thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười ba bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
câu đáp
 
Cha tôi, các người nói,
cha tôi dưới hầm mỏ
có những vết chém trên lưng
những vết sẹo,
dấu tích đóng vẩy của đá lở,
mà tôi, tôi lại
ca ngợi tình yêu
 
Tôi đáp:
ấy, chính bởi thế
                                             (1956)
 
 
những chân trời
                              gửi nhà thơ Jan Skácel*
 
Tôi bị tố cáo là cầu vồng
và những màu lớn Đen và Trắng
đã nằm trong biết bao ngôi nhà
ở thành phố của tôi
 
Bầu trời trong những khung cửa sổ của họ sững lại,
khi tôi bước xuống đường
(Trong lúc có điều gì đó thảm hại
nơi bàn tay mở của tôi
sáng lên như thể cầu vồng
làm hoảng sợ những màu lớn Đen và Trắng
tôi bảo: một ngày kia nó sẽ nở hoa
Và tôi khép bàn tay lại
Giờ thì họ biết, tôi mang nó bên mình)
 
Trên những máy in xoay vòng liên tục của họ kề bên chỗ tôi ngủ
họ in ra nhiều cho ngày sắp tới
cái im lặng dấu giếm
(Bởi đáng lo ngại cho những màu lớn Đen và Trắng
là cái gì sống động
Những lỗ chân lông nó dùng để thở
những màu kia đem bít đi
Để nó không thể nở ra)
 
Nhưng giữa những màu lớn Đen và Trắng
có một lỗ hổng lớn
Qua đấy tôi đã bỏ trốn
 
Giờ thì tôi biết:
Bông hồng có nhiều khả năng
                                             (1960)
 
------------------------------------
* Jan Skácel (7.2.1922 - 7.11.1989): nhà thơ Tiệp, từng bị cưỡng bức lao động ở Đức, nhà báo, công nhân, biên tập đài phát thanh trước khi điều khiển tạp chí “Host do domu” từ 1963-1969. Được quần chúng trong nước yêu mến, ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng quóc tế. Sống ẩn dật từ khi Hồng quân tràn vào Tiệp-khắc. (ghi chú của dịch giả)
 
 
như những món đồ bằng đất
 
                                  "nhưng tôi gắn lại những mảnh vỡ của tôi
                                                 tựa như một cái bình đất bị bể"
                                                                (Jan Skácel, thư tháng Hai, 1970)
 
I
Chúng tôi đã muốn là như những món đồ bằng đất
 
Có đó cho những kẻ,
vào buổi sáng lúc năm giờ, uống cà-phê
trong bếp
 
Thuộc về những cái bàn đơn giản
 
Chúng tôi đã muốn là như những món đồ bằng đất làm bằng
đất ngoài đồng
 
Và thêm, không ai có thể giết người với chúng tôi
 
Chúng tôi đã muốn là như những món đồ bằng đất
 
Ở giữa
          bao nhiêu
                         là sắt thép
                                         lăn lăn
 
 
II
Chúng tôi sẽ nên như những mảnh vụn vỡ
của những món đồ bằng đất: không còn
là nguyên vẹn, mà có lẽ
chỉ một ánh mờ
trong gió
                                             (1970)
 
-------------------------
- Tôi ngưỡng mộ và kính trọng Jan Skácel, và tôi yêu mến những bài thơ của ông. Reiner Kunze - Hamburg, tháng Tư 2000
 
 
đường tới nhà các bạn
 
              "thật quá dễ tìm ra con đường dẫn tới nhà chúng tôi"
                                                                         (Jan Skácel)
 
Tìm ra con đường dẫn tới nhà các bạn thật quá dễ
 
Từ những đám mây và những cánh rừng
xổ tung những đường may họ đã tìm ra nó
hãy còn đêm
 
Qua những lỗ nhắm và những điểm nhắm
họ đã thâu ngắn con đường lại, những cánh cổng hãy còn
toang hoác, kinh ngạc
tới mãi tận ngưỡng cửa
 
