thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Viện, con người phạm thánh

 

Viết về Nguyễn Viện ư?

Quả là một điều không dễ chút nào. Viết về ông như cách vẽ lại chân dung một nhà văn lại càng khó. Nhất là khi nói đến những gì ông viết. Vì, một là ông ‘chơi’ nhiều món quá, hai là có những món — như tiểu thuyết chẳng hạn — ông lại chơi nhiều kiểu quá.

Từ các thể loại văn chương như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cực ngắn, thơ, tiểu luận, tạp bút, kịch, nhận định mỹ thuật... cho đến việc viết báo kiếm cơm và viết báo như một công dân ý thức trước thời cuộc, trước lịch sử và xã hội trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, ông đều chơi tuốt.

Trong các thể loại chữ nghĩa đó, ông thoắt ẩn thoắt hiện, như một con cá bơi lướt thật nhanh, và khinh khoái.

Lần đầu tiên tôi gặp tên ông là ở một tiểu thuyết ngắn đăng trên tạp chí Hợp Lưu, truyện “Đâm Sừng Vào Bóng Tối”, truyện đầu tiên ông tung ra hải ngoại và từ nó đã dẫn đến nhiều hệ quả để hình thành một người viết Nguyễn Viện của hôm nay.

Từ đó đến nay đã gần mười năm.

Lúc này tôi nghĩ, viết về Nguyễn Viện cũng là một hành động “đâm sừng vào bóng tối”, nhưng là của tôi. Vì thế, bài viết này chỉ là những hiểu biết chưa thấu đáo về văn chương ông, đôi nét chấm phá, phác hoạ về ông, một người bạn vong niên, mà tôi hằng yêu quý.

 

*

 

Ngoài những bài viết có tính nhận định về thời sự, xã hội và chính trị ở vài diễn đàn chuyên về thông tin khác ra, thì hầu hết các sáng tác của mình đều được Nguyễn Viện cho xuất hiện ở ba trang mạng văn chương hàng đầu của Việt Nam hiện nay: Tiền Vệ, Talawas [*] và Da Màu.

Phần nhiều các sáng tác của ông đều đã xuất hiện trên các diễn đàn văn chương mạng trước khi được in thành sách, với số lượng rất ít dành tặng bạn bè, còn lại chỉ vài cuốn được in ở hải ngoại từ nhiều năm trước. Đến thời điểm này, tôi nghĩ Nguyễn Viện là một người viết toàn phần trên nền văn chương Việt Nam của thế giới ảo.

Có lần trong một cuộc thù tạc giữa bạn bè văn nghệ, không có mặt ông ở đó, khi nhắc đến Nguyễn Viện, một nhà văn nọ phán ngay, tôi không thể nhớ rõ nguyên văn câu nói, nhưng đại loại thế này, “Chữ nghĩa Nguyễn Viện thì ra cái mẹ gì!”. Nhưng khi bị hỏi gặng đã đọc những gì của Nguyễn Viện viết chưa thì ông ta cho biết mình chưa đọc hết quá vài trang, chỉ vài trang thôi cũng đủ để không chịu nổi thứ văn chương như thế. Lúc đó tôi ngờ rằng có thể vì lý do gì đó ngoài văn chương mà nhà văn ấy nói quá lời chăng, nhưng giờ thì tôi tin là ông ta nói thật. Nghĩa là văn Nguyễn Viện không phải là món dễ ăn và dễ thích, và chắc chắn là nó không là món ngon với nhiều người đọc.

Về sau tôi nghĩ thêm, văn Nguyễn Viện không dễ dịch ra tiếng nước ngoài, lý do là nó chứa nhiều tính liên văn bản, nhiều đặc thù của văn hoá, lịch sử và Việt ngữ. Thậm chí nó còn không dễ nắm bắt được ngay cả đối với một số lớn người Việt chưa quen với khí quyển văn chương của ông. Chữ và ý, thật và ảo, nghiêm túc và bỡn cợt, thành kính và báng bổ, thơ mộng và trần trụi... cứ xoắn xuýt lấy nhau trên các đường ranh rất mờ.

Pierre Bùi, một bạn văn, nhận định như sau:

Nói đến Nguyễn Viện cũng là nói đến một kỹ thuật viết hiện đại, thể hiện ở cấu trúc chuỗi xoắn kép, cho phép cùng lúc tiến hành song song hai hay nhiều mạch truyện khác nhau, đem lại cho tác phẩm tính đa thanh, đa tầng, ngay từ bề mặt, cũng như hệ quả của nó là sự phức tạp khó hiểu. Ấy hẳn cũng là một nguyên do khiến không ít người đọc truyền thống, vốn chỉ quen với những cấu trúc tuyến tính giản đơn, từ chối tiêu thụ ông. Nguyễn Viện trung thành với kỹ thuật này trong hầu hết các truyện của mình, và cũng đẩy nó đến mức già dặn và tự nhiên nhất có thể.
 
[trích bài phỏng vấn “Tôi đang đứng đúng ‘điểm rơi’ của lịch sử” do Pierre Bùi thực hiện, Talawas]
 

Với ông, văn chương không phải là trò chơi cho qua ngày đoạn tháng, mà là thái độ trước nó, một thảm kịch trí thức. Ông nói về nghề văn của mình nói riêng, và của Việt Nam nói chung :

Người viết văn Việt Nam, cho tới thời điểm này, vẫn hệ luỵ về những quan điểm chính trị, dù anh ta ở bất cứ đâu trên mặt đất. Bởi thế viết văn là một thảm kịch trí thức. Nhà văn không chỉ đối diện với chữ nghĩa mà còn phải đối diện với nhân cách của chính mình. Nhưng cũng giống như dân tộc của mình, nhà văn Việt Nam ít có khả năng tự vấn. Anh ta trôi dạt và kẹt vào nỗi sợ hãi, kẹt vào những vấn nạn ngoài văn chương. Ở đấy anh ta chết, hoặc dặt dẹo như quái vật. Hèn mọn.
 
