thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trần Đình Lương: Nhà thơ không muốn làm thi sĩ

 

Hải đảo, tập thơ của Trần Đình Lương
Nhà xuất bản Văn Nghệ, tpHCM, 1/2005

 

Tôi vô tình có được tập thơ này trong một nhà sách cũ. Lạc lõng giữa hàng trăm tập thơ khác, tập thơ có cái bìa giản đơn, trang nhã, với bề rộng hơn chiều cao, như các cuốn sách tập vẽ màu của trẻ em vậy. Tranh bìa cũng là một mảng màu như mây, như lá, lại như sóng. Mơ hồ. Thật là mơ hồ:

hải đảo – trần đình lương

Không hề viết hoa, không hề in đậm. Có gì trong đó?

Trong lời tựa của tập thơ, Hoàng Ngọc-Tuấn viết: “Hải đảo là tập thơ của một nhà thơ không muốn làm thi sĩ...”[*] Ồ, cái phận người đã mở ra từ đây. Đọc bài 1, đọc bài 2, đọc bài 3, đọc rồi không muốn dừng lại, hay là không thể dừng lại nữa. Sức cuốn hút mãnh liệt từ ngôn ngữ hay là sự hấp dẫn của một tâm hồn mềm dịu cỏ hoa.

Bài thơ đầu tiên, ghi chú: đã in trên Đặc san Tổng hội sinh viên Sài Gòn – 1964, tròm trèm 45 năm.

 
xin lên tiếng với tôi
 
ngồi đây mà triết lý
thế chấp nhận hoà bình
ngồi đây mà ngủ kỹ
trước thực tế chiến chinh?
 
ta nói cho ta biết
sự gục mặt đê hèn
đang sống như đang chết
đang ngụp giữa bùn đen
 
phương trời này khói lửa
“nỗi chết ấy không rời”
quay lưng không thể được
xin lên tiếng với tôi
 

Lộ diện cái niềm tin và cả hoài nghi của một thời đấu tranh giữ nước của trí thức trẻ. Vấn đề đặt ra không mới, nhưng không cũ. Cho đến hôm nay, trước thực tế bây giờ, vẫn thấy nỗi thống thiết gọi mời ấy còn văng vẳng bên tai. Xin lên tiếng với tôi! Xin lên tiếng với tôi! Mở đầu và kết thúc. Lồng lộng niềm cô độc, cái cô độc kỳ lạ bình thường mỗi con người đều có, mỗi đám đông đều có. Bơ vơ đông đảo của Việt Phương cũng không phải đã gói gọn trong cõi tâm niệm vô vàn ấy ư?

Tất cả các bài thơ không hề viết hoa đầu dòng hoặc tựa bài, chỉ trừ một vài tên riêng bắt buộc. Dụng ý của tác giả, hay, tự nhiên như thế? Thơ, không có bắt đầu không có kết thúc? Tất cả mọi câu chữ đều để bắt đầu và để kết thúc?

Thơ Trần Đình Lương, rõ ràng, không thể trích dẫn được. Câu chữ nhẹ hẫng, bám chặt vào nhau, thật khó mà tách ra cắt ra. Buồn bám vào vui, vui bám vào người, như bàn chân bám vào con đường vô tận:

 
buổi trưa gối đàn ngủ
trong mơ mây vẫn trôi
có một niềm hiu hắt
dài
suốt một đời người
(“vô đề”)
 
đêm ơi
những vì sao nở muộn ở cuối trời
có chiếu nỗi muộn phiền của ta tới nơi em ở
có thấu được phận người
 
đêm ơi
(“đêm”)
 

Khắc khoải, hai chữ này đã bị lạm dụng quá nhiều trong các bài luận bàn văn chương. Đôi khi, nó trở thành một câu quen miệng, cũng như người ta gặp nhau là bắt tay cười chào vậy. Nhưng không phải cái bắt tay và nụ cười nào cũng tốt lành và ở lại lâu. Trần Đình Lương vẽ khắc khoải bằng hiện thực thơ, thổi nhẹ tênh vào hiện thực đời:

 
Sydney
bảy năm ta đã ở
chỉ yêu được một màu hoa
trái tim người hoá thạch ngàn xưa
hiu hắt chiếu một màu thương nhớ cũ
đời đã ra khơi
đời không về nữa
mây trên cao mây biền biệt quê nhà
(“Sydney, mùa xuân hoa tím”)
 