Trong bóng tối mà họ
đẩy tới trước mặt,
họ đã lạc đường
 
Họ bố trí
trên những cây cầu
 
Và thay vì tiếng trục xe người ta đã nghe
rên rỉ những người hãy còn ngủ nghê
 
Giờ thì đã khó tìm ra con đường dẫn tới nhà các bạn
                                                                             (1968)
 
--------------------------
Ở đây Reiner Kunze ám chỉ tới bộ đội của Minh ước Vac-xa-va mà kiểm duyệt thời đó đã cấm gọi tên ra. (Chú thích của Mireille Gansel.)
 
 
thay xe ở s.
 
Giữa hai chuyến xe
là cha mẹ
 
Chúng ta chỉ muốn gặp con
 
Đôi mắt người mẹ
đẫm những lời trách móc đối với
người cha đang
im lặng
 
Cuộc đời trống rỗng
và những tiếng kêu đã tắt dưới hầm mỏ
 
Còn lại là
rượu và
đứa con trai
 
lại bỏ đi
                                                (1969)
 
 
khi tháo những gói sách mang theo
 
I
Ở đây họ có quyền hiện hữu
dưới tên họ
           Mandelstam Nadesha
           Solschenizyn
 
Khi gỡ bỏ những dải băng keo mịt mù
khỏi lưng họ, tôi gỡ bỏ khỏi lưng tôi
 
những sọc vô hình của người tù
 
II
Ở đây họ có quyền
hiện hữu
 
Còn có
                                                (I, 1978 / II, 1980)
 
 
mưa không ngừng trên passau
 
Từ trời cao ập xuống một dòng sông thứ tư
và những nóc tròn đại thánh đường xanh những rong biển
 
Ngày đã gần khi, trên đường phố
con cá sẽ nhảy lên
 
Và con thuyền, đã bao năm bị xiềng dưới vọng cầu,
run run trước hy vọng
 
có thể
chạm trán với chỏm cầu
                                                (1980)
 
 
kích thước
 
Tôi ưa ngồi với người câm-điếc, dùng đôi môi
lột vỏ các từ
 
Gần như chỉ có người điếc là còn biết lắng nghe
 
Anh muốn hiểu
 
Và cũng chỉ có người câm là biết, nghĩa là gì
hoài công vật lộn tìm chữ
 
Đôi khi gật đầu ra hiệu chúng tôi chỉ định nhau
làm thỏ già (mỗi con trên gáy
có vết sẹo nghe mùi chó săn)
 
Tôi ưa ngồi với người câm-điếc, với đôi mắt
lắng nghe, khi khắp chung quanh những tiếng nói
phủ trùm lẫn nhau
                                                (1980)
 
 
suy ngẫm về một pho tượng bán thân
 
                  "...pho tượng (thời thái cổ): Vệ nữ, bằng cẩm thạch...
                 bị phá hủy tới không còn nhận ra được, do những cuộc
                      ném đá bắt buộc của những người hành hương đền
                        thánh Mathias, những người phải làm như thế để
                                                (tỏ ra mình) từ bỏ ngoại giáo."
                                                                                           (mục tập)
 
Những bóng tối trong nắm tay
là một mẩu bóng tối nơi chúng ta
 
Ai vung nắm tay, là vung
sự tăm tối như dấu hiệu
 
Và trong chớp mắt, khi chúng ta ném đá
nơi chúng ta bóng tối
cũng dày đặc như trong đá
                                                (1983)
 
 
bức tường
 
Khi san bằng nó, chúng tôi đâu ngờ
nó cao đến thế
nơi chúng tôi
 
Chúng tôi đã quen với
nhẫn giới của nó
 
Và với gió lặng
 
Trong bóng nó không một ai
in bóng
 
Giờ chúng tôi trụi trần
mọi lý do bào chữa
                                                (1990)
 
 
ở erlau, thật ít lời
 
Chúng tôi ngủ, má kề dòng sông
bên những dòng nước không phiêu bạt
 
Nhưng mỗi lúc một thường hơn chúng tôi nằm dài, thức tỉnh,
để tìm kiếm chỗ tựa bên im lặng
 
