thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MƯỜI BÀI Ở PARIS & NHỮNG MẢNH RỜI [II]
 
 
Diễm Châu sinh tại thành phố Hải-phòng. Tổng thư ký tạp chí Trình bầy ở Sài-gòn trước 1975. Đã viết và cho in Hạnh hoa, Sáng muôn thuThơ Diễm Châu. Còn dịch một số thơ, truyện, kịch của thế giới.
 
Mười bài ở Paris & những mảnh rời in lần thứ nhất tại Lộ-trấn, Pháp vào cuối năm 1999 trong tủ sách TLT/ TB (Tư Liệu Thơ/ Trinh bầy), khổ 9.9 x 21, tái bản năm 2000 (có thêm một số bài)... Ấn bản khổ 10.5 x 14.85 in lần đầu vào năm 2000, tái bản năm 2001 (cũng có thêm một số bài). Ấn bản này (2002) là lần in thứ năm và bản chót.
 
________________
 
MƯỜI BÀI Ở PARIS
& NHỮNG MẢNH RỜI [II]
 
 
& những mảnh rời (tiếp theo)
 
CON LỪA VỚI NGƯỜI CƯỠI:
 
Này chú,
đừng trố mắt ra mà nói lời xàm xỡ
để rồi lại xun xoe đại diện ta!
 
 
*
 
Có những chuyện ngắn
anh không thể nhét vào một truyện dài
bởi nó
bao gồm nhiều truyện dài khác!
Có những mảnh đời
như vườn cam thủa nọ *
(anh nghe qua rồi bỏ)
nó ở lại mãi sâu trong tim anh
bởi nó là chính nỗi xót xa của hồn anh.
 
-------------
* Hình ảnh trong một chuyện ngắn của NNL. đã làm tôi rất xúc động... Chuyện này đã đăng báo ở miền Nam Việt-nam trước 1975 và sau khi tác giả bị cầm tù; tiếc rằng tôi không còn nhớ tên chuyện. Tha thiết xin các nhà biên tập đừng sửa chữ “chuyện” của tôi. Hết lòng cảm tạ. (DC)
 
 
*
 
Có những người vừa đi vừa phòng ngự
và lâu dần đường trở thành pháo đài
có những người niềm tin không lay chuyển
ở hòn đất cục sắt
và lâu dần họ biến thành khoảnh vườn thanh kiếm
có những người lấy miếng ăn làm thiên đường
và lâu dần cơn đói trở thành địa ngục
có những người mơ tới Chúa-nhật hồng giữa mùa tím
và mãi mãi trong tim
một sắc tím hồng đọng lại.
 
Ôi một người công chính
leo lét như ngọn đèn chầu!
 
— gửi anh NNL.
 
 
*
 
Trống không là cánh đồng của tôi
không có lấy cả đến một bóng quạ
vì cánh đồng không còn sinh sản
mặc dù đầy mầm hạt.
 
Trống không là tâm hồn tôi
không có lấy cả đến một tia nhìn
vì bóng tối cảm thương
đã vùi hồn sâu dưới đất.
 
Duy có đôi bàn tay tôi
ôm sọ đầu rỗng tuếch
đầy oặp những vòng xích
cột dưới mỗi bước chân.
 
 
*
 
Khi mi uốn éo như con thằn lằn
trước những kẻ đem lại cho mi đôi chút ủi an
mi có còn nhớ tiếng hót ban mai của con sáo đen ấy?
 
Hóa ra người con gái áo tím bên hàng giậu
ôm con rắn xanh trong mộng một đời
vẫn tưởng mình nghe cùng một tiếng hót ban mai!
 
Bình tâm, mi hãy bình tâm lại
vứt bỏ những con thú đổi màu và lắng tai:
tiếng hót đen của con sáo ban mai vẫn còn vang âm đấy.
 
