thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chơi với chữ

Cuốn Lầu xép của Võ Đình vừa được nhà Văn Nghệ xuất bản vào cuối năm 1997 vừa qua khá mỏng, chưa tới 200 trang, gồm 'bảy chuyện' và 'tám truyện'. Tất cả những truyện và 'chuyện' (thật ra là bút ký) trong đó đều ngắn. Nhưng phần lớn đều có dư vị thật đậm.

Bài bút ký làm tôi suy nghĩ nhiều là bài 'Chuyện vẽ tranh' mở đầu cuốn sách. Trong bài viết ấy, Võ Đình kể lại chuyện ông dạy vẽ cho một nhóm người lớn tuổi chưa biết gì về hội hoạ. Bài học đầu tiên diễn ra đại khái như sau:

Võ Đình cầm cây cọ, nhúng nước, thấm một chút màu vàng, bôi lên giấy một hình tròn, rồi hỏi mọi người: "Cái gì đây?" Người thì đáp là trái chanh, người thì đáp trái mận, người thì đáp mặt trời, mặt trăng, v.v... Võ Đình tuyên bố: 'Sai hết!". Đó chỉ là "một vũng NƯỚC nhỏ, một vũng nước hình TRÒN, có hoà SƠN nước màu VÀNG". Đơn giản chỉ có vậy. "Đó là thực tại." Rồi ông giải thích thêm:

...các bạn cho vũng nước màu vàng này một ý nghĩa mà chính nó không có. Nó là một thực tại khách quan. To draw một hình tròn, rồi tô màu vàng lên, rồi gọi đó là trái chanh, cũng được, không ai cấm. Nhưng đó không phải là hội hoạ, painting. Đó là tô màu, coloring. Hoạ là bôi màu vàng lên giấy hay lên vải, rồi cho phép nó biến hoá. Là chơi giỡn, là làm việc với thực tại này, vũng nước màu vàng này, là làm cho nó đầy, ướt thêm, làm cho nó khô, nhỏ bớt đi. Là kéo nó dài ra, là rút nó ngắn lại, quét nó đi, đồ nó lại, là thêm một chút đỏ vào cho nó ửng sắc cam, là thêm một chút xanh vào cho nó đậm sắc lục, v.v... Cho phép nó, xúi giục nó, biến nó thành hình tượng khác. Cho nó hiện hữu một mình hay giao tiếp với những màu khác. Theo dõi, điều nghiên, chuyển hoá những màu sắc, và tương quan giữa chúng để tạo thành hình tượng, đó là cốt tuỷ của hội hoạ, painting.

Cuối cùng, ông kết luận: "Vẽ là trầm tư với hình tượng. To paint is to meditate upon forms. Trong một thế chủ động."

Những lời phát biểu của Võ Đình gợi cho tôi một số liên tưởng về thơ. Hình như trong thơ cũng có điều tương tự. Tôi nhớ một giai thoại khá nổi tiếng, được nhiều người biết:

Một hôm, hoạ sĩ Degas than với nhà thơ Mallarmé, bạn ông: "Đầu tôi đầy nhóc ý tưởng mà không cách gì tôi diễn tả ra được như là tôi muốn." Mallarmé đáp: "Degas à, người ta không làm thơ bằng ý tưởng mà là bằng chữ."[1]

Nhà thơ Dylan Thomas cũng quan niệm tương tự. Trả lời câu hỏi những động cơ nào thúc đẩy ông làm thơ, Dylan Thomas cho biết: vì ông yêu chữ. Ông yêu cái hình dạng âm thanh của chữ vọng lên trong tai ông. Ông yêu cái màu sắc của chữ đập vào mắt ông. Còn chuyện những chữ ấy có ý nghĩa gì, tượng trưng cho cái gì thì chỉ là điều thứ yếu.[2]

Bắt chước cách nói của Võ Đình, chúng ta cũng có thể nói: Làm thơ là trầm tư với chữ. Là chơi với chữ. Là đặt chữ này bên cạnh chữ kia, trên đầu chữ nọ, dưới chân chữ khác. Là kéo chữ dài ra, thu ngắn chữ lại, làm cho chữ mềm mại, êm ả hay trở thành khấp khểnh, lổn nhổn, gay gắt. Được chứ? Bằng những nguyên âm rộng hay hẹp, những phụ âm vang hay tắt, những thanh bằng hay thanh trắc, người ta có thể làm cho chữ có vô số những hình dạng khác nhau.

Làm thơ là chơi với chữ, hay nói một cách nghiêm túc hơn, là lao động với chữ. Vâng, với chữ, trước khi với ý, với tình, hay với bất cứ thứ gì khác. Một nhà thơ có tài, trước hết, phải là nhà thơ có tài sử dụng ngôn ngữ.

Tôi thích cách Lê Đạt tự gọi mình: 'phu chữ'. Tôi cũng thích hình ảnh của Trần Dần qua sự miêu tả và đánh giá của Phạm Thị Hoài: công việc chính mà Trần Dần theo đuổi từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm đến lúc ông mất là "làm quốc ngữ", là cố gắng tạo nên một thứ quốc ngữ khác, "một thứ tiếng Việt không chỉ cho lỗ tai mà còn cho con mắt, không trói nghĩa vào chữ, không bôi chữ vào chỗ trống của vô nghĩa."[3]

_________________________

[1]David Lodge (biên tập) (1972), 20th Century Literary Criticism, A Reader, Longman, London, tr. 256.

[2]James Scully (biên tập) (1966), Modern Poets on Modern Poetry, Collins: Fontana, tr. 195.

[3]Phạm Thị Hoài (1997), 'Thủ lãnh trong bóng tối',Văn Học (California), số 136, tr. 27.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021