thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện không dạy đời

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JULIO CORTÁZAR

(1914-1984)

 

Julio Cortázar — tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ — sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.
 
Năm 1981, tổng thống Mitterand trao tặng quốc tịch Pháp cho Julio Cortázar, và ông nhận vinh dự này, nhưng nhất quyết không từ bỏ quốc tịch Á-căn-đình. Song song với sự nghiệp văn chương, Cortázar còn là một nhà vận động chính trị. Ông viếng Cuba năm 1961 và Nicaragua năm 1983. Tiểu thuyết Libro de Manuel (1973) của ông đoạt giải văn học Prix Médicis năm 1974 và ông trao tặng tất cả tiền thưởng cho Mặt Trận Thống Nhất Chi-lê.
 
Trong hơn 30 năm sống ở Pháp, mỗi năm ông dành bốn tháng để làm việc như một dịch giả cho UNESCO (dịch từ tiếng Pháp và Anh sang tiếng Tây-ban-nha), và tám tháng còn lại để viết văn, làm thơ và chơi nhạc (ông còn là một nhạc sĩ jazz, chuyên chơi kèn trumpet!).
 
Julio Cortázar bắt đầu làm thơ và viết kịch bản từ những năm 1930, nhưng bắt đầu nổi tiếng vào năm 1951 với tập truyện ngắn Bestiario. Năm 1963, tiểu thuyết Rayuela đưa ông vào địa vị hàng đầu trong văn đàn quốc tế. Số lượng tác phẩm ông đã xuất bản hết sức đồ sộ, trong đó có những cuốn lẫy lừng như Final de juego (1956), Las armas secretas (1959), Los premios (1960), Historias de cronopios y famas (1962), Todos los fuegos el fuego (1966), La vuelta al día en ochenta mundos (1967), Último round (1968), 62/ Modelo para armar (1968), Libro de Manuel (1973), Octaedro (1974), Alguien que anda por ahí (1977), Un tal Lucas (1979), Queremos tanto a Glenda (1980), Deshoras (1982), vân vân.
 
Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có "Prix Médicis" (như đã nêu trên) và "Orden de la Independencia Cultural Rubén Darío" (1984) — chính nhà thơ Ernesto Cardinal (1925~), khi ấy đang là Bộ trưởng Văn Hoá của Nicaragua, đã tận tay trao giải thưởng này cho Julio Cortázar.
 
Pablo Neruda (1904-1973) — nhà thơ Chi-lê đoạt giải Nobel Văn Chương 1971 — có lần nói: "Người nào chưa từng đọc Cortázar, người ấy là kẻ mắc đoạ".

 

___________________

 

CÂU CHUYỆN KHÔNG DẠY ĐỜI

 

Một người đàn ông bán những tiếng kêu và những con chữ, và công việc của y khá trôi chảy mặc dù y luôn luôn gặp phải những khách hàng cãi cọ với y về giá hàng và đòi y giảm bớt. Hầu như lúc nào y cũng nhượng bộ, và nhờ đó y bán được rất nhiều tiếng rao cho những kẻ bán hàng rong, một vài tiếng thở dài mà phụ nữ về hưu thường mua, và những con chữ cho những tấm bích chương trên hàng rào, những bảng hiệu trên tường, những khẩu hiệu, những mẩu giấy viết thư, những danh thiếp, và những chuyện đùa.

Thế rồi người đàn ông nhận ra rằng giờ phút cuối cùng của đời mình đã đến, và y xin được nói chuyện với một cử toạ có sự hiện diện của nhà độc tài của đất nước. Nhà độc tài bèn tụ tập tất cả thuộc hạ và cho người đàn ông ngồi giữa các tướng lãnh, các bí thư, và những cốc cà-phê.

"Tôi đến đây để bán cho ngài những lời trăng trối cuối cùng của ngài," người đàn ông nói với nhà độc tài. "Những lời trăng trối rất quan trọng, nhưng trong giây phút cuối cùng chúng sẽ không bao giờ tự nhiên bật ra đúng như ý ngài muốn, trái lại, ngài mua những lời này và ngài sẽ thốt chúng ra một cách thích nghi vào khoảnh khắc nghiêm trọng ấy để sau này hậu thế sẽ dễ dàng nhìn thấy ngài mang một định mệnh lịch sử."

"Dịch cho ta nghe những điều y đang nói," nhà độc tài ra lệnh cho thông dịch viên.

"Y đang nói tiếng Á-căn-đình, thưa Ngài Cao Cả."

"Tiếng Á-căn-đình? Thế tại sao ta không hiểu?"

"Ngài đã hiểu rất rõ," người đàn ông nói. "Tôi lập lại. Tôi đến đây để bán cho ngài những lời trăng trối cuối cùng."

Nhà độc tài đứng phắc dậy, đúng theo kiểu ứng phó trong những trạng huống như thế, và cố nén sự run rẩy, ra lệnh thuộc hạ bắt lấy người đàn ông và nhốt y vào những căn hầm đặc biệt vốn luôn luôn có sẵn trong những khung cảnh đầy quyền lực như vậy.

