thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghĩ về Truyện Thật Ngắn

Lời Giới Thiệu:

Hai lá thư của nhà văn Võ Phiến gửi cho Nguyễn Hưng Quốc dưới đây được viết vào năm 1992. Nội dung chính là những lời tâm sự của Võ Phiến về tập Truyện Thật Ngắn của ông, và từ đó, những suy nghĩ của ông về hình thức truyện thật ngắn nói chung. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của ông có thể bổ ích cho việc thưởng thức cũng như sáng tác truyện cực ngắn mà Tiền Vệ đang cổ vũ.

Nhan đề của lá thư này là do Tiền Vệ đặt. Những chỗ có dấu […] là những đoạn chúng tôi cắt bỏ vì quá riêng tư. Các chú thích ghi dưới là của Nguyễn Hưng Quốc.

Tiền Vệ

_____________________________________________

 

1.

Los Angeles ngày 1.5.1992

Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc,

Một tháng 2, một tháng 3, rồi một tháng 4.92, kể như mất tiêu, tôi không được tích sự gì. Chỉ bận có mỗi một chuyện: đau. Ba tháng đau, hai lần vào nhà thương (một lần nằm một tuần; lần nữa nằm luôn hai tuần lễ). Lần sau, cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, bị mổ banh ngực (open heart surgery) suốt 5 giờ rưỡi. Mổ ra, tụi nó cắt trái tim đem đi "làm việc", để xác mình nằm rỗng không: một giàn máy thay thế cho trái tim, đảm trách cuộc tuần hoàn của máu, giữ cho cái xác... khỏi ươn! "Làm việc" xong, đem trái tim ráp lại vào lồng ngực: tim lại đập, may quá.

Bảy năm trước (1985) tôi đã bị mổ tim một lần. Bây giờ lại lần nữa. Lần này khiếp hơn trước nhiều: sinh lực của mình suy kiệt thảm hại. Tâm thần suy nhược đến nỗi "ngồi đâu khóc đó". Bà xã hoảng quá, mở cuốn Guide bệnh viện phát cho bệnh nhân mới mổ ra đọc, thấy bảo: "Bạn sẽ khóc nhiều, đêm nằm bạn sẽ thấy toàn mộng dữ v.v... Xin đừng quá lo". Bấy giờ mới yên tâm mà... khóc.

Kiếp sau (nếu được sống thêm)

Đau gì thì được, đau tim thì đừng.

Vợ con khổ muốn chết. Nuôi trong bệnh viện, về nhà còn nuôi nữa. Vậy mà đã xong đâu. Sau cuộc mổ này, tim sẽ thông được bao lâu? Tôi ước chừng năm năm nữa. Bấy giờ tuổi tôi cũng đã quá thất tuần. Anh cố giữ thư này năm năm, xem tôi có tài tiên tri không.

Ngày 1.4 mổ tại bệnh viện nằm ở giữa downtown Los Angeles. Đến 1.5 thì khu phố ấy thành... chiến trường. Da đen nổi dậy, như "Thổ dậy" cáp duồng ở Hậu Giang Miền Nam. Trong 48 giờ qua, chừng 1.300 vụ cháy nhà. Chết quay lơ vài ba chục mạng người. Tivi ngày đêm toàn một cảnh nổi dậy, không xen vào một cái gì khác: không tin tức quốc tế, không phim ảnh, không quảng cáo, tin thể thao cũng không luôn. Ghê quá. Người Mỹ mà quên cả thể thao thì hết cỡ rồi. Khi không, tự nhiên mình chứng kiến một biến cố lịch sử trên đất Mỹ. Vừa chứng kiến vừa run, vì nhà mình có thể bị cháy không biết lúc nào.

Trong khung cảnh như vậy, ngồi viết thư cho anh về Truyện thật ngắn.

