thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm thế nào để trở thành người dẫn chương trình truyền hình

 

Đoàn Khương Duy dịch từ bản tiếng Anh.
Tiền Vệ hiệu đính.

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

 

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH

NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

 

Trước đây ít lâu, tôi đã trải qua một chuyện thú vị ở Quần đảo Svalbard,[1] khi Viện Khoa học địa phương mời tôi ở đó vài năm để tìm hiểu về quốc gia Bonga,[2] một xã hội hưng thịnh nằm giữa Vùng đất Vô danh[3] và Quần đảo Chân Phúc.[4]

Các sinh hoạt của người Bonga thì cũng chẳng khác gì mấy với chúng ta, nhưng họ có cái tính khác thường là cứ khăng khăng đòi hỏi kiểu phàt biểu huỵch toẹt, tuyên bố thẳng thừng. Họ bất cần cái hay của việc tự ngầm hiểu, của cái sự mặc-nhiên-nó-là-thế.

Ví dụ, nếu bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện, hiển nhiên là chúng ta sẽ phải dùng ngôn từ; nhưng chúng ta cảm thấy chả cần thiết để nói lên như thế. Một người Bonga, ngược lại, khi nói chuyện với một người Bonga khác, sẽ bắt đầu bằng câu nói: “Chú ý nè, tôi đang nói chuyện đây, và tôi sẽ dùng chút ít ngôn từ đấy nhé.” Chúng ta xây những ngôi nhà và rồi (trừ trường hợp ngoại lệ của người Nhật) chúng ta cho những người khách khả dĩ đến viếng thăm biết tên đường, số nhà, tên của người cư trú. Những người Bonga thì viết “ngôi nhà” trên mọi căn nhà, và viết “cái cửa” ngay bên cạnh cái cửa. Nếu bạn bấm chuông nhà một người Bonga, thì anh ta sẽ mở cửa kèm theo câu nói: “Tôi đang mở cửa đây,” và sau đó anh ta tự giới thiệu mình. Nếu anh ta mời bạn dùng bữa tối, anh ta sẽ chỉ cho bạn một cái ghế với những lời nói sau: “Đây là cái bàn, và những cái này là những cái ghế!” Rồi với một giọng đầy hoan hỉ, anh ta tuyên bố: “Và bây giờ, người hầu gái! Đây là Rosina. Cô này sẽ hỏi anh muốn dùng gì và sẽ phục vụ một bữa ăn khoái khẩu dành cho anh!” Thủ tục đó cũng y chang vậy ở tại các nhà hàng.

Thật kì lạ khi quan sát những người Bonga lúc họ đi xem hát. Khi đèn trong rạp hát được tắt bớt, một nam diễn viên xuất hiện và nói: “Đây là cái màn!” Rồi cái màn kéo lên và các diễn viên khác bước ra, để trình diễn, chẳng hạn, vở Hamlet [5] hay vở Le Malade imaginaire.[6] Nhưng mỗi diễn viên lại được giới thiệu cho khán thính giả, đầu tiên là họ tên thật của anh ta, rồi sau đó là tên của nhân vật anh ta thủ vai. Khi một diễn viên nói xong, anh ta tuyên bố: “Bây giờ là một khoảnh khắc im lặng!” Một vài giây trôi qua, và rồi diễn viên tiếp theo bắt đầu nói. Dĩ nhiên là, ở cuối màn đầu tiên, một trong những diễn viên chạy ra chỗ dãy đèn trước sân khấu và thông báo cho mọi người rằng “bây giờ sẽ là lúc chuyển tiếp giữa hai màn.”

Điều đặc biệt gây ấn tượng cho tôi là những buổi biễu diễn âm nhạc của họ, cũng giống như của chúng ta, bao gồm những đoạn nói chuyện trào phúng, những bài hát, những bài song ca, và những bài múa. Nhưng ở đất nước chúng ta thì tôi quen với cái ý tưởng rằng trước hết hai diễn viên hài sẽ diễn trào phúng, rồi một người bắt đầu hát một bài hát, rồi cả hai rút lui trong khi vài cô gái xinh tươi chạy ra thoát y trên sân khấu và bắt đầu một bài múa, để giúp khán giả được giải khuây chút ít. Cuối cùng, bài múa chấm dứt, và các diễn viên trở lại sân khấu. Còn tại nhà hát Bonga, đầu tiên các diễn viên sẽ thông báo rằng một màn diễn trào phúng sẽ ra mắt mọi người, rồi họ bảo là bây giờ họ sẽ hát một bài song ca, còn chỉ ra rằng màn này sẽ khôi hài lắm, và cuối cùng người diễn viên còn lại trên sâu khấu sẽ thông báo: “Bây giờ là màn nhảy múa!” Điều làm tôi sửng sốt nhất chưa phải như thế, trong khi chuyển tiếp giữa hai màn, một số khẩu hiệu quảng cáo xuất hiện trên bức màn — người ta cũng làm thế tại nhà hát của chúng ta — mà điều này mới làm tôi ngạc nhiên: sau khi thông báo đoạn chuyển màn, người diễn viên nói thêm vào: “Và bây giờ là các quảng cáo!”