 
CỔ TÍCH
 
Có một người lên rừng
xin con ong chút mật
xin cái cây chiếc lá
lấy mật vẽ lên lá một hình trái tim
rồi lựa con suối mát thả theo dòng
nhưng mặt trời len lỏi thiêu đốt
chiếc lá cong queo
và đàn kiến
được cơn gió tà mách lẻo
rủ nhau đến ăn mật
làn nước tràn qua và chiếc lá chìm dần
với trái tim trống rỗng
ngay cả con ong lượn quanh
cũng chỉ còn thấy một thoáng mây hồng
trên khoảng trời lộn ngược
 
cội cây ngậm ngùi buông thêm một chiếc lá
nhưng cả đến chiếc bóng người lên rừng cũng đã khuất xa
 
(1993)
 
 
*
 
«Tự sát là không nên—
Chớ bao giờ tự sát
Thà gọt giũa...»
 
... phải chăng cũng vì thế mà ở Đại học H.-L.
mi đã cặm cụi giặm chữa...
để bây giờ sống sót
có thể ung dung ngồi bên chén cà-phê expresso
nhìn Paris qua lại và hàng cây bên đường
khen:
«đẹp...»?
 
— Cái gì đẹp?
— Cố nhiên là hàng cây!
 
(pour un ex-dissident.)
 
 
*
 
có kẻ bảo anh rằng anh không được giết
anh đóng đinh kẻ đó rồi dựng cây thập giá
có kẻ bảo anh rằng anh không được giết
anh tưới săng lên người hắn rồi châm lửa đốt
có kẻ tiếp tục bảo anh rằng anh không được giết
anh vẽ quanh họ một vòng phấn trắng
                                   và chặt bàn tay cầm viết
bởi anh là loại người chỉ biết đi lui và làm ngược
nên khi nào anh chết
tôi sẽ rải lên mộ anh một chút phân tư bản
và cắm một cành nhang
để may ra ở dưới ấy
anh sẽ hưởng được mùi hương
 
(1993)
 
 
TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI CÓ TUỔI
 
... chết bây giờ là phải
sống mãi trong lòng dân tộc
hay trên chiếc chiếu hoa ngoài đình
cũng chỉ là cành đa mọc thêm rễ
cho mấy chú bình vôi
chết bây giờ là phải
sống mau sống mạnh sống vững chắc
cũng chỉ là học đua thói côn đồ tư bản
của những anh hành nghề lơ xe...
chết bây giờ là phải
sống với căn bệnh ung thư thời đại
cũng chỉ là kéo dài thêm cái chết của những bóng ma của bóng ma
sao bằng gấp lại cây quạt
sao bằng tự nhổ rễ
để nhường chỗ cho những xa lộ mênh mông tám tám thước
sao bằng yên nghỉ
trong lòng biết ơn sâu xa và rộng khắp của giun dế
 
chết bây giờ còn là điều may
bởi tiêu chuẩn ván với hòm
một mai sẽ thay đổi
 
(1993)
 
 
SUEÑO
 
Nếu tôi không phải ăn
tôi sẽ mất mùi vị
nếu tôi không phải ngủ
tôi sẽ mất những giấc mơ
nếu tôi không phải đi đứng
tôi sẽ mau chóng trở thành cổ thụ
(rồi chim chóc rồi gió
rồi mùa thu mùa đông)
nếu tôi không phải nói năng
tôi sẽ không còn được ngỏ những lời âu yếm
nếu tôi không phải viết lách
ai sẽ trông chờ những lá thư cho tôi
nếu tôi không phải yêu
 
nếu tôi không phải yêu
có lẽ tôi sẽ chẳng cần tới viết lách nói năng
cũng chẳng cần tới đi đứng ăn ngủ
và như thế tôi sẽ chẳng còn mùi vị của những giấc mơ
sẽ trở thành sóng bạc đầu của biển trầm lặng
 
nhưng tại sao yêu hay không yêu
tôi vẫn mất ngủ
hay là giấc ngủ
không hẳn là giấc mơ *
 
(1993)
 
-----------------
* Sueño trong Tây-ban-ngữ có cả hai nghĩa đó! (DC.)
 
