thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết của Vương An Ức

 

Chân dung Vương An Ức[*]

 

Trở lại với Thắm sắc hoa đào, [1] Vương An Ức (Wang Anyi) tiểu thuyết gia đương đại kỳ tài của văn đàn Trung quốc, một lần nữa khắc sâu phong cách nghệ thuật phóng túng mang những ảnh hưởng rõ nét của lối viết hiện đại, thậm chí hậu hiện đại, cũng như một quan niệm con người độc đáo của riêng bà.

Vấn đề xây dựng nhân vật, với tính chất cá thể và độc đáo trên góc độ thẩm mỹ, bút pháp được xem là chủ yếu của lối sáng tác hiện đại, trong các tiểu thuyết của Vương An Ức, từ Trường Hận ca [2] cho tới Thắm sắc hoa đào, có sự biến hoá khác lạ rõ rệt, phản ánh những thay đổi trong tư duy thể loại cũng như thế giới quan của chính nhà văn.

Xu hướng tư tưởng chung của văn học và nghệ thuật Trung quốc kể từ sau năm 1980 thiên về mô tả con người riêng tư, cảm xúc, thậm chí là con người sinh vật, để đối trọng lại khuynh hướng duy ý chí tập thể, áp đặt, cá nhân bị bóp nghẹt của thời kỳ trước. Tuy nhiên, sự “khai phóng” về cá thể cũng như bản năng được đa số các nhà văn miêu tả như những đặc điểm cụ thể trong từng hoàn cảnh, từng câu chuyện, mà chưa được xem như một triết lý về con người. Điều này thể hiện rõ ràng trong sáng tác của thế hệ nhà văn cùng thời, Giả Bình Ao, Thiết Ngưng, Trương Hiền Lượng, A Lai... Vương An Ức có sự tinh tường khác hẳn, khi chọn hình tượng trung tâm trong sáng tạo của mình (khác với quan niệm “nhân vật trung tâm” của từng tác phẩm ) là con người bình thường, hay nói cách khác, là đặc tính “phổ biến”, không nổi trội, phần phổ quát nhất trong con người nói chung, biến nó thành đối tượng mô tả văn học. Nhờ thế, phần bản năng, duy cảm, riêng tư mà các nhà văn khác chỉ nhìn như biểu hiện đơn lẻ, hoặc coi nó là thiểu số, là bi kịch trong thời đại ý chí tập thể, lại trở thành kênh riêng biệt để khám phá một bản chất khác đầy tràn, mới mẻ, về con người, thậm chí đây mới là bản chất thiết yếu vốn dĩ, cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, hình tượng con người của Vương An Ức, từ Trường Hận ca đến Thắm sắc hoa đào, luôn có tính chất nước đôi. Từ cái “phổ quát” nó luôn có xu hướng tiến đến cái dị biệt, và ngược lại. Sự dung hoà hai thuộc tính này không chỉ tuân theo logic nội tại của việc miêu tả nhân vật.

Con người bình thường của Vương An Ức trước hết có ý nghĩa tước bỏ mọi sự lý tưởng hoá, mọi sự gán ghép “thêm” cho bản thân tồn tại vốn dĩ. Xa rời kiểu nhân vật lý tưởng chính là sự không thừa nhận tính chất khuôn mẫu, trần thuật một chiều của tác phẩm thường thấy trong lối sáng tác tiền-hiện đại. Vương Kỳ Dao trong Trường Hận ca là người thiếu nữ đẹp của Thượng Hải, nhưng là cái đẹp không xuất chúng, có thể bị lẫn vào xung quanh. Vẻ đẹp “một cách bình thường” bộc lộ tính chất nước đôi của nhân vật, vừa là “người đẹp”, vừa đại diện cho phẩm chất “thông thường”.

Nhân vật con người bình thường của Vương An Ức hiện lên với bản chất và tầm vóc chưa từng có trong tiền lệ văn học Trung quốc. Con người khuất phục hoàn cảnh.

