thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Viện — v[i]ết mật ngôn trên d[r]a

 

Một: Đôi khi nghĩ chơi trò vũ [phu chữ (NOT Lê Đạt)] đoán vạm vỡ của Nguyễn Hữu Hồng Minh (kiểu “Trần Dần, một con cọp banh trần”)[1] cũng hay: Nguyễn Viện tuổi Kỷ Sửu (năm nay thượng thọ 60 tuổi Tây, đồng tuế với nhiều đương kim yếu [đuối/hèn/sinh lý] nhân), vậy ắt hẳn đây là một con trâu, một con trâu mang đầy hình kỷ hà trên thân mình (có thể giống như những con trâu trình diễn body art), một con trâu đi xuyên thế kỷ, một con trâu hoài vọng những kỷ cương/niệm/vật/lục... để tận hiến cho kỷ nguyên này.

Hai: Nguyễn Viện có bài thơ hay và ám ảnh “Mật ngôn viết trên da người”[2] với những câu/chữ in đậm: Đám đông, Kể chuyện với đầu gối; nghe như khung cảnh một vở kịch thơ với đủ sự xuất hiện của nhân vật và những cảnh soliloquy (độc thoại nội tâm) tồng tộc mà bi/bí ẩn như Hamlet.

Ba: Không biết là do không muốn nói nữa hay là quên mất rồi...

 

++

 

Nguyễn Viện bị/được Thận Nhiên coi là phạm thánh.[3] Đúng một nửa (có lẽ vậy). Tôi còn thấy Nguyễn Viện bị thánh ám.

Nguyễn Viện bị thánh ám nên trong tinh thần vẫn toát lên cái mong muốn cứu rỗi con người, cụ thể ở đây là người Việt Nam, ra khỏi những lầm lạc, những tội lỗi, những cừu thù, những mông muội, những bi thương... Nhưng nếu hỏi anh thì chắc anh sẽ cãi: “Đâu có!” Vì anh bảo anh viết là cho cá nhân anh, nếu không anh sẽ “đứt gân máu chết”.[4] Đó là một dấu vết của thánh ý?

Cái “tinh thần thánh” nhiều lúc vút lên như “tinh thần thánh chiến”. Ngòi bút anh đi xuyên qua mọi sự kiện của đất nước và trái đất: Lấp lỗ châu mai, Lý Công Uẩn, Marx, Trường Sa – Hoàng Sa, Tây Tạng, Myanmar...

Chắc rằng trong anh có/nhiễm máu thánh. Anh có thể rất trân trọng nó. Anh cũng có lúc muốn xả nó đi như xả rác: “Tôi đưa khẩu súng lên ngang màng tang. Bùm. Máu tung toé lên tường.”[5] Nhưng mà rồi anh đụng “Bức tường”.

Đó là “bức tường thánh”.

Nguyễn Viện luôn luôn đụng vào nó.

Anh phất cao lá cờ Tự Do bước đi băng băng, hăng say. Lá cờ ấy dẫn anh đi suốt cả chặng đường dài với những kỳ tích to nhỏ khác nhau. Lá cờ này các thánh nhân cũng rất hay giương.

Có lúc hăm hở trên “chuyến tàu mang tên dục vọng”[6] trên nóc phất phới lá cờ Tự Do anh tung hoành ngang dọc trong những ngữ ngôn nửa văn chương nửa bỏ bùa. Con tàu ấy văng ra đủ mọi thứ tinh khí lồn cặc cứt đái mông đùi vú vê dưới mọi hình thức để toát lên một Nguyễn Viện trong sáng vô ngần (Tôi không nịnh, không nói quá, không a dua). Thế nhưng có một lũ nhân danh “truyền thống” đang chụp lên cái mũ dung tục. Chúng có thực sự đọc và hiểu truyền thống không đấy??

Vẫn dưới lá cờ ấy Nguyễn Viện lôi ra mọi vấn đề chính trị. Theo anh, không ở nơi nào trên thế giới có bối cảnh chính trị - xã hội hay ho phong phú như ở Việt Nam, anh “đang đứng đúng điểm rơi của lịch sử”.[7] Anh đã khai thác được rất nhiều từ cái mỏ lộ thiên khổng lồ này – nơi – hầu như khắp thiên hạ đều lảng ra vì sợ “huý kỵ”.

