thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc 26LẦNTỜBỜLỜ của Nguyễn Viện

 

 

26LẦNTỜBỜLỜ của Nguyễn Viện in tháng 4 năm 2008 bởi Cửa, một “nhà xuất bản” tự lập của vài người làm văn nghệ Sài Gòn, nói cách khác là sách tự in, không qua kiểm duyệt nhà nước. Tựa cuốn sách, 26LẦNTỜBỜLỜ viết liền nhau, dĩ nhiên là một câu đố. Tôi chỉ có thể đoán 26Lần là hai mươi sáu chương của cuốn sách. Nhưng những chữ còn lại? Tôi hỏi Nguyễn Viện. Tác giả cho biết TờBờLờ là phát âm của các chữ cái t, b, l, có thể suy diễn thành Tôi Bấn Loạn, Tôi Bốc Lửa... nói chung tùy độc giả. Kiểu đặt tên sách như vậy cho thấy ngay từ đầu một thái độ tự trào của Nguyễn Viện. Từ tự trào đến giễu cợt hiện thực là một bước ngắn, và Nguyễn Viện thậm chí đã nhào trộn hai điều này một cách phức hợp trong 26LẦNTỜBỜLỜ.

Suốt cuốn sách, Nguyễn Viện giễu cợt rất nhiều thứ vốn nghiêm trang nhưng hôm nay chỉ còn là trò bịp trong xã hội Việt Nam: tình yêu, lịch sử, truyền thống, đạo đức, triết lý, thậm chí văn chương. Những “ông Kễnh”, “đại thánh”, “thành hoàng” trong 26LẦNTỜBỜLỜ thực chất là những kẻ tầm thường, đầy dục vọng, ảo tưởng. Nhân vật “hắn” trong chương 1 là kẻ mới năm mươi tuổi đã tự cho “thấy được mệnh trời”, muốn được gọi bằng thánh; y bắt con cháu vơ vét tài sản xây cho mình “ngôi mộ lớn nhất nước” với lời hứa sau khi chết sẽ ban “phép lạ nhãn tiền”:

Thế rồi ngày 12.3 cũng tới. Hắn chết sau bữa cơm trưa. Xác của hắn được đặt trên tấm phản nhỏ phủ khăn trắng. Đám con cháu tin lời hắn không đóng hòm, dâng hương chờ hắn hiển linh. Nhưng mới chỉ sang ngày thứ hai, xác của hắn đã có mùi thối. Bọn con cháu cố tẩm dầu thơm vào xác hắn, nhưng đến ngày thứ ba thì mùi thối đã nồng nặc còn hơn cả mùi chuột chết.
 
Có một sai lầm mà hắn không bao giờ nghĩ tới là hắn sinh bắc tử nam. (tr. 9)

Một cách thú vị, nhân vật “hắn” cũng sinh ở Hải Dương ngày 12 tháng 3 năm 1949, trùng với chi tiết tiểu sử tác giả. Dĩ nhiên hắn không phải là Nguyễn Viện và ngược lại. Nhưng có vẻ Nguyễn Viện tự trào khi cho nhân vật “hắn” mượn khai sinh.

“Ông Kễnh” trong chương Hai là nhân vật tự cho mình ngang hàng với Chúa, kẻ “mang cơm áo” đến thiên hạ, người đàn ông có khả năng dẫn dắt đàn bà con gái “đến bến bờ thanh lam lệ thủy”. Nhân vật “hắn” trong trường hợp này cũng được mô tả lẫn lộn vào nhân vật xưng tôi. “Hắn” là nhà cách mạng chiến thắng thì “tôi” là kẻ âm mưu soán ngôi. “Hắn” đòi hưởng đàn bà khắp thiên hạ thì “tôi” làm rể đại gia và tằng tịu với vợ quan đại thần tư lệnh. “Hắn” đăng quang thì sau cùng “tôi” lên ngôi vua. “Tôi” và “hắn” như người và ảnh phản chiếu qua tấm gương có khả năng phóng đại, bóp méo, tạo ra những nhân dạng khôi hài.

