thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đôi chút ý nghĩ bất thường về nhà thơ Nga-Mỹ Joseph Brodsky

 

 

ĐÔI CHÚT Ý NGHĨ BẤT THƯỜNG

VỀ NHÀ THƠ NGA-MỸ JOSEPH BRODSKY

 

Tất cả bắt đầu bằng một chữ, một tiếng. Mỗi một chữ, mỗi một tiếng dẫn mình đi rất xa. Tất cả sự bắt đầu khác không thể nào bắt đầu được, nếu không phải là sự bắt đầu của ngôn ngữ. Sự im lặng chỉ có thể bắt đầu sau ngôn ngữ. Trước ngôn ngữ và tiếng nói, sự im lặng không bắt đầu, và có thể vô nghĩa, trước ý nghĩa. Có thể gọi là sự im lặng khác, trước sự im lặng đúng nghĩa.

Brodsky là một tiếng, một cái tên. Như mọi tiếng và mọi cái tên khác. Chỉ khác những cái tên khác là một cái tên bỗng nhiên nổi tiếng khắp thế giới chỉ từ ngày 23 tháng 10 năm 1987, tất cả báo chí và đài phát thanh truyền hình khắp trái đất đã loan tin Joseph Brodsky được giải Nobel về văn chương năm 1987.

Tất cả tin tức cũng đều bắt đầu bằng một tiếng động. Tiếng động của ngôn ngữ thông tin đi rất nhanh và bôi mất sự chậm rãi của ngôn ngữ chính yếu. Sự nhanh chóng của ngôn ngữ thông tin đã làm người ta quên mất sự chậm rãi của ngôn ngữ chính yếu, và chính tinh tuý của ngôn ngữ chính yếu lại là trí nhớ, mẹ đẻ của tất cả thi ca. Trí nhớ cưu mang một thời gian khác. Brodsky chỉ là Joseph Brodsky hiện nay của giải thưởng văn chương Nobel năm 1987, vì một chữ nào đó, một tiếng nào đó ở một thời gian nguyên thuỷ nào đó đã dẫn Brodsky đi rất xa và đi ngược lại tất cả những gì làm tin tức là tin tức, làm ngôn ngữ thông tin là ngôn ngữ thông tin, ngôn ngữ tín hiệu và tính hiệu. Một chữ nào đó, một tiếng nào đó đột hiện từ lòng thời gian nguyên thuỷ đã xô đẩy Joseph Brodsky đi ra ngoài bản thân để đánh giặc liên tục với mọi hình thức của ngôn ngữ thông tin, ngôn ngữ tuyên truyền, ngôn ngữ thường nhật và ngôn ngữ như một dụng cụ truyền thông.

Ngôn ngữ của thi ca chính là ngôn ngữ. Chỉ có thế. Không ngoài gì khác. Không là ngôn ngữ như là diễn đạt, như là khí cụ và công cụ, như là phương tiện hay ngay cả như là cứu cánh. Ngôn ngữ của thi ca chính là ngôn ngữ như là ngôn ngữ: tiếng nói nói tiếng nói của chính tiếng nói. Một sự im lặng run rẩy. Một tiếng nói xé rách sự im lặng và làm cho sự im lặng xuất hiện bất ngờ trong sự đồng loã nghịch hướng của âm thanh. Sau ngôn ngữ và trước ngôn ngữ, sau im lặng và trước im lặng, vẫn chỉ là ngôn ngữ nói chuyện với ngôn ngữ. Trước và sau trong không gian và thời gian, và ngay cả không gian và thời gian chỉ là những thể điệu của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ đã xô đẩy Joseph Brodsky đi ra ngoài bản thân và đi rất xa. Joseph Brodsky đã đi xa đến đâu và chuyến đi xa của Brodsky đã tác động thế nào đến bước chân của chúng ta trên trái đất hoang vu này, từng bước và từng bước một, chúng ta hãy cùng lùi bước trở lại bản thân của Brodsky để rồi từ đó nhớ lại những nhịp điệu cần thiết trên con đường trở về lưu trú trong ngôn ngữ quê hương qua những năm dài xa vắng quê hương, để rồi chúng ta cũng sẽ bước ra ngoài bản thân của chúng ta để được đồng thanh tương ứng với sự im lặng còn run rẩy của tiếng nói quê hương. Brodsky trả chúng ta trở về lại chính chúng ta, trở về lại chính ngôn ngữ Việt Nam, vì Brodsky là một nhà thơ đúng nghĩa.