 
*
                             para Roberto
 
Ở giữa x và y
có một vùng biển lớn
mà bến bờ mù mịt
chỉ có a và b hoặc c
tưởng mình biết
nhưng x không biết
và y cũng không hay
x và y tất nhiên là những dấu hỏi của ai đó
của a chẳng hạn
hoặc b
hoặc c
nhưng x không phải chỉ là một ẩn số của bọn chúng
x còn là
một ẩn số của chính mình
y cũng thế
y cũng là một ẩn số cho bản thân y và cho tất cả
chẳng có cách nào tìm ra lời giải đáp
trừ phi x và y
cùng lội xuống biển
tát cạn bóng đêm đen
nhưng như thế có lẽ x và y
trước khi cạn bóng
lại sinh ra x' và y'
trước khi cạn bóng
lại sinh ra x'' và y''–
những ẩn số của ẩn số của ẩn số...
đến vô tận
 
a và b...
có lẽ cũng là những dạng x và y
ở một vùng biển khác
của đêm hoặc ngày
 
(1993)
 
 
*
 
                            Mọi người cần yêu để sống
                            tôi làm biếng sống
                            tại sao tôi vẫn cần m
                                                       (1993)
 
Ở biển tôi tìm một màu xanh của nước
một màu xanh thạch ngọc
loáng thoáng những mảnh vàng
khi ánh chiều nhẹ bước
 
Bên em tôi cũng chờ màu xanh ấy
khi những ngón tay tìm tới những ngón tay
trên mặt bàn cẩm thạch
và trong mắt chúng ta có những đốm vàng thức dậy
 
Ôi màu xanh của nước
kéo dài thêm của biển màu xanh
Ôi hạt ngọc với đường chỉ vàng viền quanh
ôi chiếc nhẫn không bao giờ tới được
 
Em đem đi màu xanh
màu xanh của nước màu xanh của biển
Mùa hạ đã qua những sợi mây kéo dài lưu luyến
và đôi khi, trước mắt tôi vẫn còn thoáng hiện
                          một chút gì xanh
                                           giữa màu thiên thanh.
 
 
TRÊN ẤY
 
Trên ấy có một nhà
Nhà ấy có nhiều hoa
Nhà ấy có nhiều chó
Trên ấy tôi xem hoa
Trên ấy có nhiều chó
 
— gửi L.C. Thompson
 
 
Ở SÀI-GÒN CÓ MÍT CỦA TÔI
 
Có mít
Sài-gòn có mít
Ở Sài-gòn có mít
Mít  có
Tôi có mít
Ở Sài-gòn tôi có mít
Tôi có mít ở Sài-gòn
Mít của tôi ở Sài-gòn
Ở Sài-gòn có mít của tôi
 
Anh làm gì
Làm lính
Anh buồn gì
Xa nhà
Ở Sài-gòn có mít của anh
Không  Sài-gòn không có mít của tôi nữa
Tại sao
Tôi ngắn tay
Ngắn tay lắm
Bài thơ này vui tai
Không  Anh vui tính
 
— gửi Dorothy & David D. Thomas
 
 
TÔI ĐÃ THẤY
 
Tôi đã thấy một người bị đá
Anh ta đã ngã
Anh ta lăn lộn giữa những bước chân
Kẻ đá người vẫn tiếp tục đá
Đôi giầy bốt ấy là của một nước văn minh
Kẻ đá người được phái đi bảo vệ người bị đá.
 
Tôi đã thấy một khúc phim ngắn khác
Ghi lại cảnh phòng ngừa bệnh nhập cảnh lậu
Một người đàn bà Phi châu mắc phải
Được vĩnh viễn trả lại thiên đường của những trự xơi thịt người
Bằng một chiếc gối êm.
 
Có lẽ không một ai, không một nước nào riêng lẻ
Có thể xoa dịu mọi nỗi khốn cùng của thế giới
Nhưng chính bởi thế mà phải có cách nào
Ngăn chận các nước văn minh bảo vệ quyền làm người như thế.
 
 
*
 
Người Tầu xưa dạy tôi phải nhẫn nhục
họ nêu gương Hàn Tín...
và hôm nay
khi đứng trước một viên chủ ngân hàng người Âu
tôi chỉ thấy ông Đặng
một người nhỏ bé (nhưng mập)
khuôn mặt tròn xoe
đôi mắt tròn xoe
ông dựng ngược lông mày hỏi:
— Chú có biết bơi?
 
Có, tôi biết
tôi còn biết đôi điều mà nhiều người khác không biết
nhưng tôi làm gì được
trước viên chủ ngân hàng người Âu
hay trước những ông chủ nhà máy dệt ở xứ tôi – người Tầu?
Bài thơ này phải chấm dứt
cũng vì tôi không biết nhẫn nhục.
 