Cô nữ sinh Vương Kỳ Dao, Á hậu thứ hai của một cuộc thi Người đẹp ở thượng Hải hồi những năm 50 thế kỷ trước, bình thản đón nhận tình yêu đầu đời với ông Lý, một quan chức quân nhân vào hàng cha chú, ngưỡng mộ nhan sắc cô. Không vướng bận bởi giáo lý, sự kỳ thị, hay hình mẫu nào, con người tươi sáng và yêu đời như Kỳ Dao chấp nhận những người tình không hề danh giá, đẹp đẽ theo tiêu chuẩn của xã hội đương thời đến với mình, vì tình yêu chân thành. Chấp nhận mọi hoàn cảnh thua thiệt do đời sống mang lại, không một chút bất bình giận dữ hay oán thán. Kỳ Dao được miêu tả trong niềm vui tràn đầy vốn dĩ của tồn tại: tự kiếm sống, sinh và nuôi con một mình, nấu những bữa ăn tinh tế, tụ họp bạn bè những buổi chiều thong thả, buổi tối đầm ấm... Nhân vật Kỳ Dao, không tham vọng hay lý tưởng hoá, được miêu tả với bản chất vừa tĩnh tại vừa nồng nhiệt, vừa thuần khiết cao quý vừa hài hoà, đằm thắm của thế giới bên trong. Bản chất đó khiến cho một thời đại trời long đất lở với bao nhiêu bi kịch đau đớn, phi lý của đại nhảy vọt, đại cách mạng văn hoá, mặc dầu là bối cảnh cơ bản của câu chuyện, đã bị “vô hiệu hoá”, bị đẩy lùi tưởng chừng không còn tồn tại. Nhân vật “Trình tiên sinh”, người bạn tri âm của Kỳ Dao rõ ràng lại có lối khuất phục hoàn cảnh khác hẳn: bị truy bức oan trong cách mạng văn hoá, ông đã nhẫn nhịn, cho tới lúc buông xuôi, mở cửa sổ căn hộ tầng thứ 11 và bước xuống dòng sông Hoàng Phố. Bản chất khuất phục hoàn cảnh, dưới góc độ biểu hiện nghệ thuật, được nhìn nhận như một tâm thái tất nhiên để trở về với con người trong lành, riêng tư đích thực. Trường Hận ca gần gũi với văn phong sáng tác hiện đại vì đã đi con đường ngắn nhất đến vẻ đẹp tráng lệ của đời sống nội tâm.

Thắm sắc hoa đào cũng là thế giới của những con người khuất phục hoàn cảnh. Úc Tử Hàm là nam nhi nhưng bao lần bỏ lỡ sự nghiệp, chỉ buông thả cho bản năng thích ăn uống, là một kiểu khuất phục hoàn cảnh. Tiếu Minh Minh, Úc Hiểu Thu, hai thế hệ người đẹp, cũng không nhan sắc vượt trội hay tài năng nổi bật, không tham vọng hay ngộ nhận, chỉ đơn giản sống trọn nghĩa lý của việc họ đã sinh ra trên đời này.

Các nhân vật của Vương An Ức: Kỳ Dao, Hiểu Thu, Minh Minh được chú trọng không phải với ý nghĩa là “người đẹp”, mà với ý nghĩa của sự hấp dẫn giới tính, bản năng. Vẻ đẹp của họ thiên về gợi cảm, đẹp như một thiên chức. Có thể xem bản chất gợi cảm, nồng nàn, quyến rũ của họ là biểu hiện yếu tố bình thường, phổ quát trong quan niệm về con người của nhà văn. Vừa gợi cảm vừa tháo vát, cao quý, vị tha từ thiên bẩm, đồng thời biết thoả mãn cá nhân cả về vật chất lẫn tinh thần (có phần tương đồng với đặc điểm của tầng lớp trung lưu lớp dưới trong bối cảnh thực tiễn), nhân vật của Vương An Ức bình thản vượt qua mọi biến cố lịch sử không mảy may nao núng. Quan trọng hơn, vượt qua số phận luôn có nguy cơ trở thành “cá biệt”, băng qua cái nghịch dị, không phải để “hoà đồng” mà để khẳng định lại bản tính riêng biệt của mình. Kỳ Dao, Minh Minh đều sinh “con hoang” mà không hề bận tâm đến dư luận. Hiểu Thu, cô bé sớm dậy thì, duyên dáng, lại không có cha, trở thành đối tượng ghen nghét, thèm muốn và cô lập của các bạn học, người hàng phố, thậm chí cả gia đình người yêu. Nhưng sự dị biệt không phải là bi kịch và không bao giờ có thể trở thành bi kịch, bởi sức ép của cộng đồng — của sự “đồng thuận” — không bao giờ đủ mạnh đối với những cá nhân luôn tràn đầy sinh lực tự thân và lòng yêu sống. Bản tính bình thường và bản tính độc đáo, dị biệt đan xen, là hai mặt nội tại của nhân vật trong tiểu thuyết Vương An Ức. Cái gai góc, bất tuân có thể coi là hệ quả của nguồn năng lượng bản thể dồi dào mãnh liệt, thiên phú vốn dĩ, hai biểu hiện khác nhau của cùng một tinh thần tự chủ và niềm hạnh phúc nội tâm sâu sắc.