 

Và:

Hình như đã có lần ở đâu đó tôi nói rằng, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam có những điều kiện thuận lợi như hiện nay để có những tác phẩm lớn. Bối cảnh xã hội phong phú bày cỗ sẵn cho những ai biết đón nhận, dĩ nhiên với điều kiện tiên quyết là anh không hèn. Với tôi, tôi cảm nhận một cách chân thành rằng mình đang đứng đúng “điểm rơi” của lịch sử. Bởi thế tôi đã viết miệt mài mê mải, viết tưởng như không bao giờ hết, viết ngấu nghiến, viết như sợ không còn cơ hội nào khác. Có lẽ vì thế người ta có thể tìm thấy tất cả các vấn đề: thời thế, ngôn ngữ, thi ca, triết học, thần học, đạo đức, tôn giáo, chính trị, lịch sử, truyền thống… Ngoài ra, tôi cũng muốn nói về đặc trưng trong sáng tác của tôi: dâm tính và sự vô danh phổ quát trong cuộc sống con người, thể hiện trong các nhân vật, một con đực (người đàn ông) và một con cái (cô gái), không hộ khẩu không lý lịch.
 
[trích bài phỏng vấn “Tôi đang đứng đúng ‘điểm rơi’ của lịch sử”, do Pierre Bùi thực hiện, Talawas]
 

Trong khi để giữ an toàn cho bản thân mình, hay vì một lý do cao đạo cho rằng ngòi bút của mình vượt lên trên chính trị, phần lớn các nhà văn Việt Nam né tránh đề tài này, hoặc khi đụng đến, họ dùng các thủ pháp ẩn dụ như một cách thế để không phải đối đầu trực diện với nó, thì Nguyễn Viện lại chọn chính trị như một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo của mình.

Cái bi kịch lịch sử là bi kịch của chính trị. Bởi thế, tôi thích viết về đề tài chính trị như một bi kịch về con người trong mối tương quan của số phận. Mặc dù đây là một đề tài hết sức nhạy cảm và nguy hiểm. Hẳn nhiên tôi không làm chính trị. Đối với tôi, chính trị, hay tình dục, tâm lý xã hội… cũng chỉ là những đề tài mà về mặt chất liệu ngôn ngữ như nhau. Nó chỉ có giá trị gợi hứng. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng: Đối với một nhà văn Việt Nam, bối cảnh xã hội đương đại Việt Nam là một loại chất liệu tuyệt vời nhất cho một nghệ sĩ sáng tạo. Nó mang đến đủ mọi tình cảm hỉ nộ ái ố… cũng như sự thúc giục bày tỏ.
 
Cái bi kịch của con người là bi kịch về sự nô lệ. Bởi thế, tôi đã viết bằng một ý thức giải phóng.
 
[trích “Nói chuyện với Nguyễn Viện”, do Thận Nhiên thực hiện, Tiền Vệ]
 

Theo ông, viết là một cách nhìn và tái hiện thực tại quanh mình trong hài hước và cay đắng. Tôi tự hỏi, có phải hài hước và cay đắng là biểu hiện tâm thức bất lực của trí thức Việt Nam trong thời đại hôm nay không? Vì, sự biểu lộ chân thành mà bất lực sẽ trở nên vô ích, thậm chí còn có vẻ lố bịch, thì tốt hơn là biến cái chân thành mà bất lực ấy thành ra sự biểu hiện mang tính hài hước.

Bi kịch trong tiểu thuyết của ông được hài hước hoá để không làm cho người ta rớt nước mắt, mà làm cho người ta bật cười, rồi văng tục, rồi có thể sau đó âm ỉ đau vì ngấm đòn. Nỗi đau càng lớn thì tiếng cười càng rộ. Ông chỉ nêu lên vấn đề nhưng không đưa ra, hay cố công tìm, cách giải quyết. Mà chuyện tìm ra giải pháp cho các vấn đề thì không phải là công việc của nhà văn, như có lần ông trả lời phỏng vấn: “... chăm sóc sức khoẻ nhân dân không phải là nhiệm vụ của tôi.”

Vấn đề của phần lớn các nhà văn Việt Nam hôm nay là họ “không có vấn đề gì cả”. Hoặc có vấn đề mà không thấy; hay thấy mà làm ngơ như không thấy; hay thấy và bày tỏ nhè nhẹ, bày tỏ chiếu lệ cho phải đạo; hay bày tỏ chính kiến mà thiếu hẳn hoặc sút kém tố chất nghệ thuật để tác phẩm của mình đường hoàng hiện diện như một tác phẩm nghệ thuật.

Trong khi đó, Nguyễn Viện đưa ra một thế giới phong nhiêu như Pierre Bùi nhận định:

Thế giới của ông thật phong phú - một giải quang phổ thấu thị bao la: hành khất và vua chúa; hàn sĩ và đại phú ông; gái gọi, má mì, cùng mệnh phụ, phu nhân; lái buôn cũng như văn nghệ sĩ; đạo tặc, lưu manh, với sen đầm, cảnh vệ; tứ chiếng, giang hồ, hay đạo sĩ, tiên tri - từng ấy chúng sinh thập loại được / bị ông cho đầu thai vào một nồi lẩu nhân gian vô cùng hí lộng, suy nghĩ, nói năng, hết sức... hì hà. Phải chăng ông muốn công bố một Ðoạn Trường Tân Thanh hiện đại, hay đúng hơn, một Nhuận Trường Ða Thanh?
 
[trích trả lời phỏng vấn “Tôi đang đứng đúng ‘điểm rơi’ của lịch sử” do Perre Bùi thực hiện, Talawas]
 

Một số tiểu thuyết của ông là những nồi lẩu sôi sùng sục, trong đó rau dưa, cá mú ăn nằm với các danh nhân lịch sử và mọi bậc thánh thần. Điểm thú vị ở đây không phải ở chỗ “dám chơi”, mà là ở chỗ sự lôi cuốn, hấp dẫn của chúng. Trong nồi lẩu đó, mọi thứ gia vị — dù có những thứ có nồng độ quá mức so với vị giác trước đây của thực khách — đều được chấp nhận với một tinh thần dân chủ như nhau.

