thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vấn đề ranh giới giữa các thể loại văn học

 

Bài viết “Trao đổi cùng Hà Thanh Thuỷ xung quanh bài viết của Lữ” của Trà Đoá có một vài điều cần trao đổi thêm, nhưng tôi thấy đáng lưu tâm nhất là vấn đề ranh giới giữa các thể loại, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến cách cảm thụ và đánh giá văn học của chúng ta. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ thử bàn về vấn đề này.

 

Thật ra không khó để tìm thấy những trường hợp tương tự như bài thơ [kiêm] phê bình văn học “An essay on Criticism” của Alexander Pope. Hiện tượng trình bày các quan điểm văn học dưới hình thức thơ rất phổ biến và có lịch sử lâu đời trên thế giới.

Theo nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử phê bình văn học Tây phương, truyền thống dùng thơ để viết phê bình mang tính chất lý thuyết đã bắt đầu từ thời cổ đại Hy La với tác phẩm đầu tiên là Ars Poetica (Nghệ Thuật Thơ) của Horace (thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên). Những tác giả sau đó đã bắt chước cách viết này của Horace có thể kể đến: Geoffrey de Vinsauf ở thời kỳ Trung cổ, Pierre de Ronsard ở thời kỳ Phục hưng, Nicolas Boileau-Despréaux và Alexander Pope ở thời kỳ Tân cổ điển, Lord Byron ở thời kỳ lãng mạn và một trong những nhà thơ ở thế kỷ 20 là Wallace Stevens.[1] Riêng vào thế kỷ 17, 18 thì hình thức dùng thơ để bình thơ hay để trình bày những nhận định, ý tưởng về văn chương nói chung lại càng phát triển mạnh mẽ. Người ta có thể kể đến những bài thơ như: “Ode on the Poetical Character” của William Collins, “A Sessions of the Poets” của Sir John Suckling, “Lines to Shakespeare” của Ben Jonson, “Elegy on the death of Dr. Donne” của Thomas Carew, “Mac Flecknoe” của John Dryden, “An Account of the Greatest English Poets” của Joseph Addison, “A Poet! He Hath Put his Heart to School” của William Wordsworth, “Lines on the Mermaid Tavern” của John Keats, “The Progress of Poesy: A Pindaric Ode” của Thomas Gray, “Alastor; or, The Spirit of Solitude” của Percy Bysshe Shelley, v.v và v.v.

Ở trên, chúng ta chỉ nhắc đến những tác phẩm nổi tiếng nhất. Trên thực tế số lượng bài thơ được viết để trình bày một quan điểm về thơ hay văn học nói chung rất nhiều, không thể liệt kê hết được. Dường như hầu hết các nhà thơ lớn đều có một đôi lần làm việc này. Một trong những nhà thơ tôi thích và thỉnh thoảng dịch sang tiếng Việt là Charles Bukowski cũng có mấy bài như vậy (“So you want to be a writer”, “Writing”, “What A Writer”, “Poetry”...).

Trong thế kỷ 20, đặc biệt từ giữa thế kỷ 20, không phải chỉ có các nhà thơ mà các tiểu thuyết gia cũng tham gia vào việc phát biểu quan điểm của mình thông qua sáng tác. Với sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại, bằng một trong những hình thức của biện pháp siêu hư cấu (metafiction), giới tiểu thuyết gia tiếp tục truyền thống đã có từ lâu là dùng sáng tác để phát biểu các quan điểm về văn học nghệ thuật và về mỹ học của mình. Có thể kể ra vài tác phẩm tiêu biểu như The Book of Laughter and Forgetting của Milan Kundera, An Examination of the Work of Herbert Quain của Jorge Luis Borges, The Watcher của Italo Calvino, v.v.

