thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sáng tạo và mô phỏng

Sáng tạo được hiểu là sự lập lại, mô phỏng mà không giống. Lập lại, mô phỏng cái đẹp cái hay đã sẵn có một cách có hồn không phải là chuyện dễ. Nó đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, công phu và tài năng. Ví dụ như nhạc tình Boléro. Những nhạc phẩm Boléro bất hủ là sự mô phỏng mà không giống. Trong khi lập lại và mô phỏng tạo nên người nghệ sĩ; sự lặp lại và mô phỏng mà không giống tạo nên bậc tôn sư.

Sáng tạo bắt đầu từ lập lại, mô phỏng đi đến chỗ không giống, rồi đi đâu nữa? Rồi đi đến lập lại, mô phỏng mà không giống. Cứ như thế, sáng tạo sẽ không bao giờ cùng. Ví dụ như thế này: Con bé sinh ra khỏi bụng mẹ, ở truồng. Truyền thống đầu tiên là ở truồng cho đến một lúc nào đó thì bị che đậy. Che quen khiến con bé mắc cỡ tự mình biết che. Truyền thống che. Càng lớn che càng kín. Gặp thời văn minh, cái yếm thay bằng cái xú-chiêng, cái váy thay bằng cái quần. Văn minh là sao? Là giúp con người dễ và mau đạt được điều họ muốn rồi am tường đúng đắn cách hưởng dụng điều đã đạt. Áo quần qua khỏi cái che thành cái diện. Truyền thống làm đẹp. Vào gần cuối thế kỷ 20, cái đẹp bỗng chốc từ kín đáo hoá ra hở hang. Họ khám phá ra chính thân thể mới đẹp, áo quần là phụ. Truyền thống hớ hênh. Truyền thống này và truyền thống ban đầu có nhiều chỗ giống nhau nhưng cũng có rất nhiều chỗ khác nhau. Chính những chỗ không giống nhau là kết quả sự tiến bộ, là chứng tích của con người khác hơn con vật. Truyền thống nhân loại và truyền thống dân tộc đều diễn tiến đại khái như thế, khác nhau ở chỗ nhanh hay chậm. Chửi nhau ở chỗ tốc độ bị giới hạn trong mỗi đời người. Ví dụ một người cổ hủ hạng nặng sống 200 năm, hắn sẽ bắt kịp người cách tân cùng thời đang nhảy nhót trong nhịp tim hiện đại. Nếu không bị trở ngại của thời gian, hai người này có thể làm bạn thơ tâm đắc. Tiếc thay anh cổ hủ không sống quá lâu mà anh cách tân lại chết sớm. Trong lịch sử văn minh của nhân loại, sự tiến bộ không dùng để cãi vã. Cái mới cái cũ sinh ra không phải để tranh luận, gây oán. Sự xung đột là tình trạng tất yếu của tiến bộ. Cái cũ như cái thắng để giảm tốc độ quá khích của cái mới nhưng không bao giờ có thể giữ được cái mới đứng một chỗ. Dân tộc nào, con người nào quá đam mê cái cũ thường bị rơi vào tình trạng chậm tiến.

Bước thêm một bước thành bậc tôn sư, tiến trình lập lại, mô phỏng mà không giống là cái vòng chạy từ ngoài vào trong tâm linh. Thượng Đế là đệ nhất sáng tạo gia, giáo chủ của muôn loài, vậy mà cũng bắt chước. Điều ghi nhận ở đây là Thượng Đế tự mô phỏng mình. Kinh Thánh có chép, Thượng Đế sinh ra con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Người làm thơ nào đã đem được cái lập lại, mô phỏng mà không giống từ bên ngoài vào trong, từ kiến thức hóa thành kinh nghiệm, từ của ai trở thành của mình, từ truyền thống để cải cách truyền thống, thì họ là những nghệ sĩ chân chính.