 

Hôm nọ anh có nêu ra chuyện ấy, tôi bảo chờ Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn. Nay có lẽ chuyện phỏng vấn bị chìm xuồng rồi. Đời có bao nhiêu biến cố lớn, Truyện thật ngắn càng lùi xa xem lại càng nhỏ, e không đáng hỏi han nữa. Thôi, không ai thèm hỏi đến, thì tâm sự riêng với anh vậy.

Năm ngoái, năm kia gì đó, một hôm ông bạn Mai Kim Ngọc vừa đọc xong cuốn La pitié dangereuse của Stefan Zweig, hỏi tôi: "Anh muốn đọc lại thử không? Tôi thấy...". Mai Kim Ngọc không nói hết câu. Tôi tò mò. Thì đọc. Đọc xong, tôi hiểu ý bạn. Tôi cũng không vừa ý như ngày xưa. Câu chuyện có lúc lẩn quẩn một chỗ quá lâu, người viết lý luận dài dòng quá.

Từ "ngày xưa" đến "ngày nay" có gì thay đổi? những ai thay đổi? Stefan Zweig hay chúng tôi?

Zweig qua đời từ lâu. Ông ngừng lại từ lâu, không thay đổi được. Cũng không có ai sửa chữa gì La pitié dangereuse của ông. Vậy mọi đổi thay là ở cả nơi chúng tôi, và ở những cái ngoài cuốn truyện nọ.

Có phải ý tôi muốn bảo xưa viết dài nay viết ngắn? Không phải vậy. Trong Liêu trai chí dị có nhiều truyện thật ngắn, rất ngắn, khó bề ngắn hơn. Tôi nhớ mang máng cái truyện về một gã bắt ếch nhốt trong chiếc hộp có ngăn to nhỏ khác nhau. Lấy que gõ, ếch kêu phát ra âm thanh cao thấp khác nhau, như một dụng cụ âm nhạc... Đại khái truyện chỉ có mấy hàng, không tới nửa trang sách. Gần đây, hồi tiền chiến, Khái Hưng và Thạch Lam cũng có những thiên truyện ngắn rất ngắn: chẳng hạn "Duyên số", "Cái chân què" của Thạch Lam, trong cuốn Gió đầu mùa. Tuy nhiên, những cái ngắn ấy là tự nhiên mà ngắn, vì câu chuyện kể tự nó giản dị, ngắn. Còn cái ngắn của Truyện thật ngắn là một cái ngắn cố tình, có chủ ý, là một cái ngắn... khiêu khích! Cái ngắn có tính cách hục hặc, phản đối cái dài.

Cái dài của thời nào? Từ bao giờ truyện có xu hướng kéo dài đến nỗi gây phản ứng phản đối?

Tôi nghĩ sự phát triển của truyện cũng theo qui luật phát triển chung của vạn sự vạn vật: từ giản đơn đến phiền tạp. Sinh vật một tế bào ra đời trước, sinh vật có cơ thể có não bộ tinh vi ra đời sau. Khoa học thoạt tiên là đôi ngành đơn giản, dần dần phân chia ra từng ngành chuyên môn càng ngày càng chuyên. Tiếng nói của mỗi dân tộc thuở đầu nghèo nàn ít ỏi, về sau càng văn minh tiếng càng phong phú... Thì truyện cũng thế. Truyện xưa kể phơn phớt, đi nhanh; các nhân vật trong truyện tâm lý cũng giản đơn. Về sau mỗi lúc họ mỗi rắc rối thêm. Một cơn giận vô cớ đủ làm thành một truyện; một do dự trong giây lát trước khi phạm tội, một "sợi tóc" tí ti cũng bị phân tích đem làm thành truyện. Phân tích mỗi lúc một sâu, truyện mỗi lúc một dông dài tỉ mỉ thêm. Stefan Zweig là một trong những tay khoẻ phân tích.