Tương tự, chương 26 kể chuyện nhân vật “tôi” thời hiện đại song tuyến với chuyện về viên tướng tên Hùng Lộc thời đánh chiếm Chiêm Thành. Viên tướng tôn thờ thân xác một cô gái Chăm, sau bỏ trốn với cô ta vào rừng, trong khi nhân vật “tôi” tìm lại được người phụ nữ lớn tuổi mà anh ta mơ tưởng lúc bé để bắt đầu quan hệ xác thịt. Chuyện Hùng Lộc và chuyện nhân vật “tôi” được kể đan xen nhau, cùng một giọng điệu trào lộng.

Trong 26LẦNTỜBỜLỜ, không chỉ các nhân vật được lồng vào nhau, các đối thoại cũng mang tính “giễu nhại kép”, nói theo thuật ngữ Hậu Hiện Đại. Các nhân vật đưa đẩy nhau bằng câu chữ màu mè, rồi giễu cợt chính trò chơi ngôn ngữ của họ một cách có ý thức. Đây là một đối thoại tiêu biểu:

Người đàn bà hỏi: Ông có bỏ bùa không?
Tôi nghĩ rằng có.
Ông tin bùa của ông hiệu nghiệm à?
Thưa bà, tôi luôn tin vào tôi.
Ông không sợ chết đuối?
Không, nếu người dìm tôi là bà.
Ngày xưa, anh hát cải lương?
Thưa bà, tôi hát chèo.
Tôi thích cái kiểu dấm dớ quan họ. (tr. 17)

Còn đây là câu chữ “triết lý” của một anh đàn ông muốn sờ mó một cô nàng ngay lập tức nhưng bị nàng õng ẹo từ chối: “Như thế là chẳng ăn cái giải gì. Như thế là em không yêu anh. Như thế là em người dưng. Như thế là em kẻ xa lạ. Em hiện sinh phi lý. Em trái mùa kinh nguyệt. Em hậu kỳ điện ảnh. Em tiền phong giả mạo. Như thế là chẳng tích sự gì. Như thế là em không nhân văn. Như thế là em không điển hình. Như thế là em không hiện đại.” (tr. 142)

Lịch sử chính thống chế tác bởi những kẻ thống trị cũng được đem ra cười cợt, ẩn sau giọng điệu trịnh trọng. Trong chương 6, “anh hùng lấp lỗ châu mai” được “ngưỡng mộ” bởi một đứa cháu nội hơi đểu. Một mặt, kẻ hậu sinh “vẫn thật sự tin ông tôi là một anh hùng”, mặt khác, hắn thắc mắc: “nhưng tôi không khỏi không tự hỏi làm thế nào mà xác ông tôi có thể lấp được lỗ châu mai, ngoại trừ trường hợp bọn lính Tây trong đồn hết đạn và ngoại trừ trường hợp bùa của ông tôi quả đã linh nghiệm”. “Anh hùng lấp lỗ châu mai” như mô tả của Nguyễn Viện là một “ông nội” đeo bùa trong háng. (tr. 52, 53)

Văn hóa và truyền thống, những thứ đã trở nên sáo rỗng, nhưng vì là “văn hoá” nên xem ra người ta vẫn cần nhiều nước bọt để bịp. Nhân vật “cụ” trong chương 8 là kẻ được ban “một chức quan làm đầu trò trong văn miếu”, ngôi đền biểu tượng văn hóa, nhưng thực chất là kẻ tham dâm, láu cá, và rất ba hoa. “Cụ” viết sách đề cao “các loại nước chấm” như “tinh hoa” dân tộc nhưng trong thâm tâm khinh bỉ mỹ học, văn chương; “cụ” quan niệm viết văn và “chơi bời” đều phải “cảnh giác như nhau”. Bên cạnh nhân vật “cụ”, nhân vật “tôi” được mô tả vừa như có quan hệ với “cụ”, với những thói hư tật xấu hơi giống cụ, vừa như một kẻ quan sát với cái nhìn chế giễu về “cụ”.

