thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ Chăm hiện đại, một nhập cuộc sôi động và mới mẻ

 

“Lời mở” cho cuốn Văn học Chăm hiện đại 1, THƠ.
Inrasara tuyển và giới thiệu
NXB Văn học, Hà Nội, 2008.

 

 

 

Kết cuốn Văn học Chăm - khái luận (1994), phần “Văn học Chăm hiện đại”, tôi viết:

Sau Mưdwơn Jiaw, Jaya Yut Cam có một bài thơ dài: “Su-on bhum Cam” (Nhớ quê Chăm) đăng trong Ước vọng I, nội san của Trường Trung học Pô-Klong cũ, được xem như khởi đầu cho sáng tác hiện đại. Với cái ưu tư sâu lắng, nhà thơ thả tâm hồn bay đi thăm nhiều làng quê Chăm, từ Phan Rang đến Phan Rí, từ Tuy Phong qua Ma Lâm, mỗi làng thôn với những cảnh quan và nét đặc trưng của nó.
 
Bên cạnh Jaya Yut Cam, Đàng Năng Quạ có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Xa-ai Cam adei Bini” (Anh Chăm em Bàni), “Bhum adei” (Quê em), “Palei dahlak” (Làng tôi), “Karei jalan” (Không cùng chung lối). Các tình khúc của Đàng Năng Quạ xoay quanh hai đề tài muôn thuở của con người: tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương. Bằng ca từ dung dị nhưng khá độc đáo, các ca khúc ông đi sâu vào tâm hồn của nhiều lứa tuổi, mọi tầng lớp quần chúng Chăm. Trong thời gian đó, Châu Văn Kên cũng đã cho ra đời nhiều ca khúc có giá trị. Khác với người cùng thời, chủ đề thường là thế thái nhân tình, vừa sâu sắc ở suy tư, vừa tế vi ở nhận định.
 
Riêng sáng tác bằng tiếng Việt, chúng ta phải kể đến hai tên tuổi: Huyền Hoa và Jalau. Qua những bài thơ được đăng trong các tập san Hồn quê - Ninh Thuận, Panrang, Tuổi Ngọc (cũ) hay Đại Từ Bi (mới), Huyền Hoa và Jalau được xem như hai nghệ sĩ đi khai phá một vùng đất mới. Sau đó, Trầm Ngọc Lan là tài năng sớm phát triển, cũng đã kịp có một tập thơ góp mặt.
 
Đây là các khuôn mặt quen thuộc, những tên tuổi bị qui định trong không khí sinh hoạt văn học rời rạc của tỉnh lẻ, trong đó hai tập san PanrangƯớc vọng như hai mảnh đất để họ gặp gỡ, trao đổi và thể hiện.
 
Sau khi đất nước thống nhất, khi hai tập san với sự ra đời thất thường này đình bản thì sinh hoạt văn học Chăm cũng tắt ngấm. Một Amư Nhân với các khúc sôi nổi của anh không làm nổi mùa xuân. Và mặc dù sinh hoạt văn chương đất nước luôn rộn rịp, nhưng sau hai trăm năm biến cố lịch sử đã đi qua, với người Việt, các cây viết Chăm vẫn còn giữ “những khoảng cách còn lại” (tên tiểu thuyết của Nguyễn mạnh Tuấn), nên đến bây giờ vẫn chưa có Huyền Hoa hay Jalau khác xuất hiện. Có lẽ cuộc vật lộn với sinh hoạt thường nhật quá cam go nên họ không còn thời gian để mà mơ mộng và sáng tác. Cũng có thể thiếu môi trường thuận lợi cho tài năng văn học nẩy nở và phát triển”.
 

Nhận định được viết cách nay mười lăm năm. Mười lăm năm với bao biến chuyển cuộc thế, thay đổi cuộc người. Bằng nỗ lực vượt bậc, thế hệ Chăm yêu văn chương đã thu hẹp dần khoảng cách, ngày càng hẹp, ngắn hơn, để đến hôm nay, có thể nói, người viết văn, làm thơ đã nhập cuộc vào cộng đồng văn chương đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Trước tiên, người đọc nhận ra dấu hiệu đó qua vài bài thơ của Thông Thông Khánh, Thông Minh Hiền đăng rải rác trên các trang báo. Nhưng chỉ đến khi tập thơ Tháp nắng của Inrasara ra đời vào tháng 7 năm 1996, và sau đó là tạp chí Văn nghệ Dân tộc và miền núi số đặc biệt - trong đó các cây viết Chăm đóng góp chính - được phát hành rộng khắp như là quà tặng mùa Katê 1996, phong trào sáng tác Chăm mới thực sự nở rộ.

