thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một tư thế chào chính mình

 

(Tiểu luận thơ)

 

Tôi không phải là kẻ muốn sở hữu và để lại con đường suy tư đã trưởng thành. Tôi không cầu nguyện, suy tư tôi là Đức Chúa Thanh Niên, nhưng suy tư tôi không là thầy tu, không bao giờ là một chiến binh tuân lệnh và chiến đấu cho một lý tưởng nào đó.

Tôi tự do. Tôi không phải là một ai nhưng là một người có tên được những người đồng cảm với tôi biết. Tôi tên: Suy Tư Sài Gòn. Một nhân vật của thi sĩ Phan Bá Thọ. Một thực thể trên trang giấy có một mối tình và những quan hệ nhất định:

Tôi tha em đến tận phi châu
em tôi:
một chữ v chổng ngược

Nhưng Phi châu của Sài Gòn ở đâu? Nếu có thể thì bạn nên đi bộ ngược chiều đường Đồng Khởi, đến góc tay trái, ngã tư Đồng Khởi - Nguyễn Du. Những mái vòm theo kiểu Bắc Phi đang treo ở đó. Thật ra trông nó giống cái mũ cối tệ hại đội trên đầu con dốc cao nhất Sài Gòn.

Trước mặt là tượng Nữ Vương Hoà Bình, tôi không nhớ có lần nào bà quay mặt nhìn xuống góc đường, nơi thỉnh thoảng đượcThượng Đế nhét tiền vào túi và chúng tôi đưa nhau đến uống cà phê ở mé hiên Metropolitan.[*] Đó là Phi châu Sài Gòn! Rõ ràng, nhưng không hẳn.

Tôi muốn nói đúng ra nơi đây không phải là chỗ những ngươi biết suy tư tìm đến, đô thị không có mé hiên không là đô thị, nhưng mé hiên không phải là đô thị vì nó bị những khẩu hiệu tuyên truyền và quảng cáo chiếm mất, thời đại người cộng sản làm chủ nên ở đây là vùng ô nhiễm màu và chữ.

Ở đây không gia đình, không quán trọ, không phải là chỗ trú ngụ của con người trong mối tương giao được cấu tạo bởi các ý nghĩa gia đình, xã hội hay xa hơn là những suy tư không chấp nhận bị những kẻ độc tài chỉ định cách nghĩ, không bị bọn ngu phá bĩnh bởi câu hỏi. “Nghĩ như vậy liệu có đúng đường lối?”, không bị bọn háo danh ba rọi khoe râu và khoe cặc (có một thứ râu và cặc thi ca tồn tại để quấy rối tình dục những người đàn bà chưa bao giờ có khả năng cảm biết một cụm từ mang thời tiết mùa khô hay mùa mưa.) Nơi đó đơn giản là

tôi đã tha em đến tận phi châu
một chữ v chổng ngược...

Nếu suy tư là sự ra đi, tôi là chuyến hành trình dài của thi sĩ Phan Bá Thọ. Tôi là một sự ra đi, không phải tìm một chỗ trú với chủ đích, nhất là thứ ngôn ngữ thúi hoắc đang thoa dầu thơm trí thức: Tôi là một người chỉ sướng khi sum họp trong cộng đồng ngôn ngữ thích phát ngôn là nói, ưng nói tục để chỉ ra chính xác tình trạng của tôi. Tôi chán đến phát ói thứ ngôn ngữ thơ nghe giống như tiếng của bàn tay bẩn đang cào vào háng của chính kẻ viết ra.

Và em, một chữ v chổng ngược thì làm gì có chỗ sum họp ăn, nghỉ trong bầy đàn ngôn ngữ thú có mặt quần và đeo kiếng cận, hoặc ngôn ngữ giả thú nhưng mỗi sáng lại tỉa râu trước gương và tập chửi để làm dáng ưu tư .

Tôi ở ngay trong bản chữ cái chưa ráp thành vần trong tiếng Việt nên đừng đòi hỏi tôi phải tương tác để họp thành bất kỳ ý nghĩa tình cảm gì, nếu ba cái thứ lẩm cẩm đó không thuộc về tôi, không phục vụ quyền cá nhân tôi.

Dù tôi gọi là “buổi sáng”, nhưng không nhất thiết đó là buổi sáng hay buổi chiều. Bắt đầu từ sự im lặng. Trên chuyến xe buýt khởi hành từ ngoại thành đi về hướng tôi phải “tha em” đi. Đáng lẽ chúng tôi phải xuống ở một trạm nào đó để đi vào một ngày làm việc hoặc nghỉ ngơi như mọi người Sài Gòn. Nhưng chỗ tôi xuống xe là đêm tối, một không gian “Phi châu”.

tôi đã tha em đến tận phi châu
một chữ v chổng ngược
mồ hôi nhỏ xuống từ đó như máu
những buổi sáng metropolitan
nhiều mây và nắng ấm...

Chúng tôi không trách mình khờ dại chọn một nơi để tới như thế, tôi không nuối tiếc khi bỏ lại thứ thơ núm vú lục bát, và thứ thơ tự do luôn xấu hơn cái mông đít của mấy em gái đứng đường. Tôi và em chỉ thoáng chút ngại ngần trước bụi đèn màu rơi trên vũng nhớt cặn, chỗ ăn ngủ hôi mùi đô thị đến nghẹt mũi, nhưng chúng tôi không hoài nghi.

những buổi sáng metropolitan
nhiều mây và nắng ấm...