Cách xa các từ
bày bán hạ của ngôn ngữ
 
Trước nhà, trên chạng cây thủy tùng,
con sáo không nghe thấy được giữ kín tiếng hót
 
và tiếng chuông ở Pyrawang bên kia dòng sông
đã lấy bớt đi trước đôi chút thời gian
                                                               (1996)
 
 
ở nghĩa địa brünne
 
                               "...tôi đã mất cây bút máy trung thành cũ của tôi...
                  Anh có thể gửi cho tôi một cây mới? Nếu có thể với một ngòi
                bút viết có bóng, nghĩa là với một cái đầu nhọn chuốt mép lài,
                                                  nhưng không phải một cái đầu mềm,
                                                        để chữ viết, khi ta ấn, phóng ra
                                                                một cái bóng thoáng nhẹ"
                                                                       (Jan Skácel, thư không đề ngày)
 
                                            "... Anh có thể gửi cho tôi vài lọ mực đen?"
                                                                                   J. S. 18-9-1989
 
Về mực đen lúc này đã có đủ
cho thiên thu
 
Nhưng anh lấy đâu ra
chiếc bóng ở dưới ấy?
 
Nấm mộ của anh mới im lặng cho anh làm sao!
 
Anh kẻ bao giờ cũng muốn rằng bí ẩn
vẫn là bí ẩn
 
Cả cho bản thân anh
lẫn trong thơ của riêng anh
 
Chúng tôi đứng đó, đầu cúi, đứng
về phía ánh sáng ngòi viết của anh
                                                               (1996)
 
 
nếu như anh muốn biết
 
                                "Hình như đá băng đã chuyển động"
                   Jan Skácel, thư chót trước khi ông mất, 7-11-1989
 
Đá băng, bạn yêu quý, đã rạn nứt
 
Nhưng nếu như anh muốn biết
chúng tôi đã ra sao,
nếu như còn có thể là anh muốn biết
thời tôi sẽ khuyên anh:
anh đừng hỏi
 
Mọi người xa tránh thinh lặng
 
Nếu không họ đã nghe thấy được
nơi mình, cái lỗi lầm quỳ xuống.
                                                  (1996)
 
 
-----------------------
Ghi chú của dịch giả:
REINER KUNZE, nguyên là một nhà thơ Đông Đức, sinh năm 1933 trong một gia đình công nhân ở Erzgebirge, một vùng có nhiều hầm mỏ ở phía đông nước Đức giáp với Tiệp-khắc. Ông theo học triết lý và báo chí tại đại học Leipzig. Vì những lý do chính trị, sự nghiệp của ông ở đại học đột nhiên bị gián đoạn và do đó ông đi làm phụ-thợ máy. Từ 1962, ông dành trọn ngày giờ cho công việc viết lách. Sau khi ông bày tỏ thái độ bênh vực "Mùa xuân Pra-ha", tình hình của ông gia trọng: năm 1976, ông bị khai trừ khỏi hội nhà văn (Đông) Đức. Ông rời nước CHDC Đức năm 1977. Từ đó sống bên dòng Danube, gần Passau. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương trong đó có giải Trakl và giải Büchner năm 1977 và giải Hölderlin năm 1999.
 
Các bài thơ trên được trích dịch từ cuốn Reiner Kunze, Un jour sur cette terre, sách song ngữ, bản Pháp văn của Mireille Gansel, nxb. Cheyne, Chambon-sur-Lignon, 2001. Tư liệu trong sđd còn cho biết về dịch giả bản Pháp văn như sau: “Mireille Gansel, ngoài tác phẩm của Reiner Kunze, đã dịch từ tiếng Đức các nhà thơ Peter Huchel, Nelly Sachs và thư từ giữa Nelly Sachs và Paul Celan... Bà cũng đã dịch Tố Hữu, nhà thơ Việt-nam.”

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021