Nó chính là tiền thân của Tagalau, Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu Chăm ra số đầu tiên vào năm 2000. Đây là đặc san do một nhóm trí thức Chăm chủ trương, nhà thơ Inrasara chủ biên, ra đều đặn hàng năm. Gần trăm tác giả góp mặt qua chín kì Tagalau là con số rất đáng kinh ngạc!

 

Hầu hết tác giả đó, sau cuộc tuyển chọn, đều có mặt trong Văn học Chăm hiện đại - Thơ, mà hôm nay chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến độc giả.

Ngoài Inrasara được xem là nhà thơ chuyên nghiệp, còn lại đều là những cây viết không chuyên đang sinh sống ở nhiều vùng miền khác nhau: Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên,... và cả ở nước ngoài. Họ làm nhiều nghề khác nhau: giáo viên, bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân, nông dân, sinh viên hay học sinh đang ngồi lớp tại vùng sâu vùng xa; tuổi đời cách nhau đến ba, bốn thế hệ: lớn tuổi nhất Jaya Yut Cam (75 tuổi) và nhỏ nhất là Thạch Giáng Hạ (sinh năm 1988); có kẻ sáng tác thuần tiếng Chăm (Jaya Hamutanran, Phú Đạm,...), tiếng Việt (Trầm Ngọc Lan, Lộ Trung Thiện,...) hay song ngữ (Inrasara, Trà Vigia); có người đã quá cố (Jalau) nhưng cũng có cây bút vừa rời ghế giảng đường (Sonputra), nghĩa là đang mang đầy cảm hứng sống và viết. Khía cạnh khác, có tác giả đã in tập thơ (Huyền Hoa, Jalau, Chế Mỹ Lan) bên cạnh người chỉ mới góp mặt một bài thơ duy nhất (Đặng Tịnh, Hlapah); có người từng đoạt Giải thưởng thơ toàn quốc hay khu vực (Trà Ma Hani, Bá Minh Trí) cạnh khuôn mặt có các sáng tác rất đặc sắc nhưng chưa in báo chính quy nào (T-T. Tuệ Nguyên).

Tất cả góp mặt làm cho Tuyển tập đa giọng điệu, đa phong cách.

 

Từ bài thơ xuất hiện cách nay hơn nửa thể thế kỉ và được đông đảo bạn đọc Chăm biết đến như “Su-on bhum Cam” (1967) đến các sáng tác mới chưa đăng báo, như của Mih Tơm hay Simhapura; từ thể thơ hay giọng điệu tiếp nối truyền thống như Diễm Sơn, Huy Tuấn, Huyền Hoa, Kahat, Cahya Mưlơng, Chế Mỹ Lan, Quỳnh Chi, Minh Trí, Phutra Noroya cho đến các khai phá, sáng tạo với tinh thần hội nhập và cởi mở trong thời đại toàn cầu hóa của vài cây bút mới: Jalau Anưk, T-T. Tuệ Nguyên,... Tất cả bài thơ đều được tuyển chọn theo tiêu chí: đặc sắc, mới lạ, độc đáo và đẫm chất nhân văn. Một/ một vài hay cả bốn tiêu chí. Tùy tác giả, thế hệ, giới tính.

 

Thế nhưng, dẫu sao vẫn còn đó các cây bút dù từng góp mặt trong Tagalau nhưng, bởi vài lí do, chưa xuất hiện ở Tuyển tập này. Hi vọng trong các kì tái bản tới hay ở tuyển tập khác, sáng tác của họ sớm đến với đông đảo người đọc yêu văn chương.

Tủ sách văn học Chăm luôn chờ đợi những sáng tác mới, khuôn mặt mới - độc đáo hơn, sáng tạo hơn.

 
Sài Gòn, 20-8-2008.
 
___________________
* Có vài khuôn mặt khá độc đáo, như Trần Wũ Khang, Trà Chay Pyang, Quãng Ngũ,... nhưng bởi thiếu tư liệu về tác giả (ảnh chân dung, tiểu sử,...), nên chúng tôi đã tạm gạc lại, đợi lần in sau.

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021