26LẦNTỜBỜLỜ giễu cợt hiện thực, nhưng như có lần tôi đã chỉ ra,[*] Nguyễn Viện viết với cái nhìn của người trong cuộc, hiện diện như một phần của thực tại được mô tả. Trong 26LẦNTỜBỜLỜ, có những chương Nguyễn Viện thậm chí đứng tên làm nhân vật. Nhưng 26LẦNTỜBỜLỜ không phải tự truyện. Đây chỉ là bút pháp phức hợp của Nguyễn Viện, sử dụng chồng chéo thủ pháp kể chuyện ngôi thứ nhất cùng lúc với thủ pháp kể chuyện ngôi thứ ba để tạo nên cái gọi là thủ pháp kể chuyện đa ngôi (multiple-person narrative). Lúc thì câu chuyện chỉ là những tự sự trào lộng của nhân vật “tôi”, lúc là những mô tả của một người kể chuyện biết tất cả. Sự hoán vị liên tục của điểm nhìn cho phép tác giả phản ánh hiện thực từ nhiều góc cạnh, lộn trái hiện thực từ trong ra ngoài rồi ngược lại.

Văn của Nguyễn Viện đặc sắc một phần vì lối viết kết hợp những tương phản: đùa cợt cạnh nghiêm trang, triết lý cạnh cụ thể, thơ mộng cạnh dung tục. Đây là một đoạn tiêu biểu:

Cụ lại bảo lịch sử được xếp lớp và chồng chất bởi những số phận. Vì thế không một số phận nào đã tồn tại mà không liên quan đến những số phận khác. Cũng vì thế mà con người phải có trách nhiệm với nhau. Em út hỏi tối mai anh đi Vũng Tàu với tụi em không, cho anh phủ phê luôn. Không thể bỏ những thứ khác để phủ phê với em út, mặc dù tôi rất muốn, tôi nói anh sợ nước. Em út cười bảo không biết bơi thì anh cứ lặn. Em nhét anh vào trong lồn em rồi cho anh xuống biển. Không sợ cá lòng tong rỉa. Tiếng lách tách của búng nước và những lượn sóng dịu dàng là khúc ca buồn của những con cá lòng tong trong ký ức tôi trên con sông nhỏ sau nhà. (tr. 75)

Đoạn văn gợi hình ảnh cái cấu trúc tinh thần của xã hội Việt Nam hôm nay, nơi ở trên các “cụ” tiếp tục bốc phét các thứ sáo rỗng mà chính mình cũng không còn tin vào trong khi ở dưới dân chúng lo chuyện ăn hưởng. Mạnh ai nấy nói. Chỉ trong một đoạn, giọng văn ba lần thay đổi, từ trịnh trọng “con người phải có trách nhiệm với nhau” chuyển sang cợt nhả chuyện “em út”, rồi hoài niệm tuổi thơ trầm buồn.

Bên cạnh thủ pháp tương phản, Nguyễn Viện sử dụng nhiều điển phạm văn chương, và thường theo lối thậm xưng, “tái chế”. Trong tác phẩm của Nguyễn Viện, Bá Kiến vẫn có thể “xúi” Chí Phèo, nhưng Bá Kiến và Chí Phèo là hai nhà thơ quậy phá vì háo danh (tr. 72, 73); Zarathoustra là kẻ “mò cua bắt ốc” (tr. 49); thằng Bờm chỉ muốn đổi quạt mo lấy gái đồng trinh nhưng bị gái gạt (tr. 44). Tên tuổi của nhiều nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, M.C. cũng có mặt trong tác phẩm. Nơi chốn tụ tập quen thuộc của giới văn nghệ Sài Gòn như Café Highlands, hẻm 47 cũng được nhắc đến. Những điều này đòi hỏi người đọc 26LẦNTỜBỜLỜ ít nhiều quen thuộc không chỉ với điển phạm văn chương mà còn với môi trường sinh hoạt văn nghệ.

