thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giải pháp cảm tính

 

Mến tặng bọn chữ cái từ A - Z trong
cơn “Mưa chữ” của nhà thơ Hoàng Ngọc-Tuấn,
vì lời gọi “đến đây chơi” cho tôi chút vui lây.

 

Một người viết luôn có quyền, hay tự cho mình quyền cảm tính. Hắn là nhà thơ, vậy hắn có thể nhuộm cho A đen E trắng I đỏ U lục, v.v và v.v. Hắn có thể thấy chữ U loong coong móng ngựa, chữ D mang khiên cản gió, ngã úp sấp, chữ C còng lăn dọc theo mái nhà với những tiếng lụp cụp vì gió thốc vào khoảng bụng hẫng, chữ O hút miệng vào miệng hôn riết riết nôn nao...

Tôi luôn bị thúc đẩy bởi ham muốn cảm tính đến từng dấu mũ của từng chữ cái, nhất là khi đào xới trong một kho chữ bất [chấp] nhận nhiều đúng sai, đầy khoan thứ bao dung như Tiếng Việt. Chẳng hạn, “dầy” hay “dày” (dầy dặn/dày dặn) đều đúng, nhưng dấu mũ của chữ “â” và âm thanh khi đọc lên rất khác chữ “a”. Tôi thường thấy người Bắc đọc “dầy” trước chữ “dày” (cũng như “thày”, mày, cái cày...), nhưng khi viết, dấu mũ tạo cho chữ một diện mạo khác và nhìn chữ cái đội mũ này ắt có cảm giác khác trước một chữ cái không mũ. Hàng loạt những hiện tượng khác: d/gi dùng thay nhau được trong nhiều trường hợp, nhưng “gi” dường như mạnh hơn, dữ hơn, tốn sức hơn, “d” nhẹ hơn cẩn trọng hơn (nên “giành giật” mà “dành dụm”). Đó chỉ là đôi ba ví dụ tủn mủn.

Nhưng người viết không tránh khỏi những lúc băn khoăn lựa chọn: mút sâu chất tủy Tiếng Việt, đến tận từng từ, từng chữ, từng nguyên âm phụ âm, từng dấu móc, dấu phẩy, dấu chấm... từng khoảng cách giữa các chữ cái trong một từ, chấp nhận những phi lí ngữ pháp (mà nếu sa sẩy là thành cái phi lí nhảm nhí) hay chọn cách nào sáng rõ hơn dễ chịu hơn. Bởi bài thơ ra đời sẽ không chỉ liên quan đến cuộc chơi của cá nhân người viết. Nó còn liên quan đến cái-nhìn-tận-mắt của người đọc. Bởi một nhu cầu nữa: có thể hay không thể chuyển dịch nó sang một ngoại ngữ? Không mấy ai biết tác phẩm của mình lúc nào được sống/chết trong một ngôn ngữ khác, nhưng không ai muốn chôn cứng mình trong cái lỗ ngôn ngữ hẹp, (mà nếu hẹp, có thể đâm cái thuổng xuống sâu mãi mà tìm nước được không?); và nhu cầu tìm biết con người ở mọi nơi trên trái đất có người này có thể gần gũi về suy nghĩ, tâm hồn và ngôn ngữ không... ắt là một nhu cầu dễ được hiểu. Trung Hoa xưa vốn tự thấy là trung tâm, có lẽ tất cả các nhà thơ Đường chưa ai kịp bận bịu đến một ngữ hệ nào khác với lối chữ của họ, nhưng một đất nước to dầy với nền văn hóa to dầy như Trung Hoa chắc chắn đến nay sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ trong thị trường dịch. (Không dễ gì chuyển di sản văn hóa của Trung Hoa xưa sang một ngôn ngữ tham vọng toàn cầu). Ở các cá nhân nhà thơ Việt, tôi cũng không rõ khi Lê Đạt mải tìm bóng chữ hay khi Trần Dần nghiên cứu Tiếng Việt của thơ, hay khi Dương Tường thử thách các con âm, các ông có nghĩ đến việc thơ mình sẽ được dịch như thế nào; Bùi Giáng thì ắt hẳn muốn thuộc tuỳ Tiếng Việt cốt giữ được say đắm ái ân.

Sức mạnh toàn cầu hóa có thể động đến từng lỗ chân lông từ ngữ, làm hoang mang từng mảy tư duy.