Có người thơ nào không vọng về quá vãng, dù là đợi chờ thương nhớ rất đỗi vụng về. Có được đôi mắt trẻ thơ là ước vọng sáng tạo của nghệ sĩ. Vì, chỉ có mắt trẻ thơ mới nhìn thấy một bông hoa không phải chỉ là hoa, hay, một đám mây không chỉ là mây. Và, từ đó, nghệ thuật nảy mầm lên, như cỏ sau mưa, vừa dịu dàng âm ỉ, vừa nôn nao mãnh liệt. Vượt ngoài khuôn giới của giá trị bình thường, nhìn bằng mắt thường không thể thấy được.

Trần Đình Lương từng ở tù, “nhúng vào lửa”, từng trải nghiệm thân xác mình trong hờn căm uất ức. Và, sau này, dù đã đặt chân lên nhiều bậc thềm lộng lẫy xa hoa, thơ anh vẫn mát, ngọt, lành. Không tìm thấy cái quá quắt hay ngõ cụt trong thơ anh. Vì, thời gian, hay chính là con người thơ, đã dám tự gạn lọc chính mình. Chữ “dám” phải dùng ở đây, vì sự chiu chắt ngôn ngữ bắt nguồn từ sự chiu chắt một đời người, không phải ai cũng có cái dũng khí này. Xô bồ, hỗn độn, dư thừa là cái thường xuất hiện trong mọi lãnh vực cuộc sống, đặc biệt, càng thấy rõ trong văn chương. Người ta thấy hoa đẹp, nhưng, gìn giữ và tôn tạo nét đẹp của hoa như thế nào vẫn là tư thế loay hoay thường tình của người trồng hoa và thưởng hoa. Nghệ thuật trình bày (sắp đặt) của Âu Châu cũng là bài học đắt giá không thể bỏ ngoài văn chương. Trần Đình Lương có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng này.

 
năm mươi
tiếng chim gù
từ một góc đời còn lại
những đoá phượng tím rơi ngang
bên ngoài tôi
im bặt
(“năm mươi”)
 

Thời gian làm người ta già đi, chắc chắn rồi, nhưng cũng có thể làm người ta trẻ lại, theo một phương diện tinh thần nào đó. Như trong một cuộc đua, gần về đích, người ta thường đếm ngược. Đếm ngược, là bấu tay vào tương lai chứ không phải “ăn mày dĩ vãng”. Tôi vẫn quen gọi: Ăn cắp thời gian!

 
năm mươi
mươi năm
tiếng tôi vọng
vang vang lòng giếng
một mảng trời đen
một đôi mắt trắng
thuyền Trương Chi không tan
đậu lặng lẽ trong tách cà phê buổi sáng
(“năm mươi”)
 

Tình yêu căng cứng vừa đủ để không thể vỡ vụn tàn tro nhưng cũng không làm tràn ly ký ức, lung linh lấp loé đom đóm hình ảnh bé xíu cô độc thuyền Trương Chi. Trôi đi, trôi đi, không cần biết sẽ trôi về đâu, tương lai và quá khứ chỉ là hai hướng ngược nhau đếm bước từ hiện tại.

 
Huế
trời mưa bụi
tôi về
thấy lại một mảnh trời xanh
trong tách cà phê
chúng ta đã uống mười ba năm về trước
 
tim Trương Chi vỡ tan
mênh mang
Hương giang
bóng tre xanh ngọc bích
(“về một dòng sông”)
 

Nghĩ lại, thấy sau Bùi Giáng, “dạ thưa xứ Huế bây giờ / Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”, chỉ có Trần Đình Lương khơi gợi tâm trí người ta trở về cố đô chân thơ nhất. Đẹp hay không đẹp, màu hay không màu, sáng hay không sáng, không cần thiết. Nhưng chắc chắn, cảnh ấy người ấy đời ấy vẫn còn sống, vẫn đang sống, trên dòng hoài niệm kéo dài qua một đời người, nối dài qua nhiều thân phận người.

 
những gì anh ta còn để lại
những gì anh ta đã mang đi
những gì chúng ta sẽ để lại
những gì chúng ta sẽ mang đi
cuộc đời chợt trong suốt
vì một cuộc ra đi
cuộc đời chợt mất hút
vì một chuyến ra đi
(“anh ta đã trở về”)
 

 
khi những chiếc lá vàng đã trút hết
trần trụi trong mùa đông
cây ơi
không còn gì để sợ
(“thoát”)
 

