thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Từ harem đến ổ điếm: Nghệ sĩ trong thế giới hậu-cộng sản

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

JAAN KAPLINSKI

(1941~)

 
Jaan Kaplinski, sinh năm 1941 tại Tartu, Estonia, là một thi sĩ, triết gia, dịch giả và nhà phê bình văn hoá. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, văn xuôi, và tiểu luận. Ông cũng đã dịch nhiều tác phẩm văn học và triết học từ các thứ tiếng Pháp, Anh, Tây-ban-nha, Trung Hoa và Thuỵ-điển, trong số đó có cả cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử, và những thi phẩm của Tomas Tranströmer. Ngược lại, tác phẩm của chính ông cũng đã được dịch ra hơn 10 ngoại ngữ.
 
Jaan Kaplinski nổi tiếng như một trong những người đề xướng và viết “Lá thư của bốn mươi người” (“Neljakümne kiri”). Đó là một kháng thư mang chữ ký của 40 nhà trí thức Estonia, phản đối đường lối cai trị của chính quyền Xô-viết đối với đất nước Estonia (khi ấy đang bị Liên-Xô chiếm ngự).
 
-------------------
Lời người dịch:
Jaan Kaplinski viết bài nhận định mang tính phúng dụ dưới đây vào năm 1992 để diễn tả thực trạng của đời sống nghệ thuật tại nước Nga sau khi Liên-Xô sụp đổ. Nhiều nghệ sĩ ở nước Nga đã nắm lấy sự tự do như nắm lấy cái cơ hội để nhảy từ cái harem của Đảng sang cái ổ điếm của giới con buôn. Thế nhưng, tự do không chỉ có nghĩa là tự do làm điếm. Không có tự do, số phận của các nghệ sĩ cũng giống như số phận của các tỳ nữ: phải làm tình với lãnh chúa, không có sự lựa chọn nào khác. Có tự do nghĩa là có quyền lựa chọn. Làm điếm hay không làm điếm là quyết định của bản thân mỗi người.
 
Tôi chọn dịch bài này vì thấy nó có nhiều điểm mà giới nghệ sĩ Việt Nam hiện nay nên đọc và suy gẫm.

 

_____________

 

TỪ HAREM ĐẾN Ổ ĐIẾM: NGHỆ SĨ TRONG THẾ GIỚI HẬU-CỘNG SẢN

 

Làm nghệ thuật, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, cũng giống như làm tình. Đó là một việc có thể bị cản trở, nhưng không thể bị chấm dứt, thậm chí nó càng khó bị chế ngự và kiểm soát hoàn toàn bởi một ai đó, dù đó là đế vương, giáo hoàng, hay các bí thư đảng. Những người này thường ghen tuông với cả nghệ sĩ lẫn đàn bà. Họ muốn giữ riêng những người đàn bà đẹp và những nghệ sĩ tài ba cho chính họ, không cho đàn bà quyền tự do làm tình với ai tuỳ thích, không cho nghệ sĩ quyền tự do viết hay vẽ cái gì tuỳ ý. Họ nhốt đàn bà và nghệ sĩ vào những cái harem, tức là những khu vực bị phong toả, nơi đàn bà và nghệ sĩ được trông nom và được ban cho gần đầy đủ mọi thứ, trừ sự tự do. Trong cái harem, bạn phải làm tình với vị chúa tể của bạn, và bạn không thể làm tình với bất kỳ ai khác. Harem là một khu vực bị phong toả — bạn không thể thoát ra được.

Thế giới Cộng Sản là một cái harem như thế cho hầu hết cư dân của nó; các nghệ sĩ không là ngoại lệ. Một cách ghen tuông, Đảng và công an canh gác các nghệ sĩ trước những ảnh hưởng nguy hiểm của phương Tây, và chỉ những kẻ trung thành nhất thì mới được cho phép đi tham quan “thế giới Tư Bản”. Thậm chí khi đến đó họ cũng không dễ gì thoát khỏi cặp mắt chằm chặp của Đại Ca.[*] Hầu hết họ chỉ có thể du lịch nước ngoài theo một nhóm người mà trong đó bắt buộc phải có các cán bộ công an và những báo cáo viên đi theo. Điều này nhắc ta nhớ đến hình ảnh những người đàn bà mỗi khi bước ra khỏi cái harem của Lãnh chúa để đi ra phố, thì có những tên hoạn quan đi kè kè theo để canh giữ.

