thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ trong thơ của William Carlos Williams

 

 

THƠ TRONG THƠ CỦA WILLIAM CARLOS WILLIAMS

 

Định nghĩa đầu tiên về William Carlos Williams có thể là lê thê như thế này: nhà thơ có một nhan đề dài dòng lê thê nhất cho một bài thơ ngắn nhất. Bài thơ của William Carlos Williams chỉ ngắn ngủi trọn vẹn như sau:

Hãy nhìn lá
Trên cỏ thu non
Hãy ngó nhìn cho rõ...!

Nguyên tác nằm ở trang 123 trong quyển Thi Tập gồm có 579 trang (The Collected Poems of Williams Carlos Williams, volume I, 1909-1939):

Lo The leaves
Upon the new autumn grass
Look at them well !

Nhan đề của bài thơ ngắn trên là: “Nên viết chữ khít sát lại trên một mảnh giấy nhỏ, xếp thành hình thoi gọn chặt khít khao, sẽ được nhét vừa vặn vào miếng mề đay nhỏ đeo cổ của bất cứ một cô gái nào”. Nhan đề nguyên tác cũng dài lê thê không kém: “To Be Closely Written On A Small Piece Of Paper Which Folded Into a Tight Lozenge Will Fit Any Girl’s Locket”. Tại sao William Carlos Williams lại đặt nhan đề bài thơ như vậy? Chính cái nhan đề cũng đã là thơ. Hơn thế nữa, đó là thơ trong thơ. Cái mề đay lủng lẳng trên cái cổ thon thon của cô gái nhỏ đã là một bài thơ: chữ viết nhỏ khít lại trên một mảnh giấy nhỏ đã là một bài thơ; mảnh giấy được xếp lại thành hình thoi lại là một bài thơ nữa: mảnh giấy hình thoi được đút vừa vặn vào cái mề đay (médaillon) cũng lại là một bài thơ nữa, trong mảnh giấy lại có một bài thơ (Hãy nhìn lá / trên cỏ thu non / hãy ngó nhìn cho rõ...). Như thế có thể đi đến định nghĩa thứ hai về William Carlos Williams rằng thơ của ông là thơ trong thơ, trong thơ của thơ và thơ của chính thơ về thơ trong thơ của thơ.

Tôi nói gì? Vẫn chưa đủ: chỉ trong nội bài thơ ngắn trên thôi mà William Carlos Williams đã đút nhét trọn vẹn thi phẩm của Walt Whitman vào giữa câu thơ của ông, như nhan đề thi phẩm Leaves of Grass của Walt Whitman và gần 500 trang thơ của Leaves of Grass được viết lại khít nhỏ để nhét vào cái mề đay đeo cổ: mấy chữ Leaves of Grass được nhét gọn vào câu thơ của William Carlos Williams và được thêm mấy chữ “thu mới” (new autumn). Cũng cần nhắc lại rằng nhà thơ nổi tiếng Huê Kỳ Robert Lowell đã nhận xét rất khít khao về William Carlos Williams khi nói đến thi tập Paterson: “Thi phẩm của William Carlos Williams là tác phẩm Leaves of Grass của chúng ta” (“Paterson is our Leaves of Grass”, trong The Hudson Review, XIV). Nói một cách khác, William Carlos Williams là Whitman của thế kỷ XX. Nói như thế vẫn chưa được, vì phải hiểu Whitman và phải hiểu William Carlos Williams, và có hiểu William Carlos Williams thì mới hiểu Whitman và có hiểu Whitman thì mới hiểu William Carlos Williams. Như thế có nghĩa là hiểu trong hiểu, trong hiểu của hiểu và hiểu của chính hiểu về hiểu trong hiểu của hiểu. Tôi không phải chơi chữ và cố gắng viết cho dễ hiểu, vì đây là lãnh vực của Triết Học Tây Phương hiện đại mà Triết Học Đức gọi là: Hermeneutik (chữ Anh dịch là: Hermeneutics: Giải Nghĩa Học, phương pháp giải toả những điều kiện để mở ra khả tính của việc nghiên cứu khảo sát có tính cách tính luận (“conditions of the possibility of any ontological investigation”). Nói một cách cho dễ hiểu hơn nữa, theo điệu Kant: “Những điều kiện để có thể hiểu được kinh nghiệm thi ca cũng đồng thời chính là những điều kiện để có thể hiểu được đối tượng (bài thơ) của kinh nghiệm thi ca.”

