thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thuỷ thạch (Sui-seki - 水石)

 

Võ Tấn Phong dịch
(Tặng anh Nguyễn Hưng Quốc nhân đọc bài "Những cực đoan đầy thi tính")

 

Theo từ điển thì một hòn đá chỉ là một hòn đá, bất kỳ “mảnh khoáng vật ở thể rắn”. Đối với một người mê thuỷ thạch thì một hòn đá còn hơn thế, hơn rất nhiều.

Không ai thực sự biết được môn phái thuỷ thạch ra đời khi nào, nhưng những ghi chép đầu tiên xuất hiện khoảng 600 năm trước. Ở Nhật bản người ta cho rằng một người chỉ thấu hết cái đẹp của thuỷ thạch khi nào y trau dồi, thực lòng sùng mộ, và cảm nhận được thư pháp cổ nhân, tác phẩm mỹ thuật, tranh và cây cảnh. Nhưng cho dù thực sự như thế, bất kỳ người nào yêu cái đẹp cũng có thể thưởng thức thuỷ thạch. Cũng như cây cảnh, thuỷ thạch được phân ra nhiều loại. Thí dụ như, to-yama-ishi (遠山石) hay “Viễn Sơn Thạch”, shima-gata-ishi (島形石) hay “Đảo Hình Thạch”, sugata-ishi (姿石) hay “Tư Thạch”, đá có hình mây, chim, hay thú vật. Có tám dáng thuỷ thạch cổ điển.

Một hòn thuỷ thạch được sắp đặt như thế nào và ở đâu thì không quan trọng, miễn là nó trông tự nhiên. Một Đảo Thạch nên đặt sao cho giống một hòn đảo, và một kikka-seki (菊花石 – “Cúc Hoa Thạch”) sao cho đoá hoa cúc khoe phía đẹp nhất ra. Tuy vậy không bao giờ sơn phết, đục đẽo, hay làm đổi thay hình dáng tự nhiên, hay gộp vài viên đá với nhau giả làm một. Một viên thuỷ thạch là một sản phẩm của tự nhiên, không phải là một tác phẩm điêu khắc.

 

 

Một cuốn cổ thư viết rằng “đá gần với Thiền”. Nếu nhận xét này có vẻ hơi bí ẩn thì hãy suy xét điều này: không có hai hòn đá nào giống nhau. Ấn tượng một người nhận được từ một hòn đá là độc nhất, chỉ từ y và cho y mà thôi. Và trong khi vẻ đẹp của một đoá hoa là thoáng qua, một hòn đá là vĩnh cửu.

Sự đặt nặng cái thường hằng hơn cái phù du là lý do vườn Nhật trồng hoa ở mức tối thiểu và nhấn mạnh vào đá và cây thường xanh. Vườn đá nổi tiếng, Ryōan-ji (龍安寺 – “Long An Tự”) ở Kyoto là một ví dụ hoàn hảo nhất, chỉ với đá và cát và tuy thế, mỗi người nhận được một kinh nghiệm cảm xúc khác nhau, một ấn tượng khác nhau khi y ngắm khu vườn và, có thể, sẽ khác nữa khi y ngắm nó lần nữa, hay vào lúc khác trong ngày.

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh vẻ đẹp tự thân của hòn đá là cái cảm giác bất tử truyền lại từ sự vĩnh hằng của nó. Ảnh hưởng thì thay đổi, còn bản chất thì không hề. Cùng hòn đá đó ở dưới ánh mặt trời nóng bỏng khác với hòn đá dưới ánh trăng, hay đẫm ướt dưới mưa. Và hãy nhắc lại, cái bạn nhìn thấy trong hòn đá này không phải là cái tôi thấy. Đó là sự mê hoặc của thuỷ thạch. Đó là vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Và cuối cùng, một viên thuỷ thạch sẽ gợi lại ký ức cái ngày bạn tìm ra nó, sự khó khăn của cuộc tìm kiếm, tiết trời nóng lạnh, thậm chí tâm trạng lúc đó của bạn.

Hãy đi tìm một hòn thuỷ thạch. Không phải chỗ nào cũng tìm được đâu. Nhưng khi tìm thấy nó, hãy nhìn kỹ, bạn có thể thấy rất nhiều, chứ không phải chỉ là một “mảnh khoáng vật ở thể rắn”.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021