Tiểu thuyết của Vương An Ức khác xa dòng tự sự đời thường phổ biến trong giới cầm bút nữ lưu Trung quốc và Nhật Bản sau bà một thế hệ, với những cái tên An Ni Bảo Bối, Banana Yoshimoto, Yamada Amy. Dòng tự sự đời thường giản lược sự kiện đời sống, chỉ quy về những chi tiết nhỏ nhặt thông thường (ăn, ngủ, chuyện trò, dạo chơi...) để bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật, chứ không chủ đích nhằm tới tính chất bình thường thiên phú của con người. Vương An Ức dụng tâm khắc hoạ bầu khí quyển lịch sử, không phải bằng những miêu tả trực tiếp dài dòng cái thê lương, đau xót của sự kiện, mà chính là bằng thái độ của các nhân vật. Cái bình thản lồ lộ, tâm trạng ngoài cuộc của các nhân vật chính là lời phủ nhận một cách mạnh mẽ đối với giai đoạn lịch sử phi lý.

Quan niệm hiện thực của Vương An Ức có thể gần gũi với Thẩm Tùng Văn,[3] nhưng không tương đồng với tính chất thiên về duy mỹ, tập tục và phong tình, trong bút pháp của bậc tiền bối này.

Nếu như Trường Hận ca được kể chuyện từ ngôi thứ 3 khách thể, nhưng chủ yếu khai thác tâm lý, xoay quanh cảm nhận của nhân vật trung tâm xuyên suốt, Vương Kỳ Dao, để tạo thành một điểm nhìn chủ quan tương đối bao trùm toàn bộ tác phẩm, thì Thắm sắc hoa đào lại có sự khác biệt rõ rệt về trần thuật cũng như xây dựng nhân vật.

Úc Hiểu Thu, nhân vật được miêu tả nhiều nhất và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, nhưng không còn đóng vai trò trung tâm để tạo ra điểm nhìn chủ quan. Hiểu Thu và Minh Minh, mẹ cô, là 2 phiên bản không quá khác của hình tượng Con người bình thường. Tính chất biểu tượng của “nhân vật trung tâm” càng vì thế mà trở nên mờ nhạt. Bên cạnh đó, dung lượng miêu tả dành cho các nhân vật phi-trung tâm tăng lên. Mỗi nhân vật, với cảm quan riêng biệt của mình, có xu hướng trở thành một góc độ trần thuật khác nhau.

Úc Tử Hàm (chồng cũ của mẹ Hiểu Thu), Hà Dân Hoa (chị gái Dân Vĩ, người yêu đầu tiên của Hiểu Thu) tuy được đề cập không quá nhiều, từ ngôi thứ ba, nhưng không phải những nhân vật tính cách khác nhau của cùng một quan niệm miêu tả do nhà văn áp đặt, ví dụ, nhân vật này là tiêu biểu của tham vọng, nhân vật kia là, ví dụ, “nạn nhân”, theo lối văn xuôi hiện thực, mà là những tâm trạng, cảm thức khác nhau của những kiểu “cái tôi” bản thể khác nhau về thẩm mỹ, trong đoán định của nhà văn. Úc Tử Hàm bạc nhược, bị rúng động yếu đuối và ham muốn bản năng chi phối, trong khi Hà Dân Hoa nông cạn, bị dẫn dắt bởi bản năng đố kỵ ghen tuông và thói quen mù quáng.