Khoa học, triết học là những ngành "học". Nó đòi hỏi sự cặm cụi chuyên tâm nghiên cứu. Nó tha hồ đi sâu. Văn chương thì khác. Nó là món để quần chúng thưởng ngoạn, không phải chỉ để một giới chuyên gia nghiên cứu. Nó gặp rắc rối. Rắc rối, đây là một điểm tâm lý thời đại: tức cái bồn chồn, cái sốt ruột của con người đô thị trong mấy thập niên kỷ gần đây.

S. Zweig trước đọc ngon lành là thế, đến một lúc nào đó, xem lại bỗng thấy ông ta rề rà chậm chạp, cơ hồ lẩn thẩn. Tội nghiệp, vẫn là một ông ấy thôi. Có khác gì đâu?

Mà kể ra chính S. Zweig, chính ông cũng nhận thấy một số tiền bối quá rề rà, làm ông sốt ruột. Trong cuốn Le monde d'hier ông chê Balzac, Dostoievski v.v... là dài dòng quá. Xung quanh ông, thiên hạ cũng lắm kẻ thấy thế, cho nên có nhiều nhà xuất bản in tủ sách "danh phẩm rút ngắn'. Họ rút ngắn Homère, rút ngắn Les misérables của Victor Hugo v.v... Có những tạp chí (Reader's Digest, Constellation v.v...) kỳ nào cũng đăng truyện rút ngắn. Nhịp sinh hoạt của xã hội càng ngày càng nhanh, công việc càng ngày càng nhiều, lo âu càng ngày càng làm cho sốt ruột..., người ta, người ta của đám đông, của quần chúng, không chịu được sự nhẩn nha.

Chúng ta ở một thời mà người ta thu sách vào băng để cho giới thưởng ngoạn có thể vừa lái xe đi đường vừa thưởng thức Chiến tranh và hoà bình, Cuốn theo chiều gió v.v..., cũng như người ta làm thứ "cup" có thể móc ngay trước mặt tài xế để vừa lái xe vừa uống cà phê, thưởng thức trên đường trường. Một khi đã uống chạy, đọc chạy v.v... thì cái nhẩn nha làm ta bực mình.

Chúng ta sống trong thời đại của cà phê espresso. Trước kia, trà Nhật uống mỗi lần tốn 4 giờ đồng hồ, không thế thì sai điệu. Trước, ta uống cà phê phin, cái nồi ngồi trên cái cốc cũng cả tiếng đồng hồ. Bây giờ muốn ngon muốn đậm mà khỏi nhẩn nha, có espresso. Rù rù một cái, xong một cốc nhỏ, đậm đen, tợp một tợp, "đã" muốn chết. Truyện thật ngắn hướng tới cà phê espresso.

Chúa làm xong mọi việc trong sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài xoa tay nhìn lại ngắm nghía một công trình hoàn tất. Không có nghệ sĩ sáng tạo nào làm việc như Ngài. Không có sự nghiệp văn nghệ nào có thể gọi là được hoàn tất. Cuộc sống diễn biến không ngừng. Và nghệ thuật cũng là một diễn biến không ngừng. Hôm qua hắn viết dài dòng, thiên hạ mắng là chẻ sợi tóc làm tư; hôm nay hắn có thể làm ngược lại. Không phải là để tỏ ý "hối cải", để chuộc tội. Mà là một cách phản ứng trong một hoàn cảnh luôn luôn biến đổi của cuộc sống.

 

