thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tưởng nhớ Claude Debussy | Nhà thơ ba mươi tuổi
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JEAN COCTEAU
(1889-1963)
 
Jean Cocteau tên đầy đủ là Jean Maurice Eugène Clément Cocteau sinh ngày 5 tháng Bảy 1889 tại Maisons-Lafitte, Pháp — một thành phố nhỏ gần Paris. Ông không chỉ làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết, phê bình văn học, mà còn làm điêu khắc, làm gốm, vẽ tranh, minh họa, làm phim, viết nhạc và trang trí. Tình bạn giữa ông và chàng trai trẻ tác giả Le Diable au corps là Raymond Radiguet gây nhiều tai tiếng, nhất là việc ông bắt đầu hút thuốc phiện kể từ cái chết non trẻ của người bạn tình ấy ở tuổi hai mươi. Những mối quan hệ khăng khít với tài tử Jean Marais và họa sĩ Edouard Dermit cũng để lại trong đời ông những dấu ấn đậm đà, và có thể nói là... tích cực. Cho dù những nhận định và đánh giá về con người và tài năng ông rất khác nhau và rất hay thay đổi — bởi chính công việc của ông cũng không hề đứng nguyên một chỗ! — Cocteau vẫn được coi là nhà mỹ học và là một gương mặt độc đáo của những phong trào văn học nghệ thuật tiền phong đầu thế kỷ 20. Ngoài thơ, tiểu phẩm, tiểu thuyết và kịch, như Le coq et l’arlequin (1918), Le Potomak (1919), Plain Chant (1923), Thomas l’Imposteur (1923) Les Mariés de la tour Eiffel (1924), Orphée (1927), Les Enfants Terribles (1929), Opium (1930), La Machine Infernale (1934), Les Parents Terribles (1938), Renaud et Armide (1943, Cocteau còn dựng vở Le Sang d’un Poète (1930), tham gia thực hiện vở L’Éternel Retour (1943), và quay các phim La Belle et la Bête (1946), Orphée (1949), Le Testament d’Orphée (1960).
 
Jean Cocteau là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Pháp và Viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ, và nhiều viện hàn lâm và hiệp hội khác trên thế giới, kể cả Đức, Mỹ, Hungari, vân vân... Ông cũng từng chủ trì nhiều liên hoan điện ảnh và âm nhạc. Trong số nhiều giáo đường và nhà nguyện Jean Cocteau trang trí, có nhà nguyện trong lâu đài của ông ở Milly-la-Forêt là chỗ đất ông vĩnh viễn nằm xuống năm 1963, sau một cơn đau tim, chấm dứt một đời làm nghệ thuật liên tục và phong phú, dường như không ngừng trả lời câu thách đố mà nhà hoạt động sân khấu ballet người Nga Diaghilev ở châu Âu từng nói với ông: “Hãy làm tôi ngạc nhiên.”
 
 

Tưởng nhớ Claude Debussy

 
Sóng nước, lá cây, gió
Và những sinh vật khác không mặt mũi
Yêu mến người, chàng phù thuỷ của cảnh vật,
Và biết là người sống mãi.
 
Một quả mận lục tự huỷ mình
Máu từ vết thương chảy ra là vàng
Đá hoa không đè bẹp nổi con người đã khuất
mà pho tượng là cả một đám mây.
 
 
 

Nhà thơ ba mươi tuổi

 
Ta bây giờ tới nửa đời người
ta đứng dạng chân trên ngôi nhà đẹp của ta;
Hai bên ta ta thấy cảnh vật cùng như nhau
Có điều cả hai không cùng khoác một mùa.
 
Bên này mặt đất tua tủa những nhánh nho
Y như một chú hoẵng con. Khăn vải treo,
Tiếng cười vui, bàn tay vẫy, đón chào ngày,
Bên kia hiện ra mùa đông và danh dự ta phải có.
 
Ta rất muốn được nghe em bảo vẫn yêu ta,
Vệ nữ. Nếu ta không nói về em,
Nếu nhà ta không xây bằng những bài thơ của ta,
Ta sẽ cảm thấy khoảng trống và sẽ rơi từ trên mái nhà.
 
 
------------
“Tưởng nhớ Claude Debussy” dịch từ nguyên tác “A la mémoire de Claude Debussy”, trong Jean Cocteau, Faire-part, Poésies. “Nhà thơ ba mươi tuổi” dịch từ nguyên tác “Le poète de trente ans” trong Jean Cocteau, Tempest of Stars - Selected Poems, tập thơ song ngữ [với những bản dịch của Jeremy Reed, tranh vẽ của David Austen.]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021