thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tham vọng của truyện ngắn

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
vừa dịch vừa nhớ đến Guy de Maupassant, Edgar Allan Poe,
O. Henry, J.L. Borges, Donald Barthelme, Raymond Carver và...
nhiều quá... ôi, vâng, Julio Cortázar...

 

STEVEN MILLHAUSER

(1943~)

 
Steven Millhauser là tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn. Ông đoạt giải Médicis Étranger của Pháp cho tiểu thuyết ngoại quốc hay nhất năm 1975, cuốn Edwin Mullhouse: The Life and Death of an American Writer, 1943-1954, by Jeffrey Cartwright (đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông), và giải Pulitzer 1997 cho tiểu thuyết Martin Dressler: The Tale of an American Dreamer. Ông còn được Lannan Foundation trao tặng Lannan Literary Award for Fiction năm 1994, được American Academy and Institute of Arts and Letters trao tặng Award in Literature năm 1987.
 
Ngoài hai cuốn tiểu thuyết kể trên, ông đã xuất bản hai cuốn nổi tiếng khác là Portrait of a Romantic (1977), và From the Realm of Morpheus (1986). Các tập truyện ngắn của ông gồm có: In the Penny Arcade (1986), The Barnum Museum (1990), Little Kingdoms (1993), The Knife Thrower (1998), Enchanted Night (1999), The King in the Tree (2003) và Dangerous Laughter: Thirteen Stories (2008).
 
Tập truyện ngắn Dangerous Laughter: Thirteen Stories được ban biên tập New York Times Book Review chọn vào danh sách “10 Cuốn Sách hay Nhất năm 2008”. Truyện ngắn “Eisenheim The Illusionist” đã được dựng nhà đạo diễn Neil Burger dựng thành phim The Illusionist vào năm 2006.
 
Ngoài công việc sáng tác văn chương, Steven Millhauser là Giáo Sư Văn Chương Anh tại Skidmore College ở Saratoga Springs, New York.
 
Là một tác giả thành công cả về tiểu thuyết và truyện ngắn, Steven Millhauser cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc từ kinh nghiệm sáng tác của chính ông trong cả hai thể loại này. Điều thú vị nhất là, mặc dầu đã đoạt những giải thưởng lớn cho tiểu thuyết, Steven Millhauser vẫn nhìn thấy truyện ngắn như một thể loại văn chương hoàn hảo hơn và có nội hàm rộng lớn hơn tiểu thuyết.
 
 

 

 

THAM VỌNG CỦA TRUYỆN NGẮN

 

Truyện ngắn — cử chỉ của nó khiêm tốn làm sao! Phong thái của nó dung dị biết mấy! Nó ngồi lặng lẽ ở đó, mắt nhìn xuống, hầu như cố gắng không để bị người ta chú ý đến. Và nếu lỡ vô tình mà bạn để ý đến nó, thì nó nói ngay, với một giọng can đảm nhưng nhỏ nhẹ và tự hạ mình, khiến cho người nghe phải thất vọng: “Tôi không phải là một cuốn tiểu thuyết, ngài biết đấy chứ. Thậm chí không phải là một cuốn tiểu thuyết ngắn. Nếu đó là cái mà ngài đang tìm kiếm, thì ngài không cần tôi đâu.”

Thật hiếm có một thể loại nào mà lại lấn át một thể loại khác đến mức ấy. Và chúng ta hiểu, chúng ta gật gù một cách hiểu biết: ở xứ Mỹ này, kích thước là quyền lực. Tiểu thuyết là cái đại siêu thị Wal-Mart, là anh chàng Incredible Hulk gân bắp to kềnh, là chiếc máy bay phản lực cơ khổng lồ của văn chương. Tiểu thuyết thì ham hố vô độ — nó muốn ngốn luôn cả thế giới. Vậy thì còn sót lại việc gì cho truyện ngắn? Thì nó có thể chăm sóc vườn tược, tập thiền, tưới những cây phong lữ thảo trên thành cửa sổ. Nó có thể đi học một khoá sáng tác tuỳ bút phi hư cấu. Nó có thể làm bất cứ thứ gì nó thích, miễn là nó đừng quên cái vị trí của nó — miễn là nó giữ im lặng và đừng làm vướng chân kẻ khác. “À há!” tiểu thuyết kêu lên. “Ôi, ngài!” Truyện ngắn luôn luôn nép mình xuống, tìm chỗ nấp. Tiểu thuyết mua cả vùng đất rộng, chặt hết cây cối, xây lên những khu cao ốc đồng cư. Truyện ngắn rón rén chạy vụt qua sân cỏ, chui xuống dưới hàng rào.