Mặt khác, chúng ta lớn lên trong thời kỳ của văn tự. Chúng ta tiếp nhận tư tưởng, thơ văn qua chữ viết. Mỗi chữ là một ký hiệu. Từ cái lúc con mắt gặp ký hiệu đến cái lúc một hình ảnh (do ký hiệu ấy gợi lên) nảy ra trong trí người đọc: phải có một thời gian nào đó. Một câu có nhiều chữ (ký hiệu). Một đoạn văn có nhiều câu. Một bài văn có nhiều đoạn. Ký hiệu này gợi ra một hình ảnh, ký hiệu kia gợi ra một mùi, ký hiệu nọ gợi một âm thanh, một vị, một màu v.v... Phải có thời gian tối thiểu cho nó. Có ký hiệu gợi một cảm xúc, một tình cảm, một rung động. Phải chờ nó hiện lên, chờ nó kịp tác động. Đừng hối hả quá, đừng xô đẩy nó gấp quá. Nhất là khi đọc một tác phẩm nghệ thuật. Chữ viết trên một thông cáo, một văn thư hành chánh chỉ "nhả" ra cái nghĩa. Chữ viết trên một tác phẩm văn chương "nhả" ra một thế giới cảm xúc. Đọc nhanh: hỏng hết.

Thời nay xã hội bắt con người phải đọc nhiều quá, hàng ngày. Đọc điên người. Người ta phải "cải tiến" cách đọc. Người ta tập cách đọc nhanh, đọc lướt qua trang giấy. Sách nhiều, báo nhiều, viết nhảm nhiều, viết hay cũng nhiều quá; đọc mà phát ngấy.

Hoàn cảnh mới, tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngoạn ngày nay khác cách thưởng ngoạn ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ khác. Thơ đẹp cách khác. Văn đẹp cách khác.

Xung quanh ta bây giờ bao nhiêu là kẻ không thưởng thức được Nguyễn Tuân. Một phần vì tâm lý của ông ta không còn hợp với tâm lý của các bạn trẻ ngày nay; một phần nữa cũng vì cách đọc ngày nay không để cho bao nhiêu chữ nghĩa ý nhị xếp đặt công phu mà dềnh dàng của ông ta kịp "nhả" hết ý nghĩa của nó, kịp tác động đúng mức của nó. Cái dềnh dàng làm ông ta thiệt thòi.

Truyện thật ngắn cố ý ngắn vì thế. Nó cố tình tạo ra một dáng điệu thoăn thoắt, nhẹ nhõm. Hình thức gọn ghẽ không gây sợ hãi cho người đọc, không làm họ hối hả. Đặng Tiến có ý kiến: "Chúng ta cần đọc cao giọng, đọc đi đọc lại cho nhập tâm câu văn chuyển hoá, biến nhịp điệu thành khúc nhạc thầm của nội tâm, nhiên hậu..."[1] Chỉ có thể mời người ta đọc như thế khi bài văn thật ngắn mà thôi.

Đến đây thấy gần hết hạn 6 trang rồi. 6 trang là cái kỷ luật tự giác của tôi. Dài dòng hơn, e thư nặng, phải cân thư thêm tem, phiền quá. Vậy thư sau xin tiếp tục về Truyện thật ngắn.

 

Khởi đầu lá thư tôi có nói qua về vụ loạn Da Đen ở Los Angeles. Cuối thư, tình hình diễn biến vượt bỏ những con số tôi ghi hôm trước: cháy nhà từ 1.300 vụ lên 5.534 vụ. "Eo Ê nhất đái" không phải là chỗ "vạn đại dung thân" được. Ở mãi chỗ này, e có ngày tiêu tan cơ nghiệp. Dù sao phen này cháy năm nghìn rưởi nhà mà nhà mình còn nguyên vẹn, thế mới biết ông bạn râu ria tên Jesus đang đứng phe mình.

Anh ở Úc, nghe nói Úc đang nhích dần về phía Á châu, thế thì tương lai các kiều dân da vàng có mòi sáng sủa. Trong vụ loạn Da Đen ở Eo Ê, kiều dân Đại Hàn bị một vố nặng lắm.

Nghe anh đọc say sưa, thừa thắng xông lên thu thập kiến thức mới, nghe mà ham. Tôi hết tuổi rồi, kiệt rồi. Thời gian trước mặt còn ngắn quá, không còn chỗ chứa đựng một dự tính nào nữa.

Thân chúc anh chị và các cháu mọi sự an lành. Viết thư riết cho anh, tôi cảm thấy gần gũi với anh quá, nói con cà con kê dữ quá!