Giải thoát khỏi những đam mê cuộc đời, không phải dễ. Nhà sư, tìm phủ định như một cách chứng ngộ. Người đời, tìm phân biệt sáng tối trắng đen như một cách trình bày cuộc đời mình. Đối với cả người đi tu thoát tục lẫn người trần mằt thịt, quá trình cần cầu chân lý ấy biểu hiện thành tâm trạng căng thẳng tột độ. Với nhà thơ, tâm trạng căng thẳng tột độ ghi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, không còn giới hạn cho vần điệu hay ý thức gì về sự tiếp nhận nào khác nữa.

 
mưa một nhịp
dòng Tào Khê không chảy nữa
ánh sao mờ hơi thở
đêm tôi
(“mưa đêm”)
 
mưa
trên phố
trong nôi
các bé thơ dạo chơi
những thiên thần ghé đôi năm qua cuộc sống
rồi thôi
 
nhạc rồi sẽ chảy
trên hẻm cũ
mái tôn xưa
 
tôi đi trong mưa
không
ướt
 

Một nhà thơ không muốn làm thi sĩ, không muốn nổi danh. Quả thật, thơ đi tìm người chứ người khó tìm được thơ. Người thơ, có thơ trong từng tiếng thở dài của mình. Hiểu được tiếng thở dài, nghĩa là, đã cảm rõ bình sinh thiên hạ, đem cái tình thở vào cuộc đời.

 
buổi sáng
nắng tung toé
trong một giọt đàn
 
những giọt nước trên người chưa khô
tôi giơ tay
vuốt mặt
 
cây mùa đông
cây mùa đông
 
có thật
(“từ sông Tiền Đường đến Jindabyne Lake”)
 

Từ “tôi đi trong mưa không ướt” cho đến “tôi giơ tay vuốt mặt” là một khoảng trống rỗng vô định luật. Thanh thoát và mênh mang bàn tay mò mẫm sờ vào cuộc sống và lấy ra những cái đẹp. Tuyệt đẹp. Bài thơ “Hải đảo”, có thể nói, là bài thơ đẹp trong hiếm hoi thơ đẹp.

 
trời xanh lặng im bối rối
chiều không một lối rơi
 
cháy rụi khu rừng năm cũ
giấc mơ hải đảo còn tươi
ngàn đốm nắng băn khoăn trên sóng
không nhớ nổi mặt người
 
cát bay rát mặt ngày biển động
sóng hồng ruốc nhảy triều đưa
 
những căn nhà
thâm nâu mắt ngói bao mùa gió
đêm nay thức giấc nhìn ta
 
sóng biết quặn lòng qua cửa biển
công phu một tiếng chuông
đưa
 

Trần Đình Lương bị giam cầm trong roi đòn tra tấn năm 1966 ở Phú Quốc, trong phong trào phản chiến của sinh viên. Nhưng, hải đảo in lại trong lòng người thơ, sít sao màu sắc tươi rói của tuổi trẻ. Hy vọng không quá xanh. Tuyệt vọng không quá tối. Có thể đổ máu cho Tổ quốc, nhưng, không thể vấy tang tóc trên thơ. Không ồ ạt mô tả, cũng không dụng tu từ nhiều, cái đẹp tự nhiên hiển hiện như bản chất vốn dĩ của nó. Cái đẹp ấy, sẽ sống theo người theo đời cùng bốn phương tám hướng.

 
thế kỷ lối vào máu chảy cõi tâm
dưới cặp mắt nhung
giọt giao hưởng viên thành giọt lệ
vàng đông dâng trái bưởi căng tròn
 
khánh linh thảng thốt từng tờ gió
ngàn đoá mộc lan trong nắng chắp tay
biển lặng như trời
 

Đến đây, thì không cần bàn về ngôn ngữ thơ nữa. Sư phụ!