Nhưng.

Dường như lá cờ ấy, đoàn tàu ấy, ngọn bút ấy có khựng lại khi đụng “bức tường”. Hình như nơi đó có ghi những câu của Kahlil Gibran:

“Tự do của bạn khi mất đi xiềng xích của mình sẽ trở thành xiềng xích cho một tự do lớn hơn.”
 
“Sự thực cái bạn gọi là tự do chỉ là dây xích mạnh mẽ nhất trong số những xiềng xích vây bủa bạn dù mắt xích của nó sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời và làm loá mắt người.”

Ngẫm về bức tường ấy đầu tôi bỗng thoát ra một ý: Sau khi tôi biết ý muốn Tự Do chỉ là một cái xiềng to tướng như/hơn sự Nô Lệ, tôi quyết chí dấn-thân-cho-tự-do!

Còn Nguyễn Viện? Từ cú khựng lại nơi bức tường thánh ấy văng ra những những “chữ dưới chân tường”, nơi có

Những
xác
chết
làm chứng
gian
về
thiên
đường[8]

Từ những xác chết lả tả ấy Bùi Hoằng Vị thấy thăng hoa lên một

nhà văn sử dụng tiếng Việt thông minh, khoái hoạt, và hiệu quả; sáng tác sung sức nhất, đa dạng nhất, “thời sự” nhất, và “hot” nhất...[9]

Rồi Phan Nhiên Hạo nhìn thấy một

Nguyễn Viện uyển chuyển và đẹp, nhưng là vẻ đẹp khoẻ mạnh, không màu mè, ngôn ngữ trong sáng và rất chính xác...[10]

Còn Trịnh Thanh Thủy nhìn thấy bên bức tường ấy một

Nguyễn Viện, người đi dây, đứng giữa chỗ hõm của cái háng lịch sử, tay cầm thanh sắt (hình ngòi bút) màu hung, lửa trái tim. Ông cố giữ thăng bằng để đi nốt con đường nối hai đỉnh điểm A, B của hai đầu gối. Con đường trộn lẫn những mâu thuẫn, những khác biệt của hai luồng văn hoá Bắc, Nam, trước và sau năm 1975. Thanh bút sắt ấy thoắt ẩn, thoắt hiện trong những giao động rối loạn, mới cũ, thanh tục, thực, ảo, láng lẫy hay thô nhám của hai nền văn chương hiện đại và hậu hiện đại...[11]

Còn Nguyễn Hưng Quốc đã thành một nhiếp ảnh gia thượng thặng khi đến đây và chụp được cảnh “Nguyễn Viện đâm sừng vào bóng tối”:

Trong giới viết văn xuôi tại Việt Nam hiện nay, không có người nào tàn phá thể truyện một cách mạnh mẽ và quyết liệt cho bằng Nguyễn Viện. Tàn phá? Đúng, tàn phá...[12]

Phải chăng con “kỷ” trâu Nguyễn Viện đang tìm mọi cách đâm sừng sang phía bên kia của bức tường? Phía sau lưng nó chỉ là bóng tối? Tôi nghĩ vậy nhưng không dám đoan chắc. Nhưng mà, hình ảnh đó tuyệt đẹp!

Một con trâu tự do đang tàn phá bức tường thánh không biết do Trời sinh hay con người đẻ ra.

Từ Nam Bán Cầu chúng ta nghe thấy tiếng Hoàng Ngọc-Tuấn. Anh nhìn thấy dằng dặc những mê cung nơi con trâu ấy đang húc tìm lối ánh sáng, nơi Nguyễn Viện đang

vừa cười khanh khách, vừa đứng đái lên những bảng chỉ đường, và huyên thuyên kể. Ông kể chuyện bằng ngôn ngữ của cá nhân ông; thứ ngôn ngữ của một người cởi trần truồng bước đi trên mặt đất; thứ ngôn ngữ bất chấp những giới hạn giả tạo của những nguyên tắc đạo đức giả tạo của một cơ chế văn hoá giả tạo; thứ ngôn ngữ vượt qua những bảng chỉ đường ý thức hệ; thứ ngôn ngữ của một con người tự xác lập cho chính mình một sự tự do ngay trong lòng của chốn mê cung không lối thoát...[13]

Con trâu ấy vẫn cứ miệt mài đâm sừng vào bức tường ấy làm văng ra những mảnh vỡ lấp lánh của sáng tạo.

