thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chân dung nhà thơ thời nay

Lời giới thiệu của người sưu tập:

Những bài thơ trong đó tác giả tự giới thiệu về mình hay giới làm thơ nói chung có thể giúp chúng ta hiểu rõ quan điểm sáng tác của nhà thơ ấy. Hơn nữa, chúng cũng có thể giúp chúng ta hình dung quan điểm sáng tác của từng thời kỳ. Ví dụ, thời 1930-1945, khi tự vẽ lên diện mạo của mình, các nhà thơ đều đề cao khía cạnh đa cảm, nhạy cảm, giàu tưởng tượng và hay mơ mộng của mình. Kiểu như Xuân Diệu: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây." Hay kiểu như Hồ Dzếnh: “Có những người thơ rất đỗi thơ / Óc thường đi vắng, mắt theo mơ." Thời 1954-1975, ở miền Nam, ngược lại, các nhà thơ thường đăm đăm suy nghĩ chuyện đời, chuyện nước, chuyện số phận của con người. Đại khái như Tô Thuỳ Yên: "Tôi là Tô Thuỳ Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai / Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô."

Gần đây, qua thơ ở trong nước và ngoài nước, đặc biệt ở ngoài nước, chúng ta thấy là hình ảnh mà nhà thơ tự vẽ cho mình khác hẳn. Không đa tình như thời tiền chiến. Không khắc khổ trầm tư như thời 54-75 ở miền Nam. Cũng không hung hãn, đầy tinh thần ‘chiến đấu’ như thời 54-75 ở miền Bắc. Họ có cái gì như nghịch ngợm, như đùa cợt, như không tin tưởng hẳn vào điều gì. Họ khác hẳn thế hệ cha, anh của họ.

Nhiều độc giả sẽ không thích các nhà thơ hiện nay ở những cái chỗ khác ấy. Tuy nhiên, điều đó liệu có chính đáng chăng? Đáng lẽ chúng ta phải nghĩ ngược lại: các nhà thơ hiện nay, ở những năm cuối cùng của thế kỷ 20 này, sẽ đáng chán biết bao nhiêu nếu họ giống với cha, anh của họ, những người sống ở đầu thế kỷ. Cái tóc, cái quần, cái áo... đã khác; cách sống, cách suy nghĩ và cách cảm xúc... ít nhiều cũng khác. Tại sao hình ảnh nhà thơ lại không được quyền đổi khác nhỉ?

Biết đâu đấy!

Hoà Khánh

Ngu Yên: Tự thuật

Từ nhỏ tôi khoái chiêm bao, lớn lên ghiền mộng tuổi nào cũng mơ. Mộng mơ phát tiết thành thơ, rồi thơ tinh quái phỉnh phờ cả tôi.

Từ thơ quấn quít lôi thôi, tình trôi vào ý, ý trôi vào lời, lời trôi nhâng nháo vào đời, đời trôi uất kết hoá người Ngu Yên.

Chẳng ai yêu quí muộn phiền, chẳng qua cuộc sống dính liền khổ đau, mượn lộng ngôn hí lộng trào, thật ra trào lộng khác nào bi thương. Khi bình thường là nhiễu nhương, Ngu Yên vớ vẩn bên đường yên ngu. Thứ gì chẳng phải phù du, làm thơ để thở mịt mù thế thôi.

(Tựa đề ở bên trong, California, 1987)

Nguyễn Đăng Thường: Thi sĩ

Thi sĩ trong hang
Thi sĩ nhảy ra
Thi sĩ ngồi đó
Thi sĩ ngó trời
Thi sĩ nhìn đất
Thi sĩ ột ệt
Thi sĩ thở dài
Thi sĩ nhảy đi

(Hợp Lưu, California, 1994)

Đỗ Kh.: Chân dung nhà thơ trẻ

Tôi mười bảy tuổi từ hai mươi năm nay
Riết cũng chán giờ tôi mười tám
Cao một thước bảy mươi hai rưỡi nặng sáu mươi sáu kí
Chân nhiều lông (đàn ông) nhưng không nở ngực
(Rồi cũng đến phải tậïp thể dục)
Đã từng / Đã từng / Đã từng
Cái gì chưa từng thì rồi sẽ...
(Chắc thế)
Tôi cũng lúc này cũng lúc kia
Nói mười câu không ra một nghĩa

(Tạp chí Thơ, California, 1994)

Chân Phương:Tự hoạ

thiên thần về già
hoá làm người
cặp cánh teo xếp dưới sơ mi
không còn thấy cộm
phép lạ lần lượt rơi đâu hết
tấm thẻ dán ảnh lý lịch vàng ố cong queo
địa chỉ thương giới nhạt mờ
lâu ngày chẳng buồn nhớ
cầm tờ báo đọc gần đọc xa
con mắt đều nhòa
trong túi lẻ loi bao thuốc xẹp
thiên thần về già
chiều chiều ra quán
nhìn lá nhìn cây
ngắm khách bộ hành
quay lưng với mặt trời hè chói chang
uống cạn ly nước giải khát
rồi vào phòng tiểu công cộng
kiên nhẫn đứng xếp hàng

(Tạp chí Thơ, 1997)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021