Kinh nghiệm Thi Ca là gì? Những điều kiện khả tính! Rồi những điều kiện khả tính là gì? Chúng ta có thể tiếp tục hỏi cho đến vô hạn, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự hỏi, vì thực sự hỏi chính là bắt đầu:

Bắt đầu,
từ những cái cá biệt
và làm chúng thành tổng quát...

Nói theo ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử là chuyển cụ tượng thành trừu tượng.

Nguyên tác trong lời mở đầu thi tập Paterson của William Carlos Williams:

To make a start,
out of particulars
and make them general...

Thơ là bắt đầu lại từ những cái đang có, những cái tại chỗ, tính cách cá biệt tại chỗ, cái gì thực sự quê hương là quê hương. Quê hương là cái tổng quát để gọi một cái gì rất “đất đai tại chỗ” mà ngôn ngữ thi ca của William Carlos Williams gọi là “the local”: phải hiểu “the local” ở đây là tinh tuý huyết mạch của dân tộc tính và không có nghĩa thông thường của tự điển là: “cái gì thuộc về địa phương”. Thành phố Paterson của William Carlos Williams là một cái gì rất địa phương, nhưng qua ngôn ngữ thi ca của William Carlos Williams thì thành phố Paterson trở thành Tất Cả Mọi Sự Thể và Tất Cả Mọi Sự Việc. PATERSON trở thành cha (pater), trở thành con (son), trở thành mặt trời, âm thanh (nguyên ngữ Pháp và Đức), trở thành người khổng lồ, người đàn ông, những giấc mộng di động, tất cả nghệ thuật thi ca đang thành hình và chuyển thể, thay hình đổi dạng thành ra cái chết, đời sống và tâm thức sáng tạo, Thể Tính của Thi Ca. Thi phẩm Paterson là những bài thơ trong một bài thơ nói về thơ trong những bài thơ, giống như bài thơ ngắn với nhan đề: “Nên viết chữ khít sát lại trên một mảnh giấy nhỏ, xếp thành hình thoi gọn chặt khít khao, sẽ được nhét vừa vặn vào miếng mề đay nhỏ đeo cổ của bất cứ cô gái nào.” (Nếu chúng ta chỉ phân tích theo kiểu nhà trường kinh viện thì nội một chữ Lo trong câu Lo the leaves thôi cũng đầy đủ dư vang của chữ Lo trong câu thơ đầu bài “The Conqueror Worm” của Edgar Allan Poe và chữ Lo trong bài “Sonnet 143” của Shakespeare, chưa nói đến tất cả tính cách tương nhập, interrelation, interpenetration, “tương nhập, tương dung, tương nhiếp” giữa ý nghĩa của bài thơ “The Conqueror Worm” của Edgar Allan Poe, bài “Sonnet 143” của Shakespeare và câu thơ “Hãy nhìn lá / trên cỏ thu non” của W.C. Williams).