 

++

 

Tôi đã có lần bí mật tham chiến với Nguyễn Viện trong “tiểu thuyết mở” Em có gì bí mật, hãy mail cho anh. Tôi đóng vai một em bị hiếp từ năm 14 tuổi, sau đó lại làm một “người tình” già 53 tuổi chết vì thượng mã phong. Thế mà anh tin, thế mà anh hồn nhiên bầy tỏ muốn YÊU tôi như thể tôi có thể đem lại cho anh niềm sung sướng nhất cõi trần. Anh cả tin? Anh háo “kỳ” dục? Cũng có nhẽ đúng! Không thế thì làm sao thành nghệ sỹ. Không thế thì làm sao bộ tiểu thuyết tương tác này hấp dẫn đến vậy.

Sau đó tôi cũng lây bệnh của anh, tức là muốn YÊU một nhân vật như tôi đã bịa ra: từng bị hiếp và làm người tình chết vì phạm phòng.

Chứng tỏ anh nhậy lắm. Cái nhậy của “siêu nghệ sỹ”. Anh có nói: “Tố chất nghệ sỹ là cái gì hết sức tự nhiên, nó toát lộ ra trên hình dáng, trên ngôn ngữ mà người ta có thể ‘ngửi’ thấy được. Một người bình thường có thể viết một câu văn chuẩn, hoặc thậm chí hay. Nhưng nghệ sỹ thì đôi khi không chuẩn, nhưng người ta vẫn thấy nó hay.”

Tôi thích câu ấy. Từ đó tôi đọc anh nhiều hơn.

Văn/thơ anh có những đường/mật ngôn.

Có những vết máu/tinh khí trên ra giường.

Có những hình xăm trổ trên da người (tự do/nô lệ/thiện/ác...).

Những mật ngôn ẩn hiện đó có khả năng ám ảnh mạnh mẽ thúc giục người ta tìm lời giải mã.

Nhưng mà cũng bảo với người đọc chẳng cần giải mã làm gì đâu.

 

4-9/8/09

 

_________________________

[1]Nguyễn Hữu Hồng Minh, “Với một nhà thơ” [chuyên đề TRẦN DẦN], Tiền Vệ.

[2]Nguyễn Viện, “Mật ngôn viết trên da người”, Tiền Vệ.

[3]Thận Nhiên, “Nguyễn Viện, con người phạm thánh” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[4]Nguyễn Viện / Nguyễn Hưng Quốc, “Nếu không viết, chắc đứt gân máu chết” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[5]Nguyễn Viện, “Bức tường”, Tiền Vệ.

[6]Tên một bộ phim kinh điển đoạt 4 Giải Oscar nổi tiếng từ 1951, do Elia Kazan đạo diễn, với sự diễn xuất của các siêu sao như Marlon Brando và Vivien Leigh.

[7]Nguyễn Viện / Pierre Bùi, “Tôi đang đứng đúng «điểm rơi» của lịch sử”, Talawas.

[8]Nguyễn Viện, Chữ dưới chân tường, Văn Mới, California 2004.

[9]Bùi Hoằng Vị, “Cảm nghĩ về tác giả Nguyễn Viện” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[10]Phan Nhiên Hạo, “Đọc 26LẦNTỜBỜLỜ của Nguyễn Viện” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[11]Trịnh Thanh Thủy, “Nguyễn Viện, giữa đám đông và hai đầu gối” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[12]Nguyễn Hưng Quốc, “Nguyễn Viện đâm sừng vào bóng tối” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.

[13]Hoàng Ngọc-Tuấn, “Nguyễn Viện: cười và đái lên những bảng chỉ đường” [chuyên đề NGUYỄN VIỆN], Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021