Nhà thơ đúng nghĩa là người đã đi vào được sự đồng thanh tương ứng với ngôn ngữ chính yếu, ngôn ngữ như là ngôn ngữ, tiếng nói như là tiếng nói. Tất cả bắt đầu bằng một chữ, một tiếng. Mỗi một chữ, mỗi một tiếng dẫn mình đi tới những chữ, những tiếng khác, trăm nghìn chữ, trăm nghìn tiếng khác, vô hạn chữ, vô hạn tiếng. Tiếng nói đi từ một tiếng và thoát ra ngoài tất cả tiếng và nói. Con người chỉ là con người khi con người nói. Hiện nay con người khắp nơi vẫn chưa biết nói. Con người chỉ biết nói chuyện. Nói chuyện không phải là nói. Chỉ có thi ca mới nói. Chỉ nói thôi và không ngoài gì khác, vì nói về một cái gì đó không phải là nói.

Thơ là nói, chứ không nói về. Thơ là nói sự im lặng, chứ không nói về sự im lặng, và sự im lặng là sự im lặng của sự im lặng, chứ không là sự im lặng của cái gì khác ngoài sự im lặng. Nói im lặng và im lặng nói là hai nhịp đồng nhịp của thơ, hai nhịp thở bất nhị của thơ.

Bản thân của Brodsky là một con người suốt đời chỉ thở với thơ. Derek Walcott, một thiên tài thi ca cũng có giải Nobel về văn chương, mà chính Brodsky rất ngưỡng mộ, đã nói về Brodsky trong tạp chí The Paris Review số 101 năm 1986 (trang 228): “Brodsky là một nhà thơ trọn vẹn, người sống tất cả cho thơ...” (“... who is a complete poet... you feel in Joseph that that is all he lives for...”)

Trước khi để cho thơ nói, trước khi để cho nhà thơ nói, chúng ta hãy nói về thơ, nói về nhà thơ. Bước đầu tiên cần thiết để nói về cái gì cho ra cái gì là biết lắng nghe. Cái nghe đi trước cái nói. Chúng ta hãy nghe những người bạn thơ của Brodsky nói về con người Brodsky, về thơ Brodsky; sau đó, chúng ta sẽ nghe chính Brodsky nói về bản thân, cuộc đời, thơ và những nhà thơ. Con đường sẽ dẫn chúng ta đi rất xa và chỉ ước mong đến một giây phút bất ngờ nào đó tiếng thơ của chính Brodsky bỗng bật mở ra trọn vẹn.

Từ lâu, trước năm 1987, mỗi lần nói đến thi ca hiện đại của nước Nga, chúng ta thường chỉ quen biết đến hai tên tuổi ồn ào nhất, đó là Yevtushenko và Voznesensky, và ít ai biết đến Brodsky, nhưng sự thực thì thế hệ thanh niên trẻ ưu tú nhất ở Nga hiện nay đã bỏ rơi Yevtushenko và Voznesensky và chỉ tôn sùng Brodsky; và theo lời của thi sĩ Tomas Venclova, hiện là giáo sư văn chương Nga ở trường đại học Yale thì “người kế tục chính thống của truyền thống văn chương vĩ đại không phải là Voznesensky mà chính là Brodsky” (“the legitimate heir of the great tradition is not Voznesensky, but Brodsky”) (“The Poet as Today”, trong The New Republic, Jan. 25, 1988).