Đọc đến bài cuối cùng, tự nhiên thấy hẫng hụt, một sự ngậm ngùi sẽ kéo lê tôi cho đến khi không nhớ gì và biết gì về thơ nữa. Hết rồi!

 
có tôi hay không có
gió vẫn chỉ thích nói chuyện cùng cây
trong từng chiếc lá xanh tươi in dấu mặt trời
dòng sữa ấm vẫn miên man miên man chảy
 

Vĩnh cửu chỉ là cái bóng của khoảnh khắc, nếu ánh sáng đủ sức mạnh soi rọi. Tâm thức con người không phải là cõi sâu không đáy quen gọi cõi vô minh. Cái thực trước mắt, cái thực hôm qua, và, cái thực ngày mai, lung linh ẩn hiện trong nhau. Cố tình phân biệt, là tự vùi sâu mình vào u mê.

 
nắng biết ôm tôi
khi chạy về phía trước
tim mở với mặt trời
bóng lẽo đẽo đằng sau
chỉ ở đằng sau thôi
 

Trần Đình Lương chưa từng phát biểu gì về thơ và về thơ của mình. Mặc dù rất nhiều lần, thơ anh được đăng, đọc trên các diễn đàn lớn, phát hành song ngữ Việt-Anh, được phổ nhạc. Nhưng, anh vẫn là nhà thơ không muốn làm thi sĩ. Tôi sung sướng đọc Hải đảo của Trần Đình Lương, không thể không thốt ra từ tâm mình những lời chia sẻ và ngợi ca. Có thể, bài viết này, sẽ làm cho anh phật ý, vì anh, như Hoàng Ngọc-Tuấn nói “thơ của anh đến từ một tâm hốn bao dung, điềm đạm, thâm trầm”, và “bốn mươi năm, với nhiều bài thơ, nhưng anh chưa bao giờ muốn xuất bản một tập thơ”... Nhưng, thiết nghĩ, không thể gói ghém cất giữ cho riêng mình một gia tài thơ quý giá đến vậy, tôi mạo muội cảm nhận và chia sẻ cùng mọi người.

 

Bà Rịa, ngày 14/08/2009

 

_________________________

Phụ lục:

[*]Nguyên văn lời tựa của Hoàng Ngọc-Tuấn in trong tập thơ Hải đảo:

 
Đôi dòng về Hải đảo
Hoàng Ngọc-Tuấn
 
Hải đảo là tập thơ của một nhà thơ không muốn làm thi sĩ. Bài đầu viết năm 1964, bài cuối viết năm 2004. Bốn mươi năm. Bốn mươi năm, với nhiều bài thơ, nhưng anh chưa bao giờ muốn xuất bản một tập thơ. Anh chưa bao giờ cần một sự công nhận từ người khác, cũng chưa bao giờ lộ ra vẻ loay hoay khổ sở vì công việc sáng tác. Anh sống lặng lẽ, và thỉnh thoảng anh viết một bài thơ. Giữa những bài thơ của Trần Đình Lương có những khoảng im lặng, đôi khi rất dài. Có năm anh viết chỉ một bài thơ. Có năm anh viết nhiều bài. Có lúc hàng chục năm anh không viết gì cả. Thế nhưng, mỗi khi anh ngồi xuống với cây bút và trang giấy, chữ nghĩa lại tươi rói, mới tinh. Một bài thơ tròn trịa lại ra đời.
 
Anh làm gì trong những khoảng im lặng ấy? Anh dạy học (anh là một nhà giáo hết sức tận tâm). Anh làm nhiếp ảnh (anh đã thực hiện rất nhiều bức ảnh tuyệt hảo, nhưng anh cũng không muốn làm nhiếp ảnh gia). Anh dấn thân vào những công việc xã hội và từ thiện (anh đã bỏ ra nhiều năm trong đời mình cho điều này, và cũng đã âm thầm chịu đựng nhiều bạc đãi). Trong những khoảng im lặng giữa những bài thơ, tất nhiên anh không làm thơ, nhưng anh không ngừng thơ . Tôi thấy.
 
Tôi thấy, vì anh là bạn thân của tôi suốt hai mươi năm qua. Vâng, ít nhất, suốt hai mươi năm qua, tôi thấy anh đã không ngừng thơ . Không lúc nào tôi gặp anh, nói chuyện với anh, mà tôi không thấy thơ ở anh. Trong cử chỉ, ngôn ngữ, nhận xét, phản ứng của anh trước đời sống và thiên nhiên, luôn luôn có thơ . Chính vì thế, trong những lúc căng thẳng, lao đao nhất, tôi luôn tìm đến anh. Vì nơi anh, tôi gặp thơ .
 
