thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chinatown [II]

 

Tiểu thuyết Chinatown viết xong tháng 5 năm 2004, được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2005. Với sự cộng tác của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả Tiền Vệ toàn bộ tác phẩm, đăng thành 10 kỳ để tiện theo dõi. Trên thực tế, Chinatown không hề phân chương hay đoạn, gồm tiểu thuyết chính bọc lấy 2 trích đoạn của một tiểu thuyết phụ (có nhan đề I’m yellow, do nhân vật chính sáng tác). Các dấu chấm xuống hàng, vì vậy, chỉ có mặt trong các phần của I’m yellow. Cám ơn sự theo dõi của độc giả.
__________

 

kỳ trước: Chinatown [I]

 

I’m yellow

 

Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang. Tôi nhìn rất lâu vào đêm. Tôi ném chiếc chìa khóa vào đêm. Trong màu vàng của đêm, nó không gây một tiếng động nào.

Tôi đi bộ. Không phải vì lâu lắm rồi tôi mới ra phố. Cũng không phải vì màu vàng của đêm không bao giờ có mặt trong những bức tranh của tôi. Tôi không có một phương tiện nào khác. Chiếc xe máy tôi đã để lại cho Loan. Căn hộ cũng vậy. Cả năm mươi bức tranh tôi đã vẽ, trong năm mươi ngày vừa qua. Tất nhiên chúng chẳng có một giá trị nghệ thuật nào. Chúng chỉ bảo đảm cuộc sống vật chất cho Loan và con gái chúng tôi trong vòng năm năm nữa. Tôi không thù ghét bản thân vì đã làm việc ấy. Tôi cũng không thù ghét vợ tôi vì Loan đã bắt tôi làm việc ấy. Tôi ngạc nhiên trước sự dửng dưng của mình. Nhưng tôi phải ra đi. Tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi này từ năm mươi ngày qua, mỗi ngày một bức tranh, mỗi bức tranh có đánh số thứ tự.