Thân,

Võ Phiến

 

______________________________________________

2.

Los Angeles ngày 19.5.1992

Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc,

Thư trước nói chuyện lở dở, nên thư này viết sớm: một tháng hai cái thư! Nhịp độ nhanh trước giờ chưa từng có. Lý do chỉ vì Truyện thật ngắn. Vì Truyện thật ngắn, mà thư phải lòng thòng.

Trong kỳ trước chúng ta nói về cái sốt ruột do nhịp sống mới gây nên, và những đòi hỏi của cách truyền thông bằng văn tự. Nhịp sống thời đại càng gấp càng nhanh, thời giờ càng chật hẹp, thì con người phải tập phép đọc lướt cho kịp thích ứng. Đọc lướt qua thì chữ viết không kịp nhả hết cảm xúc: trang sách văn nghệ thành ra nghèo nàn, vô vị. Nó biến tính. Hại lắm. Ông Russell Jacoby là giáo sư dạy sử ở đại học UC Riverside gần tôi đây, ông ấy là tác giả cuốn The Last Intellectual, ổng hăm doạ sẽ mở những trung tâm luyện phép đọc chậm (Slow reading centers). Đừng hòng có khách. Thời thế đổi thay rồi. Đổi thay hết sức lớn lao.

Thật vậy, chúng ta đang sống thời buổi cách mạng. Đang từ bỏ một kỷ nguyên này sang một kỷ nguyên khác. Từ khi có loài người đến nay, về mặt truyền thông đã trải qua 4 giai đoạn lớn. Thoạt tiên là sự xuất hiện của ngôn ngữ. Thứ đến là sự ra đời của văn tự. Sau đó là phát minh liên hệ đến văn tự nhưng có tầm quan trọng đặc biệt: máy in. Máy in đẻ ra sách với báo, làm cho sự truyền bá của văn tự "nhảy vọt" rất xa. Rồi mới đây là sự xuất thế một loạt những phương tiện truyền tin với kỹ thuật điện tử: Tivi, video, điện thoại, điện ảnh, truyền thanh v.v...

Cuộc cách mạng điện tử này truất phế địa vị của cuốn sách thật nhanh chóng: số người đọc sách báo trụt thấp ào ào. Ở Mỹ, một thống kê của Gallup cho biết từ 1978 đến 1992 số người "không đọc một quyển sách nào trong năm qua" tăng gấp đôi: Năm 1978 là 8%, năm 1992 là 16%. Trong khi ấy số người được học hành vẫn tăng cao (từ 1940 đến 1990, số người Mỹ đã học xong 4 năm trung học tăng gấp 3, số người học xong 4 năm đại học tăng gấp 4). Học càng ngày càng nhiều, đọc càng ngày càng ít. Đọc nhiều thế quái nào được: trung bình các gia đình Mỹ mở T.V. mỗi ngày 7 tiếng đồng hồ; ngoài ra lại còn có radio, có cassette, có video, có chơi game trên máy computer. Thì giờ đâu mà đọc?

Tinh thần và đời sống người Âu Mỹ mấy chục năm gần đây thay đổi sâu xa. J.P. Sartre ra đời hồi đầu thế kỷ, trước tôi 20 năm, và ông ta cũng mới chết mười mấy năm nay chứ mấy. Cả cuộc đời ông ta từ đầu chí cuối dính liền với cuốn sách. Trong cuốn Les mots: "J'ai commencé ma vie comme je la finirai sans doute: au milieu des livres".[2] Từ ngày rất bé, cùng sống với mẹ trong nhà ông ngoại, Sartre đã miệt mài với sách. Ông ta thuộc lòng từng đoạn dài cuốn Madame Bovary. Ông ta mê man với sách, xem cái tủ sách, cái phòng sách ở nhà ngoại như một thánh đường, xem việc đọc sách như một tôn giáo (J'avais trouvé ma religion: rien ne me parut plus important qu'un livre. La bibliothèque, j'y voyais un temple).[3]