Thơ của anh đến từ một tâm hồn bao dung, điềm đạm, thâm trầm. Nơi đó, không có thứ ánh sáng quá gắt gao, không có thứ bóng tối quá mịt mùng tuyệt vọng. Những tia sáng chói lọi của mọi thứ chân lý chính trị và tôn giáo, đi qua cõi thơ của anh, đều dịu lại, thành những đốm nắng mong manh hắt qua mành cửa. Những đêm đen đầy khủng hoảng, đi qua cõi thơ của anh, chỉ còn lại “một niềm hiu hắt”. Và như thế, đi vào thơ anh, tôi như đi vào một bóng mát — thứ bóng mát của buổi rạng đông mặt trời chưa lên, của buổi chiều tà khi đêm chưa phủ xuống; thứ bóng mát lặng lẽ của những niềm tâm cảm đẹp đẽ, ngọt ngào.
 
Một tâm hồn đẹp đẽ, ngọt ngào như anh không phải chưa từng nhúng vào trong lửa. Anh đã bước vào lửa, vì “quay lưng không thể được” , và anh đã trả giá bằng những ngày tháng bị giam cầm trên một hải đảo xa. Nhưng thơ đã lọc hết những hờn căm, để trong ký ức của anh, miền đảo lưu đầy ấy chỉ còn lại những hình ảnh đẹp khôn tả: “trời xanh lặng im bối rối / chiều không một lối rơi”, “ngàn đốm nắng băn khoăn trên sóng”, “con diều chao trong mưa / cát bay rát mặt ngày biển động / sóng hồng ruốc nhảy triều đưa”, “mạch đá rùng mình trào nước mát / ngọt từ ‘tam bách’ tới bây giờ”, “thâm nâu mắt ngói bao mùa gió / khuya nay thức giấc nhìn ta”, “sáng rực sông đêm ghe về bến / vẫy vùng vẩy bạc lên bờ / cá thơm mùi khóm khi chiều xuống / nét chị cười / đòn bánh tét đong đưa”, “sóng biết quặn lòng qua cửa biển / công phu một tiếng chuông / đưa”.
 
Đó là những câu thơ trong bài “Hải đảo”, một trong những bài thơ đẹp nhất mà tôi từng đọc trong suốt cuộc đời say mê văn chương của mình. Trích riêng những câu thơ ấy ra khỏi bài thơ như tôi làm trên đây là điều rất vụng về. Một bài thơ như thế cần được đọc rất chậm rãi, trọn vẹn từ đầu đến cuối, để từng câu chữ, từng hình ảnh thấm vào ta như từng hớp rượu ngon. Và hơn cả thứ rượu ngon nhất, từng hớp thơ ấy không tan đi, mà đọng lại đâu đó trong ta, rất lâu.
 
Tôi đọc bài “Hải đảo” lần đầu vào tháng 3 năm 2000. Ngay sau khi đọc, tôi đã không cưỡng được ý muốn phổ nhạc vào bài thơ, biến nó thành một ca khúc. Tôi muốn hát nó lên. Và tôi đã thực hiện ý muốn ấy. Tôi đã viết xong bài hát, và đã nhiều lần tự hát cho mình, với chiếc guitar trong tay. Nhưng rồi tôi dần dần phát hiện có những chỗ giai điệu và hoà âm chưa tương xứng với thơ . Tôi đành phải tìm cách sửa lại. Tôi đã phổ nhạc nhiều thơ của những tác giả Đông-Tây và luôn cảm thấy hài lòng. Nhưng điều rất lạ là cho đến nay tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với giai điệu của ca khúc “Hải đảo” ấy. Thỉnh thoảng lại có một âm thanh mới nảy ra từ một câu thơ nào đó của “Hải đảo” khiến tôi băn khoăn. Có lẽ tôi cần thêm một lần thực sự im lặng để đọc lại bài thơ ấy và lắng nghe âm nhạc của nó.
 