Tất nhiên có những phẩm tính tốt lành gắn liền với sự nhỏ bé. Ngay cả tiểu thuyết cũng phải công nhận như vậy. Những thứ to lớn thì thường cồng kềng, vụng về, thô tháp; cái nhỏ bé thì thuộc về lĩnh vực của sự tao nhã và duyên dáng. Đó cũng là lĩnh vực của sự hoàn hảo. Bản chất của tiểu thuyết thì nhắm đến sự thấu đáo; nhưng thế giới thì bất khả thấu đáo; do đó, tiểu thuyết, dù có dốc hết sức theo kiểu Faust sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ sứ, vẫn không bao giờ đạt được khát vọng của nó. Truyện ngắn, trái lại, tự thân nó đã mang tính tinh tuyển. Bằng cách loại trừ hầu hết mọi sự, nó có thể làm cho những gì còn lại trở nên hoàn hảo. Và truyện ngắn có thể thậm chí đạt được một sự trọn vẹn mà tiểu thuyết không chạm đến được — sau cái hành động loại trừ triệt để ngay từ bước đầu, truyện ngắn có thể bao gồm tất cả những gì nhỏ bé còn lại. Tiểu thuyết, thảng hoặc nó có sực nhớ đến truyện ngắn, thì cũng tỏ ra vui vẻ rộng lượng. “Tôi ngưỡng mộ cậu đấy chứ,” nó vừa nói vừa đặt bàn tay to tướng thô nhám lên trái tim của nó. “Không đùa đâu. Cậu rất là — cậu rất là —” Rất là đẹp đẽ! Rất là trang nhã! Rất là cao cấp! Và thông minh nữa. Tiểu thuyết khó mà dằn lòng để chẳng nói ra. Nhưng rốt cuộc, tình hình có gì khác đâu nào? Đó chỉ là nói suông thế thôi. Điều mà tiểu thuyết quan tâm là sự to tát, là quyền lực. Tận trong thâm tâm, nó khinh thường truyện ngắn, cái loại tri túc tiện túc nhờ quá ít của cải ấy. Đối với tiểu thuyết, những phẩm tính của truyện ngắn — sự khổ hạnh, sự khắc phục lòng tham, sự chối từ và buông bỏ sở hữu — thì chẳng ích dụng gì cả. Tiểu thuyết muốn chiếm hữu mọi thứ. Nó muốn chiếm hữu lãnh thổ. Nó muốn chiếm hữu thế giới. Sự hoàn hảo là món quà an ủi cho những kẻ chẳng còn gì khác.

Đối với truyện ngắn thì chừng đó là quá nhiều rồi. Với vẻ khiêm tốn ở bề ngoài, vẻ tự hào một cách rụt rè về những phẩm tính nho nhỏ của mình, vẻ lo lắng thấp thoáng trong mối quan hệ với kẻ đối thủ cộc cằn, nó tự hài lòng ngồi lui ra và để cho tiểu thuyết giằng co với thế giới. Và tuy nhiên, và tuy nhiên. Cái dáng khiêm tốn ấy — tôi có nhầm lẫn không, hay quả thật là nó hơi làm dáng quá trớn đấy nhỉ? Những cái liếc-mắt-xa-xăm ấy — phải chăng chúng chứa đựng một chút tinh quái? Có lẽ nào cái truyện ngắn nhỏ bé như vậy mà lại dám có những tham vọng của riêng nó? Nếu có, thì nó sẽ không bao giờ thừa nhận công khai cả, vì cái bản năng sắc sảo cho sự tự vệ, một thói quen gìn giữ bí mật cố hữu sinh ra dưới sự áp bức. Trong một thế giới bị thống trị bởi những cuốn tiểu thuyết kiêu căng khệnh khạng, cái nhỏ bé đã học hỏi được lối ăn ở cẩn trọng. Ta phải dùng bản năng để khám phá cái bí mật của nó. Tôi tưởng tượng truyện ngắn cưu mang một điều ước. Tôi tưởng tượng truyện ngắn nói với tiểu thuyết: “Ngài có thể chiếm hữu mọi thứ — tất cả — còn tôi thì chỉ xin một hạt cát mà thôi.” Tiểu thuyết, với một cái nhún vai bất cẩn, một cái nhún vai vừa khoái trá vừa khinh thường, bố thí ngay cái điều ước ấy.

