thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài ý nghĩ về bài tham luận thơ ca của Nguyễn Quang Thiều

 

Ðọc bài tham luận “Thông điệp về cái Đẹp và Tự Do” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi thấy trong đó có những ý tưởng hay, nhưng cũng có những ý tưởng chưa hay, chưa đúng với thực trạng thơ ca / văn học Việt Nam hôm nay. Tôi đoán rằng có những hạn chế “khách quan” khiến nhà thơ không thể nói cho rốt ráo một vài vấn đề rất cần sự rốt ráo.

Tôi xin trích lại và tô đậm một số câu/đoạn mà tôi lưu ý, và tôi xin góp vài ý nghĩ.

 

1

 

Nguyễn Quang Thiều:

“Có lẽ điều mà các bạn biết về dân tộc chúng tôi là những cuộc chiến tranh liên miên hay là một trong vài nước Cộng sản còn lại trên hành tinh này với những vấn đề của kinh tế, của tôn giáo và nhân quyền.”

Nguyễn Tôn Hiệt:

Câu này đơn giản, nhưng chính xác. Việt Nam đúng là “một trong vài nước Cộng sản còn lại trên hành tinh này với những vấn đề của kinh tế, của tôn giáo và nhân quyền.”

 

2

 

Nguyễn Quang Thiều:

“Họ chưa biết được trong máu, trong nước mắt và trong những gánh chịu của dân tộc chúng tôi có một nền thơ của nhân cách con người, của cái đẹp và của khát vọng tự do, cho dù trong một thời gian rất dài nền thơ ấy bị lợi dụng đi ra ngoài bản chất khởi thủy của nó.”

Nguyễn Tôn Hiệt:

Câu này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Phải nói: cho đến hôm nay nền thơ ấy vẫn còn bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích đi ra ngoài bản chất khởi thủy của thơ, và thậm chí còn chống lại bản chất của thơ. Nói trắng ra, cho đến hôm nay, thơ vẫn còn bị sử dụng cho mục đích tuyên truyền chính trị. Chẳng hạn, Ngày Thơ “Kỷ niệm 40 năm ngày tổng tiến công tết Mậu Thân” là hoàn toàn để phục vụ cho sự tuyên truyền sai sự thật về bản chất và thực trạng của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân.

 

3

 

Nguyễn Quang Thiều:

“Từ khi nền thơ ca hiện đại Việt Nam ra đời, có thể nói nền thơ ca này mới chỉ cất tiếng nói chính thức của mình trên thế giới khoảng 20 năm nay. Trước năm 1975, Việt Nam nằm trong cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ. Suốt một thời gian dài đó, thế giới bị phân chia một cách thô bạo thành hai thành phần: đó là các nước trong hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và phần bên kia là các nước trong hệ thống Tư bản Chủ nghĩa. Thơ ca hiện đại Việt Nam không có một cơ hội nào xuất hiện ở phía bên kia của thế giới. Nhưng một nửa phía bên này thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao của hệ thống các Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca. Tác phẩm của một số rất ít các nhà thơ hiện đại Việt Nam được xuất bản ở Liên Xô cũ, ở Cộng hoà Dân chủ Đức, ở Tiệp Khắc... Thực sự, sự xuất hiện của thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó không để lại dấu vết gì trong bạn đọc của các nước đó. Những tác phẩm thơ ca đó chỉ là những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người. Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca.”

Nguyễn Tôn Hiệt:

Nền thơ ca hiện đại Việt Nam mà Nguyễn Quang Thiều nói đến ở đây chỉ là thơ của miền Bắc Việt Nam XHCN: “Những tác phẩm thơ ca đó chỉ là những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người. Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca.”

Thơ hiện đại của miền Nam Việt Nam đã đi trước rất xa so với thơ của miền Bắc Việt Nam. Cho đến đầu những năm 90, thơ “hiện đại” của miền Bắc Việt Nam vẫn không thể nào vượt qua những sự cách tân mà thơ hiện đại của miền Nam Việt Nam đã thực hiện trước đó 30 năm.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, thơ của miền Bắc Việt Nam không phải là thơ HIỆN ĐẠI (modernism), mà là thơ HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (socialist realism).

Thơ hiện đại của miền Nam Việt Nam KHÔNG phải “chỉ là những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người.” Thơ hiện đại của miền Nam Việt Nam, ngay cả những bài về chiến tranh, vẫn có đầy màu sắc của tình người.

Phải nói rõ:

Thơ của miền Bắc Việt Nam XHCN lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca.

Thơ hiện đại của miền Nam Việt Nam lúc đó vẫn thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca.