Lời nhận xét của Tomas Venclova đáng được chúng ta để ý đặc biệt, vì chính Tomas Venclova cũng là một tên tuổi lớn trong nền thi ca hiện đại và là người đã “ăn nằm” với sự nghiệp thi ca của Brodsky và với toàn thể văn chương Nga và thế giới (bài thơ nhan đề “Lithuanian Divertissement” của Brodsky đã được viết riêng đề tặng Tomas Venclova). Một nhà thơ đúng nghĩa, dù là một nhà thơ “tiền phong” nhất (như T.S. Eliot, Pound, William Carlos Williams, Wallace Stevens và W.H. Auden trong khoảng trên năm chục năm trước) vẫn là kẻ thừa hưởng, kế tục chính thống của truyền thống văn chương chính yếu. Đập phá truyền thống chỉ là một cách nô lệ truyền thống trong một tiết điệu khác; tiêu diệt truyền thống trong ý nghĩa sáng tạo là khai mở lại những khả tính ẩn giấu của truyền thống. Joseph Brodsky đã cưu mang cả truyền thống chính yếu của văn chương Nga và cả truyền thống chính yếu của văn chương thế giới. Sự nghiệp thi ca của Brodsky chẳng những vang vọng lại những âm hưởng huy hoàng của Homer, cha đẻ của thi ca Tây phương, mà còn đồng thanh tương ứng với bước đi “huyền chi hựu huyền” của nền thi ca đạo lý Lão Tử: Trong bài thơ “Letters from the Ming Dynasty” của Brodsky do thi sĩ tên tuổi Derek Walcott dịch lại tiếng Anh, chúng ta thấy Brodsky đã trích dẫn lại một câu của Đạo Đức Kinh: “con đường một ngàn dặm bắt đầu bằng bước chân thứ nhất” (“A thousand-li-long road starts with the first step”...). Chúng ta đều biết câu này nằm trong chương 64 của Đạo Đức Kinh: “thiên lý chi hành, thuỷ ư túc hạ”. Bước chân đầu tiên của chàng con trai 15 tuổi, tên là Brodsky, bước ra khỏi trường và bỏ học luôn, đã dẫn chúng ta đi rất xa, từ thiên lý này đến thiên lý khác trong thi ca, trong văn chương, trong thời gian và trong ngôn ngữ. Bỏ học và bước ra khỏi trường vào lúc 15 tuổi, đối với Brodsky, đó là “động tác tự do đầu tiên của tôi” (Less than one, trang 13). Bước chân của Brodsky đã đi ngược lại tất cả bạn bè và đã đi rất xa. Bước chân ấy đã gợi chúng ta nhớ lại hình ảnh lên đường ngày nào của nhà thơ Blaise Cendrars, thiên tài Thụy Sĩ-Pháp mà Henry Miller rất thán phục chiêm ngưỡng, Cendrars đã trốn học và bỏ học, lang thang trong những nhà ga và nhìn những chuyến tàu lên đường. Trong một bài thơ viết riêng tặng Joseph Brodsky, nhà thơ Derek Walcott đã nói hết tâm hồn bảng lảng hải hồ của Brodsky trong một câu thơ bất ngờ:

He saw the poetry in forlorn stations under clouds vast as Asia...

Những He trong câu thơ trên của Derek Walcott có thể là nhà thơ Do thái Nga Osip Mandelstam và cũng có thể là Brodsky hay bất cứ nhà thơ trọn vẹn nào đúng nghĩa là “nhà thơ trọn vẹn” (“complete poet”, chữ của Derek Walcott dành riêng cho Brodsky).

Joseph Brodsky là ai?

Brodsky chính là một “nhà thơ trọn vẹn”:

Người đã nhìn thấy thi ca trong những nhà ga hoang vắng dưới những tảng mây bao la như Á đông...

Derek Walcott đã nói như thế về người bạn thơ của mình, về Joseph Brodsky:

He saw the poetry in forlorn stations under clouds vast as Asia...

Chỉ một câu thơ của Derek Walcott, vì là thơ, đã nói lên tất cả hồn thơ bảng lảng mênh mông của Joseph Brodsky:

Chàng đã nhìn thấy...
He saw...