Trong chương “The Sexual Revolution” của cuốn Palm Sunday, Kurt Vonnegut còn đem các tác phẩm khác của mình ra và... tự cho điểm A, B, C, D. Trong tuyển tập truyện ngắn Bagombo Snuff Box: Uncollected Short Fiction, Vonnegut liệt kê tám nguyên tắc để viết một truyện ngắn, tôi thấy khá thú vị nên xin được dịch lại như sau:

1. Ngốn thời gian của một kẻ hoàn toàn xa lạ bằng cách nào đó để ông hoặc bà ấy không cảm thấy phí phạm thời giờ
 
2. Cho độc giả ít nhất một nhân vật để ông hoặc bà ấy có thể ủng hộ.
 
3. Mỗi một nhân vật nên thiếu thốn một cái gì đó, dù cho đó chỉ là một ly nước.
 
4. Mỗi câu văn phải làm được một trong hai điều: tiết lộ nhân vật hoặc thúc đẩy diễn tiến câu chuyện.
 
5. Mở đầu càng gần phần kết thúc càng tốt.
 
6. Hãy là một kẻ bạo dâm. Bất kể là những nhân vật chính của bạn có dễ thương ngây thơ đến mức nào, cứ để những điều ghê tởm xảy ra với họ, khi đó độc giả sẽ thấy là họ được tạo thành bằng thứ gì.
 
7. Viết để làm vui lòng chỉ một người thôi. Nếu bạn mở cửa sổ ra và làm tình với cả thế gian, nếu có thể nói như vậy, câu chuyện của bạn sẽ bị viêm phổi.
 
8. Cung cấp cho độc giả của bạn càng nhiều thông tin càng tốt. Chả cần bắt họ phải hồi hộp theo dõi. Độc giả hẳn là dư sức hiểu thấu đáo chuyện gì đang xảy ra, ở đâu và tại sao, nên họ có thể tự mình kết thúc câu chuyện, lỡ như gián có gặm hết những trang sách cuối cùng.[2]

Đó là chuyện ở phương Tây.

Ở Trung Hoa, các nhà thơ cũng thường dùng thơ để nói lên quan điểm văn học hay thẩm mỹ của mình rải rác trong suốt lịch sử mấy ngàn năm của họ. Tuy nhiên, được nhắc nhở nhiều nhất là cuốn Văn Phú của nhà thơ kiêm nhà phê bình Lục Cơ vào thế kỷ thứ 3. Giới học giả Trung Hoa ngày xưa thường cho rằng chỉ có cuốn sách lý luận văn học Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp (thế kỷ thứ 6) thì mới đáng sánh với cuốn Văn Phú. Tác phẩm này cũng thường được so sánh với Ars Poetica của Horace và “An essay on criticism” của Alexander Pope. Văn Phú là tập sách gồm những bài tiểu luận phê bình được viết dưới hình thức thơ và văn vần.[3]

Riêng ở Việt Nam, truyền thống dùng văn vần để chuyên chở các quan điểm lý luận văn học đã có từ lâu, ít nhất từ thời Nguyễn Trãi, nhà thơ lớn đầu tiên viết bằng chữ Nôm của Việt Nam. Mặc dù chưa có ai dùng thơ hay văn vần để viết hẳn một tác phẩm phê bình thuần tính lý thuyết, nhiều người đã trình bày quan điểm về văn học dưới hình thức những bài thơ lẻ, trong đó có nhiều bài nổi tiếng như những châm ngôn dành cho giới cầm bút, chẳng hạn:

Văn chương chép lấy đòi câu thánh
Sự nghiệp tua gìn giữ đạo trung
(Nguyễn Trãi)
 
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
(Nguyễn Đình Chiểu)
 