Tôi đi bộ qua những con phố màu vàng.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây năm năm tôi kết thúc cuộc sống độc thân bằng cách lấy vợ. Đó là một việc làm ngu ngốc. Ngay trong đêm tân hôn, nằm cạnh Loan, tôi đã biết đang làm một việc ngu ngốc. Cuộc sống vợ chồng cỉa chúng tôi kéo dài năm năm. Trong năm năm ấy Loan cho tôi một đứa con gái kháu khỉnh. Trong năm năm ấy tôi vẽ cho Loan và con gái chúng tôi năm trăm bức tranh. Đương nhiên chúng cũng chẳng mang một giá trị nghệ thuật nào cả. Cũng như năm mươi bức tranh tôi vừa hoàn thành trong năm mươi ngày qua, chúng chỉ bảo đảm một cuộc sống vật chất. Giữa chúng tôi, ngay từ đêm tân hôn, đã hình thành một hợp đồng như thế. Loan gánh vác bên tinh thần, còn tôi chịu phần vật chất. Con gái chúng tôi, phôi thai sau cái đêm ấy ba tháng, cũng có trách nhiệm trong bản hợp đồng của ba người. Nó luôn đóng vai cảnh sát, nhắc nhở chúng tôi không được quên bổn phận của từng cá nhân. Và cách đây năm mươi ba ngày, khi tôi quyết định ra đi, phá vỡ hợp đồng, chính nó đã ngồi giữa toà, một bên là tôi-bị cáo và bên kia là mẹ nó-nạn nhân, bắt buộc tôi để lại mọi của cải động sản và bất động sản, với năm mươi bức tranh, năm mươi bức tranh có tính nghệ thuật không nó không cần biết, nhưng năm mươi bức tranh nhất định phải đủ tính thương mại để có thể đặt chân vào phòng bán tranh, có thể làm vừa lòng khách mua tranh, có thể mang về một số tiền ít nhất là hai trăm đô-la mỗi bức, bồi thường cho nó và Loan, những người thiệt thòi sau khi bản hợp đồng bị hủy.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây hai mươi năm, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vào trường đại học Mỹ Thuật. Đó là một việc làm ngu ngốc. Ngay hôm nhận được giấy báo điểm, tôi đã biết tôi đang làm một việc ngu ngốc. Quá trình học kéo dài năm năm. Trong năm năm ấy bố mẹ tôi nhận được năm giấy khen của nhà trường bù lại năm lần bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng của các trường phổ thông trung học nơi tôi đã từng học, từng lưu ban, từng bị đuổi. Năm năm đại học là hợp đồng đầu tiên tôi kí trong đời, không phải với ai khác ngoài bố mẹ ruột của mình. Tôi chịu trách nhiệm về tinh thần còn bố mẹ tôi chịu phần vật chất. Đôi bên đều hài lòng. Vào ngày tôi trình bố mẹ tôi tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, mẹ tôi làm một mâm cơm thịnh soạn và bố tôi rót cho tôi một ly rượu ngoại, cả hai cùng đáng xếp loại ưu. Ngày hôm ấy tôi vẫn còn nhớ. Ngày hôm ấy tôi rời hẳn căn hộ gia đình, sau bữa ăn trưa đặc biệt, không có gì trong tay, bằng tốt nghiệp đại học đương nhiên được bố mẹ tôi giữ lại như bằng chứng của một bản hợp đồng đã thanh toán sòng phẳng. Sau này tôi cũng kí thêm nhiều hợp đồng nữa, với người ngoài. Cái ngắn hạn, cái dài hạn. Cái quan trọng nhiều, cái quan trọng ít. Nhưng không bao giờ tôi chịu gánh vác mặt tinh thần như trong bản hợp đồng từng có với bố mẹ tôi.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây bốn năm, Loan bị ngã xe máy. Một đồng nghiệp của cô ấy tới nhà báo cho tôi, sau đó đề nghị đưa tôi thẳng đến bệnh viện. Tôi chấp nhận ngay lập tức bởi bản thân cũng nghĩ không đủ sức đi một mình. Chỉ còn một tuần nữa là vợ tôi phải vào nhà hộ sinh. Trước đó bác sĩ đã khuyên cô ấy nên cẩn thận, đặc biệt những ngày cuối cùng. Đoạn đường từ nhà đến bệnh viện bỗng trở nên dài vô tận. Tôi có cảm giác luôn luôn gặp trở ngại, bởi người đi đường quá đông, bởi có quá nhiều ngã tư, ngã tư nào cũng gặp đèn đỏ, ngã tư nào cũng có cảnh sát giao thông, bởi ông gác cổng làm khó dễ không cho vào, lý do bệnh nhân ngủ trưa, cô y tá trực khoa cũng cứng nhắc, nhất định bắt đưa chứng minh thư mới chịu chỉ phòng. Thế nhưng, khi nhìn thấy Loan nằm trên giường, tươi cười, tôi thấy tối tăm mặt mũi. Chưa bao giờ tôi thất vọng đến thế. Lập tức tôi hiểu tôi muốn gặp Loan, ngay khi biết tin tai nạn của cô ấy, chỉ vì tôi nghĩ rằng Loan đã chết. óc tưởng tượng của tôi đi quá nhanh, mắt tôi đã nhìn thấy thân thể Loan bê bết máu quấn trong vải trắng, tai tôi đã nghe tiếng chuột đuổi nhau trong góc phòng lạnh, mũi tôi đã đánh hơi được mùi phoóc môn, thậm chí còn tự hỏi có phải chính nó đã giúp cho bánh phở tươi được mấy ngày liền, từng là mục tiêu công kích của tất cả các hình thức thông tin đại chúng. Tôi không thấy nó đáng sợ lắm, hay không ghê tởm lắm, ít ra nó không làm tôi buồn nôn, cái mùi thuốc ướp xác ấy.

