoài trời đựng trong những giỏ đan mây Và ở bàn bên cạnh một nhóm trí thức Pháp đang thao thao bất tuyệt bằng cái grande logique [3] nổi tiếng của mình chứng minh cái này cái nọ quả thật là một nghịch dụ[4] Và đúng lúc ấy có mấy thanh niên ghé vào trên những chiếc thuyền dẹp trên sông dáng dấp bẽn lẽn trông như những chàng sinh viên các trường cao đẳng Mỹ hát một bài tụng rượu về dàn đồng ca Whiffenpoofs[5] và chúng tôi tiếp tục nói chuyện bằng tiếng Pháp làm như không có cái gì khác trên thế gian có thật này đang xảy ra bất cứ ở đâu Và mọi người quanh tôi biến thành những nhân vật trong tác phẩm của Proust và chúng tôi ai nấy đều đi trên Lối qua nhà ông Swann trong những lùm cây hoa nở với nàng Odette trực tính ở nhà ông Swann nhưng rồi bất chợt Blaise Cendras xông vào tay vung vẩy một dòng tít khổ lớn trên báo hét lớn “L’OR! L’OR!” [6] và vàng đã được phát hiện ở California và tôi phải bỏ về ngay tức thì để đi theo Đoàn đổ xô đi tìm mỏ vàng và thức dậy trong căn lều của tôi ở Big Sur trông giống như anh chàng Tây Canada Jack Kerouac và nghe tiếng sóng biển trong ấy cá vẫn còn nói tiếng xứ Bretagne.
 
 
[2] Le déjeuner sur l’herbe [Bữa ăn trưa trên cỏ] (1863). Tranh sơn dầu — Edouard Manet
[3] Tiếng Pháp trong nguyên tác, có nghĩa là kiểu lý luận có độ chính xác cao, gần như triệt để, như trong toán học.
[4] Nguyên tác “oxymoron” có nghĩa nhóm kết hợp gồm hai từ cùng loại từ hay khác loại từ có nghĩa [hay nghĩa có vẻ] trái ngược, như nóng-lạnh, vui-buồn, thật-dối, khôn-dại, chua-ngọt, yêu-ghét, lửa-lạnh, khói-sáng...
[5] Whiffenpoofs là ban hợp ca không nhạc đệm của học viện [collegiate a capella] ở Yale đầu thế kỷ XX, sau trở thành truyền thống trong các đại học ở Mỹ, rồi nhiều nơi khác trên thế giới, qui tụ những sinh viên được chọn vào ca đoàn, tự tổ chức tập luyện hát a capella (không nhạc đệm), ăn mặc chỉnh tề...
[6] Tiếng Pháp trong nguyên tác, có nghĩa là “Vàng! Vàng!”
 
Những hình ảnh và nhân vật phần cuối “giấc mơ” của Ferlinghetti liên hệ đến tác phẩm của các nhà văn Marcel Proust, Blaise Cendras và Jack Kerouac.
 
---------------------
“Trở về Paris với Pissaro” và “Giấc mơ ấn tượng đến muộn” dịch từ nguyên tác “Returning to Paris with Pissaro” và “Late Impressionist Dream” của Lawrence Ferlinghetti trong Lawrence Ferlinghetti, European Poems and Transitions - Over all the Obscene Boundaries (New York: New Directions, 1988). Các chú thích là của người dịch.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021