thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi viết cho anh từ một xứ xa
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
HENRI MICHAUX
(1899-1984)
 

I

 
Ở đây, nàng nói, mỗi tháng chúng tôi chỉ có mặt trời một lần, và chỉ được một lúc mà thôi. Chúng tôi dụi mắt nhiều ngày trước đó. Nhưng dụi là dụi thế thôi. Thời tiết khắc nghiệt. Mặt trời chỉ đến vào giờ nó chọn.
 
Sau đó, khi có ánh sáng, chúng tôi có cả một lố chuyện phải làm, đến nỗi chúng tôi khó mà có thì giờ nhìn nhau một chút.
 
Cái rầy rà, đối với chúng tôi, trong bóng đêm, ấy là khi phải làm công chuyện, và làm thì phải làm thôi: những thằng lùn cứ thế ra đời.
 

II

 
Khi chúng tôi bước đi ngoài đồng, nàng còn tâm sự thêm với hắn, trên đường đi chúng tôi có thể gặp những khối chình ình trước mặt. Đó là những ngọn núi, và sớm muộn gì chúng tôi cũng phải gập gối quì xuống. Có cưỡng lại cũng chẳng đi tới đâu, chúng tôi không sao đi xa hơn, cho dù có phải trầy da tróc vảy.
 
Không phải để làm tổn thương mà tôi nói ra điều này. Tôi có thể nói nhiều chuyện khác, nếu như tôi muốn làm tổn thương.
 

III

 
Bình minh ở đây màu xám, nàng còn nói với hắn. Không phải lúc nào cũng thế. Chúng tôi không biết kết tội cho ai.
 
Trong đêm bầy gia súc rống dữ dội, những tiếng kéo dài và khi chấm dứt thì nghe như vi vu tiếng sáo. Chúng tôi thương cảm, nhưng làm sao được?
 
Mùi bạch đàn vây quanh chúng tôi: ân huệ, thanh thản, nhưng mùi hương không thể bảo bọc mọi thứ cho chúng tôi, hay anh lại nghĩ rằng nó thực sự có thể bảo bọc mọi thứ?
 

IV

 
Tôi nói thêm với anh một lời nữa, đúng ra là một câu hỏi.
 
Trong xứ anh nước cũng chảy phải không? (tôi không nhớ anh đã có nói với tôi về chuyện này hay không) và nó cũng làm ta lạnh run, nếu đúng là nó.
 
Tôi có yêu nó không? Tôi không biết. Con người ở trong nước cảm thấy cô đơn biết bao, khi nước ấy lạnh. Khi nước ấm thì hoàn toàn là chuyện khác. Vậy thì sao? Phán đoán như thế nào đây? Thế các anh, các anh cho tôi biết, các anh phán đoán ra sao, khi các anh nói về nó không ngụy trang, nói hết lòng?
 

V

 
Tôi viết cho anh từ chân mây cuối trời. Anh phải biết điều đó. Cây cối thường hay run. Người ta nhặt lá rơi. Những chiếc lá có vô số kể những đường gân. Nhưng có ích gì? Giữa lá và cây chẳng còn liên hệ gì nữa, và chúng tôi lúng túng tản đi.
 
Cuộc sống trên trái đất này phải chăng không thể tiếp diễn nếu không có gió? Hay là mọi thứ đều phải run rẩy, luôn luôn, mãi mãi?
 
Cũng có những tiếng khuấy động tầng dưới đất, và cả trong nhà như những cơn giận có thể đối diện với ta, như những con người nghiêm khắc đang muốn moi ra những lời thú tội.
 
Chúng tôi không nhìn thấy gì, ngoài những cái không mấy quan trọng để thấy. Chẳng có gì, nhưng chúng tôi vẫn run. Tại sao?
 

VI

 
Phụ nữ chúng tôi ở đây ai nấy đều đang sống thắt họng. Anh có biết, mặc dù còn rất trẻ, tôi đây xưa kia còn trẻ hơn nữa, và bạn bè chung quanh tôi đều thế cả. Điều đó có nghĩa là gì? Chắc chắc trong đó có một cái gì khủng khiếp.
 
Và ngày xưa khi, như tôi có nói với anh, khi chúng tôi trẻ hơn, chúng tôi đã sợ. Có người hẳn đã có thể lợi dụng sự sợ hãi ấy. Hẳn có người đã nói với chúng tôi: “Đấy, chúng tôi chôn các người đấy. Đã đến lúc rồi.” Chúng tôi nghĩ: “Đúng vậy, chúng tôi rất có thể bị chôn ngay đêm nay, nếu như người ta xác nhận quả là đã đến lúc.”
 
Và chúng tôi không dám chạy quá mức: hụt hơi, cuối đường đua, đến ngay trước một cái hố đào sẵn, và không kịp thì giờ thốt ra một lời nào, không còn hơi thở.
 
Hãy nói tôi biết, bí mật về chuyện này vậy ra nó là gì?
 

VII

 
Trong làng, nàng còn nói với hắn, thường xuyên có những con sư tử, chúng dạo khắp chẳng một chút cản trở. Nhờ người ta không chú ý đến chúng, chúng không chú ý đến chúng tôi.
 
Nhưng nếu chúng nhìn thấy một cô gái chạy trước mặt chúng, chúng không hề muốn xin thứ lỗi về mối xáo động nơi cô. Không! chúng lập tức xé xác cô.
 
Bởi thế nên chúng thường xuyên bước dạo trong làng là nơi chúng chẳng có việc gì làm, bởi lẽ nếu chỉ ngáp thôi thì ngáp ở đâu cũng thế, có phải hiển nhiên là như vậy?
 