Tôi tỉnh dậy khi Loan đưa tay đập vào vai tôi, miệng vẫn nụ cười từ mười lăm phút nay. Tôi còn nhớ đã để cô ấy lại một mình mà chạy đi tìm bác sĩ chủ nhiệm khoa. Ông ấy đang bận một ca mổ não đặc biệt. Nạn nhân cũng là một phụ nữ bị tai nạn xe máy. Tôi đứng ngoài phòng mổ, dán mắt vào cửa kính, hồi hộp như thể chính Loan đang nằm trong ấy. Ba mươi phút sau, bác sĩ và y tá mặt mày căng thẳng, đề nghị nghỉ giải lao. Tôi tiến lại gần bắt tay người chồng bệnh nhân. Nó mềm nhũn. Tôi hỏi vỡ hộp sọ à. Anh ta chẳng hiểu gì, mấy giây sau ôm mặt hu hu. Một cô y tá phải chạy ra mắng vợ đã chết đâu mà khóc anh ta mới im. Giờ ăn trưa, bác sĩ chủ nhiệm khoa cho tôi vào gặp. Cứ để tôi đứng giữa phòng, ông ta nói ngay vết nứt rất sâu ở hộp sọ, khó qua nổi tuần này. A, bác sĩ tưởng tôi là chồng bệnh nhân vừa mổ. Tôi giải thích Loan vừa được đưa vào cấp cứu, chưa kịp chụp phim. Ông ta châu mày, sua tay, nói mai có kết quả. Cửa phòng đóng sập. Tôi thấy mình bị đẩy ra ngoài, mắt trâng trâng, chúng không chợp tẹo nào từ lúc bị Loan đánh thức. Khuôn mặt lạnh lùng và câu trả lời nước đôi của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của cô ấy khiến tôi trở nên lạc quan, thậm chí thấy nhiều hy vọng. Đêm đó tôi ngủ gật trong hành lang bệnh viện, mong trời sáng, mong bác sĩ đến đúng giờ để đọc X quang não cho Loan. Có một lúc, trong cơn mơ, tôi thấy ông ta giơ ra một tấm phim rồi chỏ cho tôi xem một vệt đen rất to ở ngay chính giữa hộp sọ, sau đó còn chỉ thêm tên Loan viết bên dưới, xong quay ra nhìn tôi chằm chằm, miệng mỉm cười, đầu gật gật. Tôi còn đang loay hoay trước sự ý nhị của ông ta, không biết nên đáp lại như thế nào thì bị đánh thức dậy. Loan lay vai tôi, tươi cười hơn cả hôm qua, kể ông bác sĩ chủ nhiệm khoa không đến được, gọi điện thông báo cô ấy có thể ra viện sáng nay, hộp sọ bình an vô sự, lên bàn đẻ đúng ngày đã định.

Tôi há hốc mồm. Ngày hôm ấy tôi quên đánh răng, quên ăn sáng, quên ăn trưa, đến mười giờ đêm lên giường đi ngủ vẫn không thấy đói. Sau này, tôi ngờ Loan đã cười, nhiều lần liền, lần nào cũng kèm vài cái đập vào vai tôi, chỉ để nhắc tôi kẻ chiến thắng là cô ấy, cô ấy sẽ không bao giờ để tôi thoát khỏi bản hợp đồng, bản hợp đồng còn chắc hơn nữa khi con của chúng tôi ra đời, một tuần sau đó.