 
*
 
Anh không nói rằng tôi thỏa hiệp
khi tôi bằng lòng với việc mô tả thân xác Israël
biến thành làn khói trên những chốn ở của cái chết
 
Anh không nói rằng tôi thỏa hiệp
khi tôi nhỏ đôi giọt nước mắt
trước thân xác người vị hôn phu đã bị chúng giết
 
Anh viết cầu chúc Chị nhiều thanh thản và nhiều điều sáng rỡ...
Ánh sáng làm chúng ta thấy bụi
Cùng với anh, thanh thản, tôi sẽ gia nhập dàn đồng ca...
 
— i.m. Paul Celan & Nelly Sachs.
 
 
NGHĨ VỀ MỘT MỐI XUNG ĐỘT
 
Ở xa, tôi nghĩ mãi nhưng vẫn không tài nào hiểu được—
tại sao một người đàn anh – một người đáng bậc thày
chỉ thu góp mấy mảnh vụn ca dao mới
lại ở tù tới con mắt mịt mờ
(những hạt thóc thày lượm cho con vịt ở nhà sau đó
có chút gì thật đáng tủi hổ thật đáng buồn
nhưng cũng là một phương dược
khiến thày nhìn rõ lại)
còn anh, một người thân thiết khác của tôi
anh từng cảnh cáo những người rời xa Đất
anh đã phủ nhận cái «biện chứng pháp điên rồ»
anh cười cả ông Cụ
anh vẫn thong dong
 
Vậy thời anh là ai
có kẻ đoán mò rằng anh chỉ là một con «vạc mồi»
(nghĩ như thế là láo xược, tôi biết
nhưng tất yếu thôi)
như ai kia vừa được chính nơi từng đào tạo ra bậc thày tặng thưởng
anh có thẻ bậc trung
nếu lái xe, anh có thể có quyền cán chết người rồi bỏ đi... hậu xét
 
Ở xa, tôi nghĩ mãi nhưng vẫn không tài nào hiểu được
tại sao, lúc sau này, giữa anh và bậc thày lại xẩy ra một câu chuyện thật đáng tiếc
anh, kẻ sau khi về thành đã cho thu hồi sách vở của bậc thày –
do một lời rỉ tai có lẽ có tính cách mệnh lệnh
nhưng tôi biết, sau bao cảnh đa đoan ở ngoài, anh vẫn bảo toàn niềm kính trọng...
 
Những ngày gần gụi nhau sau này cho tôi hiểu rõ thêm về anh
và bây giờ ở quê hương chúng ta, tôi nghe nói
cả đến những đàn vạc cũng đã lìa xa ruộng vườn
người cán người chỉ còn là những rủi ro của một sách lược... đại trà chỉnh trang bao bố
«anh là ai»
không còn là một câu hỏi khẩn thiết và bởi đó
có chút gì thật đáng tủi hổ thật đáng buồn
thế tuy nhiên bằng vào những gì tôi biết
anh không bao giờ là một vấn đề của tôi
anh không phải là vấn đề
vậy thời vấn đề không phải ở anh
vấn đề ở nơi khác
dù ở xa hay ngay bên cạnh mọi người chúng ta
đừng quên
 
 
TƯỞNG NIỆM
 
Trần Tuấn Nhậm đã chết
Thế Nguyên–Trần Trọng Phủ đã chết.
Nguyễn Khắc Ngữ đã chết
Nguyên Sa đã chết
Đỗ Long Vân mới chết
 
Chết
chết
chết
chết tai nạn
chết bệnh tật
chết xa nhà chết ở nhà
chết như mọi người phải chết
chết như những người chưa chết cũng sẽ chết
 
Những người chưa chết gửi lời chào những người đã chết:
Chết không phải là hết
chết là chết
 
 
VẤN THUỐC ĐIẾU
 
Tôi vấn một điếu thuốc – hiệu con Cọp
Trong lúc hồi chuông mảnh khảnh lần những hạt chót
Đã mười sáu năm tôi sống ở đây
Và mỗi lần nghe thấy hồi chuông tôi vẫn thường vấn một điếu thuốc
Có nhiều khi tôi vấn thuốc nhưng không đốt
Cũng nhiều khi không có thuốc tôi vẫn vấn
Bởi lòng vọng cho nên mỗi khi có hồi chuông
Là lại có một điếu thuốc vấn...
 