Đọc văn xuôi của Nguyễn Viện, tôi nghĩ trước hết là đọc cái giọng văn: cái nhảy nhót, tung hứng, cà khịa, hí lộng, cà chớn, tưng tửng, lộng ngôn, ngoa ngôn, trần trụi, thô mộc và đôi khi có cả cái trau chuốt bất ngờ nữa. Một giọng văn thất thường. Các con chữ đều hàm hồ và đầy tố chất manh động. Tất cả những điều đó tạo khoái cảm cho người đọc. Ở văn xuôi của ông, thường độc giả chọn lựa ngay thái độ hưởng ứng của mình sau chỉ vài ba trang: hoặc khoái chí đọc mê mải đến dòng cuối, hoặc vất sang ngay bên và cho rằng đó là đồ rác rưởi.

Ông ý thức rất rõ và sử dụng rất giỏi yếu tố tạo sốc để quyến rũ và thách thức cái đọc của độc giả. Yếu tố tạo sốc đó thường nằm ở các hình tượng lạ thường, báng bổ và lộng ngôn. Có thể tìm được rất nhiều những đoạn văn có hiệu ứng như vậy trong truyện của ông, ở đó còn đậm đặc chủ nghĩa hiện thực thần kỳ. Ví dụ như:

...
Năm 975. Con rồng trên mái chùa Tiêu Sơn cũng đã ngửi thấy mùi lúa chín trong háng bà Phạm Thị. Đợi cho lúc ánh nắng chiếu vào mắt bà, con rồng quẫy đuôi bay xuống sân chùa và nó cũng không thể cuỡng nổi cơn thèm muốn uống cái mùi nồng nàn đồng ruộng của bà. Nó chui vào trong váy bà quẫy đạp làm nổi cơn cuồng phong suốt vùng Kinh Bắc. Từ ngày ấy, con gái Kinh Bắc lúc nào cũng dậm dật hát quan họ, chèo kéo một nỗi niềm xa vắng.
 
[trích tiểu thuyết TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, Tiền Vệ]
 

Kể từ cuốn THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ trở về sau, đọc các tiểu thuyết sau này của Nguyễn Viện, người đọc khó mà lần mò ra được cái cốt truyện như một câu chuyện có thắt mở hay có tình tiết đầu đũa ngọn ngành. Câu chuyện, nếu có, cũng nhảy cóc, phi thời gian, phi tuyến tính. Nhân vật và không gian cũng thoạt hiện thoạt mất, bất chợt và đầy tính ngẫu hứng. Có những nhân vật có thật ngoài đời xông vào trang văn tán tỉnh âu yếm nhau huyên náo, rồi không dưng biến mất tăm mà không có một dòng giải thích cho sự có mặt cũng như sự biến mất của họ. Sự hấp dẫn lúc này nằm ở những câu thoại dí dỏm, táo bạo, và thông minh. Trong những lời thoại đó, dục tính thường được đem ra làm món mồi trên bàn nhậu. Một thứ mồi trâng tráo, cay xè, đầy những bộ phận thân thể ướt rượt.

 

*

 

Ngoài các vấn đề về chính trị ra, có người cho rằng văn Nguyễn Viện nồng mùi tinh dịch, mùi mồ hôi, mùi da thịt... là đậm đặc dâm tính, thứ dâm tính được nhìn từ vị trí của một con đực. Tôi nghĩ, cho rằng văn ông đầy dâm tính là đúng, nhưng khi nói đến các phạm trù liên quan đến tính dục và nữ quyền thì cần xét lại. Câu chuyện đã đi sang một địa hạt khác.

Vậy mà kỳ, tôi chưa thấy một đoạn văn đầy dâm tính nào trong tiểu thuyết của ông thuần tuý chỉ để khiêu dâm. Sau cái dữ dội, phập phồng, hổn hển, nhầy nhụa đó luôn có một điều gì lớn lao hơn cần phải nói. Nó có thể là sự đồi truỵ theo một chuẩn mực đạo đức nào đó, nhưng là sự đồi truỵ phát sinh từ một bối cảnh đặc thù của xã hội mà con người sinh tồn trong đó. Trên những trang văn có sự tính toán lạnh lùng tàn bạo của con người, như đoạn văn sau đây, một nhân vật đề nghị với con cháu mình bán trinh của nó để mua đất làm nhà:

Chúng tôi đến Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu bán hàng. Một hôm dì nói với tôi rất ngọt ngào: “Dì muốn về núi Cấm mua miếng đất để dành sau này cất nhà, nhưng chúng ta không có đủ tiền. Dì muốn bàn với con vì dì nghĩ chỉ có con mới giúp được cho gia đình mình”. Bỗng dưng tôi thấy sợ dì, tôi ngập ngừng nói: “Con cũng đã làm hết sức rồi, còn làm được gì thêm nữa?”. Dì nói: “Con làm được”. “Việc gì vậy?”. “Dì đã đi hỏi rồi, bán trinh cho người ta sẽ được một món tiền cũng khá”. Tôi hỏi lại: “Chị Hai lớn hơn con, sao không để chị Hai bán trước?”. Mặt dì nghiêm lại: “Vì con Hai nó lớn nên không ai thèm mua”. “Chị chỉ hơn con có ba tuổi thôi mà?”. “Nhưng người ta muốn càng bé càng tốt, con hiểu không?”. Tôi không hiểu. Tôi lắc đầu: “Con không làm đâu. Xưa nay mình không có nhà thì cũng có sao đâu”. “Nhưng chẳng lẽ mình cứ lang thang mãi thế này?”, dì hỏi lại. Tôi im lặng. Khóc. Chuyện có nhà hay không tại sao lại đổ lên đầu tôi?
 

Và tiến trình bán mua:

... Tôi lẳng lặng cởi quần áo. Ông ấy im lặng nhìn. Để thoát ra khỏi cơn nghẹt thở, tôi nói: “Phụng đã bán mình, ông muốn làm gì thì làm đi”. Ông ta hút thuốc, có lẽ ông ta muốn chờ tôi giải thích. Tôi cần tiền, có gì phải nói thêm. Tại sao ông không giải thích hành động của mình? Tôi đã cho, ông không lấy. Bây giờ ông đi mua, thì tôi bán tôi đây. Ông vẫn im lặng. Tôi hét lên: “Phá trinh tôi đi”. Rồi nằm vật xuống giường. Ông để yên cho tôi khóc.
 