Nhưng chính hạt cát lại là lối thoát của truyện ngắn. Chính hạt cát lại là sự cứu rỗi của truyện ngắn. Tôi khai triển ý này từ William Blake: “Để trông thấy một thế giới trong một hạt cát.” Hãy suy nghĩ về điều ấy: thế giới trong một hạt cát; nghĩa là, mỗi một phần của thế giới, dù nhỏ bé đến chừng nào, đều chứa đựng toàn thể thế giới. Hay nói một cách khác: nếu bạn tập trung chú ý vào một phần nào đó hết sức nhỏ nhặt của thế giới, bạn sẽ tìm thấy, sâu trong lòng nó, cả một thế giới trọn vẹn. Trong một hạt cát có một bãi biển trải dài chứa đựng chính hạt cát ấy. Trong một hạt cát có cả một đại dương vỗ sóng lên bãi biển, có con thuyền giong buồm trên đại dương, có mặt trời toả nắng lên con thuyền, có những cơn gió liên hành tinh, có một muỗng khuấy trà ở Kansas, có cả cấu trúc của vũ trụ. Và ở đó bạn nắm bắt được cái tham vọng của truyện ngắn, cái tham vọng ghê gớm nằm đằng sau vẻ khiêm tốn giả vờ của nó: nó muốn tạo ra hình hài cho cả thế giới này. Truyện ngắn tin vào sự chuyển hoá. Nó tin vào những quyền năng tàng ẩn. Tiểu thuyết ưa thích những thứ bày ra rõ ràng trước mắt. Nó không có kiên nhẫn với từng hạt cát riêng lẻ, lấp lánh nhưng khó thấy. Tiểu thuyết muốn lùa hết mọi thứ vào trong vòng tay mạnh mẽ của nó — cả những bờ biển, những núi non, những lục địa. Nhưng nó không bao giờ có thể thành công, vì thế giới rộng lớn hơn một cuốn tiểu thuyết, thế giới đổ túa ra ngoài từ mọi điểm. Tiểu thuyết nhảy không ngừng từ chỗ này đến chỗ kia, luôn luôn đói khát, luôn luôn bất mãn, luôn luôn lo sợ phải đến hồi kết thúc — bởi vì khi nó dừng lại, kiệt sức nhưng không bao giờ yên tâm, thì thế giới đã chạy thoát khỏi nó mất rồi.

Truyện ngắn tập trung vào hạt cát của nó, với niềm tin mãnh liệt rằng ở đó — ngay ở đó, trong lòng bàn tay của nó — có cả vũ trụ. Nó tìm hiểu hạt cát ấy như một người tình tìm hiểu gương mặt người yêu của mình. Nó tìm kiếm cái khoảnh khắc khi hạt cát tự khai mở bản lai diện mục. Trong cái khoảnh khắc bội trương bí ẩn ấy, khi đoá hoa đại vũ trụ bừng nở từ hạt giống tiểu vũ trụ, truyện ngắn cảm nhận được quyền năng của nó. Nó trở nên rộng lớn hơn chính nó. Nó trở nên rộng lớn hơn tiểu thuyết. Nó trở nên rộng lớn như cả vũ trụ. Ngay trong đó chứa đựng sự tự mãn của truyện ngắn, sự hung hãn bí mật của nó. Phương pháp của nó là sự khai mở. Vẻ nhỏ bé của nó là phương tiện cho quyền năng của nó. Cái khối kềnh càng của tiểu thuyết chê bai truyện ngắn như một hình ảnh đáng nực cười của sự yếu đuối. Truyện ngắn chẳng cần biện bạch gì cả. Nó khoái trá như kẻ khải thắng trong sự ngắn gọn của nó. Nó còn muốn ngắn gọn hơn nữa. Nó muốn trở thành chỉ một chữ. Giá như nó có thể tìm thấy chữ ấy, giá như nó có thể thốt lên cái âm tiết ấy, toàn thể vũ trụ sẽ bùng vỡ ra từ nó với một tiếng gào. Đó là cái tham vọng ghê gớm của truyện ngắn, đó là cái niềm tin sâu thẳm nhất của nó, đó là sự vĩ đại của sự nhỏ bé của nó.

 

 

----------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh, “The Ambition of the Short Story”, của Steven Millhauser, đăng trên The New York Times (October 5, 2008).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021