thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghĩ về viết lách: Phê bình cần có chủ kiến

 

 

Để viết phê bình, cần có nhiều điều kiện. Kiến thức. Óc phán đoán. Sự nhạy bén trong nghệ thuật. Khả năng diễn đạt. Và, đến trình độ nào đó, cần thêm một điều kiện khác nữa: chủ kiến.

Chủ kiến thường dễ bị lẫn lộn với thiên vị. Nhưng chủ kiến khác thiên vị. Thiên vị vì mình. Chủ kiến vì người. Thiên vị nhắm đến cái lợi nhỏ. Chủ kiến nhắm đến những cái lợi lớn. Thiên vị có tính chất cụ thể. Chủ kiến gắn liền với một tầm nhìn mang tính chiến lược. Thiên vị là sự thất bại của lý trí. Chủ kiến là sự đăng quang của óc lý luận. Thiên vị dựa trên tình cảm và quyền lợi. Chủ kiến dựa trên lập trường và lý tưởng.

Lập trường là chỗ đứng từ đó nhà phê bình nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng văn học. Trong thời đại tự giác hoá cao độ như thời đại ngày nay, cái gọi là “chỗ đứng” ấy không phải chỉ gắn liền với vị thế xã hội hay môi trường giáo dục mà còn gắn liền với một số lý thuyết nhất định nào đó: Nói đến lập trường, do đó, cũng đồng thời là nói đến quan điểm; nói đến chỗ đứng cũng đồng thời là nói đến cách nhìn.

Nhưng cả hai, lập trường và quan điểm, đều chủ yếu thuộc về quá khứ, và, có lẽ với mức ít hơn, hiện tại. Chính cái lý tưởng mà nhà phê bình ôm ấp sẽ giúp hắn nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp hắn vượt khỏi quá khứ và hiện tại để vươn tới tương lai.

Hướng tới tương lai, nhà phê bình giỏi không phải chỉ là một kẻ thưởng ngoạn sành điệu mà còn là người quyết liệt tranh đấu cho một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Tính chất quyết liệt trong tranh đấu làm cho tác phẩm của hắn, về phương diện thể loại, dễ có màu sắc bút chiến; về phương diện tư tưởng, dễ bị xem là xem là cực đoan; về phương diện hiệu quả, dễ gây phân hoá trong hàng ngũ những người cầm bút.

Không có điều gì là không cần thiết cả: Tính chất bút chiến thổi sinh khí và hùng khí vào giọng văn; tính chất cực đoan khiêu khích ước muốn vươn tới cái vô tận ở con người; và tính chất phân hoá tách những người cầm bút thực sự ra khỏi đám đông chữ nghĩa láo cháo và bát nháo, như một trong những điều kiện đầu tiên để xây dựng một nền văn học chuyên nghiệp.

Nhà phê bình nào cũng cần có chủ kiến. Không có chủ kiến, tưởng là khách quan, nhà phê bình chỉ làm nô lệ cho truyền thống và theo đuôi quần chúng. Hắn có thể diễn đạt hay; nhưng cái hay ấy chỉ nhằm củng cố những điều mọi người đã biết. Quanh quẩn trong sân chơi của những cái-đã-biết, hắn rất dễ nhận được những tràng pháo tay, nhưng đó là những tràng pháo tay tống tiễn hắn vào cõi quên lãng.

Nhà phê bình phải có chủ kiến. Chính tính sáng tạo và độ quyết liệt trong chủ kiến sẽ là một trong những tiêu chí chủ yếu để đo lường tầm vóc một nhà phê bình.

Đánh giá cuốn sách này hay ư?

— Chuyện nhỏ!

Đánh giá tác giả kia viết hay ư?

— Cũng chỉ là chuyện nhỏ!

Cái lớn nằm ở đằng sau cái gọi là “hay” ấy.

Và đằng sau cái gọi là “hay” ấy chính là chủ kiến.

Chiến thắng cuối cùng của một nhà phê bình là chiến thắng của cái chủ kiến mà hắn theo đuổi. Chiến thắng của chủ kiến là chiến thắng của một niềm tin và của một khuynh hướng, ở đó, tài năng cá nhân và tập thể nhập làm một; tài năng phê bình và tài năng sáng tạo cũng nhập làm một.

Đó mới là chiến thắng cuối cùng.

Và, cũng giống như mọi lãnh vực khác, trong văn học, chỉ có chiến thắng cuối cùng mới là chiến thắng thực sự.

 

 

Đã đăng trên blog của Nguyễn Hưng Quốc (VOANews.com) ngày 19/08/2009.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021