Bây giờ xin nhắc tới T.S. Eliot, thi sĩ đồng thời với W.C. Williams. Thi hào T.S. Eliot sinh tại nước Mỹ và đã bỏ nước Mỹ mà sống trọn đời ở Anh Quốc và lấy quốc tịch Anh, T.S. Eliot đã ôm trọn tất cả văn hoá thế giới từ Đạo lý Ấn Độ Giáo cho đến Phật Giáo (ảnh hưởng rõ rệt trong thi phẩm The Waste Land) cho đến Dante, Goethe, Pascal, Baudelaire, Saint-John Perse và thần học thiên chúa giáo và triết học Tây Phương. Sự nghiệp thi ca của T.S. Eliot đã ảnh hưởng to tát mãnh liệt nhất đối với nền thi ca Anh Mỹ ở thế kỷ XX. T.S. Eliot đi sâu vào tất cả mê cung chằng chịt của cả nhân loại để nói lên sự mất gốc rễ thảm thiết của con người hiện đại. T.S. Eliot và Ezra Pound đã đẩy chủ nghĩa hư vô của thời hiện đại đến chỗ đường cùng; cả hai đều phản ứng lại chủ nghĩa lãng mạn của thi ca Tây phương từ cuối thế kỷ mười tám; cả hai đều đả phá chống đối chủ nghĩa lãng mạn, nhưng chính chủ nghĩa lãng mạn cũng chỉ là hậu quả của chủ nghĩa hư vô (theo Nietzsche thì chủ nghĩa hư vô xuất phát từ Socrates và Plato). Những nhà thơ hàng đầu của nền thơ ca Mỹ hiện đại là T.S. Eliot, Ezra Pound, Robert Frost, Wallace Stevens và William Carlos Williams; trong năm nhà thơ hàng đầu này, người đã đẩy kinh nghiệm thi ca đến chỗ bất ngờ nhất, tuyệt vời nhất, trọn vẹn nhất chính là William Carlos Williams. Tất cả sự nghiệp thi ca của William Carlos Williams là đương đầu đối kháng lại T.S. Eliot, Pound và Wallace Stevens (còn đối với Robert Frost thì con đường dân tộc tính có điều chính yếu khác hẳn với lộ trình của W.C. Williams; Robert Frost chỉ dùng địa phương Mỹ New England hay New Hampshire như là “bối cảnh” để thể hiện ý tưởng và suy tưởng như Reginald Cook đã nhận xét rất đúng trong quyển Robert Frost - A Living Voice, trang 24: “New England serves as the background setting the foreground is the poet’s ideas and reflections.” Nhưng Reginald Cook đã sai lầm khi đồng hoá ý nghĩa “the local” (trường sở bản địa, tại chỗ đương xứ tiện thị) của ngôn ngữ William Carlos Williams và ý nghĩa chữ “local” (phương sở như là bối cảnh cho tư tưởng, ý tưởng, ý niệm siêu hình). Sự khác nhau giữa W.C. Williams và R. Frost đã hiện lên rõ rệt trong “phương trình thi ca” của W.C. Williams: “no ideas but in things” (không phải những ý tưởng mà ở trong lòng những sự vật). Tóm lại, ý nghĩa “local” của Williams nằm ở chỗ nhấn mạnh vào “things” (nhất là “trong”, “in things”) còn R. Frost thì ý nghĩa “local” được nhấn mạnh ở ý tưởng (“no things but in ideas”). Nhưng “things” của W.C. Williams không chỉ có ý nghĩa tầm thường “những sự vật, những sự việc” mà “things” ở đây phải được hiểu là “những sự vật, những sự việc của Thi Ca, của Thơ thuần tuý, Thơ thực sự đúng nghĩa là Thơ.

Sự khác nhau căn bản giữa Robert Frost và William Carlos Williams cũng là chỗ đứng khác nhau của hai nhà thơ Mỹ đối với hai quan niệm khác nhau về dân tộc tính, về nghệ thuật, về ngôn ngữ, về bản tính của thi ca. Mặc dù Frost cũng sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của Huê Kỳ và bối cảnh địa lý đặc biệt của Huê Kỳ, nhưng nghệ thuật thi ca của Frost vẫn còn kẹt vào truyền thống thi ca Âu Châu; trái lại với T.S. Eliot, Ezra Pound, Wallace Stevens và Robert Frost, những đứa con Mỹ Châu lệ thuộc vào truyền thống văn hoá Âu Châu (nơi phát xuất ra chủ nghĩa hư vô thế giới), William Carlos Williams đã đi sâu trọn vẹn vào thể tính của truyền thống Âu Châu và đã vượt qua truyền thống ấy để trở về quê hương (chẳng những trong nghĩa đen mà cả nghĩa trắng, trong tất cả mọi ý nghĩa). Một câu nói của William Carlos Williams vào năm 1939 đáng được chúng ta lưu ý:

“Đối với tôi, Mỹ Châu có nghĩa là bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu và chỉ xảy ra có ý nghĩa bắt chợt rằng đó là Mỹ Châu cho chính tôi vì lý do đơn giản rằng đó là ... Mỹ Châu” (Ameria to me means any place, anywhere and just Happens to mean Ameria to me for the simple reason that it is ... America.)

Câu trên chỉ có nghĩa dễ hiểu rằng tất cả mọi sự đều là Thơ và Mộng, đều là một Tân Thế Giới, một lục địa chờ đợi mình khám phá và khai phá mỗi ngày, vì mỗi một nhà thơ là một Columbus đang khai mở ra cả một thế giới sáng tạo mới lạ mênh mông...

Từ lâu, chúng ta thường khi lầm lẫn ngay từ căn rễ mỗi lần chúng ta thảo luận về Dân Tộc Tính:

• Chúng ta thường đồng hoá lầm lẫn chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc với dân tộc tính;

• Còn Cộng Sản Hà Nội thì lầm lẫn đồng hoá chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa Cộng Sản Tây phương với dân tộc tính.

• Chúng ta thường đồng hoá lầm lẫn nhân chủng học, dân tộc học với dân tộc tính;

• Chúng ta thường lầm lẫn đồng hoá khoa học lịch sử Việt Nam với Sử tínhSử linh Tư Tưởng đích thực của Việt Nam;

• Chúng ta thường đồng hoá lầm lẫn phong tục, tập quán, tục ngữ, ca dao, thần thoại dân tộc với dân tộc tính (vì tất cả phong tục, tập quán, tục ngữ, ca dao, thần thoại dân tộc đều là hậu quả tất yếu của dân tộc tính mà dân tộc tính lại lệ thuộc vào thần thoại tính (thần thoại tính là nền tảng cho tất cả thần thoại, cũng như linh thoại tính là Hố Thẳm của tất cả linh thoại, cũng như Sử linh Tư Tưởng là Hố Thẳm của tất cả lịch sử tư tưởng nhân loại).

• Nguy Hiểm nhất là chúng ta đã sử dụng một cách vô thức bừa bãi những ý niệm văn hoá Tây phương hậu thời để giải thích và tìm hiểu dân tộc tính của Việt Nam

• Không thể nào khai mở ra dân tộc tính của Việt Nam mà không phải tát cạn thể tính của Đông phương và của cả thể tính của Tây phương (những ý niệm Tây phương hậu thời đều là hậu quả của sự mất gốc rễ của chính văn hoá Tây phương và sự quên mất thể tính của Tây phương bởi chính Tây phương hiện đại).

• Những nhà thơ thiên tài của Tây phương (như Hölderlin, Rimbaud, Georg Trakl) đã lên đường trở về Thể Tính của Tây phương qua sự nghiệp thi ca của họ, và cũng qua sự nghiệp thi ca của họ, chúng ta cũng thấy họ đang lên đường trở về Nguồn Trong Trẻo, trở về Thể Tính của Đông phương.

• Thi Ca luôn luôn đi trước tất cả mọi hành động, chỉ có Thi Ca Việt Nam mới đưa ngôn ngữ Việt Nam trở về Thể Tính tinh tuý của Việt Nam.