Trong cùng lúc đó, thật là nghịch lý, các nghệ sĩ lại cảm thấy mình trở nên quan trọng. Hệ thống kiểm duyệt chi li, sự lưu tâm đặc biệt mà công an, Đảng, và các giới chức chính quyền dành cho họ, rõ ràng là dấu hiệu cho thấy họ quan trọng. Cây bút của nhà văn và cái cọ của hoạ sĩ có một sức mạnh nào đó: nếu không thì Nhà Nước hùng cường đã chẳng điều động mật vụ và nhiều cán bộ để canh giữ họ như thế. Câu chuyện nổi tiếng về vụ xe ủi đất đến cày nát một cuộc triển lãm không có giấy phép trong một công viên ở Mát-xcơ-va đã trở thành một sự kiện lớn, nhưng những nghệ sĩ có tác phẩm bị phá huỷ thì lại cảm thấy được an ủi bởi sự quan tâm quá mức ấy. Các phụ nữ trong harem đều biết rằng họ có ít nhiều ảnh hưởng đến Lãnh chúa và quần thần của hắn.

Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, mọi sự đều thay đổi. Những cánh cổng của cái harem thình lình mở toang, và bất cứ người đàn bà nào cũng có thể bước ra ngoài. Nói cho đúng thì họ bị bắt buộc phải bước ra, vì ở trong ấy chẳng còn ai trông nom cho họ nữa. Những nhà cầm quyền không thể duy trì những cái harem nữa, và họ phải đuổi các phụ nữ đi chỗ khác. Đi đâu bây giờ? Một số phụ nữ may mắn có hiểu biết về những việc khác hơn là nghệ thuật làm tình, cho nên họ có thể kiếm chút ít tiền bằng nghề thủ công hay nghề cầm ca. Một số thì có thân nhân giúp đỡ. Một số khác thì đi ăn xin. Nhiều người biến thành gái đĩ. Từ cái harem đến cái ổ điếm thì không xa xôi gì, hoặc ít nhất con đường từ harem đến sự tự do thì dài hơn và khó khăn hơn nhiều.

Trong quá khứ, chúng ta đã bị cấm làm tình với những gã đàn ông nhiều tiền từ phương Tây sa đoạ. Bây giờ thì chúng ta tranh nhau để nhận ân huệ và quà cáp từ những gã ấy. Chúng ta đi ngủ với những gã ấy khi nghe điện thoại reo. Chúng ta — những gái gọi và trai gọi của thế giới Tây phương — là những con điếm may mắn nhất trong số những con điếm của thời hậu-cộng sản. Nhiều bạn bè trước kia ở cùng harem bây giờ ganh tỵ với chúng ta. Chúng ta khá bận bịu, chúng ta phải làm tình với nhiều người, vì cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn và bất an hơn. Đôi khi, trong lúc chờ đợi mệt nhoài ở một sân bay to lớn của cái thế giới táo bạo, tự do ấy, chúng ta hỏi chính mình tự do là gì, ở đâu có tự do — cái thứ tự do mà chúng ta đã tin tưởng và một vài người cùng chí hướng với chúng ta đã bỏ mạng cho niềm tin đó. Chúng ta hỏi chính mình, đâu là sự khác biệt giữa một cái harem và một ổ điếm, một nô tỳ và một gái gọi? Liệu có phải cái thế giới mở ra trước mắt chúng ta ấy chỉ là một cái harem to lớn hơn gấp bội, với nhiều tiểu vương và tể tướng muốn chúng ta làm tình với họ?

Rốt cuộc, chỉ có một sự khác biệt: bây giờ người ta có nhiều tự do hơn để lựa chọn.

 

1992

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Đại Ca, tạm dịch từ chữ “Big Brother”, là một hình ảnh trong cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty-Four của George Orwell, tượng trưng cho quyền lực của chế độ toàn trị. Dưới chế độ đó, mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói của mọi người đều bị theo dõi trong từng giây, từng phút.

 

----------
Nguồn: Jaan Kaplinski, “From harem to brothel: Artists in the post-communist world”, Eurozine, 30/06/2007.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021