Nhân loại vẫn chưa nhìn thấy gì hết. Con người, chỉ đúng nghĩa là con người mỗi khi con người nhìn thấy. Và nhìn thấy luôn luôn vẫn có nghĩa là đã nhìn thấy. Mình chỉ nhìn thấy được, vì mình đã nhìn thấy được. Mỗi lần nhìn thấy là nhìn thấy trọn vẹn. Nhìn thấy đúng nghĩa là nhìn thấy là đã nhìn thấy. Và đã nhìn thấy là nhìn thấy trọn vẹn. Aristotle đã mở ra những viễn tưởng bao la cho cái nhìn thấy, cái đã nhìn thấy và cái đã nhìn thấy trọn vẹn; Aristotle còn “hiện tượng luận” hơn cả cha đẻ ra hiện tượng luận Husserl: từ Platon cho đến Husserl, tất cả triết học Tây phương đã được thu gọn trong hai chữ nhìn thấy của ngôn ngữ Việt Nam (cf. Heidegger, Der Spruch des Anaximander: “Người nhìn thấy là kẻ đã nhìn thấy trọn vẹn những gì đang hiện diện trong sự hiện diện trọn vẹn... Đã nhìn thấy là thể tính của tri thức... Đã nhìn thấy được qui định, không phải bởi con mắt mà bởi ánh sáng khoáng lâm của tính thể... Thể tính của sự nhìn thấy, như là “đã nhìn thấy” chính là biết... Tri thức là tưởng nhớ Tính Thể. Do đó Mnemosýne (Mνημοσύνη) là mẹ đẻ của những nữ thần thi ca...”)

Chàng đã nhìn thấy thi ca...
He saw the poetry...

Đây là một trùng ngữ, vì nhìn thấy đúng nghĩa là nhìn thấy chính là bản tính của thi ca: Thi ca nhìn thấy... Ngôn ngữ của thi ca là mở ra sự nhìn thấy. Những đại thi sĩ thường khi mù mắt, nhưng họ vẫn nhìn thấy, dù hai mắt nhắm kín lại. Thể tính của ngôn ngữ chính là nhìn thấy. Con người chỉ là con người khi con người nói, và dù lúc im lặng, ta vẫn nói. Con người nói, vì con người nhìn thấy; con người nhìn thấy, vì con người nói. Thực ra không có chữ “vì” ở đây, không có lý do, không có “nguyên lý lý trí tự túc” (principe de raison suffisante) ở đây. Trong thế giới thi ca, tất cả đều đồng loạt và đồng thời, đồng đích và đồng nhịp. Con người nhìn thấy, nhìn thấy nói, nói nhìn thấy; thấy nói nhìn thấy tất cả trọn vẹn. Tôi vừa viết một câu đồng loạt và đồng thời, đồng thanh tương ứng với một câu bất ngờ của Brodsky trong quyển Less than one:

A school is a factory is a poem is a prison is academia is boredom, with flashes of panic. (Less than one, trang 17)
 
Một trường học là một xưởng thợ là một bài thơ là một nhà tù là học viện (kinh viện) là nỗi buồn chán với những tia loé hoảng sợ.

Ngôn ngữ của thi ca không phải là ngôn ngữ của ngôn ngữ học, của ngữ âm học, phát âm học, văn phạm học, ký hiệu học, cú pháp học, vân vân. Chúng ta cần nhớ rằng Thơ không phải syntaxis mà là parataxis (đẳng lập): trường học: xưởng thợ: bài thơ: học viện: buồn chán: hoảng sợ...

Joseph Brodsky là ai?

Joseph Brodsky là nhà thơ là nhìn thấy là nói là viết là ở tù là tất cả là trọn vẹn:

Người đã nhìn thấy thi ca trong những nhà ga hoang vắng
dưới những tảng mây bao la như Châu Á...
 
He saw the poetry in forlorn stations
under clouds vast as Asia...

Câu thơ đơn sơ trên của Derek Walcott, không phải ai cũng viết lên được. Trong quyển Less than one (trang 164-175), khi dành trên 10 trang để ca tụng thơ của Derek Walcott, Joseph Brodsky đã viết: “khi mình nghe được một tiếng thơ như vậy thì mình biết rằng thế giới khai mở bí ẩn sáng rực ra” (When you hear such a voice, you know; the world unravels...). Cũng trong bài viết về Derek Walcott, Joseph Brodsky đã xác định “thi ca là thể tính của văn hóa thế giới” (“poetry is the essence of world culture”) (trang 169) và “thi ca luôn luôn bắt đầu từ số không, từ điểm xuất phát, từ bàn tay trắng, bắt đầu từ cái bắt đầu tiên khởi” (“it always starts from scratch”) (trang 171).