 

4

 

Nguyễn Quang Thiều:

“Nhưng sự thống nhất về tương lai của thế giới trong khát vọng và ý thức của chúng ta phải được đồng nhất hoá: đó là sự công bằng của con người, tính nhân bản của con người và khát vọng tốt đẹp của con người. Các chính trị gia còn rất ít người nghĩ đến điều đó một cách cụ thể, nhưng các nhà thơ đã và đang làm điều đó một cách bền bỉ từ khi thơ ca xuất hiện trong thế giới loài người. Kể cả khi các nền thơ ca chưa được ký tự hoá bằng chữ viết của dân tộc họ và cả khi một nền thi ca nào đó bị đàn áp bởi các Nhà nước độc tài.

Nguyễn Tôn Hiệt:

Đoạn này thì hay, nhưng càng hay hơn nữa nếu khán thính giả ở cuộc hội thảo thơ tại Hàn Quốc khi nghe Nguyễn Quang Thiều nói “một nền thi ca nào đó bị đàn áp bởi các Nhà nước độc tài” thì họ có thể liên tưởng một cách cụ thể là “nền thi ca Việt Nam đang bị đàn áp bởi một Nhà nước độc tài”.

 

5

 

Nguyễn Quang Thiều:

Có một thời gian dài ở Việt Nam, những người kiểm duyệt luôn luôn tìm kiếm những ý đồ phản kháng trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ Việt Nam.”

Nguyễn Tôn Hiệt:

Câu này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Khán thính giả ở cuộc hội thảo nghe câu này thì có thể hiểu rằng “có một thời gian dài” (trước đây) thì những người kiểm duyệt luôn luôn tìm kiếm những ý đồ phản kháng trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ Việt Nam, nhưng bây giờ thì tình trạng này không còn nữa.

Đúng ra, phải nói là “SUỐT một thời gian dài ở Việt Nam, VÀ MÃI CHO ĐẾN HÔM NAY, những người kiểm duyệt VẪN luôn luôn tìm kiếm những ý đồ phản kháng trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ Việt Nam.” Họ tìm kiếm để ngăn chặn và trừng phạt.

 

6

 

Nguyễn Quang Thiều:

“Một đất nước đã luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ chiến tranh và từ bỏ hận thù để mang văn hoá nói chung và thơ ca của mình nói riêng đến với con người. Nhưng nó cũng bị những thế lực phi văn hóa chống lại và nhiều lúc làm cho chảy máu.”

Nguyễn Tôn Hiệt:

Câu này khá lờ mờ. Khán thính giả ở cuộc hội thảo nghe câu này thì có thể hiểu là:

Việt Nam đã luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ chiến tranh và từ bỏ hận thù để mang văn hoá nói chung và thơ ca của mình nói riêng đến với con người (trên thế giới). Nhưng Việt Nam cũng bị những thế lực phi văn hóa của các phe/nước thù địch chống lại và nhiều lúc làm cho chảy máu.

Thế nhưng, hiểu như vậy thì hoàn toàn sai sự thật, vì hiện nay ngay cả đối với nền văn học của miền Nam trước 75, Đảng và Nhà Nước vẫn chưa có chủ trương chứng tỏ muốn từ bỏ hận thù. Thái độ của họ đối với nền văn học của miền Nam trước 75 vẫn còn là thái độ kỳ thị, loại trừ.

Tôi nghĩ, giá như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sửa lại câu nói của ông như sau thì rành mạch và trung thực hơn:

Nhiều nhà thơ Việt Nam đã luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ chiến tranh và từ bỏ hận thù để mang văn hoá nói chung và thơ ca của mình nói riêng đến với con người. Nhưng họ vẫn bị những thế lực phi văn hóa của Đảng và Nhà Nước chống lại và nhiều lúc làm cho chảy máu.

 

24.05.2009

 

--------------------

Các bài liên hệ:

23.05.2009
... Sự thống nhất về tương lai của thế giới trong khát vọng và ý thức của chúng ta phải được đồng nhất hoá: đó là sự công bằng của con người, tính nhân bản của con người và khát vọng tốt đẹp của con người. Các chính trị gia còn rất ít người nghĩ đến điều đó một cách cụ thể, nhưng các nhà thơ đã và đang làm điều đó một cách bền bỉ từ khi thơ ca xuất hiện trong thế giới loài người. Kể cả khi các nền thơ ca chưa được ký tự hoá bằng chữ viết của dân tộc họ và cả khi một nền thi ca nào đó bị đàn áp bởi các Nhà nước độc tài... (...)
 
25.05.2009
... Cho đến nay, phần lớn những nhà văn nhà thơ có dịp ra nước ngoài để nói chuyện về văn chương Việt Nam là những người từ miền Bắc. Những người này, khi nói về “văn chương Việt Nam”, thật ra chỉ đang nói về nền văn chương của một địa phương. Nhưng cách trình bày của họ lại khiến khán giả ngoại quốc, những người hầu như mù tịt về văn chương Việt Nam, có cảm giác đang nghe nói về văn chương của cả nước Việt Nam. Điều này dĩ nhiên gây ngộ nhận... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021