Người ta hay nhắc đến bài “Cảm Xúc” của Xuân Diệu, trong đó những câu như “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” được xem như là tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn. Sau này Sóng Hồng (tức Trường Chinh) lại cũng dùng thơ để phê phán chủ nghĩa lãng mạn, nhắm vào mục đích đấu tranh chính trị: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ / Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Hồ Chí Minh cũng dùng thơ để giáo huấn giới cầm bút ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa: “Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, người dùng thơ để nói về thơ nhiều nhất phải kể đến Chế Lan Viên. Rải rác trong nhiều năm, Chế Lan Viên có hàng chục bài “Nghĩ về nghề” hay “nghĩ về thơ” bằng thơ. Những bài ấy được in trong nhiều tập khác nhau. Sau khi ông qua đời, người ta mới phát hiện rất nhiều bài thuộc loại này còn dưới dạng bản thảo. Riêng trong cuốn Di cảo thơ Chế Lan Viên tập 3 do nxb Thuận Hoá in năm 1996 đã có trên 100 bài!

Đó là nói về thơ.

Trong truyện và tuỳ bút, thời tiền chiến (1930-1945) Thạch Lam đã trình bày những quan niệm về văn học của ông trong cuốn Theo Giòng (1941), vốn là một tập tuỳ bút với một giọng văn thật nhẹ nhàng. Nam Cao trong “Đời thừa”, “Những truyện không muốn viết”, “Trăng sáng”... cũng có những câu, những đoạn suy nghĩ về việc viết lách. Gần đây có Phạm Thị Hoài, trong cuốn Thiên sứ (chương “Đám tang”) cũng như trong cuốn Marie Sến (chương 9: “Văn chương. Những sung sướng và đau khổ của một tiểu thuyết gia”), cũng bàn rất kỹ và rất sâu về văn chương cũng như quá trình sáng tạo nói chung.

Gần đây nhất là truyện ngắn siêu hư cấu “(Một truyện giả tưởng cho tác giả của chính nó)” của Hoàng Ngọc-Tuấn. Trong đó có những đoạn văn giữ vai trò phân tích và phê bình những đoạn văn khác cũng ở trong cùng một truyện.

Như vậy hiện tượng sử dụng văn xuôi có tính chất hư cấu và thơ để trình bày quan điểm nghệ thuật phổ biến từ Đông sang Tây, từ thời cổ đại đến thời hậu hiện đại. Trường hợp của bài thơ “An essay on criticism” không hề là ngoại lệ. Hơn nữa, kể từ thời hậu hiện đại thì ranh giới giữa các thể loại văn học càng lúc càng mờ nhạt. Umberto Eco thường kết hợp các thể loại khác nhau trong các tác phẩm của ông (The Name of the Rose, Foucault's Pendulum...) như khoa học viễn tưởng, trinh thám, với Trung cổ học, lý thuyết văn học (cụ thể là semiotics hay lý thuyết về ký hiệu học). Cuốn The Book of Laughter and Forgetting của Milan Kundera gồm một phần là truyện thần tiên, phê bình văn học, luận văn chính trị, nghiên cứu nhạc học và một phần là tự truyện (theo John Leonard, New York Times).[4]

Theo tôi, chúng ta cần chú ý đến tính chất giao thoa giữa các thể loại văn học để tránh cứng nhắc trong việc cảm nhận và đánh giá các hiện tượng văn học. Riêng với người viết văn và làm thơ, đó là một yếu tố có thể được tận dụng trong quá trình tìm tòi và sáng tạo để thoát ra khỏi những lối mòn trong quá khứ. Đó cũng là một cách để giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận được với văn học hậu hiện đại.

 

21.09.2009

 

_________________________

Chú thích:

[1]M. A. R. Habib (2005), A History of Literary Criticism: From Plato to the Present, Wiley-Blackwell, phần 3: “Greek and Latin Criticism During the Roman Empire”.

[2]Kurt Vonnegut (2000), Bagombo Snuff Box: Uncollected Short Fiction, London: Vintage, tr. 9-10.

[3]Xem Lu Ji, The Art of Writing: Teachings of the Chinese Masters, bản dịch của Tony Barnstone và Chou Ping, trích đăng trên website Red Room.

[4]Xem Geoffrey H. Hartman, “How Creative Should Literary Criticism Be?”, đăng trên tờ New York Times.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021