Nói một tiếng nói đầu tiên, nhìn thấy một lần, chỉ một lần trọn vẹn đầu tiên, tất cả thể tính thi ca chỉ có thể, nghĩa là thế giới khai mởthể tính văn hóa thế giới là luôn luôn bắt đầu lại từ lúc thời gian thời gian ngôn ngữ im lặng :

Con đường một ngàn dặm thì bắt đầu
bằng bước chân thứ nhất...
 
thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ
(Lão Tử, Đạo Đức Kinh)
 
A thousand-li-long road starts with
the first step...
(Joseph Brodsky, A part of speech, trang 132)

Tiếp theo câu thơ trên, Joseph Brodsky nói tiếp:

Tiếc thay con đường trở về quê hương
Không tuỳ thuộc vào bước chân ấy.
Con đường dài hơn gấp mười lần
thiên lý, nhất là đếm từ những số
không
Một ngàn dặm, hai ngàn dặm
một ngàn dặm có nghĩa là “Mi sẽ
không bao giờ nhìn thấy lại
quê hương mi...”

Nhìn thấy là tính thể của thi ca. Thi ca bắt đầu bằng sự ly hương và ly hương ngay trong lòng đất quê hương. Bản tính của thi ca là trở về quê hương, nhìn thấy lại quê hương. Chỉ có kẻ nào đẩy sự ly hương đến cùng tận thì nỗi nhớ quê hương mới thực sự là bước đầu đúng nghĩa để trở về quê hương. Sự trở về quê hương chỉ được thực hiện trọn vẹn khi tất cả cái nhìn thấy thông thường được đảo ngược lại trọn vẹn để cho nhìn thấy được đúng là nhìn thấy toàn diện. Vì thế ngôn ngữ phải được đúng nghĩa là ngôn ngữ. Chỉ có thi sĩ mới trả ngôn ngữ trở về quê hương trong ngôn ngữ của quê hương, vì ngôn ngữ chính là quê hương. Không có quê hương nào khác ngoài ngôn ngữ...

Quê hương của người Việt Nam chính là ngôn ngữ tiếng nói Việt Nam. Tất cả mọi sự vong quốc đều bắt đầu từ sự vong quốc của chính ngôn ngữ dân tộc.

Joseph Brodsky đã nhìn thấy tất cả những gì có liên hệ trực tiếp đến thân phận lưu vong của dân Việt Nam hiện nay, Nhìn thấy được những gì Joseph Brodsky đã nhìn thấy là bước đầu trên con đường nghìn trùng thiên lý để hồi phục quê hương Việt Nam. Joseph Brodsky đã cưu mang tận cùng thân phận lưu vong hơn bất cứ ai và đã nhìn thấy thể tính của lưu vong trong mọi ý nghĩa. Đọc thơ của Brodsky không phải chỉ là thưởng ngoạn văn chương hay là tiêu khiển trí thức thời trang. Brodsky đã sống trọn vẹn với hồn thơ nhân loại và thế giới thi ca của Brodsky khai mở ra những ý nghĩa bất ngờ có thể giúp nhà thơ Việt Nam nhìn thấy lại những gì có thể nhìn thấy được trên con đường trở lại thể tính của quê hương. Bước đầu của sự trở về ấy không phải bắt đầu từ thiên vạn lý của không gian địa lý mà nằm ngay trong từng tiếng nói của ngôn ngữ Việt Nam. Chỉ có thi sĩ mới nhìn thấy, mới nói lên được tiếng nói đầu tiên của quê hương trong nỗi vong quốc toàn diện của nhân loại hiện nay. Danh từ triết lý Đức “Heimatlosigkeit” (mất quê hương) vẫn còn giấu kín nhiều khả tính bất ngờ cho tư tưởng nhân loại...