Tôi tâm đắc với bài “Hải đảo”, và có lẽ chính tác giả cũng thế, nên anh đã lấy nhan đề bài thơ làm nhan đề chung cho cả tập. Bài “Hải đảo” vào trong tôi và đọng lại rất đậm, vì nó chứa đựng đầy những hình ảnh đẹp bất ngờ. Cái đẹp bất ngờ là cái đẹp hiếm hoi. Không phải người làm thơ nào cũng dễ dàng bắt được nó, dù dường như nó đã sẵn phơi bày ra trước mắt. Không, nó sẵn phơi bày ra đấy, nhưng chỉ có con mắt thơ thực sự mới thấy được nó, mới bắt được nó. Chẳng hạn, có mấy ai sống cả đời ở Phú Quốc mà đã thấy , đã bắt được “thâm nâu mắt ngói bao mùa gió / khuya nay thức giấc nhìn ta”? Hoặc, “sóng biết quặn lòng qua cửa biển / công phu một tiếng chuông / đưa”?
 
Và không chỉ ở bài “Hải đảo”. Ở những bài khác trong tập thơ, Trần Đình Lương đã không ngừng bắt được những cái đẹp bất ngờ. Tôi chỉ xin trích lại một vài câu nho nhỏ:
 
trưa đi không một tiếng nào trong mây
(“dưới đáy giếng”)
 
những đóa phượng tím rơi ngang
bên ngoài tôi
im bặt
(“năm mươi”)
 
nhạc rồi sẽ chảy
trên hẻm cũ
mái tôn xưa
 
tôi đi trong mưa
 
không
 
ướt
 
...
 
Trần Đình Lương là một nhà thơ không muốn làm thi sĩ. Thật thế, nhiều lần trong những năm qua, tôi và một số bằng hữu quanh anh đã thúc giục anh in một tập thơ, nhưng lần nào anh cũng mỉm cười và nói: “Không vội gì,” hoặc: “Chẳng cần in làm gì.” Thậm chí anh cũng không muốn gửi thơ để đăng báo. Lâu lâu, anh viết một bài thơ, rồi để đấy. Tôi có hỏi, thì anh mới đọc riêng cho nghe, hoặc chép cho một bản. Và tôi, như một chàng Max Brod,[+] vẫn lẳng lặng gửi thơ anh cho các tạp chí văn học. Thế nhưng, anh không hề bị cám dỗ bởi hào quang văn nghệ. Thơ Anh ngữ của anh đã được đăng vào những tuyển tập, và có lần đã được diễn đọc trước khán giả Tây phương trong một đại hội nghệ thuật ở Sydney, và được tán thưởng nồng nhiệt. Nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn đã phổ bài thơ “đoản khúc mưa” thành một ca khúc tuyệt vời, và ca khúc này đã được trình diễn nhiều nơi và đưa lên internet. Trần Đình Lương vẫn khiêm tốn, im lặng, không hề phát biểu một lời nào về thơ của mình. Có lẽ anh làm thơ vì muốn ghi xuống một chút gì từ vô số những điều anh thấy được, bắt được trong hành trình qua cuộc sống. Chỉ ghi xuống thôi, chứ không cần phải công bố, trình diễn. Anh ghi xuống, cho anh, và thỉnh thoảng để chia sẻ với vài người bạn gần gũi.
 
Hôm nay, sau nhiều năm thuyết phục Trần Đình Lương, tôi viết những dòng chữ này với một niềm sung sướng vì cuối cùng anh đã đồng ý gom lại một số bài thơ, làm thành tập thơ Hải đảo, và cho in với số ấn bản hạn chế như một món quà gửi khách tri âm xa gần. Tôi chỉ viết xuống đây trung thực và đơn sơ những cảm nghĩ của tôi về anh, về thơ anh, chứ không hề cố gắng viết một bài bình luận hay xiển dương, vì tôi biết anh không cần những điều ấy.
 
Nếu tập thơ này bằng cách nào đó đến tay bạn, và bạn giở ra đọc, tôi tin bạn cũng cảm nhận như tôi, và sung sướng đón lấy từ nó những nét đẹp thâm trầm và thứ bóng mát yên ả, hiếm hoi trong thế giới náo động này.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 15.12.2004
 
 
 

_________________________

[+]Max Brod là một người bạn thân của Franz Kafka. Thuở Kafka còn sống, Brod đã luôn luôn thúc giục Kafka xuất bản, và vì thế Kafka đã cho in vài cuốn sách. Trước khi chết, Kafka căn dặn Brod đốt hết tất cả tác phẩm ông đã viết, nhưng Brod đã không thể tuân lời bạn, và đã cho xuất bản hàng loạt tác phẩm của Kafka. Nhờ đó, Kafka đã đến với văn chương thế kỷ 20 như một trong những tên tuổi vĩ đại nhất.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021