Và hệ quả:

Một tảng đá phẳng, chênh vênh sát biển sau khu vườn điều. Anh đặt tôi trên đó. Anh hỏi: “Chuyến đi vừa rồi vui không?”. Tôi bảo cũng bình thường, có gì vui đâu. “Có nhiều tiền mà không vui à?”, anh hỏi. Tôi chột dạ: “Anh nói gì vậy?”. “Chuyện ấy cô tự biết chớ”. Tôi nổi xung: “Nếu là chuyện của tôi, thì tôi có biết hay không mặc xác tôi”. “Cô tưởng là cô giấu được tôi hả? Tôi tưởng cô đàng hoàng, ai ngờ cô gìn giữ trinh tiết của cô để đem bán cho mấy thằng giàu có…”. Tôi hét lên: “Anh im đi. Ai nói với anh chuyện đó?”. “Chị cô chớ còn ai. Cô còn giấu nữa không?”. Trời ơi, chị Hai. Má chị đã toan tính chôn sống cuộc đời tôi, chị không thương, bây giờ đến lượt chị hãm hại tôi. Tôi có tranh giành gì với chị đâu.
 
Làm sao tôi có thể thanh minh với anh đây? Tôi hỏi: “Anh có tin em không?”. “Không có con đĩ nào tin được”, anh sỉ nhục tôi. Tôi không muốn nói gì nữa, đứng lên bỏ về. Nhưng anh chặn tôi lại, không cho đi. Anh nói: “Bây giờ đến lượt tao”. Túm lấy cổ áo tôi, anh giật, rồi tát túi bụi vào mặt, tôi không đỡ được. Càng đánh anh càng hăng, anh đấm đá tôi lung tung khắp người. Đau quá không chống cự nổi, tôi chỉ biết chửi bới.
 
Đến khi tôi mềm nhũn không la hét nữa, anh mới lột đồ tôi. Anh bóp vú tôi đau điếng, nhưng thật không kinh khủng bằng việc anh thọc tay vào lồn tôi. Tôi thật sự bị vỡ oà. Người tôi đã đầy máu, thêm một chút máu trinh nữa thì có ý nghĩa gì. Tay anh thọc tới thọc lui. Sự co giật của tôi có lẽ là đỉnh điểm của kích thích, anh đút cặc vào tôi. Tôi nghĩ thầm: “Thế là xong”. Cho tôi chết đi. Nhưng Trời Phật cũng không thương tôi. Anh nói: “Mày cần phải biết thế nào là đĩ”. Không biết lấy đâu ra một cái chai, anh banh chân tôi ra và thọc mạnh vào. Tôi ngất xỉu.
...
 
Lồn tôi tan nát. Đau đớn. Phải giải phẫu đến ba lần mới lấy ra hết các mảnh chai vỡ.
 
[trích tiểu thuyết ĐI TỚI CUỐI ĐƯỜNG, RỒI..., Tiền Vệ]
 

Đọc những đoạn văn như trên, tôi thấy mình nguội đi và có nguy cơ trở nên lãnh cảm. Sau sự tàn bạo trong dục tính là nỗi ê chề đau đớn rất cụ thể của thân phận “một-con-cái” trong xã hội loài người.

 

*

 

Một dạng dục tính khác, cũng các bộ phận thân thể và hành vi tính dục nhưng lại mang đến những xúc cảm nhân bản; và khi hành vi tính dục thăng hoa với nghệ thuật:

Ở Đà Lạt, ông yêu tôi. Tôi đã khóc khi ông bú lồn tôi. Lưỡi của ông và nước mắt của tôi đã tha thứ và rửa sạch tôi khỏi mọi tội lỗi và nhơ nhớp. Chúng tôi yêu nhau ngậm ngùi và sâu thẳm. Miên man tôi chìm ngập trong ông và bừng sáng bên ông.
 
Khai mở những cảm xúc tình dục và khám phá về thân xác của một cô gái mười bảy tuổi là niềm hứng khởi vô biên trên lộ trình sáng tạo và cuộc sống tôi. Thật khó có thể nói về một tình yêu mà khoảng cách tuổi tác quá lớn, nhưng chính tình dục và sự rực rỡ của nó hoà quyện chúng tôi với nhau và đặt chúng tôi trong một tương quan ngoài lý tính. Làm tình và vẽ. Tôi cởi truồng cầm cọ. Màu sắc trong tranh tôi rừng rực. Đôi khi tôi quẹt sơn lên cả người Phụng. Tôi vẽ những giấc mơ của con người. Tôi để Phụng tuỳ thích lăn người trên sơn ướt. Tôi hoà trộn Phụng, tôi, mồ hôi và nước nhờn vào tranh. Da bụng của Phụng mỗi ngày một căng phồng lên, láng bóng. Tôi thích vẻ đẹp kiêu hãnh và hạnh phúc của những cô gái mang bầu con so. Và tôi thường vuốt ve khoảng bụng căng phồng của Phụng. Cô nói: “Nó là con anh”. Tôi vẽ những cái hũ nâu đất, nuôi giữ trong nó mọi thứ sinh linh như một thứ bào thai. Những cái hũ không sinh nở. Những sự chứa đựng. Âm u và nồng nàn. Tôi cũng vẽ Phụng ngồi trên đầu tôi như một biểu tượng quyền lực và sự phục tùng dâm tính.
 
[trích tiểu thuyết ĐI TỚI CUỐI ĐƯỜNG, RỒI..., Tiền Vệ]

 

*

 

Đây lại là một dạng khác của dục tính trong văn Nguyễn Viện:

Con Mi khoe: “Con trai bú lồn đã không chịu được”. Tôi hỏi: “Mày có người yêu rồi à?”. Nó gật đầu. Tôi nói: “Mày kín nhỉ. Có bồ mà không ai biết”. “Tao phải giấu thôi. Mày cũng giấu giùm tao”, nó nói. Tôi hỏi tại sao phải giấu? Nó bảo vì anh ấy là một chú tiểu. “Thì bảo nó xuất gia về nhà cưới mày”, tôi nói. “Không được. Nó vẫn muốn ở chùa”. Mô Phật. Tôi không hiểu được chuyện này. Con Mi có đôi chân cao như tôi và dáng đi nhảy nhót, mặc dù tay nó lúc nào cũng bưng một thúng nhang. Buổi tối nó cũng thích vào chùa nghe kinh, tôi không nghĩ nó muốn được gặp chú tiểu của nó. Tôi không đoán ra người yêu của nó là ai. Tôi hỏi: “Mày tính sao?”. “Chẳng tính gì cả. Cứ sướng cái đã”, nó bảo.
 