Tôi không thể làm gì khác
Tôi cần điếu thuốc như người ta cần tràng hạt
Tôi cần vấn thuốc như người ta cần lần tràng hạt
Cũng như khi người ta lần hạt đôi khi tôi không biết mình vấn thuốc để làm gì
Nhưng thường ra thì
Tôi vấn thuốc để quên đi hình ảnh đôi vợ chồng kia
Chống cuốc nghỉ tay cúi đầu thầm thĩ
Giữa cánh đồng trống không mới vừa cày ải
Để quên đi khuôn mặt âu lo
Của một người bạn không buồn đăng lính khi chiến tranh bước vào thời kỳ 'theo đuổi nóng'
(Người ta đã nghe tiếng 'tặc tặc' ở đâu đây hay tiếng lựu đạn nổ cả trên trang báo)
Để quên đi mười bốn chặng đường thập tự của người và của mình
 
Ôi hồi chuông giữa buổi trưa rét mướt hay nóng bức
Đã cho tôi cái cảm giác buồn buồn của vấn thuốc
Ôi cái cảm tưởng xoay tròn những gì thật sự không tròn
Của cuộc đời chuỗi hạt!
 
 
THÁNG BA
 
cả đến hàng giậu gai mùa xuân
cũng khoe những chấm tròn đỏ tươi màu máu
cả đến tiếng chim chiêm chiếp gọi hè trong dự tưởng
cũng chĩu vàng những mùa gặt hái ngày mai
cả đến người thơ cháy những vần điệu
cũng nghe trên đường    chậm rãi
những bước chân cỏ non
 
29-III-1989
 
 
*
 
mỗi cái cây là một bản dịch
vẻ đẹp của trái đất
bản dịch ấy mỗi mùa lại nhuốm một vẻ đẹp khác
nơi cùng một cái cây
ước gì mỗi bài thơ của tôi
được như một cái cây của trái đất
 
mỗi bài thơ là một bản dịch
vẻ đẹp của con người
bản dịch ấy mỗi ngày lại mang thêm màu sắc
nơi cùng một bài thơ
ước gì mỗi giờ còn lại của đời tôi
được như một bài thơ của người
 
— gửi YÑ.
 
 
*
 
trăng và sao là những giấc mơ của vũ trụ
vũ trụ với những nhụy hoa
im lặng
nở
trong hồn người
– những thế giới đã tách rời
vũ trụ của trăng sao
nhưng vẫn nhớ...
 
 
*
 
tôi yêu cuộc đời như yêu thơ
thơ đến thơ đi thơ hờn dỗi
thơ trở lại đắm đuối
đôi mắt thơ cười như chân chim...
cuộc đời như cuộc đời vẫn thế
có những năm những tháng nhớ nhung hờn giận
có những giây những phút những ngón tay đan nhau
và im lặng trổ hoa
thơ là cuộc đời luôn luôn nở lại
rơi hay không rơi...
cửa trời rộng mở
hãy đón nhận tôi hỡi các thiên sứ
tôi rơi
 
Lộ-trấn, 9-III-00.
 
 
*
 
có kẻ nào đấy
đã gọi tôi trong đêm tối
tôi nhấc ống nghe lên
a-lô ai thế
– không một lời đáp
 
có lẽ kẻ nọ nhầm số
đã trả lại tôi cho gió
hay là ai kia
reng chuông để nhắc nhở
giờ khởi hành:
– gió là còi hiệu của hư vô...
 
tỉnh dậy giữa đêm sâu
tôi thấy mình thảng thốt
miệng còn lắp bắp
– moshi moshi... hold on...
chờ tôi chút!
 
 
LỜI CUỐI CÙNG
 
không thể viết
lời vĩnh biệt
bởi lời chót hết
cũng là một khởi đầu
bất tuyệt
 
Lộ-trấn, X. 99 - X. 01
 
 
BÓNG/ MỘNG
 
                         tôi chạy lên miền caen
                         nhìn qua vùng biển manche
                         nhớ thường
                                                 DC.
 