 

Chỗ đứng lặng lẽ của Thi Ca Việt Nam lưu vong hiện nay là không có chỗ đứng; chúng ta mất tất cả trường sở, mất tất cả bản địa, mất tất cả “đương xứ tiện thị”, mất tất cả phương sở và bối cảnh (mất tất cả ý nghĩa của chữ “the local” trong ngôn ngữ thi ca, chẳng những theo nghĩa của W.C. Williams mà ngay cả nghĩa thổ ngơi của R. Frost.)

Hiển nhiên lúc tự nhận là những nhà thơ Việt Nam lưu vong thì chúng ta không thể nào bỏ quên thi ca của nơi chốn mà chúng ta đang sống và nhất là không thể nào bỏ quên được thi ca của quê hương Việt Nam.

Trí Nhớ tưởng niệm là mẹ đẻ của Thi Ca Nhân Loại:

Sự đi xuống (hậu duệ) ra dấu kêu gọi
Cũng như sự đi lên (tiền bối) ra dấu kêu gọi
Trí nhớ là một thể điệu
Của sự thành tựu...
 
(The descent beckons
As the ascent beckons
Memory is a kind of accomplishment)

Mấy câu thơ trên của William Carlos Williams có ra dấu kêu gọi gì về chỗ đứng lặng lẽ của chúng ta hiện nay? Mấy chữ “descent” và “ascent” đều gợi ý mấy chữ Đức lạ thường của Nietzsche: “Untergang” và “Uebergang”, đồng thời “descent” cũng gợi lên ý “tính miêu duệ” và “tính hậu duệ” “hạ nguồn”, cũng như “ascent” gợi ý: “tính tiền nhân, tổ tiên, tiên bối” hay thượng nguồn trong trẻo.

 

 

---------------------
Nguồn: Phần Thứ Ba [II] trong cuốn sách của Phạm Công Thiện, Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử và Một Ngày Vô Hình Với Henry Miller, William Carlos Williams và Joseph Brodsky (Nhà Xuất Bản Viên Thông, Long Beach, California U.S.A, 2000).

 

 

Những tác phẩm của Phạm Công Thiện đã đăng trên Tiền Vệ:

Nhớ về Henry Miller  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi bắt đầu đọc Henry Miller vào khoảng 16 hay 17 tuổi gì đó, và bây giờ, trên 40 năm trôi qua trên trái đất hoang liêu, tôi vẫn còn đọc Henry Miller. Nói đọc thì cũng không đúng: lúc đọc Henry Miller, thực ra tôi chỉ mộng mở mắt và mộng nhắm mắt. Thời gian không còn hiện hữu nữa; mười năm hay một trăm năm chỉ là một hơi thở nhẹ qua một đêm tối nguyệt tận... (...)
 
... Chỉ có thi sĩ mới sống trước tận bản thân mình, sống phóng tới đằng trước tất cả những khả tính sắp hiện của vận mệnh dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Không phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị là mới nói được con đường đi của dân tộc. Nhiều khi nói ngược lại hay nói những cái gì khác... (...)
 
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử  (tiểu luận / nhận định) 
Tất cả những gì người ta viết và nói về Hàn Mặc Tử trong vòng sáu chục năm nay đều sai lầm hoàn toàn. Vì sao? Người ta viết và nói đến cái mà Hàn Mặc Tử đã vượt qua trọn vẹn trong mỗi lời và trong mỗi chữ mà Hàn Mặc Tử đã bỏ lại dấu vết trên mặt đất... (...)
 
Trang giấy trắng sống trăm ngàn thế kỷ / Có gì trong tơ sợi nga my / Lời nói ngang dọc đan hình / Vũ trụ nở ngài trong hắc đạo / Mòng tơ se trời cho óc não / Mật gan bắn máu ven rừng / Vành nước đen linh hiện không ngừng / Tôi còn sống mấy giờ chơi nữa... [Mai Anh Vũ sưu tầm & giới thiệu]
 
I-VIII  (truyện / tuỳ bút) 
Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim... (...)
 
“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?” ...
 
Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)
 
Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...
 
Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...
 
Anh sẽ hiện  (thơ) 
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...
 
Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021