Trong suốt một khoảng thời gian dài, tôi tự hỏi điều gì đã khiến những người Bonga cần sự rõ ràng một cách kì quái như vậy. Có lẽ, tôi tự nói với chính mình, rằng họ hơi chậm hiểu và nếu người nào đó không nói rằng “tôi sắp đi đây” thì họ sẽ không nhận ra rằng người đó đang nói lời tạm biệt. Và trong một mức độ nào đó thì chuyện đó ắt hẳn là thật. Nhưng còn có một lí do khác. Người Bonga là những kẻ tôn sùng sự biểu diễn, và do đó họ phải biến đổi mọi thứ — thậm chí cả việc ngầm hiểu — thành sự biểu diễn.

Trong suốt thời gian ở với người Bonga, tôi cũng có cơ hội tái dựng lịch sử của việc vỗ tay. Vào thời xưa, người Bonga vỗ tay vì hai nguyên do: hoặc vì họ vui mừng với một màn trình diễn hay, hoặc vì họ muốn tôn vinh một người với phẩm chất xuất sắc. Thời lượng của việc vỗ tay tán thưởng cho biết ai là người được trân trọng nhất và được yêu quí nhất. Cũng như thế, vào thời xưa, những tên quản lí nhà hát có óc giảo hoạt tiểu xảo, nhằm thuyết phục khán thính giả tin rằng tác phẩm có giá trị thực sự, đã trả tiền và sai mấy tên du thủ du thực đứng vỗ tay cho dù chẳng có gì đáng vỗ tay cả. Khi các chương trình truyền hình lần đầu tiên được phát sóng tại Bonga, những nhà sản xuất đã dụ dỗ thân nhân của những người tổ chức vào phòng thu hình và, nhờ ánh đèn chớp chớp (mà người xem truyền hình tại nhà không thể thấy được), những người đó sẽ biết khi nào họ vỗ tay. Chẳng mấy chốc người xem phát hiện ra cái mánh đó, nhưng, trong khi tại đất nước chúng ta những trò vỗ tay kiểu đó sẽ ngay lập tức không được tin tưởng nữa, thì ở Bonga lại không như vậy. Các khán giả tại nhà cũng bắt đầu muốn tham gia vào việc vỗ tay, và nhiều đám đông dân chúng Bonga đã có mặt một cách tự nguyện tại các phòng thu truyền hình, sẵn sàng trả tiền để có cái đặc quyền được vỗ tay. Một vài người nhiệt tình đã theo các lớp học đặc biệt về vỗ tay. Và vì lúc này mọi thứ đều công khai, nên chính người dẫn chương trình sẽ nói, bằng một giọng nói lớn trong những khoảnh khắc thích nghi, rằng: “Và bây giờ chúng ta hãy nghe một tràng pháo tay giòn giã.” Nhưng rồi chẳng mấy chốc các khán giả trong phòng thu hình bắt đầu vỗ tay mà chả cần người dẫn chương trình thúc giục. Anh ta chỉ đơn giản hỏi ai đó trong đám đông, ví dụ như “anh hiện đang làm gì để kiếm sống?”, và khi người đó trả lời: “Tôi đang phụ trách một cái phòng hơi ngạt tại trại nhốt chó hoang của thành phố,” thì những lời của người đó sẽ được đón nhận bằng những tiếng vỗ tay vang dội. (Điều này hồi đó thỉnh thoảng xảy ra ở phương Tây, như khi Bob Hope[7] xuất hiện, và trước khi ông ta có thể mở miệng chào, thì những tiếng vỗ tay nồng nhiệt đã vang lên trong phòng. Hoặc khi người dẫn chương trình nói, “Chúng ta lại có mặt ở đây, các bạn ơi, như mọi ngày thứ Năm,” thì người ta không chỉ vỗ tay, mà còn cười muốn nứt cả hông.)

Việc vỗ tay trở nên vô cùng thiết yếu đến nỗi trong suốt các chương trình quảng cáo, khi người chào hàng nói, “Hãy mua những viên thuốc giảm cân PIP,” thì sẽ nghe được tiếng vỗ tay ầm ĩ như sóng trùng dương. Người xem biết rất rõ là chẳng có ai trong phòng thu hình với người chào hàng này, nhưng tiếng vỗ tay là rất cần thiết; nếu không thì chương trình có vẻ mất tự nhiên, và người xem sẽ chuyển kênh. Người Bonga muốn truyền hình cho họ thấy cuộc đời thực, như nó đang được sống, mà không có chút giả vờ nào. Sự vỗ tay đến từ khán thính giả (như chúng ta), chứ không phải đến từ diễn viên (là kẻ đang giả vờ), và do vậy đó là sự đảm bảo duy nhất rằng truyền hình là cửa sổ mở ra thế giới. Người Bonga hiện đang chuẩn bị một chương trình được tạo ra hoàn toàn bởi các diễn viên làm công việc vỗ tay; nó sẽ có tên là TeleTruth (Sự thật Truyền hình). Để cảm nhận rằng đôi chân của họ đang đứng vững vàng trên mặt đất, người Bonga giờ đây lúc nào cũng vỗ tay, thậm chí khi họ không xem truyền hình. Họ vỗ tay ở đám tang, không phải vì họ cảm thấy hài lòng hay vì họ muốn làm hài lòng người thân yêu của họ đã lìa xa trần thế, mà là để không phải cảm thấy giống như những bóng ma giữa những bóng ma khác, để chắc chắn rằng họ đang sống và có thực, như những hình ảnh họ thấy trên màn ảnh nhỏ vậy. Một ngày kia, tôi đến thăm một ngôi nhà Bonga nọ thì có một người họ hàng bước vào và bảo, “Bà ngoại vừa mới bị xe tải cán chết!” Tất cả những người khác nhảy cẫng lên và vỗ tay điên cuồng.