Tự lập lại, tự mô phỏng mà không giống là một tiến trình nội tâm. Nói lý thuyết thì dễ nhưng khó thực hành. Muốn lập lại hoặc mô phỏng mình là đi tìm bản ngã. Không những phải tìm mình bằng con đường siêu hình mà phải tìm thấy mình bằng con đường khoa học. Phải biết mình là ai? Tính tình thuộc loại nào? Thường suy luận và hành động ra sao? Càng biết rõ về mình, mô phỏng càng chính xác. Tiến trình vòng tròn xoay động không ngừng tạo ra bản lãnh của người nghệ sĩ. Không phải kiến thức cũng không phải kinh nghiệm sống mà chính là kiến thức và kinh nghiệm sống trong tiến trình kinh nghiệm sáng tạo làm cho người nghệ sĩ lớn lên. Người có lớn thì thơ mới lớn. Người có vượt thì thơ mới vượt. Vượt ra những nhân tạo cường điệu như Chúa, Phật, bí tích, thi ca, tự do, chính trị, đạo đức,vv... gọi chung là tự điển vong nguyên để chỉ còn lại Chúa, Phật, bí tích, thi ca, tự do, chính trị, đạo đức,vv...trong ý nghĩa tầm thường nguyên thủy. Tôi chỉ cảm thấy như thế. Trong thực tế tôi cũng loay hoay tự mô phỏng mình nhưng khi nhìn lại thì thấy mình đang mô phỏng người khác. Trực giác thì chưa đáng tin cậy. Cảm thấy thuộc về tình cảm thì càng không nên xem là trọng. Tình cảm có khi trở mặt như con buôn.

Cảm thấy tiếp, người làm thơ nên tự mô phỏng mình cho đúng, cho hay, cho đẹp. Càng mô phỏng mình sâu sắc thì càng làm sáng tỏ cá tính riêng. Tự mô phỏng cho giống cùng cực thì tự nhiên sẽ không giống ai cả vì chẳng bao giờ có hai cá tính hoàn toàn giống nhau. Tài danh của mỗi thi sĩ bắt đầu từ mỗi cá tính. Có cá tính động, đam mê, quái gở. Có cá tính tỉnh, thâm trầm, bí mật. Có cá tính như lửa, có cá tính như đất. Có kẻ lý tưởng, có người thực tế. Do đó từ sự mô phỏng bên ngoài vào đến bên trong là một giai đoạn biến dạng của người nghệ sĩ. Như một con lạc đà của Nietzches chở nặng kiến thức đi vào sa mạc, bền bỉ, nhẫn nại chờ biến thành sư tử. Trở thành vua của loài thú, chủ nhân của một cõi thơ riêng.

Thơ đạt được cá tính thì đương nhiên khác nhau. Cá tính khắc thì tự nhiên xung đột. Huống chi trong trạng thái sư tử, khó ở một rừng. Sư vương thơ cũ và sư vương thơ mới đều là sư vương. Con nào gầm cũng to, cũng làm nhân gian sợ hãi. Tuân giữ truyền thống, cải cách từ tốn, đả phá thần tượng, cách mạng thi ca...đều có gốc rễ từ cá tính. Muốn khác cũng khó được. Người nghiêm thì thơ trang trọng. Người đùa thì thơ diễu cợt. Hai người chơi với nhau thì người này giúp người kia vui tươi, người kia giúp người này bớt lố bịch. Hai người chửi nhau thì không thay đổi được gì.

Sau khi đã đạt được sự tự mô phỏng rồi, muốn không giống thì cá tính phải biến hóa. Cá tính biến thì thơ đổi. Thơ đổi thì cá tính thay. Cá tính thay thì thơ mô phỏng không giống. Cá tính có thể không đổi nhưng có thể lớn lên. Cá tính không bao giờ mất nhưng có thể biến dạng. Nói rằng: Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời. Khó dời không có nghĩa là bất di bất dịch. Đã gọi là khó thì việc thay đổi đòi hỏi một nỗ lực lớn, lòng kiên trì và duyên phận. Khi con sư tử trở thành đứa bé thì cá tính đặc thù ẩn hòa vào nhân tính. Con người chỉ có thể hoà thuận sự khác biệt bằng lòng nhân ái. Bởi lòng nhân ái, người nghệ sĩ mới có thể thu nhận được những cái đẹp khác biệt, cái hay chống chọi nhau. Có thành thật thu nhận mới có sự tổng hợp chân thành. Và cũng tự bản lãnh này nghệ thuật mới có thể phát huy hết mức. Những người nghệ sĩ vượt thời gian, xét cho cùng, đều có lòng nhân cao độ.

Washington D.C. 30.11.1997


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021