Việc xoá bỏ trung tâm trong miêu tả nhân vật được xem là để tạo ra một sự xa rời đối với lối giải mã văn bản theo ý đồ thống nhất, tìm ra một ý tưởng nghệ thuật duy nhất. Trong Thắm sắc hoa đào không có hình mẫu bi kịch, không có sự phản kháng hay tâm trạng đau thương một chiều. Tất nhiên, việc đưa ra một hình tượng điển hình (ví dụ, cho số phận “cái đẹp”, “người đẹp”) lại càng không.

Đáng chú ý, sự khách quan hoá luôn được duy trì theo sát tiến trình miêu tả nhân vật, luôn có một phiên bản khách thể hoá hình tượng mà nhân vật “có thể là”, qua cái nhìn của thế giới bên ngoài. Thậm chí tính chất “khách thể hoá” còn biến hoá trở thành kiểu thông tin, hình ảnh nhoè mờ, không xác định về nhân vật.

Câu tường thuật trong Thắm sắc hoa đào luôn thể hiện điểm nhìn hai hoặc nhiều chiều, không dừng lại ở việc xác định thông tin duy nhất

Về xuất thân của Minh Minh, mỗi người trong cái ngõ này nói một cách khác nhau”, “Mẹ của Minh Minh là diễn viên hài kịch, ai cũng nói thế, nhưng không biết rằng từ trước đấy rất lâu bà là diễn viên kịch hiện đại...”, “Một dạo mọi người gọi cô là Chu Tuyền, sau lại gọi cô là Bạch Quang, rồi Điền Lệ Lệ. Cô bắt chước ai cũng giống, nhưng rốt cuộc chỉ là theo đuôi người ta...”. “Cậu thiếu niên này mặc áo dài xanh, đứng dưới bóng cây lê, đúng là giống một cô gái xinh đẹp”. “Dưới con mắt của nó, tường hai bên hẻm rất cao, cao đến trời”. “Một cô bé đi với mẹ, rất có cảm giác yên bình, nó không nhìn ngang nhìn ngửa, tưởng như xưa nay không quen biết dãy cửa hiệu này...”, “trông hai anh em không như người từ một ngôi nhà áp mặt phố bước ra, mà giống như cậu ấm, cô chiêu con nhà tư sản. Mẹ chúng đã soạn sửa cho chúng đúng kiểu con nhà trung lưu, rất đáng yêu. Nhưng cũng để lộ chút gì đó như khoa trương, đóng kịch.” “Cậu ta quả giống một bà quản gia hà tiện, nhưng tận mắt nhìn cậu làm việc, những ý nghĩ kia lập tức bị xua tan, vì cậu không hoàn toàn giống với người lo toan gạo củi mắm muối linh tinh vụn vặt, mà là đang làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, làm những thí nghiệm liên quan đến sự hưng vong của khoa học” ... v.v.

Miêu tả nhan sắc của Hiểu Thu vào tuổi dậy thì, tựa như một giả thiết giải phẫu nhân trắc học khách quan

“Bước vào tuổi thiếu nữ, do nội tiết hoạt động mạnh mẽ nên khuôn mặt Thu hiện lên những sắc thái khác thường. Có lúc, nó như bao phủ bởi cát bụi, bất ngờ biến thành u ám. Da dẻ căng vỡ. Đường nét các giác quan vốn phức tạp, nay như rối rắm thêm. Đồng tử màu nâu bị bóng tối che khuất, ánh mắt trở nên yếu ớt. Vào lúc ấy giờ ấy, Hiểu Thu xấu đi, nom thô, khiến mọi người phải bàn tán. Bàn tán đầy ẩn ý, đại khái là, sắc mặt kia nom như đang ẩn chứa bệnh tật bí mật, lại thầm liên hệ tới phẩm hạnh”...