Khoác áo người lao động
kéo lê cánh thiên thần
dưới khoảng trời cao rộng
tôi và cánh in bóng
 
chân trần trên cát bỏng
không gió thoảng hay sóng
tôi là ai về đâu
dưới khoảng trời cao rộng
 
phải chăng một hình nhân
đã bị Người ruồng bỏ
sau những trò dây nhợ
tôi lê cánh thiên thần...
 
dưới khoảng trời cao rộng
không bóng Người hay sóng
tôi là ai về đâu
in bóng mình lên mộng
 
Arromanches, IX. 02
 
 
Bạt
 
... Như cuộc đời vẫn hiến chúng ta những dịp như thế, qua dòng ngày tháng, tôi đã viết những bài này, đôi khi với một cơn phẫn nộ nho nhỏ, đôi khi với một nụ cười nhếch mép tựa như một khoang trời rách, nhưng thường ra thì, với những niềm u uất, những nỗi xót xa không còn muốn ở lại mãi trong tim nữa...
 
Cái kén xanh kén đỏ kén vàng kén bạc... cứ việc dày thêm, để điểm tô cho một cành tươi hay đã héo, tôi không còn ở đó: tôi đã cắn một lỗ nhỏ và chui ra. Đôi cánh còn ướt, tôi tập rơi và rơi, trong chân không – như là người thời có thể rơi –, về cõi bao la vô tận của vũ trụ, vũ trụ là đâu... nào có hề gì... Tôi rơi.
 
Chung cuộc vẫn là một khởi đầu... Như phải vậy. Với tôi
 
DC.
 
________________
 
MỤC LỤC
MƯỜI BÀI Ở PARIS
& NHỮNG MẢNH RỜI
 
Mười bài ở Paris:
 
1.    ngày mai 
2.    chữ N lớn...
3.    dịu dàng & hối hả 
4.    có thật thế không 
5.    cái mũi xinh xắn...
6.    ông ta bước vào nhà cùng với mọi người
7.    im lặng 
8.    từ núi rừng vosges trở lại...
9.    trong họng con thú 
10.  tám cây vĩ cầm & đại vĩ cầm
 
& những mảnh rời:
 
11.  Phía nam 
12.  Bài ca trên bến bắc 
13.  Ngày trước
14.  Ca ngợi bản thân 
15.  Khai báo thực tình
16.  Bài ca trên đồi 
17.  Sữa đen 
18.  Cho một nhà thơ
19.  Cái chết đã ổn định
20.  Liệt kê & mô tả một số vật dụng ở thế giới bên kia
21.  Những bông hồng
22.  Đi dạo
23.  Thuyền giấy 
24.  Bi ca 
25.  Phế tích 
26.  Làm sao dịch hết thơ của một người...
27.  Cả những người cộng sản nữa
28.  Nói với những người đi tới
29.  Bởi giấu mãi nên tôi không còn thấy
30.  Chuyện cấp bách với anh bây giờ
31.  Con lừa với người cưỡi 
32.  Có những chuyện ngắn
33.  Có những người vừa đi vừa phòng ngự
34.  Trống không là cánh đồng của tôi
35.  Khi mi uốn éo như con thằn lằn 
36.  Cổ tích
37  « Tự sát là không nên... »
38.  Có kẻ bảo anh rằng anh không được giết
39.  Tâm sự của một người có tuổi  
40.  Sueño
41.  Ở giữa x và y  
42.  Ở biển tôi tìm một màu xanh của nước
43.  Trên ấy 
44.  Ở Sài-gòn có mít của tôi 
45.  Tôi đã thấy
46.  Người Tầu xưa dậy tôi phải nhẫn nhục
47.  Anh không nói rằng tôi thỏa hiệp 
48.  Nghĩ về một mối xung đột
49.  Tưởng niệm 
50.  Vấn thuốc điếu
51.  Tháng Ba
52.  Mỗi cái cây...
53.  Trăng và sao là những giấc mơ...
54.  Tôi yêu cuộc đời...
55.  Có kẻ nào đấy
56.  Lời cuối cùng
57.  Bóng / mộng
 
Bạt
 
 
-------------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021