Tìm hiểu những giới hạn của Tiếng Việt khi chung sống với nó do đó là một công việc nghiêm chỉnh. Văn chương Việt kém cạnh tranh trong việc được dịch, có vô số lí do, nhưng một cản trở phải chăng là người ta ít “biết” Tiếng Việt. “Biết” theo cái nghĩa am hiểu những đặc điểm về âm thanh, chữ nghĩa... của nó. Từ ngữ, như các từ láy, các lối gieo vần... có thể gợi cảm và đầy sức sống, quyến rũ đến hút chết người làm Tiếng Việt, người đọc Tiếng Việt cũng có thể “sướng” ngay, nhưng sẽ là không thể dịch ở một ngôn ngữ khác chẳng hạn. Có lẽ điều này cũng xảy ra với nhiều ngôn ngữ khác. So với sự cảm tính có chủng tộc này, sự cảm tính A đen E trắng I đỏ... của Rimbaud còn mang tính “phổ quát”, trí tưởng tượng sẽ hối gọi đồng cảm. Nhưng sự đồng cảm tương tự khó xảy ra ở cách tư duy ăn sâu trong ngôn ngữ. Chẳng hạn, người Việt thường bí bức rằng việc diễn đạt suy tư trừu tượng, lập khái niệm hay khả năng rành rẽ mọi vấn đề không phải là ưu thế của ngôn ngữ Việt. (Một nỗ lực loại bỏ từ Hán Việt là không thể, hoặc song song với loại bỏ lại là nhân giống, lai ghép từ Hán Việt cho các khái niệm, thuật ngữ, v.v. Tôi đã thử mơ mộng triển khai một thứ Tiếng Việt thuần chủng khi làm thơ nhưng là ảo tưởng và vô nghĩa). Thứ tiếng giàu màu sắc và nhiều chất sống của người Việt, cũng đồng thời lại như những thân người trong một cộng đồng khó kết dính, có thể túm tụm bàn tán đủ chuyện sống động của đời thường, nhưng ngồi chung bàn trao đổi các suy tư nghiêm túc lại nhọc nhằn, có thể ào ào bề mặt nhưng khó yên tĩnh nhìn cho sâu riết vào cái vô hình của hiện thực...; một thứ tiếng quá nhiều từ quan hệ họ hàng nên cũng là một thứ tiếng tự đóng đinh các mặc cảm, thành kiến và nhiều cả nể. (Nếu nhà văn Phạm Thị Hoài viết bằng Tiếng Anh, biết đâu lại trở thành một bậc nữ lưu viết trinh thám như chị từng giả định, khi không phải lo lắng về cách dùng đại từ cô ta/cô ấy/ả hay hắn/y/...?) Thứ cảm tính chủng tộc này là đặc quyền của dân tộc, một thứ đặc sản địa phương đem lại niềm sung sướng tự hào vô tận với người này, lại có thể là một thứ của nợ bức bối khổ sở với người kia, hoặc lúc này là niềm vui đón nhận, lúc khác muốn quay quắt chối bỏ. Gã đang yêu có thể lơ lẳng gọi “cô em”, khi bị phụ rẫy thì lạnh lẽo “cô ta” hay khi lật lọng có thể nguyền rủa mỉa mai bằng “ả” “con kia” “con nọ” . Trường hợp một phần di sản Trần Dần, Lê Đạt hay Bùi Giáng... vẫn đem lại khoái lạc chữ riêng cho người đọc tiếng Việt, nhưng hoàn toàn không “phổ quát”. Gần đây, nhà thơ Đặng Thân khi muốn khơi lại dòng thơ phụ âm Việt ngữ đã lấy ví dụ thơ Anh, thơ Đức (xem bài viết: “Thơ phụ âm (alliteration) & [tôi]” trên Tiền Vệ), tôi hiểu như một cố gắng tìm đến tiếng nói “toàn cầu”, hay cũng là cách chứng minh việc khai thác các đặc tính Việt ngữ có thể gần gũi ở bất cứ vùng ngôn ngữ nào. Nhưng trước hết, nó là một thứ đặc sản Việt mà việc chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, để có một bài thơ tương đương là bất khả. Người làm thơ nhỏ bé trong cảm tính của mình, hoặc sẽ ảo tưởng về sự truy tới cùng trong cảm tính của mình chăng? Có thể đi đến cùng ngôn ngữ của dân tộc để gặp nhân loại, như chúng ta thường mơ mộng, nhưng biết đâu chỉ gặp ngõ cụt.

