thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc Kiệt Tấn, nghĩ tới Milan Kundera

 

[Trích từ TUYỂN TẬP 2 của Kiệt Tấn, sắp xuất bản]

 

Tôi đọc thơ của Kiệt Tấn từ những năm 60 ở Sài Gòn, và mãi đến nhiều năm sau — thập niên 80 — tôi mới đọc truyện của ông ở Mỹ. Từ những bài thơ trong tập Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá (do Sáng Tạo in năm 1966) đến tập truyện Nụ Cười Tre Trúc (do nxb Văn Nghệ in năm 1987), Kiệt Tấn sau 21 năm đã chuyển một bước đi khá ngoạn mục.[1]

Nếu những bài thơ của Kiệt Tấn khi vừa chào đời cho tôi ấn tượng ông có vẻ như không phải là người miền Nam, thì truyện của Kiệt Tấn cho thấy ngay ông là nhà văn “miệt vườn” Nam Bộ, tài hoa như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Xuyên, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An... Tất nhiên là Kiệt Tấn mang một sắc thái cá biệt, rất riêng và rất độc đáo, không giống Sơn Nam cũng không giống Lê Xuyên. Ông không những viết rất có duyên, mà hơn thế, ông là người kể chuyện “phăng phăng la tu líp” cứ thế mà đi tới không sợ gì những cấm kị (?) trong thế giới chữ nghĩa mà một số (nhiều?) tác giả khác còn dè dặt... Kiệt Tấn viết như nói, lôi kéo người đọc, người nghe đi vào thế giới của ông, cái thế giới đầy da thịt và hơi thở gấp gáp, thế giới của “yêu ma tinh quái”, của “Đừng anh! Đừng anh! Thôi! Thôi anh! Thôi anh! Đừng!”. Thế giới của “Chết em! Anh! Chết em rồi! Hết nổi rồi anh!” Thế giới của những lời nói ngược! Cái cố ý làm văn chương không có trong những trang chữ của ông, nhưng khi xếp trang sách của Kiệt Tấn lại, người đọc luôn luôn mỉm một nụ cười và biết rằng mình vừa đọc xong một truyện ngắn đặc biệt.

Viết cùng thời với Kiệt Tấn — cũng giống như ông, năm 1966 là năm nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến in tập truyện ngắn đầu tay của tôi. Tuy vậy, chúng tôi dù ở cùng thành phố, nghe biết tên nhau mà ít có cơ hội đi lại với nhau. Kiệt Tấn nhắc lại hồi đó ông có đến toà soạn tờ Nghệ Thuật ở đường Phạm Ngũ Lão, tại đây thỉnh thoảng ông có gặp Thanh Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo và... nhưng ông nói: “Văn nghệ văn gừng không mắc mớ gì tới tôi hết”. Kiệt Tấn nói ông không thích bàn cãi hay tranh luận văn nghệ. “Tôi chủ trương ‘Viết không có chủ trương’, và viết từ bên trái sang phải, từ trên xuống dưới là ăn chắc”. Ông kể lại thời viết cho tờ Nghệ Thuật: “Thỉnh thoảng tôi xách một chai Johnny Đi Bộ tới toà soạn, rồi kéo nhau đi nhậu. Thế là xong”. Kiệt Tấn thú nhận là ông không có bạn văn nghệ, không thích bàn chuyện văn chương, “đi nhậu nhẹt và trai gái vui hơn”. Với ông, người ta sinh ra ở đời là để sống, mọi thứ khác chỉ là bày đặt. “Còn văn chương nghệ thuật?” Ông chẳng dành cho nó một vị trí đặc biệt nào cao hơn hoặc thấp hơn trong đời sống. Nó chỉ là một sinh hoạt như mọi sinh hoạt của con người. Vậy thôi. Với ông, đời sống bao trùm văn chương nghệ thuật chớ không phải văn chương nghệ thuật bao trùm đời sống. Ông nói từ lâu ông đã đi tới ý nghĩ sau đây: “Trong đời sống, cái gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì là quan trọng”. Nhớ Milan Kundera trong tác phẩm Đời Nhẹ Khôn Kham:

Mọi thứ chợt đến chợt đi trong đời sống, không hề có dấu hiệu báo trước, như người diễn viên diễn xuất một mình. Và đời sống có đáng giá gì không nếu buổi tập diễn đầu tiên cho đời sống lại chính là đời sống? Đó là lý do sao đời sống bao giờ cũng chỉ là bức phác hoạ. Không, “phác hoạ” cũng không đúng, bởi phác hoạ còn cho thấy đại cương sự vật, cho thấy nền tảng của bức tranh, trong khi bức phác hoạ đời sống hoàn toàn trống trơn, nó là một đại cương vô hình tượng. Einmal ist keinmal... Câu phương ngôn Đức nói cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ sống.[2]

Trong Sự Bất Tử:

Trong hoàn cảnh đó chúng ta có thể quyết định được một lần duy nhất, không lập lại... chúng ta không bao giờ có thể xác định được trong các quyết định của chúng ta cái nào đúng cái nào sai. Chúng ta không còn có cuộc đời thứ hai, thứ ba, thứ tư... để có khả năng đối chiếu các quyết định đã đưa ra... Các nhân vật tiểu thuyết của tôi đó là những khả năng riêng của tôi mà tôi không thực hiện được...[4]

Trả lời phỏng vấn của Christian Salmon trên tạp san văn học The Paris Review năm 1983, khi người phỏng vấn nhắc lại rằng trong Đời Nhẹ Khôn Kham, Milan Kundera từng nói: “Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả, nó là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Nhưng ý nghĩa của “bẫy” là gì?” Milan Kundera nói:

Đời sống là cái bẫy chúng ta vẫn luôn biết: chúng ta sinh ra đời không phải vì chúng ta yêu cầu, bị nhốt trong thân xác không phải do chúng ta lựa chọn, và cuối cùng chết.[3]

Milan Kundera nói rõ tiểu thuyết của ông không phải là tiểu thuyết tâm lý. Nhưng cái gì nằm bên kia cái gọi là tiểu thuyết tâm lý? Milan Kundera nói rõ hơn vậy thì phương cách phi-tâm lí dùng để thấu hiểu bản ngã là phương cách gì? “Thấu hiểu bản ngã trong tiểu thuyết tôi có nghĩa là thấu triệt cái cốt lõi của bài toán hiện sinh. Thấu triệt cái ám mã hiện sinh.”[3]

Thử đọc một đoạn trong Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera

Mỗi lần trải qua một kinh nghiệm yêu đương, ký ức anh chỉ ghi giữ con đường dốc đứng và chật hẹp của cuộc chinh phục dục tình: câu nói tấn công đầu tiên, cái ve vuốt đầu tiên, lời nói suồng sã gợi dục đầu tiên giữa hai người, những đòi hỏi dâm đãng anh ép cô ưng chịu và những đòi hỏi cô nhất định không cho...[3]

Trong Sự Bất Tử:

Đối với Laura yêu một người có nghĩa là dâng tặng cơ thể mình cho người đó, như nàng đã tặng cho người chị chiếc đàn piano trắng; đem đặt cơ thể mình giữa nhà người đó: em đây, năm mươi bảy ký của em đây, thịt da em, xương cốt em đây, chúng là để cho anh, em để chúng lại nhà anh...[4]