VIII

 
Từ lâu lắm, lâu lắm rồi, nàng tâm sự với hắn, chúng tôi tranh luận với biển.
 
Những lần rất hiếm hoi, biển màu xanh, dịu dàng, chúng tôi tưởng rằng nó hài lòng. Nhưng tình trạng kéo dài không lâu. Ít ra mùi vị của nó nói lên điều ấy, một mùi thối ủng (trừ phi đó là vị đắng của nó).
 
Ở đây, tôi phải giải thích vấn đề sóng biển. Đây quả là chuyện cực kỳ phức tạp, và biển thì... Tôi xin anh, hãy tin ở tôi. Tôi có muốn đánh lừa anh không? Không chỉ một chữ mà nói được. Không phải chỉ là một nỗi sợ. Nó hiện hữu, tôi thề với anh đấy; chúng tôi thường xuyên nhìn thấy nó.
 
Ai? Là chúng tôi chứ ai, chúng tôi nhìn thấy nó. Nó đến từ rất xa để kiếm chuyện với chúng tôi và làm chúng tôi khiếp sợ.
 
Khi anh đến đây, anh sẽ tận mắt nhìn thấy nó, anh sẽ vô cùng ngạc nhiên. “”Coi kìa!” anh sẽ bảo, bởi vì nó làm người ta sửng sốt.
 
Chúng ta sẽ cùng nhìn nó. Tôi chắc chắn là tôi sẽ không còn sợ hãi. Xin anh cho tôi biết, chuyện ấy có bao giờ sẽ xảy ra không?
 

IX

 
Tôi không thể để anh với một mối nghi ngờ, nàng tiếp tục, không thể để anh thiếu mất tin tưởng. Tôi muốn lại nói với anh về biển. Nhưng sự bối rối vẫn còn đó. Những con suối vẫn trôi đi ; nhưng biển thì không. Anh hãy lắng nghe, hãy đừng giận, tôi thề với anh, tôi không nghĩ đến chuyện lừa dối anh đâu. Biển nó như thế đó. Cho dù có chuyển động mạnh đến mấy, mà chỉ gặp một chút cát là nó đứng lại. Sự bối rối quả không phải là nhỏ. Biển chắc chắn muốn đi tới, thế nhưng sự kiện là như thế.
 
Sau này có lẽ, một ngày kia nó sẽ đi tới.
 

X

 
«Chúng tôi chưa bao giờ bị kiến vây quanh đến như vậy», thư nàng viết. Bọn kiến lo âu, bụng đụng đất, chúng xua bụi ra ngoài. Chúng không quan tâm đến chúng tôi.
 
Không một con nào ngẩng mặt lên.
 
Đây là xã hội khép kín nhất, mặc dù chúng thường xuyên phân tán ra bên ngoài. Chẳng cần, những dự kiến chúng phải thực hiện, những bận tâm của chúng... giữa chúng với nhau thôi... khắp nơi đều thế.
 
Và cho đến giờ này không một con nào ngẩng mặt lên nhìn chúng tôi. Nó thà để người ta nghiến nát mình.
 

XI

 
Nàng còn viết cho hắn:
“Anh không sao tưởng tượng được hết những gì có trên trời, phải nhìn thấy nó mới có thể tin được. Thế thì, này nhé, những... nhưng tôi sẽ không nói cho anh biết tên của chúng ngay đâu.”
 
Mặc dù những vẻ ngoài như là đè rất nặng và chiếm gần trọn cả bầu trời, chúng không nặng, cho dù rất lớn, bằng một đứa bé sơ sinh.
 
Chúng tôi gọi chúng là mây.
 
Quả thật là nước từ chúng hiện ra, nhưng không phải bằng cách nén chúng lại, hay tán nhỏ chúng. Làm thế quả là vô ích, bởi chúng ít quá.
 
Nhưng, do chỗ nó chiếm hết từ chiều dài này đến chiều dài kia, từ chiều rộng này đến chiều rộng kia, luôn cả từ chiều sâu này đến chiều sâu kia và làm phồng lên, rốt cuộc theo thời gian chúng đã để rơi được vài giọt nước, vâng, là nước. Và thế là chúng tôi ướt như chuột lột. Chúng tôi bỏ chạy, giận vì đã bị mắc bẫy; bởi lẽ không ai biết được lúc nào chúng sẽ buông rơi những giọt kia; đôi khi chúng để yên cả mấy ngày không để rơi giọt nào. Và chúng tôi cứ thế hoài công ngồi đợi ở nhà.
 

XII

 
Việc giáo dục liên hệ đến những cái lạnh không được tiến hành tốt trong xứ này. Chúng tôi không biết những qui luật thật sự và khi biến cố xuất hiện, chúng tôi bị bất ngờ.
 
Ấy là Thời gian, tất nhiên. (Ở xứ anh có thế chăng?) Ta phải đến sớm hơn nó: anh có thấy tôi muốn nói gì không, chỉ cần đến trước một chút thôi. Anh biết câu chuyện về con bọ chét trong hộc bàn? Vâng, chắc chắn rồi. Và đúng là như thế, chứ gì nữa! Tôi chẳng còn biết nói sao. Khi nào rốt cuộc chúng ta sẽ gặp nhau đây?
 
 
----------------------------
* Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp "Je vous écris d’un pays lointain", trong tập Lointain intérieur, Henri Michaux, Éditions Gallimard, 1938 – một trong những bài đầu tiên Henri Michaux viết trong thời Chiếm đóng.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021