Lối miêu tả ngập đầy các liên tưởng, dịch chuyển nhanh chóng từ góc độ chủ thể sang khách thể, đan xen hai lối trần thuật trong từng câu văn, tạo nên một không gian nghệ thuật đa hướng, xa rời hẳn dòng trần thuật sự kiện một chiều vốn tạo nên tính chất nhất quán, định hướng (phục vụ một ý tưởng đơn nhất của nhà văn) trong kiểu sáng tác tiền-hiện đại phổ biến ở các tác giả Trung quốc và Việt Nam sung sức đương thời. Tuy không đắm đuối trong một thứ nhãn quan hiện đại, khuyếch trương tối đa đời sống nội giới để thông qua đó phá vỡ hoàn toàn hình ảnh một thế giới khách thể của những khái niệm và luận lý xơ cứng, xây dựng một “thế giới khác” cá biệt, sáng tạo và chủ quan hơn, nhưng nhà văn mới mẻ vào bậc nhất của văn học Hoa ngữ này lại tìm đến một cách thức buông thả đầy lý thú giữa tính chất phóng dật của lối viết hậu-hiện đại với năng lực riêng tư về mặt thẩm mỹ của lối viết hiện đại chưa hề mang lại thành công cho nhiều nhà văn Á Đông cùng thế hệ.

Tính chất nước đôi của hệ thống nhân vật, vừa bình thường, thiên bẩm, vừa dị biệt, gai góc, đặc biệt phù hợp, tiếp biến với lối miêu tả đa chiều, vừa chủ quan vừa khách quan, tạo thành một thế giới nghệ thuật được phi-luận lý hoá tối đa, với vẻ đẹp, sự hài hoà, tự nhiên tính, tính riêng biệt và nhãn quan duy cảm trong từng cá thể cũng như mối quan hệ toàn thể.

Cũng như vậy, đối với bạn đọc thông thường, tiểu thuyết và nhân vật của Vương An Ức trở nên dễ dàng tiếp cận hơn nhiều tác gia phương Tây, mới mẻ hơn những nhà văn Trung quốc hay Việt Nam hiện thời, bởi nó tràn đầy cảm giác và khoái thú thẩm mỹ, với hành ngôn trong sáng giản dị. Đó là câu chuyện về cái bình thường hàm chứa những điều phi lý và buồn thương đến mức nghẹt thở.

 

--------
Bài viết này là chương 2.2 trích từ “Những biến chuyển trong tư duy tiểu thuyết của các nhà văn đương đại Trung quốc công bố tác phẩm sau năm 1980”, tiểu luận gồm 3 chương của Khánh Phương.

 

_________________________

[*]Vương An Ức (Wang Anyi) sinh năm 1954 tại Phúc Kiến. Các tiểu thuyết: Trường Hận ca, Đào chi yêu yêu, Tửu đồ. Bà là một trong những nhà văn đương đại trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở phương Tây.

[1]Thắm sắc hoa đào [Đào chi yêu yêu], tiểu thuyết của Vương An Ức, NXB Văn nghệ Thượng Hải, 2003. Bản tiếng Việt do Sơn Lê dịch, Nhã Nam và NXBHội nhà văn, 2009.

[2]Trường Hận ca được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Trong nước, Vương An Ức là nhà văn được giới phê bình đánh giá cao và được nhiều bạn đọc mến mộ, Trường Hận ca được trao giải thưởng Mao Thuẫn năm 1999.

[3]Thẩm Tùng Văn: Shen Congwen (1902-1988) Tác giả tiểu thuyết Biên Thành, ông từng được giới phê bình phương Tây đánh giá là “nhà văn trữ tình lớn nhất Trung Quốc thời hiện đại.”

 

 

Tư liệu tham khảo:
 
Độ không của lối viết, Roland Barthes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội nhà văn 1991.
 
Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Mikhail Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Hội nhà văn 2003
 
Đề cương tóm tắt lịch sử mỹ học triết học , Bùi văn Nam Sơn, Hà nội tháng 3 năm 2009.
 
Lịch sử văn học Trung quốc, NXB Đại học sư phạm 2001
 
Các tác phẩm của Vương An Ức.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021