"Thật đáng thương hại," người đàn ông nói trong lúc bọn lính đang đem y ra khỏi phòng. "Trong thực tế, ngài muốn nói những lời cuối cùng khi giây phút ấy đến, và điều cần thiết là nói làm sao để sau này chúng dễ dàng được hậu thế xem như một định mệnh lịch sử. Những gì tôi sắp bán cho ngài là những gì chính ngài muốn nói, cho nên không có sự lường gạt trong việc mua bán này. Nhưng vì ngài từ chối việc này, nên ngài sẽ không học thuộc những lời này sẵn trước, và đến giây phút ấy, khi những lời trăng trối muốn nhảy ra, thì tự nhiên ngài sẽ không thể nói nên lời."

"Tại sao ta không thế nói ra những lời ấy nếu chúng lại chính là những gì ta muốn nói?" nhà độc tài gặng hỏi trong lúc sắp uống thêm một ly cà-phê khác.

"Bởi cái sợ sẽ không để ngài nói," người đàn ông buồn bã nói. "Vì sẽ có một cái thòng lọng tròng quanh cổ ngài, ngài sẽ mặc áo ngắn tay và run lẩy bẩy vì khiếp đảm, và không khí lạnh khiến hai hàm răng ngài đánh lập cập, và ngài sẽ không thể thốt ra được một lời nào cả. Người xử giảo và những kẻ phụ tá của hắn, trong số đó có nhiều ông trong cử toạ này, sẽ chờ đợi vài phút cho có nghi thức, nhưng kịp khi cái miệng của ngài thốt ra chỉ một tiếng rên bị đứt quãng vì nấc cụt và vài câu van vỉ xin tha (bởi vì, chắc chắn ngài sẽ nói lời xin tha rõ ràng từng chữ), thì bọn họ sẽ mất kiên nhẫn và sẽ treo cổ ngài ngay."

Quá đỗi bất bình, các phụ tá và tướng lãnh xúm đến quanh nhà độc tài và xin gã ra lệnh bắn người đàn ông lập tức. Nhưng nhà độc tài, tái-nhợt-như-xác-chết, xua tất cả bọn họ ra khỏi cửa, chỉ còn chính gã và người đàn ông ở lại sau cánh cửa khoá chặt để gã mua những lời trăng trối cho mình.

Trong lúc ấy, các tướng lãnh và bí thư, cảm thấy nhục nhã cực độ vì bị đối xử như thế, bàn với nhau một âm mưu lật đổ, và sáng hôm sau bọn họ đến bắt nhà độc tài trong khi gã đang ăn nho tại một khách sảnh mà gã ưa thích. Để nhà độc tài khỏi nói lời cuối cùng, bọn họ bắn gã chết ngay tại chỗ, miệng còn ngậm nho. Sau đó, bọn họ lùng bắt người đàn ông, kẻ đã rời khỏi Phủ Chủ Tịch, và họ chẳng phải mất thì giờ vì y đang rảo bộ qua chợ để bán những câu giễu thông thường cho các diễn viên hài kịch. Nhốt y vào một xe bọc sắt, bọn họ chở y đến một chiến hào nơi bọn họ tra tấn y để buộc y tiết lộ những lời trăng trối mà nhà độc tài không kịp nói ra. Không cách nào bắt y thú nhận, bọn họ giết y bằng những cú đá trí mạng.

Tại những góc đường, những kẻ bán hàng rong vẫn tiếp tục rao những lời rao đã mua lúc trước, và một trong những lời ấy sau này trở thành một câu thần chú và một mật hiệu cho lực lượng phản cách mạng đã tiêu diệt các tướng lãnh và bí thư. Vài người, trước khi chết, suy nghĩ lẩn quẩn rằng thật ra tất cả mọi sự chỉ là một chuỗi ngu xuẩn của những nhầm lẫn, và, những con chữ và những tiếng kêu là những vật có thể bán được nhưng không thể mua được, nói cho thật chính xác là thế, bất chấp điều này có vẻ phi lý đến chừng nào đi nữa.

Và bọn họ tiếp tục thối rữa, tất cả bọn họ: nhà độc tài, người đàn ông, các tướng lãnh và các bí thư; nhưng thỉnh thoảng nơi những góc đường, người ta vẫn còn nghe những tiếng rao hàng.

 

 

———————————-
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha:"Cuento sin moraleja", trong Historias de cronopios y de famas [1962] (Madrid: Ediciones Punto de Lectura, 2004).

 

Hình bìa cuốn Historias de cronopios y de famas

 

Những tác phẩm khác của Julio Cortázar qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:

 
Những thảo viên nối liền  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông nếm cái khoái lạc có vẻ khá kỳ quặc là vừa đọc từng hàng chữ vừa tự tách mình ra khỏi những sự vật chung quanh, và cùng lúc vẫn cảm thấy đầu mình đang tựa êm ả lên lớp nhung xanh lục của chiếc ghế... (...)
 
Về truyện ngắn và cực ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
[...] tiểu thuyết thắng nhờ đánh kéo dài để lấy điểm kỹ thuật, còn truyện ngắn thì phải thắng nhờ cú đo ván... điều đáng kinh ngạc về những truyện chạy đua với đồng hồ là chúng tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu. (...)
 
Mùa của bàn tay  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc xế chiều tôi hẳn sẽ mở cánh cửa sổ thông ra khu vườn, chỉ hé một chút, và bàn tay ấy hẳn sẽ dịu dàng leo xuống góc bàn viết, lòng tay hiếm khi chạm vào đó, những ngón tay duỗi mềm và có vẻ như bối rối, cho đến khi nàng đến nghỉ ngơi trên chiếc dương cầm, giữa cái khung ảnh, hay đôi khi trên tấm thảm màu rượu chát. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021