Thế mà cách cái chết của ông chẳng bao lâu, ngày nay trong các ngôi nhà của người Mỹ không thể tìm thấy đâu là phòng sách nữa. Ngoài phòng ngủ phòng ăn ra, nhà Mỹ bây giờ chỉ có những căn phòng gọi là den, là T.V. room, là family room, là living room... thôi. Mất thánh đường, mất đạo rồi. Sự thay đổi phương tiện truyền thông đã âm thầm ảnh hưởng tới cả quan niệm kiến trúc nhà cửa.

Ảnh hưởng nhanh như chớp. Ngày xưa, khi có văn tự rồi thì mãi rất lâu - chừng bốn nghìn năm sau - các sản phẩm ấn loát mới xuống đường, mới đến tay quần chúng (một quần chúng độc giả cũng không lấy gì làm rộng lớn đông đảo). Máy in ra đời sau văn tự rất xa, rồi phát triển cũng chậm; vả lại con người học để có trình độ đọc sách cũng gian nan, ít kẻ đạt được (thậm chí có bà tổng thống Hoa Kỳ mới đây còn phát động phong trào bài trừ nạn mù chữ!). Vậy mà cái T.V. chỉ ra đời chừng 50 năm, nó đã đủ sức làm cho cuốn sách khốn đốn.

Bảo rằng kỹ thuật điện tử chỉ có ở các nước tân tiến Âu Mỹ, còn ở Á Phi cuốn sách có thể yên chí, đừng vội sợ hãi, bảo thế không đúng. Bà Nadine Gordimer (giải Nobel năm ngoái) cho là ở Nam Phi ngay bây giờ Tivi đã thắng sách rồi. Phải chứ: Học để đọc được sách thì lâu, chứ "học" xem Tivi thì mấy hồi! Càng là ở xứ kém cỏi, sách càng khổ đa.

Tivi với vidéo không phải chỉ lấn hiếp sách bằng cách lấy mất thì giờ đọc; nó còn biến cải tâm lý con người, làm cho không còn thuận lợi với việc đọc sách nữa. Thì cũng như xưa kia chữ viết đã biến đổi tâm lý và đầu óc con người. Có chữ viết, ý tưởng được ghi xuống giấy trắng mực đen, nằm yên chịu trận, để cho trí óc cặm cụi phân tích suy tính; đầu óc con người bấy giờ mới có thể đi xa vào sự suy luận trừu tượng. Do đó chỉ sau khi có chữ viết mới có được những ngành triết học, toán học v.v... Không thể tưởng tượng được những dân tộc chưa biết viết mà có đại số học chẳng hạn.

Rời bỏ trang sách để nhìn vào màn T.V. để gặp những hình ảnh và âm thanh vụt lướt qua liên miên, không thể chận đứng lại được, chắc chắn hoạt động trí óc của những thế hệ từ nay về sau sẽ có những đặc điểm mới.

Mới như thế nào? Không phải kẻ hèn như tôi có thể xía vào nói thiên nói địa ba xí ba tú về những cái xa vời như thế được. Chỉ dám thấy đâu nói đó về những chuyện rất gần gũi rất đại khái rất thô sơ thôi. Chẳng hạn T.V. cần phải đập vào mắt cho nhanh, phải lôi cuốn gấp không ngừng, phải đột ngột, phải mạnh mẽ v.v... Không thế thì người xe bấm nút đổi đài ngay. Cho nên trên màn ảnh T.V. không khí lúc nào cũng khẩn trương, cảnh lúc nào cũng gay cấn, ác liệt, cực đoan. Tôi nhiều lần nhận thấy có những "vua hề" quen thuộc ở Việt Nam sang đây, lên T.V. không thành công. Khả Năng, Phi Thoàn v.v... nói dông dài 5, 10 phút mới làm nổ một trận cười: lâu quá. Hề T.V. chuyên nghiệp như Bob Hope chỉ cần nói một câu, vài câu ngắn rồi ngừng lại, chờ khán giả cười. Cái thì giờ quí báu trên màn ảnh đòi hỏi họ phải tiết kiệm tối đa, cô đọng tối đa.