Đọc Kiệt Tấn, người ta thấy la liệt dục tình, ông viết về nó nhẹ nhàng như chơi, như một người kể chuyện đời mình, một thứ tự truyện. Ông tuyên bố khi trả lời phỏng vấn: “Hầu hết những truyện tôi viết đều là tự truyện”. Và như là tự truyện, Kiệt Tấn cho biết “tôi cố gắng tôn trọng sự thật tới mức có thể được”. Cái tôi trong truyện của Kiệt Tấn chính là cái tôi ngoài đời của tác giả. Thử mở tập truyện Thương Nàng Bấy Nhiêu (nxb Người Việt, California, 1988) của ông ra xem. Sách có tất cả 7 truyện, không có truyện nào mang tên Thương Nàng Bấy Nhiêu. Cái tên đó coi như là tên chung cho cả tập truyện. Cái tôi trong “Lệ Dung Sang Tề”, “Chuông Ngân Chạnh Nhớ Người Yêu Đầu”, “Đêm Cỏ Tuyết”, “Người Em Xóm Học”, “Sáng Dậy Nghe Em Khóc”, “Những Đoá Hạnh Phúc Không Ngờ”, không ai khác hơn là tác giả. Kiệt, Kiệt Tấn. Ông viết về những người đàn bà (?) của ông — những Lệ Dung, Tuyết, Diane, Hường... với những “đụng chạm xác thịt nồng nàn, dục tính, đam mê cuồng nhiệt...” Lật dở một trang (195) trong truyện “Sáng Dậy Nghe Em Khóc” của Thương Nàng Bấy Nhiêu sẽ thấy Kiệt Tấn viết thật đến như thế nào. Ngay ở trang kế tiếp, ông cho thấy nhân vật nữ cấu lấy lưng ông và lầm thầm đứt quãng “chết em, Kiệt... anh Kiệt thôi anh, Kiệt!.. Đừng anh! Kiệt, anh Kiệt!...”. Đọc sang một đoạn trong Đêm Cỏ Tuyết (Thương Nàng Bấy Nhiêu, tr.56):

Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đoá hoa thầm kín của nàng. Mềm mại, ấm áp, trơn mướt, nhung êm. Mê mẩn, sung sướng, hạnh phúc. Cứ gọi là hạnh phúc, dù tôi chẳng có định nghĩa nào về hạnh phúc. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đoá hoa thầm kín của đàn bà thân mật, chi tiết và trọn vẹn đến như vậy. Cả người tôi cháy thành một khối cảm giác đê mê. Tôi đã biến mất.
 
... Yêu? Gọi thế nào cũng được, có đặt tên cho tình cảm hay không thì nó cũng vậy thôi. Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Tôi thường ngạo các cô tình nhân khi các nàng từ chối tình dục: “Em yêu anh bằng linh hồn còn xác thịt em để cho người khác? Nếu vậy hãy cho phần thứ hai, anh trả lại em tình yêu”.

Tôi ở đây không phải là một nhân vật hư cấu. Tôi chính là tác giả. Là Kiệt, là Kiệt Tấn, phát biểu đó có quá đáng không?

Tuy vậy, có một ngoại lệ, truyện “Cho Thiếp Theo Cùng”, trong đó cái tôi không phải là tác giả, mà chính là “bà Kiệt” của ông. Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt” vẽ chân dung ông, bằng ngôn ngữ của chính ông. Nếu ở những truyện khác, Kiệt Tấn là người tự hoạ chân dung mình, nói lên cảm xúc của mình, nhìn người phụ nữ bằng đôi mắt của mình, yêu thương, ôm ấp, dày vò, sờ soạng... bằng tất cả giác quan của mình thì với “Cho Thiếp Theo Cùng”, Kiệt Tấn cầm tay “bà Kiệt” vẽ mắt mũi chân tay đầu óc suy nghĩ của ông, luồn lách trong tận cùng tim gan ruột già ruột non của ông, đem ông ra pháp trường. Một hình thức phản hồi tuyệt vời, một lời tự thú trước bình minh của Kiệt Tấn. Toàn bộ những “tội lỗi” của ông trước mắt “phu nhân”, tôi nghĩ đã được, sẽ được “bà Kiệt” xoá bỏ tha thứ không một hình phạt nào phải ghi sổ. Cuốn sổ bình sanh của ông không ghi công, nhưng chắc cũng không ghi tội. Kiệt Tấn với cuốn Thương Nàng Bấy Nhiêu là một phạm nhân hoàn toàn được quan toà tha bổng. “Trưa hôm qua, thêm một lần nữa, đấng lang quân yêu dấu của tôi lại làm cho tôi mất mặt bầu cua: Chàng la tôi trước mặt mọi người!” Đó mới chỉ là mở đầu. Kiệt Tấn còn để cho bà vợ miêu tả ông là người có “tiếng cười vô duyên”, gọi ông là “đực rựa” yêu dấu, có lúc “ốm teo, xếp ve, ngơ ngác”, “nói ra nghe kỳ chứ những lúc chàng điên điên, khùng khùng tôi mới cảm thấy chàng thuộc về tôi. Lúc nào chàng ngoắc ngoải ngồi dậy được là tôi lại sợ mất chàng.” Nhưng rồi, chứng nào tật nấy, bà Kiệt bắt gặp ông nay chở cô này mai chở cô kia. Chưa đủ, khi bà lấy khẩu cung, ông khai hết không thiếu chi tiết nào đến nỗi bà chỉ khóc và “không muốn nghe nữa”. Rồi cô Nhung Bắc Kỳ, cô Louise Gia Nã Đại,... Tự mình hoạ mình chưa đủ, Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt Tấn” vẽ chân dung ông từ một góc nhìn khác. Một Kiệt Tấn được nhìn từ nhiều góc. Ở góc nào thì ông cũng dành cho người đàn bà một chỗ đứng đặc biệt “tay chưn rối beng, thịt da bát ngát, đồi núi chập chùng, cỏ hoa tưng bừng rậm rạp, động hang thăm thẳm”...