Nhưng tôi tha em tới đây làm gì? Sài Gòn không đi như chúng ta. Bản chữ cái của đô thị này vẫn mãi si mê chính trị, luân lý, tôn giáo, âm nhạc, thi ca nhầy nhụa... Đằng nào thì cũng không có thơ như một thứ đá chọi xuống mặt hồ trơ trẽn hoặc chọi vô mặt bọn làm dáng “thi hào nhõng nhẽo”. Đằng nào thì thơ cũng đã vứt bỏ mối tình với những con đường thi ca có sức nóng tối tăm từ các những ngõ hẻm đang ôm trọn giấc mơ của con người trong cơn đói và sự chết.

Nhưng chẳng lẽ Thơ là thứ đáng giẫm chân! À không, Thơ đáng dán dính trên trán đó! Nhưng đằng nào thì cũng không có chỗ cho thứ thơ mà Rimbaud từng thấu thị: “... Tôi phát minh ra màu sắc những nguyên âm! A đen, E trắng, I đỏ, O xanh, U lục. Tôi điều chỉnh hình thể và vận động của từng phụ âm, và với những nhịp điệu của bản năng, tôi nghĩ mình phát minh một ngôn từ thi ca một ngày nào đó có thể đạt tới mọi ý nghĩa...”

Cho dù trong sự biết đọc của xứ sở này em đang là chữ v lật úp, đánh đổ trong tiếc nuối thứ ngôn ngữ bị ruồng bỏ của mình thì tôi vẫn cứ mang em đi khỏi những thứ đạo đức, triết lý, chính trị, trào lưu văn học như cứt, những thứ xác chết đã thuộc về sở hữu của dòi bọ. Tôi phải chổng ngược!

nhưng chỉ trong cái toa lét bé nhỏ
dơ dáy của xứ sở này...

Dù chưa từng nghe thấy người nào chổng ngược mà có thể sống, tôi vẫn tin

nơi, tôi đã ngàn lần với em
nơi, tôi nhìn thấy em rõ nhất...

Như thế đã hẳn! Khi chúng tôi đưa nhau đi theo cách của chúng tôi, thì chúng tôi đã ở vào hoàn cảnh của con người nguyên vẹn chưa từng bị các chương trình phần mềm nhân danh tính người nhét vào đầu để lập trình cách hành xử thú vật đóng dấu đỏ.

Chúng tôi đã ở vào tình cảnh mắt nhìn về hướng xa kia! Nơi ý nghĩ yên ổn hộ khẩu, nơi không cần được cấp phép tham dự sinh hoạt cộng đồng ngôn ngữ người. Đô thị tối tăm của chúng tôi, đô thị giữa lòng chế độ đã giết chết mọi hy vọng, và đã hẳn từ đô thị khốn nạn này, nhờ nơi đây mà có sự trở mình thức tỉnh để tiếp tục bị đẩy sâu hơn vào ngõ cụt của thơ và tiếp tục sinh ra ngôn ngữ tuyệt vọng!

nơi, tôi phải luôn áp bụng với cái lịch
sử xộc xệch của cả một gia [dân] tộc
một cái gì động đậy dưới rốn...

Đường bắt đầu chảy vào tối. Ở đô thị này chỉ những hàng cây và “một cái gì động đậy dưới rốn” là biết cách đi qua đêm tối. Tên tôi là: Suy Tư Sài Gòn. Tôi đang nghe tình trạng tuyệt vọng của tôi nói lời chúc tụng tôi.

Tôi bỏ rơi thi sĩ Phan Bá Thọ ở đâu đó. Này! Chữ v chổng ngược, em và tôi, không biết ai trong chúng ta là quái thai thuần khiết? Và tôi thét lớn: Chúng ta là quái thai!

Tôi không còn muốn tiếp tục kể câu chuyện: trú ẩn và thơ. Tôi đang quan sát tôi để bắt vào nhịp suy tư tăm tối: “... Tôi làm quen với hoang tưởng giản dị, tôi không ngần ngại trông thấy đền thờ nơi nhà máy, một trường dạy đánh trống do thiên thần dựng nên, những cỗ xe ngựa trên các nẻo đường trời, một phòng khách dưới đáy hồ...”

Một lần nữa em, chữ v của tôi, em lúc nào cũng chổng ngược và chính đó là quái thai thuần khiết sinh ra để ra đi với thơ. Tên mới của tôi hôm nay trùng tên với một con đường có tên: Thắt Cổ. Mọi con đường thật sự của ý thức quyền làm người và thi ca đều có chung một cái tên: Thắt Cổ.

Trên đường phố và những ngõ hẽm rất dài của đô thị này nếu ai đó biết mình còn có quyền sử dụng ngôn ngữ thì hãy đái, đái như một đứa bé đái dầm vô tư ngay lúc đang mơ giấc mơ đẹp, đái để may ra còn có thể thức với Sài Gòn đen.

Hôm nay tôi đứng dạng chân để nhìn tôi nằm úp mặt chồng lên bóng tối đô thị này, đó là tư thế chào chính tôi và ngôn ngữ của tôi trước một ngày quá dài trên xứ sở bị bôi đỏ đến tệ hại.

 

10/2003
Viết lại : 9/2009

 

_________________________

[*]Cà phê mé hiên Metropolitan ở thời điểm này đã dẹp tiệm.

 

Chú thích:
- Những câu in đậm trong bài này là thơ của thi sĩ Phan Bá Thọ; nhan đề bài thơ này là “Nho Nhỏ Không Kham Nổi”.
- Những câu in nghiêng trong bài này là thơ của đại thi hào Pháp Arthur Rimbaud.
 
 
----------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021