Cụ thể (không trừu tượng), động (tránh cái tĩnh), mạnh mẽ, cực đoan (tránh cái nhẹ nhàng, lớt phớt, tinh tế), ngắn gọn (tránh cái dông dài) v.v... có phải đó là những đặc tính của phương tiện truyền thông mới?

Truyện thật ngắn có phải là đáp ứng thích hợp theo chiều hướng cuộc sống mới? Còn lâu mới biết. Nhưng tôi có gặp những phản ứng tương tự đây đó. Ở Pháp, như cuốn Histoires à dormir sans vous của Jacques Stenberg, ở Mỹ như R. Carver.

Thời đại mới, xã hội mới, văn nghệ phải mới. "Ngắn" chẳng qua chỉ là một trong bao nhiêu cách đáp ứng khác nhau, trong đó phải có những đáp ứng tài tình hơn, thích hợp hơn, cốt tuỷ hơn, thông minh, sâu sắc, căn cứ trên những suy luận thâm thuý hơn. Mình lẻ loi, xa lạ, thô thiển, quờ quạng... chẳng qua là phác qua một cử chỉ vu vơ.

Trong nước (Việt Nam) bây giờ thỉnh thoảng cũng có bài nói về những trào lưu tiểu thuyết mới. Trên tờ tạp chí Văn Học của Hà Nội năm ngoái thấy có bài về "tiểu thuyết hậu - hiện đại". Dẫu sao ở nước nhà cũng có một lớp cầm bút kỳ cựu và một thế hệ đông đảo người cầm bút trẻ, cùng nhau suy nghĩ về bộ môn nọ bộ môn kia. Ở ngoài nước, chúng ta thất tán, ít oi, không có sinh hoạt chặt chẽ, chúng ta rất yếu về mặt lý luận văn học. Đa số cầm bút đại khái viết theo noạ lực, tiếp tục những đường hướng cũ kỹ có sẵn. Viết đại.

Ở Miền Nam, trước 1975 mỗi năm có chừng 150 nghìn sinh viên Văn khoa khắp nước, cùng với một số giáo sư khoa Văn, thày trò học hỏi, thảo luận, tìm tòi, giới thiệu om sòm, suy nghĩ lung tung về các tác giả mới, đường hướng mới, khen chê ỏm tỏi. Nguyễn Văn Trung không bỏ lỡ dịp nào để gợi hứng cho sinh viên về những cái mới. Bây giờ, tan đàn rã nghé, anh em tản mác, bận bịu mưu sinh, viết là viết theo đà vậy thôi, ít có thì giờ thắc mắc lý luận.

Tính tôi táy máy, hay "thử" cái này cái nọ. Như thế nguy hiểm. Những thử nghiệm vu vơ thường không có số tồn tại. Chẳng qua là quát một tiếng cho người ta lưu ý, lưu ý đến vấn đề để rồi tiếp tục tìm kiếm, suy nghĩ thêm. Mấy khi thí nghiệm quờ quạng mà thành công ngay.

Vả lại trong Truyện thật ngắn không phải chỉ có cái ngắn. Còn có bao nhiêu chuyện khác. Ít nhất còn cái nội dung của nó.