Nhắc Milan Kundera khi nói về Kiệt Tấn, tôi hoàn toàn không có ý so sánh, kết hợp, phân tích... Đơn giản là vì trong khi đọc Kiệt Tấn tôi nhớ Milan Kundera, nhân vật của hai ông “tôi” của Kiệt Tấn và Tomas của Milan Kundera; Diane, Hường, Tuyết... của Kiệt Tấn và Teresa, Sabina... của Milan Kundera, có một số điểm tương đồng trong chuyện làm tình, nhưng rất khác nhau trong suy nghĩ (tất nhiên!). Đọc truyện của hai ông, người ta không thấy gì thô tục, bẩn thỉu... chỉ là — như cách nói của Thụy Khuê:

Qua cái vỏ ngoài có vẻ sống sượng, trần truồng của ngôn ngữ, bên trong ấp ủ một tình yêu dịu dàng, êm ái... Kiệt Tấn ngó đàn bà trong trạng thái nguyên thủy (không quần áo), với con mắt của một hoạ sĩ trước vệ nữ khoả thân... Sự thèm muốn trước cái đep thể xác là điều tất đến như đói thì ăn, khát thì uống, không có gì xấu xa, không có gì cần phải che đậy, thật thà và hiện hữu như những nhu cầu chính yếu của con người.

“Viết về tình dục, tôi đặt nghệ thuật lên hàng đầu.” Kiệt Tấn phát biểu như vậy, và ông tiếp: “... viết về tình dục một cách nghệ thuật đòi hỏi một sự điêu luyện và một bản lĩnh rất cao ở người viết. Chỉ cần sai chạy một chữ là hỏng bét...”

Tôi chia sẻ ý này của Kiệt Tấn.

 

San Jose 2006

 

_________________________

[1]Trong “Kiệt Tấn ở Phút Nói Thật” với Đặng Mai Lan và Phan Thị Trong Tuyến trên Văn số 117 &118 (tháng 9 & 10, 2006) tr.99-124, Kiệt Tấn cho biết ông đã viết truyện lai rai từ hồi học Trung học và đại học, và truyện ngắn đầu tay ông viết về Diane khoảng năm 1961 khi ông từ Paris trở về Quebec, không nhớ rõ nhan đề, đăng trên nội san Đất Lạnh số 1 do nhóm sinh viên Việt Nam du học tại Quebec chủ trương.

[2]Milan Kundera, Đời Nhẹ Khôn Kham, bản dịch của Trịnh Y Thư, Văn học, California xuất bản, 2002, tr 16-17.

[3]Milan Kundera, Sđd, tr.331.

[4]Milan Kundera, Sự Bất Tử, Ngân Xuyên dịch, nxb Văn học Hà Nội, 1999, tr.217


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021