Khó có thể bỏ qua khía cạnh tình dục trong truyện của Nguyễn Viện. Tình dục hiện diện khắp nơi trong 26LẦNTỜBỜLỜ, là sợi dây nối kết hai mươi sáu chương của truyện, những chương vốn hoàn toàn có thể đứng riêng như truyện ngắn. Bề ngoài, có vẻ 26LẦNTỜBỜLỜ là câu chuyện về những ám ảnh tình dục: các nhân vật luôn mơ tưởng truy hoan, quan hệ với nhau chỉ hướng tới xác thịt, khát khao thú vui gái gú. Nhưng Nguyễn Viện không viết tiểu thuyết tâm lý. Nhân vật của Nguyễn Viện làm tình dục nhưng không phân tích về tình dục. Phân tâm tình dục trong xã hội Việt Nam hôm nay cũng lòng vòng và lố bịch như nói chuyện yêu đương với một má mì: “Tôi bảo anh muốn đưa em đến một thế giới khác. Má mì nói em hiểu rằng anh không muốn gặp em ở chỗ này như một má mì. Nhưng em vẫn chỉ là một má mí vì em cần tiền. Rất nhiều người nói yêu em. Và cũng có rất nhiều người bảo như em thì thiếu gì người yêu. Em vẫn muốn tin như thế. Nhưng em lại không thể yêu ai, không hẳn vì em chỉ yêu tiền. Thôi thì em cứ là má mì lo cho các anh vui chơi chốc lát” (tr. 75). Nguyễn Viện hầu như không mô tả chi tiết những hành động cụp lạc trong 26LẦNTỜBỜLỜ. Thảng hoặc nếu có một đoạn như vậy, nó được dựng lên với những phèng la của tuồng hài hơn là ướt át của loại phim porn nhân danh nữ quyền và cách tân:

Tôi chỉ bộ đao thương cắm giữa phòng khách, hỏi: Em thích nếm mùi phanh thây hay chọc tiết?
Nàng cười: Em thích hò khoan giã gạo đêm trăng.
Chủ nghĩa lãng mạn đã bị bức tử lâu rồi.
Tôi cầm cây đại đao xẻ áo nàng.
(...)
Tôi xông vào làm bằng tôi và cả cán cây đại đao. (tr. 18, 19)

Đến tận thế kỷ 21 này, văn chương viết về tình dục khó có thể còn được diễn giải gắn liền với những thứ trịnh trọng như nữ quyền và cách tân mà không trở thành cliché hay nhà quê.

26LẦNTỜBỜLỜ tái tạo chính xác trạng thái tinh thần của xã hội Việt Nam hôm nay, nơi dục vọng thống trị và mọi chuẩn mực tinh thần gần như đã biến mất. Sự hỗn loạn, phức tạp, và mù mờ của một trạng thái tinh thần xã hội như vậy được nắm bắt hiệu quả với cấu trúc tiểu thuyết mà Nguyễn Viện chọn lựa: một cấu trúc có vẻ lỏng lẻo nhưng phức hợp và linh động, cho phép người đọc tự lắp ráp các mẩu rời lại với nhau, đôi khi bất khả, để tạo nên một hình ảnh lập phương về hiện thực, như trong một chiếc kính vạn hoa, dù với những sắc màu ảm đạm. Văn phong của Nguyễn Viện uyển chuyển và đẹp, nhưng là vẻ đẹp khỏe mạnh, không màu mè, ngôn ngữ trong sáng và rất chính xác.

Nguyễn Viện lẽ ra đã là một nhà văn gây dư luận và có sách bán chạy ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh hiện nay, để giữ chút tự do sáng tạo, Nguyễn Viện chỉ có thể chọn làm nhà văn “ngoài lề”. Và như một nhà văn “ngoài lề”, tác giả “được chính thức” bị tảng lờ bởi những người gọi là làm phê bình của báo chí và văn chương nhà nước. Thái độ chính trị của Nguyễn Viện, thể hiện mạnh mẽ qua nhiều tác phẩm và bài viết trên các diễn đàn, cũng là một lý do quan trọng khác khiến những kẻ chỉ muốn được yên thân làm văn chương “sang trọng” không ưa. Nói chung, những nhà văn như Nguyễn Viện hiện nay ở vào vị thế ngoài lề không chỉ đối với loại văn chương nhà nước mà còn ngoài lề đối với loại văn chương tháp ngà “sành điệu”. Nhưng tôi tin đối với những nhà văn có tài, chuyện đó không làm họ nao núng.

Thật ra, chỉ cần lạc quan một chút, người ta có thể thấy trong tương lai gần, và thậm chí hiện tại, văn chương Việt Nam sẽ và đang thuộc về những nhà văn “ngoài lề”, những cây bút tài năng và không khom lưng như Nguyễn Viện. Bởi vì họ đang viết với tinh thần tự do của sáng tạo.

 

 

_________________________

[*]Xem “Mùa hè, đọc Đinh Linh, Nguyễn Viện, và Nguyễn Danh Bằng”, Phan Nhiên Hạo. (http://litviet.com)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021