Tính đa ngã của đời người là một ám ảnh vẫn đeo đuổi tôi, từ “Giọt cà phê”. Xưa nay chưa bao giờ trong cái hạn một đời người mà xã hội trải qua nhiều biến thiên như ở ta và trên thế giới từ 1945 tới nay. Thỉnh thoảng gặp lại một anh bạn, một người quen, một láng giềng cũ, có kẻ làm mình sửng sốt: anh chàng lù rù nọ không ngờ thành ra một ông tướng. Ông công tử bột ấy lại thành một gã phong trần chai sạn. Cô bé trắng và mũm mĩm như cục bột thành mụ giữ xe đạp trước rạp hát, người mỏng lét, nói tía lia... Chưa sống trọn một kiếp người, kẻ thành lá gan con gà người hoá ra cánh con ve v.v... Những phản ứng khác nhau đưa mỗi người về một hướng đời không ngờ.

Mặt khác tôi vẫn có cái thích đi quá chỗ tận cùng của các cảm nhận do ngũ quan. Thích đuổi bắt những hình ảnh tưởng như ma quái v.v...

Nhưng những cái đó không nói làm chi. Tưởng chỉ cần nói về chỗ: tại sao lại nảy ra cái ý viết thật ngắn thôi. Lan man quá biết đến đâu là cùng, biết bao giờ cho xong, phải không anh?

Trong một lá thư trước đây anh có ý muốn tìm những bài phê bình trước 1975. Tôi đã bắt đầu làm thử. Để rồi có được bao nhiêu tôi lần hồi sao gửi anh xem.

[…] Hôm trước viết đến đây thì tôi bị đau, phải bỏ mọi việc viết lách hơn 10 ngày. Đau do vụ mổ - thường thường sau một cuộc giải phẫu lớn vẫn xảy ra như thế. Đau cánh tay mặt như bị bại, cầm cây viết rất khó khăn; đau bả vai và đau lưng. Thay đổi 3 bác sĩ khác nhau, thay đổi thuốc lung tung, nay mới bắt đầu hơi khá. Tôi mất quá nhiều thì giờ cho bệnh hoạn. Thời gian còn lại trong đời đã ngắn lại ngắn thêm.

Nhân mấy chữ "ngắn" vừa viết ra, tôi lại nảy ra một ý quên nói đến. Là khi truyện đã cố tình thật ngắn thì cái ngắn ấy nó kéo theo những cái khác. Ít ra là nó đẻ ra một thẩm mỹ quan khác. Truyện ngắn nó đẹp cách khác, khác với cái đẹp của truyện dài.

Ngày xưa - trong thời nông nghiệp - người thợ thủ công có nhiều thì giờ để mằn mò chạm trổ tinh vi. Họ có thể bỏ ra mười năm miệt mài với một bộ bàn ghế. Nhà cửa, đền đài... đều chạm vẽ rằn rịt lăn quăn. Ngay chiếc xe hơi trong buổi đầu cũng đẹp cách rằn rện như thế. Rồi thời thế đổi thay, người ta làm nhà vuông vắn trụi trần như chiếc hộp, làm xe đường nét giản đơn; từ kiểu áo quần bàn ghế cho đến cây bút, chiếc cà vạt đều giản đơn dần. Lúc đầu cái giản đơn thấy thô kệch chướng mắt. Về sau nó đẻ ra một thẩm mỹ quan mới. Kẻ được lớn lên, được giáo dục trong chiều hướng mới ấy, nhìn lại cái rằn ri cũ không thấy đẹp mà lại thấy kỳ cục. Cái đẹp của sự trần trụi, của cái nghèo nàn, cộc lốc... Thôi, dông dài quá rồi, phải không anh?

[…]

Thân chúc anh chị và các cháu mọi sự an lành.

Võ Phiến

_________________________

[1]Ðặng Tiến, “Võ Phiến, điệu nhạc thầm và Truyện thật ngắn”, Diễn Ðàn (Paris) số 2 (11.1991).

[2]“Không còn hoài nghi gì nữa: Tôi đã bắt đầu và sẽ kết thúc cuộc đời mình giữa những quyển sách".

[3]“Tôi đã tìm ra tôn giáo của tôi: với tôi, không có gì quan trọng bằng một quyển sách. Tôi xem phòng sách như một ngôi đền”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021