[trích tiểu thuyết ĐI TỚI CUỐI ĐƯỜNG, RỒI..., Tiền Vệ]
 

Thật buồn cười vì cái hóm hỉnh và trâng tráo của những con chữ. “... Cứ sướng cái đã”. Mọi thứ nhảm nhí và thiêng liêng được đặt ở các vị trí kề bên nhau, được trộn lẫn vào nhau. Khoái hoạt. “... Cứ sướng cái đã”. Nhưng, và lại nữa, một nỗi băn khoăn mơ hồ cho biết rằng dường như sau cái trâng tráo hàm hồ của dục tính là điều gì bí mật còn nằm ngoài cảm nhận của mình.

 

*

 

Bạn đang chán đời ư? Một trong những liệu pháp để tìm dăm nụ cười mà tôi sẽ khuyên bạn là hãy tìm đọc vài đoạn bất kỳ trong EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH. Ngay lúc viết xong những dòng chữ này, tôi vào truyện này trên Tiền Vệ và bấm vào một trang bất kỳ:

Tôi giả định rằng, một ngày đẹp trời, chim trong quần hót, bướm trong quần bay, Chatte Noire nói em yêu anh, Đ cũng nói em yêu anh, N bảo thôi em tha cho anh, P bảo em về với anh, TQ nói em đến với anh. Thì sao nhỉ? Ai cấm tôi tưởng tượng cho sướng.
 
Chatte Noire hỏi tôi phải sẵn sàng như thế nào cho cuộc gặp gỡ? Tôi nói chuẩn bị cả linh hồn và thể xác. Câu nói ấy dường như không được rõ ý lắm và Chatte Noire không viết cho tôi suốt hai ngày. Không biết cô có nghe thấy tiếng tôi kêu cứu không? Đ cũng im lặng suốt ba ngày nay. Các em ơi, lỗ mãng là tính nết bẩm sinh của anh, nhất định không phải bởi nền giáo dục ưu việt của chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nền giáo dục có thể thất bát, nhưng tính bẩm sinh của anh không bao giờ thay đổi. Cho nên, nếu một ngày nào đó trời đất đảo lộn, tính bẩm sinh của anh thay đổi, có nghĩa là sông không bao giờ cạn, núi không bao giờ mòn, nền giáo dục không bao giờ thất bát. Tôi nói lăng nhăng như thế để phân trần với Đ và Chatte Noire rằng, sự lỗ mãng của tôi rất vô tội vạ.
 
Tin thời tiết qua truyền hình cho biết trời Hà Nội ban đêm rất lạnh. Em ủ em bằng gì?
 
Sài Gòn cũng đang rất đẹp. Buổi chiều nhiều mây. Trời không có nắng. Em đi chơi với anh không?
 
Cả Đ và Chatte Noire đều không trả lời. Tôi nghĩ đến tính ảo của trò chơi này. Ít ra những cảm xúc của tôi về họ đã là thật. Đ bảo, sợ rằng những điều em cho anh biết sẽ làm anh sốt. Chẳng phải em đã làm anh âu lo sao? Đ cũng bảo đã xem hình tôi trên Tienve và Hợp Lưu. Phong trần nhưng cái bản mặt dễ bị con gái lừa. Đúng quá, mẹ anh cũng bảo thế. Suốt đời con sẽ khổ vì gái.
 

Bấm thêm một trang khác thì ra thế này:

Ma vào Sài Gòn tìm tôi. Đón Ma ở sân bay, tôi nhận ngay ra Ma giữa những con người phàm tục. Tôi ngỡ ngàng vì Ma quá đẹp. Tuy biết rằng yêu Ma thì chết sớm, tôi cũng không thể cưỡng được việc đè Ma trên Taxi. Ma bảo sao anh vội thế? Anh có còn sống bao lâu mà không vội. Theo đúng truyền thống thì em phải đè anh trước, Ma nói. Tôi bảo con người không thể bình tĩnh bằng ma. Môi Ma mềm mà trong suốt. Vú Ma không nhão mà cũng trong suốt. Mông Ma như cầu vồng lấp lánh và hẳn nhiên trong suốt. Cái cảm giác trong suốt ấy làm cho cặc tôi đụng tới hư vô. Đấy cũng là lúc Ma cong người rên lên một tiếng lớn. Vũ trụ mở ra cánh cửa sau cùng. Và tôi thấy.
 
Ma đạp tôi ra. Cô tài xế Taxi hỏi: Ông về đâu?
Thì cứ về chỗ nào cô thích.
Tôi cho ông về đồn công an nhé.
Vâng.
Ma cười. Tôi thấy tóc cô tài xế dựng đứng.
 

Rồi bấm thêm một trang bất kỳ khác nữa:

Lựa chọn nào cũng là em. Chiều nói cơn bạo loạn dưới chân tóc đã bắt đầu. Ở đâu có Phật ở đó có ma, em không quét lá sân chùa nữa. Tóc em có mùi bia, những người đàn ông cúi xuống. Chiếc váy ngắn kéo lên. Cảm thức về mùi tràn ngập em. Mồ hôi và sự nhớp nhúa hai bên háng. Em muốn biết về chiến tranh, có thể đọc ở đâu? Cứ nhìn sự chia rẽ chung quanh. Người đàn ông kể, nhà anh ở vùng xôi đậu. Ngày phe ta đêm phe mình. Mùa gặt, phe ta buộc cất lúa vào trong nhà kẻo mất. Tối đến, phe mình bảo đứa nào giấu lúa tao đốt nhà. Đấy là chiến tranh trong mùa nóng. Tàn cuộc, những người lính không giải ngũ ngồi uống rượu, tay vẫn lăm le khẩu súng, ở đâu cũng thấy quân thù. Đấy là chiến tranh trong mùa lạnh. Khi em cởi quần lót, thế giới sẽ hoà bình. Những người đàn ông chạy nhong nhong qua những gốc cây luồn lách cơn cuồng dâm của quỉ. Họ đeo chuông dưới chân và hô to hãy tránh đường. Nhưng rồi họ vẫn húc vào nhau. Chồng em chết và con em chết. Quyền sống của em là gì? Cây ngọc lan trong chùa hoa không rụng nữa, tiếng cầu kinh đóng kín đời em vào hương khói. Thực chất của bạo loạn là gì? Em treo quần lót lên thành cờ, chống lại em chống lại cái phương đông huyền bí nhu mì chống lại số phận chống lại mọi nỗi niềm chống lại mọi cám dỗ chống lại mọi u mê chống lại mọi tỉnh táo chống lại mọi giới răn chống lại mọi buông tuồng chống lại cái phải chống.
 
Chiều lại hỏi tôi: “Anh viết về chiến tranh có bằng con mắt của người Việt không?”. Mẹ kiếp, anh muốn chửi thề văng tục. Bố anh là rồng, mẹ anh là tiên, đẻ ra anh là con bìm bịp. Con bìm bịp một hôm xuống núi nhìn thấy một con bìm bịp khác, hỏi: Mày có phải là bìm bịp không? Con bìm bịp khác nói để tao về hỏi mẹ cái đã. Nó về hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con là gì?”. “Con là con của mẹ”. “Có đứa hỏi con có phải là bìm bịp không?”. Bà mẹ suy nghĩ rồi nói: “Một hôm mẹ lên nương, dẫm phải bước chân trâu to lớn, về nhà có bầu sinh ra con, nên gọi con là con gì cũng được”.
 

Cứ thế, “... gọi con là con gì cũng được”, cà chớn và tào lao, nhưng hình như, vâng, hình như sau nó có một điều gì bất thường bí ẩn. Có sống, chết, cặc tôi đụng tới hư vô, váy ngắn kéo lên, giấu lúa, đốt nhà, vũ trụ mở cửa, nhớp nhúa hai bên háng, tiếng cầu kinh đóng kín đời em vào hương khói, chiến tranh... Có đủ mọi cái, mà cái nào cũng đều quá khổ, cũng đều mấp mé cái tận cùng, nhưng sao giọng người kể lại tỉnh rụi vậy cà?

 

*

 

Nếu đi tìm những gì cao siêu, thánh sạch, trầm tư, chân lý, nghiêm cẩn... thì bạn nhầm địa chỉ rồi. Còn chỉ để cho qua một giờ thư giãn, xin mời vào Nguyễn Viện Quán, các em xin tận tình phục vụ đấm bóp, thổi lỗ tai và thọt lét, vừa lành mạnh vừa miễn phí, và vui, vui đếch chịu được, cười bò càng ra nước mắt nào hay!

Trong các trang văn của mình, ông không uý kỵ hay e ngại phạm thánh với điều gì cả, chỉ còn lại câu hỏi “có nhu cầu viết ra hay không” mà thôi. Ông giễu cợt tất cả mọi thứ hiện hữu trên cõi đời nếu thấy cần thiết cho nhu cầu viết của mình. Đặc biệt là tính cách trơ tráo đến bất thường của mọi nhân vật. Nhất là các nhân vật xưng “tôi”.

Truyện của ông không phải là nỗ lực tái hiện hay tạo ra một thực tại để thuyết phục người đọc tin vào sự khả tín của nó, mà là tạo ra một thực tại và thuyết phục người đọc đừng tin vào sự khả tín của nó. Tôi đang giễu cho vui đó mà, nhân loại ơi hãy cười rộ lên đi!

Những lúc như thế, ẩn dưới câu văn, tôi nhìn thấy nụ cười và ánh mắt tinh quái sau làn kính cận của ông đang nhìn mình, soi mói và hóm hỉnh, đã đời chưa?

 

*

 

Nhưng không phải luôn luôn là như thế, có khi bất chợt tôi lại bắt gặp một Nguyễn Viện khác, rất khác. Tôi thấy, sau những dòng chữ tâm cảm, hình tượng và tiết điệu bất thường mang nhiều chất thơ kia, là nỗi nghẹn ngào:

Tôi đã trở về nơi tôi từng sống với bố mẹ và những đứa em. Căn nhà ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã thuộc về một ai đó, tôi không biết. Điều chắc chắn nhất là tôi đang bước lên chiếc cầu thang gỗ. Phía dưới, đứa em gái áp út nằm ngủ trên ghế bố sau quày hàng. Mẹ tôi nằm ở chiếc giường phía trong. Tôi chỉ nghe thấy tiếng họ trong ký ức. Bố tôi đang bận bịu gì đó trong nhà bếp. Cũng chỉ là những âm thanh rất xa tiếng bố tôi phàn nàn vì đồ đạc thất lạc. Không nhìn nhưng tôi cũng biết đứa em gái kế tôi đang thay quần áo sau cánh cửa tủ. Tôi nghĩ cần phải sắp xếp lại căn gác cho hợp lý. Sẽ kê cái tủ ngay sát đầu giường cô em thay bức bình phong cho kín đáo. Bàn máy vi tính của thời tương lai đưa vào sát tường. Phần giữa nhà sẽ kê một bộ bàn ghế mây. Còn chiếc giường sát cửa sổ phía sau, trong một thoáng tôi không nghĩ được nó thuộc về ai. Tôi không nhớ được mình vẫn ngủ ở đâu trong căn nhà này. Và một nỗi bơ vơ tràn ngập tôi. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngôi nhà thờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng đọc kinh khi nhà thờ hoàn toàn vắng người, lúc ban trưa hoặc nửa đêm. Cuộc chiến tranh đã đưa đẩy gia đình tôi đi nhiều nơi, ở nhiều căn nhà khác nhau, và tất cả chúng tôi đều nghĩ đây sẽ là căn nhà chúng tôi sống mãi mãi, cả khi chúng tôi không một ai còn tồn tại. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở về. Các em tôi cũng đã trở về. Bố mẹ tôi cũng trở về...
 
