thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Địa ngục

 

Trước khi rơi xuống địa ngục, tôi đã bỏ ra một năm để đọc cuốn Một mùa Địa ngục của Rimbaud. Bản dịch hơi tồi nhưng cũng đủ để hình dung ra cảnh nằm trong bóng tối, khóc lóc và nghiến răng.

Qua bưu điện, tôi nhận được một cuộn tranh cuốn vẽ cảnh địa ngục. Đó là một bức tranh cổ. Trong đó địa ngục hiện hình với lửa sôi, dầu bỏng, những người rên siết trong vạc dầu và những tên quỷ sứ mình trần lông lá và gân guốc. Thêm một ít cảnh đầu rơi máu chảy, cộng với không khí xưa xa của địa ngục này, đủ cho một ấn tượng kinh hoàng.

Nhưng dường như tất cả chưa đủ làm tôi nao núng.

Hàng đống những lời khuyên ngăn đến với tôi qua điện thoại. Những người khôn ngoan hơn và không muốn nhiều lời thì nhắn tin. Một vài người kiên quyết im lặng vì không biết nói gì. Riêng bạn tôi, một lần nữa, qua đường bưu điện gửi gấp cho tôi một cuốn sách bằng chữ latin. Đó là cuốn sách bọc da dê nặng trĩu, những vần thơ về địa ngục của Dante. (Một lần nữa tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao thơ ca lại có thể thấu hiểu địa ngục hơn cả). Trong bộ da của một chú dê khôn ngoan đã sống từ vài thế kỷ trước mà người thợ thuộc da đã cần mẫn làm thành bìa sách mềm và êm, những vần thơ nhảy múa và xếp hàng thẳng tắp như muốn đưa ra một trật tự về cái đã qua và cái sẽ tới. Những kẻ xấu xa sẽ rơi vào địa ngục còn những người công chính nhẹ bỗng bay lên Thiên đàng.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về cách bay hay cách rơi và sau đó cảm thấy mù tịt. Vì hình như bay cũng là rơi...

Như một kẻ duy mỹ chính cống, tôi chọn mùa thu để có thể rơi vào địa ngục. Có lẽ đó là một mùa thu lộng lẫy vì lá vàng rơi khá nhiều, hơn mức mà những chiếc lá này có thể rơi vào một mùa thu khác. Cũng vì tôi hy vọng vào mùa thu, địa ngục có thể dễ chịu hơn những miêu tả mà ta có thể hình dung ra.

(Về những kẻ đã đi qua địa ngục, ta có thể gặp nhan nhản ở Trung Hoa, nơi có khá nhiều người buồn bã vì nhớ nhung những người yêu thương và quyết tâm đi tìm họ dù góc biển hay chân trời nào (của dương gian hay địa ngục). Điều đáng nói là, ở Trung Hoa, chẳng mấy ai mơ ước lên Thiên đường cho lắm vì ngay cả Thượng đế cũng bị một chú khỉ họ Tôn rượt đuổi. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy điều gì thú vị ở kinh nghiệm địa ngục của họ.)

Khi rơi xuống địa ngục (hay là bay đến đó), tôi bước ngay đến cửa. Đó là một hành động dứt khoát, chỉ vì tôi không muốn phải qua một nơi trung gian, khi người ta phân vân đứng giữa lối vào Thiên đường hay Địa ngục và chờ đợi được lựa chọn. Tôi không ưa đám đông của những sự chen chúc, hổ lốn, toát mồ hôi hột, run sợ.

Về cửa của Địa ngục, như sau này mọi người yêu cầu miêu tả, tôi thề rằng không rõ nó có hình thù như thế nào. Nhưng nếu cho tôi một cuộn tranh cuốn và bảo vẽ lại thì tôi có thể làm được. Dường như nó có đủ cả hình ô-van, tròn, vuông hay chữ nhật, có cánh và không có cánh...

Các quỷ sứ ở cổng, tôi thấy chúng giống thiên thần hơn. Chúng cũng có cánh trông như cánh cửa và mắt tròn xoe...

Tại Địa ngục, nơi mà người ta thường miêu tả là chìm ngập trong bóng tối, thật láo toét cả. Tôi đã sống trong cả ánh sáng và bóng tối. Thực ra nó cũng chẳng khác gì đêm và ngày. Trôi qua đêm và ngày, địa ngục cũng như mọi nơi khác mà ta vẫn thấy.