Tôi cũng ngờ rằng từ sau tai nạn xe máy ấy, Loan đi lại, ăn uống hết sức thận trọng, thậm chí thái quá, không phải cho bản thân mà chỉ bởi vì cô ấy muốn tôi đừng bao giờ tơ tưởng tới cái chết đột ngột sẽ mang cô ấy đi. Cái xe máy được đem tân trang rồi bán cho người hàng xóm, lỗ một triệu. Vợ tôi thề suốt đời đi xe đạp, suốt đời đạp xe sát vỉa hè. Đôi khi lại vừa cười vừa đập vào vai tôi, Loan thẳng thừng bảo mới xem tử vi ông thầy này ông thầy kia, ông nào cũng quả quyết mệnh cô ấy vững lắm, dao kề cổ vẫn được quí nhân phù trợ. Tôi có cảm tưởng cuối cùng chỉ vì muốn khuất phục tôi, bắt tôi mãi mãi tuân theo bản hợp đồng ấy, mà vợ tôi một phụ nữ có trí tuệ hạn chế đã cho phép mình trở nên bất tử. Niềm tin này trên thực tế được hình thành ngay từ khi chúng tôi lấy nhau. Nó mạnh đến nỗi vừa biết mình mang thai, Loan đã khẳng định đứa bé sinh ra sẽ là con gái. Lúc đó, tôi không hiểu ý cô ấy. Chỉ chín tháng sau, khi đỡ con bé từ tay Loan, kinh ngạc trước khuôn mặt giống mẹ như tạc của nó, tôi mới vỡ lẽ vợ tôi đã tin một cách cuồng tín rằng sau này, ngay cả khi cô ấy chẳng may qua đời, sẽ có con bé thay thế trên mọi phương diện. Nhất là nó sẽ tiếp tục trông coi bản hợp đồng được kí giữa chúng tôi. Con gái tôi, ngay từ phút chào đời, vừa nhìn thấy bố, đã biết khóc ngằn ngặt. Tôi bịt chặt tai và suýt quẳng nó xuống đất khi Loan tươi cười đập vào vai tôi, hỏi ý tôi thế nào nếu cô ấy đặt tên nó là Loan. A, tôi ngờ đây cũng không phải là một ý nghĩ bột phát.

Bốn năm chúng sống tiếp theo của chúng tôi chỉ để vợ tôi không ngừng củng cố niềm tin vào sự bất tử của cô ấy. Tôi cho rằng chính điều này làm tôi ghê tởm cuộc sống chung với Loan hơn cả. Nó là lý do để tôi không bao giờ ân hận đã từng ngày một, trong suốt quãng thời gian ấy, âm thầm mong vợ tôi chết. Chết như thế nào tôi không biết. Tôi không cần biết. Tôi chỉ cần một điều, cô ấy biến khỏi cuộc đời tôi, biến vĩnh viễn.

Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi.

Cách đây năm mươi ba ngày, tôi bị ốm. Đầu tiên tôi cho là bị cảm nắng. Đến đêm chân tay tôi lạnh toát, hai hàm răng đánh vào nhau cồm cộp. Sau đó, tôi bị nôn và khi nôn xong thì không khỏi mà cảm thấy mệt vô cùng. Vợ tôi tỏ ra rất lo lắng. Cô ấy mời bác sĩ đến khám ngay cho tôi đêm ấy, hôm sau còn thuê tắc xi đưa tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm máu. Tôi bị giữ lại bệnh viện ba ngày. Trong ba ngày ấy, bác sĩ không phát hiện ra bệnh gì. Tôi gầy đi ba cân, mặt hốc hác. Vợ tôi càng tỏ ra lo lắng, luôn mồm hỏi bác sĩ xem có cần chụp X quang cho tôi không, luôn mồm hỏi tôi muốn ăn gì, uống gì và nhất định chỉ rời tôi lúc chín giờ tối, khi bệnh viện đã đóng cửa, để sáng hôm sau lại vào rất sớm. Ba đêm đó trên thực tế là quãng thời gian tôi cảm thấy thoải mái nhất từ khi lấy vợ. Hóa ra cuộc sống của tôi chỉ cần vắng mặt cô ấy đã dễ chịu hơn nhiều. Tôi cố gắng ăn thật ít, cố gắng ba tiếng nôn một lần, mỗi lần đều có máu, máu càng ngày càng sậm, để có thể ở lại bệnh viện thêm vài hôm nữa. Nhưng việc này quả là không thể. Ngành y tế thiếu phòng trầm trọng, những bệnh nhân không rõ bệnh như tôi ngay cả trả thêm tiền cũng không có quyền nằm lại quá ba ngày.

Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang.

Bệnh viện mênh mông không một bóng người.

Tôi đi dạo lần cuối cùng. Cái sân này ba mươi sáu tiếng qua tôi đã đi nhiều vòng. Chỉ còn mấy tiếng nữa Loan sẽ đến, lần này để đón tôi về nhà. Tôi biết cô ấy tìm mọi cách để tôi ra viện, càng sớm càng tốt. Rõ ràng bệnh viện không phải là nơi thích hợp cho bản hợp đồng của vợ chồng chúng tôi. Phòng chụp X quang cửa mở toang, cũng không ai bên trong. Không hiểu bằng cách nào tôi có linh tính hồ sơ bệnh án của tôi đang nằm trên mặt bàn kê ngay giữa phòng. Người ta chuẩn bị sẵn thủ tục xuất viện cho tôi. Một ý nghĩ vụt đến. Tôi nhớ người đàn ông nằm phòng bên cạnh, cỡ tuổi tôi, chiều nay thấy ra cửa tiễn vợ mắt đỏ hoe. Chắc chỉ mai sẽ bị trả về nhà. Tên của anh ta đây rồi. Hồ sơ cũng không xa hồ sơ tôi. Tôi thích thú tưởng tượng cảnh Loan khóc lóc. A, tôi muốn biết có quí nhân nào phù trợ cô ấy trong hoàn cảnh này không.

Đêm đó tôi yên tâm ngủ. Tôi cố tình quên cả giờ ra viện. Tôi chỉ thức dậy khi Loan to tiếng với cô y tá đang cố giải thích vết nứt ở hộp sọ của tôi, được phát hiện sau lần chụp X quang tối hôm qua, theo bác sĩ chuyên khoa thì vô phương cứu chữa. Tôi có cảm giác ông gác cổng đang nháy mắt với tôi còn bà lao công đưa tay vẫy vẫy lúc tôi qua cổng bệnh viện. Không ngoái cổ lại, tôi giữ chặt hồ sơ bệnh án trong tay.

Ra đến đường, phát hiện tôi vẫn chưa thay quần áo bệnh nhân, Loan cau mày. Tôi mở túi du lịch lấy chiếc áo đi mưa. Ba ngày không xờ đến, tôi thấy nó dường như rộng gấp đôi, quá dài, màu ghi cũng trở nên quá tối. Tôi giật mình, nhìn túi du lịch. Dường như nó cũng không phải là của tôi nữa. Hơn một tháng sau, rời Hà Nội, nhưng tôi không bao giờ quên được cảm giác ấy.

Chúng tôi lên xe tắc xi, suốt đoạn đường từ bệnh viện về nhà, vẫn không nó với nhau câu nào.

Đêm hôm ấy, đơn ly dị được đặt trên gối của Loan, chữ kí tôi bên dưới.

Cô ấy nhìn tôi im lặng. Mắt đỏ hoe. Cuối cùng tôi đồ rằng chính vết nứt ở hộp sọ của người đàn ông hàng xóm trong bệnh viện đã khiến cô ấy kí vào đơn. Hay căn hộ, hay chiếc xe máy, hay năm mươi bức tranh mà tôi sẽ vẽ. Tôi không biết. Tôi không cần biết. Tôi chỉ cần biết một điều : năm mươi ngày nữa, buổi sáng thức dậy, tôi sẽ thấy cô ấy biến khỏi đời tôi, biến vĩnh viễn, như thể chúng tôi chưa từng gặp nhau, như thể năm năm vừa qua chỉ là cơn ác mộng.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chinatown [I] (tiểu thuyết)
Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích. Người ta phát hiện một túi du lịch vô chủ. Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều... (...)

 

----------------------

Mời độc giả xem cuộc phỏng vấn Thuận và Phố Tầu: Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý do Nguyễn Chí Hoan thực hiện.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021