... Phía sau lưng tôi, người đàn bà cười sằng sặc: Bé giái non hột mà cũng học đòi. Mẹ tôi bảo về nhà đi con, thế giới này đầy cạm bẫy. Tôi thắp một cây nhang cắm xuống đất. Lạy thổ thần, người là mẹ của hoa trái, là bà cố của tai ương, xin hãy chỉ đường cho tôi về nhà. Người đàn bà đốt phong long quơ ngọn lửa ngoài cửa. Thổ thần uống rượu trắng khề khà. Tất cả chúng mày đều vớ vẩn. Tôi nhắm mắt bước. Con đã về rồi đây mẹ ạ. Nhưng quả thật, tôi không thể nào nhớ được cái giường tôi vẫn ngủ nằm ở đâu.
 
[trích tiểu thuyết TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, Tiền Vệ]
 

Họ là ai? Cõi đời nào vậy? Ai lên cơn tâm thần mê sảng?

 

*

 

Trong văn chương, mọi ý đồ so sánh giữa tác giả này và tác giả khác phần lớn đều khập khiễng. Nhưng tôi nghĩ, nếu (xin nhấn mạnh ở chữ “nếu” này) muốn so sánh Nguyễn Viện với một ai đó trong văn chương Việt Nam, tôi nghĩ ngay đến Vũ Trọng Phụng. Nhưng là một Vũ Trọng Phụng tân kỳ và bí mật, báng bổ và trơ tráo, và đi xa hơn Vũ ở chỗ Nguyễn không chỉ phiêu lưu trong các đề tài xã hội như Vũ, mà còn chạm đến những vùng huý kỵ trong các lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hoá, truyền thống Việt... và cả những giá trị ngỡ là bất biến từ bao lâu nay. Và ông chưa đi hết con đường của mình. Đích đến vẫn là điều bí mật mà cuộc đời dành cho trước mặt.

Nguyễn Viện có nhiều thể nghiệm trong văn xuôi hơn là trong thơ. Hầu như mỗi cuốn tiểu thuyết của ông, nhất là các cuốn sau này do nhà xuất bản CỬA thực hiện, đều đề xuất những thử nghiệm mới trong cách viết của tác giả và cách đọc của độc giả.

1/ EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là một tiểu thuyết mở, một dạng “online feuilleton”, điểm nhấn của nó là sự tương tác tức thời của người đọc và người viết. Một điều thú vị là hầu hết các nhân vật trong truyện đều là các độc giả tham gia vào truyện một cách trực tiếp trong quá trình thực hiện nó. Nó làm tôi nghĩ đến một dạng thức văn chương có yếu tố “pop art” trộn lẫn với “performance” đầy tính ngẫu hứng và phù ảo trong nghệ thuật tạo hình đương đại.

2/ Ông cho rằng, “Với 26LẦNTỜBỜLỜ, có thể có những ý kiến cho rằng đó chỉ là một tập hợp các truyện ngắn. Tuy nhiên, tôi muốn độc giả đọc nó như một tiểu thuyết gồm 26 chương khác biệt. Qua đó, tôi muốn đề xuất một khái niệm khác cho tiểu thuyết.”

3/ Còn TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾNĐI.COM là “một” tiểu thuyết phi cấu trúc.

Ông cho rằng TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN là một bước đi quan trọng trong nghiệp văn của mình. Ông muốn giải quyết một lần, cho xong, những vấn nạn của lịch sử Việt Nam, đối với chính ông. Trong truyện này ông đẩy tối đa khả năng hư cấu, nghĩa là mọi chuyện đều được cho phép, bất kể chúng có hợp lý theo cách nghĩ bình thường hay không. Các nhân vật và sự kiện lịch sử hoàn toàn được tạo dựng, sắp đặt và cưỡng chế một cách tuyệt đối chủ quan theo ý đồ của ông. Ông tạo cho các nhân vật của mình những lý lịch và hành vi hoàn toàn khả nghi nếu so với thứ chính sử đã và đang được phổ biến ngoài đời thật. Ông in ấn, phát hành và tuỳ nghi sử dụng mọi loại tiền tệ trong thế giới của mình.

Tôi nghĩ, có thể gọi trường hợp thế giới tiểu thuyết của Nguyễn Viện là “một thế giới bị đểu hoá, nó trở nên một sân khấu ảo hoặc đầy những thần thánh và bọn hề”.

 

*

 

Trong những ngày rộ lên hiện tượng biểu tình chống biểu hiện xâm lược của Trung Quốc, tôi bắt gặp một Nguyễn Viện khác, một Nguyễn Viện lồng lộn phẫn nộ về hiện tình đất nước trước nạn ngoại xâm:

Khi chúng ta đứng lên đòi lại tổ quốc
đòi lại đất
đòi lại biển
đòi lại nhà cửa, ruộng vườn
đòi lại sự công bằng
Chúng ta cũng đòi lại danh dự và tự do
Chúng ta cũng đòi lại quyền làm người chân chính
 
Khi chúng ta đứng lên đòi lại niềm tin
đòi lại công lý
Chúng ta cũng đòi lại an bình và tha thứ
Chúng ta cũng đòi lại sự thật
Chúng ta cũng đòi lại tiếng nói
của bao dung trước hận thù
 
Khi chúng ta đứng lên
chúng ta có thể chết
nhưng chúng ta vẫn phải đứng lên
vì không thể khác.
 
[trích “Vì không thể khác”, Tiền Vệ]
 

Có thể đây không phải là một bài thơ hay của ông, nhưng nó cần thiết, vì nó biểu lộ một thái độ “làm người”, cần phải có, trong thời điểm đó. Những tình cảm đi đến tính cách cực đoan thường được thể hiện trong thơ của ông hơn là trong văn xuôi. Và lạ một điều, trong khi văn ông có nhiều tố chất mơ hồ huyền ảo, thì thơ lại ngược lại, dường như nó phát biểu rất chính xác và rõ ràng điều ông muốn bày tỏ.