Giữa các tên gác cổng và những con chó ngao, giữa những khóc lóc và nghiến răng, tôi thấy một em bé nằm ngủ ngây thơ và mỉm cười.

Rơi xuống địa ngục, tôi đã ở đó 30 năm và lấy vợ, có con. Các con trai của tôi lớn lên một cách bình thường ở nơi này. Chúng trưởng thành và bắt đầu mơ mộng về những vùng đất mà chúng chưa đi đến. Chúng bắt đầu tìm trong thư viện hết cuốn này đến cuốn khác để hiểu về Thiên đường và muốn vượt qua cánh cổng có quỷ sứ canh giữ kia (về phần quỷ sứ, chúng tin tưởng thảy đều là những người thân thiện với chúng).

Tiếc thay, thư viện ở Địa ngục không có một khái niệm nào gọi là Thiên đường hay Địa ngục. Cho dù viên quản thủ, một chú chó ngao già có lông màu đen, rất cần mẫn và biết năm ngoại ngữ.

Quả thực các con của tôi có hỏi tôi về Thiên đường. Tôi chỉ cho chúng thấy những hình vẽ và lời thuyết giảng từ trí nhớ lờ mờ của tôi. Nhưng chúng cảm thấy tất cả quá nghèo nàn. Chúng cảm thấy đơn điệu và chán nản. Cả hai con trai tôi đều muốn tới tận nơi.

Chẳng còn cách nào, một người cha như tôi đành phải đưa ra hai cuốn sách để chúng hình dung ra nơi mà chúng muốn đến. Cuốn thứ nhất là Một mùa Địa ngục của Rimbaud. Và cuốn thứ hai lại là cuốn sách bìa da dê của Dante.

Lũ trẻ đã đọc nó trong một năm, trước khi chúng bay lên Thiên đàng.

Chúng đã chuẩn bị cho hành trình này, mỗi đứa một đôi cánh gắn với nhau bằng sáp.

Tôi nói mặt trời sẽ làm tan chảy sáp và làm rời cánh của chúng ra. Và chúng sẽ mau chóng trở lại Địa ngục thôi.

Nhưng cả hai con trai tôi đều suốt ngày làm cánh bay và tiếp tục gắn vào đó nhiều sáp hơn. Chúng không tin tôi, chúng không tin những cuốn sách. Chúng tin rằng chính nơi mà chúng tôi đang sinh sống là đẹp nhất. Nhưng dù vậy, chúng vẫn muốn đi đến những chỗ mới hơn.

Trong khi chúng tiếp tục làm cánh để bay và gắn sáp nhiều hơn cho đôi cánh mới thì tôi ngồi luyện chữ. Chữ đẹp nhất mà tôi viết được bằng Hán tự là “Địa ngục”.

 

Sài Gòn, ngày 07-02-2006.

 

 

Cùng một tác giả:

Xứ mộng  (truyện / tuỳ bút) 
Nàng nói với tôi hãy trở dậy. Hãy trở dậy để nghe tiếng chim hót. Trong cơn mơ, tôi thấy mình ngủ mãi. Đầu gối lên một cái gối mây nhỏ. Và kéo chăn lên quá tai. Trời rất mưa và lạnh. Mà có ai cố ngồi dậy trong đêm khuya để nghe chim hót đâu... (...)
 
Một con chuột mù loà  (truyện / tuỳ bút) 
Một con chuột mù loà, cứ tưởng mình là chuột, có thể làm hiện hình một thi sĩ đã chết; và một người đàn ông, còn sống, lây lất sau vụ thảm sát, có thể là một hiện thân khác của Lorca, vẫn ngồi im bên những luống cỏ, để nhìn chim trời bay... (...)
 
Thày giáo cừu...  (truyện / tuỳ bút) 
... Thày bảo: ‘Này, hãy nhìn về thảm cỏ tươi non và ngon lành phía bên kia hàng rào của bãi chăn cừu. Đó mới là nơi mà cậu cần nghĩ đến chứ không phải cứ ngồi đếm cừu trong hàng rào...’ Và thày ra về... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021