Tôi không thể nói rằng người Bonga thuộc đẳng cấp thấp hơn chúng ta. Thực ra, một người trong bọn họ đã bảo với tôi là họ dự định chinh phục cả thế giới. Và ý tưởng đó hoàn toàn không phải chuyện nói suông, tôi đã nhận ra như thế khi tôi về nhà. Tối hôm đó tôi bật truyền hình và thấy một người dẫn chương trình đang giới thiệu những cô gái trợ lí của anh ta, rồi thông báo là anh ta sẽ có một cuộc độc thoại hài hước, và kết thúc bằng: “Và bây giờ là màn múa ballet của chúng tôi!” Một người đàn ông lịch lãm xuất chúng đang tranh luận về những vấn đề chính trị nghiêm túc với một người đàn ông lịch lãm xuất chúng khác, đến một thời điểm nhất định thì ngừng tranh luận để nói: “Và bây giờ, tạm nghỉ giải lao để nhường cho phần quảng cáo.” Một số nghệ sĩ diễn trò tiêu khiển thậm chí còn giới thiệu các khán thính giả cho ta biết. Một số khác còn cho biết rằng máy quay đang quay họ. Mọi người vỗ tay.

Bất an tột cùng, tôi rời nhà và đi đến một quán ăn, vốn nổi tiếng về những món ăn mới. Người bồi bàn đến, mang cho tôi ba cái lá rau diếp. Và anh ta nói, “Đây là món xà-lách rau diếp của vùng Lombardia, trộn với một ít cải lông (rughetta) của vùng Piedmont, băm nhỏ và rắc muối biển, ướp trong giấm thơm gia truyền, tẩm với dầu olive nguyên chất lấy từ lần ép đầu tiên của vùng Umbria.”

 

1987

 

_________________________

[1]Svalbard là một quần đảo ở Na-uy, trong Bắc băng dương.

[2]Bonga là một quốc gia giả tưởng do Umberto Eco bịa ra.

[3]Terra Incognita (tiếng Latin): Vùng đất vô danh, chưa từng được ai khám phá, chưa có tên trên bản đồ thế giới.

[4]Isles of the Blest (Quần đảo Chân phúc): Một quần đảo giả tưởng trong thần thoại Hy-lạp và Celtic. Theo thần thoại, đây là một quần đảo nơi các anh hùng và những con người toàn thiện được các vị thần chào đón để đưa lên Thiên Đàng.

[5]Hamlet: một vở kịch lừng danh của William Shakespeare (1564-1616).

[6]Le Malade imaginaire: một vở hài kịch của Molière (1622-1673). Vở kịch này đã được Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề Người bệnh tưởng.

[7]Bob Hope (1903-2003) diễn viên khôi hài người Mỹ (gốc Anh), lừng danh trên sân khấu, truyền thanh, truyền hình và điện ảnh.

 

----------------
Nguồn: Eco, Umberto. “How to Be a TV Host.” How to Travel with a Salmon & Other Essays. Trans. William Weaver. New York: Harcourt Brace & Company, 1994.
 

 

 

------------

Đã đăng:

Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi...
 
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật...
 
... Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ...
 
Nhưng cuốn tiểu thuyết bước đi về đâu? Đây là vấn đề thứ nhì mà tôi thấy là nền tảng cho một thi pháp tự sự. Khi những nhà phỏng vấn hỏi tôi, "Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của ông như thế nào?" tôi thường trả lời cụt ngủn: "Từ trái sang phải." Nhưng trong bài viết này tôi có đủ chỗ cho một câu trả lời phức tạp hơn...
 
Một khi cái thế giới [của cuốn tiểu thuyết] đã được thiết kế, những câu chữ sẽ nẩy ra, và (nếu mọi sự đều tốt đẹp) chúng sẽ là những câu chữ mà cái thế giới ấy và tất cả những biến cố xảy ra trong đó đòi hỏi...
 
Từ đầu cho đến điểm này, tôi đã nói rằng (i) người viết khởi sự với một ý tưởng chủng tử, và rằng (ii) cấu trúc của thế giới tự sự quyết định văn phong. Kinh nghiệm gần đây nhất của tôi về hư cấu, trong cuốn tiểu thuyết Baudolino, dường như lại mâu thuẫn với hai nguyên tắc ấy... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021