Sau khi nhận giải Nobel văn chương tại Thụy Điển, Joseph Brodsky đã nói về thân phận lưu vong tại Vienna ở Áo. Brodsky đã nhớ tưởng đến dân tộc Việt Nam:

Chúng ta hãy hình dung những thuyền nhân Việt Nam đang bập bềnh lênh đênh trên biển cả...
 
... Let us imagine Vietnamese boat people bobbing on high seas...

Tiếng nói đầu tiên của Brodsky về Việt Nam chỉ đơn sơ có thế mà âm hưởng bao la như “dưới những tảng mây bao la như Châu Á...” Tiếng nói ấy phát ra từ một người đã nhìn thấy trọn vẹn, đứng từ đỉnh cao nhất của văn chương nhân loại. Cả sự nghiệp thi ca của Brodsky mở ra những chân trời bất ngờ cho những bước chân lưu vong của thi sĩ Việt Nam. Hölderlin đã từng nhìn thấy rằng thể tính của thi ca là con đường trở về quê hương qua sứ mạng sấm sét thiêng liêng của thi sĩ trong nỗi ly hương toàn diện của nhân loại. Brodsky đang bước đi trên con đường ấy và... Chúng ta, những thi sĩ Việt Nam? Thế thì... Thì sao?

 

 

---------------------
Nguồn: Phần Thứ Ba [III] trong cuốn sách của Phạm Công Thiện, Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử và Một Ngày Vô Hình Với Henry Miller, William Carlos Williams và Joseph Brodsky (Nhà Xuất Bản Viên Thông, Long Beach, California U.S.A, 2000).

 

 

Những tác phẩm của Phạm Công Thiện đã đăng trên Tiền Vệ:

Thơ trong thơ của William Carlos Williams  (tiểu luận / nhận định) 
... Thơ là bắt đầu lại từ những cái đang có, những cái tại chỗ, tính cách cá biệt tại chỗ, cái gì thực sự quê hương là quê hương. Quê hương là cái tổng quát để gọi một cái gì rất “đất đai tại chỗ” mà ngôn ngữ thi ca của William Carlos Williams gọi là “the local” : phải hiểu “the local” ở đây là tinh tuý huyết mạch của dân tộc tính và không có nghĩa thông thường của tự điển là: “cái gì thuộc về địa phương”... (...)
 
Nhớ về Henry Miller  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi bắt đầu đọc Henry Miller vào khoảng 16 hay 17 tuổi gì đó, và bây giờ, trên 40 năm trôi qua trên trái đất hoang liêu, tôi vẫn còn đọc Henry Miller. Nói đọc thì cũng không đúng: lúc đọc Henry Miller, thực ra tôi chỉ mộng mở mắt và mộng nhắm mắt. Thời gian không còn hiện hữu nữa; mười năm hay một trăm năm chỉ là một hơi thở nhẹ qua một đêm tối nguyệt tận... (...)
 
... Chỉ có thi sĩ mới sống trước tận bản thân mình, sống phóng tới đằng trước tất cả những khả tính sắp hiện của vận mệnh dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Không phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị là mới nói được con đường đi của dân tộc. Nhiều khi nói ngược lại hay nói những cái gì khác... (...)
 
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử  (tiểu luận / nhận định) 
Tất cả những gì người ta viết và nói về Hàn Mặc Tử trong vòng sáu chục năm nay đều sai lầm hoàn toàn. Vì sao? Người ta viết và nói đến cái mà Hàn Mặc Tử đã vượt qua trọn vẹn trong mỗi lời và trong mỗi chữ mà Hàn Mặc Tử đã bỏ lại dấu vết trên mặt đất... (...)
 
Trang giấy trắng sống trăm ngàn thế kỷ / Có gì trong tơ sợi nga my / Lời nói ngang dọc đan hình / Vũ trụ nở ngài trong hắc đạo / Mòng tơ se trời cho óc não / Mật gan bắn máu ven rừng / Vành nước đen linh hiện không ngừng / Tôi còn sống mấy giờ chơi nữa... [Mai Anh Vũ sưu tầm & giới thiệu]
 
I-VIII  (truyện / tuỳ bút) 
Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim... (...)
 
“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?” ...
 
Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)
 
Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...
 
Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...
 
Anh sẽ hiện  (thơ) 
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...
 
Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021