Cảm hứng văn chương của ông không chỉ được gói gọn, khu biệt trong không gian và các vấn đề của Việt Nam, mà ông còn gào thét vì sự bất công, cái ác, cái xấu... đang diễn ra ở những nơi xa xôi khác, đặc biệt là ở những nơi con người đang bị khủng bố và tước đoạt quyền sống, quyền được đứng dưới mắt Thượng đế và trong cõi đời như một Con Người. Đây là Tây Tạng:

Máu của người lại chảy giữa dòng kinh ẩn mật
Máu của người lại chảy trên đỉnh núi tuyết trắng
những ngọn gió bị lãng quên
Máu của người loang giữa phố
Máu của người tràn vào khoảng không bất tận
những ước mơ cùn mòn
 
Sự chọn lựa của chúng ta là máu
Sự đòi hỏi của chúng ta là máu
 
Trên đỉnh núi tuyết trắng, máu của người thác đổ
máu của người trổ bông
máu của người chói sáng
Giữa dòng kinh ẩn mật, máu của người vang lừng âm sắc
máu của người rực rỡ thơm tho
máu của người kính tín
phiêu bồng
 
Sự chọn lựa của chúng ta là tự do
Sự đòi hỏi của chúng ta là tự do
 
Chúng ta đến mặt đất này không để khóc
Chúng ta đến mặt đất này không để chết
 
Và bởi thế, chúng ta đứng lên
như ngọn triều
như mặt trời mặt trăng
như chính chúng ta phải thế.
 
 

Và đây là Miến Điện:

Tôi chỉ cần thở không kìm nén
Tôi chỉ cần hát như tôi thích
Tôi chỉ cần nói như tôi thấy phải
Tôi chỉ cần đi lại như tôi muốn
Tôi chỉ cần viết như tôi nghĩ
Tôi chỉ cần người lãnh đạo đất nước giúp tôi làm được những điều đơn giản như thế
Tất nhiên tôi vẫn phải làm mới có ăn
Nhưng tôi muốn miếng ăn của tôi không tủi nhục
Tất nhiên tôi vẫn phải làm mới có chỗ dung thân
Nhưng tôi muốn cái nhà của tôi không phải là chỗ chạy trốn
Tất nhiên tôi thích giàu có
Nhưng tôi không muốn đồng tiền của mình bất chính
Tất nhiên tôi thích quyền lực
Nhưng tôi không muốn quyền lực của mình xoá bỏ nhân phẩm người khác
Tôi không muốn phải im lặng vì sợ hãi
Tôi không muốn hèn hạ để trở thành người khôn ngoan
Và tôi muốn xuống đường để hô to: Con người cần tự do như cần thở
Và tôi muốn khi tôi hô lên như vậy, tôi không bị bắt và đánh đập.
 
 

Trong những bài thơ này, tần số của hai chữ “tự do” được lập lại nhiều lần. Sao vậy? Không phải ông chỉ kêu đòi “tự do” cho các đất nước xa xôi đó, ông đang kêu đòi cho chính mình.

Hãy thử đọc đôi điều ông viết về “tự do”:

Trong chừng mực nào đó, tôi vẫn còn sợ. Bởi tự do và tự chủ ở Việt Nam nằm trong phạm trù phạm pháp. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể bị gán cho cái tội “lợi dụng tự do dân chủ để chống phá nhà nước”. Nhưng đồng thời tự do và tự chủ của công dân cũng không được coi là một khả năng. Hoặc anh chịu sự lãnh đạo của Đảng, hoặc anh bị các thế lực chống phá từ nước ngoài xúi giục.
 
Ngay khi viết những dòng này, tôi vẫn phải cân nhắc. Bất cứ nhà văn tự do nào cũng cảm thấy mình là kẻ nằm trên thớt. Mỗi lần công bố một tác phẩm hay một bài viết là mỗi lần chần chừ trước nỗi sợ. Tôi chỉ bước qua được nỗi sợ bằng sự tự trọng.
 
Tôi còn sợ, thì tôi còn hài hước và đểu cáng. Tôi mong một ngày kia tôi có thể viết một cách nhân ái và độ lượng.
 
[trích bài phỏng vấn “Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết” do Tiền Vệ thực hiện.]

 

*

 

Trong những ngày này, đầu tháng 10-2008, khi tôi đang viết bài này, chừng như Nguyễn Viện đang thơ mộng lắng mình lại với những dự cảm về thân phận, tình yêu, và trò chơi vừa chói sáng vừa tuyệt vọng mà mình bày ra, trong thơ:

Đến một ngày anh sẽ không viết nữa
Tiếng lách cách của bàn phím sẽ tắt lịm trong giấc ngủ
Và rừng tàn và bất tận và thác lũ và miên man
Trên mỗi ngọn đèn đường ma hời âm vọng
Bóng con thiêu thân lao vào vĩnh cửu
Đến một ngày anh gõ cửa âm ti và nghe tiếng em rạo rực
Sự sống vẫn còn đâu đó mà anh không thể gặt hái
...
 
[trích “Ngày sinh của mây”, Tiền Vệ]
 

Và,

Khi ở cuối đường, người đã bỏ rơi tôi
Và lũ gió cắn xé tôi
Bọn buôn thần bán thánh nhục mạ tôi
 
Bởi vì tôi chỉ là một đám mây thoáng chốc
Tôi không khóc sự vĩnh hằng
 
[trích “Về một đám mây”, Tiền Vệ]
 

Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở cuối đường?

Ông nói, “Tôi mong một ngày kia tôi có thể viết một cách nhân ái và độ lượng.”

Tôi thì không mong như vậy, tôi mong ông làm cái điều mà như một nhà văn khác đã nói, “... tôi sẽ đẩy đến tận cùng cái những người khác chỉ đẩy được một nửa.”

Tôi nghĩ, cái tận cùng đó chính là ông, Nguyễn Viện, con người phạm thánh.

 

*

 

Bởi vì tôi chỉ là một đám mây thoáng chốc

Tôi không khóc sự vĩnh hằng.

 

SG, 10/2008
THẬN NHIÊN
 

 

_________________________

[*]Talawas từ tháng 11/2008 đã đình bản, và đã tái xuất hiện vào từ 3/2009 dưới hình thức một BLOG chuyên về chính trị, xã hội.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021