Dẫu vậy, khi phải lựa chọn, tôi vẫn thích một sản phẩm thơ đóng dấu Tiếng Việt chứ không chỉ là một sản phẩm hàng hoá thị trường được bày phổ biến. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận sống trong giới hạn. Trong một bài thơ,[*] tôi viết: “Tôi khốc những lời không tiếng vọng”. Chữ “khốc” đặt ở đây phi lí về ngữ pháp. Nhưng bài thơ đã xong rồi, và tôi đã giết nhiều chữ để giữ lấy một sự cảm tính nhất thời. Về chữ này, tôi đã nhận được góp ý của nhà thơ Hoàng Ngọc-Tuấn qua email khi tôi gửi lên Tiền Vệ, với tôi, góp ý này vẫn nhắc tôi về bài tập với chữ. Xin phép được trích lại phần thông tin:

Chữ 哭, phiên âm Hán-Việt là “khốc” => đọc trại sang tiếng Việt (Nôm) là “khóc” (động từ).
 
Chữ 酷, phiên âm Hán-Việt là “khốc”, là tính từ (như trong 殘 酷 tàn khốc; 酷 烈 khốc liệt), Chữ “khốc” này nghĩa là dữ dằn, hung ác, bạo cuồng.
 
1. Trong câu “Tôi khốc những lời không tiếng vọng”, nếu chữ “khốc” mang nghĩa “khốc liệt”, thì nó là tính từ, không thể nằm ở vị trí của động từ.
 
2. Trong câu “Tôi khốc những lời không tiếng vọng”, nếu chữ “khốc” mang nghĩa “khóc”, thì nó là động từ, và nó nằm đúng ở vị trí của động từ.
 
3. Tuy nhiên, nếu đã hiểu chữ “khốc” theo nghĩa “khóc” (động từ), thì câu văn tiếng Việt nên sử dụng chữ “khóc” [đã Việt hoá] thay vì chữ “khốc” [Hán-Việt].
 
Cũng thế, chúng ta nói “tôi đọc sách”, chứ không nói “tôi độc sách”, tuy động từ 讀 “độc” [Hán-Việt] đồng nghĩa với “đọc” [Việt-Nôm].
 
4. Vì những lý do trên, người đọc rất dễ nghĩ rằng chữ “khốc” tức là chữ “khóc”, nhưng bị gõ máy thừa dấu ^.
 
5. Hơn nữa, nếu hiểu “khốc” như “khốc liệt” (tính từ), thì không thể nào dịch câu này ra ngoại ngữ: “Tôi khốc những lời không tiếng vọng”, vì câu này nằm ngoài mọi nguyên tắc ngữ pháp. Vị trí của chữ “khốc” ở đây chỉ có thể là động từ, nhưng nếu nó lại là tính từ, thì... bất khả lý giải!”
 

Giải pháp của tôi lúc đó, là chọn sự cảm tính, kèm một chú thích muộn về cảm giác của tôi với từ “khốc”:

Tôi khốc những lời không tiếng vọng”: Chữ “khốc” ở đây không có nghĩa là “khóc”, (tôi quả tình rất sợ “khóc” trong thơ). “Khốc”, nghe khô và rắn, cộc lốc. Cho nên, mặc dù sự phi lí về ngữ pháp của nó, với tôi, nó vẫn có khả năng gọi nhiều chữ “khốc” khác nhau, cả Hán cả Việt (khốc liệt, khô khốc,...), vừa là tính từ vừa được “động từ hóa”, chẳng hạn với hàm nghĩa: “tôi (gây nên sự) khốc”, “lời nói khốc”...
 

Người làm thơ Tiếng Việt ắt phải tự đặt mình vào tình thế lựa chọn những chữ và nghĩa chỉ được sống/sống được trong không gian Tiếng Việt. Tôi không cho đó là giải pháp tối ưu, nhưng sống lí tính với tôi nhiều khi thật khó và nhọc.

Khi nào cảm tính là quyền năng, khi nào cảm tính thành tai họa và hủy hoại chữ nghĩa cũng như đời sống? Hình như chẳng thể tin vào bất cứ một điều gì phổ quát lúc này. Chỉ có thể sống trong cái cụ thể, cái riêng lẻ. Đó có thể chính là một cách để chống lại áp lực toàn cầu hoá muốn đập phẳng mọi thứ, chống lại sức mạnh áp đảo của cái đông đúc, cái to, lớn,...; cũng là, để giữ được cái lẻ biệt trong thế giới, biết đâu cái lẻ biệt ấy lại chính là yếu tính, là căn cước, của một cá nhân, một dân tộc...

Câu hỏi vẫn còn đó: làm thế nào tiếng nói của những cái nhỏ lẻ được cất lên và được chia sẻ?

 

30.11.09

 

_________________________

[*]Bài thơ “Thư (0)” của Nhã Thuyên, đã đăng trên Tiền Vệ.

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021